Văn hóa

Vấn đề nguồn gốc con rồng từ góc nhìn văn hóa


15-10-2020
Tác giả: GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm – TS. Nguyễn Ngọc Thơ

Rồng là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất trên thế giới. Tên gọi “Rồng” dùng để chỉ cả các con vật tưởng tượng lẫn con vật có thật, cả Rồng và không phải Rồng. Và cũng vì vậy, biểu tượng Rồng chứa nhiều điều phức tạp và rắc rối nhất. Trong đó, khó khăn hơn cả là vấn đề nguồn gốc của Rồng.

 

 

Từ cuối thế kỷ XIX, hình tượng con Rồng bắt đầu được nghiên cứu ở phương Tây. Lúc này, sau khi phát hiện ở các nước lân cận Trung Hoa như Việt Nam, Korea, Nhật Bản, Đông Nam Á... cũng có hình tượng con Rồng, người ta đã vội kết luận rằng đó là sự sao chép từ con Rồng Trung Hoa.

Trong Cơ sở văn hóa Việt Nam (1995) và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996), trên cơ sở tổng hợp một số tư liệu, Trần Ngọc Thêm từng đã khẳng định rằng Rồng có nguồn gốc từ vùng văn hóa Bách Việt và là sự kết hợp của hai con vật nguyên mẫu rất phổ biến ở vùng sinh thái này là rắn và cá sấu. Song, để cho luận điểm này có sức thuyết phục thì cần có những lập luận và chứng minh toàn diện hơn. Nghiên cứu một vấn đề phức tạp như văn hóa Rồng, rất cần phải có sự tiếp cận từ góc độ của nhiều khoa học khác nhau để tìm ra những bằng chứng hỗ trợ và soi sáng cho nhau.

Cách đây không lâu, từ góc độ ngôn ngữ học, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã có bài “Về tên gọi con Rồng của người Việt” đăng trên tạp chí Diễn đàn số 94 (Paris, tháng 3-2000), và sau đó có thêm hai bài bổ sung và giải thích rõ hơn một số chi tiết (x. cả ba bài trong [Nguyễn Tài Cẩn 2001]). Các bài viết quan trọng này làm sáng tỏ nhiều điều liên quan đến tên gọi Rồng trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ Đông Nam Á, mà nội dung cụ thể có thể quy về ba điểm chính như sau: (1) Ở thời tiền sử, tên gọi Rồng đã có mặt trong nhiều ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt mà dấu vết có thể tìm thấy trong các ngôn ngữ bà con xa gần với nhóm Việt-Mường; (2) Thìn, cũng như tên 12 chi, là tên gọi do người Hán vay mượn từ một ngôn ngữ nào đó ở vùng Hoa Nam; (3) Vào thời Bắc thuộc, tiếng Việt đã vay mượn thêm ba từ, đều xuất phát từ cách đọc của chữ long chỉ con Rồng trong tiếng Hán: Rồng là tên xưa nhất, vay vào thời Hán; (thuồng) luồng là tên gọi mượn vào khoảng từ sơ đến trung Đường; long là tên gọi vay muộn nhất, vào khoảng cuối Đường [Nguyễn Tài Cẩn 2001: 20-41]. Nhưng nếu rồng, luồng, long đều bắt nguồn từ /long/ tiếng Hán, vậy thì long của tiếng Hán bắt nguồn từ đâu?

Ở Trung Hoa, trong hơn 20 năm trở lại đây, việc nghiên cứu hình tượng con Rồng cũng rất phát triển: Cố Phương Tùng [1984] với Long phụng đồ án nghiên cứu; Dư Tử Lưu [1985] với Long đích căn; Vương Thành Trứ [1985] với Long phụng văn hóa; Từ Hoa Dương [1988] với Trung Hoa đích long; Phế Tần [1988] với Long đích tập tục; Hạo Xuân & Cao Chiếm Tường [1999] với Long phụng thành tường; Vương Duy Đề [1990, 2000] với Long đích tông tích và Long phụng văn hóa, Hà Tân [2004] với Đàm long thuyết phụng, Dương Thanh [2004] với Văn hóa rồng ở vùng hồ Động Đình... Ở phương Tây có Graeme Base với Discovery of Dragons (Khám phá Rồng); Michael Hague với The book of dragons (Sách về Rồng)... Các tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau (khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ - văn tự, văn hóa dân gian...) tập trung lý giải một phần nguồn gốc thần thoại của con Rồng.

Trên cơ sở những kết quả thu lượm được, bài viết này phác thảo một bức tranh tổng thề về nguồn gốc con Rồng và con đường đi của Rồng.

 Từ thế giới đến Đông Á

Rồng có mặt ở hầu khắp mọi khu vực trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Xét về hình dáng, có thể phân thành Rồng-bò sát (rắn, cá sấu, thằn lằn), Rồng-chim, Rồng-thú... hoặc kết hợp của các loại này. Xét về tính cách, có thể phân thành Rồng ác, Rồng thiện, Rồng trung tính.

Rồng châu Mỹ

Rồng ở châu Mỹ đa số là Rồng thiện, là các vị thần của các cư dân địa phương, xuất hiện cách nay khoảng 2 đến 3000 năm, tức là trong thiên niên kỷ thứ nhất trCN. Nếu biết rằng thổ dân Mỹ là do cư dân Đông Á (chủng Mongoloid) di cư tới Mỹ vào khoảng 1 vạn năm trước thì rồng ở châu Mỹ được biết tới khoảng 7-8 nghìn năm sau khi cư dân Đông Á tới Mỹ.

Rồng Chac là của người Maya thân giống người, tai hươu, đầu quỷ (hoặc cá sấu) (hình 1). Rồng có tiếng kêu to và dài, tạo sấm và ban mưa. Rồng Quetzacoatl của nhiều tộc người Trung và Nam Mỹ[1] có cánh nhưng không có chân, thân có lông vũ nhiều màu (hình 2). Rồng Quetzacoatl là biểu tượng của thần sáng tạo, thần tạo mưa, tạo lửa, thần bảo hộ nghệ thuật, v.v. Sau khi chống lại thần chiến tranh bất thành, Rồng Quetzacoatl bỏ đi trên một bè gỗ do rắn thần kéo về phía mặt trời mọc [elfwood.lysator.liu.se].

Chi tiết Rồng Quetzacoatl “bỏ về phía mặt trời mọc” này gợi nhắc đến nguồn gốc phương Đông của cư dân bản địa Mỹ châu (thuộc chủng Mongoloid). Từ đó có thể giả định rằng Rồng châu Mỹ có nguồn gốc trực tiếp từ Đông Á. Một minh chứng quan trọng khẳng định tính đúng của giả thuyết này là bức vẽ hình tổ tiên thân người đuôi Rồng ở châu Mỹ do Hạo Xuân [1999: 205-208] phát hiện được: nó hoàn toàn tương đồng với bức vẽ hình Phục Hy và Nữ Oa thuộc giai đoạn Hạ-Thương-Chu (hình 3).

Rồng châu Âu, Ai Cập, và Lưỡng Hà

Rồng châu Âu khá phong phú, chúng thường có hình dáng của các loại Rồng thú bốn chân (như ngựa, cừu, sói, gấu..., rồng rắn cũng có nhưng không nhiều), có cánh, thân ngắn, miệng phun lửa. Về tính cách, đa số Rồng châu Âu là Rồng ác, là kẻ canh giữ kho báu, bắt cóc gia súc, gái đẹp, và kết quả thường bị một anh hùng giết chết. Rồng thiện cũng có, nhưng rất ít, chúng thường là thần giữ cửa hay thần mang lại các sản phẩm vật chất như ngô, sữa, tiền cho dân. Rồng Puk ở vùng Baltic thì ăn cắp vặt cho chủ.

Xét về quá trình giao lưu và lan toả văn hóa, Rồng châu Âu có nhiều khả năng có nguồn gốc từ Ai Cập và Lưỡng Hà. Trong các tiếng phương Tây, từ dragon là Rồng đều có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp drakōn có nghĩa là ‘rắn’. Mà văn hoá Hy Lạp có nguồn gốc từ văn hoá Ai Cập và Lưỡng Hà, và Rồng Ai Cập thì về hình thức, đa số chính là Rồng rắn.

Về tính cách thì châu Âu có cả Rồng thiện và Rồng ác. Rồng thiện như Rồng rắn Akhekhu (đã được người phương Tây mang đến châu Âu [elfwood.lysator.liu.se]); Rồng rắn Nehebkau thân dài, có bốn chân, mang lương thực cho mọi người, canh giữ sự an lành cho các Pharaoh ở thế giới bên kia; Rồng Wadjet có cánh, có sức mạnh vạn năng, biểu tượng cho vương quyền... Rồng ác như Rồng thú đầu cá sấu Ammut luôn tìm bắt linh hồn những người phạm tội; Rồng rắn Apep biểu trưng cho sự tha hóa, từ thiện trở thành ác; Rồng rắn Denwen đe dọa các thần nên bị người đời nguyền rủa...

Ở Lưỡng Hà có một số Rồng như Rồng sư tử Humbaba, mình có vảy, đầu có hai sừng, đuôi rắn, chân chim ưng, đe doạ sự sống còn của người dân; Rồng Zu thông minh và xảo quyệt; Rồng Gandareva to lớn, giết người ăn thịt; Rồng Kur chọc giận thần linh; Rồng cái Tiamat (thần nước mặn) và chồng là Rồng Apsu (thần nước ngọt), sáng tạo ra các thần... Các Rồng ở Lưỡng Hà thường đều bị dũng sĩ hoặc các thần giết chết.

Rồng Ai Cập và Lưỡng Hà có nhiều khả năng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vì lan toả theo con đường từ đông sang tây, cho nên bản đồ phân bố Rồng chỉ lan tới đông bắc châu Phi (vùng Ai Cập) rồi quặt lên châu Âu.

Phần còn lại của châu Phi hầu như không có Rồng. Khu vực Nam Á (như Ấn Độ) cũng hầu như không có Rồng. Đây là địa bàn của văn hóa Rắn (điển hình là rắn thần Naga). Một số con vật thần thoại ở Ấn Độ và châu Phi (như thuỷ quái Makara, Anata, Anataboga, Vritra... ở Ấn Độ; BasiliskCynoprosopiEmela-ntouka... ở châu Phi) tuy có chịu ảnh hưởng của Rồng nhưng ảnh hưởng này là rất ít.

Rồng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương

Khu vực miền tây và nam của Đông Nam Á phần lớn cũng thuộc vùng văn hóa Rắn, vì vậy Rồng ở đây rất hiếm. Ở Indonesia có loại Rồng thân rắn, cánh rộng, biết bay (hình 6), nó giúp xua đuổi tà ma, bảo vệ giấc ngủ yên lành của trẻ em. Loại Rồng này có nhiều khả năng là sản phẩm kết hợp của chim thần Garuda với rắn thần Naga trong thần thoại Ấn Độ [dragonsempire.com].

Ở khu vực Nam Thái Bình Dương (Australia và New Zealand) có một số loài Rồng, đa số có nguyên mẫu thuộc họ thằn lằn, về tính cách có cả Rồng thiện và Rồng ác. Rồng thiện thường là Rồng-rắn như Rồng Julunggul là nữ thần sinh sôi; Rồng Galeru là nữ thần duy trì sự sống; Rồng Warramunga là thần sáng tạo; Rồng Yurlunggur là thần tạo mưa; Rồng Eingana là Mẹ của muôn loài... Rồng ác như Rồng Hotu-puku, Rồng Peke-hauna, Rồng Kataore, Rồng Aranda, đều thuộc họ thằn lằn, thường ăn thịt dân làng, bắt cóc người, đều bị các dũng sĩ dùng sức mạnh và mưu trí giết chết.

Khu vực New Zealand và Australia vốn là nơi cư trú của người Malayo-Polynesian. Do vậy, các con Rồng ở đây có nhiều khả năng đều từ Đông Nam Á lục địa truyền tới qua con đường Indonesia.

Rồng Đông Bắc Á

Người Korea và Nhật Bản đều cho rằng tổ tiên họ là chủ nhân sáng tạo ra Rồng. Rồng Korea có hình dáng về cơ bản giống Rồng Trung Hoa, chân thường có bốn ngón (hình 7). Người Hàn cho rằng Rồng phát sinh ở bán đảo Korea có bốn ngón, đi sang phía đông đến Nhật Bản thì mất một ngón, còn đi sang phía tây thì mọc thêm một ngón, trở thành Rồng Trung Hoa [dragonsinn.info]. Rồng ở Korea gọi là yong /용 (= long), được chia làm ba loại chính: Yong /용 là loại Rồng có quyền lực nhất, quản lý bầu trời. Yo /요 là loại Rồng không sừng, sống ở đại dương. Gyo /교 cư trú ở vùng núi, bảo vệ sự bình yên của mặt đất.

Rồng Nhật Bản cũng có hình dáng gần giống Rồng Trung Hoa nhưng thân dài, giống rắn hơn, chân thường có ba ngón (hình 8). Người Nhật Bản cho rằng Rồng phát sinh ở Nhật Bản ban đầu chỉ có ba ngón, khi được truyền sang phía Tây thì mọc thêm ngón: đến Korea có bốn ngón, đến Trung Hoa có năm ngón [dragonsinn.info]. Loại phổ biến nhất ở Nhật Bản là Rồng Ryo, xuất hiện khá sớm trong Thần đạo, là Long vương trú ngụ dưới biển sâu. Loại Rồng thứ hai là Sei Ryu (thanh long), là thần trấn giữ phương Đông. Loại Rồng thứ ba là Ryu, cai quản mây mưa, thuộc nhóm tứ linh, xuất hiện ở Nhật Bản cùng với Phật giáo.

Hoa Hạ và Bách Việt

Có hai dân tộc thực sự có liên quan nhiều đến Rồng là người Hán và Bách Việt.

Đất nước Trung Hoa rộng lớn, văn hoá Trung Hoa hình thành qua quá trình tiếp biến văn hoá của nhiều tộc người, vì vậy mà văn hoá Rồng và việc nghiên cứu văn hoá Rồng ở Trung Hoa cực kỳ phong phú [Nguyễn Ngọc Thơ 2003].

Qua các tư liệu liên ngành, Nguyễn Ngọc Thơ xác định được rằng trong giới nghiên cứu Trung Quốc có tới 11 quan niệm khác nhau về nguyên mẫu của Rồng, đó là các xu hướng coi nguyên mẫu của Rồng là rắn, cá sấu, cá, lợn, trâu, ngựa, hổ, chó, tia chớp, cây tùng, sinh thực khí nam (x. bài “Về vấn đề nguyên mẫu của Rồng Trung Hoa” trong sách này). Ấy là chưa kể đến những thuyết đơn giản và thiếu sức thuyết phục như thuyết tượng thanh cho rằng người Trung Hoa nguyên thủy, với lối tư duy mơ hồ (模糊思维), do không giải thích nổi các hiện tượng tự nhiên quanh mình nên cho rằng có một con vật thần nào đó liên quan đến cả nước và không trung, có sức mạnh vô tận đã chi phối mọi hiện tượng tự nhiên kì bí; khi họ nghe nước mưa rơi xuống, sấm chớp nổi lên, thấy các âm thanh đều gần với âm “long long” (隆隆) tiếng Hán, bèn dùng chữ này để chỉ con vật thần mà họ tưởng tượng ra [Ninh Nghiệp Cao 1999: 23; tacocity].

Người Hán tự xưng mình là con cháu của Rồng (long đích truyền nhân 龍 的传人) và xây dựng nên cả một phổ hệ Rồng với 9 con (vùng Hoa Bắc có câu: “Rồng sinh chín con không thành Rồng, mỗi con đều có sở thích riêng” – Long sinh cửu tử bất thành long, các hữu sở hiếu 龍生九子不成龍,各有所好), rồi cả một thuyết “tam đình cửu tự” 三停九似 để nói về hình dáng và nguồn gốc của Rồng (“tam đình” là ba khúc, bao gồm: đầu, thân, và đuôi; “cửu tự” là chín nét giống, gồm: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ, tai giống bò) [Hạo Xuân, 1999: 5-6].

Người Bách Việt, mà cụ thể là Lạc Việt, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, tự xem mình là “con Rồngcháu Tiên”.

 Từ Đông Á đến phương Nam

Trên cơ sở tư liệu phong phú do nhiều nguồn cung cấp, chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận tổng hợp, mà theo đó thì nguồn gốc phương Nam Bách Việt của con Rồng sẽ trở nên rất rõ ràng.

1) Từ nguyên mẫu rắn của Rồng

Cho dù con Rồng có được gắn với rất nhiều loài vật khác nhau (thậm chí được khuôn mẫu hoá thành “tam đình cửu tự”), thì trên thực tế, một con vật tưởng tượng bao giờ cũng phải bắt đầu từ một-hai nguyên mẫu rồi sau đó mới bổ sung dần. Trong số các nguyên mẫu của Rồng thì phổ biến nhất, rõ nét nhất là hai nguyên mẫu rắn và cá sấu.

Về nguyên mẫu rắn thì, thứ nhất, cho đến nay, qua các hình vẽ trên vách đá, trên các dụng cụ lao động, trên đồ sành sứ, đồ đồng... ở khắp các vùng mà nay là Trung Hoa đều cho thấy hình tượng phổ biến của Rồng là rắn, hoặc kết hợp giữa rắn và các con vật khác mà thành [x. Nguyễn Ngọc Thơ 2003].

Thứ hai, về mặt văn tự, trên giáp cốt văn, chữ long được vẽ với hình của một con rắn, miệng to, có sừng; trên Kim văn, cũng thấy chữ long về cơ bản cũng có hình một con rắn (hình 9). Trong tiếng Hán, từ “long xà” (龍蛇)được hiểu như Rồng, và được sử dụng khá phổ biến. Thôi Dung trong Giá Phá Thổ Phồn Biểu dùng cụm từ “long xà chi trận” (龍蛇之阵) để nói lên sức mạnh của quân Đường. Giới Tử Thôi đời Tần đã dùng bài hát “long xà chi ca” (龍蛇之歌) để thuyết phục vua ban tước cho mình. Sách Hán Thư có nói “Người quân tử lúc gặp thời thì tung hoành, lúc không gặp thời thì ở ẩn như long xà”. Tô Đông Pha dùng cụm từ “Rồng rắn bay lượn” (long xà phi động龍蛇飞动) để miêu tả một bức tranh đẹp.

Thứ ba, nhiều thư tịch cổ đại đã cung cấp nhiều tư liệu cho thấy Rồng là rắn được thần thánh hóa. Sách Hậu Hán Thư (chương Trương Hoành Liệt Truyện) viết: “rắn được gán cho thần tính, có thể đằng vân, cưỡi gió giống như Rồng”. Sách Thuật Dị Ký (mục truyền thuyết dân gian) ghi: “thủy hủy 水虺 (rắn độc) 500 năm biến thành congiao , giao 1000 năm biến thành RồngRồng 500 năm biến thành giác long 角龍 (Rồng có sừng), giác long 1000 năm sau biến thành ứng long 应龍 (Rồng có cánh)”. Vương Xung trong quyển Luận Hoành có viết: “Rồng có khi là rắn, rắn có khi là Rồng” [Vương Duy Đề 2000: 3].

Rắn tuy có mặt trên khắp thế giới, nhưng vùng nhiệt đới gió mùa với mạng lưới sông ngòi chằng chịt như Đông Nam Á là môi trường sống lý tưởng cho các loài rắn. Một thống kê của Tổ chức y tế thế giới năm 1994 cho biết hàng năm châu Á có khoảng 2,5 đến 3,5 vạn người bị rắn cắn, trong đó tập trung nhiều nhất tại vùng từ Ấn Độ qua Myanma đến Thái Lan là nơi có nhiều loại rắn độc sinh sống [Võ Văn Chi - Nguyễn Đức Minh 1993: 2].

Từ chỗ gặp nhiều rắn và sợ rắn mà sinh ra sùng bái rắn. Một số nhà Nho Trung Hoa như Hứa Thận trongThuyết Văn Giải Tự cũng thừa nhận rằng các bộ tộc Mân Việt, Bách Việt phía nam sông Trường Giang là những bộ tộc sùng bái rắn thần. Ông viết: “người Mân Việt, người Bách Việt vùng đông nam thuộc dòng dõi của rắn” (“Mân, xà chủng” 闽,蛇种 hoặc “Mân, Đông Nam Việt, xà chủng” 闽,东南越,蛇种) [Vương Duy Đề 2000: 9].

Không phải ngẫu nhiên mà không chỉ Nguyễn Tài Cẩn đã tìm thấy những mối liên hệ giữa Rồng và rắn ở các ngôn ngữ thuộc nhóm Proto Việt-Chứt; mà nhà nghiên cứu Trung Quốc Nguỵ Á Nam cũng đi đến kết luận rằng trong ngôn ngữ của một số dân tộc Bách Việt, sự tương quan giữa rắn và Rồng khá rõ: Trong tiếng Bố Y 布依, chữrắn và chữ Rồng có cách đọc giống nhau: rắn /ka/, Rồng /ka:/. Trong ngôn ngữ của người Ba 巴 và người A Xương cũng có cách phát âm tương tự. Người Nạp Tây 纳西 dùng từ long xà để chỉ rắn thần; trong thần thoại của người Nạp Tây, Rồng khi bị trừng phạt sẽ biến thành rắn. Ở ngôn ngữ của người Di 彝, người Ngõa 佤 cũng có những điểm tương tự [Nguỵ Á Nam 1986: 15]. Người Việt có trò chơi “Rồng rắn lên mây”, có câu tục ngữ “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng”; Rồng trên khắp các bức hoạ thời Lý-Trần là Rồng-rắn [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 244-246, 327-329].

2) Từ nguyên mẫu cá sấu của Rồng

Nếu rắn đã là con vật điển hình của phương Nam nóng ẩm và sông nước thì cá sấu còn là con vật điển hình hơn. Từ xa xưa, cá sấu đã thường xâm hại các cư dân Bách Việt. Người Việt cổ phải xăm hình cá sấu lên mình để khỏi bị nó làm hại. Chương Nguyên Đạo Huấntrong sách Hoài Nam Tử viết: “Phía Nam Cửu Nghi, việc trên bờ thì ít, việc dưới nước thì nhiều, thế nên ở đấy người dân xõa tóc, xăm mình cho giống con cá sấu”[2]. Cao Dụ nói: “xăm mình tức là thích hình vẽ lên thịt rồi chấm (tô màu) cho giống con giao long để xuống nước không bị giao long làm hại”[3]. Chữ “văn” 文 trong tiếng Hán chính là bắt nguồn từ tục xăm hình cá sấu – Rồng lên mình của người Việt. Trang Tử viết: “Việt nhân đoạn phát văn thân” 越人断发文身 (= ‘người Việt cắt tóc văn [xăm] mình’) (hình 9, [Lý Lạc Nghị & Waters J. 1997: 850]). Đây là một minh chứng hùng hồn cho nguồn gốc phương Nam của con Rồng.

Hình cá sấu - Rồng là môtíp trang trí khá phổ biến trong các đồ đồng Đông Sơn như trống đồng, thạp đồng, qua đồng, v.v.

Từ chức năng bảo vệ này mà Rồng ở vùng người Việt luôn gần gũi với nhân dân và luôn là hiện thân của cái thiện, cái may mắn, là thần bảo hộ cho con người: truyện Đinh Bộ Lĩnh được Rồng đưa qua sông và bảo vệ, truyện vua Lê Hoàn khi ngủ được Rồng sưởi ấm, truyện Rồng bảo vệ cư dân Dao, Xá khỏi hạn hán, v.v. Các vua Trần đều vẽ Rồng vào đùi. Thượng hoàng Trần Nhân Tông nói: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu, đời đời ưa chuộng dũng cảm, thường xăm hình Rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm Rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc” [Đại Việt sử ký 2003: 115]. Để phân biệt với các loại quân khác, lính Túc vệ hay Cấm quân nhà Trần được thích Rồng ở bụng, ở lưng và ở hai đùi, gọi là vẽ Rồng. Lính Cấm quân lấy việc được xăm mình làm điều hãnh diện. Tục xăm Rồng lên đùi lên lưng của vua và quân sĩ tồn tại đến đời Trần Anh Tông thì mới bỏ hẳn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Về sau vua nối ngôi không phải thích Rồng lên đùi nữa, là bắt đầu từ Anh Tông” [2003: 76]. Đến thời Mạc, ở các đình làng rất phổ biến các bức chạm khắc hình Rồng và những phụ nữ cưỡi Rồng (đình làng Đình Bảng được chạm khắc tới trên 500 hình Rồng).

Theo nhà nghiên cứu người Trung Hoa Từ Kiệt Thuấn, sở dĩ tộc Hán tự xưng là “long đích truyền nhân” là vì có mối quan hệ sâu xa với người Việt cổ sùng bái Rồng. Thời xa xưa, toàn bộ vùng duyên hải đông nam hạ du sông Trường Giang và vùng Lĩnh Nam là nơi cư trú của các tộc người Miêu Man và Bách Việt. Theo Thuyết Uyểnvà Hán thư – địa lý chí hạ thì người Việt vẽ hoa văn lên thân mình giống hình con Rồng và do vậy chính người Việt là tộc sùng bái vật tổ Rồng. Sau khi người Hoa Hạ đã hợp nhất các bộ lạc Viêm-Hoàng với Đông Di thì liền bành trướng xuống phía nam để tiếp tục dung hợp với các bộ lạc Miêu Man và Bách Việt. Chính vì vậy mà Hán tộc vừa là “con cháu của Viêm-Hoàng”, lại vừa là “long đích truyền nhân” [Từ Kiệt Thuấn 1999: 26].

Chính vì ở Trung Hoa không có cá sấu nên khi tới đất Việt, người Hán lần đầu tiên nhìn thấy con cá sấu hung dữ, hình dung nó như một loại rồng đã biết qua tưởng tượng, bèn gọi nó là con Giao long (蛟龍 = Rồng của xứ Giao Chỉ), gọi tắt là con giao. Sách Tiền Hán thư của Nhan Sư Cổ nói: “con giao hình như con rắn mà có bốn chân có thể nuốt người được”; sách Hoài Nam tử của Cao Dụ tả: “da nó có từng hột (vảy dày)” [x. Đào Duy Anh 1955: 26]. Châu Đạt Quan lần đầu tiên nhìn thấy cá sấu khi đi sứ tới Chân Lạp qua vùng Nam Bộ đã miêu tả trong Chân Lạp phong thổ kí bằng cách so sánh nó với loài vật không có thực là Rồng: “Có những con cá sấu lớn như chiếc thuyền có bốn chân và rất giống con Rồng chỉ trừ nó không có sừng” [Châu Đạt Quan 1973: 93].

3) Từ tính cách thích nước của Rồng

Cả rắn lẫn cá sấu đều là những con vật cư trú phổ biến ở vùng sông nước nhiệt đới - hiện thực này tạo nên tính cách thích nước của Rồng. Dù Rồng trên thế giới có đa dạng đến đâu thì nó vẫn có một đặc tính chung nổi bật là gắn liền với NƯỚC. Trên thế giới chỉ có một khu vực có nhiều sông nước nhất, với lượng mưa cao nhất – đó chính là Đông Nam Á. Nếu không kể nghề đánh bắt thủy sản thì trên thế giới cũng chỉ có một cái nghề cần nhiều nước nhất – đó chính là nghề trồng lúa nước ở Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên mà có học giả đã gọi Đông Nam Á là “tiền đồn nước của Á châu” (Asian water front) [Sumet Jumsai 1988: 5]. Rồng sinh ra từ nước, bơi trong nước, Rồng là vua nước Long Vương, Rồng có bay lên trời cũng là để phun nước làm mưa. Ở Việt Nam, hiện tượng lốc xoáy bốc mọi thứ lên trời được gọi là “vòi rồng”. Đây là cơ sở thứ ba để nói rằng Rồng có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

Bởi vậy mà dù được đưa đến vùng nào trên thế giới và dù có bị quá trình tiếp biến văn hoá làm thay đổi cỡ nào thì con Rồng vẫn không bỏ được khả năng phun nước (dù có trách nhiệm làm mưa hay không). Ngay cả khi đi sang phương Tây, khả năng phun nước của con Rồng hầu như bị bỏ qua trong khi khả năng phun lửa được nhấn mạnh, thì việc chuyển sang phun lửa chẳng qua cũng chỉ là một cách tiếp biến văn hóa cho phù hợp với tính cách dương tính của văn hóa phương Tây, trong khi vẫn giữ được mối liên hệ với nước: phun lửa chính là làm sấm chớp, một giai đoạn khởi đầu không thể thiếu của mọi cơn mưa!

4) Rồng – sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương

Đến đây, ta hoàn toàn có đủ cơ sở để giả thiết rằng biểu tượng Rồng là sản phẩm kết hợp của hai nguyên mẫu là rắn và cá sấu – hai con vật phổ biến ở vùng sông nước phương Nam.

Vùng Đông Nam Á và Nam Á thiên về sùng bái rắn nên hình thành văn hoá Rắn với hình tượng Nak, Naga, Nagari.. (tất cả đều có nghĩa gốc là ‘nước’).

Vùng Bách Việt nói chung và Việt Nam nói riêng là nơi giao nhau của thế giới Nam Á và Đông Nam Á với thế giới Đông Bắc Á nên dễ hiểu là người Lạc Việt (Việt Nam) và Bách Việt coi trọng cả rắn, cá sấu và các loài chim nước (cò, vạc, hạc, bồ nông, v.v.). Ở Việt Nam có cả văn hóa Rắn, văn hóa Cá Sấu và văn hóa Chim Nước.

Văn hóa Rắn tồn tại ở Việt Nam với rất nhiều câu chuyện truyền khẩu về rắn thiêng dưới các danh xưng như:thanh xà, bạch xà, ông dài, ông cộc (x. chẳng hạn trong [Viện NC Hán-Nôm 1997] các truyện “Xà tuyền ký” (tr. 552-53), “Xà sinh” (tr. 834-35), “Linh ” (tr. 862), v.v.). Văn hóa Cá Sấu với rất nhiều chuyện về thuồng luồng...

Theo nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn [2001:20-41], trong nhiều ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt, tên gọi Rồng có thể quy về hai nhóm: Một nhóm là Rồng có gốc từ cá sấu, tiêu biểu là khlụ trong tiếng Poọng, khútrong tiếng Mường, người Mường xem cá sấu là chúa tể cai quản vùng sông nước với tên gọi là Bua Khú = ‘Vua Sấu’. Âm /khlụ/ hoàn toàn ứng với “sấu” trong tiếng Việt: tổ hợp phụ âm /khl/ tiếng Poọng ứng với /s/ tiếng Việt, /u/ tiếng Poọng ứng với /âu/ tiếng Việt; ở vùng Bru Vân Kiều hiện nay cá sấu vẫn có tên gọi là con /t-rụ/. Nhóm thứ hai là Rồng có gốc từ rắn, tiêu biểu là mahing trong tiếng Thà Vựng (ss. với tên gọi rắn msinh ở vùng người Rục,psinh ở vùng người Sách, người Mày), tên này thời xa xưa có dạng là /psănh/ (từ đây mà chuyển thành “rắn” trongtiếng Việt).

Trần Ngọc Thêm trong Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến mối liên hệ ‘long’ – ‘krong’ – ‘sông’ [1996/2004]. Gần đây, trong loạt bài về “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp”, Nguyễn Cung Thông đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc chứng minh điều này [Nguyễn Cung Thông: dunglac.org]. Như vậy, việctiếng Việt vay mượn ba từ Rồng, luồng, long từ cách đọc của chữ long chỉ con Rồng trong tiếng Hán (Rồng vay vào thời Hán, luồng mượn vào khoảng từ sơ đến trung Đường, long vay vào khoảng cuối Đường) [Nguyễn Tài Cẩn 2001:20-41] chẳng qua chỉ là một trường hợp đi vòng rất phổ biến trong giao lưu tiếp biến về mặt ngôn ngữ:krong " long " rồng (giống như trường hợp sông ! kong/Kiang Jiāng江 " giang vậy).

Vẫn theo Nguyễn Tài Cẩn [2001:20-41], “Thìn”, cũng như tên gọi 12 chi, là tên gọi do người Hán vay mượn từ một ngôn ngữ nào đó ở vùng Hoa Nam. Vào thời Kinh Thi, thìn có dạng là źen[4]. Trong khuynh hướng của giới ngữ học quốc tế đang tìm kiếm tên gọi 12 chi trong ngôn ngữ của các tộc người từng cư trú ở đây như họ Austro-Thái (P.K. Benedict), hay Nam Á (J. Norman & T.L. Mei), có thể giả thiết rằng thìn là một tên gọi gốc proto Việt-Chứt, bởi nếu so sánh /źen/ với /psănh/ là dạng cổ được phục nguyên của tên rắn trong tiếng Thà Vựng, có thể thấy có sự tương ứng khá gần gũi về cấu âm giữa /ź/ và /s/, giữa /-n/ và /-nh/, và phần nào giữa /ă/ và /e/. Vấn đề nguồn gốc phương Nam của ‘thìn/thần’ cũng đã được Nguyễn Cung Thông và Thạch Sinh giải quyết khá triệt để [dunglac.org].

Rõ ràng là từ hai con vật thật đều có thể làm hại người, trải qua quá trình biểu tượng hóa và thiêng liêng hóa ở khu vực cư dân Bách Việt, Rắn và Cá Sấu kết hợp với nhau tạo nên hình tượng Rồng. Rồng trở thành con vật tập hợp được tất cả những gì tốt đẹp nhất. Năm Thìn (= năm Rồng) được xem là năm đem lại nhiều may mắn; tuổi Thìn (= tuổi Rồng) được xem là tuổi đẹp[5]. Trong các sách sử cổ thường nhắc đến “Rồng vàng xuất hiện” như một loại “điềm tốt”; rất nhiều địa danh Việt Nam được đặt tên “rồng”: Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Bạch Long Vĩ, Long Đỗ, Long Điền, Long Môn, v.v… Người dân Nam Bộ (nơi mà cho đến đầu thế kỷ XX vẫn có rất nhiều cá sấu) tin rằng cá sấu tu lâu năm (nằm im một chỗ cho đất cát phủ lên thành cù lao) tới ngày đắc quả sẽ hóa thành rồng bay lên trời và gọi hiện tượng đó là Cù dậy[6].

Con Rồng mang đầy đủ hai nét đặc trưng cơ bản của tư duy nông nghiệp là tổng hợp và linh hoạt: là kết quả tổng hợp những đặc điểm của con cá sấu (đầu, vảy, chân) và con rắn (thân dài); sinh ra ở dưới nước nhưng rồi bay lên trời; bay lên trời mà không cần phải có cánh; miệng có thể vừa phun nước[7] vừa phun lửa.

Bên cạnh đó, theo truyền thuyết thì tổ tiên người Việt là “giống Rồng Tiên” (thành ngữ: Con Rồng cháu Tiên).Tiên Rồng là một cặp đôi một âm một dương, trong đó Rồng (= dương) được trừu tượng hóa từ hai loài bò sát là rắn và cá sấu, còn Tiên (= âm) được trừu tượng hóa từ giống chim nước có rất nhiều ở vùng sông nước Đông Nam Á (cho nên Mẹ Âu Cơ đẻ trứng!). Chính vì cư trú phổ biến ở vùng sông nước Đông Nam Á cho nên chim nước, rắn, cá là những loài động vật được sùng bái hàng đầu, người Việt có câu: hất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng.

Cặp đôi “Rồng Tiên” còn phản ánh truyền thống tư duy âm dương có nguồn gốc từ tư duy nhị nguyên Đông Nam Á [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 99-102]. Chỉ có dân tư duy theo lối triết lý âm dương mới có vật tổ cặp đôi: không chỉ người Việt, mà các tộc người Đông Nam Á khác cũng đều có vật tổ cặp đôi, trong khi vật tổ của người Hán lại là vật tổ đơn – một ông Bàn Cổ). Chim và Rồng còn chính là hai loài vật biểu của phương Nam và phương Đông trong ngũ hành [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 135-137]. Ngay cả khi lấy vật tổ đơn thì vật tổ ấy vẫn được tách ra thành một cặp đôi: Bên cạnh truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên người Việt còn có truyền thuyết coi tổ tiên mình thuộc “họ Hồng Bàng”. Hồng Bàng chính là một loài chim nước lớn (bàng 龐 là lớn, chữ hồng鴻ghép bởi chữ giang冮 là “sông nước” và chữ điểu鳥là “chim”). Không chỉ “Hồng” là chim mà cả chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” cũng là chim. Chim lạc thuộc loại loài cò, sếu là thứ chim rất phổ biến ở miền Bắc Việt Nam thời thượng cổ [Đào Duy Anh 1955]. Từ truyền thuyết về vật tổ đơn là “họ Hồng Bàng” và từ hai loại chim là chim hồng và chim lạc, người Việt đã tạo ra thành ngữ với hình thức cặp đôi là Con Hồng cháu Lạc (giống hệt như từ phong tục thờ ông Tơ Hồng của Trung Hoa, người Việt đã tạo ra cặp đôi hai vị thần ông Tơ bà Nguyệt vậy).

5) Hành trình của Rồng

Trong khi văn hoá Rắn thần Naga chủ yếu chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, thì văn hoá Rồng từ vùng Bách Việt được lan tỏa đi gần khắp thế giới. Hành trình của Rồng từ vùng Bách Việt đi ra thế giới có thể hình dung qua bốn bước.

Bước thứ nhất, Rồng từ Bách Việt đi lên vùng Hoa Hạ (lưu vực sông Hoàng Hà), rồi từ vùng Hoa Hạ đi tiếp sang khu vực Đông Bắc Á còn lại (Triều Tiên, Nhật Bản).

Bước thứ hai, Rồng từ vùng Bách Việt đi xuống Đông Nam Á hải đảo, rồi từ các nước Đông Nam Á hải đảo (như Indonesia), Rồng đi tiếp xuống châu Úc và châu Đại Dương, tới các nước như New Zealand.

Bước thứ ba, vào thời kỳ băng hà cách nay khoảng một vạn năm, Rồng từ Á châu đã cùng cư dân Mongoloid đi qua eo biển Bering (nối vùng Siberi của Nga với vùng Alaska của Mỹ, đặt theo tên nhà thám hiểm người Nga gốc Đan Mạch Vitus Bering), tới Bắc Mỹ, rồi đi tiếp xuống Trung và Nam Mỹ. Bên cạnh văn hoá Rồng, cư dân tiểu chủng Mỹ của đại chủng Mongoloid (mà ta quen gọi là “dân da đỏ”) còn mang theo nhiều nét văn hoá khác của người Mongoloid Á châu.

Bước thứ tư, Rồng từ vùng Hoa Hạ theo chân những đoàn di dân và thương nhân vượt qua dãy Thiên Sơn đi về phía Tây tới Lưỡng Hà và Ai Cập, rồi từ Lưỡng Hà và Ai Cập, đi tiếp tới châu Âu.

Trong hành trình này, hình dáng và tính cách của Rồng đã bị thay đổi theo hướng tiếp biến để phù hợp với các đặc trưng của văn hoá bản địa.

Do nơi xuất phát của Rồng là loại hình văn hoá gốc nông nghiệp lúa nước trọng âm hướng tới hài hòa trong bản chất, tổng hợp trong tư duy, trọng tình trong quan hệ, linh hoạt trong cách ứng xử, nên con Rồng gốc là con vật hiền lành (nếp sống tình cảm, hiếu hòa của người nông nghiệp lúa nước đã biến con cá sấu ác thành con rồng hiền, con vật phù hộ cho người dân nông nghiệp và gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của họ), mang tínhtổng hợp và linh hoạt (có hình dáng vừa rắn vừa cá sấu, có khả năng vừa sống dưới nước vừa bay trên trời (mà không cần phải có cánh), có chức năng vừa chống hạn (phun nước) vừa chống lụt (phun lửa)).

Càng đi về những vùng văn hóa có tính trọng dương hơn, tình cảm thân mật giữa Rồng với con người càng giảm dần, tính xa cách tăng dần; tính thiện của Rồng giảm dần, tính ác tăng dần. Trong khi ở người Việt, đến tận tk. XVII các đình làng Việt Nam vẫn ghi nhận hình ảnh người phụ nữ nông dân cưỡi trên lưng Rồng thì ở Trung Hoa vào thời Tùy Đường, Rồng đã bị “vương quyền hóa” (hình dáng trở nên dữ tợn: có sừng, có móng sắc nhọn), và trở nên xa cách. Đi đến những vùng có truyền thống văn hoá gốc du mục, con rồng đã bị dương tính hóa; thân hình thì thu ngắn lại và có hình thù giống thú, còn tính cách thì trở nên độc ác và dữ tợn. Ở phương Tây, về tính cách Rồng được xem như một con vật hung hãn, chuyên canh giữ các kho báu, còn về hình thức, con Rồng được gán thêm đôi cánh, bởi lối tư duy phân tích phương Tây không thể chấp nhận việc rồng biết bay mà lại không có cánh.

Kết luận

Quan niệm cho rằng con Rồng có nguồn gốc từ vùng Bách Việt của Đông Nam Á cổ và từ đây lan tỏa đến các vùng còn lại của thế giới không phải là điều mới mẻ. Chẳng hạn, nhà dân tộc học nổi tiếng người Nga D.V.Deopik từng viết: “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa” [1993: 13]. Một nhà dân tộc học người Nga khác là Ja.V.Chesnov thì cho biết: “hình tượng con Rồng phát sinh từ Đông Nam Á đã thâm nhập đến những vùng xa xôi nhất của châu Âu” [1976: 265]. Nhà Việt Nam học người Nga N. I. Niculin cũng nhận xét: “Trong văn hoá truyền thống của người Việt, hình tượng con Rồng – một con vật tưởng tượng – trở thành biểu tượng quan trọng nhất... Chính người Việt từ ngàn xưa đã biết trồng lúa nước và đánh cá... Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng hình tượng con rồng trong văn hoá Trung Hoa có nguồn gốc từ phương Nam, từ vùng Đông Nam Á, từ Việt Nam và các quốc gia láng giềng....” [ Song có điều là quan điểm này mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố mà thiếu lập luận và chứng minh.

Với cách lý giải trình bày ở đây, ta sẽ thấy bức tranh Rồng thế giới không còn là một mớ hỗn độn.

Ta cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy phần lớn các câu chuyện truyền thuyết về Rồng, về rắn, về trâu, về chim nước trong văn hóa Trung Hoa đều liên quan đến phương Nam. Chẳng hạn, về sự ra đời của Viêm Đế,Sử ký chính nghĩa dẫn Đế vương thế kỷ viết: “Thần Nông, thuộc dòng họ Khương, mẹ tên là Nhậm Tự, con gái họ Hữu Kiều, được chọn làm vợ của Thiếu Điển, đi dạo vùng Hoa Dương, trông thấy đầu Rồng hiện lên, cảm ứng trong mình mà sinh ra Viêm Đế, Viêm Đế mình người đầu trâu”[8]. Điều này có nghĩa là bố thuộc thị tộc Trâu lấy mẹ thuộc thị tộc Rắn, nhìn thấy Rồng mà sinh ra Thần Nông, hiệu là Viêm Đế (= vua xứ nóng, phương Nam).

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. An Chi 1999: Rắn, trăn và thằn lằn, An Chi, 2005, Chuyện Đông chuyện Tây, tập 4. Nxb Trẻ, TP.HCM, tr. 107-112.
  2. An Chi 2000: “Tại sao thìn lại là Rồng?” và “Chữ long có phải là chữ tượng hình con Rồng hay không?”, An Chi, 2005, Chuyện Đông chuyện Tây, tập 4, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr. 141-147.
  3. Bùi Khánh Thế 2005: Có thể có một giả thuyết thứ ba về lai lịch của tên “chằn”. – Trong tập: Hội nghị khoa học mừng GS. Nguyễn Tài Cẩn 80 xuân (bản vi tính), TP. HCM, tr. 21-26.
  4. Cotterell A., Storm R. 1999: The Ultimate Encyclopedia of Mythology. – London: Lorenz Books, 512 p. (dragons: 267, 287, 435, 468-69
  5. Châu Đạt Quan 1973: Chân Lạp phong thổ kí (Lê Hương dịch). - Sài Gòn.
  6. Chesnov 1976: Чеснов Я. В. Историческая этнография стран Индокитая. - М.: Наука.
  7. Chevalier J., Gheerbrant A. 1997: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du, 1056 tr. (Rồng: 780-783, rắn: 762-773, 726)
  8. Deopik 1993: Деопик Д. В. Вьетнам как часть Юго-восточной Азии. - В: Традиционный Вьетнам. М., с. 11-23.
  9. Dương Lực 2002: Kinh điển văn hóa 5000 năm Trung Hoa, Nxb văn hóa – thông tin, Hà Nội, 1070 tr. (chương 7: văn hóa Rồng, tr. 519-540).
  10. Đại Việt sử ký 2003: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, mộc bản khắc năm Chính Hòa. - Hà Nội, Nxb văn hoá - thông tin.
  11. Đào Duy Anh 1955: Cổ sử Việt Nam . – HN: Tác giả xuất bản.
  12. Đặng Tiến 2001: Con Rắn trong huyền thoại và văn học, Tạp chí Diễn Đàn, Paris - số 104 (tháng 2-2001).
  13. Đặng Việt Bích 2000: Con Rồng – vị thần sông. – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2, Hà Nội, tr 61–62.
  14. Hạo Xuân 1999: Long phụng trình tường, Nxb Giáo dục Sơn Đông.(浩春1999: 龙凤呈祥,山东教育出版社).
  15. Huệ Thiên 2000: Con Rồng chẳng qua là con cá sấu “lên đời”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 340 (xuân Canh Thìn).
  16. Lâm Biền & Thế Hùng 2000: Rồng trong tâm thức và nghệ thuật tạo hình ở phương Đông và Việt Nam nửa đầu thời tự chủ. – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Số 2.
  17. Lê Nguyên Cẩn (chủ biên) 2000: Lê Nguyên Cẩn , Nguyễn Thị Huế, Lê Phong Tuyết (bs), Văn minh Rồng và năm 2000, Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin, 763 tr.
  18. Lý Lạc Nghị & Waters J. 1997: Tìm hiểu về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1247 tr.
  19. Niculin N. I. 2006: Dòng chảy văn hoá Việt Nam (Hồ Sĩ Vịnh và Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu). -Hà Nội, NXB Văn Hoá - Thông Tin.
  20. Ninh Nghiệp Cao & Hạ Quốc Trân 1999: Trung Quốc cát tường văn hóa, Nxb Đại học dân tộc Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh.(宁业高-夏国珍1999: 中国吉祥文化,中央民族大学出版社,北京).
  21. Ngô Văn Doanh 2000: Về hình tượng Rồng ở chùa Giạm, Tạp chí Xưa và nay, Hà Nội, số 72, tr 18.
  22. Ngụy Á Nam 1986: Truy tìm nguồn gốc của Rồng - Phát hiện khảo cổ mới ở khu vực Liêu Tây của giáo sư Tô Bỉnh KìTân Dân Vãn Báo, Bắc Kinh.(魏亚南1986: 逆原追根“龙”谜-苏秉琦教授谈辽西考古新发现,新民晚报,,北京).
  23. Nguyễn Minh Hiệu 1983: Con Rồng Việt chính là con cá sấu, vật tổ chính của người Việt cổ, Tạp chí Khảo cổ học, số 2.
  24. Nguyễn Ngọc Thơ 2003: Tìm hiểu Rồng Trung Hoa. – Luận văn thạc sĩ ngành văn hoá học, bảo vệ tại BM văn hoá học Đại học KHXH & NV, ĐHQG Tp. HCM (HDKH: GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm).
  25. Nguyễn Tài Cẩn 2001: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, Nxb ĐHQG Hà Nội, 439 tr.
  26. Propp V.Ja. 2003: Tuyển tập V.Ia. Propp, tập I, NxbVHDT & TC VHNT, Hà Nội, 928 tr. (rắn: 545-651).
  27. Phạm Huy Thông 1988: Về gốc tích con Rồng. - Tạp chí Khảo cổ học, Hà Nội số 1+2, tr. 1-3.
  28. Richard H. Wilkinson 2003: The complete gods and goddesses in ancient Egypt. - Thames and Hudson.
  29. Sumet Jumsai 1988: Naga – the origin of Siam and West Pacific cultures. – Oxford University Press.
  30. S.N. Kramer 1944: Sumerian mythology – a study of sprirital and literary achievement in the third millenium B.C. - The American Philosophical Society.
  31. Từ Kiệt Thuấn (chủ biên) 1999: Hán dân tộc đích nhân loại học phân tích, Thượng Hải Nhân dân XBX, Thượng Hải. (徐杰舜 1999: 汉民族的人类学分析. -上海人民出版社,上海).
  32. Trần Ngọc Thêm 1995/98: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM xuất bản (dẫn theo bản in của Nxb Giáo dục năm 1998).
  33. Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM (dẫn theo bản in lần thứ tư năm 2004).
  34. Trần Quang Trân 1996: Rồng Việt Nam với người Giao Chỉ, Nxb VHDT và Chi hội sử học Tân Bình.
  35. Trọng Nghĩa (sưu tầm) 1988: Năm thìn, vài câu chuyện về Rồng, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1+2, tr. 65-68.
  36. Trương Duy Bích 1986: Từ hình tượng con Rồng nghĩ về sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện tại, Tạp chíVăn hóa dân gian, số 1, tr. 38-40.
  37. Văn Ngọc 2001: Con Rắn huyền thoại, Tạp chí Diễn Đàn, Paris - số 104 (tháng 2-2001)
  38. Viện NC Hán-Nôm 1997: Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập I, - NXB Thế giới.
  39. Võ Quang Nhơn 1982: Thần thoại Rồng trong cộng đồng văn hóa Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa dân gian, số 4.
  40. Võ Văn Chi - Nguyễn Đức Minh 1993: Rắn độc lợi và hại, Nxb KH và KT.
  41. Vương Duy Đề 2000: Long phụng văn hóa, Nxb Cổ tịch Thượng Hải.(王维堤2000: 龙凤文化,上海古籍出版社).
  42. Nguyễn Cung Thông: dunglac.org. Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp: Vết Tích Liên Hệ Long - Rồng và Sông. - http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&;v=detailarticle&id=81&ia=7903
  43. Nguyễn Cung Thông và Thạch Sinh: dunglac.org. Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp: thìn/thần – long/rồng. - http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&;v=detailarticle&id=81&ia=2435
  44. Dragonsempire.com: Clasiification of dragons (Phân loại Rồng). -http://www.dragonsempire.com/info/classify/specieslist.asp
  45. Dragonsinn.info: Eastern dragons (Rồng Đông Á). - http: www.dragonsinn.info/history/east-5.html
  46. Elfwood.lysator.liu.se: Japanese dragon (Rồng Nhật Bản). -http://elfwood.lysator.liu.se/loth/w/i/will/draggy.jpg.html,http://elfwood.lysator.liu.se/loth/y/o/youngblood/japdrag.jpg.html
  47. Rồng Việt Nam: vietnamnews.ru - Вьетнамский драконhttp://www.vietnamnews.ru/culture_2.htm
  48. Skljarov A. lah.ru: А. Скляров. Введение в драконографию. - http://lah.ru/text/sklyarov/drakon-text.htm

Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia, 2013

 

 


[1] Người Maya gọi là Kukulkan hay Ehecatl, người Quiche gọi là Gucumtaz, người Zuni gọi là Kolowisi, người Hopi gọi là Palulukong.

[2] 九疑之南,陆事寡而水事众,于是人民被发文身,以像鳞虫 Cửu nghi chi Nam, lục sự quả nhi thủy sự chúng, vu thị nhân dân bị phát văn thân, dĩ tượng lân trùng.

[3] 文身,刻画其体内,点其中,为蛟龍之状,以入水,蛟龍不伤也 Văn thân, khắc họa kỳ thể nội, điểm kỳ trung, vi Giao Long chi trạng, dĩ nhập thủy, Giao Long bất thương dã.

[4] Thìn thuộc vận bộ chân, thanh mẫu thiền, mà vào thời Kinh Thi, thiền là một âm /z/ mặt lưỡi trước, còn chân là vần /en/.

[5] Tất nhiên, trong những nền văn hoá mang đậm tư duy âm dương như văn hoá Việt, không nên hiểu điều này một cách máy móc. Bởi lẽ “trong âm có dương, trong dương có âm”, Thìn về cơ bản là tốt, nhưng Thìn-Rồng là dương nên tuổi thìn chủ yếu là tốt cho nam chứ không tốt cho nữ (Năm thìn, năm tỵ, chị tránh cho em), cũng như đinh-nhâm -quý vậy (Trai đinh-nhâm -quý thì sang, Gái đinh-nhâm -quý thì hai lần đò). Còn Tỵ-Rắn là âm nên tuổi tỵ lại chủ yếu tốt cho nữ chứ không tốt cho nam. Vì vậy nếu nam tuổi thìn lấy nữ tuổi tỵ là một kết hợp lý tưởng (Rồng rắn lên mây).

[6] Xem truyện Cù dậy của Viễn Phương (Sài Gòn giải phóng Chủ nhật 11-12-1994).

[7] Rồng ch mưa: hiện tượng gió lốc hút nước lên cao dân gọi là vòi rồng.

[8] 神农氏,姜姓也,母曰任姒,有   氏女,登为少典妃,游华阳,有神龙首,感生炎帝,人身牛首 Thần Nông thị, Khương tính dã, mẫu viết Nhậm Tự, Hữu Kiều thị nữ, đăng vi Thiếu Điển phi, du Hoa Dương, hữu Thần Long thủ, cảm sinh Viêm Đế, nhân thân ngưuthủ.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020