Văn hóa

Người ta có thể thoát khỏi văn hóa của mình không?


15-10-2020
Tác giả: AÏDA N'DIAYE

Nguyễn Hồng Phúc dịch từ bản tiếng Anh

Mão Xuyên hiệu đính từ nguyên bản tiếng Pháp

[Luận văn tham khảo cho đề thi học kỳ môn triết học của Pháp năm 2017]

Câu hỏi trên đã cho thấy một tiền giả định rằng, con người, theo một cách nào đó, là ‘tù nhân’ bởi chính nền văn hóa của mình. Phải đặt ra câu hỏi như vậy là vì con người không thể một cách tự nhiên tách rời khỏi văn hóa đó. Vấn đề còn lại là xác định xem thứ văn hóa chúng ta đang nói đến chính xác là gì? Nếu môi trường lịch sử, xã hội, kinh tế là những yếu tố can thiệp vào các cá nhân một cách tất yếu trong một nền văn hóa (con người không sống trong trạng thái tự nhiên, có chăng cũng chỉ là giả định), thì cụm từ “văn hóa của mình” ngầm định rằng có một nền văn hóa là tài sản riêng biệt của các cá nhân. Văn hóa quy chiếu đến tất cả những sản phẩm và giá trị tạo nên đặc trưng của một nhóm. Nhưng giờ đây, trong xã hội, cá nhân thuộc về rất nhiều nhóm khác nhau: nhóm xã hội- nghề nghiệp, nhóm chủng tộc, tôn giáo, vân vân. Vậy, làm cách nào xác định được những gì đã tạo nên văn hóa của một cá nhân? Những biểu hiện nào chứng tỏ một cá nhân đã đoạn tuyệt được với môi trường do chính mình phát triển và xây dựng? Nếu một ngườithoátrakhỏi văn hóa của mình, thì căn cước của anh ta nằm ở đâu?

Trên lý thuyết, tự do của các cá nhân cho phép họ có thể thoát ra khỏi văn hóa của mình

Ở phần thứ nhất này, ta sẽ bàn đến đặc quyền tự do của các cá nhân –thứ tạo nên sự tồn tại củacon người trong suốt lịch sử của mình. Thực chất, văn hóa được in hằn trong thời gian.Đấy là những gì ta sẽ đạt được hoặc sẽ phát triển trong chiều dài lịch sử hay chiều dài hiện sinh như là những xác quyết tách biệt con người khỏi giới tự nhiên và cảthứ tự nhiên[thứ hai] của chính con người.Vì vậy, giáo dục, theo nghĩa rộng, là [quá trình] kiến tạo văn hóa của một cá nhân. Dù là văn chương hay tôn giáo,…cũng đều được lưu truyền thông qua giáo dục. Do đó, câu hỏi được đặt ra không phải chỉ dừng lại ởviệc xem xét mối quan hệ của chúng ta với những thành tựu hiện tại trong một nhóm có những đặc tính văn hóa riêng, mà còn nằm ở mối quan hệ với quá khứ mà chúng ta thừa kế. Nhưng căn cước của một cá nhân thì không cố định. Hãy nghĩ đến chủ nghĩa hiện sinh của Sarte trong Thuyết hiện sinh là một học thuyết nhân bản. Theo ông,‘tồn tại có trước bản chất’(existence precedes essence), tức là chúng ta liên tục định nghĩa và tái định nghĩa bản thân thông qua những hành động xuyên suốt lịch sử của chúng ta. Ta cũng có thể nghĩ đến khái niệm của Kant về nhân tính (humanity)mà định nghĩa của nó quy chiếu đến một bản chất phổ quát của con người, được chia sẻ bởi mỗi người trong số chúng ta và tùy vào yếu tố trội hơn để quyết định ta là người thế nào, như Kant đã chỉ ra trong Các cơ sở của siêu hình học đạo đức chẳng hạn. Vì vậy, trên lý thuyết, không gì ngăn cản được con người đoạn tuyệt với những thứ đã tạo nên anh ta.Lý tính, tức bản chất của con người không phải thứ giản đơn, khả năng thiết lập những kế hoạchcung cấp cho nó năng lực tự quyết và đạt tới sự tự do có giới hạn như một quyền tự chủ.

Trong thực tế, cá nhân không thể phớt lờ những thứ bao quanh mình.

Ở phần này, chúng ta có thể chỉ ra rất nhiều yếu tố trong một nền văn hóa gây khó khăn lớn cho những mong muốn vượt thoát khỏi nó. Thực chất, trên lý thuyết chúng ta luôn có những lựa chọn, nhưng trong thực tế, mọi thứ dường như phức tạp hơn.Giải phóng một người khỏi văn hóa của mình chẳng phải cũng là chuyển người đó sang thành một tồn tại thuần lý hay sao? Văn hóa là một phần toàn vẹn của căn cước cá nhân, không chỉ đơn thuần là một tồn tại người phổ quát, trừu tượng, càng không phải là một cá thể biệt lập. Việc nằm trong một nhóm cũng góp phần tạo nên nhân tính của anh ta.Chúng ta là những tồn tại tổng thể sống động và dự phần vào một thực tại hiển hiện.Tất nhiên, dễ dàng có thể nhận ra rằng một cá nhân không khi nào mô phỏng một cách máy móc những gì đã qua hoặcđã thụ đắc.Được nuôi dạy trong đức tin, người ta vẫn hoàn toàn có thể là một kẻ vô thần.Tuy nhiên, giáo dục và văn hóa tôn giáo sẽ vẫn luôn là những thành tố tạo nên cá nhân đó. Tự do tuyệt đối được nêu lên ở phần trước, do vậy, chỉ như một ảo tưởng. Spinoza và Marx đã nói đến điều này.Trái lại, việc thuộc về một nền văn hóa vẫn được xem như không thể tách rời với việc ta là ai. Điều này đã được chỉ ra bởi một vài nhà tư tưởng đa văn hóa hiện đại, như Kymlicka hay Tylor. Cụ thể, nói về ‘bối cảnh của lựa chọn’(context of choice), họ lý giải bằng cách nào chúng ta không thể nghĩ về khế ước xã hội mà không dung hòa những quyết định văn hóa cần thiết cho sự thừa nhận đầy đủ các cá nhân. Thông qua những nghiên cứu của Pierre Bourdieu, ta cũng có thể chỉ ra cách mà con người không thể tránh khỏi việc phản ánh trên thân thể mình những vết tích của nền văn hóa mà từ đó ta lớn lên.

Người ta có thể thoát khỏi văn hóa của mình nếu đúng thời điểm

Trong phần này, chúng ta sẽ bắt đầu từ một vài trường hợp đặc biệt nhằm khảo sát những điều kiện khả thể cho sự giải thoát của họ. Con người không chỉ đơn giản lặp lại những gì nhận được. Trong những điều kiện nào họ có thể ‘giải phóng’cho mình?Công thức chung thừa nhận rằng các cá nhân là tác giả của chính sự tự do của mình (sinh ra để tự do). Quyết định luận văn hóa xã hội chỉ ra rằng các cá nhân đơn độc không thể đơn giản quyết định phá bỏ ràng buộc với những gì họ được giáo dục. Vì vậy, người ta có thể dè dặt tuyên bố việc thoát khỏi văn hóa của mình không phải là một hành động tỉnh táo, có chủ định và suy xét. Nó không đủ để quyết định không là chính mình nữa và trở thành một ai đó khác.Trong việc chuyển hóa giai cấp, nhà xã hội học Nicolas Jounin đã cho thấy những khó khăn đối với các sinh viên của ông trong việc gạt đi những đặc trưng văn hóa, xã hội của mình để hòa hợp với môi trường không phải của bản thân. Tuy nhiên, ở mặt khác, như một cơ may, qua một buổi gặp mặt, một sự kiện, cá nhân bỗng có cơ hội bắt gặp một con đường khác. Đây là điều mà triết gia hiện đại Chantal Jacquet đã nghiên cứu trong cuốn Xuyên giai cấp (Transclasses) của mình, nơi bà đã quan sát hành trình của những nhân vật (như nhân vật tiểu thuyết Annie Ernaux chẳng hạn) nỗ lực vượt lên trên điều kiện xã hội vốn có của mình. Cuốn sách kết luận rằng việc vượt thoát khỏi nền văn hóa gốc không nằm ở một ý chí thấu đáo hay cụ thể nào của con người mà nằm ở cơ may trong cuộc đời và số phận của họ. Do đó, các cá nhân ‘được thoát khỏi’ văn hóa của mình hơn là ‘tự giải thoát’ một cách thực sựkhỏi nền văn hóa đó.

Kết luận

Người ta không thể tự mình thoát khỏi nền văn hóa. Chắc chắn là, vẫn có những trường hợp ngoại lệ các cá nhân đoạn tuyệt ngoạn mục với bối cảnh xã hội, tôn giáo hay chủng tộc của mình.Nhưng sức mạnh của quyết định luận lớn đến mức chúng ta chỉ có thể tạm kết rằng có rất nhiều trường hợp các cá nhân được chính nền văn hóa ‘thả ra’ trong khoảnh khắc một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, và dựa vào những cá nhân nào đó đã vượt thoát thành công một cách độc lập.

Nguồnhttp://www.philomag.com/bac-philo/copies-de-reves/peut-on-se-liberer-de-sa-culture-24438

http://vanhoanghean.com.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020