Nhà cửa, đền chùa của người Khmer mang những đặc trưng kiến trúc riêng biệt so với các dân tộc khác cùng cộng cư ở vùng đất Nam bộ. Người Khmer coi nhà ở không quan trọng, không cần để phô trương biểu thị về sự giàu sang, bề thế của gia đình, họ tộc nên về mặt kiến trúc thường rất đơn giản, không cầu kỳ nhưng họ lại rất quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ cho ngôi chùa lộng lẫy.
Nhà ở của người Khmer Nam bộ thường tụ sau các luỹ tre, trong các khuôn viên nhỏ, có rào tre thấp, tường xây hay hàng rào cây xương rồng bao bọc. Trước mặt nhà thường có một cái sân nhỏ với đống rơm ở bên rìa sân. Bên hông và sau nhà thường là bếp, nhà tắm, chuồng trâu bò và một mảnh vườn nhỏ... Nếu sau nhà là ao thì vườn nhà lại nằm phía trước sân. Vì theo quan niệm "sống gửi thác về" của đạo Phật nên người Khmer coi nhà ở không quan trọng, không cần để phô trương biểu thị về sự giàu sang, bề thế của gia đình, họ tộc. Vì vậy, nhà và cách bày trí trong nhà của người Khmer thường rất đơn giản, chúng chỉ là nơi tránh nắng, tránh mưa… Tuy kiến trúc nhà ở không cầu kỳ nhưng các lễ thức trong làm nhà thì lại rất cầu kỳ, phức tạp.
Thông thường nhà của người Khmer chỉ có 1 gian, được ngăn làm 2 buồng nhỏ bằng một tấm vách lá. Cửa nhà nằm ở giữa, thường hướng ra sông, rạch hoặc đường, hai bên có cửa sổ nhỏ. Phía sau nhà có một chái nhỏ dùng làm bếp và chứa các đồ dùng, công cụ sản xuất. Ngày nay, đời sống vật chất được cải thiện, trong cộng đồng người Khmer xuất hiện nhiều nhà 2 hoặc 3 gian nhưng thực ra chúng vẫn mang kiến trúc của kiểu nhà 1 gian và được nối mái thêm.
Do quá trình giao lưu, sống chung lâu đời mà nay số đông người Khmer làm nhà ở nền đất, giống như người Kinh và có thể chia làm hai dạng: Dạng nhà nghèo, còn khó khăn thì có nhà nhỏ, chỉ có hai mái, mái trước ngắn, mái sau dài, cột kèo đều bằng gỗ nhỏ, bằng tre, mây buộc, mái lợp lá dừa hoặc lá thốt nốt, xung quanh che phên lá đơn giản. Còn nhà có kinh tế khá giả thì có nhà lớn, nhà bốn mái gồm: hai mái chính và hai mái phụ ở đầu hồi. Kết cấu bộ khung nhà đều bằng gỗ, các cột xà ngang, xà dọc, kèo dâm, kèo trích gắn kết với nhau bằng những lỗ đục mộng ngoàm. Xung quanh nhà thường là ván gỗ hoặc xây tường che khuất.
Nhà ở của người khmer Nam bộ
Bài trí trong nhà được chia làm hai phần theo chiều ngang, một phần làm nơi ở, một phần dành cho bếp núc. Phần dành để ở lại chia thành hai phần theo chiều dọc bởi những vách ngăn: phần phía trước, ở giữa kê bàn ghế tiếp khách, bên cạnh thường có tủ kính đựng những chiếc gối thêu vừa để trang trí vừa tiện dùng khi có khách. Sau bộ bàn ghế tiếp khách là bàn thờ Phật. Nửa sau, bên phải là buồng của vợ chồng chủ nhà còn về bên trái là phòng con gái. Cách bố trí nhà như vậy là do người Khmer quan niệm: mọi tín ngưỡng thờ cúng đều được thực hiện ở trên chùa, còn khi cần cúng tổ tiên hoặc khi có lễ cưới, lễ tang thì bày ra cúng ở giữa nhà.
Qua nhà ở và cách bài trí trong nhà của người Khmer Nam bộ ta thấy được sự bình đẳng trong mối quan hệ gia đình, dòng họ cũng như thấy được cả về tính cách của họ. Đó là lối sống không bon chen, không màu mè. Theo tinh thần Phật giáo, họ quan niệm, giá trị đích thực của con người được thể hiện qua việc làm được nhiều điều thiện hay điều ác trong cuộc sống hàng ngày.
Người Khmer ít quan trọng trong vấn đề nhà ở nhưng họ lại quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ cho ngôi chùa. Theo thống kê hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long có tới gần 450 ngôi chùa Khmer. Các chùa Khmer này được xây dựng vào các thời điểm khác nhau và trong đó có nhiều ngôi chùa đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Chùa Khmer Nam bộ là nơi lưu giữ và phổ biến kinh sách Phật giáo cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật; là trung tâm đào tạo giáo lý, dạy chữ Khmer, chữ Pali cho các sư sãi; là trung tâm sinh hoạt văn hóa xã hội gắn với tập tục; nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao truyền thống và phổ biến thông tin của cộng đồng. Thanh niên Khmer vào chùa để tu luyện và rèn đạo đức, nhân phẩm. Sư sãi sinh hoạt tại chùa là những trí thức tiêu biểu của xã hội Khmer truyền thống. Cho tới ngày nay, sự giao lưu với bên ngoài đã có nhiều mở rộng, đa dạng và phong phú nhưng các sư sãi vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các hoạt động xã hội của người Khmer. Vì vậy, nói đến văn hóa tộc người Khmer là phải nói đến chùa Khmer. Người Khmer có một tâm lý rất đặc biệt, nơi nào có người Khmer cư trú thành phum sóc, có điều kiện kinh tế, đất đai thì ở đó sớm muộn gì cũng sẽ lập chùa để thờ Phật. Người Khmer rất tự hào nên luôn chăm sóc ngôi chùa của mình và họ coi các chùa như là bộ mặt văn hóa của phum sóc.
Chùa của người Khmer Nam bộ
Kiến trúc nhà của người Khmer có sự tương phản rõ rệt với chùa. Ngôi nhà ở của người dân được xây dựng bằng tre lá đơn sơ bao nhiêu (của tầng lớp bần cố nông) thì ngôi chùa lại được xây dựng lộng lẫy bấy nhiêu.
Đến vùng người Khmer cư trú, trông từ xa thấy một không gian cây cổ thụ xanh tốt, trong đó kiến trúc gạch ngói, đó là một ngôi chùa. Dựng chùa, nuôi chùa là hạnh phúc lớn của toàn dân Khmer. Người Khmer dành hết mọi nguồn lực, tài nghệ và vật liệu xây dựng tốt nhất cho ngôi chùa. Cao và nổi bật lên tại trung tâm ngôi chùa Khmer là chính điện. Chính điện là tổ hợp giữa kiến trúc gỗ, gạch đá, ngói thành ngôi nhà cao to 5 - 7 gian, chạy dọc theo hướng Đông – Tây với hàng hiên rộng bao quanh, nóc nhọn vút như lưỡi búa chổng ngược lên nhau, trên nóc cột đỉnh chỏm tháp vá các đầu mái vút lên như những nóc dừa.
Trong chùa bàn thờ Phật bao giờ cũng đặt ở đầu nhà phía Tây, Phật nhìn về phía Đông phù hộ chúng sinh. Có những ngôi chùa hai bên còn mở một hoặc hai gian thành ra ngôi chùa bốn mặt để mở ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Mỗi ngôi chùa Khmer là một bảo tàng về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tượng pháp bích họa trang trí trên trần, trên cửa, cột, hàng hiên, bệ tượng, thân tượng… với những mô-típ hoa văn rồng rắn, hoa lá, chim muông, thú vật xung quanh những sự tích về Phật.
Theo: http://vhttdlkv3.gov.vn/