Thực tế, xu hướng thế tục hóa cũng đã từng diễn biến trong thế kỉ XIII, XIV ở Trung Quốc, nhưng chưa khi nào khoảng cách giữa “Đạo” và đời lại trở nên gần gũi như Phật giáo ở Việt Nam tại thời điểm ấy.
1. Tôn giáo là triết học, tự thân nó không thể ra đời trong dân gian mà thiếu đi sự đóng góp trí tuệ của trí thức. Nhưng sự tồn tại, lưu truyền của tôn giáo không thể bó hẹp trong một nhóm nhỏ, mà tách rời đời sống dân gian, xã hội thế tục. Tôn giáo chỉ có thể có được nền tảng để tồn tại, lưu truyền khi được sự ngưỡng vọng và đi theo của con người thế tục.
Vậy làm thế nào để khiến những con người còn phải gánh trên vai bao gánh nặng của cuộc sống đời thường sẵn sàng dành tâm trí, sức lực để ngưỡng vọng và đi theo tôn giáo ấy? Nếu không tạo ra được một sức hấp dẫn đủ lớn, vừa tầm với, và một con đường đủ gần lại không quá chông gai thì không dễ gì tôn giáo ấy được quảng đại người dân đi theo.
2. Nếu tư tưởng Nho giáo hướng vào các vấn đề mang tính ràng buộc con người như luân lí, chính trị, tức là những nội dung mang tính xã hội…, thì Phật giáo lại quan tâm tới sự giải thoát cho con người, tức là những nội dung mang tính cá nhân. Do đó, Phật giáo giúp giải quyết những vấn đề mang tính cá nhân, ở bên trong của mỗi con người – những vấn đề do áp lực cuộc sống bên ngoài vây khốn mỗi cá nhân. Vì thế, Phật giáo đương nhiên có sức hấp dẫn riêng của nó.
Đến với Phật giáo, nhiều người mong con đường đắc đạo thành Phật là con đường giải thoát cho họ, là cảnh giới tối cao họ khát khao vươn tới. Nhưng thành Phật đâu có dễ, phải tu trải qua hằng hà sa số kiếp mới thành được. Theo quan niệm của nhà Phật, muốn thành Phật phải trải qua rất nhiều tầng bậc tu chứng: Tứ gia hạnh (Rời xa tà kiến. Xoay tâm ý, tư tưởng dần vào chân lý: vô thường, vôngã, bất tịnh, tứ đế, để nhận chân được các tính cách vô thường, vô ngã, bất tịnh, không thật v.v...của cuộc đời), Tu đà hoàn (Ở quả vị này, ý thức đã sáng suốt, không còn bị mê lầm nữa, song thất thức còn chấp ngã, nên phải trở lại trong cõi Dục,nhiều nhất là bảy phen sinh tử nữa, mới gọt sạch các kiết sử phiền não thầm kín, nằm nép trong tâm thức, và chứng quả A La Hán), Tư đà hàm (Một lần ở cõi Dục để tu hành dứt sạch mê lầm tiến đến A la hán), A Na Hàm (là Bất lai, nghĩa là không trở lại cõi Dục nữa. Ðến địa vị A Na Hàm này những mê lầm ấy không còn nữa, nên không bị tái sinh ở đấy nữa, trừ trường hợp phát nguyện trở lại cõi này để độ sinh. Vẫn còn mang trong mình những mê lầm vi tế của hai cõi Sắc và Vô sắc), A La Hán (Ðây là quả vị cao nhất, trong Thanh Văn Thừa. Tiếng Hán dịch có ba nghĩa: 1. Ứng cúng: Vị này có phước đức hoàn toàn, trí huệ hơn cả, đáng làm nơi phước điền cho chúng sinh cúng dường. 2. Phá ác: Vị này đã phá tan những nhiền não tội ác, không còn bị chúng khuấy phá sai sử trói vuộv nữa. 3. Vô sinh: Vị này không còn bị xoay vần trong sinh tử luân hồi nữa, vì đã phá trừ được phiền não là yếu tố của sinh tử luân hồi.), Bồ Tát (Chư Bồ Tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ-đề và giữ Bồ Tát hạnh nguyện. Hành trình tu học của Bồ Tát theo kinh Hoa Nghiêm thì có 52 quả vị gồm Thập Tính, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập địa và hai quả vị cuối cùng là Đẳng giác và Diệu giác. Sau khi vị Bồ Tát Niết Bàn thì hằng hà sa số đời sau, Ngài xuất thế và trở thành một vị Phật – bậc Chánh Đẳng Chánh Giác).
Thoạt nghe thôi, mục tiêu thành Phật đã trở thành một lí tưởng xa vời, không biết kiếp nào mới với tới.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thuyết phục rằng con đường thành Phật không hề xa vời như vậy, mà nó nằm ngay trong mỗi con người, nằm ngay trong cuộc sống đời thường. Con người ta có thể giải thoát mà chẳng cần tìm tới Tây phương hay chốn Cực lạc:
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về Cực lạc[1]
Cái được gọi là là “lòng trong sạch”, “tính sáng” chính là Thiền tâm. Khái niệm Thiền tâm được các nhà lí luận Phật giáo kiến giải bằng những cảm nhận triết học cao siêu. Nhưng đưa đến với đời, khái niệm ấy lại được Phật hoàng giải thích rất giản dị bằng những tên gọi khác như “nết”, “lòng”, “tính sáng”.... Nên sự đắc đạo chẳng phải đâu xa, Phật cũng chẳng ở đâu xa:
Bụt ở cong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.[2]
“Bụt ở cong nhà” chính là Phật ở trong nhà, và khi “cốc” (hiểu biết) được điều đó thì Phật chính là ta. Vậy thì con đường thành Phật xa vời hóa ra lại rất gần. Điều đó khiến người mong muốn đắc đạo không phải nản lòng, e sợ, và để đạt được điều đó cũng không cần phải trải qua một con đường quá chông gai.
Ngay việc sử dụng Thiền tông, một tông phái coi trọng tính chất Đốn ngộ, nghĩa là giác ngộ ngay tức khắc, chứ không sa đà vào những tông phái mang nặng tính lí luận hay giáo lí, cũng đã cho thấy Phật hoàng đã giữ quan điểm con đường thành Phật không hề quá xa, có thể trong khoảnh khắc chứng ngộ mà đạt được.
3. Như trên đã trình bày, muốn đắc đạo thành Phật không hề đơn giản, phải qua nhiều tầng bậc tu chứng, qua nhiều kiếp tu luyện nghiêm cẩn, đó là chưa kể còn cần đến cả sự may mắn mới có thể đạt được. Nhưng trong hai tác phẩm nổi tiếng Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca để lại cho đời, Phật hoàng đã hướng dẫn người tu theo đạo Phật con đường để đạt đạo đơn giản hơn rất nhiều. Điều quan trọng miễn là có sự thành thực một lòng tu đạo:
Miễn cốc một lòng;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết Chân như, tin Bát-nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông;
Chứng thật tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.[3]
Sự tu chứng chẳng cần phải chuyên tâm tới mức xa lánh cuộc đời để toàn tâm toàn ý hướng tới mục đích cuối cùng. Người tu hành có thể tu hành ở bất cứ đâu:
Mình ngồi thành thị;
Nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính;
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.
Ấy là bởi vì sự viên mãn không nằm ở cuối con đường tu chứng, mà nó nằm ngay trên mỗi bước đường đi. Cho dù sống giữa nơi thành thị hay giữa chốn “lâm tuyền”, việc đạt đạo vẫn có thể thực hiện được, bởi đạt đạo được hiểu là “lạc đạo”. Miễn “lạc đạo” là chứng đắc được sự viên mãn, nào cần phải đi tới cuối con đường, đi tới cảnh giới thành Phật mới có được chứng đắc ấy. Nên kết thúc tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, tác phẩm viết khi Ngài còn làm vua, Phật hoàng kết luận:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Dịch thơ:
Ở trần vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.)
Còn kết thúc bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, tác phẩm được Ngài viết khi đã lui về chốn sơn lâm, lánh xa nơi kinh kì đô hội, Phật hoàng cũng khẳng định:
Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim).[4]
(Dịch thơ:
Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.
Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.)
Dù tu chứng ở nơi nào, sự viên mãn vẫn chỉ có một. Đó là chứng đắc được cái tâm Thiền (Thiền tâm), trạng thái tinh thần có được trên nền tảng trí tuệ, là cảnh giới thanh tĩnh bình yên tiêu dao tự tại của lòng người khi nhận thức được đúng đắn bản ý chân thực của vũ trụ, quy luật của tự nhiên.
4. Những khái niệm cao siêu được lí giải thật giản dị; những lí tưởng cao vời lại hiển hiện ngay trong những điều rất gần gũi; những mục tiêu ngỡ nằm ở cuối con đường xa lắc và chông gai hóa ra có thể đạt được mà chẳng phải đi đâu xa. Có thể nói, xu hướng thế tục hóa đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông cụ thể hóa cao độ trong sự phát triển của Phật giáo tại nước ta, kéo khoảng cách giữa “Đạo” và đời xích lại gần nhau.
Thực tế, xu hướng thế tục hóa cũng đã từng diễn biến trong thế kỉ XIII, XIV ở Trung Quốc, nhưng chưa khi nào khoảng cách giữa “Đạo” và đời lại trở nên gần gũi như Phật giáo ở Việt Nam tại thời điểm ấy.
Khi đó, đất nước ta tiến gần hơn bao giờ hết tới hình ảnh một nhà nước tôn giáo, nhưng rút cục vẫn là một triều đình thế tục. Bởi triều đình ấy không lôi kéo hay ép buộc người dân phải khấn khứa cung phụng cho cái lí tưởng tối cao của tôn giáo đó, mà trái lại, đem cái lí tưởng cao đẹp của tôn giáo đó phụng sự cho người dân, giúp họ thoát khỏi khốn cảnh bằng cách hướng dẫn họ tự giải quyết vấn đề của bản thân từ sự nhận thức bên trong – “Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”.
Đồng thời, cái lí tưởng cao đẹp ấy đã trở thành mẫu số chung, là sợi dây vô hình quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, vừa tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước luôn trong tình trạng bị kẻ thù dòm ngó, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh.
16/11/2011
[1] Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ hai. Các dẫn chứng ở đây đều dẫn theo bản rập ván khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm cuốn Yên Tử nhật trình hiện lưu tại kho mộc bản chủa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.
[2] Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ năm.
[3] Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ tư.
[4] Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, dẫn theo bản rập ván khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm cuốn Yên Tử nhật trình hiện lưu tại kho mộc bản chủa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang