Văn hóa

Quảng bá Di sản tư liệu góp phần nâng cao hình ảnh Quốc gia


15-10-2020

Việt Nam hiện có 04 di sản tư liệu thế giới đã được Unesco công nhận gồm: Mộc bản triều Nguyễn; 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Châu bản triều Nguyễn.

Hội thảo Nâng cao hình ảnh quốc gia qua di sản tư liệu được

Unesco công nhận

(Cinet) – Các di sản tư liệu là những minh chứng vô cùng quan trọng cho văn hóa, lịch sử mỗi dân tộc vì thế việc quảng bá các di sản này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hình ảnh quốc gia.

Việt Nam hiện có 04 di sản tư liệu thế giới đã được Unesco công nhận gồm: Mộc bản triều Nguyễn; 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Châu bản triều Nguyễn. Những di sản này được Unesco công nhận là Di sản tư liệu theo chương trình Ký ức Thế giới, khác với các di sản Văn hóa &Thiên nhiên thế giới và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do tính chất đặc trưng, việc phát huy giá trị di sản tư liệu khó khăn hơn so với các loại hình di sản khác. Cũng vì lý do đó mà đến nay 04 di sản tư liệu của Việt Nam đã được Unesco công nhận vẫn chưa có nhiều cơ hội để phát huy giá trị.

Ngày 10 tháng 11 vừa qua, Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ để “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua di sản tư liệu được Unecso công nhận”. Hội thảo được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức về di sản trên thế giới như: Bà Dianne Mary Macaskill và ông Kim Kwibae, đồng Phó chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP); Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng  Cục Văn thư lưu Trữ Nhà nước (Phó chủ tịch MOWCAP). Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, các thư viện thuộc các tỉnh thành phố trên cả nước.

09 tham luận được trình bày tại hội thảo chủ yếu xoay quanh các vấn đề làm thế nào để quảng bá di sản tư liệu của Việt Nam, từ đó nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam văn hiến và giàu bản sắc. Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng  Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước bày tỏ quan điểm cần phải đầu tư quảng bá các di sản tư liệu cũng như tầm quan trọng của những di sản này đối với việc nâng cao hình ảnh quốc gia: “Với trách nhiệm của những người làm công tác quản lý di sản, chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo tồn, quảng bá các di sản tư liệu đã được Unesco công nhận để giúp thế hệ trẻ Việt Nam và cộng đồng xã hội thêm yêu quý, trân trọng những di sản vô giá của dân tộc. Đồng thời, tăng cường quảng bá, phát huy giá trị góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, của con người và của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giới thiệu về Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc gỗ cung đình Huế - một di sản tư liệu độc đáo đang được xúc tiến làm hồ sơ để đề nghị Unesco công nhận là Di sản ký ức thế giới trong thời gian sắp tới.

Các ý kiến đóng góp cũng như các tham luận tại Hội thảo sẽ được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tập hợp đề làm căn cứ cho công tác quảng bá di sản tư liệu thời gian tới.

04 Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam:

Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in sách, phổ biến dưới triều Nguyễn. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (Quốc sử quán được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế.

82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội  (gồm: 13 bia khắc các khoa tiến sĩ triều đại nhà Lê sơ, 1 bia khắc khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Mạc, 68 bia khắc các khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Lê trung hưng) được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41) khắc các bài văn bia đề danh cùng thứ bậc và quê quán của 1304 vị tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng (1442-1779).

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm với kĩ thuật khắc ngược dùng để in ra thành sách. Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Tài liệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc chủ yếu trong khoảng thời gian từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19.

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ 1802-1945. Hiện, Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn.


NLH

Nguồn: http://cinet.gov.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020