Văn hóa

Múa


15-10-2020
Tác giả: Adrienne L. Keappler

Có một hình thái giao tiếp phức tạp mà phải phối hợp các mặt trực giác, rung động cơ thể và thẩm mỹ trong các vận động của con người, thường thì kèm với âm nhạc, đôi lúc lại với không gian thi ca. Múa được tạo ra từ những biểu hiện thấm đượm văn hoá ở trong phạm vi các bối cảnh xã hội và tôn giáo. Múa còn truyền tải thông tin, ý nghĩa như nghi lễ, lễ hội và giải trí. Bởi vì múa có mục đích giao tiếp cho nên khán giả của nó phải hiểu các quy ước văn hoá liên quan đến sự vận động của con người về mặt thời gian và không gian.

Người ta đã đưa ra nhiều định nghĩa về múa, nhưng không có định nghĩa nào nhấn trọng tâm vào các khía cạnh giao tiếp của múa. Với rất ít ngoại lệ, các tác giả đơn giản khẳng định mà không cần có sự xem xét kỹ lưỡng hơn về múa như là một dạng giao tiếp; hoặc có người lại chỉ tập trung vào sự bắt chước hay mô tả tiềm tàng về vận động múa. Từ điều khẳng định ấy, ai đó chỉ có thể kết luận rằng việc điều tra và hình thành một cách chính xác các khía cạnh của múa vẫn còn đang trong thời kỳ non trẻ.

Múa trong một bối cảnh văn hoá

Múa là một hình thái văn hoá có được từ các quá trình sáng tạo vận dụng (có nghĩa là xử lý với các kỹ năng) cơ thể con người theo thời gian và không gian, sao cho sự hình thành các vận động theo một cách tương tự như thơ ca đã cô đọng tính nghi thức hoá của ngôn ngữ. Mặc dù ngắn ngủi, nhưng hình thái văn hoá được tạo ra này đã cấu trúc một nội dung truyền đạt ý nghĩa, là sự biểu thị trực quan các quan hệ xã hội, và có thể là chủ đề cho một hệ thống thẩm mỹ phức tạp. Quá trình biểu diễn thường cũng quan trọng như một hình thái văn hoá đã được hình thành (xem biểu diễn). Múa có thể được coi là nghệ thuật, lao động, lễ nghi, phong tục, giải trí hay là sự kết hợp một số cái trong tất cả những cái được coi ở trên. Sự kết hợp này phụ thuộc vào nền văn hoá hay cái xã hội sản sinh ra nó. Sẽ là sai lầm khi giả thiết rằng múa là một ngôn ngữ phổ quát như nhiều người đã đưa ra trong quá khứ. Ngoại trừ sự hiểu biết ở mức độ nông cạn bề mặt, thì múa không thể được hiểu theo cách giao thoa văn hoá (nghĩa là, giao tiếp), trừ phi các truyền thống múa cá nhân đã được hiểu rõ trong phạm vi nền văn hoá đó, nơi mà mỗi truyền thống đều được gắn kết chặt chẽ.

Múa bao gồm các vận động có cấu trúc, mà nó thường là một phần của các hoạt động lớn hơn hay là của một hệ thống hoạt động. Nhiều xã hội không tồn tại một chủng loại văn hoá có thể so sánh với những cái phương Tây gọi là múa; và người ta còn tranh luận rằng múa không phải là một chủng loại có giá trị giao thoa văn hoá. Sự vận động có cấu trúc của con người với những đặc trưng đã được đề cập đến ở trên, được tìm thấy trong phần lớn các xã hội. Các chủng loại bản địa có thể xác định về múa tốt nhất trong bất kỳ một xã hội cụ thể nào. Nhưng có một quan điểm rộng hơn cho rằng xem xét đến các biểu diễn khác sẽ thích hợp hơn để nghiên cứu múa như là giao tiếp. Trong một xã hội, các hình thái văn hoá dựa trên sự vận động của con người được thực hiện vì thần thánh thì có thể được coi là lễ nghi hơn là múa; nhưng đặc biệt là những chuỗi vận động liên tiếp tương tự như vậy lại có thể được coi là múa, nếu như nó được biểu diễn cho khán giả là con người. Không gian vận động của một lễ hội tôn giáo Bali liên quan tới các thực thể siêu nhiên đặc trưng mà lễ nghi có thể đang được tiến hành để đạt được cái mục đích riêng biệt đó. Cũng nhóm của chuỗi các vận động liên tiếp đó, được thực hiện trên sân khấu thế tục sẽ giao tiếp các thông tin khác nhau với khán giả; và những thông tin này sẽ biến đổi phụ thuộc vào một điều là liệu khán giả có ở cùng làng với người múa hay không, một người Bali nhưng đến từ một làng khác, một người Inđônêxia chứ không phải là người Bali, một người không phải là người Inđônêxia hiểu hình thái văn hoá đặc trưng này thông qua nghiên cứu, hay tham gia vào các hình thái văn hoá đó, hoặc một người không phải là người Inđônêxia biết rất ít hoặc không biết gì về hình thái văn hoá này.

Các hình thái “múa” khác nhau nội trong một nền văn hoá có thể giao tiếp thông tin khác nhau tới các khán giả khác nhau. Ví dụ: ở Nhật Bản micagura - một hoạt động vận động được biểu diễn bởi những cá nhân đặc biệt để phục vụ thần thánh trong các nơi thờ phụng Shinto, hoạt động này liên hệ chủ yếu với các thánh, các mục sư và với các tín đồ để thông báo rằng nghi lễ nghiêm túc này đang được thực hiện. Cái sản phẩm vận động ấy cơ bản là một dạng đối xứng song phương, trang nhã. Hình thái vận động này còn được biết đến với cái tên buyo, và được biểu diễn ngay trong hay tách rời khỏi sân khấu Kabuki; hình thái vận động đó thông tin cho một khán giả có hiểu biết về một câu chuyện hay một phần câu chuyện, và là sự kiện có kịch tính với nhiều điều ngụ ý về đạo đức, xã hội và tôn giáo. Người ta thường chú ý đến các vận động đan chéo nhau; và những vận động không đối xứng hồi tưởng lại cái vẻ đẹp của việc sắp xếp hoa hay hồi tưởng về một “thế giới nổi” của một thời gian, không gian khác thông qua những trang phục lộng lẫy và việc dàn cảnh tỉ mỉ. Hoạt động vận động đi kèm với lễ hội Obon còn được biết đến với cái tên Bon Odori bao gồm các điệu múa tham gia thực hiện vì danh dự hay vì nghĩa với người chết. Trong một cái mô hình hình vòng tròn xung quanh một cấu trúc mà thường có các nhạc công, các vận động đều được biên soạn theo một cách đơn giản đến nỗi mọi người đều có thể tham gia vào. Về cơ bản, một hoạt động chủ yếu về tôn giáo / xã hội thể hiện Bon Odori giúp mỗi người nhớ đến người chết trong hoàn cảnh ít đau buồn hơn; hơn nữa, hoạt động đó còn liên hệ với chính người múa và với những người khác rằng người đó là người Nhật Bản hay là một người biết thưởng thức văn hoá Nhật Bản. Mikagura, Buyo  Bon Odori sử dụng các chuyển động tương đối khác nhau, trong các hoàn cảnh khác nhau và với các ý định khác nhau. Những vận động liên tiếp đó thông tin cái gì, liên lạc với ai - điều này cũng rất khác nhau trong ngay ở nước Nhật Bản và ở nơi nào đó khác. Ví dụ: ở Hawaii, người ta tổ chức hàng loạt lễ hội Obon trong suốt mùa hè.

Cấu trúc và ý nghĩa

Để giao tiếp múa phải có quy tắc và quy ước (grammatical) chặt chẽ. Các quy tắc của múa cũng giống như ngữ pháp của bất kỳ ngôn ngữ nào, nó bao gồm cả cấu trúc và ý nghĩa; và để múa người ta phải biết các vận động cũng như sự liên kết các vận động đó. Từ một viễn cảnh giao thoa văn hoá, người ta có thể nhận ra một vài dạng vận động. Vận động có thể giao tiếp theo cách bắt chước. Thổ dân Úc dùng các vận động bắt chước con chuột túi, con rắn hay các con vật khác như là một phần của các lễ nghi liên quan đến sự bảo tồn và làm màu mỡ đất đai, cũng như là con người và các sinh vật đang sinh sống trên mảnh đất đó. Múa có thể giao tiếp qua thực tế và qua sân khấu. Nhiều hình thái của Ramayana ấn Độ thường kể một đoạn của câu chuyện thông qua phương tiện thực tế và phương tiện sân khấu, ở đó người kể chuyện là các nam diễn viên; những người này dùng các vận động của toàn bộ cơ thể họ để minh hoạ các sự kiện cụ thể. Giao tiếp sẽ xảy ra, nếu khán giả biết sự kiện đã xảy ra hợp với đoạn nào, chỗ nào trong toàn bộ sử thi Ramayana và hiểu được việc mô tả sự kiện đó.

Múa cũng có thể thông tin theo một cách trừu tượng giống như với thơ ca. Ví dụ: ở Polynêsia, mặc dù người ta nói rằng “tay biết kể chuyện”, nhưng ai đó sẽ không hiểu được câu chuyện, nếu như người đó không biết những quy ước trừu tượng rằng cả hai bàn tay và hai cánh tay đều diễn đạt như là vận động. Thậm chí, nếu ai đó có thể hiểu được các quy ước trong một xã hội Polynêsia, thì cũng không có nghĩa là người đó sẽ hiểu các quy ước vận động trong các xã hội Polynêsia khác. Ví dụ: Trong điệu múa Hawaii, người ta có thể gợi ý một bông hoa bằng cách khum hai bàn tay cho giống như một bông hoa; đó là minh họa cần thiết cho một bông hoa là một danh từ. ở Tonga, thì một bông hoa lại có thể được gợi ý bằng cách di chuyển hai bàn tay xung quanh nhau; đó là ám chỉ sự tác động của không khí đã mang hương của hoa đến. Trong cả hai điệu múa, các vận động đều làm tăng cường thông điệp kèm theo chúng, điều này trong một cách nào đó đã tạo ra sự liên tưởng đến hoa. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp, sự liên tưởng có lẽ là một người tù trưởng, người này đã được liên hệ một cách ẩn dụ như một bông hoa. Sự vận động như vậy là một đặc điểm trừu tượng về bản chất một bông hoa (theo cách ở Hawaii - hoa là nhìn, còn theo cách ở Tonga - hoa là ngửi), và đó còn là một hiện tượng ẩn dụ cho một người có địa vị cao.

Một quan điểm mang tính trừu tượng hơn bao gồm những vận động mà chưa từng và không bao giờ được gắn cho có ý nghĩa liên tưởng xác định. Điều này có thể bao gồm phần lớn các vận động trong bất kỳ truyền thống múa nào. Do vậy, liên hệ vận động với lý thuyết thông tin, thì các vận động múa có thể là các ký hiệu, hay các biểu tượng trong bất kỳ cách phối hợp nào, mà truyền đạt các dạng khác nhau của thông tin trong nhiều hoàn cảnh. Người quan sát thực tế - người tham gia, khán giả con người hay thần thánh - đều phải hiểu hay tìm kiếm một mô hình cấu trúc quen thuộc hay các tập hợp đã được khuôn mẫu rồi (nghĩa là - không phải là những vận động biệt lập) để giải mã các thông điệp.

Hơn nữa, cùng với việc tạo ra các điệu bộ, là hiện thực kịch tính hay trừu tượng, vận động có thể thông tin như một dạng nhân tạomang tính văn hoá trang trí truyền đạt một thông điệp chủ yếu rằng: các vận động này thuộc về một nền văn hoá riêng biệt hay tiểu văn hoá hoặc một thể loại vận động đang được kích hoạt vì một mục đích cụ thể. Những vận động như thế này có thể xuất hiện, đó là vận động để cảm thông hoặc ngưỡng mộ như là nghệ thuật hoặc công việc. Những vận động đó có thể do thần thánh, hoặc tổ tiên tạo ra và được giữ gìn, làm sống mãi như những nhân tạo văn hoá và những biểu diễn có tính mỹ học. Những vận động này là quan trọng, ngay cả khi ý nghĩa của chúng có bị thay đổi hay bị lãng quên, giống như các điểm liên quan đến bản sắc dân tộc hay bản sắc văn hoá đã nuôi dưỡng chính nó thông qua các biểu đạt văn hoá.

Để có thể hiểu các vận động như là một nhân tạo văn hoá, người múa và người quan sát phải có năng lực giao tiếp trong môi trường trung gian được tạo bởi mặt xã hội và ý thức. Điều này cũng được nắm bắt bằng một cách giống như cái cách để có được sự thông thạo trong ngôn ngữ. Chỉ sau khi ai đó đã có sự thành thạo với nghĩa đã được mở rộng rồi, thì người ta mới có thể ứng xử theo một cách thích hợp mang tính văn hoá. Sự vận động và các khía cạnh theo kịch bản thường chỉ là các bộ phận hợp thành ở trong một hoạt động xã hội rộng hơn phải được hiểu như là một tổng thể để có thể hiểu múa thông tin cái gì và thông tin như thế nào trong một ví dụ đặc thù.

Vận động múa, cú pháp và ý nghĩa của múa, tất cả đều được tìm hiểu thông qua quan sát và tham gia múa, kiến thức truyền đạt từ thầy dạy sang học trò không ít thì nhiều theo cách chính thức. Người thầy hướng cho học trò không chỉ là truyền thống vận động, kịch bản, phong cách vận động, hoàn cảnh vận động, mà còn trao đổi cả các thông tin về nền văn hoá, nơi mà truyền thống vận động đó đã được gắn kết như: vai trò của nam nữ trong vận động, địa vị xã hội hay cấu trúc xã hội. Việc tìm hiểu về múa cũng biến đổi từ cách quan sát từ xa đến học hỏi một số phong cách Bali trong đó người thầy thực tế còn uốn nắn cả cơ thể và cả chân tay của học trò mình.

Các lý thuyết về múa

Nếu chúng ta hiểu các quy tắc quy ước của một hình thái văn hoá, thì chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cái gì đang được diễn ra. Khi đó, nó tồn tại để thảo luận các quy ước múa là gì và bằng cách nào sự chuyển động của cơ thể là một quy ước theo đó ý nghĩa được sản sinh; làm như thế nào giao tiếp múa giống với cú pháp, ngữ nghĩa và thực tế.

Phỏng theo sự tương đồng ngôn ngữ vào nghiên cứu múa, một số học giả đã dùng sự phân biệt bên trong (emic)/ bên ngoài (etic) để rút ra các đơn vị nội tại hay có tên là Kinemes thông qua việc quan sát hành vi vận động và hỏi han xem hành vi bên ngoài nào được gộp lại hay tách ra một cách có ý thức thành những cái nội tại - emes (nghĩa là, liệu chúng giống nhau hay khác nhau, liệu chúng có trái ngược nhau không). Sau đó, họ phân chia hệ thống vận động bằng cách quan sát và đặt câu hỏi làm như thế nào các đơn vị nội tại được cấu trúc thành các hình thái nội tại (morphokines) và các mô típ và những mối quan hệ nào ở giữa chúng. Với kiến thức liên kết đó, với sự thành thạo trong đầu - những diễn viên múa nào đó của một truyền thống đặc trưng đã biết được “bằng trực giác” - một người quan sát hay một người tham gia, sẽ có khả năng để trả lời liệu chuỗi vận động đó có được dàn dựng theo quy tắc quy ước hay không. Ví dụ: trong múa balê ở phương Tây, một điệu múa bước đôi (pas de deux) có thể truyền đạt ý nghĩa như “một điệu múa tinh khiết”, có nghĩa là thông qua hình thái và cấu trúc của điệu múa, nó cũng có thể biểu đạt tình cảm như là một cặp nam nữ sóng đôi trong một phần của vở Hồ thiên nga. Trong các truyền thống múa khác, như Baharata Natyan ấn Độ, dù một cử chỉ chuyển động bằng tay nhỏ nhất của hệ thống hasta mudra cũng có thể truyền đạt một ý nghĩa mô tả cụ thể.

Các lý thuyết khác sử dụng sự tương đồng ngôn ngữ được liên hệ chủ yếu đến ngữ nghĩa của ngôn ngữ cử chỉ và tập trung vào ý nghĩa như là các hoạt động của con người “liên hệ với ngôn ngữ, cấu trúc theo toán học và dựa trên cơ sở thực nghiệm.” Trong hệ thống này, một hoặc nhiều những cái nội tại (kinemes) tạo nên một đơn vị nội tại (kineseme), tương tự như một từ hoặc lexemetrong ngôn ngữ. Các kinesemes là các đơn vị độc lập của vận động có liên quan đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả các yếu tố thời gian và truyền đạt ý nghĩa.

Cả hai hệ thống này đều nhấn mạnh rằng giao tiếp liên quan đến cấu trúc và ý nghĩa - liên kết và ngữ nghĩa - được gắn với các truyền thống văn hoá riêng biệt. Về mặt ứng dụng, múa (hay các khía cạnh vận động của các hoạt động) truyền đạt hay giao tiếp thông tin cũng giống như là một biểu tượng trung gian tương đối khác với ngôn ngữ. Do đó, múa là một phần quan trọng của các xã hội con người và hệ thống văn hoá. Múa là một hệ thống biểu tượng hoạt động thông qua quy ước hoá sáng tạo ra các ý nghĩa mà có thể chưa được hoàn thành hay sửa chữa với việc tương đối được nới lỏng và vì thế có thể thích ứng với sự thay đổi của các bối cảnh và sự kiện. Cũng như các hình thái chưa được xác định một cách sinh học, các dạng thức độc đoán, múa chỉ truyền đạt các thông tin đã được quy ước hoá tới những người hiểu về những sáng tạo có tính chất xã hội và văn hoá mà họ là một phần của nó. Vậy, múa thông tin như là một hình thái cá nhân, hình thái xã hội và hình thái văn hoá, cũng như nó còn thông tin về sự nhạy cảm trong hoàn cảnh.

 

Thư mục

1. Jack Aderson, Dance [Múa], New York, 1974.

2. Judith Lynne Hanna, To Dance is Human: A theory of Nonverbel Communication [Múa mang tính nhân văn: một lý thuyết về giao tiếp phi ngôn ngữ], Austin, Tex., 1979.

3. Andriene L Keappler, “Structured Movernment Systems in Tonga [Hệ thống vận động có cấu trúc ở Tonga]”, trong Society and the Dances: The Social Anthropology of Process and Performance [Xã hội và múa: Nhân học xã hội của quá trình biểu diễn], biên tập bởi Paul Spencer, Cambridge và New York, 1985.

4. Joann W Kealiinohomoku, “A Comparative Study of Dance as a Constellation of Motor Behaviors among African and United States Negroes [Một nghiên cứu so sánh về múa như là một nhóm người da đen hành động có động cơ ở châu Phi và Mỹ], CORD Dance Research Annual 7 (chuyên khảo về nghiên cứu múa, số 2), biên tập bởi Andriene Keappler, New York, 1976.

5. Anya Peterson Royce, The Anthropology of Dance [Nhân học về múa], Bloomington, 1977.

6. Mary M Smyth, “Kinesthetic Communication in Dance [Thông tin rung động trong múa]”, trong Dance research journal 16 (1984): 19-22.

7. Drid Williams, “Introduction to Special Issue on Semasiology [Dẫn luận về một vấn đề đặc biệt của ký hiệu học xã hội]” trong Journal for the Anthropoligical Study of Human Movement 1 (1981): 207-225.     

(In trong sách: Folklore: Một số thuật ngữ đương đại, Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên (2005), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020