Văn hóa

Chủ nghĩa dân tộc xa xứ


15-10-2020
Tác giả: Benedict Anderson (Lưu Ngọc An dịch)

Lời dẫn: Trên cơ sở hai tiểu luận đã công bố, một có tiêu đề “Di cư” (Exodus) đăng trên Critical Inquiry (số 20, Đông 1994), và hai “Chủ nghĩa dân tộc xa xứ: Chủ nghĩa tư bản thế giới và sự trỗi dậy của chính trị căn cước” (Long-distance nationalism: World capitalism and the rise of identity politics), bài giảng do Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Amterdam ấn hành năm 1992, Anderson đã sửa chữa, điều chỉnh và hợp nhất thành tiểu luận “Chủ nghĩa dân tộc xa xứ” (Long-distance nationalism) in trong công trình được Verso xuất bản năm 1998 Bóng ma của những so sánh: Chủ nghĩa dân tộc, Đông Nam Á và thế giới (The spectre of comparisons: Nationalism, Southesat Asea, and the World), công trình được coi là một bổ sung đồng thời là một phản hồi của Anderson trước những phê phán đối với Cộng đồng tưởng tượng. Sau ấn bản đầu 1983 của Cộng đồng tưởng tượng, Anderson đã bắt đầu nhận ra một số thiếu sót, đặc biệt sau khi ông bị phê bình không đề cập đến toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc của các di dân xuyên biên giới quốc gia. Tiểu luận vì vậy được coi là một câu trả lời của tác giả đối với phê phán này, thực chất là một bổ khuyết của tác giả bởi trên thực tế ông đã bàn về các di dân gốc Âu (creole) tại châu Mỹ trong chương 4 Cộng đồng tưởng tượng. Từ xuất phát điểm phân tích các tác động của chủ nghĩa tư bản tiên tiến trong lĩnh vực giao thông và thông tin, tiểu luận đã trình bày bức tranh di dân toàn cầu trong hai thế kỷ qua và những hệ quả chính trị của chủ nghĩa dân tộc của di dân, đặc biệt là hệ quả của các nhận đồng sắc tộc (ethnicity) ở hải ngoại đối với các quốc gia tiếp nhận di dân cũng như đối quê nhà cách xa (long-distance) vốn là sinh quán của họ hoặc tổ tiên họ. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sự hình thành các “căn cước phiêu dạt” (floating identities) này đã phá hủy nền tảng của cái mà Anderson gọi là các dự án dân tộc chủ nghĩa cổ điển của thế kỷ 19, trong một thời đại mà các thiết chế quốc gia (chẳng hạn bầu cử) và căn cước quốc gia không còn duy trì sức mạnh quyền uy như trước. Trong tiểu luận Anderson cũng đề cập đến tình hình di dân đã gây ra tác động như thế nào đối với sự thay đổi tính chất của hai hình thức xác nhận căn cước vốn là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp: giấy khai sinh và hộ chiếu. Từ các phân tích sâu sắc của Anderson, có thể thấy tiểu luận này là một phát triển sâu hơn chương 4 Cộng đồng tưởng tượng vàlà một trong những bổ sung quan trọng nhất cho cuốn sách của ông.        

                                           

                                                           ***

Trong một tiểu luận nổi tiếng được viết trong những năm 1860, Huân tước Acton danh tiếng, sử gia, chính trị gia người Anh gốc Napoli, một tín đồ Cơ đốc theo chủ nghĩa tự do, đã cảnh báo bằng con mắt tiên tri rằng ba tư tưởng hùng mạnh và mang tính lật đổ đang đe dọa “nền văn minh hiện tồn”. Ba tư tưởng này là chủ nghĩa quân bình, nhắm tới nguyên lý của chế độ quý tộc; chủ nghĩa cộng sản (ông đang nghĩ tới Babeuf chứ không phải Marx),1 nhắm tới nguyên lý tài sản; và chủ nghĩa dân tộc hay dân tộc(nationality), nhắm tới nguyên lý của tính hợp pháp(legitimacy). Về tư tưởng thứ ba ông viết rằng, nó “xuất hiện muộn nhất, hấp dẫn nhất đương thời và giàu những hứa hẹn về sức mạnh tương lai nhất”.2 Nếu quan sát thế giới chung quanh chúng ta, 130 năm sau phát biểu của Acton, chúng ta thấy dường như ông đã nói đúng. Chế độ quý tộc đã bị loại bỏ trong tư cách một tư tưởng chính trị quan trọngvà hầu như ở bất cứ đâu phổ thông đầu phiếu đã trở thành một thực tế hiển hiện hoặc một viễn cảnh sắp diễn rakhông thể tránh khỏi.3 Chủ nghĩa cộng sản với tất cả các hình thái của nó dường như đã trở thành một thoái trào lịch sử. Nhưng tính hợp pháp cũng bị lật đổ ở hầu hết các khu vực, đến mức số lượng thành viên hiện nay của Liên hợp quốc đông gấp bốn lần Hội quốc liên tiền thân cách đây bảy thập kỷ. Các đế chế đa ngữ lớn được gây dựng trong hàng trăm năm đều lần lượt tan rã - những vương quốc rộng lớn từng được đặt dưới sự cai trị của London, Istanbul, Moscow, Madrid, Lisbon, La Hay, Vienna, Paris, thậm chí Addis Ababa.4Chỉ còn lại khu vực kế thừa di sản của Đế quốc Trung Hoa ít nhiều vẫn đứng vững, nhưng ai dám cược rằng một ngày nào đấy Tây Tạng và Đài Loan, có thể cả Nội Mông và Tân Cương, sẽ không tìm thấy một ghế ở Liên hợp quốc? Ta cũng dễ dàng dự đoán trong tương lai Đông Timor, Puerto Rico, Kurdistan hoặc Kosovo 5 sẽ giành được độc lập.

Nhưng cùng với quá trình giải thể mạnh mẽ - cũng là quá trình giải phóng - này, thế giới ngày càng gắn kết chặt chẽ thành một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đơn nhất. Trong nền kinh tế này của thời đại chúng ta, chỉ cần một cú nhấn trên bàn phím máy tính, hàng tỷ đô la gần như ngay lập tức sẽ được chuyển đi khắp thế giới. Làm cách nào để hiểu được sự dịch chuyển song trùng nghịch lý vừa hợp nhất vừa phân rã này? Những động lực này mâu thuẫn nhau hay chỉ là những mặt tương phản của cùng một tiến trình lịch sử? Liệu chủ nghĩa tư bản, trong sự vận động liên tục không ngừng của nó, có tạo nên những dạng thức mới của chủ nghĩa dân tộc?

Một xuất phát điểm khả dĩ để giải đáp những vấn đề này là hai đoạn văn khác trong tiểu luận của Acton. Đoạn văn thứ nhất trên thực tế là trích đoạn từ một bài thuyết giáo của nhà hùng biện vĩ đại thế kỷ 17, giám mục Jacques Bénigne Bossuet. Sử gia của chúng ta đã đề cập đến nó với ý tán thành.

Bởi vậy xã hội nhân loại đòi hỏi chúng ta phải yêu quí mảnh đất mà chúng ta sống cùng nhau: chúng ta phải coi nó như mẹ, như đấng nuôi dưỡng chung của chúng ta…trên thực tế người ta cảm thấy gắn kết nhau bởi một điều gì đó mạnh mẽ, khi họ nghĩ rằng mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ cũng sẽ đón họ vào lòng khi họ chết đi. [tiếng Pháp trong nguyên văn - ND].

Đoạn thứ hai là một câu châm ngôn của chính Acton “tha hương là môi trường nuôi dưỡng dân tộc tính”.6

Acton đang thử khu biệt hai dạng thức trung thành chính trị, một tương thích hoàn toàn với tính hợp pháp, một thù địch sâu sắc với nó. Bởi lẽ Bossuet không nói về nước Pháp (càng không phải về người Pháp), mà nói về một trạng thái xã hội chung trong đó con người cảm thấy gắn kết nhau một cách mạnh mẽ bởi đất mẹ đã nuôi dưỡng họ; nhờ sự che chở của đất mẹ họ sẽ - và họ mơ ước như thế - có được nơi yên nghỉ cuối cùng. Dường như với ông, việc con người mong muốn được chết tại chính nơi mà mình sinh ra và lớn lên là điều hoàn toàn bình thường. Sự bất di bất dịch (immobility) này -nằm trong giới hạn của những khoảnh khắc vô tình định mệnh của sinh và tử - có liên hệ mật thiết với những chân lý xã hội của xã hội phong kiến: một chế độ được xây dựng thành một hệ thống tôn ty có tính chất Thần định (God-given) và không thể thay đổi. Kết hợp cùng tình cảm sâu sắc dành cho lãnh thổ địa phương, trạng thái này đã tạo điều kiện cho sự kết tụ âm thầm và trang nghiêm hàng trăm những cộng đồng như thế thành những đế quốc (imperia) hợp pháp rộng lớn và đổ nát, và khi cần chúng có thể phân tách thành các đế quốc khác thông qua các cuộc hôn nhân vương triều, ngoại giao và chiến tranh.7 Bởi vậy trọng tâm chú ý của Bossuet là Heimat [“quê hương” trong tiếng Đức - ND] hoặc có thể đúng hơn là patria [“quê nhà” trong tiếng Tây Ban Nha - ND], một từ Iberia tuyệt vời có thể linh động chuyển từ “quê hương”, qua “quê nhà” và “quê quán” mở rộng nghĩa thành “nước nhà”.

Trái ngược với dạng thức trung thành chính trị trên, Acton tin rằng “dân tộc tính” bắt nguồn từ tha hương (exile), tức hình thành khi con người không còn dễ dàng nuôi giấc mơ được trở về với đất mẹ đã sinh ra và nuôi nấng mình. Rất có thể cái mà sử gia tự do chủ nghĩa này nhớ đến chủ yếu là các lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa vĩ đại trong thời đại của ông - Mazzini, Garibaldi, Kossuth v.v… Nhiều người trong số họ vì những lý do chính trị dễ thấy đã sống trong những thời kỳ dài bên ngoài Quê hương (Heimat) của mình, có lúc còn chết nơi đất khách quê người. Nhưng cái mà Acton gọi là tha hương trên thực tế đã diễn ra từ rất sớm. Suy tư của Bossuet đã trở nên lỗi thời, bởi ông sinh năm 1627, bảy năm sau khi Những người cha Hành hương Thanh giáo đặt chân đến Plymouth Rock và hơn một thế kỷ sau khi Hernan Cortés theo Cơ đốc tấn công kinh thành huyền thoại của Moctezuma.8Bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, hàng triệu người châu Âu ít nhất được tự do trên danh nghĩa và hàng triệu người châu Phi phải chịu thân phận nô lệ hơn có thể nói đã tham gia vào những “chuyến tha hương” vượt Đại Tây Dương. Những cuộc di dân vốn không có tiền lệ trong lịch sử cả về quy mô và khoảng cách này đã buộc Lisbon, Madrid và London chế ra những từ mới lạ lẫm crioulocriollo 9 và “the colonial” (dân thuộc địa) để chỉ một kiểu cư dân và văn hóa mới xa xứ. Không gì có thể đưa ra một bức tranh sống động về ý thức xa xứ mới xuất hiện này hơn những hồi ức trong trẻo của Mary Rowlandson, một phụ nữ 19 tuổi mới lập gia đình người Massachusetts. Tháng Hai năm 1675, cô đã bị một nhóm chiến binh Algonquin và Narragansett địa phương bắt cóc trong một thời gian ngắn. Cô viết về điều này một cách đáng thương.

Tôi nhìn thấy một nơi có Gia súc của người Anh: đó là một điều an ủi với tôi, dù là một nơi rất tệ. Ngay sau đó chúng tôi đi tới một Con đường nhỏ của người Anh, tôi thích nó đến mức tôi nghĩ mình có thể nằm xuống thoải mái mà chết. Ngày nọ, khi trời vừa quá trưa, chúng tôi đến Squaukheag, nơi những người Anh điêng đã nhanh chóng tỏa ra trên các Cánh đồng vắng vẻ của người Anh.10

Trong cách dùng từ của cô, chúng ta nhận thấy những giao cắt xa lạ, hoàn toàn thuộc về ngôn ngữ của di dân. Một mặt cô cảm thấy không cần phải giải thích với người đọc của cô Squaukheag ở đâu, chưa nói đến làm cách nào phát âm địa danh phi châu Âu đáng chú ý này. Sự thân thuộc của cô không có gì phải ngạc nhiên, Squaukheag có thể nói là nơi gần gũi, bởi cô đã chào đời và trải qua toàn bộ thời kỳ thanh niên ở Massachusetts, một địa danh cũng không kém phần phi châu Âu.11 Mặt khác cô thấy trước mặt mình “Gia súc của người Anh”, một “Con đường nhỏ của người Anh” và “những Cánh đồng của người Anh”, mặc dù cô chưa bao giờ ở trong phạm vi cách Anh ba ngàn dặm. Đây không phải là những thứ bứt tách từ Cotsworldshay Downs12 - có thể nói là những không gian thực – mà là những hành động tưởng tượng vốn không bao giờ diễn ra đối với vợ một vị mục sư trẻ tuổi ở Gloucestershire hoặc Surrey13trong thế kỷ 17. Ở một mức độ nào đó chúng sẵn sàng “thuộc về người Anh” bởi chúng ở Massachusetts chứ không phải ở Anh và bởi đối với Mary chúng mang những dấu vết lao động nông nghiệp của cư dân “Anh” của cô. Nhưng ta cũng có thể đoán rằng trước khi bị bắt cóc, trên thực tế cô vẫn coi gia súc là gia súc, cánh đồng là cánh đồng. Thời khắc “dân tộc hóa”của cô chỉ đến khi, dưới sức mạnh của những người Algonquin và Narragansett, cô bị bứt khỏi đời sống thường nhật quen thuộc và nhận thấy mình trong thân phận tha hương đáng sợ - ngay giữa Massachusetts quê hương của cô. Con đường nhỏ mà cô gắng sức bước đi trở thành con đường của người Anh ngay tại thời điểm mà cô tin chắc mình không thể nằm xuống đó mà chết. Khi cô rốt cuộc được thả nhờ một khoản tiền chuộc và trở về với cộng đồng quê hương của mình, cơn rùng mình “dân tộc chủ nghĩa” mới biến mất. Bởi ít nhiều cô đã tìm cách để trở về nhà. Nhưng quê nhà này là Lancaster [thị trấn ở quận Worcester, Massachusetts - ND] mà vẫn chưa phải là nước Mỹ.14 Nghịch lý ở đây là, giờ đây chúng ta chẳng mấy khó khăn để nhận ra Mary Rowlandson  người Mỹ, bởi khi bị bắt giam cô đã nhìn thấy trước mắt những cánh đồng của người Anh.

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, trong vòng một năm câu chuyện của Mary Rowlandson đã được xuất bản trên cơ sở bản đầu của Massachusetts và chứng tỏ rất được chào đón khi có tới 30 ấn bản xuất hiện trong thế kỷ 18.15Ở Vương quốc Anh mới thành lập – Mary bị bắt hai thập kỷ trước khi Scotland bị Anh thâu tóm - một công chúng đọc (reading public) đang phát triển nhanh chóng dần dần chú ý đến những người phụ nữ viết tiếng Anh không theo quy tắc, họ chưa bao giờ đặt chân đến Anh nhưng có thể bị “những kẻ hoang dã” kéo lê qua những cánh đồng của người Anh. Họ là những người như thế nào? Họ có thực sự là người Anh? Âm bản ảnh (photographic negative) của“những cư dân thuộc địa” (the colonial) – những người phụ nữ Anh nhưng không sinh ra tại Anh - bắt đầu hiện lên một cách rõ rệt.

Do những cuộc chinh phục của Tây Ban Nha ở khu vực Carribe và Nam Mỹ đã tiến hành một thế kỷ trước khi những khu định cư lâu dài của người Anh được thành lập tại Bắc Mỹ, nên những cư dân Tây Ban Nha không sinh ra tại Tây Ban Nha đã bắt đầu xuất hiện từ rất sớm. Ngay từ năm 1612, nhà thần học người Madrid thuộc phái Dominic Juan de la Puente đã viết rằng “thiên đường châu Mỹ đã dẫn đến sự dễ dãi, dâm đãng và dối trá: những tật xấu đặc trưng của người Anh điêng, và khi được tích tụ lại, cũng trở thành những cố tật điển hình của những người Tây Ban Nha sinh ra và lớn lên tại đó”.16 Những di dân gốc Âu (creole) này ban đầu được sáng tạo về mặt hình ảnh, về sau trở thành một thực tế văn hóa và chính trị.17 Chúng ta có thể thấy ở đây những nguồn gốc lịch sử đích thực của “người bản xứ” (native), đặc biệt khi chúng ta nhớ lại cơn phẫn nộ kéo dài cả thế kỷ đối với de la Puente, một cơn phẫn nộ được truyền tải qua tiếng rít âm thầm của ấn phẩm ở phía bên kia Đại Tây Dương. Nhân vật “bản xứ” này tuy có lúc biểu thị dưới những cái tên khác,18 nhưng vẫn tiếp tục tồn tại cho đến tận thời đại của chúng ta, ở châu Âu cũng như ở các khu vực khác.

Bởi giống như cư dân thuộc địa và di dân gốc Âu, người bản xứ là một âm bản đen trắng (white-on-black negative). Tính chất bản địa của người bản xứ luôn luôn cởi mở và ý nghĩa thực sự của nó mang tính lai ghép (hybrid) và nghịch hợp (oxymoronic).19 Nó xuất hiện khi người Morroco, người dị giáo, người Hồi giáo, người dã man, người Hindu v.v… trở thành những thực tế lỗi thời, tức không chỉ xuất hiện khi một lượng lớn người Việt đọc, viết và có thể nói tiếng Pháp (thời điểm lâm vào những cuộc đọ sức thực sự trong lĩnh vực in ấn), mà còn cả khi người Czech sử dụng tiếng Đức, người Do Thái sử dụng tiếng Hungary. Sự thuần khiết của chủ nghĩa dân tộc (và do đó cả sự thanh lọc) bắt đầu xuất hiện từ chính sự lai ghép này.

Điều gì đã khiến cho tất cả những động lực này vận hành? Nói cách khác, đâu là nhân tố tạo điều kiện cho sự xuất hiện thuộc tính Anh (Englishness) không ổn định của Mary Rowlandson (và của London không lâu sau đó)? Câu trả lời đơn giản là chủ nghĩa tư bản: nhờ những thiết chế của nó, kể từ giữa thế kỷ 16, người ta có thể vận chuyển hàng triệu di dân tự do, lao động theo giao kèo và nô lệ vượt qua hàng ngàn dặm đại dương. Song những trang bị vật chất của sự dịch chuyển này - thuyền bè, súng ống, thiết bị hàng hải - đều được chỉ dẫn bởi các bản đồ Mercartor được tính toán chính xác về mặt toán học và những tri thức lớn được tích lũy và phổ biến trong các ấn phẩm. Cũng chính nhờ các ấn phẩm di chuyển ngược xuôi qua đại dương mà những thế giới không ổn định và được tưởng tượng của thuộc tính Anh và thuộc tính Tây Ban Nha mới được tạo ra.

Mối liên hệ quan trọng giữa sự vận chuyển cách xa và các phương tiện thông tin của chủ nghĩa tư bản in ấn đã tạo nền tảng cho sự nở rộ các phong trào dân tộc chủ nghĩa đầu tiên vào cuối thế kỷ 18. Điều đáng chú ý là các phong trào này nở rộ trước hết ở Bắc Mỹ, sau đó mới nổ ra tại các thuộc địa Cơ đốc của hai đế chế Iberia [tức Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – ND]ở Nam Mỹ, nơi các hoạt động kinh tế vẫn hoàn toàn mang tính chất tiền công nghiệp. Minh chứng rõ nhất cho quá trình này là thực tế rằng vào nửa sau thế kỷ 18, số lượng xưởng in ở Bắc Mỹ thuộc địa nhiều hơn cả chính quốc. Bởi vậy vào năm 1765, nói theo Michael Warner “in ấn dần dần được coi là một phương tiện không thể thiếu đối với đời sống chính trị; với những người như Adams20 nó dường như là tác nhân hàng đầu cho sự giải phóng thế giới. Điều khiến cho sự chuyển biến này của in ấn trở nên đặc biệt đáng chú ý, đó là khác với sự bùng nổ của in ấn trong thế kỷ 19, nó hầu như không đòi hỏi phải có những cải tiến công nghệ trong lĩnh vực của mình”.21

Trong khi đó ở bên kia Đại Tây Dương và sau đó trên khắp thế giới, một chủ nghĩa tư bản công nghiệp mới xuất hiện đã bắt đầu tạo ra những dạng thức tha hương mang tính địa phương hơn. Trong cuốn tiểu thuyết kỳ lạ xuất bản năm 1847 của mình, Tancred hay Cuộc thập tự chinh mới (Tancred or The New Crusade), Benjamin Disraeli22nhận thấy “London là một Babylon của thời hiện đại”.23 Trong so sánh theo lối nghịch dụ (oxymoron) này, tiếng vọng của một câu chuyện lưu đày24 cũng vang dội như tiếng vọng của một ẩn dụ mang tính cách ngôn về sự xa hoa và trụy lạc. Nó xuất hiện một cách logic từ tiêu đề phụ nổi tiếng “Hai dân tộc” (Two nations) của Sybil, tiểu thuyết được Disraeli xuất bản hai năm trước đó. Chủ nghĩa tư bản công nghiệp đang có tác động sâu sắc lúc đó đã tạo ra “hai dân tộc”25 bên trong một nhà nước duy nhất có lãnh thổ rất nhỏ (nhỏ hơn Pennsylvania và New York cộng lại nếu không tính Ireland), nhưng “hai dân tộc” này lại không hề tương ứng với bất cứ cộng đồng sắc tộc hoặc tôn giáo được thừa nhận nào. Khi Friedrich Engels đến Manchester năm 1842 và bắt đầu nghiên cứu tình cảnh của giai cấp công nhân, George Stephenson26 đã đến đây trước ông. Trung tâm dệt may này của thế giới đã có một nhà ga xe lửa. Đầu máy hơi nước đã bắt đầu sứ mệnh lịch sử thế giới của nó: chuyển hàng triệu thôn dân ở nông thôn đến các khu ổ chuột của thành phố, một sứ mệnh có tính bước ngoặt không kém sứ mệnh của các hải thuyền vượt Đại Tây Dương thực hiện ba thế kỷ trước đó.27 Chỉ một thiểu số sẽ trở về quê nhà và kết thúc cuộc đời của họ trong những huyệt mộ chật chội nơi yên nghỉ của những tổ tiên man rợ của thôn làng. Gellner đã mô tả một cách xuất sắc trải nghiệm mới của đời sống công nghiệp đã thay đổi tận gốc như thế nào cuộc sống của những cư dân này và thay đổi này đã khiến họ có vai trò ra sao đối với chủ nghĩa dân tộc, nhưng mô tả của ông nên được hiểu dưới dạng dấu hiệu của tha hương.28 Từ cửa sổ của một toa tàu, người ta bắt đầu có thể nhìn thấy “những cánh đồng của người Anh” tại Anh quốc. Trong khi đó một dạng thức tha hương khác đã bắt đầu xuất hiện từ chính giới giàu có, tầng lớp mà chủ nghĩa tư bản công nghiệp đang tạo ra cho các nhà nước châu Âu. Bởi lẽ tầng lớp giàu có này đang tạo điều kiện cho sự lan rộng của một hệ thống giáo dục phổ cập được tập trung hóa, tiêu chuẩn hóa và phân cấp một cách chặt chẽ. Eric Hobsbawm nhắc nhở chúng ta rằng vào thời điểm xuất bản Tancred, đêm trước của những cuộc nổi dậy năm 1848, chỉ có khoảng 48.000 sinh viên đại học trên toàn châu Âu, một con số thực chất còn thấp hơn lượng sinh viên nhập học hiện nay của Đại học Bang Ohio.29 Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, bộ giáo dục xuất hiện khắp nơi như nấm – Thụy Điển năm 1852, Anh năm 1870, Pháp năm 1882 - và trẻ em bắt đầu phải di cư (migrate)30 đến trường một cách cưỡng bách.31

Khi Pedro Calosa người Philipines vào tuổi vãn niên được phỏng vấn giữa những năm 1960 và được hỏi so sánh hoàn cảnhcủa thời đó với hoàn cảnhcủa cuộc nổi dậy chống thực dân Mỹ mà ông cầm đầu năm 1931, ông đã nhận xét với vẻ thỏa mãn hoài cổ rằng lúc đó “chưa có các thanh thiếu niên”.32 Bởi kiểu người mới này - những kẻ dịch chuyển từ trẻ thơ sang lao động thành niên - lúc đó mới bắt đầu xuất hiện nhờ bộ máy giáo dục đại chúng mới của các nhà thực dân. Tuy nhiên xét một cách rộng hơn, từ nửa sau thế kỷ 19, thanh thiếu niên ở vào một vị thế mà nhà nước đã áp đặt lên họ những phương ngữ được chuẩn hóa. Bất kể đây là một phương ngữ ổn định về mặt xã hội của một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong các thần dân của nhà nước (chẳng hạn tiếng Anh của Quốc vương) hay một phương ngữ được chọn từ nhiều phương ngữ khác nhau (chẳng hạn tiếng Đức ở đế quốc Áo-Hung), thì kết quả thường là tái phân cấp và hợp lý hóa thứ bậc xã hội và chính trị của các phương ngữ và thổ ngữ; thực tế này càng trở nên dễ thấy khi hệ thống giáo dục mới ngày càng gắn với các khả năng nghề nghiệp và các cơ hội thay đổi địa vị xã hội. Không ngạc nhiên khi cư dân ngày càng ý thức được những thực tế ngôn ngữ của họ và hệ quả của những thực tế đó. Kết quả mà ta thường thấy là một dạng thức tha hương. Ở Cựu châu Âu, một phương ngữ được chuẩn hóa càng không chỉ là ngôn ngữ nội bộ của giới chức chính quyền mà còn trở thành ngôn ngữ chính thức của một nhà nước tuyên truyền,thì càng có khả năng xuất hiện một thực tế tương tự di dân gốc Âu hoặc người bản xứ: người Đức không phải người Đức đích thực, người Ý không hoàn toàn gốc Ý, người Tây Ban Nha không nói tiếng Tây Ban Nha. Tương tự ở châu Mỹ, một dạng âm bản (negativity) không ổn định đã xuất hiện. Bởi vậy khônggì gâyngạc nhiênhơn thực tế rằng các phong trào dân tộc chủ nghĩa làm thay đổi bản đồ châu Âu năm 1919 lại thường được lãnh đạo bởi các thanh niênsử dụng song ngữ, một mô hình được theo đuổi ở châu Á và châu Phi sau 1919. Tại sao một thanh niên học tiếng Czech từ mẹ đẻ và tiếng Đức từ trường học lại có thể gạt bỏ thứ tiếng Czech chưa từng để lại những dấu vết uế bẩn lên các bạn học nói tiếng Đức của anh ta? Vì saoanh ta không coi tiếng Czech của mình là ngôn ngữ tha hương, thông qua chiếc kính viễn vọng bị đảo ngược của thứ tiếng Đức mà anh ta sử dụng?33

Từ góc nhìn đã trình bày, chúng ta có khuynh hướng cho rằng sự trỗi dậy của các phong trào dân tộcchủ nghĩavà những đỉnh điểm khả biến của chúng trong các quốc gia dân tộc thành công là một dự án trở về từ tha hương, nhằm giải quyết tình trạng lai ghép, vì một dương bản (positive) được in ra từ một âm bản (negative) trong buồng tối (darkroom)34của cuộc đấu tranh chính trị. Người Czech rốt cuộc sinh ra ở Tiệp Khắc và cuối cùng sẽ được an táng tại đó, người Ba Lan cũng sẽ sinh ra và chết ở Ba Lan. Đời sống văn hóa và lòng trung thành chính trị có thể nói nhất quán một cách triệt để và ổn định với trạng thái gắn kết mà Bossuet nói đến. Trong các lãnh thổ thực dân ngoài châu Âu, logic tương tự cũng được theo đuổi -  có ý thức hoặc vô thức, miễn cưỡng hoặc nhiệt thành. Các lãnh thổ nhà nước hiện đại được phân định cương giới, được bản đồ hóa bằng phương pháp Mercator và ít nhiều được giám sát một cách hiệu quả, có thể nói chỉ chờ đợi sự hiện diện của các cư dân phù hợp. Xét từ một góc độ nhất định, ở đây chủ nghĩa thực dân có vẻ giống một kẻ nói lắp bị ác mộng ám ảnh. Sở dĩ giống kẻ nói lắp bởi trong bản chất chủ nghĩa thực dân không thể gọi tên những cư dân như thế. Không ví dụ nào chứng minh rõ điều này hơn Philippines. Tính đến cuối thời kỳ cai trị của Tây Ban Nha, Philippines đã có 350 năm được tưởng tượng – trong tư cách một lãnh thổ bảo hộ – thành Las Filipinas [Philippines trong tiếng Tây Ban Nha – ND]. Nhưng Filipino [người Philippines trong tiếng Tây Ban Nha – ND] thì sao? Ban đầu Filipino chỉ là cách gọi khinh miệt mà cư dân chính quốc sử dụng để chỉ một giai tầng nhỏ là những di dân gốc Âu của địa phương: đúng, họ cư trú ở Las Filipinas, nhưng bên cạnh họ còn có rất nhiều người peninsulares (người bán đảo), mestizos (người hỗn huyết), chinos (người Hoa) và indios (người bản địa). Phải đến những năm 1890, các nhà cách mạng mới sử dụng Filipino làm tên gọi chung để chỉ toàn thể cư dân của đất nước này: họ rốt cuộc đã bao gộp thành viên của tất cả các phạm trù trên và nhất nhất qui về một thuộc tính Philippines chung. Chủ nghĩa thực dân cũng bị ác mộng ám ảnh, bởi ta có thể lập luận một cách thuyết phục, trên cơ sở các bằng chứng, rằng nó đã mường tượng ra các chủ nghĩa dân tộc phôi thai trước khi các nhà dân tộc chủ nghĩa xuất hiện trong lịch sử.35Nhìn từ quan điểm này, như mô hình châu Mỹ cộng hòa trong quá khứ đã cho thấy từ đầu, Mali trên bản đồ phải tìm thấy những người Mali của nó, Sri Lanka trên bản đồ phải tìm thấy người Sri Lanka, Papua-New Guinea trên bản đồ phải tìm thấy các cư dân Papua-New Guinea. Nhưng điều này không đồng nghĩa rằng chúng luôn thành công một cách tuyệt đối.

Bởi vậy ta có thể hiểu tại sao quốc gia dân tộc (nation-statehood) lại có vai trò quan trọng như thế đối với các dự án dân tộc chủ nghĩa (nationalist projects) trong thế kỷ 19 và 20, những dự án đã triệt tiêu các vương triều đế chế đa ngữ rộng lớn được thừa hưởng từ kỷ nguyên của chủ nghĩa chuyên chế, cũng như triệt tiêu các khối thực dân đế quốc có quy mô còn lớn hơn vẫn tồn tại sau khi các vương triều sụp đổ.36Bởi lẽ nó được cho là đại diện – bằng các thiết chế cộng hòa điển hình - cho một mối gắn kết (alignment) mới phát hiện giữa quê nhà được tưởng tượng và chủ nhân của quê nhà được tưởng tượng và đảm bảo cho tính ổn định của gắn kết đó bằng cách triển khai có tổ chức quyền lực chính trị và các nguồn lực kinh tế của nó. Điều này giải thích tại sao giấc mơ theo kiểu List37về nền “kinh tế quốc gia” tự cung tự cấp được bảo vệ bằng hàng rào thuế quan lại có vẻ hợp lý.

Nhưng điều trớ trêu là ngay khi dự án quốc gia dân tộc (nation-state) cổ điển này được thực thi một cách toàn diện cùng với sự thành lập Hội quốc liên (League of Nations) vào năm 1919, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển lại bắt đầu phá hủy những nền tảng của nó. Tương tự kỷ nguyên trước đó, những thay đổi đáng chú ý nhất đã diễn trong trong lĩnh vực giao thông và thông tin. Trên mặt đất, ô tô ngày càng thay thế đầu máy xe lửa, trong khi các tuyến đường lát đá dăm để ô tô vận hành ngày càng lan rộng và không hề bó buộc bên trong biên giới quốc gia. Trên không, hàng không thương mại chủ yếu mang tính xuyên quốc gia ngay từ những ngày đầu hoạt động, ngoại trừ trong một vài quốc gia lớn và giàu có như Hoa Kỳ. Người ta đi máy bay để rời khỏi hoặc trở về quốc gia dân tộc của mình hơn là di chuyển trong phạm vi của chúng, và “không phận quốc gia” chỉ tồn tại hữu lý trong một thời gian ngắn trước khi sự xuất hiện của vệ tinh khiến chúng trở nên lỗi thời. Tốc độ và cường độ của những thay đổi này được chứng minh một cách sinh động qua những thống kê về số lượng người nước ngoài không phải di dân được phép đến Hoa Kỳ, quốc gia nhập cư xét về mặt lịch sử:38

1931-1940                     1.574.071

1941-1950                     2.461.359

1951-1960                     7.113.023

1961-1970                    24.107.224

1971-1979                    61.640.389

1981-1991                   142.076.530

(Những năm 1930 là thập niên đầu tiên mà số lượng người không phải di dân vượt quá số lượng di dân và tỷ lệ chênh lệch là 3 trên 1).

Radio thậm chí đã mang những cư dân ít học vào trong phạm vi ảnh hưởng của truyền thông đại chúng và trên thực tế sự thu nhận tín hiệu radio không hề giới hạn trong các thính giả của quốc gia dân tộc. Không tờ báo nào có thể hy vọng bao quát phạm vi thính giả toàn cầu mà BBC hoặc Đài phát thanh Hoa Kỳ có được. Sau đó điện thoại, điện báo, phim ảnh, tivi, cát sét, máy quay phim và máy tính cá nhân đã gia tăng và mở rộng với qui mô khổng lồ gần như tất cả những gì mà radio đã khởi xướng.

Những tiến triển này đã và sẽ tiếp tục dẫn đến những hệ quả to lớn bởi lẽ chúng là những nhân tố không thể thiếu của quá trình lan tỏa xuyên quốc gia của chủ nghĩa tư bản tiên tiến và của sự phân tầng kinh tế ngày một sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay không đến 25% dân số toàn cầu chiếm 85% thu nhập thế giới, trong khi khoảng cách giàu nghèo đang ngày một nới rộng. Trong những năm 1980, hơn 800 triệu người - nhiều hơn dân số Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu và Nhật Bản cộng lại – “lâm vào cảnh nghèo túng kiệt quệ hơn, với một phần ba trẻ em bị thiếu đói”.39 Nhưng nhờ hàng không, ô tô, xe tải, thậm chí đầu máy xe lửa cũ, tình trạng bất bình đẳng và khổ cực này, xét trong bất cứ ý nghĩa nào, đang thu hẹp khoảng cách với đặc quyền và giàu có hơn so với trước đây. Điều này giải thích tại sao khác với những thế kỷ trước, di dân không dịch chuyển hướng ra những khu vực ngoại biên của Tân thế giới hay châu Đại Dương mà hướng vào các trung tâm của chính quốc.

Từ 1840 đến 1930, khoảng 37.500.000 di dân, chủ yếu xuất thân từ châu Âu, đã đặt chân đến Hoa Kỳ; bình quân mỗi năm gần 416.000 người. Trong những năm 1970, số lượng di dân hàng năm gần 500.000 người; những năm 1980 gần 740.000 người; trong đó 80% cư dân mới đều đến từ “Thế giới thứ ba”.40Theo Paul Kennedy, một số nhà nhân khẩu hiện nay tin rằng trong vòng 30 năm tới, mỗi thập niên sẽ có 15 triệu di dân đến Mỹ, tức trung bình mỗi năm 1,5 triệu người, gấp đôi những năm 1980.41

Những con số dự đoán này tuy có phóng đại nhưng phóng đại không đáng kể. Ngay từ năm 1997, Cục Di dân và Nhập tịch Hoa Kỳ đã cho biết trong bốn năm trước đó không dưới 5 triệu người nhập cư trái phép (chưa tính nhập cư hợp pháp) vào Mỹ, tỷ lệ bình quân là 1.250.000 người một năm.42Tây Âu thu hút hơn 20 triệu người nhập cư trong vòng ba thập niên kể từ kết thúc Thế chiến thứ hai đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1970 (con số có thể cao hơn nhiều nếu không có sự trợ giúp từ tấm màn sắt của Stalin). Nhưng đến nửa sau những năm 1980, lượng nhập cư lại tăng lên và chắc chắn tiếp tục tăng trong suốt những năm 1990. Trong số 79 triệu người Đức, có tới 5.2 triệu (7%) là di dân nước ngoài: Pháp có 3.6 triệu (7%) trong số 56 triệu, Vương quốc Anh 1.8 triệu (2%) trong số 57 triệu, Thụy Sĩ 1.1 triệu (16,3%) trong số 6,8 triệu.43 (Ngay cả Nhật Bản ốc đảo và ngặt nghèo trong chuyện nhập cư cũng được cho là có khoảng 1 triệu cư dân nước ngoài cả hợp pháp và phi pháp). Và sự sụp đổ về kinh tế và chính trị của Liên bang Xô Viết cũng buộc cư dân phải dịch chuyển, với quy mô mà không một Hệ thống Phong tỏa Lục địa (Continental System)44cuối thế kỷ 20 nào có thể ngăn chặn nổi.

Đồng thời cuộc cách mạng thông tin trong thời đại chúng ta đã có tác động sâu sắc lên trải nghiệm chủ quan của di dân. Các tài xế ô tô người Tamil ở Melbourne chỉ cách quê nhà (land van herkomst) của họ 12 giờ bay. Công nhân xây dựng Morroco ở Amsterdam mỗi đêm có thể nghe thấy các chương trình phát thanh của Rabat [thủ đô của Morroco – ND] và không khó để mua băng cát sét lậu của các ca sĩ yêu thích của đất nước họ. Nhân viên quán bar người Thái ở một khu ngoại ô Tokyo - vốn là những di dân trái phép được Yakuza45 bảo trợ – có thể cho đồng bào Thái của họ xem các video karaoke vừa mới quay tại Bangkov. Những bảo mẫu người Philippines ở Hongkong có thể gọi điện cho chị gái tại Manila và chuyển khoản cho mẹ ở Cebu [thành phố miền Trung Philippines – ND] bằng internet banking chỉ trong nháy mắt. Những sinh viên Ấn Độ ưu tú ở Vancouver có thể liên hệ email hàng ngày với các bạn học cũ của họ ở Delhi. Đấy là chưa kể vô số các bản fax liên tục được đánh đi mỗi ngày.

Nếu Mary Rowlandson còn sống đến ngày hôm nay, cô có thể nhìn thấy – tại buồng ngủ căn hộ nhỏ của cô, trong sự an toàn điện tử hoàn hảo – trên màn hình tivi về phía ngón chân cô những cánh đồng và gia súc Anh “đích thực”. Nhưng tất nhiên ý nghĩa trải nghiệm của cô đã thay đổi hoàn toàn. Lý do đặc biệt dẫn tới sự thay đổi này là bởi cô chỉ có thể nhìn thấy những gì mà người kiểm soát màn hình lựa chọn cho cô xem. Đôi mắt của cô sẽ không thể nhìn thấy gì rộng hơn khuôn khổ màn hình. “Thuộc tính Anh” của những cánh đồng không phải xuất phát từ trong cô mà từ một giọng tường thuật pha tạp bên ngoài cô. Cụ thể hơn, ta hãy xem xét một bức ảnh nổi tiếng: một người Công nhân ngoại quốc (Gastarbeiter) quê ở Peloponnese [bán đảo miền nam Hy Lạp – ND], ngồi cô độc trong một căn phòng tăm tối bẩn thỉu ở Frankfurk. Trang trí duy nhất trên tường là một tấm áp phích du lịch sặc sỡ quảng bá đền Parthenon của hãng hàng không Lufthansa; nó mời gọi anh ta, bằng tiếng Đức, làm một “chuyến nghỉ ngơi ngập tràn ánh nắng” ở Hy Lạp. Rất có thể anh ta chưa bao giờ nhìn thấy Parthenon, nhưng tấm áp phích mà Lufthansa chế ra này đã xác nhận cho anh ta cũng như bất cứ du khách nào khác một căn cước Hy Lạp mà có lẽ chỉ Fankfurt mới khuyến khích anh ta thừa nhận nó. Đồng thời nó nhắc nhở anh ta rằng anh ta chỉ có vài giờ bay từ Hy Lạp và nếu anh ta dành dụm đủ tiền, Lufthansa sẽ rất sẵn lòng hỗ trợ để anh ta được tận hưởng một “kỳ nghỉ đầy nắng” kéo dài hai tuần ngay tại Quê hương (Heimat) của mình. Rất có thể anh ta cũng hiểu rằng sau đó anh ta sẽ trở về với thân phận tha hương tại Frankfurt. Hay về lâu dài, mỗi năm anh ta sẽ phát hiện mình trong thân phận tha hương ngắn ngủi tại Peloponnese? Hay anh ta coi  mình là kẻ tha hương ở cả hai không gian? Và con cái của anh ta sẽ như thế nào?

Trước khi chuyển sang phân tích những hệ quả chính trị của bức tranh tổng thể này về tình hình di dân sau những năm 1930, chúng ta cần phải hiểu sơ qua về hai tác động liên quan nhau tuy nhỏ nhưng quan trọng của chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp. Ta hãy xem xét hai tài liệu chính thức rất thông dụng và tương đối hiện đại về căn cước cá nhân: giấy khai sinh và hộ chiếu. Cả hai đều ra đời trong thế kỷ 19 của chủ nghĩa dân tộc, về sau có liên quan với nhau một cách chặt chẽ. Thực tế trong các khu vực theo Thiên chúa giáo trên thế giới, việc đăng ký khai sinh đã xuất hiện từ lâu trước khi chủ nghĩa tư bản trỗi dậy. Song những thông tin khai sinh này được ghi chép tại các nhà thờ giáo xứ của địa phương, dựa trên quy định của giáo hội: việc đăng ký chúng, báo hiệu lễ rửa tội sắp diễn ra, biểu thị sự xuất hiện của các linh hồn Cơ đốc trong những hình thức mới mang tính vật chất. Tuy nhiên trong thế kỷ 19, việc đăng ký được tiếp quản bởi các nhà nước đang ngày càng có được sắc thái dân tộc. Chẳng hạn ở Anh quốc có nền công nghiệp ưu việt, Văn phòng Hộ tịch chỉ được thành lập vào năm 1837. Việc đăng ký bắt buộc đối với tất cả các bé sơ sinh, bất kể sau đấy có rửa tội hay không, mãi đến năm 1876 mới được thực hiện. Bằng cách xác nhận nhân thân cha và nơi sinh của mỗi bé, giấy khai sinh của nhà nước đã tạo ra những tài liệu nền tảng cho việc chấp nhận hay loại bỏ tư cách công dân của trẻ sơ sinh (thông qua nguyên tắc huyết thống hoặc nguyên tắc sinh quán). (Bé không còn sinh ra ở giáo xứ Egham nữa mà sinh ra tại Vương quốc Anh). Hộ chiếu, sản phẩm của sự gặp gỡ giữa di dân và chủ nghĩa dân tộc trong kỷ nguyên công nghiệp, sẵn sàng xác nhận căn cước chính trị của trẻ sơ sinh khi chúng trở thành người lớn.

Mối liên hệ giữa giấy khai sinh và hộ chiếu được thiết chế hóa trong một kỷ nguyên mà phụ nữ không có quyền pháp lý tham gia hoạt động chính trị và gia đình nam quyền về cơ bản vẫn là một quy phạm không bị chất vấn. Nhưng trong thời đại của chúng ta, tất cả điều này đã thay đổi một cách triệt để. Khi Hội quốc liên được thành lập – thời điểm quyền bầu cử của phụ nữ đang được thừa nhận rộng rãi – tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Hoa Kỳ là khoảng 1/8: ngày nay là gần 1/2. Tỷ lệ trẻ em Mỹ do mẹ đơn thân sinh đã tăng lên một cách đáng chú ý từ 4.2% năm 1960 lên 30.6% năm 1990.46Di cư nội địa và di cư quốc tế của đời sống hiện đại cũng góp phần khiến cho giấy khai sinh thế kỷ 19 trở nên giống một dạng tiền giả. Chẳng hạn nếu chúng ta biết Mary Jones sinh ngày 25 tháng Mười năm 1970 tại Duluth [thành phố thuộc tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ –ND], con của Robert Mason và Virginia Jones hay thậm chí của Robert và Virginia Mason, chúng ta không thể suy luận cẩu thả rằng cô ta được thụ thai ở Duluth, được nuôi nấng tại đó hoặc sống ở đó cho đến ngày nay. Chúng ta không biết ông bà của cô có được chôn tại Duluth hay không, ngay cả khi họ được chôn tại đó, chúng ta hầu như cũng không có căn cứ để khẳng định một ngày nào đấy Mary sẽ được chôn cạnh họ. Virginia có phải thành viên của nhà Mason? Hay thành viên của nhà Jones? Hay thành viên của một gia tộc khác? Có bao nhiêu khả năng Mary có thể vượt ra ngoài sự liên lạc thường kỳ bằng điện thoại đường dài với Robert hoặc Virginia? Ở mức độ nào Mary có thể chứng minh, cho cả chính cô, cô là một người Duluth, một thành viên của nhà Mason hoặc nhà Jones?

Tính chất ngụy tạo, hoặc như chúng ta sẽ nói, giá trị thị trường thấp của giấy khai sinh có thể chứng minh qua thực tế: việc giả mạo chúng là chuyện tương đối hiếm thấy. Ngược lại, hàng loạt hộ chiếu giả và giá cao mà chúng đòi hỏi cho thấy rằng trong thời đại của chúng ta, khi ai cũng được cho là thuộc về một quốc gia thành viên Liên hợp quốc, những tư liệu này rất có quyền năng tuyên xưng sự thật (truth-claims). Song chúng cũng là những thứ ngụy tạo, hiểu theo nghĩa rằng chúng ít chứng thực tư cách công dân – chưa nói đến chứng thực cho lòng trung thành đối với một quốc gia dân tộc Quê hương (Heimat) có tính bảo hộ – mà chứng thực cho quyền tham gia vào thị trường lao động. Hộ chiếu Bồ Đào Nha và Bangladesh, ngay cả khi là hộ chiếu thật, hầu như không cho chúng ta biết gì về lòng trung thành hay thói quen, nhưng lại tiết lộ rất rõ về khả năng những người sở hữu chúng được phép tìm kiếm công ăn việc làm ở Milan hoặc Copenhagen. Những dòng người bị cách ly mà tất cả chúng ta đều trải qua tại các cửa kiểm soát nhập cảnh tại sân bay chứng tỏ địa vị kinh tế có vai trò quan trọng hơn nhiều so với bất cứ gắn kết chính trị nào. Trên thực tế hộ chiếu hiển thị những hàng rào thuế quan khác nhau đối với lao động của con người.

Cuối cùng cho phép tôi được chuyển sang lĩnh vực chính trị. Những quá trình đã chỉ ra trên đây có thể phá hủy dự án dân tộc chủ nghĩa cổ điển của thế kỷ 19 – dự án nhằm xác lập một gắn kết trọn vẹn tập tính, văn hóa, lòng trung thành và sự tham gia chính trị chuyên biệt – ở ít nhất hai khu vực chính trị (political sites) riêng biệt nhưng có liên quan nhau.47

Khu vực thứ nhất ít nhiều tương ứng với những trung tâmhậu công nghiệp. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cái gọi là những quốc gia của di dân – chủ yếu là các nước châu Mỹ nhưng cũng gồm cả Australia và New Zealand – đã chứng tỏ một khả năng đặc biệt trong việc cho nhập tịch và đồng hóa hàng triệu di dân của chúng. Những cái tên như Galtieri, Eisenhauer, Fujimori, Van Buren, O’Higgins và Trudeau48sẽ chứng minh cho thực tế này. Nhưng giấy khai sinh khi đó đã có vai trò quan trọng về mặt chính trị, như chúng ta có thể thấy qua điều khoản hiến pháp quy định tổng thống Hoa Kỳ phải sinh ra bên trong biên giới của Mỹ. Bởi vậy một người sẽ là một người Mỹ hoặc không phải là người Mỹ. Hơn nữa nếu tham gia quân dịch phục vụ một nước khác ngoài Mỹ thì sẽ phải chịu chế tài pháp lý bị tước quyền công dân, song điều này không phải lúc nào cũng được thực thi một cách cứng nhắc. Khi nào thể chế này bắt đầu suy yếu? Có thể trong những năm 1930 bước ngoặt của chúng ta, khi người Mỹ được phép tham gia Lữ đoàn Quốc tế (International Brigade) trong Nội chiến Tây Ban Nha? Hay cuối những năm 1940, khi người Mỹ được ngầm cho phép tham gia bảo vệ nhà nước non trẻ Israel? Nhưng theo tôi việc vi phạm những nguyên tắc ổn định này vẫn được chấp nhận, bởi người ta tin rằng những sự vụ ngoài pháp lý này là những vấn đề nhỏ, liên quan đến những người không quan trọng và tương đối vô danh. Hơn nữa thuộc tính Mỹ của những người Mỹ liên đới chưa bao giờ trở thành một vấn đề hệ trọng. Tuy nhiên tình hình bắt đầu thay đổi kể từ giữa những năm 1960. Andrea Papandreou ban đầu là công dân Hy Lạp, sau trở thành công dân Mỹ, về sau khi cơ hội đến, lại trở thành công dân Hy Lạp và thủ tướng Hy Lạp. Rõ ràng vẫn có một trình tự nào đấy trong quá trình này. Nhưng chúng ta đánh giá thế nào về tư cách ứng viên tổng thống Campuchia năm 1993 của Kim Kethavy, vị tỷ phú tay trắng lập nghiệp ở Long Beach?49Theo những lời trịnh trọng trên New York Times, ông “có một hộ chiếu Mỹ… Các văn phòng đầu não trong chiến dịch của ông đều tràn ngập quốc kỳ Mỹ. (Theo luật nhập cư Mỹ, Ngài Kim Kethavy chắc chắn sẽ phải từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ nếu trúng cử, dù hy vọng thắng cử của ông rất nhỏ)”.50Mọi thứ ở đây đều rất rõ: quốc tịch của Ngài Kethavy bị đặt trong ngoặc đơn và tờ báo danh tiếng này cho rằng ông chỉ “chắc chắn” bị buộc từ bỏ quốc tịch Mỹ nếu ông trở thành tổng thống Campuchia. Không có bằng chứng nào cho thấy tờ Thời báo của những năm 1990 cảm thấy hành vi của Kethavy hoặc của chính phủ Mỹ có gì kỳ dị hay không ổn. Rốt cuộc các công dân Mỹ Milan Panić và Mohammed Sacirbey gần đây đã nhậm chức thủ tướng Nam Tư và đại sứ Bosnia tại Liên hợp quốc, còn Rein Taagepera từ một chức giáo sư chính thức tại Đại học California phân hiệu Irvine đã chạy đua thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Estonia. Đây cũng không phải là một hiện tượng chỉ có ở Mỹ; công dân Canada, nhà tư bản của các hệ thống máy tính Stanislav Tyminski đã cùng đối thủ Lech Walesa chạy đua giành ghế tổng thống Ba Lan.

Một khía cạnh khác của thực tế này đó là tại Hoa Kỳ và các quốc gia dân tộc khác lâu đời hơn, gần đây đã xuất hiện một nhận đồng sắc tộc (ethnicity) giống như Smerdyakov ngoài giá thú đối với Dmitri Karamazov của chủ nghĩa dân tộc cổ điển.51Một biểu trưng của biến thể Mỹ có lẽ là phiên tòa luận tội gián điệp của Jonathan Pollard52diễn ra cách đây mấy năm. Trong kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc cổ điển, sẽ là lố bịch nếu ai đó cho rằng một công dân Mỹ do thám tình hình Mỹ cho một quốc gia khác là một điều đáng khen. Nhưng với đông đảo những người Mỹ gốc Do Thái cảm thấy đồng tình với Pollard, nhân vật gián điệp đầy bất mãn này lại được hiểu là đại diện cho một nhận đồng sắc tộc xuyên quốc gia (transnational ethnicity). Còn điều gì có thể xóa nhòa triệt để đến thế tư cách công dân Mỹ và Israel? Một biểu trưng khác là đông đảo các khán giả không phải người da màu bị lôi cuốn bởi chương trình truyền hình Nguồn cội (Roots) – chuyển thể dựa trên nguyên tác của Alex Haley53– công chiếu vào năm 1977. (36 triệu gia đình đã xem tập cuối, một con số đáng kinh ngạc). Mục đích của chương trình này là chống lại ý thức hệ đồng hóa (melting-pot ideology)54bằng cách nhấn mạnh “thuộc tính châu Phi” tiếp nối mà các tổ tiên của Haley vẫn duy trì bất chấp tình trạng bị Mỹ hóa của họ. Chỉ cần nhìn vào những thanh niên rất thuần Mỹ, đặc biệt trong những năm 1980, xông xáo vận động cho nhiều chương trình nghiên cứu sắc tộc tại các trường đại học và sốt sắng học các ngôn ngữ mà cha mẹ họ thường kiên quyết chối bỏ, ta sẽ thấy rõ lý do Nguồn cội được yêu thích chủ yếu là nhờ chủ đề có thể hoán chuyển này. Từ trong những động lực này và các động lực khác đã xuất hiện cương lĩnh ý thức hệ của chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism) mà đằng sau nó là thông điệp rằng một phiên bản đơn giản của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (Americanism)55thế kỷ 19 là không thỏa đáng hoặc không còn chấp nhận được nữa. (Nhưng đâu là phiên bản thỏa đáng và chấp nhận được? Qua một thời gian dài, tỷ lệ tham gia bầu cử ở Mỹ đang tiếp tục sụt giảm, riêng năm 1990 chỉ có 36% cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu).

Sự thay đổi này, chẳng hạn từ người Mỹ sang người Mỹ gốc Armenia rồi người Mỹ gốc Armenia, được gia cố bởi hai nhân tố: cuộc cách mạng rộng khắp trong lĩnh vực giao thông và thông tin mà tôi đã thảo luận ở trên và sự tan rã gần đây của Liên Xô và Nam Tư. Chẳng hạn Cleveland56có nhiều người mang dòng máu Slovenia hơn Ljubljana [thủ đô của Slovenia – ND] và hiện nay Slovenia đã trở thành một quốc gia độc lập, bởi vậy người Slovenia ở Cleveland và Hoa Kỳ đang có được vai trò cao hơn. Những nhận đồng sắc tộc này thường có đặc trưng hư cấu rõ rệt tương tự Nguồn cội. Chúng ta không khỏi bật cười khi biết rằng những người Boston nhất quyết tự nhận mang dòng máu Ireland lại không hề biết đến văn học Ireland, không chơi các môn thể thao Ireland, không đóng thuế Ireland, không phục vụ quân đội Ireland, không tham gia bầu cử ở Ireland, và chỉ có các ý niệm hời hợt về hiện trạng ngày nay của quốc gia (The Old Sow) này.57Nhưng ta sẽ không bật cười khi nghĩ đến thực tế rằng sự hiện diện rõ rệt của những người đồng tính nam và đồng tính nữ trong các lễ kỷ niệm Ngày Thánh Patrick58ở Cork không hề làm giảm đi sự cuồng nhiệt vây quanh các lễ kỷ niệm chị em của nó tại New York.59

Ở châu Âu những khuynh hướng tương tự cũng xuất hiện, thậm chí có thể được gia cố bên trong Cộng đồng châu Âu (European Community)60nhờ sự hợp nhất về kinh tế và sự dịch chuyển tự do của lao động. Mặt trận Dân tộc của Anh, phong trào của Le Pen ở Pháp61và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu (right-wing extremism) ở Đức đều là dấu hiệu của tiến trình “sắc tộc hóa”.62Bởi lẽ mục đích đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của chúng về bản chất là vạch ra một ranh giới rõ rệt giữa dân tộc mang tính chính trị và một cộng đồng sắc tộc (ethnos) được cho là thuần gốc. Ngay cả một người da màu sinh ra tại Vương quốc Anh, học phổ thông và đại học tại đó, đóng thuế tại đó, bầu cử tại đó và sẽ được an táng tại đó, thì anh ta hay cô ta vẫn không bao giờ được Mặt trận Dân tộc coi là người Anh đích thực. Tương tự, trong hình dung của Le Pen, nước Pháp ngày nay tràn ngập người ngoại quốc, nhưng không phải là những di dân vẫn mang hộ chiếu Algeria mà là những công dân “không phải gốc Pháp” của nước Pháp chính trị.63Bởi vậy chúng ta có thể hình dung Le Pen đang phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ một toa tàu, nhưng cái mà ông ta nhìn thấy không phải là những cánh đồng, thậm chí không phải “những cánh đồng của người Pháp”, mà là “mẹ kiếp, bọn Field tại Pháp (French fields)”.64Trong những phong trào này, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một yếu tố có ảnh hưởng rất mạnh, nhưng theo tôi cùng với sự dịch chuyển với quy mô lớn hơn của người châu Âu trên khắp châu Âu, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc về lâu dài sẽ không quan trọng bằng tiến trình sắc tộc hóa.

Hệ quả chính trị thứ hai của tất cả những thay đổi nhanh chóng mà tôi đang thảo luận có liên quan đến chính các di dân. Đặc biệt, do hệ quả của tiến trình sắc tộc hóa đời sống chính trị tại các quốc gia hậu công nghiệp giàu có, cái mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa dân tộc xa xứ (long-distance nationalism) đang lộ diện một cách rõ rệt. Dạng thức chính trị này, chủ yếu nhắm đến các nước thuộc Thế giới thứ hai và thứ ba trước đây, tấn công dự án quốc gia dân tộc cổ điển từ một chiều hướng khác. Một minh họa đáng chú ý là sự phá hủy tai hại gần đây nhà thờ Hồi giáo Babri ở Ayodhya, nguyên nhân đẩy Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Chia cắt. Hành động phá hoại này được lên kế hoạch công phu và được các quan chức quân đội và cảnh sát đã nghỉ hưu diễn tập và huấn luyện với quy mô lớn. Nó được Vishwa Hindu Parishad (Hội đồng Hindu thế giới) chính thức bảo trợ, tổ chức này đã “huy động một lượng lớn tiền từ người ủng hộ nó tại Bắc Mỹ và Anh”.65Không cần thiết phải nói rằng đại đa số những nhà tài trợ này là những người Ấn Độ định cư lâu dài ở hải ngoại.66Trong số những phần tử ngoan cố và cuồng tín nhất ủng hộ một nhà nước Khalistan độc lập,67có nhiều người không sống ở Punjab mà kinh doanh phát đạt tại Melbourne và Chicago. Trong cuộc đấu tranh bạo lực của mình, tổ chức Những con hổ Giải phóng ở Jaffna [thành phố miền bắc Sri Lanka – ND] được củng cố nhờ sự hỗ trợ của những cộng đồng Tamil ở Toronto, London và nhiều nơi khác, tất cả đều được kết nối nhau trên máy tính nhờ mạng lưới Tamil (Tamilnet).68Hãy xem vai trò tai hại của những người Croatia không những ở Đức mà còn ở Australia trong việc tài trợ và trang bị vũ khí cho nhà nước ly khai của Franjo Tudjman, buộc Đức và Áo phải đi đến một sự công nhận định mệnh và vội vã.69Ta cũng không thể coi nhẹ vai trò của những di dân Armenia giàu có trên toàn cầu, chính họ đã tìm các nguồn tài trợ và vũ khí để đảm bảo thắng lợi quân sự của Yerevan [Armenia] trước Baku [Azerbaijan].70

Rõ ràng sẽ sai lầm nếu cho rằng chủ nghĩa dân tộc xa xứ nhất định phải là chủ nghĩa cực đoan. Rất nhiều người Philippines sống ngoài Philippines đã có đóng góp (không phải vì lý do lưu vong chính trị) cho cuộc đấu tranh chống lại Marcos.71Nền kinh tế Philippines hiện nay phụ thuộc nặng nề vào lượng kiều hối chuyền về từ Vùng Vịnh, Italia, Ả rập Xê út, Anh, California, Hong Kong, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho phong trào dân chủ vốn lên đến đỉnh điểm trong thảm sát Thiên An Môn cũng bắt nguồn từ nhiều người Hoa không cư trú tại Trung Quốc và trên thực tế thường là công dân của các quốc gia khác.

Tuy nhiên xét về tổng thể, chủ nghĩa dân tộc xa xứ ngày nay được coi là một điềm báo đầy đe dọa của tương lai. Trước hết nó là sản phẩm của sự thay đổi tàn nhẫn và ngày càng mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản lên tất cả các xã hội của nhân loại. Thứ hai nó tạo nên một dạng chính trị thực sự nhưng cực kỳ vô trách nhiệm. Kẻ dự phần hiếm khi đóng thuế cho quốc gia mà anh ta thực thi hoạt động chính trị của mình; anh ta không chịu trách nhiệm trước hệ thống pháp lý của quốc gia đó; anh ta thậm chí không bỏ phiếu vắng mặt trong các cuộc bầu cử của nó bởi anh ta là công dân một quốc gia khác; anh ta không cần phải lo sợ bị bỏ tù, tra tấn hay chịu án tử, cũng không phải lo lắng cho gia quyến thân thích. Tuy nhiên được trú thân một cách vui vẻ và an toàn trong Thế giới thứ nhất, anh ta có thể gửi tiền và vũ khí, phổ biến hoạt động tuyên truyền và xây dựng mạng lưới thông tin máy tính liên lục địa, tất cả đều có thể dẫn đến những hệ quả không lường trước được tại những khu vực sẽ là điểm đến cuối cùng của chúng. Thứ ba, không giống với các nhà hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền toàn cầu hay bảo vệ môi trường, hoạt động chính trị của anh ta không gián đoạn và bột phát. Anh ta ý thức một cách sâu sắc rằng thân phận xa xứ của anh ta là do anh ta tự lựa chọn và chủ nghĩa dân tộc mà anh ta tuyên bố trên email cũng là nền tảng để hình thành một căn cước sắc tộc (ethnic identity) được củng cố tại các quốc gia dân tộc bị sắc tộc hóa mà anh ta vẫn quyết tâm cư ngụ. Chính mẫu quốc đã gạt anh ta ra ngoài lề và bêu xấu anh ta đồng thời cũng cho phép anh ta, trong một khoảnh khắc nào đó, đóng vai anh hùng dân tộc ở một phía khác của địa cầu.

Nguồn: Benedict Anderson, “Long-distance nationalism”, The spectre of comparisons: Nationalism, Southeast Asea, and the World, Verso, 1998, tr. 58-74.

                      Bản dịch có đối chiếu:

1.     Bản Trung văn: 《远离民族主义》,比较的幽灵:民族主义,东南亚与世界, Cam Hội Bân甘会斌dịch,Nhà xuất bản Dịch Lâm 译林出本社,2012, tr. 72-93.

2.     Bản tiếng Nhật: 《遠距離ナショナリズム》、比較の亡霊―ナショナリズム・東南アジア・世界, Kasuya Keisuke 糟谷啓介Suzuki Toshihiro鈴木俊弘, Masuda Komiko 増田久美子, Kouchi Kaoru 高地薫, Lee Younsuk イヨンスクdịch, Sakuhinsha 作品社xuất bản, 2005, tr. 98-127.


1 François-Noël Babeuf (1760-1797): Nhà hoạt động chính trị, nhà báo trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Chủ trương bãi bỏ tài sản cá nhân, xây dựng một nền cộng hòa bình đẳng dựa trên sở hữu chung khiến ông được thừa nhận là người đặt nền tảng cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 19. Ông được coi là một trong những lý thuyết gia đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, dù khái niệm “communism” (chủ nghĩa cộng sản) chưa xuất hiện trong thời đại của ông (ND).

2 John Dahlberg-Acton, Các tiểu luận về Diễn giải tự do về lịch sử [Essays in The liberal interpretation of history], Chicago và London: University of Chicago Press, 1967, chương v, tr. 134.

3 Điều này không đồng nghĩa rằng các cuộc bầu cử gian lận không lan rộng; song những hành vi gian lận này sẽ không cần thiết nếu như các cuộc bầu cử không trở thành dấu hiệu của tính hiện đại và văn minh, thậm chí trong các xã hội như Iran Hồi giáo, nơi người ta ra sức phủ nhận các giá trị chính trị “phương Tây”. Ngay cả Ả rập Xê út và Kuwait cũng đang đi theo con đường bầu cử.

4 Addis Ababa: Kinh đô của Đế quốc Ethiopia (1270-1974), nay là thủ đô của Ethiopia (ND).

5 Đông Timor: Lãnh thổ bị Indonesia chiếm đóng vào năm 1975, trở thành quốc gia độc lập từ năm 2002. Vào thời điểm Anderson viết tiểu luận này (1998) Đông Timor vẫn là một tỉnh thuộc Indonesia; Puerto Rico: Nhà nước cộng hòa thuộc chủ quyền Hoa Kỳ tại khu vực Carribe, tồn tại dưới hình thức khối thịnh vượng chung nhưng chưa hợp nhất chính thức vào Hoa Kỳ. Tất cả người Puerto Rico đều là công dân Hoa Kỳ, nhưng không được tham gia bầu cử tổng thống Mỹ tại Puerto Rico; Kurdistan: Khu vực cư trú của người Kurd, hình thành nên một ngôn ngữ và văn hóa riêng có lịch sử lâu đời, gồm Bắc Kurdistan (đông nam Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Kurdistan (bắc Iraq), Đông Kurdistan (tây bắc Iran) và Tây Kurdistan (bắc Syria); Kosovo: Lãnh thổ tự trị từng thuộc Serbia. Phải sau khi Anderson viết tiểu luận này 10 năm (2008), Kosovo mới tuyên bố độc lập và được nhiều quốc gia công nhận là một nhà nước độc lập (ND).

6 Acton, Tiểu luận [Essays], tr. 154 và 146. Đoạn trích của Bossuet mà Acton sử dụng được dẫn ở đây từ nguyên văn tiếng Pháp, “Chính trị nhìn từ Thánh kinh” [Politique tirèe de l’Écritute Sainte], in trong Bossuet tác phẩm [Oeuvres de Bossuet] (Paris: Firmin Didot Frères, 1870), tập 1, tr. 304.

7 Lưu ý tiết đoạn nổi tiếng trong vở Vua Richard II [King Richard II], hồi 2, cảnh 1, vốn rất hay được trích dẫn để khẳng định một chủ nghĩa dân tộc sơ kỳ ở Shakespeare: “Ghế hoàng tộc này của các Đức vua, hòn đảo này của vương quyền/ Mặt đất này uy nghiêm, lãnh thổ này của Thần chiến tranh/Eden thứ hai này, thiên đường trên mặt đất… Mảnh đất được ban phước này, mặt đất này, vương quốc này, nước Anh này”. Nhưng ngoài Thần chiến tranh và các vị vua, thiên đường trên mặt đất này không có cư dân rõ ràng. Đây chắc chắn không phải là một khối hỗn độn của người Scot, người Welsh, người Anh và người Cornish, và nhiều người trong số họ có thể còn không hiểu được tiếng nói của nhau.

8 Moctezuma (1460-1520): Thủ lĩnh cuối cùng của đế chế Aztec. Đế chế Aztec bị quân đội chinh phục của Hernan Cortés (1485-1547) đánh bại năm 1521, buộc phải nhường phần lớn lãnh thổ Mexico cho vương quyền Tây Ban Nha (ND).

9“Crioulo” trong tiếng Bồ Đào Nha và “criollo” trong tiếng Tây Ban Nha đều có nghĩa tương đương với “creole” trong tiếng Anh, chỉ di dân gốc Âu sinh ra tại châu Mỹ (ND).

10 Mary Rowlandson, Câu chuyện về cô Mary Rowlandson bị bắt cóc và phóng thích năm 1682 [A narrative of the captivity and restauration of Mrs. Rowlandson, 1682], in trong Charles H. Lincoln (biên soạn), Chuyện kể về những cuộc chiến của người Anh điêng, 1675-1699 [Narratives of the Indian wars, 1675-1699], New York: Barnes & Noble, 1952, tr. 132. Squaukheag ngày nay là Squakeag, gần Beers’s Plain, Northfield, Massachusetts.

11 Tên gọi Massachusetts bắt nguồn từ tên một bộ tộc bản địa của Mỹ, không phải danh xưng gốc châu Âu (ND).

12 Cotsworlds và Downs là hai khu vực ở miền nam Anh, nổi tiếng với những cánh đồng cỏ nằm trên những ngọn đồi thoai thoải. Phần lớn đất đai ở đây được dùng để chăn thả gia súc (ND).

13 Gloucestershire: Tên một hạt (county) ở tây nam Anh; Surrey: Tên một hạt ở đông nam Anh (ND).

14 Điều đáng chú ý là ngay cả một trăm năm sau đó, Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ không phát ngôn nhân danh những “người Mỹ” và sau những đoạn mở đầu tuyệt diệu được nhiều người trích dẫn, nó đã kết thúc bằng một loạt bất bình oán trách về những tội trạng mà George III gây ra cho “những thần dân Anh quốc” xuyên Đại Tây Dương của ông.

15 Xem Nancy Armstrong và Leonard Tennenhouse, Người Thanh giáo tưởng tượng: Văn chương, lao động trí óc và nguồn gốc của đời sống cá nhân [The imaginary Puritan: Literature, intellectual labor, and the origins of personal life], Berkeley: University of California Press, 1992, tr. 204 và các tài liệu tham khảo được trích dẫn tại đây.

16 Dẫn theo D. A. Brading, Châu Mỹ thứ nhất: Nền quân chủ Tây Ban Nha, các nhà ái quốc di dân và nhà nước tự do, 1492-1867 [The first America: The Spanish monarchy, creole patriots, and the liberal state, 1492-1867], Cambridge: Cambridge University Press, 1991, tr. 200.

17 Brading cũng lưu ý rằng ngay từ thế kỷ 16, một số trí thức của di dân gốc Âu (criollo) đã bắt đầu tìm kiếm các tổ tiên của họ không chỉ trong những nhà chinh phục người Tây Ban Nha mà còn trong hoàng tộc Inca. Sđd, chương 14.

18 Chẳng hạn “inlander” (người bản địa) trong tiếng Hà Lan, “indigènes” (người địa phương) trong tiếng Pháp. Xem phân tích của Anderson về hàm nghĩa chính trị của những từ này trong chương 7 Cộng đồng tưởng tượng (ND).

19 Nghịch hợp (oxymoron): Hay còn gọi là nghịch dụ, nghịch ngữ, một phép tu từ được tạo nên bằng cách kết hợp hai khái niệm mâu thuẫn nhau để phát sinh một nghĩa mới bất ngờ, chẳng hạn “bi kịch lạc quan”, “nỗi đau khổ ngọt ngào”… Ở đây tác giả ám chỉ bản chất kép, vừa cởi mở vừa đóng kín của tính chất bản địa (nativeness) của người bản xứ (ND).

20 Tức John Adams (1735-1826), tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ (ND).

21 Michael Warner, Những lá thư của nền cộng hòa: Xuất bản và không gian công cộng ở Mỹ thế kỷ 18 [The letters of the Republic: Publication and the public sphere in eighteenth-century America], Cambridge, Mass: Havard Univerity Press, 1990, tr. 32. Bằng chứng này chứng tỏ tính không khả thi trong lập luận của Ernest Gellner: ông cho rằng chủ nghĩa công nghiệp là khởi nguyên lịch sử của sự xuất hiện chủ nghĩa dân tộc. Xem công trình của ông Dân tộc và chủ nghĩa dân tộc [Nations and nationalism], Ithaca, NY: Cornell University Press, 1983, và một số công trình khác của tác giả. Ta có thể nói thêm rằng hầu hết các khu vực dễ thấy nhất của chủ nghĩa dân tộc châu Âu đầu thế kỷ 19, tức Ireland, Hy Lạp, Ba Lan và Bohemia, gần như đều không thấy tác động của những tiến bộ công nghiệp.

22Benjamin Disraeli (1804-1881): Tiểu thuyết gia, chính trị gia người Anh gốc Do Thái, từng hai lần đảm nhiệm chức thủ tướng Anh giai đoạn 1868-1880. Về văn chương, ông nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết lấy chủ đề chính trị, mỗi tiểu thuyết gồm một tiêu đề chính lấy theo tên nhân vật chính và một tiêu đề phụ liên quan đến nội dung truyện: Coningsby hay Thế hệ mới [Coningsby, or The new generation] (1844), Sybil hay Hai dân tộc [Sybil, or The two nations] (1845) và Tancred hay Cuộc thập tự chinh mới [Tancred, or The new crusade] (1847) (ND).

23 Benjamin Disraeli, Tancred hay Cuộc thập tự chinh mới [Tancred or The new crusade], 1847: London: Longmans, Green & Co., 1882, tr. 378. Coi nước Anh và châu Âu của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa lý tính của Khai sáng, chủ nghĩa tiêu dùng tư sản và di sản của Cách mạng Pháp, Huân tước Montacute trẻ tuổi [tức Tancred, nhân vật nam chính của tiểu thuyết – ND] đã dong thuyền khởi hành đến Đất Thánh, tìm kiếm sự phục hưng tinh thần tại “miền đất duy nhất của thế giới mà Đấng sáng tạo nên thế giới đó đã từng hạ cố đến thăm” (tr. 421). Cuộc tìm kiếm này đã dẫn Tancred đến với những phiêu lưu chính trị mạo hiểm tại Palestine và Lebanon (về sau trở thành nguyên mẫu của những hoạt động chính trị của T. E. Lawrence). Tại đây Tancred được những người Do Thái thông minh dũng cảm chỉ dẫn và phải nhờ tới Bố Mẹ – vợ chồng Công tước Bellamon – anh ta mới được cứu thoát. Điều đặc biệt đáng chú ý ở cuốn tiểu thuyết này là cái cách mà Disraeli người Do Thái – bị Anh hóa vào tuổi 13 khi theo lệnh cha làm lễ rửa tội gia nhập Giáo hội Anh – khám phá ra “thân phận sắc tộc” (ethnicity) của mình trong chuyến lưu đày kiểu Babylon. Là một quý tộc Monacute rất giàu có, phi Anh và có thể nói đầy tinh thần Do Thái, Disraeli liên tục khẳng định Giê su và các Tông đồ đều là người Do Thái, một sự tự phóng chiếu hợm hĩnh đến hài hước của vị thủ tướng Đảng Bảo thủ tương lai của Vương quốc Anh.

24 Tức cuộc lưu đày Babylon (“Babylonian exile”, “Babylonian captivity”), sự kiện được chép trong Cựu ước, diễn ra trong khoảng thời gian từ 597 đến 581 TCN: hàng loạt người Do Thái bị lưu đày sang Babylon sau khi quân đội Babylon bao vây Jerusalem và đánh bại vương quốc Judae của người Do Thái. Sáu thập kỷ sau, năm 538 TCN, các lưu dân này được phép trở về cố hương sau khi Babylon bị quân đội Cyrus đại đế của Ba Tư đánh bại (ND).

25 Disraeli sử dụng khái niệm “hai dân tộc” trong tiểu thuyết Sybil để chỉ tình trạng Anh quốc bị phân hóa sâu sắc thành hai bộ phận cư dân đối lập nhau: một dân tộc của quý tộc và người giàu, một dân tộc của tầng lớp lao động nghèo khổ. Chủ đề tình cảnh tầng lớp lao động Anh của tiểu thuyết cũng là chủ đề một công trình khác của Engels xuất hiện cùng thời điểm Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh, xuất bản bằng tiếng Đức năm 1845, tiếng Anh năm 1885 (ND).

26 George Stephenson (1781-1848): Kĩ sư cơ khí người Anh, được coi là “người cha của đường sắt”. Khổ đường ray do ông lựa chọn (1m435) được coi là khổ ray tiêu chuẩn ở hầu khắp các nước trên thế giới (ND).

27 Sứ mệnh thế tục này được hiểu một cách nhanh chóng. Điều này được thể hiện một cách thú vị qua đoạn đối thoại trong Tancred (tr. 162), trong đó nhân vật nam chính gợi ý cho Phu nhân Bertie và Bellair [tên một nữ nhân vật trong truyện – ND] rằng cô và chồng cô hãy tham gia cùng anh ta chuyến hành hương đến Jerusalem:

    “Không thể có chuyện đó được”, Phu nhân Bertie nói; “Augustus sẽ không bao giờ đồng ý; anh ta không bao giờ rời khỏi London quá sáu tuần, anh ta nhớ những câu lạc bộ của mình. Nếu Jerusalem chỉ đơn giản là một nơi người ta có thể đến dễ dàng, thì phải có gì đó được tạo ra: chẳng hạn một tuyến đường ray đến đó”.

    “Một tuyến đường ray ư!”, Tancred hét lên với vẻ mặt khiếp đảm. “Một tuyến đường ray đến Jerusalem!”

    “Không, tôi nghĩ không bao giờ có chuyện đó”, Phu nhân Bertie nói tiếp với giọng trầm ngâm. “Sẽ không có đường sá gì cả”.

28 Tha hương (exile) ở đây được hiểu từ góc độ của những nông dân và lao động đồng áng: họ là những di dân (migrants) bị bứt khỏi môi trường sống quen thuộc cổ xưa ở nông thôn, buộc phải di cư đến các trung tâm thành phố tìm công ăn việc làm. Xem phân tích chi tiết hơn của tác giả trong “Chủ nghĩa dân tộc xa xứ: Chủ nghĩa tư bản thế giới và sự trỗi dậy của chính trị căn cước” [Long-distance nationalism: World capitalism and the rise of identity politics], The Wertheim Lecture, Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Amterdam, 1992, tr. 5 (ND).

29 Xem E. J. Hobsbawm, Thời đại cách mạng 1789-1848 [The age of revolution 1789-1848], New York: Mentor, 1962, tr. 166-167.

30Di cư (migrate) ở đây được hiểu là bứt khỏi môi trường sống quen thuộc của gia đình (sử dụng tiếng mẹ đẻ) để đến các trường học được chuẩn hóa (sử dụng ngôn ngữ quốc gia được chuẩn hóa), một dạng thức mà Anderson gọi là “tha hương nội địa” (internal exile) diễn ra đối với các cư dân muốn thay đổi địa vị xã hội trong tương lai. Chi tiết hơn về dạng thức tha hương này trong bộ máy giáo dục, xem “Chủ nghĩa dân tộc xa xứ: Chủ nghĩa tư bản và sự trỗi dậy của chính trị căn cước”, tr. 5 (ND).

31 Một phương diện mang tính công nghiệp đặc trưng cho quá trình này là sự xác lậpchính thứcgiáo dục thành niên trong kỷ nguyên này.

32 “Phỏng vấn Pedro Calosa” (An interview with Pedro Calosa), in trong David Sturtevant, Những cuộc nổi dậy của quần chúng ở Philippines, 1840-1940 [Popular uprisings in the Philippines, 1840-1940], Ithaca, NY: Cornell University Press, 1976, tr. 276.

33 Kính viễn vọng bị đảo ngược (inverted telescope): Tác giả ám chỉ việc thay đổi góc nhìn, nếu đảo ngược kính viễn vọng mọi thứ sẽ trở nên nhỏ đi, giống như nhìn từ vị thế thống trị của tiếng Đức ở Đế chế Áo-Hung, các ngôn ngữ như tiếng Czech bị coi là “nhỏ”, bên lề, thứ yếu, bị gạt bỏ. Ẩn dụ về kính viễn vọng bị đảo ngược cũng được Anderson nói đến trong Bài giảng tại Đại học Waseda năm 2005 (Xem Cộng đồng tưởng tượng: Nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc, Lưu Ngọc An dịch, Hiểu Việt Nam và Viện Nhân học văn hóa, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2018, tr. 306-307) (ND).

34“Darkroom”: Thuật ngữ nhiếp ảnh, chỉ buồng ảnh, nơi rửa các âm bản (phim) để cho ra các dương bản (ảnh) (ND).

35 Chủ đề này đã được thảo luận chi tiết trong chương 10 Cộng đồng tưởng tượng. Xem Cộng đồng tưởng tượng, bản tái bản (London: Verso, 1991).

36 Cái mà Anderson gọi là “các khối thực dân đế quốc” (colonial-imperialist conglomerations) trong thế kỷ 20 ở đây ám chỉ Liên Xô và Nam Tư (ND).

37 Friedrich List (1789-1846): Lý thuyết gia kinh tế Đức chủ trương một nền “kinh tế quốc gia” được bảo hộ bằng hàng rào thuế quan và vận hành bằng thương mại tự do của hàng hóa nội địa. Về chủ nghĩa dân tộc kinh tế (economic nationalism) của List, xem Roman Szporluk, Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc: Karl Marx với Friedrich List [Communism and nationalism: Karl Marx versus Friedrich List], Oxford University Press, 1988, đặc biệt các chương 8, 9, 10 (ND).

3Information Please Almanac, Atlas and Yearbook, 1987(Boston: MacGraw-Hill, 1987), tr. 787, và Information Please Almanac, Atlas and Yearbook, 1993 (Boston: MacGraw-Hill, 1993), tr. 830. Các bảng này thiếu số liệu năm 1980, có thể rơi vào khoảng 8 đến 9 triệu người.

39 Perry Anderson, Khu vực giao chiến[A zone of engagement], London: Verso, 1992, tr. 353. Xem các tài liệu tham khảo trích dẫn tại đây.

40 “Di dân” [Immigration], The New Funk and Wagnalls Encyclopedia, 25 tập (New York: Unicorn, 1945-1946), tập 19, tr. 6892. The World Almanac and Book of Facts, 1992 (New York: World Almanac, 1992), tr. 137.

41 Xem Paul Kennedy, “Viễn cảnh của người Mỹ” [The American Prospect], New York Review of Book, 4 tháng Ba, 1993, tr. 50.

4New York Times, 8 tháng Hai, 1997.

43 Xem “Trong cuộc biến động của châu Âu, những cánh cửa khép lại với người ngoại quốc” [In Europe’upheaval, doors close to foreigners], New York Times, 10 tháng Hai, 1993. Lưu ý rằng những số liệu này không bao gồm những người tị nạn chính trị, ước lượng khoảng 25 triệu người, trên khắp thế giới: họ hầu hết đều sống trong những khu nhà tồi tệ “tạm bợ” bên ngoài quê hương của mình.

44“Hệ thống phong tỏa lục địa” (Continental system) vốn là thuật ngữ để chỉ chính sách ngoại giao của Napoléon Bonaparte đối với Anh: Để trả đũa việc Hoàng gia Anh ra sắc lệnh phong tỏa các hải cảng của Pháp và đồng minh, ngày 21 tháng 11 năm 1806, Napoléon đã áp đặt một lệnh cấm vận trên quy mô lớn đối với toàn bộ hoạt động thương mại và hàng hải của Anh tại Pháp và các nước đồng minh của Pháp ở châu Âu lục địa (ND).

45 Yakuza: Tổ chức mafia nổi tiếng của Nhật Bản (ND).

46 Số liệu của Cục điều tra nhân khẩu, chuyển dẫn từ The World Almanac and Book of Facts, 1992, tr. 942, 944.

47 Như Anderson sẽ phân tích dưới đây, hai khu vực chính trị (political sites) này bao gồm: 1) các quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất, tức các trung tâm hậu công nghiệp ở phương Tây, chủ yếu gồm Hoa Kỳ và châu Âu; và 2) các quốc gia từng thuộc Thế giới thứ hai và thứ ba. Ở hai khu vực, cái mà Anderson gọi là chủ nghĩa dân tộc xa xứ (long-distance nationalism) đã tấn công chủ nghĩa dân tộc cổ điển thế kỷ 19 (dự án hình thành các quốc gia dân tộc độc lập sau khi các vương triều đế chế đa ngữ sụp đổ) từ hai chiều hướng riêng biệt và gây ra các hệ quả chính trị khác nhau (ND).

48 Galtieri (1926-2003): Tổng thống Argentina giai đoạn 1981-1982, con của một gia đình nhập cư người Ý; Eisenhauer (1890-1969): Tổng thống Hoa Kỳ giai đoạn 1953-1961, xuất thân từ một gia tộc Đức nhập cư vào Mỹ trong thế kỷ 18; Fujimori (sinh 1938): Tổng thống Peru giai đoạn 1990-2000, sinh tại Lima trong một gia đình người Nhật Bản; Van Buren (1782-1862): Tổng thống Hoa Kỳ giai đoạn 1837-1841, sinh ra trong một gia đình Mỹ gốc Hà Lan; O’Higgins (1778-1842): Lãnh tụ của phong trào đòi độc lập cho Chile, thành viên gia tộc O’Higgins của Ireland; Trudeau (1919-2000): Thủ tướng Canada giai đoạn 1968-1984, con của một gia đình gốc Pháp (ND).

49 LongBeach: Thành phố miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ, nơi có lượng người Campuchia sống ngoài châu Á đông nhất thế giới (gần 20.000 người tính đến năm 2010), chủ yếu là những người tỵ nạn sau khi chính quyền Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979 trong chiến tranh Việt Nam-Campuchia (1978-1989) (ND).

50“Vì lá phiếu Campuchia, vì hương vị một ngày 4 tháng Bảy” [For the Campuchian vote, a fourth July flavour], New York Times, 17 tháng Hai, 1993.

51 Smerdyakov và Dmitri Karamazov là hai nhân vật trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky. Dmitri Karamazov là anh cả, con đẻ của Fyodor Karamazov với người vợ đầu; Smerdyakov là con ngoài giá thú của Fyodor, làm người hầu và cấp dưỡng cho gia đình Fyodor (ND).

52 Jonathan Pollard: Sinh tại Texas, Hoa Kỳ năm 1954 trong một gia đình Do Thái. Năm 1987 ông bị chính quyền Mỹ kết án tù chung thân vì cung cấp thông tin tình báo cho Israel. Năm 1995, Pollard đã yêu cầu Bộ nội vụ Israel trao quốc tịch Israel cho ông và được cơ quan này chấp thuận (ND).

53 Alex Haley (1921-1992): Nhà văn Mỹ, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng in năm 1976 Nguồn cội: Câu chuyện về một gia đình người Mỹ [Roots: The saga of a American family]. Tiểu thuyết kể lại lịch sử đấu tranh và lưu giữ căn tính của bảy thế hệ gia đình Mỹ gốc Phi của Haley, từ thế hệ Kunta Kinte, tổ tiên người Gambia bị bắt sang Mỹ làm nô lệ năm 1767, đến thế hệ ông hai trăm năm sau. Trong mười năm nghiên cứu, Haley đã trở về Gambia và đến các thư khố tại Hoa Kỳ và Anh để tìm tư liệu phục dựng lại phả hệ của gia đình. Tiểu thuyết giành giải Pulitzer năm 1977; cùng năm được đài truyền hình ABC chuyển thể thành một chương trình truyền hình nhiều tập cùng tên và thu hút một lượng người xem kỷ lục trong lịch sử truyền hình Mỹ (ND).

54 “Melting-pot” (nồi nấu kim loại): Một ẩn dụ chỉ sự hòa trộn các quốc tịch, các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau thành một xã hội mới đồng nhất. Khái niệm này thường được dùng để chỉ sự đồng hóa (assimilation) các di dân vào xã hội Mỹ và được sử dụng tương đương thuật ngữ Mỹ hóa (Americanization) (ND).

55 Americanism: Một ý thức hệ chủ trương tạo dựng một căn cước tập thể của Mỹ, cho rằng các giá trị văn hóa và chính trị Mỹ (tự do, dân chủ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quân bình, chủ nghĩa dân túy) là lý tưởng và đáng mong muốn nhất trên thế giới. Khái niệm này thường được dùng tương đương với “American exceptionalism” (chủ nghĩa biệt lệ Mỹ), thuật ngữ do Alexis de Tocqueville (1805-1809) đặt ra năm 1831 (ND).

56 Cleveland: Thành phố thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ, nơi có lượng người Slovenia đông nhất thế giới bên ngoài Slovenia (ND).

57“The Old Sow” (Con lợn già): Cụm từ ám chỉ Ireland, được nhà văn Ireland James Joys (1882-1941) sử dụng trong tiểu thuyết Chân dung một người nghệ sĩ trẻ [A portrait of the artist as a young man] (1916). Nguyên văn: “Ireland is the old sow that eats her farrow” (Ireland là con lợn già ăn con của nó) (ND).

58 Ngày thánh Patrick: Lễ hội tôn giáo và văn hóa lớn được tổ chức hàng năm vào ngày 17 tháng 3 tại Ireland và các cộng đồng Ireland hải ngoại trên thế giới. Thánh Patrick là vị thánh bảo hộ cho Ireland, người truyền giảng Cơ đốc giáo tới hòn đảo. Tại Ireland, ngày thánh Patrick được coi là ngày lễ quốc gia, tượng trưng cho các giá trị văn hóa Ireland. Tuy nhiên do cộng đồng Ireland hải ngoại lớn hơn nhiều so với đảo Ireland (dân số tại Ireland chỉ khoảng 4 triệu người, nhưng có ít nhất 35 triệu người Mỹ được cho là có nguồn gốc Ireland) nên ngày lễ này còn được tổ chức rầm rộ tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, trong đó New York là một trong những nơi có lượng người tham gia đông nhất thế giới (ND).

59 Năm ngoái xe diễu hành của những người đồng tính đã giành được giải nhất tại Cork [thành phố ở tây nam Ireland – ND]. Nhưng ở New York Hội những người anh em Cơ đốc Ireland (The Ancient Order of the Hibernians) tiếp tục hành động như thể đồng tính luyến ái hoàn toàn không tương thích với thuộc tính Ireland. Trên thực tế, “Ireland thực” đã di chuyển về phía tây sang một vị trí mới bên kia Đại Tây Dương.

60 Cộng đồng châu Âu (EC): Một trong ba tổ chức trực thuộc Liên minh châu Âu (EU), tiền thân là Cộng đồng kinh tế châu Âu (ND).

61 Jean-Marie Le Pen: Sinh năm 1928, lãnh tụ của Mặt trận dân tộc Pháp, chính đảng có đường lối dân tộc chủ nghĩa cánh hữu. Chính đảng này được thành lập năm 1972, trở thành động lực chính của chủ nghĩa dân tộc Pháp từ 1984 lại nay. Chủ trương chính của Đảng là phản đối tư cách thành viên Pháp trong NATO và Liên minh châu Âu, phản đối nhập cư, ủng hộ bảo hộ mậu dịch (ND).

62 Liên minh Lombarda (Lega Lombarda)cuối những năm 1980, tiền thân của Liên minh miền Bắc (Lega Nord) hiện nay, mặc dù không hoàn toàn giống các phong trào này nhưng lại chứng tỏ có gì đó gần gũi với tiến trình sắc tộc hóa có thể đe dọa làm sụp đổ ngay cả một quốc gia được coi là hạt nhân. Đối với các cư dân miền nam Ý, Liên minh này thường tỏ thái độ khinh miệt đến mức ngông cuồng, như thể họ là một chủng tộc khác thấp kém.

63 Ở đây có một thay đổi quan trọng kể từ thế kỷ 19. Ngày nay người ta có thể đòi hòi những người như thế phải được đưa trở lại với “quốc gia dân tộc của họ”, mặc dù một trăm năm trước những quốc gia may mắn đó vẫn chưa tồn tại.

64 Tác giả chơi chữ: “French fields” vừa có nghĩa là những cánh đồng của người Pháp vừa ám chỉ chương trình truyền hình nhiều tập có tên “Nhà Field tại Pháp” (French Fields) do BBC thực hiện và công chiếu từ tháng 9 năm 1989 đến tháng 10 năm 1990. Đây là chương trình hài kịch tình huống (situation comedy) kể lại câu chuyện hai vợ chồng họ Field người Anh (William và Hester Field) sang Pháp định cư và vật lộn làm quen với văn hóa và ngôn ngữ Pháp. “French Fields” ở đây ám chỉ người ngoại quốc định cư tại Pháp (ND).

65 Praful Bidwai, “Phá đổ ngôi đền: Nền dân chủ lâm nguy ở Ấn Độ” [Bring down the temple: Democracy at risk in India], Dân tộc [The nation], 23 tháng Giêng, 1993, tr. 86.

66 Số lượng những người này rất đông đảo. Theo thống kê chính thức, số lượng người Nam Á sống ngoài Nam Á là gần 8.7 triệu người. Cụ thể như sau: châu Âu 1.482.034 người (trong đó có 1.260.000 người ở Vương quốc Anh); châu Phi 1.389.722 người; châu Á 1.862.654 người (trong đó có 1.170.000 người ở Malaysia); Trung Đông 1.317.141 người (chủ yếu tập trung ở các nước Vùng vịnh); Mỹ Latin và khu vực Caribbe 957.330 người (trong đó có 730.350 người ở Guyana và Trinidad); Bắc Mỹ 728.500 người (trong đó có 500.000 người ở Hoa Kỳ); khu vực Thái Bình Dương 954.109 người (trong đó có 839.340 người ở Fiji). Giáo sư Myron Weiner vui lòng cho tôi biết, mặc dù đối tượng bảng thống kê này là những người Nam Á hải ngoại, nhưng trong một thời kỳ dài những khu vực di dân lớn lại nằm trong biên giới hiện nay của Ấn Độ. Ông cũng cho rằng những số liệu này quá bảo thủ: chẳng hạn theo điều tra nhân khẩu hiện nay của Mỹ, người Ấn Độ tại Mỹ hiện xấp xỉ 900.000 người. Theo dự đoán của ông, rất có thể tổng số thực người Ấn Độ sống ở nước ngoài nằm trong khoảng từ 11 đến 12 triệu người. “Dẫn nhập: Những chủ đề trong nghiên cứu di dân Nam Á” [Introduction: Themes in the study of the SouthAsean diaspora], in trong Colin Clarke, Ceri Peach và Steven Vertovee (biên soạn), Nam Á hải ngoại: Di dân và sắc tộc [South Aseans overseas: Migration and ethnicity], Cambridge, Mass: Havard University Press, 1990, tr. 2.

67 Tức phong trào Khalistan, một phong trào đòi ly khai của người Sikh diễn ra ở khu vực Punjab (một bang ở tây bắc Ấn Độ), nơi được coi là quê hương của họ. Với sự hỗ trợ của những người Sikh hải ngoại, phong trào lên đến đỉnh điểm trong những năm 1970 và 1980, dẫn đến những vụ bạo lực đẫm máu chống lại chính quyền Ấn Độ (ND).

68 Xem tin tức phong phú và chi tiết trên tờ Asiaweek, 26 tháng Bảy, 1996.

69 Nhân vật điển hình là công dân Canada Goyko Šušak. Là một tỷ phú thành đạt nhờ kinh doanh Pizza tại Ottawa, trong nhiều năm ông đã xây dựng một mạng lưới cánh hữu rộng lớn gồm những người Croatia “hải ngoại” sống tại Bắc Mỹ. Ông sử dụng nguồn quỹ dồi dào rút từ họ để giúp Franjo Tudjman giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Croatia đầu tiên và phần thưởng cho điều đó là việc ông giành được chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng Croatia (aka War). Xem phỏng vấn đáng chú ý trên New York Times, 16 tháng Giêng, 1994. Nhờ những tiếp túc tuyệt vời tại Lầu năm góc, ông đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các tướng Mỹ đã nghỉ hưu – chính họ lên kế hoạch cho những chiến thắng chớp nhoáng của Croatia trước quân đội của Slobodan Milosević.

70 Xem “Cuộc báo thù của những di dân Armenia” [Revenge of the Armenian diaspora], Finacial Times, 15 tháng Chín, 1994.

71 Ferdinnad Marcos (1917-1989): Tổng thống Philippines giai đoạn 1965-1986, lãnh đạo của một chính quyền độc tài nổi tiếng tàn bạo và tham nhũng (ND).

Nguồnhttp://vanhoanghean.com.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020