Vật liệu cấu thành bộ mái kiến trúc chính là những viên ngói cong (ngói âm dương), ngói phẳng (ngói mũi sen, ngói mũi nhọn, ngói mũi tròn) và những phù điêu trang trí kiến trúc.
Mùa thu, năm Giáp Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra “thành Đại La” là “đô cũ của Cao Vương” và đổi tên là thành Thăng Long . Các triều đại Lý, Trần, Lê đã định đô tại đây trong khoảng 7 thế kỷ cho tới khi triều Nguyễn dời đô vào Huế. Vương triều Lý – Trần để lại những dấu tích kiến trúc dày đặc nhất trên toàn bộ diện tích khu di tích Thành cổ Hà Nội, với khoảng hơn 60 di tích mặt bằng kiến trúc, 05 di tích giếng nước, 10 di tích móng đường/tường, hơn 10 đường cống nước…
Các công trình kiến trúc đó đến nay đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những phế tích với một khối lượng đồ sộ các loại hình vật liệu kiến trúc, đặc biệt là các vật liệu cấu thành bộ mái các công trình.
Vật liệu cấu thành bộ mái kiến trúc chính là những viên ngói cong (ngói âm dương), ngói phẳng (ngói mũi sen, ngói mũi nhọn, ngói mũi tròn) và những phù điêu trang trí kiến trúc.
Ở những vị trí khác nhau trên bộ mái kiến trúc có những loại ngói lợp phù hợp như ngói lợp phần thân mái, lợp phần diềm mái.
Ngói ống dáng thuôn dài, tròn đều, mặt cắt ngang hình nửa ống tròn. Thân được tạo bằng kỹ thuật dải cuộn kết hợp bàn xoay, thân dày đều, mặt trên làm nhẵn hoặc có dấu thừng, mặt dưới có dấu vải rất rõ. Phần đuôi và thân được tạo liền khối. Đuôi được tạo bằng cách cắt bớt độ dày thân. Những viên ngói diềm mái lợp ở vị trí đầu tiên trong hàng, có phần đầu ngói hình tròn, trong lòng đầu ngói trang trí hoa văn với các chủ đề chính là hoa sen, hoa cúc và hình rồng.
Ngói lòng máng lợp hình dáng chữ nhật, mặt cắt ngang khum cong phần đuôi rộng hơn phần đầu, làm bằng hai kỹ thuật dải cuộn kết hợp khuôn trên bàn xoay và đắp tảng đất trên khuôn kết hợp bàn đập, trong lòng thường có dấu vải, đây là những dấu vết lót khuôn. Thân ngói dày không đều, phần đầu dày và mỏng dần về phần đuôi.
Vật liệu trên bộ mái kiến trúc thời kỳ Lý – Trần phong phú và đa dạng. Chất liệu các loại hình vật liệu tương đối đồng nhất với đất sét chọn lọc kỹ pha trộn cát hạt mịn, màu đỏ (thời Lý màu đỏ có những dải vân màu vàng, thời Trần màu đỏ sẫm hơn), nung ở nhiệt độ cao nên tạo ra độ cứng tốt, độ hút ẩm thấp, chịu được mưa nắng đảm bảo cho độ bền của các công trình kiến trúc.
Ngói ống lợp diềm mái thời Lý – Trần đều gắn thêm đầu ngói, trong lòng đầu ngói có trang trí, họa tiết trang trí giữa các thời cũng có nhiều nét khác biệt. Bên cạnh đó, trên lưng ngói lợp diềm mái thời Lý – Trần còn được gắn thêm hình lá đề hoặc tượng uyên ương, trong lòng lá đề thường trang trí hình rồng hoặc hình phượng. Đây là một đặc trưng hết sức tiêu biểu trên ngói ống thời Lý – Trần, kiểu thức trang trí này chưa thấy có ở bất kỳ nơi nào, kể cả quê hương của loại ngói này là Trung Quốc.
Hoa văn trang trí trên đầu ngói thời Lý – Trần có hai đề tài chính là hoa sen và hình rồng. Hình rồng được trang trí trong tư thế cuộn tròn, đầu hướng vào tâm, hoa sen được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa dạng về họa tiết. Các họa tiết trang trí này không chỉ có ý nghĩa về mặt mỹ thuật mà còn thể hiện tư tưởng hết sức sâu sắc. Hình tượng rồng, phượng biểu trưng cho quyền lực của nhà vua, hoa sen hay hình tượng lá đề là biểu hiện tư tưởng của Phật giáo. Thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển với sự hậu thuẫn của triều đình, đóng vai trò Quốc giáo, tư tưởng này được phản ảnh sâu sắc trong mỹ thuật thời Lý – Trần, chính vì vậy có nhiều người cho rằng mỹ thuật Lý – Trần là mỹ thuật Phật giáo. Hình tượng rồng không chỉ được sử dụng như một họa tiết trang trí mà nó được sử dụng với những quy định nghiêm ngặt, theo đó chúng ta biết được những hình tượng rồng năm móng chỉ được trang trí trên những gì thuộc về Vua.
Một số hình ảnh minh họa:
Ảnh 1 – Ngói ống
Ảnh 2 – Ngói lòng máng
Ảnh 3 – Đầu ngói ống trang trí hoa sen
Ảnh 4 – Đầu ngói ống trang trí hoa sen
Ảnh 5 – Đầu ngói ống trang trí hình rồng
Bùi Thị Thu Phương
(Nguồn bản vẽ, ảnh: Viện Khảo cổ học)
Nguồn bài viết: http://www.hoangthanhthanglong.vn/