Văn hóa

Thời điểm kinh điển Nho gia du nhập vào Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: TS Dương Tuấn Anh

Ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam là điều không phải bàn cãi, nhưng thời điểm chính xác kinh điển Nho gia bắt đầu du nhập vào Việt Nam cũng gây nên nhiều thắc mắc. Thực tế, đã có những bằng chứng có thể giúp chúng ta xác định được thời điểm này.

1. Mốc thời gian sớm nhất được sử sách ghi nhận

Ngay từ thời kì Bắc thuộc, sử sách đã ghi nhận một số lượng không nhỏ các nhà Nho Trung Quốc đến sinh sống và làm việc trên đất Việt. Thậm chí, có người đã mở trường dạy học, truyền bá tư tưởng Nho giáo vào đất Việt (Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên...). Chắc chắn, để dạy học và truyền bá tư tưởng Nho học, họ phải mang theo sách vở của Nho gia, nhưng không thấy có tài liệu nào ghi nhận chính thức việc du nhập kinh điển Nho gia. Dẫu vậy, việc du nhập ấy có được ghi chép thì vẫn không thể coi là con đường chính thống, quan phương, mà chỉ mang tính chất cá nhân.

Khảo trong sử sách, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là Khâm định), quyển 1, tờ 42b và 43a có ghi lại thời điểm vua Lê Long Đĩnh sai người xin nhà Tống cho nhập kinh điển Nho gia: “Đinh Mùi năm thứ mười bốn (1007), (nhà Tống năm Cảnh Đức thứ 4) Nhà vua sai em là Minh Sưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và Đại tạng kinh. Vua Tống ưng thuận cho cả.” (Nguyên văn: 丁未十四(宋景德四年)春,遣弟明昶与掌书记黄成雅献白犀于宋,表乞九经及大藏经文,宋帝许 之。Đinh Mùi thập tứ niên (Tống Cảnh Đức tứ niên), xuân, khiển đệ Minh Xưởng dữ Chưởng thư kí Hoàng Thành Nhã hiến bạch tê vu Tống, biểu khất cửu kinh cập Đại tạng kinh văn.) Đại tạng kinh là kinh Phật, còn cửu kinh không gì khác, chính là kinh điển Nho gia. Điều này cho thấy việc nhập kinh điển Nho gia đã được nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm, và thể hiện nhu cầu đó bằng việc “cầu kinh” về phục vụ cho nền học vấn nước nhà.

Tuy nhiên, Đại Việt sử kí toàn thư, lại không xác nhận việc xin cửu kinh. Tờ 28b sách này phần Lê kỉ viết: “Đinh Mùi, năm (Ứng Thiên) thứ mười bốn (1007), (Vua vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên; nhà Tống năm Cảnh Đức thứ 4) mùa xuân, sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng.” (Nguyên văn: 丁未十四年 (帝仍應天年號,宋景德四年) , 春,遣弟明昶與掌書記黃成雅獻白犀於宋,表乞大藏經文。Đinh Mùi thập tứ niên (đế nhưng Ứng Thiên niên hiệu, Tống Cảnh Đức tứ niên), xuân, khiển đệ Minh Xưởng dữ Chưởng thư kí Hoàng Thành Nhã hiến bạch tê, biểu khất Đại tạng kinh văn.) Tờ 29a viết tiếp rằng: “Kỷ Dậu, năm (Cảnh Thụy) thứ hai (1009), (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 2). Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng.” (Nguyên văn: 己酉二年(宋大中祥符二年)春明昶自宋還,得大藏經文。Kỉ Dậu nhị niên (Tống Đại Trung nhị niên), xuân, Minh Xưởng tự Tống hoàn, đắc Đại tạng kinh văn.) Khâm định cũng xác nhận việc Minh Xưởng về nước năm 1009, nhưng không nói mang được sách gì về. Như vậy, Đại Việt sử kí toàn thư là cuốn sử ra đời trước Khâm định, hai lần xác nhận có xin và mang về kinh Phật, không hề có kinh sách Nho gia.

Nhưng một cuốn sử chính thống của Trung Quốc là Tống sử đã lưu lại rất cụ thể chi tiết này. Phần Chân Tông bản kỉ, quyển 7, tờ 13b của cuốn sử này ghi rõ: “Tháng 7... ngày Ất Hợi (tức ngày 26 tháng 8 năm 1007), Giao Châu đến cống, nhà vua ban cho Lê Long Đĩnh cửu kinh và sách nhà Phật” (Nguyên văn: “七月...乙亥,交州來貢,賜黎龍廷《九經》及佛氏書。”. Thất nguyệt... Ất Hợi, Giao Châu lai cống, tứ Lê Long Đĩnh cửu kinh cập Phật thị thư.) Rõ ràng, một là việc xin kinh do vua Lê Long Đĩnh khởi xướng nên mới “tứ Lê Long Đĩnh”; hai là nếu không cầu cửu kinh thì vua Tống không thể cao hứng mà tặng sách, nhất là khi nhu cầu về sách trong thiên hạ rất lớn, mà sự đáp ứng của triều đình nhà Tống còn rất hạn chế (điều này tôi sẽ nêu rõ hơn ở mục 2). Sách An Nam chí lược của Lê Tắc cũng tái khẳng định việc này.

 

 

Ảnh chụp tờ 13b cuốn Tống sử, Chân Tông bản kỉ, quyển 7, được khắc in mộc bản năm Càn Long thứ 4 (1739)

 
Đối chiếu lại, không khó để phát hiện ra rằng Đại Việt sử kí toàn thư đã bỏ sót cửu kinh. Chính thức, cửu kinh (chín cuốn kinh điển Nho gia) đã được vua Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã xin về đất Việt từ mùa xuân năm 1007, nhưng phải tới mùa thu (ngày 26 tháng 8 năm 1007 đã là tiết Xử thử, sau Lập thu) mới được Tống Chân Tông thuận cho mang về. Số sách này về đến nước ta vào mùa xuân năm 1009, hai năm sau khi vua Lê Long Đĩnh sai sứ thần đi xin và được Tống Chân Tông đồng ý.

 

2. Việc du nhập bằng con đường quan phương có thể được thực hiện sớm hơn?

2.1. Trở ngại của kĩ thuật

Có rất nhiều trở ngại về mặt kĩ thuật cho việc in ấn các sách kinh điển Nho gia đồ sộ.

Trước hết là giấy để in. Giấy được chế tác thủ công, sản lượng không cao khiến không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn bấy giờ. “Giấy đời Tống, ngoài việc dùng để viết chữ, vẽ tranh, in tiền, hối phiếu muối[1], tờ khai chè[2], thư tịch, còn dùng để làm áo mặc cho người nghèo, áo giáp giấy cho binh lính”[3]. Vì thế, khi xin sách của triều đình Trung Quốc, các địa phương hoặc lân bang phải nộp giấy, vì lượng giấy cần để in rất lớn. Một cuốn sách đời Tống là Nghiêm Châu đồ kinh quyển 1, tờ 48a có ghi lại việc Điền Tích nộp giấy xin sách (nhưng sau đó vua ban ân huệ không thu giấy của Điền Tích): “Quốc triều năm Ung Hi thứ hai (985), Tri châu (của Nghiêm Châu) là Điền Tích dời miếu[4] tới góc tây bắc thành, xây miếu dựng nghiệp học, dâng biểu xin nộp giấy vào Quốc Tử Giám để in kinh sách cấp cho học trò để dạy dỗ, vua ra chiếu ban cho, trả lại giấy” (nguyên văn: 国朝雍熙二年,知州田錫迁于城西北隅即庙建學,表請人紙國子學印經籍給諸生講授,詔賜之,還其紙. Quốc triều Ung Hi nhị niên, Tri châu Điền Tích thiên vu thành tây bắc ngung tức miếu kiến học, biểu thỉnh nhập chỉ Quốc Tử học ấn kinh tịch cấp chư sinh giảng thụ, chiếu tứ chi, hoàn kì chỉ).

Kĩ thuật khắc in phát triển muộn cũng là vấn đề khiến cho đến đời nhà Đường vẫn chưa thể có những bộ kinh sách đồ sộ. Sách vở Nho gia trước đời Đường căn bản được sao chép để lưu truyền bằng phương thức chép tay hoặc dùng dao khắc lên trúc, vì kĩ thuật in để có ấn bản hàng loạt còn rất hạn chế. Kĩ thuật khắc in hoàn toàn thủ công khiến những bộ sách lớn đòi hỏi nhiều công sức, tiền của, và cả thời gian. Việc khắc in kinh điển Nho gia vì thế được thực hiện rất muộn. Theo Trung Hoa ấn loát thông sử, bộ ván đầu tiên khắc cửu kinh được thực hiện vào thời Ngũ đại (907- 960). Người có công lớn trong việc này là vị nguyên lão của bốn triều (Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) tên là Phùng Đạo. Ông chủ trì việc khắc ván in cửu kinh dưới sự tài trợ của triều đình, khởi sự từ nhà Hậu Đường vào năm Trường Hưng thứ ba (932), qua Hậu Tấn, Hậu Hán, tới tháng 6 năm Quảng Thuận thứ ba nhà Hậu Chu (953), trải qua 10 đời vua, mất 22 năm mới khắc xong. Dẫu tiếng là bộ ván khắc do triều đình ủng hộ và chu cấp, nhưng thực thực chất vẫn bởi một cá nhân yêu Nho học chủ trì mà thôi[5].

Vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển của kĩ thuật mà còn ở trình độ của con người. Đội ngũ thợ khắc không chỉ đòi hỏi phải giỏi kĩ thuật chạm khắc, mà còn đòi hỏi phải có trình độ học vấn nhất định. Đây là một vấn đề nan giải bởi người biết chữ thời bấy giờ rất ít, khi đã thạo chữ nghĩa rồi thì họ lại thường muốn làm thầy hơn là làm thợ.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo vào cung cấp tài chính rất tích cực của triều đình, phải tới đời Tống, việc khắc in mới được thực hiện một cách chính quy. Triều đình giao hẳn cho Quốc Tử Giám làm cơ quan chuyên trách, đội ngũ thợ khắc làm việc dưới sự hỗ trọe và giám sát chặt chẽ của những trí thức lớn thời bấy giờ, nhờ đó mà số lượng ván khắc gia tăng đột biến. Sách Tống hội yếu tập cảo, phần Chức quan ghi lại việc Tống Chân Tông đến Quốc Tử Giám vào tháng 5 năm Cảnh Đức thứ hai (1005), thăm kho sách, kho mộc bản và việc khắc ván của thợ khắc, rồi hỏi quan Tế tửu là Hình Bỉnh về lượng mộc bản, Hình Bỉnh đáp: “Khi mới lập quốc (nhà Tống mới lập), ván in có bốn ngàn, nay đạt trăm ngàn” (nguyên văn: 國初印板止及四千,今僅至十萬,經史義疏悉備 Quốc sơ ấn bản chỉ cập tứ thiên, kim cận chí thập vạn). Như vậy, chỉ sau khi lập ra triều đại hơn 40 năm (từ năm 960), nhà Tống đã góp công làm số lượng ván khắc tăng lên 25 lần.

2.2. Trở ngại của chính sách

Sau khi lập triều đại mới, nhà Tống đã hết sức quan tâm đến học vấn, thi cử và sách vở. Vì thế, việc siết chặt quản lí là điều dễ hiểu.

Theo Tống sử, phần Chức quan chí, năm 994, sau lời tâu trình của Lí Chí, Tống Thái Tông đã giao hẳn cho Quốc Tử Giám làm cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về nội dung cũng như việc thu thập, lưu giữ, hiệu khám, chú sớ, khắc in... các bộ sách kinh điển, trở thành kho sách của quốc gia. Từ đó, khái niệm “giám bản” ra đời để xác nhận những văn bản được in, khắc, quản lí bởi Quốc Tử Giám. Sách Tống hội yếu tập cảo, phần Chức quan ghi: “Tháng 2 năm Chí Đạo thứ ba (997) đời Tống Thái Tông, vua ra chiếu: Kinh sách Quốc Tử Giám, ngoại châu không được làm riêng ấn bản” (nguyên văn: 三年十二月,詔:國子監經書,外州不得私造印板。). Việc độc quyền ấy cũng khiến việc phổ biến kinh điển Nho gia bị hạn chế.

Nhưng nhu cầu về sách để phục vụ cho học tập, thi cử ở các địa phương là rất lớn, nhất là trong không khí học thuật sôi nổi thời bấy giờ. Từ đó, việc xin kinh điển Nho gia bắt đầu xuất hiện, mà mở đầu chính là Tri châu Nghiêm Châu Điền Tích vào năm 985. Nhà nước không thể không đáp ứng, nên đã ban chiếu cho các địa phương mang giấy mực, tiền bạc để đổi lấy “giám bản”.

Về sau, để khuyến khích tinh thần học tập thi cử, nhà Tống có chính sách ban sách cho các địa phương. Sách Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 49 có ghi lại việc ngày Đinh Mão tháng 6 năm Hàm Bình thứ tư (1001) đời Tống Chân Tông ban chiếu: “Ban chiếu cho các lộ châu huyện có trường học tập hợp học trò làm nơi giảng tụng (khinh điển Nho gia) thì đều ban cho cửu kinh” (nguyên văn:詔諸路州縣有學校聚徒講誦之所,並賜九經 Chiếu chư lộ châu huyện hữu học hiệu tụ đồ giảng tụng chi sở, tịnh tứ cửu kinh). Rất có thể, việc xin cửu kinh của vua Lê Long Đĩnh cũng xuất phát từ chính chính sách này[6], vì nó xảy ra sau chiếu chỉ kể trên ban ra 6 năm.

Đời Tống Nhân Tông, do vấn đề kinh phí eo hẹp, có thời gian việc ban kinh sách bị gián đoạn vài năm, cũng gây ra ảnh hưởng nhiều.

Như vậy, nếu những trở ngại về kĩ thuật khiến việc du nhập những bộ kinh điển không thể thực hiện trước năm 953, khi Phùng Đạo khắc xong cửu kinh, thì những rào cản về chính sách khiến những vùng đất xa cách Trung nguyên như nước ta chỉ có thể xin được kinh sách thuận lợi từ sau năm 1001, là thời điểm Tống Chân Tông ban chiếu về việc cho các lộ châu huyện được xin cửu kinh. Từ năm 1001 đến năm 1007 ở nước ta đang là nhà Tiền Lê (980 - 1009). Sau khi đánh bại quân Tống năm 981, Lê Hoàn quan hệ với nhà Tống hạn chế, đôi đưa sứ giả qua Tống nhưng tuyệt không nhắc tới chuyên xin sách. Sau khi Lê Hoàn băng hà, nội bộ nhà Tiền Lê lục đục, tranh chấp quyền bính, mãi tới 1006 mới tạm yên khi Lê Long Đĩnh lên ngôi. Năm sau (1007), vua Lê Long Đĩnh đã sai sứ sang Tống xin sách. Vì thế, đây chính là lần đầu tiên nước ta nhập kinh điển Nho gia bằng con đường quan phương, một sự kiện quan trọng đối với sự nghiệp phát triển học vấn nước nhà.

 

3. “Cửu kinh” gồm những sách vở nào?

Nói đến cửu kinh, người xưa có nhiều cách hiểu khác nhau. Trải từ Tùy, Đường... cho tới nhà Thanh, khái niệm cửu kinh biến thiên, xuất nhập, tựu chung lại là những sách kinh điển Nho gia nằm trong số 13 cuốn gồm Chu lễ, Nghi lễ, Lễ kí, Tả truyện, Công dương truyện, Cốc lương truyện, Dịch, Thư, Thi, Hiếu kinh, Luận ngữ, Mạnh Tử và Xuân thu.

Nhưng cửu kinh năm 1009 về tới nước ta gồm những sách nào thì lại cần xác định chính xác. Bản dịch cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú giải cho cửu kinh được du nhập vào Việt Nam lúc này là: “Chín kinh sách nhà nho. Có hai thuyết. Thuyết thứ nhất, cửu kinh gồm có: 1) Chu lễ; 2) Nghi lễ; 3) Lễ kí; 4) Tả truyện; 5) Công dương; 6) Cốc lương; 7) Dịch; 8) Thi; 9) Thư. Thuyết thứ hai: 1) Dịch; 2) Thi; 3) Thư; 4) Lễ; 5) Xuân thu; 6) Hiếu kinh; 7) Luận ngữ; 8) Mạnh tử; 9) Chu lễ.”[7] Thông tin này cũng không cho chúng ta biết được chính xác hơn, vì vẫn là “lưỡng khả”.

Nhìn vào diễn biến các sự kiện dưới đây, không khó để nhận ra: từ sau khi Phùng Đạo khắc xong cửu kinh, không có cơ sở để nhà Tống khắc một bộ cửu kinh khác.

Năm---    Sự kiện
932 - 953:    Phùng Đạo khắc xong cửu kinh (mất 22 năm)
960:  Lập nhà Tống
971 - 983:    Cho khắc bộ kinh Phật Khai bảo Đại tạng kinh (mất 13 năm)
985:    Cửu kinh lần đầu được cấp cho Nghiêm Châu
986:    Khắc in Thuyết văn giải tự
988 - 1065:    Cho khắc bộ Thập nhị kinh chính nghĩa (mất 78 năm)
994:    Lí Chí tâu trình Tống Thái Tông giao cho Quốc Tử Giám làm cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về nội dung cũng như việc khắc in các bộ sách kinh điển, trở thành kho sách của quốc gia
994 - 999:    Hiệu khắc Sử kí, Hán thư, Hậu Hán thư (mất 6 năm)
997:    Tống Thái Tông ra chiếu cấm ngoại châu làm riêng ấn bản
1000 - 1023:    Hiệu khắc Tam quốc chí, Tấn thư (mất 24 năm)
1001:    Hoàn thành việc khắc bản chú sớ bảy bộ kinh sách là Chu lễ, Nghi lễ, Công dương truyện, Cốc lương truyện, Hiếu kinh, Luận ngữ, Nhĩ nhã
1007:    Cấp cửu kinh cho nước ta
1009:    Cửu kinh về tới nước ta


Có thể chỉ ra những luận điểm chính để chứng minh điều này: Một là, nhà Tống lập khi Phùng Đạo mới khắc xong bộ cửu kinh chưa lâu, nên hoàn toàn có thể, và thực tế là đã, sử dụng bộ ván này; hai là, nhà Tống còn phải tập trung nhân lực, vật lực tiến hành khắc in nhiều bộ sách quan trọng khác còn chưa được khắc in; ba là, sử sách tuyệt không nhắc tới việc khắc mới một bộ cửu kinh nào trong thời gian này.

Như vậy, thực tế chỉ có một bộ cửu kinh tồn tại ở thời điểm này, chính là bộ do Phùng Đạo khắc xong năm 953. Bộ sách này được khắc qua bốn trong năm triều đại của thời Ngũ đại (907 - 960), lại được nhà Tống giao cho Quốc Tử Giám quản lí, tu đính... nên còn được người đời gọi tên là Ngũ đại giám bản cửu kinh. “Thời Ngũ đại khắc in cửu kinh, những năm đầu Bắc Tống đều in nguyên bản này”[8].
Nhà Đường quy định coi Lễ kí và Xuân thu Tả truyện là đại kinh, Mao Thi, Chu lễ và Nghi lễ là trung kinh, Xuân thu Công dương truyện, Xuân thu Cốc lương truyện, Chu dịch và Thượng thư là tiểu kinh. Khi khắc in bộ sách này, Phùng Đạo chịu ảnh hưởng quy định của đời Đường về việc quy định những sách trọng yếu phục vụ cho việc thi Minh kinh. Vì thế, bộ cửu kinh Phùng Đạo khắc in gồm có: 1) Chu lễ; 2) Nghi lễ; 3) Lễ kí; 4) Xuân thu Tả truyện; 5) Xuân thu Công dương truyện; 6) Xuân thu Cốc lương truyện; 7) Chu dịch; 8) Mao thi; 9) Thượng thư. Các sách Ngũ đại sử, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Tống hội yếu... đều xác nhận điều này.
Đây cũng chính là những sách kinh điển Nho gia mà hoàng đệ Minh Xưởng mang về tới nước ta năm 1009 theo sứ mệnh mà hoàng huynh – vua Lê Long Đĩnh giao phó.
=============
[1] Nguyên văn gọi là “diêm sao”, một loại hối phiếu dùng cho mua bán muối, về sau được sử dụng như một loại tiền tệ. Tống sử, phần Thông hóa chí có ghi: “Hối phiếu muối, mỗi tờ lĩnh 116.5 cân (khoảng gần 60kg) muối, giá 6 quan tiền.”
[2] Nguyên văn gọi là “trà dẫn”, là một loại giấy do quan nha cấp, xuất hiện từ đời Tống, xác nhận số chè sau khi đã đóng thuế, dùng nó làm bằng cứ để được phép lưu thông buôn bán.
3]黎世英,宋代的图书印刷业,《南昌大学学报(社会科学版)》 2000年03期,trang 79.
[4] Miếu cũ thờ Chí thánh Văn Tuyên Vương Khổng Tử vốn ở góc đông nam thành.
[5] Từ thành công của bộ sách, phong trào tư nhân khắc kinh sách phát triển khá rầm rộ sau đó, khiến nhà Tống phải quy định chỉ có triều đình mới có quyền khắc in, ai vi phạm sẽ phạt nặng. Nhưng tất nhiên, những bộ sách triều đình phong kiến Việt Nam xin về qua con đường quan phương đương nhiên phải là những bộ sách được khắc in chính thống.
[6] Lúc này, nhà Tống vẫn chưa công nhận nước ta là một “quốc”, mà vẫn phong Lê Long Đĩnh là “quận vương”. Sách Tống sử, phần Chân Tông bản kỉ, quyển 7, tờ 13b ghi: “Ngày Tân Tị (tức ngày 1 tháng 9 năm 1007), ban cho Long Đĩnh làm Tĩnh hải quân tiết độ, Giao Chỉ quận vương, ban tên là Chí Trung.” (Nguyên văn: 辛巳,以龍廷為靜海軍節度、交阯郡王,賜名至忠 Tân Tị, dĩ Long Đĩnh vi Tĩnh hải quân tiết độ, Giao Chỉ quận vương, tứ danh Chí Trung.)
[7] Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà xuất bản Giáo dục, tập 1 in năm 1998, trang 274

[8]黎世英,《宋代的图书印刷业》,南昌大学学报(社会科学版) 2000年03期,trang 77.
Hà Nội, ngày 1 tháng 1 năm 2014
 (TC Hán Nôm, ISSN- 8066-8639, số 2 (123), 2014, trang 46-52)

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.      (宋)陈公亮、刘文富(重修),《严州图经》, 淳熙十三年(1186).
2.      (宋)李焘.《续资治通鉴长编》北京, 中华书局,1992
3.      (清)徐松辑.《宋会要辑稿》北京, 中华书局,1957
4.      《宋史·真宗本纪第七》,乾隆四年校刊
5.      黎世英,《宋代的图书印刷业》,南昌大学学报(社会科学版) 2000年03期,76-80
6.      汤建华、唐金凤,《宋代州县学的赐《九经》与藏书制度》,江西农业大学学报(社会科学版), 2006年6月,第5卷,第02期,158-159。
7.      徐枫,《论宋代版权意识的形成和特征》,南京大学学报(哲学.人文科学.社会科学版) 1999年03期,151-156
8.      张树栋、庞多益、郑如斯,《中華印刷通史》, 财图法人印刷传播兴才文教基金会出版, 台北, 2004.
9.      《大越史记全书》,kho tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A.3/1-4.
10.  《钦定越史通鉴纲目》,kho tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A.1/1-9.

11.  Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo dục, 1998, tập 1.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020