Ở nhiều bộ tộc, vùng miền trên thế giới vẫn tồn tại khá nhiều phong tục tập quán kỳ lạ về hôn nhân.
Mỗi một quốc gia hay một vùng đất nào đó đều có những tập tục đặc biệt dược nhân dân trong vùng lưu truyền và gìn giữ. Có nhiều tập tục thể hiện nét văn hóa riêng biệt, bản sắc dân tộc nhưng có những tập tục lại trở thành hủ tục, phản văn hóa.
Phong tục quần hôn kỳ dị của các bộ lạc Nam Mỹ
Tại Guyana, một quốc gia thuộc Nam Mỹ, các cô dâu mới về nhà chồng buộc phải đối mặt với một tập tục vô cùng kỳ quái. Đó là, ngoài chú rể ra, tất cả những người đàn ông trong gia đình anh ta đều có quyền làm tình với cô dâu.
Điều đó có nghĩa chỉ cần sau đêm động phòng thì cô dâu đã trở thành "quà chung" của tất cả các đàn ông trong gia đình người chồng mình.
Chuyện này chỉ kết thúc cho tới khi cô dâu mới này sinh đứa con đầu tiên. Sau khi sinh đứa con đầu tiên thì người vợ sẽ không phải quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào trong gia đình nữa ngoài chồng mình. Bởi theo quan niệm của người Guyana thì việc có con đã khẳng định người vợ này thuộc sở hữu riêng của người chồng.
Cũng phong tục truyền thống, một số bộ tộc ở các quốc gia Nam Mỹ như người Caingang ở Brazil và người Siriono ở Bolivia… cho phép cặp vợ chồng có quyền "làm chuyện đó" với anh, chị em ruột của bạn đời. Điều này nghĩa là người chồng có thể công khai quan hệ tình dục với chị, em gái của vợ… và người vợ có thể quan hệ với anh, em trai của chồng.
Những bộ tộc này cho rằng việc đó với người thân của bạn đời sẽ thắt chặt thêm tình cảm giữa anh, chị em trong gia đình.
Khác với các bộ tộc tại Guyana, việc chung vợ chung chồng này kéo dài đến tận hết cuộc đời của những người ở bộ tộc Caingang. Thậm chí bộ tộc này còn duy trì hoạt động tình dục tập thể vì họ cho rằng việc này sẽ gắn kết tình thân thiết của những người cùng dòng họ.
Còn tại khu vực rừng nguyên sinh nhiệt đới ở giáp giới Peru và Brazil có một nhóm nhỏ người có lẽ là những người cuối cùng của một bộ lạc nguyên thủy còn sót lại. Để bảo tồn và đảm bảo cho họ có được một cuộc sống hạnh phúc đúng theo kiểu của tổ tiên họ, chính quyền đã để cho họ tự do sống theo phương thức truyền thống.
Bộ lạc nguyên thủy này có tên là Zo’é (nghĩa là “Chúng tôi”) có tất cả 242 người từ trẻ đến già, đó là những người thực sự tự do (với nghĩa đen) cuối cùng trên Trái Đất. Nền văn minh của họ chưa hề bị xáo trộn hay phá hoại bởi xã hội hiện đại. Họ vẫn sống theo cách tổ tiên họ sống, cách xa những thứ của xã hội văn minh hiện đại.
Bộ lạc này thực sự là một “xã hội hài hòa”. Họ không phân biệt trẻ, già, trai gái, tất cả đều trần truồng. Nếu bạn mặc quần áo đứng giữa họ, bạn sẽ thấy xấu hổ. Cuộc sống của họ cách biệt với xã hội loài người từ sau thời kỳ đồ đá. Họ không hề biết gì về thế giới bên ngoài.
Họ không có thủ lĩnh, không có quyền uy, không cần tổ chức đẳng cấp, không cần pháp luật. Họ coi trọng kinh nghiệm, kiến thức được truyền bá rộng rãi, không bị giấu giếm, được coi là tài sản chung của mọi thế hệ.
Những kinh nghiệm này được coi là bí quyết để họ tồn tại giữa rừng rậm. Giữa các thành viên không có quan hệ thân tộc chặt chẽ. Chế độ một vợ nhiều chồng, một chồng nhiều vợ là cơ sở cho mối quan hệ cộng đồng gia đình hài hòa không có xung đột này, cũng là cơ sở để ngưng tụ xã hội.
Cô dâu làm vợ chung cho anh em chồng ở Ấn Độ
Ngay tại Ấn Độ, một trong những cường quốc về kinh tế và quân sự thế giới, cũng tồn tại những khu vực theo phong tục đa phu. Anh Guddu và chị Verma đã có một hôn lễ truyền thống theo đạo Hindu cách đây 4 năm. Tuy nhiên, theo phong tục của làng, chị Verma phải lấy luôn cả những người anh em còn lại của chồng mình.
Hằng ngày, chị Verma giặt giũ, nấu nướng và chăm sóc bé Jay 18 tháng tuổi, trong khi những người chồng của chị đến làm việc tại thành phố Dehradun, miền Bắc Ấn Độ.
Chị Rajo Verma cho biết mỗi đêm chị ngủ cùng một người theo lịch được sắp xếp trước. Chính vì thế, chị cũng không thể biết được chính xác ai là cha của đứa bé mà họ đang có.
Tuy nhiên, do quan niệm này đã đi sâu vào trong tiềm thức của dân làng nên vấn đề đứa con là của ai không còn quan trọng.
Gia đình "bố con chung vợ, anh em chung vợ, bạn bè chung vợ" ở Tây Tạng
Tại Trung Quốc, mô hình hôn nhân một vợ nhiều chồng được hình thành do hoàn cảnh sống đặc biệt, chủ yếu là ở vùng nông thôn. Tây Tạng là một vùng cao nguyên nên rất khó tận dụng diện tích để sản xuất nông nghiệp, cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, một gia đình ít người thì sẽ rất khó để chống chọi với hoàn cảnh sống như vậy trong khi gia đình một vợ nhiều chồng sẽ giúp sức mạnh của họ được tăng lên gấp bội.
Gia đình đa phu trong truyền thống Tây Tạng có thể theo mô hình anh em chung vợ, bạn bè chung vợ và thậm chí là bố con chung vợ. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là kiểu anh em chung vợ.
Trong lúc tổ chức đám cưới, sẽ có một người trong số mấy anh em đứng ra làm chú rể và thường người anh cả sẽ đảm nhận nhiệm vụ này, sau đó các anh em sẽ lần lượt được “động phòng” với người vợ mới cưới về. Cũng có trường hợp, tất cả các anh em hoặc một vài người trong số họ sẽ cùng nhau tham dự hôn lễ.
Con cái trong gia đình sẽ gọi người chồng lớn tuổi nhất của mẹ (anh cả) là cha và sẽ gọi những người còn lại (các em thứ) là chú hoặc gọi theo thứ tự là chú hai, chú ba…Nếu như người anh cả qua đời thì chú hai sẽ được gọi là cha. Cũng có nơi, con cái sẽ gọi tất cả những người chồng của mẹ là cha. Hai cách gọi này có thể tồn tại trong cùng một cộng đồng vì đó cũng chỉ là thói quen chứ không có ý nghĩa ai được coi trọng hơn ai.
Nguồn: Tintuc.vn