Phần lớn những mũ đội khi làm lễ của tăng sỹ Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đều có lịch sử trải nhiều thế kỷ.
Lúc đầu có thể chúng đều được tạo ra dựa theo các biểu tượng và quy tắc nguyên thủy rõ rệt. Nhưng với thời gian, giống như mọi vật, chúng cũng bị biến đổi. Có khi vì sự biến đổi nội bộ của các tông phái, hoặc cũng có khi do bị hòa nhập với các nền văn hóa và tín ngưỡng địa phương.
Trước khi Phật giáo xuất hiện, các thiên tiên (deva, devi) và thiên nữ (apsara) của đạo Bà La Môn (Brahman) đã bện tóc thành năm đỉnh, tiếng Phạn gọi là Pancasikha. Hay họ đội một loại vòng khăn kết hoa, trên đó có gắn 5 phiến có hình dạng của 5 ngọn lửa gọi là Pancasikha Mala.
Một Apsara Bà La Môn đội khăn hoa Pancasikha Mala, thế kỷ 11 Ấn Độ (Bảo tàng Metropolitan, New York)
Có các giải thích khác nhau của biểu tượng 5 đỉnh này. Theo các kinh Tantra Yoga thì đây là biểu tượng của các cánh hoa hào quang của luân xa Sahasrara, tức là luân xa Bách hội trên đỉnh đầu. Trong mỗi cánh hoa có một huyền âm chủng tử (bija, hay còn gọi là âm chú một chữ), được thể hiện ra bằng một âm ngữ tiếng phạn gọi là Mantrika. Còn Phật giáo cũng có cách giải thích riêng về ngũ đỉnh. Trong phẩm Ganda Vyuha (Nhập Pháp Giới) của Avatamsaka Sutra (kinh Hoa Nghiêm) thì Pancasikha tượng trưng cho năm đỉnh núi thiêng, mà người Trung Quốc cho là Ngũ Đài Sơn, trong vùng linh sơn Maha Sumeru (núi Tu di). Dạng khăn, mão với các phiến đỉnh nhọn (sikha) đó rất phổ biến ở các nước có nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa và trong Phật giáo.
Từ khi Phật giáo Mật tông được phổ biến, năm huyền âm mantrika trên 5 cánh hoa đó được khẳng định là huyền âm chủng tử của năm Trí huệ (Pancajnana) của chư Phật. Và vì thế khăn pancasikha của Phật giáo được gọi là khăn Ngũ Trí huệ (Pancajnana Kirita, hay Pancajnana Mauli), với mantrika của mỗi trí huệ được ghi khắc trên một cánh hoa trên khăn. Năm trí huệ đó là:
1. Tathatajnana: Pháp giới trí, là trí siêu việt, tối thượng của Pháp giới. Mantrika huyền âm của trí huệ này là OM.
2. Adarsajnana: Đại viên kính trí, trí này giúp người nhìn vạn vật với một tâm thức vô ngã không muốn sở hữu, không phân biệt đúng sai, chấp nhận vạn vật mọt cách tự nhiên như chúng được sinh ra. Huyền âm của trí huệ này là HUM.
3. Samatajnana: Bình đẳng tính trí, là trí huệ giúp con người thấy rõ sự bình đẳng giữa mình và chúng sinh. Huyền âm là TRAM.
4. Pratyaveksaṇajnana: Diệu quan sát trí. Trí huệ này giúp chuyển trí thức bình thường thành trí huệ siêu việt (Prajna). Thí dụ như biến đổi u minh thành sáng suốt, ích kỷ thành vị kỷ, v.v. Trí này có huyền âm là HRI.
5. Kirtianusthanajnana: Thành sở tác trí, là trí huệ giúp người hoàn thành tất cả mọi việc mà không tạo nghiệp. Được thể hiện bằng chữ AH trên phiến mũ.
Khăn Ngũ Trí huệ (2.lib.virginia.edu)
Vì năm trí huệ này tương ứng với năm vị cổ Phật (Panca kulabuddha hay Panca Dyani-buddha), cho nên khăn còn được gọi là khăn Ngũ Phật (Pancabuddha Mauli), tức khăn Ngũ Như lai (Pancatagatha Mauli). Năm vị Như Lai cổ Phật đó là:
1. Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Nhật Phật – Vairocana), Pháp giới trí, ở vị trí Trung tâm.
2. Phật A Súc Bệ (Aksobhya), Đại viên kính trí, ở phương Đông.
3. Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava), Bình đẳng tính trí, ở phương Nam.
4. Phật A Di Đà (Amitabha), Diệu quan sát trí, ở phương Tây.
5. Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi), Thành sở tác trí, ở phương Bắc.
Vị trí khẳng định của các vị Phật trên năm phiến của khăn từ trái sang phải là: Bảo Sinh Phật, A Súc Bệ Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, A Di Đà Phật, Bất Không Thành Tựu Phật.
Khăn Ngũ Phật, với Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) ở giữa (tibetanaltar.blogspot.com)
Nguyên tắc ngũ đỉnh của mũ Ngũ Phật này còn bao hàm các ý nghĩa khác của Càn khôn Vũ trụ, như ngũ đại, ngũ sắc, ngũ quan, v.v. Thí dụ như Phật Tỳ Lô Giá Na ngoài vị trí trung tâm trong càn khôn, còn là biểu lộ của hư không, mầu trắng, thị giác. Hay Phật A Di Đà tương ứng với phương Tây, nước, mầu đỏ, vị giác…
Loại khăn hay mũ với 3 phiến đỉnh nhọn (tức 3 cánh hoa) đằng trước đầu gọi là Maulimukuta, hay Trikuta mukuta (gọi tắt là Trimukuta). Đây có lẽ là nguyên tắc Tam sơn trên các áo mão sau này. Ba đỉnh này tượng trưng cho 3 đỉnh núi thiêng (Trikuta) sắt, bạc và vàng trong rặng núi Tu Di. Trong nghệ thuật Phật giáo Đông Độ thì loại khăn Ngũ Phật theo dạng Trimukuta được thể hiện với Tỳ Lô Giá Na Phật ở phiến giữa. Và ở 2 phiến còn lại hai bên mỗi phiến có 2 vị Phật.
Bồ tát Quán Thế Âm ( Avalokitesvara) đội khăn Tam sơn ( Trimukuta, bảo tàng dịch là three-pointed crown, tức vương miện 3 đỉnh), thế kỷ thứ 10 Ấn Độ ( Bảo tàng Victoria & Albert, London)
Đến khoảng thế kỷ thứ 9, các loại mão (shirastra hay mukuta) dần trở nên phổ biến. Phần tóc và búi tóc với các đồ trang sức trên đó của thời cổ được thay bằng phần thân mũ. Có thuyết cho rằng cái chóp trên đỉnh mũ tượng trưng cho chỗ Phật đỉnh (Buddhosnisha), hay còn gọi là Tu di Bảo đỉnh, là phần nhô cao lên trên đỉnh đầu chỗ Bách hội của chư Phật. Các mũ này vẫn giữ cùng tên gọi với khăn, thí dụ như mũ Ngũ Trí huệ (Pancajnana Mukuta), hay mũ Như Lai (Pancatagatha Mukuta). Vị trí các vị Phật hay các chữ trên mũ vẫn được giữ nguyên như trên khăn.
Đại Lạt Ma Jamchen Chöjé Shakya Yeshe (1354-1435), sư huynh của Đức Giáo chủ Lạt ma Gelugpa thứ Nhất, đội mũ Ngũ Phật do Hoàng đế Vĩnh Lạc triều Minh, Trung Quốc, ban tặng. Ngài được vua Minh Tuyên Đức phong làm “Vạn hạnh Diệu minh Chân như Thượng thắng Thanh tịnh Bát nhã Hoằng chiếu Phổ ứng Phụ quốc Hiển giáo Chí thiện Đại từ Pháp vương, Tây thiên Chính giác Như lai Tự tại Đại viên thông Phật” (tranh thảm dệt thời Minh Tuyên Đức). Có lẽ các Đạt lai Lạt ma được gọi là Pháp Vương hay Phật sống từ đấy.
Phổ Hiền Bồ tát đội khăn Ngũ Phật. Thế kỷ 12 Nhật Bản (Bảo tàng Nara, Nhật Bản)
Phổ Hiền Bồ tát đội mũ Ngũ Phật dạng Tam sơn (Trimukuta), thế kỷ 12 (Bảo tàng Mỹ thuật Boston)
Khoảng thế kỷ thứ 8, Đại sư Ấn Độ Padmasambhava (Liên Hoa Sinh Đại Sỹ), người truyền Phật Giáo Kim Cương thừa (Vajrayana) vào Tây Tạng, đã lấy loại mũ trùm đầu bằng vải của Ấn Độ gọi là Pandita và lật ngược vành mũ bên dưới lên bao quanh đỉnh. Rồi một nửa cái Kim cương chùy (Vajra) được gắn lên đỉnh mũ. Đây là loại mũ đội ngài tạo ra cho các chức sắc của giáo phái mới được ngài lập ra. Mũ đó gọi là mũ Liên hoa (Padmamukuta), hay mũ Kim cương thừa (Vajracarya Mukuta). Và giáo phái Lạt ma Tây Tạng hiện đội mũ Liên hoa này là phái Nyingma (Cổ Mật, Hồng giáo).
Chân dung Đại sư Liên Hoa Sinh Đại Sỹ đội mũ Liên Hoa (Jeff Watt – Himalayan Art Resources)
Vì mũ Ngũ Phật có hình tượng Phật Tỳ Lô Giá Na nằm ở vị trí trung tâm ngay trước trán dễ thấy nhất, cho nên mũ này còn được gọi là mũ Tỳ Lô Giá Na Phật. Thí dụ như có một cái tượng Bồ tát bằng đồng ở Bảo tàng Royal Ontario, Canada, đội mũ Ngũ Phật. Bảo tàng ghi tên mũ đó là mũ Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocana Buddha Crown). Có thể người Trung Quốc với thời gian đã gọi rút gọn tên mũ này đi thành mũ Tỳ Lô. Hay còn cách phát âm khác là mũ Tỳ Lư. Sách Yến Nam Kỳ Đàm cũng viết rằng vì mũ có hình tượng của Phật Tỳ Lô nên gọi là mũ Tỳ Lô. Rồi mũ Tỳ Lô Giá Na Phật (Ngũ Phật) nguyên thủy đã dần dà được biến đổi theo các cách lý luận thành nhiều dạng mũ Tỳ Lô khác nhau.
Loại mũ Tỳ Lô thông dụng hiện nay ở Trung Quốc và Việt Nam là sự kết hợp của mũ Liên Hoa với khăn Ngũ Phật. Mũ được hình thành bằng cách buộc thêm vành khăn Ngũ Phật bao chung quanh phía trước mũ Liên Hoa.
Hình vẽ bên trái là “Tỳ Lư mạo Ngũ phật quan hợp đới chi đồ” (hình hợp thể của 2 mũ Tỳ lư và mũ Ngũ phật). Hình phía trên bên phải là mũ Tỳ Lư (Liên Hoa), hình phía dưới là khăn Ngũ phật (Thanh Tục Ký Văn)
Một dạng mũ Tỳ Lô ở Việt Nam hiện nay (hatvan.vn)
Dù nguyên tắc Ngũ đỉnh được quy định rõ ràng như thế, Phật giáo Việt Nam không hoàn toàn theo nguyên tắc này. Với thời gian, ở miền Bắc Việt Nam đã có thêm mũ Thất Phật. Chỉ nhìn qua thì khó phân biệt mũ Thất Phật với mũ Ngũ Phật nếu không đếm số phiến trên mũ. Có thuyết cho rằng mũ Thất Phật là một sự biến đổi từ mũ Ngũ Phật. Có nhiều hệ thống Thất Phật, như Thất Phật Dược Sư, Quá khứ Thất Phật, v.v. Nhưng khả năng lớn hơn hết về ý nghĩa của mũ Thất Phật có vẻ là từ bẩy vị Phật gọi là Thất Phật Trị Thế được nhắc đến trong kinh Ứng Kiếp của Đạo giáo. Bẩy vị Phật này gồm có Xích Ái Phật từ phương Nam, Sinh Dục Phật từ phương Bắc, Giáp Tam Xuân Phật từ phương Đông, Dậu Trưởng Canh Phật từ phương Tây, Không Cốc Thần Phật từ phương Tây Bắc, Long Giả Thị Phật từ phương Đông Nam, Kế Liên Thiên Phật từ phương Đông Bắc.
Mũ Thất Phật đã hiện diện ở Việt Nam từ khá lâu. Địa chí Hải Dương có chép việc hòa thượng Chân Nguyên ở chùa Động Ngọ, huyện Thanh Hà, được vua (Lê Hy Tông) ban mũ Thất Phật năm 1692. Mũ Thất Phật của miền Bắc và mũ Hợp Chưởng do triều đình Huế tạo ra là 2 loại mũ của riêng Phật Giáo Việt Nam.
Mũ Hợp chưởng Huế, 1930 (National Geographic)
Mũ Thất Phật (nigioingaynay.com)
Trong tất cả các nền văn hóa Phật giáo, các Bồ tát đều đội khăn, mũ Ngũ Trí huệ hay Ngũ Phật, vì thế các khăn hay mũ này cũng còn được gọi là khăn hay mũ Bồ tát. Riêng Bồ tát Quán Thế Âm đội khăn hay mũ chỉ có một mình Phật A Di Đà ở trước minh đường trước trán, hay ở trên đầu. Ngài không đội các loại khăn hay mũ Ngũ Phật.
Quán Thế Âm Bồ tát (dạng Avalokitesvara) đội mũ ba đỉnh (Trimukuta) với hình tượng Phật A Di Đà phía trước. Thế kỷ 12 Tibet (Bảo tàng Asia Society, New York)
Thời cổ xưa các Bồ tát đều có dạng nam. Tiêu biểu là Bồ tát Quán Thế Âm, tức Avalokitesvara. Chiết tự hồng danh ngài từ Phạn ngữ có nghĩa là: Ava: bảo vệ, cứu, hướng từ trên xuống; lok hay loka: thế gian, cõi, điều nhìn thấy; avalokita: quan sát xuống để cứu thế gian; svara: âm thanh; isvara: chúa tể. Tất cả có nghĩa là “vị chúa tể quan sát và nghe xuống thế gian để bảo vệ, cứu vớt”. Theo phần Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm, mà người Tây phương gọi là phẩm thứ 25, của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharma Pundarika Sutra), thì Phật Quán Thế Âm có 33 ứng thân, trong đó có 7 dạng nữ. Nhưng Phật giáo Đại thừa của truyền thống Đông Độ (purvanusmritis) chỉ tôn thờ một dạng nữ Quán Thế Âm mặc áo trắng (Pandaravasini), tức là dạng Bạch y Đại sỹ hay Bạch Đà la.
Tranh vẽ Quán Thế Âm Bồ tát với ria mép thời Đường, Trung Quốc (exoticindiaart.com)
Tranh vẽ Bồ tát Quán Thế Âm trong ứng thân nam, thế kỷ 14 Hàn Quốc (Bảo tàng Metropolitan, New York)
Phác họa Quán Thế Âm Bồ tát trên giấy tìm được ở Đôn Hoàng, Tân Cương, Trung Quốc. Tranh vẽ khoảng thời Đường-Ngũ Đại ( Thư viện Quốc gia Pháp)
Quán Thế Âm Bồ tát dạng nam phái, thế kỷ 12 Nhật Bản (Bảo tàng Nara, Nhật Bản)
Bạch y Quán Thế Âm trên đầu đội một cái khăn trùm đầu phủ xuống vai theo lối Trung Hoa. Cũng không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, qua Từ Hàng Đạo nhân, lên trang phục của Bạch Y Đại sỹ. Khăn trùm đầu này cũng có thể có xuất xứ từ khăn Taranga cổ xưa của Ấn Độ. Nhưng dù ở dạng Bạch y Đại sỹ hay Quán Thế Âm (Avalokitesvara) thì trên minh đường trước trán khăn và mũ của ngài cũng đều có hình tượng Phật A Di Đà. Phật Quang Từ điển có giải thích rằng vì mũ Bồ Tát Quán Thế Âm đội có hình tượng Vô Lượng Thọ Phật, cho nên gọi là Vô Lượng Thọ Phật Bảo quan (tức là mũ báu A Di Đà Phật). Mũ Vô Lượng Thọ này khác nhiều với loại mũ Quan Âm hay thấy ở Trung Quốc và Việt Nam ngày nay.
Bạch Y Quán Thế Âm Bồ tát trùm khăn kiểu Trung Quốc với hình ảnh Phật Vô Lượng Thọ Phật phía trước đầu (hgth.vn)
Khăn Taranga, tranh vẽ Ấn Độ 1904 (Ravi Varma’s Studio)
Mũ Quan Âm, có hình dạng như mũ Ni của Việt Nam, tương tự với mũ Pandita (mũ đại học sỹ) của các đại Lạt ma Tây Tạng. Mũ Pandita Tây Tạng có xuất xứ từ loại mũ cùng tên của Ấn Độ thời cổ. Mũ này được chính thức lấy tên ở Tây Tạng từ thời Đại Lạt ma Kunga Gyeltse (tước Sakya Pandita – 1182-1251), người được vua Mông Cổ Kublai Khan phong làm Giáo chủ Lạt ma giáo của toàn Tây Tạng. Tước và mũ Pandita được dành cho các trưởng giáo đại học sỹ, là những người đã thông hiểu hết 5 kiến thức đời và đạo (pancavidyasthana). Về sau này có hai giòng mũ Pandita ở Tây Tạng là giòng mầu vàng của phái Lạt ma Gelugpa (Cách Lỗ, Hoàng giáo) và giòng mầu đỏ của phái Nyingma (Ninh Ma Cổ Mật hay Hồng giáo).
Mũ Pandita của Tây Tạng ngắn ngang cổ, phía dưới đằng trước mũ phân ra hai giải phủ xuống ngực, và mũ có mỏ nhọn hướng xuống dưới ở trước trán. Mũ Pandita ở Ấn Độ thời cổ phủ đều xuống dưới hai vai và có trán mũ thẳng ngang giống như mũ Ni của Việt Nam.
Năm 1640 giòng Gelugpa thâu tóm chủ quyền của toàn thể Tây Tạng. Và từ năm 1650, Ngawang Lobsang Gyatso, vị Trưởng giáo Lạt ma thứ 5 của giòng này, xưng là ứng thân của Quán Âm Bồ tát (Avalokitesvara, hay Chenrezig trong Tạng ngữ) sau khi được vua nhà Thanh Trung Quốc phong tước Dalai (Đạt lai, có nghĩa là phước như biển cả). Thật ra trước vị này thì các thủ lĩnh phái Gelugpa chỉ là Giáo chủ chứ chưa là Đạt lai. Mũ Pandita của các đại Lạt ma Hoàng giáo vì thế được xem là biểu tượng của các quyền phép của Quan Âm Chenrezig, và đỉnh nhọn của mũ tượng trưng cho việc đạt đến giác ngộ. Mũ Quan Âm Việt Nam và mũ Pandita có hình dạng hoàn toàn khác với các khăn, mũ Vô Lượng Thọ Phật mà Quán Thế Âm Bồ tát đội; và không có hình tượng Phật A Di Đà trên chỗ minh đường.
Một vị Hòa thượng Việt Nam đội mũ Quan Âm (hatvan.vn)
Đức Giáo chủ Lạt ma Gelugpa đời thứ nhất Gendun Drupa (1391–1474) đội mũ Pandita mầu vàng của trường phái Cách Lỗ (Gelugpa, Hoàng giáo) Tây Tạng (bhavanajagat.com)
Mũ Pandita Ấn Độ thế kỷ11. Có thể thấy mũ Ni ở Việt Nam giống mũ Pandita Ấn Độ hơn loại mũ cùng tên của Tây Tạng (Bảo tàng Metropolitan, New York)
Ngày nay các nước còn giữ truyền thống cổ của Phật giáo Mật tông như Tây Tạng, Nepal, khi làm lễ truyền giới thì vị đại sư truyền giới đội mũ Ngũ Phật, Ngũ Trí huệ để tượng trưng cho ứng thân Bồ tát của mình. Còn những người thọ giới thì đội khăn Ngũ Trí huệ hay khăn Ngũ Phật.
Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 đội mũ Ngũ Trí huệ trong lễ truyền giới
Các đệ tử thọ giới đội khăn Ngũ Trí Huệ
Dĩ nhiên tất cả các khăn, mão thấy trên các tranh, tượng Phật và Bồ tát ở mọi nơi trước nay đều là do con người tưởng tượng ra theo suy diễn, chứ có ai được thấy chư Phật và Bồ tát đội chúng trong thực tế bao giờ. Và các khăn, mão này thường có gốc gác từ khăn mão hoàng gia của các nền văn minh Ấn Độ cổ. Thí dụ như cái Trikuta (3 đỉnh núi, tam sơn) ở đằng trước khăn hay mũ của các vua vùng văn hóa Ấn Độ thời cổ, được hóa thành dạng khăn hay mão Trimukuta trên tượng, ảnh của chư Bồ tát. Và hình tượng này cũng được nhận ra ở Việt Nam, thí dụ như ở cái Tam sơn trên triều quan đời Lê, và cái Kim bác sơn trên mão trong triều đình thời Nguyễn.
Vương miện Ngũ đỉnh Pancasikha Kirita bằng vàng, thế kỷ thứ 2, Afganistan (Bảo tàng Guimet, Paris)
Vương miện dạng Tam sơn dài 26 cm khi duỗi thẳng, với hình tượng Shiva ở phía trước của người Chàm Bà La Môn thế kỷ 11, Bình Định (Bảo tàng Champa, Đà Nẵng)
Vua Rana Bahadur Shah (1777 – 1806) của Nepal với Tam sơn (trikuta) trước mũ (welcomtonepal.worldpress.com)
Kim bác sơn trên mão các quan triều Nguyễn, Việt Nam (ảnh tư liệu)
Vì các Bồ tát đều quản việc cứu khổ, cứu nạn cho trần gian, nghĩa là việc quán thế, cho nên về sau này ở các nước Phật giáo Đông Độ các Bồ tát hay bị đồng hóa với Quán Thế Âm Bồ tát. Bồ tát Chuẩn Đề (Cundi) đã từ lâu được gọi là Quan Âm Chuẩn Đề. Rồi dần dần ở các nước theo Phật giáo Đại thừa, tranh, tượng Bồ tát khác như Văn Thù, Phổ Hiền cũng có khi được cho đội khăn, mão có tượng Phật A Di Đà trước trán của Quán Thế Âm Bồ tát.
Bồ tát Văn Thù đội khăn với hình tượng A Di Đà của Quán Thế Âm Bồ tát. Thế kỷ 18 Trung Quốc (Bảo tàng Rubin, New York)
Ở Việt Nam thời Lê Trung Hưng có một giai đoạn người ta biến các hậu, phi, công chúa thành hóa thân của Quan Âm Bồ tát, bằng cách cho các tượng của họ trong chùa đội khăn sikha thọ giới Bồ tát có hình Phật A Di Đà (Vô Lượng Thọ) trước trán. Đặc biệt là trên các tượng chân dung được tạo với cùng một phong cách và cùng thời điểm ở đầu thế kỷ 17. Tượng chân dung các hoàng hậu, phi tần của vua Lê Dụ Tông ở chùa Mật, Thanh Hóa (nay trưng bầy ở Bảo tàng Thanh Hóa) là minh chứng rõ nét nhất. Rõ ràng là họ đội khăn, vì hai dây buộc còn để thõng trước vai. Họ đều ngồi kiết già với tay bắt ấn như các Bồ tát.
Phải chăng việc họ đội loại khăn sikha này có nghĩa là họ được thọ giới từ các vị đại sư có ảnh hưởng và kiến thức của Mật giáo? Thay vì khăn năm đỉnh, họ đều đội khăn có tam sơn (trikuta) ba đỉnh, tựa như loại khăn hay thấy trên các hình tượng Avalokites-vara xuất hiện ở các nước Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng trong các thế kỷ 9 đến 12. Và khăn của họ đội đều là khăn Vô Lượng Thọ Phật của Quán Thế Âm Bồ tát. Điều này cũng thấy ở các tượng hậu của các hậu, phi, công chúa ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Tượng hai Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền ở chùa Bút Tháp cũng đội khăn 3 đỉnh Vô Lượng Thọ Phật này. Đây cũng là một trong những nét khác biệt của nền văn hóa Phật giáo của Việt Nam, đã được biến đổi tương đối so với các quy tắc nguyên thủy từ nơi Phật giáo xuất phát.
Tượng chân dung các hoàng hậu của vua Lê Thần Tông ở chùa Mật, Thanh Hóa, đội khăn ba đỉnh Vô Lượng Thọ của Quán Thế Âm Bồ tát. Thế kỷ 17 (ảnh Phan Cẩm Thượng)
Tượng hậu một bà phi ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, với Phật A Di Đà trên tam sơn (phiến trước bị mất phần trên), thế kỷ 17 (ảnh tư liệu)
Tượng Bồ tát Phổ Hiền đội khăn Tam sơn Vô Lượng Thọ Phật, thế kỷ 17. Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (ảnh tư liệu)
Theo: soi.today