Văn hóa

Vai trò của gia huấn đối với đạo làm người trong văn hóa Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: Dương Tuấn Anh

Có thể khẳng định, những sách vở xưa cũ này không những vẫn giữ nguyên giá trị của mình trong cuộc sống đương đại, mà còn nhắc nhở chúng ta ý thức cao hơn nữa vai trò giáo dục đạo làm người của mỗi gia đình, dòng tộc.

1. Văn hóa, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân được hình thành từ nhiều yếu tố tác động, từ bản thân, gia đình, cộng đồng cho đến xã hội, trong đó giáo dục của gia đình luôn chiếm một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phải nhấn mạnh điều này, bởi trong xã hội hiện đại ngày nay, với tính “chuyên môn hóa” cao, nhiều bậc sinh thành đã chuyên tâm vào công việc kiếm sống, mà khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường, xã hội. Ngay trong phạm vi gia đình, việc dạy dỗ con cái cũng bị một số phụ huynh giao phó cho gia sư, giúp việc. Đó là một hiện tượng đáng báo động.

Điều này trái ngược với truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt. Văn hóa truyền thống Việt rất coi trọng giáo dục gia đình, và sự xuất hiện các bản gia huấn nhằm giáo dục cho con em cũng là điều dễ hiểu.

2. Gia là nhà, huấn là dạy bảo. Từ nguyên giải thích: Gia huấn, phụ mẫu đích giáo đạo (nghĩa là: Gia huấn là sự chỉ dạy của cha mẹ). Có thể khẳng định, gia huấn trước tiên là những điều răn dạy, chỉ bảo của người bề trên dành cho con cháu trong gia đình. Nhưng nội dung, ý nghĩa, tác dụng giáo dục của gia huấn không chỉ giới hạn trong gia đình, mà còn cả việc phải sống thế nào cho phải đạo trong xã hội, tức là hướng tới đạo làm người nói chung.

Đạo làm người ở đây chính là nói tới những chuẩn mực hành vi, những phẩm chất, những trách nhiệm của con người sống trong cộng đồng (nhỏ là gia đình, dòng tộc, lớn là làng xóm, xã hội, quốc gia...), tức là con người có văn hóa, chứ không phải như một cá thể sinh học thuần túy. Trong xã hội phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo, đạo lí làm người ấy dĩ nhiên không tách rời với quan điểm “tu, tề, trị, bình” đã được các nhà Nho khái quát thành chân lí, thành hằng số văn hóa. Trải qua thời gian, dẫu Nho giáo đã không còn chỗ đứng trên vũ đài chính trị, thì những hằng số văn hóa ấy vẫn chi phối không ít tới những chuẩn mực đạo lí làm người, kể cả trong xã hội đương đại.

3.Gia huấn ra đời trong các gia đình Việt chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia huấn được hình thành ở Trung Quốc. Ngay từ thời cổ đại, truyền thống gia huấn của người Trung Hoa đã sớm được ghi lại trong các sách Thượng thư, Chu Dịch, Thi kinh… Sau đó, hàng trăm bản gia huấn như Nhan thị gia huấn, Tạ thị gia huấn, Chu Tử trị gia cách ngôn,Chu Tử gia huấn… đã tiếp tục khẳng định truyền thống này trong suốt chiều dài lịch sử. Các bản gia huấn này được lưu truyền trong các gia đình, gia tộc, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ răn dạy đạo làm người cho các thành viên trong gia đình, từ trẻ nhỏ cho tới những người đã trưởng thành.

Chẳng hạn, khi giáo dục đạo lí làm người trong ứng xử với người khác, Chu Tử gia huấn viết: Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong (nghĩa là: Làm ơn cho người thì không ghi nhớ, nhận ơn của người thì chớ quên).

Hoặc để rèn nhân cách và hành vi của mỗi cá nhân trong trách nhiệm với gia đình, dòng họ, Chương thị gia huấn viết:

Truyền gia lưỡng tự viết độc dữ canh

Hưng gia lưỡng tự kiệm viết dữ cần

An gia lưỡng tự viết nhượng dữ nhẫn

Phòng gia lưỡng tự viết đạo dữ tặc

Vong gia lưỡng tự viết phiêu dữ đổ

Bại gia lưỡng tự viết bạo dữ hung

Nghĩa là:

Hai chữ truyền lại trong gia đình là đọc sách và làm ruộng

Hai chữ làm hưng thịnh gia đình là tiết kiệm và chăm chỉ

Hai chữ làm yên ổn gia đình là nhường nhịn và nhẫn nại

Hai chữ đề phòng cho gia đình là trộm cướp và giặc

Hai chữ làm mất gia đình là ham gái và cờ bạc

Hai chữ làm tan cửa nát nhà là tàn bạo và hung ác

Có thể thấy, việc lập ra các bản gia huấn là một truyền thống văn hóa vốn không phải của người Việt, nhưng lại chứa nhiều giá trị nhân văn và vô cùng hữu ích, nên được nhiều thế hệ người Việt chủ động và tích cực tiếp nhận.

4. Ở Việt Nam, số lượng lớn các bản gia huấn hiện còn cũng đã nói lên sự quan tâm của tiền nhân trong việc giáo dục đạo lí làm người cho các thành viên trong gia đình. Riêng trong kho tư liệu của Viện nghiên cứu Hán Nôm, hiện nay cũng đã lưu tới khoảng 40 văn bản là các bản gia huấn, như Cư gia khuyến giới của Đặng Xuân Bảng, Cùng đạt gia huấn của Hồ Phi Tích, Cần kiệm vựng biên của Nguyễn Đức Đạt, Bùi gia huấn hài của Bùi Dương Lịch, Châu Xuyên gia huấn của Bùi Tử Lạc, Huấn nữ diễn âm ca của Nguyễn Đình Thiết…. Ngoài ra, lưu tồn trong dân gian vẫn còn hàng trăm bản gia huấn khác nữa. Có gia đình đã phiên hoặc dịch ra quốc ngữ để răn dạy con cháu. Có gia đình mới chỉ dừng lại ở mức độ lưu giữ, mà chưa phát huy được tác dụng của tài sản văn hóa quý báu do tổ tiên truyền lại.

Mỗi cuốn gia huấn có nét riêng: có cuốn là trước tác, nhưng cũng có cuốn chỉ là tuyển từ lời của tiền nhân; cuốn được viết chung cho mọi thành viên trong gia đình, cuốn lại được viết riêng cho một đối tượng cụ thể trong gia đình (dạy con, dạy con gái…); cuốn viết bằng chữ Hán, cuốn lại viết bằng chữ Nôm; cuốn viết bằng văn vần, cuốn thì viết bằng văn xuôi…. Nhưng tựu chung lại, các bản gia huấn này vẫn tập trung vào giáo dục đạo làm người với bốn nội dung chính là: Tu thân cho đúng lễ giáo; Xử thế cho thấu lí đạt tình; Củng cố các mối quan hệ gia đình, dòng tộc; Có trách nhiệm với xã hội, đất nước.

4.1. Tu thân cho đúng lễ giáo: Đây là một nội dung then chốt của các bản gia huấn. Về vấn đề này, gia huấn họ Lê Nho viết: Thông minh thánh trí bất dĩ cùng nhântề cấp tốc thông bất dĩ tiên nhân, cương nghị dũng cảm bất dĩ thương nhân (nghĩa là: Thông minh sáng suốt không phải để đẩy người khác đến chỗ đường cùng, vội vã mau chóng không phải để vượt người khác, mạnh mẽ dũng cảm không phải để làm tổn thương người khác.)

Bùi Huy Bích trong cuốn Hành tham quan gia huấn khi dạy con gái rất chú trọng trau dồi tứ đức:

Gái thời học nghiệp cửi canh,

Trong việc gia đình dậy sớm thức khuya.

Làm ăn thu vén việc nề.

Giữ giàng danh tiết mọi bề sạch trong.

Vui lòng nức tắc, nữ công,

Kiệm cần đôi chữ tấc lòng chớ sai.

Giáo dục con gái làm vợ, Cổ huấn nữ ca có lời căn dặn:

Kiên trinh hai chữ là đầu,

Đá trơ trơ vững, gương lầu lầu trong

4.2. Củng cố các mối quan hệ gia đình, dòng tộc: Các quan hệ thân tộc đương nhiên được gắn kết bởi huyết thống hoặc hôn nhân, nhưng vẫn luôn cần được chăm sóc, gìn giữ thì mới được tốt đẹp, bền vững. Các mối quan hệ trong gia đình phong phú, đa dạng, nhưng nhất nhất không được sơ xuất bất cứ mối quan hệ nào, từ quan hệ anh em, vợ chồng, cha mẹ với con cái, cho tới những mối quan hệ khác.

Đối với việc phụng dưỡng cha mẹ, Xuân đình gia huấn viết:

Sự thân cho phải hết nghì,

Sinh dưỡng, tử sự mới nên con người.

Xuân huyên trăm tuổi tốt tươi,

Đạo thời phải giữ dưỡng nuôi hết lòng.

Anh em trong nhà phải biết kính trên nhường dưới, giữ nếp thuận hòa: Huynh đệ nãi phụ mẫu chi thể giã. Đệ nghi đốc kính kỳ huynh, huynh nghi thân ái kỳ đệ. Vật dĩ điền sản nhi tranh tụng, chí ư cốt nhục tương tàn. Vật dĩ bần phú nhi sơ ly chí ư thư túc thư bất cố. (nghĩa là: Anh em cùng mẹ đẻ ra. Em nên hết lòng kính trọng anh. Anh nên thương yêu em. Không nên vì ruộng vườn, tài sản mà tranh giành, kiện tụng lẫn nhau dẫn đến cốt nhục tương tàn. Không nên vì giàu nghèo mà chia rẽ dẫn đến anh em không được gần nhau).

Khi dạy người con gái trong gia đình, cuốn Nữ huấn tam tự thư viết:

Ấu tại gia sự phụ mẫu

Xuất giá hậu sự công cô

Tất hiếu thành, tất kính lễ.

(Lúc bé ở nhà thì phụng sự cha mẹ,

Khi lấy chồng phụng sự cha mẹ chồng,

Tất phải có hiếu, thành thực, tất phải kính lễ)

Gia huấn họ Lê Nho còn nhắc nhở nhiệm vụ của con cháu phải biết trân trọng tổ tiên: Tiên tri tổ tiên húy danh nhi kị chi. Thứ tri phần mộ nhi thủ chi (nghĩa là: Trước tiên phải biết tên húy của tổ tiên mà kiêng tránh. Thứ đến là phải biết phần mộ mà giữ gìn).

4.3. Xử thế cho thấu lí đạt tình: Con người không sống một mình, cũng không chỉ có người trong gia đình mà còn có hàng xóm láng giềng và bao người khác. Vì thế mỗi người cần xử lí tốt các mối quan hệ ấy để cùng chung sống.

Coi trọng hòa khí, Gia giáo ngâm của họ Lê Doãn dùng thơ Nôm lối song thất lục bát căn dặn con cháu:

Không mê tín đam mê cờ bạc

Nỗi bất bình bàn bạc trong nhà

Không nên kiện tụng gần xa

Tình duyên bất chính cũng là phải không.

Cuốn Thái thị gia huấn khuyên răn cách xử thế ở đời: Xử thế tu yếu khiêm, cung, hòa khí. Khiêm tắc năng hạ nhân. Dịch viết: Khiêm thụ ích. Cung tắc năng kính nhân. Mạnh Tử viết: Kính nhân giả, nhân hằng kính chi. Hòa khí tắc túc dĩ cảm nhân, như xuân phong hòa húc, vạn vật phát sinh, lệnh nhân khả ái, thụ nạp mãn đường chi cát khánh. (nghĩa là: Xử thế cần khiêm, cung, hòa khí. Khiêm thì mới có thể nhún nhường với người khác. Kinh Dịch có câu: Khiêm nhường thì hưởng lợi. Cung thì mới có thể kính trọng người khác. Mạnh Tử nói: Kính trọng người khác thì luôn được người khác kính trọng. Hòa khí thì đủ để cảm hóa con người, như gió xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi, khiến người yêu mến, nhận được may mắn đầy nhà).

Sách này cũng dạy cách ứng xử, chung sống với xóm giềng như sau: Vô nhân gia bất hữu lân hương, cận đích vi cận lân, viễn đích vi viễn lân. Hữu đồng tính chi hương lân, hữu dị tính chi hương lân, triêu tịch tương kiến, xuất nhập tương tùy, như thần như xỉ, bỉ thử tương y(nghĩa là: Không một nhà nào không có hàng xóm, gần thì gọi là hàng xóm gần, xa thì gọi là hàng xóm xa. Có hàng xóm cùng họ, sáng tối gặp nhau, ra vào gặp nhau, như môi như răng, người này người kia dựa vào nhau).

Trong đối nhân xử thế, ngay đối với người ở, con đòi cũng cần có thái độ yêu thương, trân trọng:

Đến như đứa ở con hầu

Khó hèn nó mới đem đầu làm tôi

Bát cơm đổi bát mồ hôi

Lỡ nào đánh lấp, chửi vùi cho đương

Ngày đêm giãi nắng cùng sương

Nghĩ khi khó nhọc phải thương cho cùng

Thịt da không phải sắt đồng

Dẫu tay roi vọt cũng lòng từ nhân…

4.4. Có trách nhiệm với xã hội, đất nước: Gia huấn giáo dục các thành viên trong gia đình, không quên trách nhiêm của mỗi thành viên với xã hội, đất nước. Cuốn Lê tộc phả ký có những lời răn dạy dành cho con trai: Phàm thế gia, vi nam tử giả, nghi đôn học nghiệp, chuyên tâm trí ý, bất hoặc tha kỳ, kỳ dĩ văn chương hiển danh ư thế. Vinh hoa tự hữu thời, an ư sở ngộ, gián hoặc giáo dụ hậu nhân, tắc nghi tâm chí bất quyện. Thời nhi đăng khoa hiển sĩ, tắc thủ sản cần bất vong, như thử quang ánh tổ tông, bất vi gia huấn. Vạn nhất hữu mỗ nhân hoặc bất thành công danh ư học nghiệp, nghi cần lực ư nông mẫu(nghĩa là: Thông thường trong gia đình gia thế, làm người con trai nên chú trọng vào nghiệp học, chuyên tâm dốc chí, không được phân vân khác ý, lấy văn chương hiển danh với đời. Vinh hoa tự có thời điểm, khi đến sẽ đến, việc dạy bảo con cháu phải dốc lòng, không biết mệt mỏi. Khi đỗ đạt làm quan, thì giữ lấy sản nghiệp, chăm chỉ không quên, như vậy sẽ làm rạng rỡ tổ tông, không làm trái với gia huấn. Nếu lỡ có ai không thành danh ở trong nghiệp học, nên dốc sức vào nghề nông).

Gia huấn học Lê Nho cũng nhắc nhở con cháu sống có trách nhiệm với xã hội, cũng chính là có trách nhiệm với dòng tộc: Cư quan giả vưu năng thủ thanh thận cần vi tiên. Vi sĩ giả vưnăng thủ cần công nhẫn vi quý. Như thị tắc sĩ giả phục cựuy quán chủng tước phủ miệncông quang tổ tôngcông thùy hậu duệ, phúc tộ lưtử tôn. Thiên lộkỳ vĩnh chung khả bấ cẩn tai? (nghĩa là: Người làm quan phải giữ điều trong sạch, thận trọng, chăm chỉ làm đầu. Kẻ có học phải giữ điều chăm chỉ, công bằng, nhẫn nại làm quý. Thế thì người làm quan sẽ theo lối xưa, mặc áo đội mũ theo gót quan lớn, lập công làm rạng rỡ tổ tông, công quả truyền cho hậu thế, phúc lộc lưu lại cho cháu con).

5. Những điều dạy bảo trong gia huấn cũng chính là những nội dung mà xã hội hiện đại của chúng ta vẫn đang hướng tới trong đạo làm người. Có thể khẳng định, những sách vở xưa cũ này không những vẫn giữ nguyên giá trị của mình trong cuộc sống đương đại, mà còn nhắc nhở chúng ta ý thức cao hơn nữa vai trò giáo dục đạo làm người của mỗi gia đình, dòng tộc.

Sự nghiệp giáo dục con người cần sự chung sức của tất cả các thành phần xã hội, trong đó giáo dục trong gia đình cần được xem là nền tảng căn bản. Điều này sẽ góp phần tích cực cho sự nghiệp giáo dục hôm nay, để bồi dưỡng cho đất nước thêm nhiều con người sáng đức, lớn tài.

Hà Nội, 31.3.2013

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Bùi Huy Bích: Hành tham quan gia huấn diễn âm (行參官家訓演音), mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm AB.108

  2. Đặng Thị Vân Chi: Gia huấn, Nữ huấn và giáo dục phụ nữ dưới thời phong kiến qua một số tác phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng, Việt Nam học và Tiếng Việt - Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, 2011, từ trang 31 đến trang 43.

  3. Phạm Vân Dung: Về tác giả một bài Nữ huấn, Thông báo Hán Nôm học, 1998.

  4. Lê Trần Hiệu: Lê tộc phả ký (黎 族 譜 記), mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm A.2807

  5. Châu Xuyên Tử (Bùi Tử Lạc): Châu Xuyên gia huấn (珠川家訓), mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm VHv.2018

  6. Nữ huấn tam tự thư (女訓三字書)mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm AB.22

  7. Thái thị gia huấn (蔡氏家訓)mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm VHv.2832

  8. Xuân đình gia huấn (春亭家訓)mã số kho tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm VHv.13

  9. Triệu Trung Tâm: Gia đình giáo dục, Trung ương quảng bá điện thị đại học xuất bản xã, 1989 (tiếng Trung)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020