Hôn nhân là việc kết hợp tính giao giữa nam và nữ, nhưng không ở đâu, bất kỳ quốc gia nào, dù là khác nhau về chế độ chính trị xã hội, lại đồng nhất hôn nhân với quan hệ tính giao. Hôn nhân mang ý nghĩa văn hóa, là tiếng nói văn hóa của con người can thiệp vào tự nhiên và mang những đặc tính xã hội - kinh tế sâu sắc. Tùy thuộc vào điều kiện xã hội và những yếu tố văn hóa tộc người mà hôn nhân diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau, vừa phản ánh qui luật chung nhất sự phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử, vừa mang những đặc thù văn hóa tộc người. Vì vậy, hôn nhân luôn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn. Bài nghiên cứu này, dưới góc độ lý thuyết và các dẫn liệu Nhân học nhằm bàn thêm về những đặc tính văn hóa - xã hội - kinh tế của hôn nhân. Từ khóa: hôn nhân, nhân học, quan hệ tính giao/ giới tính
Trong tiếng Việt, hôn nhân được ghép bởi hai từ gốc Hán là
hôn và nhân: Hôn ((婚) là bố mẹ cô dâu (khác với hôn “昏” là
buổi chiều, không có bộ nữ “女?”), nhân ((姻) là bố mẹ chú rể.
Hôn nhân là việc cha mẹ đôi bên lấy vợ gả chồng cho con.
(Đòan Văn Chúc, 2004, tr 185-186).
* Đăng trên tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TP HCM, tập 9, 0
3/2006.
** TS. Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp HCM.
2
Hôn nhân là phương thức để xây dựng, duy trì, củng cố và
phát triển gia đình, nó vừa liên quan chặt chẽ tới toàn bộ hệ
thống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp thường xuyên đến cuộc sống
của mỗi cá nhân, vừa là biểu hiện sinh động sắc thái của văn hóa
tộc người. Vì vậy, hôn nhân không chỉ là sự thừa nhận tính hợp
pháp của quan hệ giới tính mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa-
xã hội khác.
1. HÔN NHÂN LÀ TIẾNG NÓI VĂN HÓA CỦA CON
NGƯỜI CAN THIỆP VÀO TỰ NHIÊN
Hôn nhân đáp ứng một trong những yêu cầu cơ bản của
nhân lọai là tái sản xuất con người. Khi cơ thể trưởng thành, bản
năng tình dục của con người sẽ thúc dục hai giống tính khác
nhau xích lại gần nhau để sinh sản, bảo tồn nòi giống và, do đó,
hình thành mối giây tử hệ (filiation) mà trong đó con cháu được
thừa hưởng (di truyền) di sản sinh lý của cả cha và mẹ. Không ai
thay đổi được điều tự nhiên ấy. Đứng trước tử hệ những yếu tố
nhân văn-xã hội của con người phải nhường ưu thế định đọat
cho sinh lý tự nhiên.
Nhưng quan hệ giới tính (mating) để sinh sản ra con người
theo nghĩa sinh vật thì không cần có hôn nhân cũng vẫn thực
hiện được. Hôn nhân không đồng nghĩa với quan hệ giới tính ở
chỗ hôn nhân đem lại ý nghĩa xã hội - văn hóa cho quan hệ giới
tính. Trong hôn nhân, không phải với bất kỳ ai cũng có thể xích
lại gần. Hôn nhân giới hạn và xác định những người đàn ông,
đàn bà nào được phép hay không được phép lấy nhau làm vợ
hay chồng. Sự giới hạn ấy hoàn toàn do yếu tố văn hóa chi phối,
không phụ thuộc vào yếu tố sinh lý tự nhiên. Như vậy, hôn nhân
là tiếng nói văn hóa của con người can thiệp vào tự nhiên.
3
1.1. Hôn nhân đem lại những quyền lợi và trách nhiệm
quan trọng cho những người đã trở thành vợ hay chồng của
nhau
Xét từ góc độ tự nhiên, một đứa trẻ sinh ra là kết quả của
quan hệ giới tính, nhưng chế độ hôn nhân qui định việc chăm
sóc, giáo dưỡng đứa trẻ đó thuộc về ai, cũng như đảm bảo cho
nó được quyền thừa kế từ ai những quyền lợi về kinh tế và địa vị
xã hội. Quan hệ cha - con về mặt xã hội, là quan hệ mà người
cha và đứa con có quyền đòi hỏi lẫn nhau về quyền lợi, nghĩa vụ
và trách nhiệm liên quan đến địa vị xã hội, tài sản…, chỉ được
xác nhận qua hôn nhân. Nghĩa là người cha theo nghĩa sinh vật
(genitor) chỉ được thừa nhận là người cha theo nghĩa xã hội
(social father) qua địa vị là “người chồng của mẹ đứa trẻ”.
Những tư liệu nhân học cho chúng ta nhiều ví dụ rất rõ về sự
phân biệt này.
Theo E.Evans Pritchard, vào thập niên 1920, ở người Nuer ở
miền Đông Châu Phi thuộc Etiôpia và Xuđăng và một số tộc
người khác ở Châu Phi còn tồn tại những tập tục hôn nhân đặc
biệt là hôn nhân không có đàn ông và hôn nhân với hồn ma.
Ở tập tục hôn nhân không có đàn ông, một người phụ nữ có
thể cưới một phụ nữ khác làm vợ và trở thành “cha” của những
đứa con do bà vợ sinh ra. Người chồng nữ phải có trâu, bò làm
sinh lễ nộp cho nhà vợ. Sính lễ nộp xong là cuộc hôn nhân hoàn
thành. Khi ấy người chồng nữ tìm trong họ hàng bà con hay
người bạn láng giềng một người đàn ông làm cho vợ mình thụ
thai. Khi những đứa con sinh ra, người chồng nữ được xã hội thừa
nhận là “cha” của những đứa con đó. Những đứa con đó đặt tên
theo bà và gọi bà là cha. Khi các con gái lấy chồng, bà được
hưởng phần sính lễ. Bà quản lý nhà cửa, gia súc như một chủ hộ,
4
các bà vợ của bà cũng đối xử tôn kính bà như một người chồng.
Bà có thể trừng phạt, đòi bồi thường nếu các bà vợ quan hệ tính
giao mà không có sự đồng ý của bà.
Còn ở tập tục hôn nhân với hồn ma. Nếu có người đàn ông
chết mà không có con nối dõi, người ta tin hồn ma ấy sẽ giận dữ,
phá phách những người họ hàng còn sống. Vì thế để làm dịu sự
giận dữ của hồn ma thì một người anh em hay họ hàng với
người quá cố sẽ cưới một phụ nữ “nhân danh người quá cố”. Sau
khi sính lễ nộp xong, người phụ nữ trở thành vợ của người
chồng hồn ma, mặc dù sống với người anh em hay bà con người
quá cố. Con cái của cuộc hôn nhân này được coi chính thức là
con của người cha hồn ma, đặt tên theo tên người cha hồn ma.
Nhờ vậy, tên tuổi của người quá cố sẽ được lưu truyền mãi trong
dòng họ (Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda, trang 306-307).
Như vậy, cả hai trường hợp trên, người cha đẻ theo nghĩa
sinh vật (genitor) được tách khỏi người cha chính thức về mặt xã
hội (social father). Nó bao hàm sự phân biệt giữa người cha theo
luật tục của một người con và người đàn ông đóng vai trò tạo ra
thai nghén đứa con (genitor). Nhờ có hôn nhân mà sự kết hợp về
mặt xã hội của người phụ nữ với người chồng là nữ hay người
chồng hồn ma quan trọng hơn sự phối hợp giới tính của người
phụ nữ với người thay thế .
1.2. Hôn nhân tạo dựng mạng lưới quan hệ xã hội
Hôn nhân tạo dựng mạng lưới quan hệ xã hội với qui mô
không chỉ giữa những người kết hôn với nhau mà rộng lớn hơn
thế nhiều. Hôn nhân tạo nên các mối quan hệ mới giữa họ hàng
người chồng và họ hàng người vợ. Các quan hệ này được gọi là
các quan hệ thông gia (quan hệ tạo nên qua hôn nhân) và tương
5
phản với quan hệ huyết thống “ruột thịt”. Chỉ riêng quan hệ tính
giao không tạo nên quan hệ với họ hàng bên chồng hay bên vợ,
cũng không tạo nên quy tắc để xác định tư cách thành viên của
con cháu trong nhóm xã hội nào đó.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ kết hôn ngoại tộc
(exonamy) ra đời chính do ý đồ dùng hôn nhân để thiết lập mối
quan hệ với bên ngoài, biến “người khác” thành “người mình”
để giữ gìn sự ổn định. Trong xã hội bộ lạc trước khi có nhà
nước, các bộ lạc thường đối địch cạnh tranh với nhau. Xã hội
được hiểu chỉ bao gồm hai nửa. Một nửa là “ta”, là “người
mình” hay “đồng minh” và nửa kia là “nó” là “người khác” hay
“đối phương”. Vì vậy, hôn nhân là cách tốt nhất để liên kết,
biến “người khác”, “đối phương” thành “người mình” thành
“đồng minh”.
Cũng chính với ý nghĩa này, Lévi Strauss đã nêu lên học
thuyết “nguyên lý trao đổi”, khi lý giải về tập tục cấm kỵ lọan
luân giữa cha con, anh em ruột với nhau (incest taboo). Ông
chứng minh rằng, những thân thích trong tiểu gia đình (cha/mẹ,
con cái, vợ/chồng, anh/em) không được lấy nhau không phải vì
tính chất nội tại tâm sinh lý của những thân thích ấy mà chính là
do yếu tố “luận lý trí thức” (cách gọi của Lévi Strauss) chi phối.
Luận lý trí thức trong lĩnh vực xã hội là khả năng mà con người
có được để tổ chức cuộc sống của mình và chi phối tự nhiên.
Người ta không cho phép một người đàn ông lấy một người chị
em gái hay con gái của anh ta không phải là do tính chất tâm
sinh lý của những thân thuộc ấy mà là vì nhu cầu của một hệ
thống trao đổi giữa những đơn vị gia đình của một xã hội.
“Luật” cấm kỵ loạn luân qui định rằng anh không được nhân
danh tư cách một người cha hay người anh để từ thế hệ này qua
6
thế hệ khác cầm giữ chị em hay con gái của anh trong tiểu gia
đình để sử dụng riêng. Vì tỷ lệ nam – nữ trong các tiểu gia đình
không bằng nhau, sẽ có gia đình “đủ ăn”, gia đình “thiếu đói” và
gia đình “không có ăn” và như thế chắc chắn sẽ dẫn tới sự bất
ổn. Người con gái, với ý nghĩa là tài sản xã hội quí giá nhất, phải
được tách ra khỏi tiểu gia đình thành tài sản chung của xã hội, để
tái phân phối trao đổi giữa những tiểu gia đình. Không có lưu
thông trao đổi, các tiểu gia đình là những đơn vị sống kế cận
nhau mà không có liên hệ với nhau sẽ là những đơn vị xã hội
chết. Vì thế, trong các xã hội sơ khai, đàn bà là phương tiện liên
minh xã hội hòan hảo nhất. Nhờ trao đổi hôn nhân, các gia đình
có thể lập mối liên hệ với các gia đình khác. Margaret Mead cho
biết trong bộ lạc người Arapesh có một câu ngụ ngôn mà ta có
thể tìm thấy cái ý nghĩa sâu xa của luật tục cấm kỵ này: “Những
vườn khoai anh trồng, những con heo anh nuôi béo, những
người đàn bà của tiểu gia đình anh, anh không được phép tiêu
thụ; những vườn khoai người khác trồng, những con heo người
khác nuôi béo, con gái người khác, anh được phép tiêu thụ”. Bà
cũng cho biết thêm, một người đàn ông Polynesian, sau nhiều
lần được hỏi: “Tại sao không lấy em gái mình làm vợ”, đã trả lời
với Bà: “anh không muốn có một người anh em rể hay sao”
(Dẫn theo Bửu Lịch, trg 375) .
Như vậy, đàn bà là một tài sản mang giá trị liên minh xã
hội. Nếu anh tự tiêu thụ tài sản của mình nghĩa là anh tự đánh
mất giá trị liên minh xã hội ấy. Ở ví dụ trên, nhờ không lấy
chính em gái mình làm vợ, nên người đàn ông Polynesian có
được một đồng minh mới là anh em rể. Không những thế, khi
không lấy chính em gái mình mà lấy người con gái của gia đình
khác làm vợ, anh ta lại có thêm những đồng minh nữa là anh
em của vợ mình.
7
Qui tắc cấm kỵ lọan luân là qui tắc văn hóa phổ quát nhất,
không có dân tộc nào không có qui tắc này, còn lại chỉ là những
ngọai lệ. Nhưng là qui tắc văn hóa, cấm kỵ lọan luân cũng có
tính chất tương đối, vì mức độ, phạm vi áp dụng rộng hẹp có
khác nhau, tùy thuộc vào cơ cấu xã hội và văn hóa của mỗi tộc
người. Tính phổ quát và tính tương đối không mâu thuẫn nhau
mà đều chứng minh văn hóa là cái vượt ra khỏi giới hạn tự nhiên
và chi phối lĩnh vực tự nhiên. Người ta chỉ cho phép kết hôn với
người ngoài là để xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội, nhờ đó
mà hòa bình và ổn định được đảm bảo (Xem thêm Sigmund
Freud, 2001, tr. 65 - 138) .
Ở Việt Nam, tập tục hôn nhân ba đăm (dòng họ) của người
Thái ở Tây Bắc hay tục hôn nhân liên minh từ 3 mu (dòng tộc)
trở lên của người Vân Kiều ở Lệ Thủy - Quảng Bình, Vĩnh Linh
– Quảng Trị là những thí dụ sinh động về ý nghĩa kết hợp xã hội
của hôn nhân.
Ở người Thái mỗi tông tộc được gọi là một đăm, nguyên tắc
ngoại hôn cấm quan hệ hôn nhân trong khuôn khổ một đăm.
Nguyên tắc này bắt buộc, nếu như người đàn ông của đăm A lấy
một người đàn bà của đăm B làm vợ thì người đàn ông đăm B
không được lấy đàn bà của đăm A làm vợ mà phải đi tìm người
đàn bà của đăm C lấy làm vợ. Người đàn ông Thái gọi tất cả họ
hàng bên vợ là “lúng ta”, còn người đàn bà gọi họ hàng nhà
chồng là “nhính sao”. Theo qui luật vòng tròn một chiều như
thế, quan hệ lúng ta - nhính sao liên quan tới ba đăm, tạo thành
một chuỗi mặt xích. Trong đó tất cả đàn ông đăm A có quyền
lấy tất cả đàn bà đăm B (đàn ông đăm A là nhính sao, đàn bà
đăm B là lúng ta), tất cả đàn ông đăm B có quyền lấy tất cả đàn
bà đăm C (đàn ông đăm B là nhính sao, đàn bà đăm C là lúng
8
ta), tất cả đàn ông đăm C có quyền lấy tất cả đàn bà đăm A (đàn
ông đăm C là nhính sao, đàn bà đăm A là lúng ta) (xem sơ đồ).
Trong một chuỗi các mắt xích của các đăm hợp thành liên minh
hôn nhân thì mỗi đăm lần lượt phải thực hiện nghĩa vụ của mình
theo quan hệ hôn nhân với hai đăm khác. Tình hình ở người Vân
Kiều cũng tương tự.
Ngày nay, sự liên minh này là để mở rộng sự đòan kết, giúp
đỡ lẫn nhau. Nhưng trước kia, sự liên minh ấy có ý nghĩa rộng lớn
và đa dạng hơn nhiều. Về mặt kinh tế, ý nghĩa của nó là mở rộng
không gian sinh tồn. Tham gia liên minh với hai “đăm” hay “mu”
khác, mỗi một “đăm” hay “mu” như vậy có thể sử dụng đất đai,
tài sản rừng của hai “đăm” hay “mu” thành viên của liên minh.
Trên lĩnh vực tự vệ, mỗi một “đăm” hay “mu” cũng nhận được sự
hỗ trợ từ hai “đăm” hay “mu” liên minh để tăng cường sức mạnh
tự vệ, một vấn đề rất cần thiết cho cuộc sống ngày trước. Và các
mối liên hệ kinh tế, xã hội đó luôn được củng cố thường xuyên
bằng các mối giây liên hệ tín ngưỡng - tôn giáo (GS.Phan Hữu
Dật, 1998, tr..275 - 280).
9
Việc chọn lựa đối tượng kết hôn cũng thể hiện ý đồ liên kết
xã hội. Ngày xưa, rất nhiều trường hợp chọn đối tượng kết hôn
trong tầng lớp quí tộc hay vua chúa là để thực hiện một chiến
lược liên kết nào đấy. Ví dụ, các ông vua thời phong kiến Việt
Nam thường gả các công chúa cho các thủ lĩnh của các tộc
người ở miền rừng núi biên cương để thắt chặt mối quan hệ giữa
triều đình với các tộc người đó, làm cho họ trở thành “phên dậu”
của triều đình trong chiến lược phòng thủ đất nước.
Trong xã hội truyền thống của người Việt, hôn nhân là việc
của hai bên cha mẹ, hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Có thể
lý giải rằng tục lệ này xuất phát từ quyền lợi tập thể, mà trước
hết là quyền lợi của gia tộc, rồi tới đáp ứng các quyền lợi làng
xã. “Nhìn chung, lịch sử truyền thống hôn nhân của Việt Nam
luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng:
Từ những cuộc hôn nhân nổi danh như Mỵ Châu với Trọng thủy,
công chúa Huyền Trân với vua Chăm Chế Mân, công chúa
Ngọc hân với Nguyễn Huệ…, rồi vô số những cuộc hôn nhân
của các con vua cháu chúa qua các triều đại được triều đình gả
bán cho tù trưởng các miền biên ải nhằm củng cố đường biên
giới quốc gia; cho đến tuyệt đại bộ phận các cuộc hôn nhân vô
danh của thường dân – tất cả đều là làm theo ý nguyện của các
tập thể cộng đồng lớn nhỏ, lớn là quốc gia, nhỏ là gia tộc”
(PGS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, lần 3-2001, tr. 256-259). Đối
với tộc người Việt việc duy trì dòng dõi là hết sức quan trong,
nên khi xem xét đến con người trong hôn nhân, trước hết người
ta quan tâm đến khả năng sinh sản của người con gái. Vì vậy,
kén dâu, lấy vợ thì phải chọn người con gái lưng chữ cụ ((具) vú
chữ tâm (…心), phải là:
“Đàn bà đáy thắt lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”
10
Người vợ còn phải đảm đang tháo vát, đem lại nguồn lợi vật
chất cho nhà chồng, còn người chồng phải là người tài ba để đem
lại vinh quang (nguồn lợi tinh thần) cho gia đình vợ , nên:
“Trai khôn kén vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”
Đôi khi do sự chi phối của chế độ gia trưởng phụ quyền, bố
mẹ chọn vợ, chọn chồng cho con lại quan tâm nhiều đến lợi ích
kinh tế và địa vị xã hội (môn đăng, hộ đối).
2. HÔN NHÂN LÀ MỘT QUÁ TRÌNH MANG TÍNH
TRAO ĐỔI GIÁ TRỊ KINH TẾ
Dưới góc độ kinh tế-xã hội, hôn nhân là một quá trình mà
trong đó hai bên liên quan phải thực hiện một chuỗi các quyền
lợi và nghĩa vụ với nhau. Trong một số xã hội, hôn nhân bao
hàm việc trao một người phụ nữ để đổi lấy một số của cải có giá
trị và ý nghĩa nhất định nào đó, gọi là “sính lễ”. Ở Việt Nam,
trong xã hội truyền thống, thường phổ biến hành động “thách
cưới” hay “dẫn cưới”, tức là khi thực hiện một cuộc hôn nhân,
theo tập quán thường có sự chuyển giao tài sản từ gia đình chú
rể sang gia đình cô dâu, nhân học gọi đó là “giá cả kết hôn”
(bride - price) (TS.Vũ Minh Chi, 2004, tr. 206). Giá cả kết hôn
(hay sính lễ) là biểu hiện việc đánh giá năng lực của cô dâu. Tức
là ở đây đã thực hiện một “nguyên lý trao đổi”, người ta dùng tài
sản để đổi lấy năng lực (sinh con, lao động…) của cô dâu. Và
điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong các cuộc hôn nhân
mua bán hay để đạt được một ý đồ chiến lược nào đấy.
Theo tài liệu của Henri D’ Ame’ras, ở châu Phi thế kỷ XIX
việc mua bán đàn bà còn rất phổ biến, giá cả tùy thuộc vào từng
vùng. Người Caphơrơ ở Nam Phi chẳng hạn, một người đàn bà
11
không đẹp thuộc lớp dưới đáng giá 8 con bò, còn một người đàn
bà đẹp, con tù trưởng thì người muốn mua phải trả tới 40 con bò
(Henri D’ Ame’ras, tr. 2). Trong lịch sử Việt Nam cũng lưu
truyền những cuộc hôn nhân nổi tiếng để thực hiện những ý đồ
chiến lược nào đấy, như cuộc hôn nhân của Mỵ Châu với Trọng
Thủy, của công chúa Huyền Trân với vua Chăm Chế Mân ... Vì
vậy, Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda đã có lý khi cho rằng:
“Hôn nhân là một sự trao đổi đồng thời cũng là một sự chuyển
dịch” (Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda, 2002, tr. 317).
Ở Đông và Nam Phi đồ sính lễ thường bằng súc vật là trâu bò,
vì ở đây trâu bò không chỉ có giá trị cao nhất về kinh tế mà còn có
giá trị về mặt tinh thần. Số trâu bò làm sính lễ thường được trao
làm nhiều đợt và được coi là sự đền bù cho gia đình họ hàng cô dâu
vì mất đi một lao động, còn gia đình họ hàng nhà trai thì nhận được
một người có thể sinh con đẻ cái cho mình.
Ở đây, ý nghĩa của đồ sính lễ còn giải quyết được những
quan hệ nhiều hướng, rộng hơn việc là sự đền bù cho nhà gái.
Một mặt, sính lễ tạo nên mối quan hệ thông gia giữa họ hàng
bên chồng và bên vợ. Mặt khác, thường gia đình bên vợ lại sử
dụng số trâu bò sính lễ này để làm đồ sính lễ cưới vợ cho những
người con trai của mình. Nghĩa là một mối quan hệ thông gia
mới lại được xác lập từ chung một đồ sính lễ. Như vậy sính lễ
làm cho cả chị em và anh em có thể có chồng, có vợ. Những anh
em trai có thể lấy được vợ nhờ vào sinh lễ của các chị em gái là
anh ta đã mắc nợ chị hay em gái của mình. Anh ta và người chị
hay em gái đó có một mối giàng buộc đặc biệt và được gọi là
những người ruột thịt liên kết bằng gia súc. Và người chị hay
em gái đó rất có quyền với anh hay em trai của mình. Bà ta có
thể bắt người anh hay em trai liên kết bằng gia súc và vợ của anh
ta phải phục dịch mình, bà can thiệp vào việc người anh em trai
12
đó lấy ai. Trong một số trường hợp, bà bắt buộc người vợ của
người anh em trai liên kết bằng gia súc phải công nhận bà là
người chồng nữ, phải tự đặt mình dưới quyền cai quản của bà,
sinh con cho dòng họ bà và thông thường bà đòi người anh em
trai này phải gả một đứa con gái cho con trai của bà. Như vậy,
sính lễ đã thiết lập nên mối quan hệ trao đổi và liên minh liên
hòan giữa một lọat dòng họ (Emily A.Schultz, Robert
H.Lavenda, 2002, tr. 319).
Tộc người Giẻ-Triêng ở Việt Nam có phong tục đặc biệt là
đồ sinh lễ bằng củi. Người Giẻ-Triêng theo chế độ mẫu hệ, con
gái đi “bắt chồng” và cư trú hôn nhân bên nhà vợ. Muốn “bắt”
được chồng, cô gái phải tự tay kiếm một số củi, theo những qui
cách nhất định, làm đồ sính lễ. Lễ cưới là ngày cô gái (với sự
tham gia giúp sức của nhiều cô gái chưa bắt chồng trong làng)
cõng củi cưới sang nhà trai. Khi bố mẹ chàng trai nhận củi cưới
do cô gái trao là coi như cuộc hôn nhân hoàn thành, chàng trai
đã thuộc về cô gái. Sau lễ cưới, số củi cưới lại được nhà trai
cõng đi biếu tặng cho những người trong họ hàng thân thích hay
những người mà họ chịu ơn hay kính trọng (Nguyễn Hùng Khu,
2005, tr. 50-77). Như vậy, đồ sính lễ không chỉ do chính những
người kết hôn với nhau chuẩn bị mà còn có sự tham gia của tập
thể gia tộc này để trao cho tập thể gia tộc kia. Việc thực hiện
nghĩa vụ giao nộp giá trị tài sản làm sính lễ đã làm ổn định quan
hệ hôn nhân, tăng cường quan hệ giữa hai tập thể.
Giá cả kết hôn theo “nguyên lý trao đổi”, trong một số
trường hợp lại được thực hiện bằng chính lao động của chú rể,
thông qua tục “ở rể” của một số dân tộc, như tục ở rể của người
Thái ở Việt Nam. Người Thái ở Tây Bắc của Việt Nam theo chế
độ phụ hệ, quyền gia trưởng và cư trú hôn nhân bên nhà chồng.
Theo quan niệm phổ biến của người Thái, khi con gái lấy chồng
13
là bố mẹ mất đi một người lao động và chăm sóc mình, vì vậy để
đền bù mất mát này chàng trai phải ở rể làm việc cho gia đình
nhà vợ một số năm nhất định, rồi mới được phép cưới cô gái làm
vợ. Theo luật tục, thời gian ở rể bên nhà vợ là dân thường là 6
đến 8 năm, còn đối với nhà vợ là gia đình giàu có thì phải tới 12
năm. Nếu vì một lý do nào đó như cha mẹ chàng trai già yếu,
neo đơn… thì thời gian ở rể được phép giảm, nhưng không quá
1/3 thời gian và phải nộp tiền bạc hay đồ dùng giá trị bằng số
của cải mà chàng trai ở rể làm được trong thời gian giảm đó (Lã
Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, 1968, tr. 237-245)
Một biểu hiện nữa của “nguyên lý trao đổi” là tục khi con
gái về nhà chồng được bố mẹ cho một số tài sản, gọi là của “hồi
môn”, mà đôi khi rất nặng nề như ở Ấn Độ. Xét ở khía cạnh nào
đó, ngòai ý nghĩa tình cảm sâu nặng của bố mẹ với con gái, thì
đây cũng là một phần đền bù cho công lao đóng góp của người
con gái khi sống với bố mẹ.
Như vậy, hôn nhân là việc kết hợp tính giao giữa nam và
nữ, nhưng không ở đâu, bất kỳ quốc gia nào, dù là khác nhau
về chế độ chính trị xã hội, lại đồng nhất hôn nhân với quan hệ
tính giao. Hôn nhân mang ý nghĩa văn hóa, là tiếng nói văn
hóa của con người can thiệp vào tự nhiên và mang đặc tính xã
hội, kinh tế sâu sắc. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện xã hội và
những yếu tố văn hóa tộc người mà hôn nhân diễn ra theo
nhiều hình thái khác nhau, vừa phản ánh qui luật chung nhất
sự phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử,
vừa mang những đặc thù văn hóa tộc người. Cho nên, từ khi
xuất hiện, hôn nhân luôn là đối tượng của sự kiểm soát xã hội.
Trong các xã hội chưa có luật pháp thì hôn nhân chịu sự kiểm
soát của tập quán pháp hay luật tục, còn trong xã hội có giai
cấp hôn nhân là đối tượng của luật pháp. Trong công trình
14
nghiên cứu “Gia đình truyền thống - một số tư liệu nghiên
cứu Xã hội học” xuất bản năm 1977, tác giả Khuất Thu Hồng
đã có lý khi cho rằng hôn nhân, thứ nhất chỉ quá trình chung
sống trong hôn thú của một cặp vợ chồng, với nghĩa này, hôn
nhân là một thiết chế xã hội; thứ hai, hôn nhân chỉ các sự kiện
và quá trình dẫn đến sự hình thành một gia đình mới hay là
việc kết hôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. P.Ăngghen, 1961, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và
nhà nước. NXB. Sự Thật, HN.
2. Đỗ Thúy Bình, 1994, Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày,
Nùng và Thái ở Việt Nam. NXB KHXH, HN.
3. Vũ Minh Chi, 2004, Nhân học văn hóa. Con người với thiên nhiên,
xã hội và thế giới siêu nhiên. NXB CTQG, HN.
4. Đòan Văn Chúc, 2004, Văn hóa học. NXB Lao Động, Hà Nội.
5. GS.Phan Hữu Dật, 1998, Một số vấn đề Dân tộc học Việt Nam.
NXB ĐHQGHN.
6. Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda, 2002, Nhân học - một quan
điểm về tình trạng nhân sinh. NXB CTQG.
7. G.Endruweit và G.Trommsdorff, Từ điển xã hội học. NXB Thế
Giới.
8. Henri D’ Ame’ras. Vấn đề hôn nhân trong tất cả các dân tộc và
trong tất cả thời gian. Tài liệu in rônêô của Phòng Thông tin-Tư
liệu Thư viện, Viện Dân tộc học.
9. Nguyễn Minh Hòa, 1998, Hôn nhân và gia đình ở Thành phố Hồ
Chí Minh (Nhận diện và dự báo). NXB Tổng họp TP.HCM.
10. Khuất Thu Hồng, 1977, Gia đình truyền thống - một số tư liệu
nghiên cứu xã hội học.
11. Nguyễn Hùng Khu, 2005. Văn hóa ứng xử của tộc người Giẻ-
Triêng nhìn từ phong tục hôn nhân. Luận văn Thạc sĩ. TP.HCM.
12. Bửu Lịch, Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học. Lửa
Thiêng.
13. Vũ Đình Lợi. 1994, Gia đình và hôn nhân truyền thống ở các dân
tộc Malayo-Polynêxia Trường sơn - Tây Nguyên. NXB. KHXH,
HN.
14. Sigmund Freud, 2001, Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo. Vật tổ
và cấm kỵ. NXB ĐHQGHN.
15. Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, 1968, Sơ lược giới thiệu các
nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. NXB KHXH. HN.
16. Đặng Thị Kim Oanh, 2002. Hôn nhân của người Khmer đồng
bằng sông Cửu Long. Luận văn Thạc sỹ. TP.HCM.
17. Trần Ngọc Thêm, 2003, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB
Tổng hợp TP.HCM.
18. Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, 1977. NXB KHXH.
HN.
19. Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên), 1998, Dân tộc học đại cương.
NXB Giáo Dục.