Văn hóa

ĐỀN CỜN: BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA ĐÓN BIỂN


15-10-2020
Tác giả: Dương Tuấn Anh

Tín ngưỡng thờ Nam hải Tứ Vị Thánh Nương với trung tâm là đền Cờn (Nghệ An) chính là một ví dụ điển hình, một biểu tượng cho tinh thần đón biển của người dân Việt. Với nhiều giá trị to lớn, tín ngưỡng thờ Nam hải Tứ Vị Thánh Nương đã vượt qua giới hạn của một tín ngưỡng dân gian, tích cực đóng góp cho nhiều mặt đời sống con người Việt Nam.

1. Lịch sử phát triển văn hóa của người Việt đã ghi nhận quá trình đông tiến và nam tiến của các cộng đồng dân cư. Đó cũng là lịch sử tổ tiên người Việt di chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp, từ vùng núi tiến xuống đồng bằng để làm nông nghiệp, và sau đó ra tới biển để khai thác nguồn lợi vô bờ từ đại dương mênh mông. Nhờ quá trình này mà các dân tộc Việt Nam đã từng bước ổn định cuộc sống, đồng thời định hình lãnh thổ và các vùng biển đảo như hôm nay. Vì thế, không khó để nhận ra: Hướng ra biển là xu thế từ hàng ngàn năm nay của người Việt, để phục vụ cho sự phát triển của dân tộc mình. Yếu tố biển vì thế trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong cấu trúc văn hóa Việt Nam.

Việc hướng ra biển không chỉ được thể hiện bằng những con tàu ra khơi đánh cá, bằng dấu chân người dân Việt in khắp các đảo, các đá trên biển đông, đặt tên cho những Hoàng Sa, Trường Sa, Hòn Rớ, Hòn Hèo, Phú Quốc, đảo Sinh Tồn, đảo Thuyền Chài, Bến Cá, đầm Thủy Triều… mà còn được thể hiện ở sự giao lưu thường xuyên với các nước khác qua con đường hàng hải. Sự giao lưu này không những đem lại nguồn lợi kinh tế, mà quan trọng hơn, nó đem lại sự gắn kết văn hóa của nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực. Việc hướng tới một cộng đồng ASEAN hòa bình và phồn thịnh chắc chắn sẽ gặp phải trở lực nếu thiếu đi sự gắn kết văn hóa đã được bao thế hệ đi trước dày công vun đắp. Nhà nghiên cứu Mạnh Nguyên hoàn toàn chính xác khi nhận định: “Với môi trường tự nhiên và không gian văn hóa đặc thù của Đông Nam Á, biển cả đã phân lập, chia tách các quốc gia, các trung tâm kinh tế. Nhưng dường như là một nghịch lý của lịch sử, chính môi trường biển lại trở thành nhân tố liên kết, cố kết các cộng đồng cư dân trong khu vực.”[1]

2. Trong quá trình hướng ra biển như vậy, người Việt xưa buộc phải tìm sự thích nghi để sinh tồn trong một môi trường hoàn toàn khác biệt với môi trường đất liền vốn quen thuộc với họ. Biển xanh không chỉ đem đến nguồn lợi to lớn mà cũng đem đến cả những khó khăn, hiểm nguy cho con người. Khi khoa học kĩ thuật còn hạn chế, cơ bắp con người thực sự yếu ớt trước sức mạnh ghê gớm của tự nhiên, thì việc người xưa tìm tới những nguồn sức mạnh khác để hỗ trợ họ đấu tranh sinh tồn là điều đương nhiên. Việc thờ cá ông, thờ các vị thần, thờ các nhân vật linh thiêng đã đem lại một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, khiến họ tự tin hơn khi ra khơi. Nam Hải Tứ vị Thánh nương được người dân thờ phụng cũng vì duyên do đó.

Nhiều nhà nghiên cứu đã truy nguyên các sử liệu, chứng tích… để khẳng định nguồn gốc Trung Hoa của Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Phía Trung Quốc cũng đã có những tìm hiểu nghiên cứu, và kết luận về nguồn gốc đích thực của Nam Hải Tứ vị Thánh nương, nhưng căn bản chỉ dừng ở mức độ cho là truyền thuyết[2]. Nên với hiện tượng văn hóa này, chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều: Đây là tín ngưỡng dân gian đến từ biển. Điều này cho thấy: Những con người từ vùng núi cao, trung du hay đồng bằng, khi ra đến biển đã tìm cho mình những chỗ dựa tinh thần mới cho một địa bàn hoạt động mới.

Ý thức về biển, khát khao chung sống với biển đã khiến người dân mở lòng đón biển, nhận từ biển không chỉ cá tôm, mà cả những giá trị tinh thần để cuộc sống của hộ được yên ổn, tốt đẹp hơn.

3. Đền Cờn (Nghệ An) là nơi phát tích việc thờ cúng Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Việc thờ cúng này là tín ngưỡng thờ thần biển, được người dân địa phương hết sức coi trọng. Kể từ khi được thờ phụng từ đời Trần đến nay, trong tâm thức dân gian, Nam Hải Tứ vị Thánh nương luôn là những vị thần vừa “linh”, vừa “ứng”. Bao giai thoại về Nam Hải Tứ vị Thánh nương đã cho thấy những vị thần này không chỉ đem lại chỗ dựa tinh thần cho người dân, mà còn bao lần hiển linh giúp vua, giúp nước.

Công lao ấy khiến cho việc thờ phụng Nam Hải Tứ vị Thánh nương không chỉ được duy trì mà còn nhân rộng. Những nghiên cứu của Ngô Đức Thịnh, Ninh Viết Giáo, Hoàng Tuấn Phổ, Nguyễn Thanh Lợi… đã chứng minh sự tồn tại hệ thống các ngôi đền thờ Nam Hải Tứ vị Thánh nương được ghi nhận từ nam chí bắc.

Thế là, một hiện tượng văn hóa đến từ biển đã được người dân Việt phổ biến khắp nơi. Điều đáng thú vị là Nam Hải Tứ vị Thánh nương tuy đến từ biển, mang đậm dấu ấn văn hóa biển, nhưng lại được người dân thờ phụng cả ở những nơi không có biển, chẳng hạn như Hà Nội. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho biết: “Khu vực Hà Nội (trước khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào), một số địa điểm có thờ vị thần này với các danh hiệu tương tự: Hội Thống (Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương), Nghĩa Lập (Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần), Vĩnh Trù (Tứ Vị Hồng Nương), phủ Từ có làng như Vĩnh Trù (phố Hàng Lược) coi Tứ vị như Thành hoàng.”[3]

4. Điều này rõ ràng cho thấy đây không đơn thuần là câu chuyện các vị thần được thờ phụng do được truyền bá hoặc di dân, mà ẩn bên trong nó là ý thức đón biển. Người Việt xưa không chỉ dắt theo con cháu hướng ra biển, mà còn mang văn hóa biển vào sâu trong đất liền, tạo nên một sự giao thoa kết nối giữa các địa bàn sinh sống. Nhờ đó mà các vị thần từ biển cả mới đi sâu được vào đất liền, đến cả những nơi không có biển như vậy. Để rồi, những người dân sống sâu trong đất liền, dẫu có chưa một lần ra đến biển, vẫn luôn có ý thức về biển như một phần máu thịt của tổ quốc.

Lòng tôn kính đối với Nam Hải Tứ vị Thánh nương từ đó trở thành một chất keo kết nối các cộng đồng người Việt ở muôn nơi, góp công lao không nhỏ cho sự đoàn kết dân tộc. Nhà nghiên cứu Mạnh Nguyên đã đúng khi khẳng định vai trò của biển trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng với tín ngưỡng thờ Nam Hải Tứ vị Thánh nương, vai trò kết nối của biển còn đúng cả ở phạm vi giữa các cộng đồng trong một quốc gia, gắn kết cả những cộng đồng không bị ngăn cách bởi biển.

5. Đón biển để hướng ra biển, thấy được giá trị từ biển để vươn ra biển mạnh mẽ hơn, đó là một nguyên tắc quan trọng. Nắm được nguyên tắc này, chúng ta cần nhấn mạnh yếu tố đón biển, coi nó như nguồn động lực không thể thiếu cho việc hướng biển.

Tín ngưỡng thờ Nam hải Tứ Vị Thánh Nương với trung tâm là đền Cờn (Nghệ An) chính là một ví dụ điển hình, một biểu tượng cho tinh thần đón biển của người dân Việt. Với nhiều giá trị to lớn, tín ngưỡng thờ Nam hải Tứ Vị Thánh Nương đã vượt qua giới hạn của một tín ngưỡng dân gian, tích cực đóng góp cho nhiều mặt đời sống con người Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, tín ngưỡng này còn góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác nghiên cứu văn hóa biển đảo, về hệ sinh thái, môi trường nhân văn, di sản văn hóa của các cộng đồng dân cư… không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường phát triển bền vững vùng biển đảo, mà còn góp phần định hướng xây dựng chiến lược phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo.

Tất nhiên, nếu đón biển để hướng biển mạnh mẽ hơn, thì ngược lại, hướng biển sẽ lại giúp mọi người có cơ hội đón biển. Những nguồn lợi vật chất và tinh thần từ biển còn đang ở dạng tiềm năng rất lớn. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là một nguồn sức mạnh to lớn phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước, với tôn chỉ “dân giàu – nước mạnh – xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Hà Nội, 06.11.2015

Tài liệu tham khảo chính

1.      Từ Chi - Phạm Đức Dương, Vài nhận xét về cách ứng xử của người Việt trước biển, Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ, Số 1. 1996, Viện Văn hóa dân gian.

2.      Nguyễn Thanh Lợi, Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2010.

3.      Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2000), Văn hoá dân gian làng ven biển, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

4.      Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5.      Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian (2000), Văn hoá dân gian làng ven biển, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

6.      牛军凯:“海为无波”:越南海神南海四位圣娘的传说与信仰[J];海交史研究;2011年01期 (Ngưu Quân Khải: “Hải vi vô ba”: Truyền thuyết và tín ngưỡng thần biển Việt Nam Nam hải Tứ vị Thánh nương, Tạp chí Hải giao sử nghiên cứu, kì 1 năm 2011)

7.      于向东:古代越南的海洋意识厦门大学, 2008 (Vu Hướng Đông, Ý thức biển của người Việt Nam cổ đại, Đại học Hạ Môn, 2008, Luận án Tiến sĩ)

8.      陈新兵. 中越海神传说与信仰比较研究[D]. 广西民族大学 2015 (Trần Tân Binh: Nghiên cứu so sánh truyền thuyết và tín ngưỡng thần biển Việt Nam và Trung Quốc, Đại học Dân tộc Quảng Tây, 2015, Luận văn Thạc sĩ)


[1] Xem: http://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4805:du-n-nc-bin-trong-lch-s-vn-hoa-vit-nam&catid=169:bin-o-que-hng&Itemid=641

[2] Xem thêm: Ngưu Quân Khải: “Hải vi vô ba”: Truyền thuyết và tín ngưỡng thần biển Việt Nam Nam hải Tứ vị Thánh nương, Tạp chí Hải giao sử nghiên cứu, kì 1 năm 2011.

[3] Nguyễn Thanh Lợi, Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2010, trang 31.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020