Ở Việt Nam, trong Danh mục các khoa học của Tổng cục Thống kê, Văn hoá học thuộc nhóm Khoa học nhân văn, còn Nhân học (trừ Nhân học hình thái) thuộc nhóm Khoa học xã hội và hành vi.
1. Vài nét về văn hoá Việt Nam
Văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá đa tộc người, đa vùng, đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, gồm bốn thời kì sau:
+ Thời kì hình thành những nền tảng (tiền sử và sơ sử)
+ Thời kì chuyển tiếp (thiên niên kỉ đầu Công nguyên)
+ Thời kì văn hoá truyền thống (từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX)
+ Thời kì chuyển tiếp (từ cuối thế kỉ XIX đến nay).
Trong mỗi thời kì lại có những giai đoạn. Thí dụ, trong thời kì từ cuối thế kỉ XIX đến nay (và đến hơn một chục năm nữa), có hai giai đoạn văn hoá:
- Từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945;
- Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.
Hiện nay, văn hoá Việt Nam đang ở trong quá trình chuyển biến từ loại hình văn hoá truyền thống sang loại hình văn hoá hiện đại.(1) Sự chuyển biến về mặt văn hoá đó đã và đang diễn ra theo ba hướng:
a/ Kế thừa và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống. Trong nửa thế kỉ qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong hướng này, thông qua các biện pháp bảo tồn, phát huy và nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá truyền thống khiến cho những giá trị đó xưa kia thường chỉ được một bộ phận dân cư biết đến, nay trở thành tài sản chung của toàn dân.
b/ Tiếp nhận những giá trị văn hoá thế giới bằng con đường nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến những giá trị văn hoá đó một cách rộng rãi, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đông đảo làm giàu thêm hành trang văn hoá của mình bằng những tài sản văn hoá toàn nhân loại và hội nhập được vào thế giới hiện đại.
c/ Phát triển các hoạt động văn hoá mới, kết hợp những giá trị văn hoá truyền thống với những giá trị văn hoá mới. Hoạt động sáng tạo này triển khai trên cả lĩnh vực văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, sẽ hình thành dần bộ phận cơ bản và quan trọng hơn cả trong cấu trúc của nền văn hoá Việt Nam hiện tại và tương lai.
Ba hướng chuyển đổi từ văn hoá truyền thống sang hiện đại trên đây diễn ra vừa theo cách tự phát vừa theo cách định hướng của nhà nước(2), vì vậy rất phức tạp và nhiều khi bộc lộ những dấu hiệu của một tình trạng khủng hoảng văn hoá, tình trạng này tất yếu xảy ra khi có biến động lớn về kinh tế và chính trị xã hội.(3)
Nghiên cứu văn hoá Việt Nam là nhiệm vụ đã và đang đặt ra đối với nhiều ngành khoa học: Dân tộc học, Nhân học (có người gọi là Nhân loại học), Văn hoá học, Xã hội học,...
2. Dân tộc học ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vào giữa những năm 60 của thế kỉ XX, Dân tộc học đã ra đời như một ngành khoa học độc lập, nằm trong hệ thống các ngành khoa học xã hội và nhân văn.(4) Theo PGS. Khổng Diễn, tính đến năm 2003, cả nước có trên 30 cơ sở nghiên cứu và giảng dạy Dân tộc học. Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy dân tộc học có khoảng 300 người, trong đó một phần ba có trình độ trên đại học. “Nguồn cán bộ, chủ yếu là từ các cơ sở đào tạo ở trong nước. Nếu như trong các thập niên từ 60 đến 90 của thế kỉ trước, còn có một số cán bộ được đào tạo, cả ở bậc cử nhân và tiến sĩ, tại các nước xã hội chủ nghĩa thì hiện nay hầu hết các cán bộ Dân tộc học trẻ tuổi đều được đào tạo ở trong nước, có một số đi đào tạo ở nước ngoài (cả ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc), nhưng chỉ ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ”.(5) Dân tộc học Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Dân tộc học của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu trước đây. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong hơn 30 năm qua, năm 2003, đã có ý kiến cho rằng bản thân ngành Dân tộc học Việt Nam cần có “sự đổi mới về mọi phương diện, từ nhận thức về vai trò, vị trí của ngành Dân tộc học trong hệ thống các ngành khoa học công nghệ nói chung đến hệ thống tổ chức nghiên cứu và đào tạo; từ nội dung chương trình đến phương pháp nghiên cứu, đào tạo; từ công tác thông tin tư liệu đến việc phổ biến, phát huy hiệu quả xã hội của kết quả nghiên cứu; từ việc đào tạo cán bộ đến trang bị phương tiện vật chất kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy Dân tộc học”.(6)
3. Bước chuyển đổi tên ngành ở Việt Nam: từ Dân tộc học sang Nhân học (Nhân loại học)
“Nói một cách đơn giản, Nhân loại học là một ngành khoa học nghiên cứu về con người và phương thức hành vi của con người. Định nghĩa này bao gồm hai tầng hàm nghĩa: một là nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng thể chất của con người; hai là phương thức hành vi của con người, tức cái mà thông thường chúng ta vẫn gọi là văn hoá”.(7)
Trong mỗi quốc gia khác nhau, chương trình đào tạo Nhân học không giống nhau, có những sắc thái riêng do truyền thống khoa học và ý đồ đào tạo và nghiên cứu của Nhân học ở từng nước cụ thể. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể nhìn thấy những điểm chung giống nhau của ngành Nhân học quốc tế. Sau khi so sánh Nhân học và Dân tộc học trên nhiều phương diện (thời gian hình thành, đối tượng và phương pháp nghiên cứu), GS. Phan Hữu Dật nhận xét: “Sự gần gũi và giống nhau giữa Nhân học và Dân tộc học là nguyên nhân ra đời Liên hiệp các khoa học quốc tế Nhân học và Dân tộc học, mà Đại hội I được tổ chức từ năm 1934, tại Luân Đôn. Tổ chức quốc tế này gồm các nhà Nhân học và Dân tộc học, còn bao gồm cả một số nhà Khảo cổ học và Ngôn ngữ học nữa”.(8)
Năm 2003, GS. Phan Hữu Dật đề xuất việc hình thành một ngành khoa học mới là Dân tộc học - Nhân học Việt Nam, với những lý do sau:
“Dân tộc học ở ta đã tồn tại hơn ba thập kỉ và đã phát huy những tác dụng tích cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong quốc gia Việt Nam thống nhất đa dân tộc. Ta không thể loại bỏ nó và thay thế bằng Nhân học. Mặt khác, ta cũng không thể đóng kín, cự tuyệt những yếu tố tích cực của Nhân học như sự tiến hoá của văn hoá, văn hoá - kĩ thuật học, hệ thống thân tộc, cấu trúc thiết chế xã hội, quyền học xã hội, nghiên cứu về giới và môi trường sinh thái v.v... sẽ làm cho Dân tộc học của ta tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu để có những công trình giá trị hơn nữa về lí luận và thực tiễn.
Nên chăng, hình thành một ngành khoa học mới là Dân tộc học - Nhân học Việt Nam. Trong hệ thống các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cần có Viện Dân tộc học và Nhân học. Trong lĩnh vực đào tạo, cần thành lập hoặc bộ môn hoặc khoa Dân tộc học và Nhân học. Ngành học mới này cần tách ra khỏi các khoa học lịch sử. Mã số đào tạo các cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng không nên giữ mã số cũ mà cần đặt mã số mới. Về hội nghề nghiệp, từ Hội Dân tộc học nên tổ chức thành hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, thành viên quốc gia của Liên hiệp các hội Dân tộc học và Nhân học quốc tế. Cơ quan ngôn luận, các tạp chí chuyên ngành cũng cần có sự thay đổi tương ứng”.(9)
Năm 2003, PGS. Phan Xuân Biên có ý kiến tương tự. Theo ông, “có thể có một tên gọi mới” cho ngành Dân tộc học đang cần được đổi mới về mọi phương diện. Đó là Dân tộc học và Nhân học. “Trên cơ sở đó có sự chọn lựa một cách linh hoạt đối với từng tổ chức, từng vùng, làm sao khái niệm phản ánh được nội dung của ngành đang được thực hiện. Viện Dân tộc học, Hội Dân tộc học, vốn là những cơ quan độc lập, nay do sự đổi mới, mở rộng nội dung vì có sự đổi mới nhận thức và do nhu cầu của thực tiễn, do sự phát triển hài hoà với quan niệm chung của nhiều nước trên thế giới thì có thể gọi là Viện (Hội) Dân tộc học và Nhân học. (Điều này phù hợp với tên gọi của tổ chức chung của thế giới là Hội Dân tộc học và Nhân học. Ở một số nước, ví dụ như Nga cũng đổi tên Viện Dân tộc học thành Viện Dân tộc học và Nhân học). Ở các trường đại học lớn như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Dân tộc học được tách ra là một khoa đào tạo riêng, cũng có thể gọi là Khoa Dân tộc học và Nhân học. Còn ở những cơ sở đào tạo khác chưa có điều kiện và nhu cầu xây dựng một tổ chức đào tạo riêng thì cần căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của bộ môn đó ở những địa bàn khác nhau, mà có tên gọi phù hợp”.(10)
Trên đây là đề xuất của hai nhà Dân tộc học có ảnh hưởng không nhỏ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Còn ý kiến của những người khác và các tổ chức hữu quan thì sao?
Tại cuộc hội thảo quốc tế tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2001, đại đa số các nhà Dân tộc học, những người đại diện cho hầu hết các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy dân tộc học trong cả nước, “đều nhất trí đổi tên Dân tộc học thành Nhân học, và ở các trường đại học có bộ môn Dân tộc học sẽ trở thành khoa Nhân học”.(11) Năm 2003, người ta đã thấy: “Trong bản danh mục các khoa học của Tổng cục Thống kê, không có ngành Dân tộc học mà thay vào đó là Nhân học”.(12) Năm 2004, tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), bộ môn Dân tộc học đã đổi thành Nhân học, đồng đẳng với các bộ môn khác như: Khảo cổ học, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng, Văn hoá học,... (13) Còn ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hai bộ môn mới được thành lập là Nhân học và Văn hoá học (đều trực thuộc Trường; bộ môn Dân tộc học trong Khoa Lịch sử không có nữa).(14)
4. Vài nét về Văn hoá học ở Nga
Ở Nga, Văn hoá học là một bộ môn tương đối mới trong khoa học xã hội. Việc giảng dạy nó mới chỉ được bắt đầu một cách có hệ thống từ thập niên 90 của thế kỉ XX.(15)
Nếu trên thế giới đã có hàng trăm định nghĩa về văn hoá thì ở Nga cũng có rất nhiều quan niệm về văn hoá học.
Năm 1997, trong cuốn sách Văn hoá học, những bài giảng do GS. A.A. Radughin chủ biên, PGS. X.N. Giarov định nghĩa: “Văn hoá học là ngành khoa học nhân văn nghiên cứu bản chất, những quy luật tồn tại và phát triển của văn hoá, nghiên cứu ý nghĩa nhân bản của văn hoá và những phương pháp tìm hiểu văn hoá”.(16)
Năm 1999, A.A. Belik xác định Văn hoá học có hai nghĩa:
1) Khoa học về những đặc điểm của sự phát triển, hoạt động và sản xuất các văn hoá, về các kiểu thức lịch sử của các văn hoá và các phương pháp nghiên cứu chúng.
2) Lí thuyết văn hoá của L. White, một trong những phương thức nhận thức tính đa dạng văn hoá của loài người.(17)
Trong Từ điển bách khoa Văn hoá học do GS. A.A. Radughin chủ biên, Văn hoá học được giải thích là môn khoa học nghiên cứu sự ra đời và phát triển của văn hoá nói chung. Văn hoá học có tham vọng nghiên cứu văn hoá trong bản chất cũng như trong toàn bộ các biểu hiện của nó, bao gồm cả lí thuyết và lịch sử văn hoá. Đặc điểm của Văn hoá học thường được quan niệm là trong tính liên kết của nó, trong tính tập trung của nó vào tồn tại và hoạt động của con người cũng như xã hội, với tính chất là những hiện tượng toàn vẹn. Văn hoá học có tham vọng khái quát hoá các nỗ lực của Triết học, Sử học, Ngôn ngữ học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Tôn giáo học, Lịch sử khoa học và nhiều môn khoa học khác nghiên cứu về những mặt khác nhau trong tồn tại của con người và xã hội, nhằm tạo nên cơ sở lí thuyết chung, tìm ra những quy luật tổng quát sự hình thành, phát triển và vận hành của văn hoá”.(18)
Tính phức tạp và đa dạng vô cùng của văn hoá trong thực tiễn của nó khiến đối tượng của Văn hoá học rất không rõ ràng.(19) Nhiều người nhận thấy “tính chất không thuần nhất của Văn hoá học”. Một số nhà nghiên cứu phủ định tư cách một khoa học đã hình thành, một khoa học độc lập của Văn hoá học. Chẳng hạn, V.M. Megiuép viết: “Văn hoá học thực ra là một tên gọi chung để chỉ cả một tổ hợp các khoa học khác nhau, nghiên cứu hành vi văn hoá của con người và của các cộng đồng người ở các giai đoạn tồn tại lịch sử khác nhau của họ”.(20)
Nhìn chung, nhiều tác giả một mặt thừa nhận sự tác động qua lại, thậm chí đến mức xâm nhập lẫn nhau giữa Văn hoá học với nhiều ngành khác (Nhân học, Dân tộc học, Tâm thần học, Tâm lí học, Xã hội học, Lí thuyết kinh tế, Ngôn ngữ học,...), nhưng mặt khác họ vẫn thấy Văn hoá học vẫn có bộ mặt riêng, vẫn giải quyết những nhiệm vụ riêng. Theo họ, Văn hoá học là ngành khoa học nhân văn tổng hợp. Nó có những chương mục thuần tuý lí thuyết riêng của mình, có những công trình nghiên cứu miêu tả (từ góc độ kinh nghiệm chủ nghĩa), và có cả những công trình mà về kiểu trình bày và tính chất hình tượng rõ nét thì gần giống như những tác phẩm nghệ thuật. Nói chung, Văn hoá học có thể nghiên cứu bất kì đối tượng nào, bất kì hiện tượng nào (thậm chí cả hiện tượng tự nhiên), với điều kiện là Văn hoá học phát hiện thấy trong đó nội dung ý niệm và sự thực hiện tinh thần sáng tạo của con người. Những vấn đề của Văn hoá học hiện đại gắn liền trước hết với những khả năng và triển vọng của con người thông qua văn hoá (kể cả thông qua các nền văn hoá khác), con người phát hiện ra “chính kịch” và “bi kịch” trong sự tồn tại của mình, phát hiện ra sự vô tận về tinh thần và ý nghĩa cao cả của mình”.(21)
Trong cố gắng phân biệt Văn hoá học với Nhân học văn hoá (một phân ngành của Nhân học), A.A. Belik cho rằng: Đối tượng khảo sát của Nhân học văn hoá trước hết là các xã hội cổ truyền, đối tượng nghiên cứu là các hệ thống thân tộc, sự tương tác giữa ngôn ngữ và văn hoá, những đặc điểm của ăn uống, các hệ thống kinh tế, sự phân tầng xã hội, ý nghĩa của tôn giáo và nghệ thuật trong các cộng đồng văn hoá - tộc người. Đối tượng của Văn hoá học có thể là các hình thức khác nhau của văn hoá, mà cơ sở để phân định chúng là thời gian, địa điểm phân bố hoặc sự định hướng tôn giáo. Ngoài ra, đối tượng của Văn hoá học còn có thể là các lí thuyết văn hoá được thể hiện trong những hình thức nghệ thuật (nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc), trong văn học, với tư cách là những yếu tố của các hệ thống triết học. Nghiên cứu văn hoá học có thể dựa trên sự phân tích văn bản, các khía cạnh riêng biệt của sự phát triển văn hoá tinh thần, trước hết là các hình thức nghệ thuật.(22)
Về Xã hội học văn hoá, có thể dẫn ra ở đây định nghĩa của L. Iônin: Đó là “khoa học xem xét cấu trúc và hoạt động của văn hoá trong mối liên hệ với các cơ cấu, thiết chế xã hội và được áp dụng đối với các tình huống cụ thể”.(23)
5. Văn hoá học ở Việt Nam và một ý kiến khu biệt nó với các ngành khoa học khác
Ở Việt Nam, trong Danh mục các khoa học của Tổng cục Thống kê, Văn hoá học thuộc nhóm Khoa học nhân văn, còn Nhân học (trừ Nhân học hình thái) thuộc nhóm Khoa học xã hội và hành vi. Ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có bộ môn Văn hoá học trực thuộc Trường. Trường này đào tạo thạc sĩ Văn hoá học và đang làm thủ tục đăng kí đào tạo tiến sĩ Văn hoá học. Ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), bộ môn Văn hoá học được đặt trong Khoa Lịch sử. Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Viện Nghiên cứu văn hoá (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) Viện Văn hoá và phát triển (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ Văn hoá học. Một số cơ sở đào tạo tiến sĩ Văn hoá học là: Viện Văn hoá - Thông tin, Viện Nghiên cứu văn hoá, Viện Văn hoá và phát triển,...
Một mặt các nhà nghiên cứu Việt Nam thừa nhận sự gặp gỡ, sự xâm nhập lẫn nhau giữa Văn hoá học và Nhân học, Xã hội học; mặt khác họ cũng có sự khu biệt giữa các khoa học này. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của GS. Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu văn hoá Việt Nam - Những vấn đề lí luận và thực tiễn” do Viện Văn hoá - Thông tin tổ chức tại Hà Nội, tháng 12 năm 2005. GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng đóng góp của Nhân học chủ yếu là ở Tây Âu và Mỹ; đối tượng nghiên cứu của Nhân loại học là con người, sự sống của con người như một cộng đồng dân tộc, chủng tộc, nhân loại; còn đối tượng của Văn hoá học là văn hoá. “Đối với Văn hoá học, nghiên cứu văn hoá là mục đích cuối cùng; còn đối với Nhân loại học thì văn hoá chỉ là một trong những phương tiện. Nhân loại học văn hoá (Cultural anthropology) như một bộ phận của Nhân loại học nghiên cứu hệ thống thân tộc và tổ chức xã hội, đời sống vật chất và kỹ thuật, sản xuất tự cấp và kinh tế, thế giới quan... để thông qua đó tìm hiểu về nguồn gốc và sự tiến hoá của con người và sự hình thành các chủng tộc”. “Phương pháp nghiên cứu của Nhân loại học, cũng như Dân tộc chí (Ethnography), Dân tộc học (Ethnology), đều coi trọng quan sát tham sự, điều tra thực địa. Còn Văn hoá học thì không nhất thiết: Văn hoá học làm việc với các tư liệu do tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác (trong đó có Nhân loại học) cung cấp”. Văn hoá học “không đòi hỏi tư liệu thực nghiệm, điều tra, điền dã...”, “đòi hỏi phải tổng hợp và khái quát hoá ở mức cao”. “Nhân loại học, Dân tộc học là những khoa học xã hội, còn Văn hoá học là một khoa học giáp ranh giữa Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn, có phần thiên về nhân văn”. Theo GS. Trần Ngọc Thêm, nếu đối tượng nghiên cứu của Văn hoá học là văn hoá thì đối tượng nghiên cứu của Xã hội học là “xã hội với tất cả các liên hệ bên trong và bên ngoài của nó”; trong khi nghiên cứu văn hoá là mục đích cuối cùng của Văn hoá học thì đối với Xã hội học, văn hoá chỉ là một trong những phương tiện để tìm hiểu xã hội; trong khi Xã hội học được xem là một ngành “khoa học xã hội thực nghiệm”, sử dụng các tư liệu thu thập được chủ yếu bằng các phương pháp điều tra, thì Văn hoá học là một khoa học lí thuyết, chủ yếu sử dụng các tư liệu có sẵn do các ngành khác cung cấp. “Xã hội học, cũng như Nhân loại học, là những khoa học xã hội điển hình, còn Văn hoá học là một khoa học giáp ranh giữa Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn, có phần thiên về nhân văn hơn”.(24)
Người ta cũng có thể không chia sẻ với GS. Trần Ngọc Thêm ở chỗ: có những đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu văn hoá vẫn cần thiết đi điều tra thực địa. Tác giả xếp Nhân học vào Khoa học xã hội, nhưng ở Nga như trên đã thấy, có người lại xếp nó vào Khoa học nhân văn. Ở Mỹ, Nhân học cũng thuộc lĩnh vực Khoa học nhân văn.(25) Như trên đã thấy, ở Nga có người xếp Văn hoá học vào Khoa học xã hội. Trong Bách khoa toàn thư Văn hoá học thế kỉ XX, G.A. Avanesova đã phân biệt rất thú vị giữa Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn.(26) Song ở nước ngoài và ở Việt Nam cũng có ý kiến: Thực ra không cần thiết và không nên phân biệt tách bạch hai nhóm khoa học này.
6. Thảo luận
Các nhà khoa học Việt Nam chưa có nhiều thành tựu và kinh nghiệm nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ở trên, chúng tôi chỉ mới đề cập đến một số vấn đề về Nhân học, Văn hoá học,... đã thấy có nhiều điều để thảo luận.
a/ Một mặt chúng tôi ghi nhận sự khác nhau giữa các ngành khoa học. Mặt khác chúng tôi cũng nhìn thấy sự tương tác, sự liên ngành, thậm chí xuyên ngành giữa các khoa học. Trong không ít trường hợp, ranh giới giữa các ngành chỉ có ý nghĩa tương đối. Nên khuyến khích việc sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau trong khi nghiên cứu văn hoá, thí dụ: phương pháp điền dã dân tộc học kết hợp với phương pháp phân tích văn bản, phương pháp phân tích văn bản kết hợp với nghiên cứu diễn ngôn (discourse),... Quan trọng là hiệu quả, kết quả của việc nghiên cứu, chứ không phải là theo lí thuyết nào, vận dụng phương pháp nào.
b/ Sự ra đời của từng lí thuyết đều có cơ sở và lí do của nó. Khi giới thiệu hoặc vận dụng một lí thuyết mới, người nghiên cứu nên hiểu rõ cơ sở và lí do đó và nên cân nhắc xem liệu sử dụng lí thuyết và phương pháp mới có đem lại hiệu quả hơn việc sử dụng các lí thuyết và phương pháp đã và đang được vận dụng. Có trường hợp nội dung không mới nhưng người ta diễn đạt mới, dùng cách nói mới trong hoàn cảnh mới.(27)
c/ Không chỉ tiếp thu các trường phái lí thuyết của các nước phương Tây và của Nga, Việt Nam còn tiếp thu kinh nghiệm và lí luận của Trung Quốc, Nhật Bản,... Giới khoa học Việt Nam tiếp thu các ngành Nhân học, Văn hoá học, Xã hội học,... của nước ngoài là để nghiên cứu văn hoá Việt Nam có hiệu quả hơn, để xây dựng và phát triển tốt hơn các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Khi tiếp thu lí luận nước ngoài, Trung Quốc có kinh nghiệm tốt về vấn đề bản thổ hoá. Các phương pháp mới khi được áp dụng trong khoa học xã hội nước này “đều tuân theo chủ trương “nội địa hoá”, tức là áp dụng linh hoạt, khéo léo thông minh, có chọn lọc để mang màu sắc mới và hoàn toàn phù hợp với con người, văn hoá Trung Quốc”.(28) Với thâm niên ngót 30 năm học hỏi, nghiên cứu, đọc hàng trăm công trình Nhân loại học của các học giả tiền bối trong nước và các học giả có tên tuổi nước ngoài, GS. Từ Kiệt Thuấn đã thức ngộ được lí luận và phương pháp cơ bản của Nhân loại học. Song ông cũng thấy những công trình của các học giả nước ngoài có những chỗ không thích hợp đối với người Trung Quốc khi bước đầu đi vào ngành khoa học này. Do vậy, khi nhận nhiệm vụ giảng dạy Khái luận Nhân loại học cho các nghiên cứu sinh Trung Quốc, ông đã quyết tâm biên soạn một giáo trình thích hợp, và giáo trình đó đã được Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải công bố tháng 8 năm 2005.(29) Đây là một kinh nghiệm bổ ích đối với các nhà khoa học Việt Nam trong việc tiếp thu, vận dụng các trường phái lí luận và phương pháp nghiên cứu của nước ngoài(30).
N.X.K
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Xuân Kính (2006), “Văn hoá cổ truyền, văn hoá truyền thống và truyền thống văn hoá”, Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4.
(2) Ở vùng kháng chiến trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), ở miền Bắc (1955 - 1975), ở cả nước (sau 30/4/1975), có sự định hướng của nhà nước đối với văn hoá, văn nghệ.
(3) Chu Xuân Diên (2004), “Về khái niệm văn hoá dân tộc và nền văn hoá hiện đại mang bản sắc dân tộc”, in trong tập sách của cùng tác giả: Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 294 – 295.
(4) Phan Hữu Dật (2003), “Về mối quan hệ giữa Dân tộc học và Nhân học” trong tập sách do Khổng Diễn và Bùi Minh Đạo chủ biên: Dân tộc học Việt Nam thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 73.
(5) Khổng Diễn (2003), “Tổng quan về Dân tộc học Việt Nam trong một thế kỉ qua”, trong tập sách do Khổng Diễn và Bùi Minh Đạo chủ biên: Dân tộc học Việt Nam thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, sđd, tr. 22.
(6) Phan Xuân Biên (2003), “Xây dựng ngành Dân tộc học Việt Nam tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới”, trong tập sách do Khổng Diễn và Bùi Minh Đạo chủ biên: Dân tộc học Việt Nam thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, sđd, tr. 116 - 117.
(7) Từ Kiệt Thuấn (2006), “Đường vào Nhân loại học”, Bùi Thiên Thai dịch, Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, số 7.
(8) Phan Hữu Dật (2003), “Về mối quan hệ giữa Dân tộc học và Nhân học”, bđd, tr. 79.
(9) Phan Hữu Dật (2003), bđd, tr. 79.
(10) Phan Xuân Biên (2003), bđd, tr. 120 - 121.
(11) Khổng Diễn (2003), bđd, tr. 26.
(12) Theo GS. Phan Hữu Dật, bđd, tr. 73. Chúng tôi chưa biết được thời điểm công bố bản thống kê vừa nêu, chỉ biết (qua GS. Phan Hữu Dật) đến năm 2003 đã thấy có rồi.
(13) Theo PGS. Lâm Bá Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội.
(14) Theo PGS. Phan Thị Yến Tuyết (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), bộ môn Nhân học này được thành lập năm 2002.
Theo ThS. Chu Xuân Giao và ThS. Nguyễn Công Thảo, ở Nhật Bản, năm 2004, Hội Dân tộc học Nhật Bản được đổi thành Hội Nhân loại học văn hoá Nhật Bản; ở Việt Nam, có một số người cho rằng việc đổi tên là không cần thiết, nhất là khi tên gọi Dân tộc học đã trở nên quen thuộc; một bộ phận khác chọn cách dung hoà: giữ nguyên tên gọi Dân tộc học trong tiếng Việt, nhưng tên tiếng Anh sẽ dịch thành Nhân học (Anthropology thay cho Ethnology).
Theo Vũ Thị Hồng và Đào Huy Khuê, ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, sinh học cơ thể người đã được nghiên cứu bởi Đỗ Xuân Hợp, P. Huard,..., sau Cách mạng tháng Tám, bởi Trần Nhật Úc, Ngô Thế Phương, Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Quang Quyền. Theo Phan Lạc Tuyên, ở miền Nam trước ngày giải phóng (1975), có các giáo trình Nhân học của Bửu Lịch, Nghiêm Thẩm,...
(15) A.A. Radughin chủ biên (2002), Từ điển bách khoa Văn hoá học, Vũ Đình Phòng dịch, Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật xb, Hà Nội, tr. 5 (bản tiếng Nga in năm 1997).
(16) A.A. Radughin chủ biên (2004), Văn hoá học những bài giảng, Vũ Đình Phòng dịch, Từ Thị Loan hiệu đính, Viện Văn hoá - Thông tin xb, Hà Nội, tr. 36 (bản tiếng Nga in năm 1997).
(17) A.A. Belik (2000), Văn hoá học những lý thuyết Nhân học văn hoá, Đỗ Lai Thuý, Hoàng Vinh, Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật xb, Hà Nội, tr. 343 (bản tiếng Nga in năm 1999).
(18) A. A. Radughin chủ biên (2002), sđd, tr. 569 - 570.
(19) A. A. Radughin chủ biên (2002), sđd, tr. 570.
(20) V.M. Rôđin (2000), Văn hoá học, Nguyễn Hồng Minh dịch, Phạm Tô Minh hiệu đính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 78 (bản tiếng Nga in năm 1998).
(21) A.A. Radughin chủ biên (2004), sđd, tr. 39 – 40.
(22) A.A. Belik (2000), sđd, tr. 12 – 13.
(23) Dẫn theo V.M. Rôđin (2000), sđd, tr. 80.
(24) Trần Ngọc Thêm (2005), “Nhận diện Văn hoá học”, báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu văn hoá Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Hà Nội, tháng 12.
(25) Conrad Phillip Kottak (2006), Hình ảnh nhân loại, Nguyễn Hoàng Trung, Chu Thị Quỳnh Giao, Trần Thị Tâm, Phạm Thị Hồng Thanh dịch; Lê Sơn hiệu đính, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, tr. 5.
(26) G.A. Avanesova (2006), “Các phương pháp nghiên cứu của Văn hoá học”, Từ Thị Loan dịch, Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, số 8.
Theo G.A. Avanesova, khi nói về các ngành khoa học nhân văn, người ta muốn nói đến tổ hợp các phương pháp của nghiên cứu ngữ văn, nghiên cứu văn học, sử học, lí luận văn hoá, nghiên cứu tôn giáo, nghệ thuật học, dân tộc chí, nhân học văn hoá, triết học, đạo đức học,... Còn khi nói đến các khoa học xã hội, người ta đưa vào nhóm này các phương pháp của kinh tế học, chính trị học, dân tộc học, xã hội học,... Sau khi phân tích các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong hai nhóm ngành khoa học xã hội và khoa học nhân văn, G.A. Avanesova lưu ý rằng, “khi sử dụng các phương pháp này hay khác cũng không thể đưa ra một ranh giới rõ rệt giữa chủ thể của phép phân tích với khách thể được nghiên cứu. Đặc tính đó liên kết tất cả các phương pháp phân tích xã hội và phân tích nhân văn lại, phân biệt chúng với các phương pháp của khoa học tự nhiên, của toán học, kĩ thuật ứng dụng, mà việc sử dụng chúng có nền tảng vững chắc dựa trên thể thức giải thích và hầu như không quan tâm lắm đến thể thức thấu hiểu” (bđd, tr. 9).
Theo Chu Tuyết Lan, trong từ điển Webster's Encyclopedic Unabridged Dictionary, từ khoa học xã hội có hai nghĩa:
1) Việc nghiên cứu xã hội và các hành vi xã hội;
2) Ngành khoa học hoặc lĩnh vực nghiên cứu như lịch sử, kinh tế,... có liên quan đến các phạm trù xã hội hoặc các hình thức hoạt động xã hội.
(27) Ý kiến của TS. Chris Eipper, Trường Đại học La trốp (Úc), phát biểu tại cuộc toạ đàm “Tiếp cận văn hoá đương đại Việt Nam: Phương pháp luận và những nghiên cứu mới”, Hà Nội, ngày 5 - 6 tháng 12 năm 2006.
(28) Phạm Lan Oanh (2006), “Lược ghi chuyến du khảo văn hoá ở Quảng Tây”, Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, số 7, tr. 35.
(29) Kiều Thu Hoạch (2006), “Nhận xét sơ bộ về Giáo trình Nhân loại học mới xuất bản ở Trung Quốc”, Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, số 7, tr. 84.
(30) Đây là bản báo cáo trình bày tại cuộc toạ đàm “Tiếp cận văn hoá đương đại Việt Nam: Phương pháp luận và những nghiên cứu mới”, khi công bố trên Tạp chí Văn hoá dân gian, chúng tôi có bổ sung, chỉnh sửa.
(Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, 2006)