Nhiều người trong số chúng ta đều biết về câu chuyện cổ Hy Lạp với con ngựa gỗ được kể đi kể lại nhiều lần, nhưng bạn biết tới đâu những diễn tiến sau đó?
Trường ca Odyssey của thi hào Homer kể lại những gì đã xảy ra sau trận chiến thành Troy, nhất là hành trình trở về nhà hào hùng của Odysseus.
Nó có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng theo các chuyên gia nó vẫn đem đến cho chúng ta những hiểu biết quý giá về hiện thực cuộc sống vào thời cổ xưa, trong đó có hệ thực vật và động vật.
Hành trình trở về của Odysseus trải qua mười năm, đi qua hết hòn đảo này đến hòn đảo khác với những trở ngại từ các vị thần muốn trả thù, những con quái vật ăn người như ngóe, những nữ thần quyến rũ và những lời nguyền.
Đó là một câu chuyện kinh điển đã làm say mê các học giả kể từ khi nó ra mắt vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.
Bằng một cách làm thật sự khoa học, các nhà nghiên cứu đã đọc dò từng chữ để tìm hiểu nghĩa và dành thời gian để giải thích những phần hấp dẫn của câu chuyện.
Trong một số trường hợp, câu chuyện gần với thực tế một cách đáng kinh ngạc.
Những kẻ ăn hoa sen
Ngay từ đầu câu chuyện, một trong những tai nạn mà Odysseus gặp phải là khi gió bắc thổi mạnh đã cuốn chàng đến một hòn đảo có những người ăn hoa sen.
Những người thủy thủ đã thích thú với món ăn này đến nỗi họ quên cả việc về nhà và Odysseus phải tìm cách kéo họ về với con tàu.
Có nhiều giả thiết về loại hoa sen này thật sự là gì, chẳng hạn như rượu mạnh hay thuốc phiện.
Một giả thiết khác cho rằng đó là loại cây có tên gọi là Diospyros lotus – một danh từ khoa học có nghĩa là ‘hoa quả của các vị thần’.
Loại hoa quả được nhắc đến có hình tròn, màu vàng với phần thịt mọng nước có vị là sự kết hợp giữa quả chà là và quả mận. Đó là lý do tại sao nó thường được gọi là ‘mận chà là’. Nhưng liệu quả ngon thôi có đủ khiến cho những thủy thủ của Odysseus mãi ở yên một chỗ?
Sau một hành trình vất vả thì sự tiếp đón nồng nhiệt cùng với thức ăn ngon chắc chắn là điều mà các thủy thủ mong muốn, nhưng một loài cây khác cũng có thể chính là loại cây ngon khó cưỡng mà Homer đã miêu tả.
Trong cuốn sách có tựa đề ‘The Lotus Quest’, chuyên gia thực vật Mark Griffiths cho rằng loài cây bí ẩn đó chính là ‘Ziziphus lotus’, một loài cây có tiếng là có tính năng tác động đến não bộ.
Cả hai loài cây này đều nổi tiếng tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew ở London.
Tuy nhiên các chuyên gia ở đó lại đưa ra một giả thiết khác – đó là hoa súng (Nymphaea) mọc dọc theo sông Nile.
Loài hoa này thường được mô tả trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại và chủng hoa màu xanh đặc biệt được biết đến là một loại gây nghiện.
Ăn hoa này vào được cho rằng sẽ gây ra cảm xúc thờ ơ, dửng dưng một cách hiền lành. Đó là một chất bị cấm ở một số nước châu Âu ngày nay.
Tuy nhiên, liệu danh tiếng của loài cây nó có đủ để cho Homer biết đến từ phía bên kia của Địa Trung Hải vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Người khổng lồ một mắt (Cyclop)
Trong lúc đi tìm kiếm thức ăn trên một hòn đảo khác, Odysseus và một số thủy thủ của chàng đã chạm trán Polyphemus, một gã khổng lồ ăn thịt người. Một số thủy thủ đã bị bắt đi mất trước khi Odysseus cuối cùng cũng đâm mù con mắt độc nhất của tên quái vật.
Đối với những động vật có xương sống thì chỉ có một mắt là điều hiếm gặp.
Ở các loài động vật hữu nhũ, chứng có một mắt được mô tả là một hội chứng bẩm sinh khi ổ mắt không phân ra thành hai hốc mắt riêng rẽ. Đi cùng với hội chứng này là biến chứng ở não, mũi và hệ hô hấp khiến cho chỉ một số ít sinh vật sinh ra với tình trạng này có thể sống sót.
Để tìm hiểu đặc tính ‘khổng lồ’ của những quái vật một mắt theo truyền thuyết, nhà sử học Adrienne Mayor từ Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng những di tích hóa thạch của các sinh vật cổ đại có thể chính là nguồn cảm hứng.
Vào thời xa xưa, những nông dân Hy Lạp có thể đã khám phá môi trường xung quanh và có lẽ đã có những phát hiện bất ngờ. Đặc biệt, sọ của những con voi lùn hoặc ma-mút với hốc mũi to có thể bị hiểu lầm là hốc mắt duy nhất của một con quái vật.
“Hang động trên các hòn đảo thật sự có hóa thạch của ma-mút lùn. Xung quanh là những đống xương động vật mà vào thời xưa người ta tin rằng đó là xương của những con thú bị quái vật một mắt ăn thịt,” Mayor giải thích.
Adrian Lister, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, xác nhận rằng hài cốt voi lùn được tìm thấy trên nhiều hòn đảo ở Địa Trung Hải.
Ông giải thích rằng loài voi cao, Palaeoloxodon antiquus, cao bốn mét, nặng mười tấn có thể đã di chuyển từ lục địa ra đảo vào những lúc thủy triều xuống thấp.
Một khi bị kẹt lại trên đảo, những con voi này đã phải thích nghi để sinh tồn ở nơi có ít không gian và thức ăn hơn và do đó cơ thể chúng đã lùn xuống.
“Trên đảo Sicily chúng tôi đã tìm thấy hóa thạch của ít nhất ba con voi lùn với kích cỡ khác nhau,” Lister cho biết.
“Nhỏ nhất là Palaeoloxodon falconeri. Nhiều hòn đảo khác ở vùng Địa Trung Hải cũng xảy ra tình trạng tương tự: loài voi Palaeoloxodon antiquus cũng bị thu nhỏ lại ở một mức độ nào đó. Chúng tôi đã tìm thấy hài cốt của những con voi lùn này trên đảo Malta, Crete, Cyprus và một vài hòn đảo nhỏ của Hy Lạp. Ma-mút lùn hiếm gặp hơn nhưng chúng tôi cũng tìm thấy chúng trên đảo Crete và đảo Sardinia. Đối với loài ma-mút và voi ngà thẳng, loài nhỏ nhất cao chỉ vào khoảng 1,2 mét và nặng 120 kg.”
Ma thuật của Circe
Khi đoàn thủy thủ bị cuốn đến nơi của phù thủy Circe, họ đã bị đánh thuốc và bị nhốt lại như lợn. May mắn cho Odysseus, chàng không bị dính bùa của Circe do ăn được một loại thảo dược thần kỳ có tên gọi là molly.
Các nhà thực vật học cho rằng cây cà độc dược (Datura stramonium) chính là thành phần khiến các thủy thủ trở nên rối loạn. Chúng có chứa những chất độc làm tắc sự truyền dẫn thần kinh trong não. Nó sẽ gây ra ảo giác, mê sảng và quên sót do não bộ gặp nhiều khó khăn trong việc gửi và nhận tín hiệu.
Homer đã mô tả rất chi tiết về moly: nó có rễ đen và hoa trắng. Nhưng sự kết hợp này không phải là hiếm gặp, do đó đã có nhiều tranh luận về thực ra nó là loại cây gì.
Dựa trên tính năng nó có thể giải được loại độc dược của phù thủy Circe, các nhà nghiên cứu cho rằng rất có khả năng loại thảo dược thần kỳ mà Odysseus ăn được là cây giọt tuyết (snowdrop - Galanthus nivalis).
Loài hoa này sinh trưởng trong khu vực và có chứa chất galantamine giúp làm vô hiệu tác động của chất độc stramonium. Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nó từ những năm 1950.
Giờ đây, nó được sử dụng để điều trị chứng Alzheimer và chứng mất trí nhớ bởi vì nó thể cân bằng các hóa chất trong não.
Quái vật nhiều đầu Scylla
Các thủy thủ còn phải gặp những kẻ thù còn ghê rợn hơn nữa khi họ băng qua một eo biển hẹp. Họ đã đối diện với Scylla, một quái vật nhiều đầu.
Homer miêu tả con quái vật sống trong hang này là có tới 12 chân và sáu cái cổ, mỗi cái cổ là một cái đầu ăn thịt người hung tợn có ba hàng răng.
Dần dà Scylla hóa thành thủy quái với tất cả cổ và chân biến thành xúc tu. Tuy nhiên, bạch tuộc khổng lồ rất hiếm ở Địa Trung Hải và hơn nữa Scylla sống trong hang ở lưng chừng vách núi mà không có sinh vật biển nào có thể sống được.
Hình dạng nhiều đầu rất hiếm gặp ở con người nhưng nó thường xảy ra ở các loài bò sát. Hỏng phôi được cho là nguyên nhân khiến cho các tế bào nhân đôi tạo ra hai cái đầu hay các tế bào sẽ hòa quyện vào nhau khiến cho hai phôi song sinh bị dính vào nhau một phần.
Aristotle đã thuật lại về một trường hợp rắn hai đầu vào năm 350 trước Công nguyên và bằng chứng cổ xưa nhất về loài vật nhiều đầu là một hóa thạch phôi thằn lằn từ kỷ Cretaceous ở Trung Quốc.
Mặc dù biến dạng như thế này thường khiến cho các con vật không thể sống lâu, nhiều khả năng Homer đã được nghe kể về chúng hay thậm chí ông đã chứng kiến tận mắt.
Ngoài ra, rắn cũng từng được sử dụng làm vũ khí sinh học. Ít nhất đã có một tài liệu lịch sử ghi lại về việc người ta đã thả rắn ra trong một trận hải chiến.
Nhà nghiên cứu sinh vật Gianni Insacco thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Milan, Ý, cho rằng những người Hy Lạp cổ đại có lẽ cũng đã sử dụng chiến thuật này. Ông là thành viên của một nhóm nghiên cứu đã phát hiện loài trăn đất Javelin trên đảo Sicily.
Loài trăn này được cho là đã được người Hy Lạp đưa lên đảo để phục vụ cho các mục đích nghi lễ và chiến tranh.
Hố nước xoáy Charybdis
Odysseus và đoàn thủy thủ của chàng cũng phải vượt qua Charybdis bởi vì đối diện với quái vật Scylla là Charybdis. Hố nước xoáy rùng rợn này cuốn vào lòng biển và tất cả những gì đang đi lại qua khu vực.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng Charybdis đã được đánh dấu trên các bản đồ hàng hải vào thế kỷ 19.
Nằm ngoài khơi mũi đông bắc của đảo Sicily, ở Eo biển Messina. Là một lối đi hẹp giữa đảo Sicily và bán đảo Ý, khu vực này nổi tiếng là có gió lớn và dòng hải lưu chảy xiết.
Tuy nhiên chính hoạt động thủy triều mới là thách thức lớn đối với các thủy thủ của Odysseus.
Thủy triều ở vùng biển Tyrrhenian ở phía bắc eo biển không hài hòa với thủy triều ở vùng biển Ioania ở phía nam eo biển. Kết quả là nó tạo ra vùng nước xoáy ở nơi hai dòng hải lưu gặp nhau.
Một khe vực dưới lòng biển ở Eo biển Messina cũng góp phần tạo nên vùng nước xoáy này, khi mà các dòng hải lưu đẩy nước lạnh từ đáy biển lên mặt nước.
Theo các nhà hải dương học, một trong những vùng nước xoáy lớn được hình thành ở Capo del Faro, nơi mà Charybodis được đánh dấu trên các bản đồ hàng hải.
Mặc dù những nguy hiểm này không là trở ngại gì đối với đại đa số tàu thuyền thời hiện đại, chúng có thể là thách thức lớn đối với những người đi biển vào thời của Homer.
Đàn bò của Thần Mặt trời
Odysseus cùng thủy thủ đoàn cuối cùng đáp lên hòn đảo Thrinacia, nơi Thần Mặt trời có một đàn gia súc. Đó là những con vật thiêng liêng, nhưng điều đó không cản được các thủy thủ săn đuổi chúng khi nguồn lương thực của họ trở nên cạn kiệt.
Các học giả cho rằng hòn đảo này có thể chính là đảo Sicily ngày nay. Có những bằng chứng về cả các đàn gia súc đã được thuần hóa, và những bà con họ hàng của chúng trong đời sống hoang dã - loài bò rừng châu Âu, tại các di tích thời Đồ đá Mới ở đây, theo sử gia Jeremy McInernery từ Đại học Pennsylvania, Mỹ.
Loài bò rừng châu Âu cao 1,5m tính đến phần sống lưng, và có các đặc điểm được Homer mô tả như "trán rộng" và "cặp sừng cong" rất to.
Việc dám cả gan đụng đến đàn bò thiêng khiến những kẻ người trần phải chịu sự trừng phạt ghê gớm. Thần Zeus đã giáng sấm sét phá hủy các con tàu, giết chết các thủy thủ. Chỉ duy nhất Odysseus sống sót trở về để kể lại cho người đờn nghe về hành trình của mình.
Và đây là câu chuyện mà chúng ta vẫn đang học hỏi, tìm hiểu ngày nay.
Theo: BBC