Nghi thức có thể định nghĩa là sự diễn xướng của những loạt hành động và lời nói tương đối bất biến, tính chất thủ tục và không bị người diễn xướng mã hoá. Nhiều người có thể tranh biện rằng nghi thức không giản đơn là một trong số nhiều phương thức giao tiếp tồn tại cho loài người mà phải là phương thức giao tiếp đã làm cho những loại hình giao tiếp khác trở nên khả dĩ, đặc biệt là những cái dựa trên ngôn ngữ.
Mặc dù hiểu biết của đại chúng có xu hướng gắn kết nghi thức với những vấn đề hoặc sự thực hành một tôn giáo, thì khía cạnh cơ bản của định nghĩa đưa ra ở đây là nó không quy định phạm vi đối tượng (subject matter) của nghi thức. Nghi thức được hiểu là một hình thức hoặc một cấu trúc, nghĩa là một số đặc điểm hoặc đặc trưng trong một quan hệ qua lại tương đối cố định. Những sự kiện thoả mãn định nghĩa này diễn ra ngoài các bối cảnh tôn giáo. Các chuyên gia tâm thần chẳng hạn, đã sử dụng các thuật ngữ nghi thức và nghi lễ để chỉ cả hành vi bệnh lý của những người hoang tưởng dạng bắt buộc và cả cho những quan hệ qua lại lành mạnh song có tính chất rập khuôn giữa cha mẹ và con cái. Thực tế, việc sử dụng này không bị hạn chế trong thế giới loài người. Các nhà phong tục học sử dụng thuật ngữ này để chỉ những biểu hiện có tính chất rập khuôn mà thông qua đó những thành viên của một số lớn cá thể trong loài giao tiếp với những cá thể cùng loài (chẳng hạn, những nghi thức ve vãn của giống bói cá mào to hay loài cua đàn).
Một đặc điểm thứ hai ghi nhận được trong định nghĩa là sự diễn xướng. Nếu không có sự diễn xướng thì không có nghi thức. Sự diễn xướng bản thân nó là một khía cạnh của cái được diễn xướng. Môi trường là một bộ phận của thông điệp; nói chính xác hơn, nó là một thứ giả thông điệp về bất kỳ cái gì được mã hoá trong nghi thức.
Thứ ba, định nghĩa này quy định rằng các loạt hành động và lời nói có tính thủ tục tạo nên nghi thức không nhất thiết phải bất biến mà chỉ tương đối bất biến. Quy định này cho phép không chỉ sự bất hoàn hảo trong sự diễn xướng mà còn thừa nhận một số biến thái có thể xuất hiện theo bất kỳ trật tự nghi thức nào (nghi thức), cho dù sự diễn xướng nó phải kỹ lưỡng đến đâu. Ví dụ, một số nghi thức của người Melanesia kêu gọi chủ nhà phải đem lợn ra biếu khách, song số lượng lợn có thể thay đổi. Trong cộng đồng người Maring ở Papua New Guinea, đàn ông cam kết giúp đỡ nhóm tộc hơn là cho chính bản thân mình trong những lần xảy ra chiến tranh bằng cách nhảy múa trong các dịp lễ hội. Trong những nghi thức đó, sự nhảy múa như thế có một vị trí nhất định, nhưng quy mô của những nhóm khách đến thăm thì không cố định. Điều có ý nghĩa nhất và cơ bản nhất là cá thể luôn luôn có sự lựa chọn tham gia hay không vào một nghi thức (Xem thêm Lễ hội).
Các loại thông điệp được chuyển tải trong nghi thức
Việc có những khía cạnh bất biến và khả biến trong một nghi thức hàm ý là sẽ có hai cấp độ thông điệp được chuyển tải. Loại thứ nhất là những thông điệp nhìn bề ngoài thì không thay đổi, thể hiện ở trình tự bất biến của các phép tắc nghi thức. Loại này liên quan tới những khía cạnh vĩnh cửu của trật tự xã hội và trật tự vũ trụ. Thứ hai là những thông điệp truyền đi bởi bất kỳ một biến thái nào mà nghi thức cho phép hoặc đòi hỏi: có thể đem cho hai mươi hay ba mươi con lợn, tuỳ. Loại này liên quan đến những trạng thái trung gian của những người diễn xướng trong lúc thể hiện; chẳng hạn, mối quan hệ hiện tại của họ với cái trật tự bất biến mà các phép tắc quy định. Những khía cạnh thông tin đó của sự chuyển tải (có tính) nghi thức đối với các thông điệp tự dẫn chiếu với tư cách những đặc điểm của nghi thức có thể thay đổi, sự biểu diễn dạng số các quá trình analog, và sự thể hiện vật chất của những cái trừu tượng sẽ không được bàn ở đây.
Mối quan hệ của ký hiệu với cái được hàm ý trong hai cấp độ thông điệp này có thể khác nhau. Cái mà được hàm ý bởi các phép tắc bất biến thì sẽ không bị hạn chế về thời gian và địa điểm, không thể là vật chất, và giống như trường hợp các thần linh siêu nhiên, thậm chí không thể nghĩ là chúng tồn tại trong dãy không - thời gian liên tục. Do ý nghĩa căn bản (significata) đó không có mặt trong tổng thể của chúng, cho nên ý nghĩa của chúng đòi hỏi phải sử dụng các ký hiệu, theo nghĩa của nhà triết học Charles S. Peirce, những ký hiệu làm dấu hiệu mà chỉ liên hệ “theo luật” (quy ước) với cái mà chúng hàm ý. Ngôn từ là những ký hiệu tinh tuý trong loại ứng dụng này.
Trái lại, trạng thái của người diễn xướng thể hiện bằng những biến đổi trong sự diễn xướng thì tồn tại trong thời gian và địa điểm. Như vậy, mối quan hệ của cái được biểu đạt với phương tiện biểu đạt không nhất thiết phải có tính ký hiệu theo nghĩa của Peirce, mà thường thì không. Nó có thể ở dạng tín hiệu chỉ báo. Một tín hiệu chỉ báo trong lối nói của Peirce là một dấu hiệu “thực sự bị tác động” của cái mà nó ám chỉ; một đám mây đen chẳng hạn, là một tín hiệu chỉ báo cho trận mưa. Một món quà gồm ba mươi con lợn mà chủ nhà mang ra cho khách trong ngày lễ theo nghi thức của người Melanesia chắc chắn không tượng trưng cho giá trị hoặc ảnh hưởng lớn lao của chủ nhà; nó báo hiệu cái đó, bởi vì món quà gồm mười con lợn không làm được việc đó. Thậm chí người ta còn cho rằng nhảy múa trong buổi lễ hội của người khác không tượng trưng cho cam kết của người đàn ông sẽ chiến đấu mà là một tín hiệu chỉ báo của sự cam kết đó hoặc một cái gì đó đại loại như vậy, bởi vì nhảy múa, theo cách hiểu của John L. Austin, là có tính diễn xướng. Có nghĩa là nhảy múa biến cam kết thành hiện thực và do đó không phải là giúp thêm mà là chỉ báo điều đó.
Bản chất chỉ báo của các dấu hiệu ám chỉ trạng thái hiện tại của đối tượng phát ra chúng có tầm quan trọng đáng kể. Sự thông tin kiểu chỉ báo nói chung ít mắc phải những nhược điểm cố hữu trong quan hệ tượng trưng. Khi các dấu hiệu đuợc giải phóng khỏi cái mà chúng biểu đạt, giống như trường hợp khi mà quan hệ tượng trưng giữa dấu hiệu và cái được ám chỉ thắng thế, thì sự nói dối (nếu như không phải lần đầu được tạo điều kiện xảy ra) chí ít cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Còn dối trá về tín hiệu chỉ báo (indexically) thì khó hơn nhiều. Nói như thế không phải để khẳng định là các vũ công Maring luôn luôn trung thực với cam kết của họ, hoặc thậm chí rằng họ đã thành thật khi họ làm như vậy. Nói như thế chỉ đơn giản là để nói rằng họ đã làm những việc đó. Cái đã làm cho các chủ nhà cảm thấy tin tưởng - trong chừng mực ứng với việc họ làm - rằng các vị khách vũ công sẽ trung thực với những cam kết của mình là mối liên hệ của các cam kết đó với những thông điệp thực chất của cái phép tắc bất biến, một vấn đề sẽ được bàn ở phần sau.
Chúng ta vừa khẳng định rằng thông điệp tự dẫn chiếu, do tầm quan trọng của nó và trong một số trường hợp thì do tính chất chấp nhận được của nó nên phải dựa vào cái chính thống. Điều này trái ngược với trường hợp khi thông điệp chính thống do nghi thức chuyển tải lại phụ thuộc vào thông điệp tự dẫn chiếu. Thật vậy, luôn luôn có một thông điệp tự dẫn chiếu tồn tại trong toàn bộ nghi thức, mà thiếu nó thì phép tắc luật lệ sẽ mất sức mạnh hoặc tầm quan trọng. Nghi thức, nói tóm lại, không phải đơn thuần là một tuyển chọn các thông điệp và giả thông điệp, mà là một dạng thức phức tạp của sự thông tin, trong đó hai loại thông điệp phụ thuộc lẫn nhau.
Tính cần thiết của sự diễn xướng
Một nghi thức là một trình tự các hành động và lời nói, và như thế thì nghi thức sẽ chỉ diễn ra hay được thực hiện khi các hành động đó được tiến hành và lời nói đó được phát ra. Mối quan hệ này của hành động diễn xướng với cái được diễn xướng - việc làm cho nó ra đời hoặc thực hiện nó hoặc làm cho nó trở thành hiện thực - cũng không giúp gì song lại chỉ rõ mối quan hệ của những người diễn xướng với cái mà họ đang diễn xướng. Họ đang không chỉ đơn thuần truyền đạt các thông điệp mà họ phát hiện ra ở dạng mã hoá trong các phép tắc. Họ đang tham gia vào, có nghĩa là trở thành một bộ phận, của cái thứ tự mà chính bản thân cơ thể họ và hơi thở của họ tạo ra.
Thực hiện một thứ tự nghi thức lễ lạt, cái mà theo định nghĩa là một trình tự khá bất biến gồm các hành động và lời nói được mã hoá bởi ai đó không phải bản thân những người diễn xướng, là việc tất yếu để tuân theo trình tự đó. Như vậy, quyền lực và quyền chỉ huy là cái ẩn bên trong trình tự nghi thức lễ lạt. Nhưng sự tham gia lại gợi ý một cái gì đó có tính ràng buộc hơn bất kỳ cái gì bao hàm trong những ngôn từ như quyền lực và quyền chỉ huy. Sự thông tin làm sinh ra người truyền đạt, người nhận và thông điệp, nhưng trong các cuộc diễn xướng có tính chất nghi thức thì người truyền đạt luôn luôn nằm trong số những người nhận quan trọng nhất của những thông điệp của chính họ; có một sự hoà đồng trong chừng mực nhất định giữa người truyền đạt và người nhận. Còn một sự hoà đồng nữa xảy ra trong quá trình nghi thức là ở chỗ người truyền đạt - người nhận trở thành một với thông điệp được truyền đi và được nhận. Khi tuân theo cái trình tự có hiệu lực trong cuộc diễn xướng, người diễn xướng trở thành một bộ phận của nó vào lúc đó. Vì điều đó là sự thực, cho nên đối với những người diễn xướng vứt bỏ bất kỳ cái gì đã được mã hoá trong các phép tắc mà họ đang tiến hành trong lúc họ đang tiến hành chúng thì đối với tôi đều có vẻ mâu thuẫn về thuật ngữ, và do đó không thể xảy ra. Như thế để muốn nói rằng bằng cách thực hiện một nghi thức, những người diễn xướng chấp nhận (và thể hiện ra cho bản thân và những người khác thấy là họ chấp nhận) bất kỳ cái gì được mã hoá trong các phép tắc của trình tự nghi thức lễ lạt mà họ đang thực hiện. Thông điệp chấp nhận này là thông điệp có tính chất chỉ báo - hay giả thông điệp - vốn hàm chứa trong mọi nghi thức, thứ thông điệp mà thiếu nó thì các thông điệp chính thống mất đi hiệu lực. Đó không phải là một thông điệp tầm thường, bởi vì con người có sự lựa chọn, chí ít là về mặt logic, có tham gia hay không. Nhân thể suy ra là thần thoại và nghi thức không giống nhau, mặc dù một số học giả khẳng định là có. Thần thoại, bản thân nó với tư cách một dạng thức, không đặc tả mối quan hệ của những người kể nó, đọc nó hoặc nghe nó, với nội dung câu chuyện (Xem thêm Truyện kể dân gian).
Tuy nhiên thông điệp chấp nhận này không đồng nghĩa với lòng tin. Lòng tin là một trạng thái nội tâm, có thể nhận biết một cách chủ quan về tổng thể. Sự chấp nhận, trái lại, là một hành động công khai mà cả người chứng kiến lẫn người diễn xướng đều thấy. Vì thế sự chấp nhận là một hành động xã hội cơ bản tạo nên cơ sở cho các trật tự xã hội công cộng, bởi vì lòng tin không thể nhận biết và không kiên định thì không thể làm được việc đó. Sự chấp nhận không chỉ không phải là lòng tin; nó thậm chí còn không ngụ ý lòng tin. Mặc dù hành động tham gia có thể làm cho các lòng tin riêng tư của các cá nhân tương đồng với các hành động công khai của họ, song điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Những người tham gia có thể có những sự nghi ngờ của họ, song sự nghi ngờ không vô hiệu hoá sự chấp nhận. Một số nhà thần học thậm chí còn giả thiết rằng sự chấp nhận có thể sâu sắc hơn lòng tin, bởi vì trong hành động tham gia những người diễn xướng có thể vượt qua những nỗi ngờ vực của họ bằng cách cứ chấp nhận, bất chấp nỗi ngờ vực.
Nói sự chấp nhận là bản chất của sự diễn xướng không có nghĩa là khẳng định rằng người diễn xướng sẽ cam chịu bất kỳ quy tắc, chuẩn mực hoặc luật lệ nào mà người đó chấp nhận. Một người có thể trộm cắp tiền trong chiếc hòm công đức trên đường ra khỏi nhà thờ đến chỗ hẹn với vợ người hàng xóm sau khi tham dự một nghi lễ mà trong đó anh ta đọc Mười Điều răn, và tất cả những việc đó diễn ra không hề làm cho sự chấp nhận của anh ta bớt tính cách ràng buộc đi. Sự diễn xướng theo nghi thức lễ lạt tạo nên các quy ước - sự hiểu biết, quy tắc, chuẩn mực - mà phù hợp với chính hành vi sẽ được thực hiện; nó không kiểm soát trực tiếp hành vi. Sự tham gia vào một nghi lễ, trong đó điều cấm ngoại tình được phát biểu thành lời, không thể giữ cho một người đàn ông khỏi phạm tội ngoại tình, song nó đặt ra cho anh ta một quy tắc mà anh ta chấp nhận. Sự chấp nhận kéo theo nghĩa vụ, và cho dù anh ta có cam chịu nó hay không thì anh ta cũng buộc phải làm theo.
Đây là một điểm không hề vô nghĩa. Một số quy ước, như các quy ước về ngôn ngữ, có thể là những sản phẩm đơn giản khi áp dụng. Nhưng trong những trường hợp khác, việc áp dụng lại đầy những thay đổi tuỳ tiện và vi phạm. Như vậy, việc áp dụng bản thân nó không có khả năng thiết lập nên quy ước. Các xã hội phải thiết lập nên các quy ước theo những cách có tác dụng bảo vệ họ khỏi sự xói mòn việc áp dụng thông thường. Nghi thức làm được việc đó, và về phương diện này có lẽ nó là vô địch. Những luật lệ được ban hành bởi một sắc lệnh cũng có thể được bảo vệ khỏi sự xói mòn trong việc áp dụng nhờ quyền lực của người ban hành, song sự ban hành không nhất thiết dẫn đến sự chấp nhận.
Thiết lập một quy ước - một luật lệ được công khai thừa nhận hoặc một quan niệm có thể ban bố bằng ngôn ngữ và có thể thay đổi thông qua ngôn ngữ - tức là mô tả nó, truyền đạt nó và chấp nhận nó. Nếu sự chấp nhận đem đến nghĩa vụ thì suy ra là nghi thức sẽ khoác cho bất kỳ quy ước nào mà nó thể hiện cái vỏ đạo đức, bởi vì vi phạm nghĩa vụ luôn luôn và ở đâu cũng bị xem là phi đạo đức. Thật vậy, có thể lập luận rằng việc vi phạm nghĩa vụ, trái với những hành động cụ thể như giết người, là một hành động phi đạo đức cơ bản. Giết người không phải lúc nào và ở đâu cũng là vô đạo đức; giết một người mà nghĩa vụ quy định là không được giết mới là phi đạo đức.
Nói tóm lại, nghi thức là hiện thân của khế ước xã hội. Như thế, nó là hành động xã hội cơ bản, làm nền tảng cho xã hội loài người.
Các đặc điểm của nghi thức
Nghi thức bao gồm cả lời lẽ lẫn hành động. Sự khác biệt về năng lực truyền đạt của lời lẽ xét về một mặt và những hành động, tính chất và đối tượng xét về mặt khác sẽ không đem ra bàn ở đây. Song, lại nảy sinh một vấn đề khác do bàn về sự chấp nhận, khế ước xã hội và đạo đức. ở trên ta đã nhận xét rằng trong nghi thức thì người truyền đạt, người nhận và thông điệp đều trở nên hoà trộn ở nơi người tham gia, song ta chưa nói gì về thực chất của người tham gia. Nhìn vào khả năng xảy ra sự không ăn khớp hoặc thậm chí xung khắc giữa những hành động công khai và các quá trình cá nhân của người diễn xướng với tư cách thực thể tiếp nhận, thì đây quả là một vấn đề.
Có thể giả định rằng việc sử dụng cơ thể đã xác định cái tôi của người diễn xướng cho chính bản thân anh / chị ta và cho những người khác. Chẳng hạn, khi quỳ gối xuống, người diễn xướng không đơn thuần đang gửi đi một thông điệp về sự khuất phục theo những ngôn từ hay thay đổi. Việc sử dụng cơ thể cho thấy rằng cái tôi bị hạ tầm quan trọng không phải là sản phẩm của những ngôn từ không thực mà cũng không phải là cốt lõi mong manh hoặc linh hồn, những cái không thể định vị trong thời gian hoặc không gian. Đó là cái thực thể sống hiện tại nhìn thấy được của anh / chị ta mà người diễn xướng “đem ra phô bày” hoặc cái đang “đứng dậy (quỳ xuống) để được tính đến”.
Việc dựa vào cả ngôn từ và hành động trong nghi thức còn quan trọng ở chỗ khác nữa. Bằng việc đưa bản thân mình vào tình huống mà ở đó ngôn từ chính thống có giá trị tượng trưng, người diễn xướng đã đem đến dạng thức cơ thể cho những biểu tượng mà anh ta trình diễn. Chúng đem đến thực chất cho những biểu tượng, cũng như những biểu tượng đem đến cho chúng một hình thức. Cái chính thống và cái chỉ báo cùng nhau đi vào trong thực chất của tình huống hình thức.
Một đặc điểm quan trọng khác của nghi thức là tính bất biến. Chính từ tính bất biến đó mà nảy sinh tính thiêng liêng. Tính thiêng liêng là cái được hiểu bằng ngôn ngữ giao tiếp là một tính chất của một bài nói nào đó, đặc biệt là nói ở một nghi thức, chứ không phải đối tượng đề cập của bài nói đó. Vậy thì chính lòng tin mang tính chất tín ngưỡng vào tính thần thánh của Jesu Christ là linh thiêng, chứ không phải bản thân Christ. Việc Christ có thể là thần thánh thì lại là chuyện khác. Tính thiêng liêng, nếu nói một cách khác, là một tính chất có thể có của bài nói, trong đó các đối tượng có thể được thể hiện như mang những phẩm chất linh thiêng.
Trong các tập văn tôn giáo, tính thiêng liêng gắn liền và tràn trề trong một số kiểu diễn đạt mà ta có thể gọi là các định đề linh thiêng nền tảng. “Không có Trời mà chỉ có một Đức Chúa, và Muhhamad là thiên sứ của Người” là một ví dụ. Những lối nói như vậy rất khác thường. Vì nội hàm của chúng nói chung không có tính vật chất cho nên về thực chất chúng không thể kiểm chứng một cách khách quan và không thể xuyên tạc bằng kinh nghiệm được. Chúng cũng trơ đối với các công kích bằng logic. Mặc dù chúng thường mang màu sắc thần bí, có thể hiểu một cách rõ ràng, hoặc thậm chí một phần chứa đựng mâu thuẫn (chẳng hạn, thần vừa có một lại vừa có ba), song chúng vẫn được coi là không có gì phải bàn cãi.
Tính chất không thể tranh cãi của những lối nói như vậy có… (esbleness) mà các giáo đoàn quy cho là do những lối diễn đạt về thực chất là tuyệt đối không thể xuyên tạc và cũng không thể kiểm chứng một cách khách quan.
Tính chất không thể tranh cãi của những “định đề linh thiêng cơ bản” này, một điều có thể còn tranh cãi, theo nhà nhân chủng học Hoa Kỳ Anthony F.C. Wallace, rút ra từ tính bất biến của lối diễn đạt của chúng trong nghi thức. Thông tin, theo ngôn ngữ của lý thuyết thông tin, là cái làm giảm tính bất định trong số các phương án khả dĩ. Nếu một dãy hành động và lời nói là cố định, thì việc diễn xướng chúng không thể làm giảm tính bất định trong số các phương án, bởi vì làm gì có phương án khác. Do đó, trong chừng mực mà một phép tắc là bất biến thì nó không có thông tin. Song, Wallace đã quan sát thấy, thông tin không đồng nghĩa với ý nghĩa, và ý nghĩa của tính không thông tin của một phép tắc lại là tính tất định của nội dung của nó.
Tính tất định này là một trong những nền tảng của tính không thể tranh cãi của sự thiêng liêng. ở trên chúng ta từng lập luận rằng những sự diễn xướng tuân theo các phép tắc bất biến thì bao gồm sự chấp nhận bất kỳ thứ gì mà những phép tắc đó mã hoá. Sự chấp nhận có thể hiểu như một sự đồng ý không còn phải bàn cãi, một khía cạnh khác của tính không thể tranh cãi. Nói một cách ngắn gọn, khái niệm về cái thiêng liêng đã ngầm chứa trong tính bất biến của nghi thức.
Trong khi tính thiêng liêng có cội nguồn biểu kiến ở các định đề thiêng liêng cơ bản, những cái nói chung không có vật dẫn chiếu dạng vật chất, thì nó lại lan truyền tới những câu khác có vật dẫn chiếu dạng vật chất hoặc xã hội và có thể ngụ ý trực tiếp trong các quy định của xã hội, những câu như “Henry là do ân sủng của Đức Chúa Trời”, “Tôi thề sẽ nói sự thật”, “Mi sẽ không giết”, “Vinh quang thay cho cha ngươi và mẹ ngươi”. Trong xu hướng đó, tính không thể tranh cãi tổng quát của cái thiêng liêng được biến thành những phẩm chất cụ thể hơn - sự thật, sự tin cậy, tính đúng đắn, tính thích hợp, đạo đức - như thế là đã thần thánh hoá, ý muốn nói là đã chứng thực, những thông điệp mà theo ngôn ngữ của chúng và dựa vào chúng mà cuộc sống xã hội diễn ra. Những cam kết mà người Maring ngụ ý bằng cách nhảy múa được thần thánh hoá nhờ sự gắn kết chúng với nghi thức có những định đề thiêng liêng nền tảng. Tính thiêng liêng, nói một cách ngắn gọn, bảo đảm cho bài thuyết giáo mà cuộc sống xã hội loài người nói chung dựa vào.
Vì khái niệm về cái thiêng liêng bắt nguồn từ tính bất biến của nghi thức, cho nên nhà nhân chủng học Anh quốc Maurice Bloch đã lập luận là có thể khái niệm thần thánh cũng vậy. Những lời lẽ mà người diễn xướng nghi thức nói ra không phải là lời lẽ của bản thân họ. Nguồn gốc của chúng là từ xa xưa. Ngôn từ ngụ ý người nói, và những ngôn từ bất biến, có từ xa xưa đã ngụ ý trước tiên những người nói từng tồn tại ở thời xa xưa, vào lúc bắt đầu của thời gian hoặc thậm chí trước khi thời gian bắt đầu.
Thực tế tôn giáo
Cũng quan trọng chẳng kém gì tính bất biến nghi thức, ngôn ngữ và lối sống của con người phải dựa vào cái gì đó nhiều hơn là chấp nhận một cách hình thức và những mẹo vặt trong lý thuyết thông tin. Cho tới giờ chúng ta đã quan tâm đến sự thần thánh hoá và cái thiêng liêng, song cái thiêng liêng chỉ là một thành phần rời rạc của một hiện tượng rộng hơn, cái có thể gọi là “cái thần thánh” (“The Holy”). Một khía cạnh khác của “cái thần thánh”, mà theo Rudulph Otto, ta có thể gọi là “cái bí ẩn”, là khía cạnh có thể nhận biết theo kinh nghiệm và không rời rạc của nó. Kinh nghiệm bí ẩn thường (nhưng không phải luôn luôn) được dùng đến trong các nghi thức. Những điều kiện xã hội gọi là “tính cộng đồng” (communitas) và “sự sôi nổi” nằm trong số những biểu hiện của nó, và các phương thức thông tin bằng lời mang tính riêng tư gọi là “lễ ban thánh thể” và “chịu lễ ban thánh thể” có thể mang màu sắc bí ẩn.
Trong một bài luận về thông tin, chúng ta không quan tâm đến kinh nghiệm bí ẩn (hay “tôn giáo”) về thực chất của nó, mà sẽ quan tâm đến những đặc tính có tính khoa học (epistemic) hơn, đặc biệt bởi vì chúng liên hệ với những thông điệp được mã hoá bằng ngôn ngữ. Về mặt này, điều quan trọng là nhận xét rằng những người đã có kinh nghiệm đó đều nói là chúng có ý nghĩa sâu sắc, thậm chí có ý nghĩa nền tảng, song ý nghĩa của chúng có vẻ vượt ra ngoài sự nắm bắt rời rạc. Ý nghĩa không được phép tiết lộ của chúng thậm chí cũng không phải là vấn đề về ý nghĩa, bởi vì bản thân nó là một trạng thái ý thức được cảm nhận trực tiếp hoặc thậm chí là “bản thể”.
Những kinh nghiệm đó không có các thành tố sinh lý có thể nhận biết bằng giác quan. Khi được cảm nhận trực tiếp, bằng cảm tính hoặc thông qua cơ thể cũng như bằng nhận thức, chúng có vẻ luôn luôn có sức thuyết phục rất mạnh - không chỉ được chấp nhận về mặt hình thức hoặc được biểu thị như một cái vừa chắc chắn, đã trải qua, vừa tuyệt đối không thể chối cãi. Khi những kinh nghiệm đó diễn ra với sự có mặt của những định đề thiêng liêng nền tảng hoặc các biểu hiện phát sinh từ đó, các định đề này có vẻ sẽ trở thành nguồn gốc và đối tượng của chúng. Như thế để muốn nói rằng trong nghi thức, các định đề thiêng liêng nền tảng có thể khẳng định là có đặc tính của cái không thể chối cãi nhờ kinh nghiệm bí ẩn của người thờ cúng. Như vậy, trong nghi thức, các thông điệp được mã hoá bằng ngôn ngữ (mà trong đó quan hệ tượng trưng chiếm ưu thế giữa dấu hiệu và cái được thể hiện) được nắm bắt nhờ kinh nghiệm trực tiếp. Nói theo cách hơi khác đi, những thông điệp mà trong đó cái được thể hiện được chuyển tải thông qua các ký hiệu thì dựa vào cái có vẻ như được nhận biết trực tiếp qua các giác quan. Đây là căn nguyên thứ ba của tính không còn gì phải nghi ngờ của nghi thức.
Các đặc trưng của cái thiêng liêng và cái bí ẩn tương phản nhau. Cái thiêng liêng thì rời rạc, song nội hàm của nó phi vật chất, và do đó không thể xuyên tạc. Cái bí ẩn thì có tính vật chất trực tiếp nhưng không rời rạc, do đó nó không chỉ không thể bị xuyên tạc mà còn không thể chối bỏ. Như vậy, các định đề thiêng liêng nền tảng đi đến chỗ tham dự vào đặc tính biết ngay lập tức và không thể chối bỏ của kinh nghiệm bí ẩn. Điều này có căn cứ hay không thì chưa bàn ở đây, bởi vì sự liên tưởng không phải là cái có thể lĩnh hội được bằng trí tuệ mà phải bằng sự từng trải trực tiếp.
Vì thế, khi chúng kết hợp lại trong nghi thức, cái trừu tượng nhất và xa vời nhất trong các quan niệm được ràng buộc với cái trực tiếp nhất và quan trọng nhất của kinh nghiệm. Cuối cùng, một bức tranh đặc biệt hiện lên trước mắt chúng ta: cái không thể xuyên tạc, được sự hậu thuẫn của cái không thể chối bỏ, sản sinh ra cái không thể tranh cãi, và cái này biến cái mơ hồ, tuỳ tiện và có tính quy ước thành cái đúng đắn, cái cần thiết và cái tự nhiên. Quá trình này làm cho các thể chế dựa trên ngôn ngữ trở nên khả dĩ, và do đó làm cho bản thân ngôn ngữ trở nên khả dĩ. Bởi vì nhân loại được định nghĩa như ta đang thấy hiện tại do nó có ngôn ngữ và bởi ngôn ngữ, cho nên có thể đòi hỏi rằng cấu trúc của nó là nền tảng cho lối sống của nhân loại, mà điều này thì được thực hiện trong nghi thức.
Tài liệu tham khảo
1. J.L. Austin, How to do things with words [Làm mọi việc với ngôn từ như thế nào], xuất bản lần thứ hai, do J.O. Urmson và Marina Sbisa biên tập, Cambridge, Mass., 1975.
2. Gregory Bateson, Steps to an Ecology of Mind [Các bước tiến tới sinh thái học tinh thần], New York, 1972.
3. Maurcie Bloch, “Symbols, Song, Dance and Features of Articulation” [Biểu tượng, bài hát, sự nhảy múa và những đặc điểm của sự đọc rõ chữ], European Journal of Sociology (Archives Européenes de Sociologie) [Tạp chí Xã hội học châu Âu (Văn khố xã hội học) 15 (1974): 55-81.
4. Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures [Sự diễn giải văn hoá], New York, 1973.
5. Charles Sanders Peirce, Elements of Logic [Những yếu tố của logic học], tập 2, Collected papers of Charles Sanders Peirce [Tuyển tập công trình của Charles Sanders Peirce], Cambridge, Mass., 1931-1960.
6. Roy A. Rappaport, “The Obvious Aspects of Ritual” [Những khía cạnh hiển nhiên của nghi thức], trong cuốn sách Ecology, Meaning, and Religion [Sinh thái học, ý nghĩa và tôn giáo], Nhà xuất bản Richmond, Calif., 1979.
7. John R. Searle, Speech Acts [Hành động lời nói], Cambridge, 1969.
8. Anthony F.C. Wallace, Religion: An Anthropological View [Tôn giáo: Một cái nhìn nhân học], New York, 1966.
(In trong sách: Folklore: Một số thuật ngữ đương đại, Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên (2005), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).