Nước ta, sử xưa lưu lại được rất ít, lại thiếu tài liệu để đối chiếu, bổ sung, tham bác, chính sử nhiều chỗ lại ghi chép theo lối “tường trung lược ngoại”, nếu không có những nguồn sử liệu khác để đối chiếu thì cũng dễ bị sai sót.
1. Trương Kính Tâm là một học giả, một nhà chính trị - quân sự có mối quan tâm đặc biệt với phương nam. Từ điển nhân vật lịch sử Trung Quốc giới thiệu ngắn gọn về ông như sau: “Trương Kính Tâm (張鏡心, 1590—1656), sống cuối đời Minh, đầu đời Thanh, người đất Từ Châu, Trực Lệ, tên chữ là Hiếu Trọng, hiệu Kham Hư, cuối đời lấy hiệu là Hối Thần, tự xưng là Vân Ẩn Cư Sĩ. Năm Thiên Khải thứ 2 đời nhà Minh (1622), ông đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, rồi về chịu tang mẹ. Triều đình Hoằng Quang nhà Nam Minh dùng Mã Sĩ Anh, Nguyễn Đại Thành, ông bèn lánh đi. Năm Thuận Trị nhà Thanh, triều đình nhiều lần vời ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Khi về già, ông đóng cửa chú Kinh Dịch, có cuốn Dịch kinh tăng chú.”[1]
Thực tế, tổ tiên ông người đất Tương Viên (nay thuộc huyện Tương Viên, nằm ở phía đông nam tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), sau mới chuyển tới đất Từ Châu (nay là huyện Từ, nằm cực nam của tỉn Hà Bắc, Trung Quốc). Cha của ông là Trương Nhân Thanh, được phong làm Thông nghị đại phu Binh bộ Tả thị lang. Mẹ là người họ Hứa[2]. Kể từ cha của ông, gia đình ông liên tiếp bốn đời có người đỗ Tiến sĩ, nhiều người làm quan lớn, được người đời xưng tụng là “nhất môn ngũ hoạn tứ Tiến sĩ” (một nhà có năm người làm quan lớn, bốn đời đỗ Tiến sĩ). Góp vào sự nghiệp vẻ vang ấy của gia tộc, đương nhiên có Trương Kính Tâm.
Người Trung Quốc nhắc nhiều đến ông với một loại trà nhờ thơ ông mà thành danh. Cuối đời Minh, một lần tới thăm huyện Đào Nguyên, ông đã cảm tác bài thơ, đặt tiêu đề Đào Nguyên động lục tuyệt[3]. Thơ rằng:
八月桃花不見花,沿溪何處覓漁槎
山容淡蕩惟秋水,流向人間作野茶
Bát nguyệt đào hoa bất kiến hoa, duyên khê hà xứ mịch ngư tra
Sơn dung đạm đãng duy thu thủy, lưu hướng nhân gian tác dã trà
(Tạm dịch: Tháng Tám hoa đào chưa thấy trổ hoa, men theo dòng suối biết tìm bè đánh cá chốn nào, hình núi in mờ trên mênh mang mặt nước mùa thu, chảy hướng tới nhân gian để làm nên loại trà dân dã)
Hai chữ “dã trà” sau đó đã làm thành tên “dã trà vương” cho trà nơi đây, khiến nó nổi danh từ đó tới nay.
Nhưng công tích của ông lại chủ yếu ở lĩnh vực chính trị - quân sự. Sau khi đỗ Tiến sĩ (1622), ông bắt đầu ra làm Tri huyện huyện Tiêu[4], rồi trải qua nhiều chức vụ, phẩm cấp khác nhau: Tri huyện huyện Định Viễn, Tri huyện huyện Thái Hưng, Lại khoa cấp sự trung[5], Lễ khoa hữu cấp sự trung[6], Lễ khoa tả cấp sự trung[7], Thái thường tự thiếu khanh, Đại lí tự thiếu khanh, Nam Kinh Quang lộc tự khanh, Binh bộ Tả thị lang kiêm Hữu phó Đô ngự sử Tổng đốc Lưỡng Quảng quân vụ, Đại tư mã, Binh bộ Tả thị lang Tổng đốc Tô Liêu[8] quân vụ, Binh bộ Thượng thư[9]... Không khó để nhận ra hầu hết các chức vụ ông đảm nhận đều ở lĩnh vực này. Dưới đây là niên biểu cuộc đời ông:
Thời gian
|
Sự kiện
|
1590
|
Sinh tại Từ Châu (nay là huyện Từ, tỉnh Hà Bắc)
|
1622
|
Đỗ Tiến sĩ
|
1622 - 1629
|
Nhậm chức Tri huyện huyện Tiêu, rồi chuyển sang Tri huyện huyện Định Viễn, Tri huyện huyện Thái Hưng
|
1629
|
Thăng chức Lại khoa cấp sự trung
|
1631
|
Thăng chức Lễ khoa hữu cấp sự trung
|
1632
|
Nhậm chức Lễ khoa Tả cấp sự trung
|
1637
|
Nhậm chức Tổng đốc Lưỡng Quảng
|
1641
|
Cho tu sửa thành Triệu Khánh[10]
Cho xây Duyệt giang lầu[11]
|
12/1641
|
Chuyển về đảm nhiệm chức vụ Binh bộ Tả thị lang
|
4/1642
|
Đảm nhiệm chức Tổng đốc Tô Liêu quân vụ kiêm Binh bộ Thượng thư.
|
1645
|
Từ chức, lui về ẩn cư, viết sách
|
1656
|
Mất tại Từ Châu
|
Hoàng đế nhà Mãn Thanh muốn vời ông ra làm quan, bèn phái sứ thần tu sửa mộ cho cha của ông, nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối không ra làm quan. Sau khi từ quan, ông kết thâm tình với Nghê Nguyên Lộ (một bậc đại Nho, Hàn lâm viện Đại học sĩ), Phạm Cảnh Văn (hí kịch tác gia), Tôn Kì Phùng (một bậc đại sư về Lí học), Hoàng Đạo Chu (thư họa gia), Vương Đạc (một thư họa gia nổi tiếng, cũng là người làm Lễ bộ Thượng thư cho cả hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh). Những người này có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng và các trước tác của ông.
Dẫu là một vị quan chuyên làm việc quân sự, Trương Kính Tâm vẫn mang trong mình cốt cách của một trí thức. Ông viết nhiều sách vở gồm cả thơ ca, bi kí, lịch sử, triết học... Tác phẩm của ông hiện còn lưu giữ được khá nhiều: Dịch kinh tăng chú (易經增註), Vân Ẩn đường tập (雲隱堂集), Ngự Giao kỉ (馭交紀), Bài minh Vương Văn An thần đạo bi (王文安公神道碑銘) làm văn bia cho Vương Đạc sau khi ông này mất, bài tựa cho cuốn Hạ Phong tiên sinh tập của Tôn Kì Phùng.
Do kết giao nhiều với giới trí thức, nên ông cũng có nhiều thơ sướng họa với họ, chẳng hạn Thân Hàm Quang (thủ lĩnh của Hà sóc thi phái[12]) có bài Yết Trương Thượng thư Kham Hư tiên sinh, Trương Cái (một thi nhân tiêu biểu của Hà sóc thi phái) có bài Cửu nhật đồng Ân Tông Sơn đăng Huyền Hồ phỏng Trương Kham Hư tiên sinh.
2. Có thể thấy, trong quãng đời 24 năm bôn ba gánh vác công việc của triều đình nhà Minh, Trương Kính Tâm đã có 5 năm (1637 - 1641) gắn bó với mảnh đất Lưỡng Quảng, tiếp giáp với nước ta, cũng là một phần của đất Giao Chỉ xưa. Đó là khoảng thời gian quan trọng dẫn tới sự ra đới cuốn Ngự Giao kỉ, một cuốn sách lưu giữ nhiều nội dung lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội... của nước ta.
Về nguồn gốc ra đời Ngự Giao kỉ (Những ghi chép theo năm tháng về việc chế ngự đất Giao Chỉ), không rõ sách ra đời khi nào, chỉ biết thời gian cuối cùng ghi lại trong sách là tháng 6 năm 1638. Sách Quốc triều kì hiến loại trưng sơ biên đời Thanh cũng có ghi về việc Trương Kính Tâm viết sách này như sau: “Họ Lê với họ Mạc ở An Nam gây chiến, ông (Trương Kính Tâm) dâng lời: Bậc đế vương phải “tường trung lược ngoại”[13], lúc này nên gìn giữ thận trọng quan ải, duy trì cả hai phe khiến chúng (tranh chấp mà) yếu đi. Tuần phủ Quảng Tây là Lâm Chí xin giữ họ Mạc mà tính trừ họ Lê, đã có ý chỉ báo được. Ông nói: Đạo lí chế ngự kẻ ngoài phải hết sức tỏ ra thành thực. Họ Lê vào triều cống mà lại tuyệt đường họ thì chẳng thể yên ủi được người ở xa vậy. Nhân đó, ông tập hợp thành sách cuốn Ngự Giao kỉ gồm 22 quyển[14] dâng lên. Thiên tử cho là phải bèn ban sắc cho ông tùy nghi hành sự, tất cả đều theo lời ông mà định đoạt”[15] (nguyên văn: 安南黎莫搆兵,公上言帝王詳內略外,當慎守關隘,兩存而弱之。廣西巡撫林贄請存莫圖黎, 已有旨報可。公謂:制外之道,宜彰大信。黎入貢而絕之,非所以懷遠人也。因輯馭交紀二十二卷以進。天子以為然敕公便宜從事,卒如公言而定。An Nam Lê Mạc cấu binh, công thượng ngôn: Đế vương tường nội lược ngoại, đương thận thủ quan ải, lưỡng, tồn nhi nhược chi. Quảng Tây Tuần phủ Lâm Chí thỉnh tồn Mạc đồ Lê, dĩ hữu, chỉ báo khả. Công vị: Chế ngoại chi đạo, nghi chương đại tín Lê nhập cống nhi tuyệt chi, phi sở dĩ hoài viễn nhân dã. Nhân tập “Ngự Giao kỉ” nhị thập nhị quyển dĩ tiến. Thiên tử dĩ vi nhiên sắc công tiện nghi tòng sự, tốt như công ngôn nhi định.) Chức Tổng đốc Lưỡng Quảng và chức Tuần phủ Quảng Tây có địa vị tương đương nhau, cùng có thể dâng tấu tranh nghị. Vả lại, khi chưa được giao trách nhiệm Tổng đốc Lưỡng Quảng, chắc chắn mối quan tâm của Trương Kính Tâm phải dành cho công việc mà ông theo đuổi ở những địa phương khác. Cho nên có thể khẳng định sách Ngự Giao kỉ được hoàn thành trong thời gian ông làm Tổng đốc Lưỡng Quảng (1637 - 1641)
Sách có một bản được Ngũ Sùng Diệu tập hợp khắc chung trong bộ Việt nhã đường tùng thư (粵雅堂叢書) trong thời nhà Thanh (khoảng 1850 - 1875). Năm Dân quốc thứ 24 (1935), Thương vụ ấn thư quán xuất bản lại sách này dưới hình thức bản đánh máy, in chung trong bộ Tùng thư tập thành, chia sách làm 2 tập (tập 1 gồm 5 quyển đầu, tập 2 gồm 7 quyển cuối), nói rõ là dựa theo bản Việt nhã đường tùng thư. Năm 1985, Trung Hoa thư cục lại in lại sách này trong bộ Tùng thư tập thành, cũng chia sách làm 2 tập tương tự như trên, cũng khẳng định là dựa theo bản Việt nhã đường tùng thư. Nội dung, chữ nghĩa của các bản là thống nhất. Như vậy, sách gồm 12 quyển, chứ không phải 22 quyển như sách Quốc triều kì hiến loại trưng sơ biên ghi lầm.
3. Nội dung sách là những biên khảo của Trương Kính Tâm dựa vào sử sách cũ, cũng có những ghi chép, nhận định cá nhân của ông về các sự kiện, nhân vật... của nước ta từ thời sơ sử tới năm 1638. Khi ấy, cuộc chiến giữa hai họ Lê, Mạc đã kéo dài, nên nhiều viên quan đã dâng tấu để triều đình nhà Minh có đối sách với nước ta như Tuần phủ Quảng Tây Trần Đại Khoa, Tuần phủ Quảng Tây Lâm Chí, Cấp sự trung khoa binh Trương Tấn Ngạn.... Trương Kinh Tâm muốn khẳng định sự hiểu biết đầy đủ của mình bằng cái nhìn tổng hợp và xuyên suốt lịch sử nước ta, từ đó thuyết phục vua nhà Minh nghe theo lời tấu của ông trong ứng xử với hai họ Lê, Mạc.
4. Với cái nhìn của viên quan “nước lớn”, Trương Kinh Tâm không tránh khỏi có những nhận định kênh kiệu, mang tính kì thị đối với nước ta. Chẳng hạn, ngay đầu cuốn sách, giải thích về danh xưng Giao Chỉ, Trương Kính Tâm đã lấy lễ giáo Hán Nho làm chuẩn đánh giá văn hóa người Việt khi mượn lời sách Lễ kí và Hậu Hán thư viết: “Nam nữ cùng tắm trên sông, nên gọi tên là Giao Chỉ[16]” (nguyên văn: 男女同川而浴, 故曰交阯Nam nữ đồng xuyên nhi dục cố viết Giao Chỉ), rồi chê bai một câu khá phổ biến vào thời Minh rằng: “Bọn dân phương nam ở lẫn lộn, chẳng biết gì lễ nghĩa” (nguyên văn: 夷獠雜居,不知禮義 Di Liệu tạp cư, bất tri lễ nghĩa.).
Lợi dụng sự suy yếu của đất nước khi nội chiến Lê – Mạc, Trương Kính Tâm cũng đắc ý khi khiến người thống trị ở phương nam phải hàng phục nhận chức như một viên quan tầm thường trong triều đình phương bắc: “Uy đức của vua (nhà Minh) trùm khắp, bèn đem đất ấy chia ra mà cai quản, khiến cho phải nhận chức quan của người Hán mà họ Mạc còn phải trói mình đi chân không chịu tội, không dám ngước lên nhìn. Cái công tích lúc ấy mới vẻ vang làm sao. Từ đó người Trung nguyên chế ngự người rợ, khiến cho biết ngước lên chịu nghe lệnh, cái lễ thì giữ được mà công lao được bền lâu. Lê, Mạc là hai họ khác nhau, đều muốn mượn danh hiệu của thượng quốc để ép buộc người dưới. Thực là cảnh vật xứ Man Di mà vẫn có cái tôn nghiêm của thiên triều vậy.”[17] (nguyên văn: 肅皇威德遐被遂舉其土地分制之俾受漢官而莫且縛跣伏罪無敢仰視。一時之功何耀耀也。夫中夏馭戎俾知仰命斯禮存而功可久。黎莫易姓皆欲借上國名號以懾束其部夷景天朝尊也Túc hoàng uy đức hà bị, toại cử kỳ thổ địa phân chế chi, tỉ thụ Hán quan nhi Mạc thả phọc tiển phục tội vô cảm ngưỡng thị. Nhất thời chi công hà diệu diệu dã. Phù trung hạ ngự nhung, tỉ tri ngưỡng mệnh tư lễ tồn nhi công khả cửu. Lê Mạc dị tính, giai dục tá thượng quốc danh hiệu dĩ nhiếp thúc kì bộ. Di cảnh thiên triều tôn dã). Ngay tên sách Ngự Giao kỉ cũng đã ít nhiều thể hiện thái độ “bề trên” ấy.
Họa cùng một giọng điệu đắc ý kênh kiệu đó còn có một số trí thức đương khác, chẳng hạn Mao Nguyên Nghi trong Thạch dân tứ thập tập[18], âu cũng là cái tâm thế của một thời mà nguyên nhân bởi cuộc chiến Lê – Mạc đã làm suy yếu vị thế của dân tộc.
5. Nhưng nhìn một cách toàn thể, thái độ của Trương Kính Tâm vẫn là một biểu hiện hòa khí, tôn trọng lịch sử và văn hóa Việt. Ông không ít lần viện dẫn các sách Thượng thư, Sơn hải kinh, Chu lễ,... khẳng định nước Việt ta có lịch sử lâu đời, có truyền thống văn hóa riêng biệt, người dân Việt từ lâu song tồn và tách biệt với người Bắc, có thói quen ăn không qua đun nấu (有不火食者 bất hỏa nhi thực giả), búi tó hoặc cắt tóc, xăm mình, đi chân đất, thích ăn trầu cau, miệng đỏ răng đen, nóng nực thích tắm sông (椎结剪发, 文身跣足, 好食槟榔, 口赤齒黑, 暑热好浴于江chùy kết tiễn phát, văn thân tiển túc, hiếu thực tân lang, khẩu xích xỉ hắc , thử nhiệt hiếu dục ư giang), ... [19]
Hay khi đánh giá quá trình đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của người Hán, Trương Kính Tâm dẫu đặt tên sách có nội dung là “chế ngự đất Giao Chỉ” cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng người Hán không thể chế ngự nổi đất này: “Pháp luật của người Hán không thể thi hành được hết ở chốn này”[20] (nguyên văn: 漢法不能盡行矣 Hán pháp bất năng tận hành hĩ).
Những thông tin trong Ngự Giao kỉ, bên cạnh giá trị của một tùng thư sưu tầm ghi lại từ các sách vở khác, còn có giá trị bổ sung, tham khảo cho các tư liệu lịch sử. Nội dung sách thể hiện cái nhìn bao quát toàn bộ lịch sử Việt Nam, từ thời Thượng cổ, đến những hoạt động bang giao giữa hai nước từ thời nhà Chu... cho tới cuối thời nhà Minh, khi tác giả hoàn tất cuốn sách này (năm 1638). Quyển 1 là những ghi chép liên quan đến nước ta hết đời Tùy. Quyển 2 là những sự kiện từ đời Đường đến hết Ngũ đại. Từ quyển 3 đến hết quyển 12, tác giả dành toàn bộ để ghi những sự kiện trong đời Minh.
Như vậy, có thể thấy, sách đặc biệt chú trọng những sự kiện xảy ra trong đời nhà Minh, nhất là mối quan hệ bang giao giữa nhà Minh với nhà Lê - Mạc của nước ta. Có những sự kiện ít được sử sách nhắc đến, khó tìm tư liệu đối chiếu thì lại được sách đề cập, hoàn toàn có thể tham bác. Chẳng hạn sự kiện chuyến đi sứ của hai đoàn sứ bộ nước ta do hai Chánh sứ là Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh dẫn đầu: Đại Việt sử kí toàn thư ghi: “Đinh Sửu, Dương Hoà năm thứ 3 (Minh, Sùng Trinh năm thứ 10, 1637) : …Tháng 12, ngày 30, có nhật thực. Sai Chánh sứ là Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, Phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê, hai sứ bộ sang nước Minh cống hàng năm”[21]. Về chuyến đi này, cuốn Ngự Giao kỉ xác nhận: “Tháng 6 (năm Sùng Trinh thứ 11, 1638), An Nam sai bồi thần là Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh đưa hai sứ bộ vào cống”[22] (nguyên văn: 六月安南差陪臣阮惟曉江文明進二部貢 Lục nguyệt, An Nam sai bồi thần Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh tiến nhị bộ cống). Sự kiện này không thấy được ghi trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cũng không thấy có trong các bộ chính sử của Trung Quốc như Minh sử, Minh thực lục. Theo dân gian truyền miệng, lần đi sứ này, sứ thần Giang Văn Minh không để nhục quốc thể đã đối đáp mạnh mẽ lại thái độ coi thường của vua nhà Minh với nước ta, khiến vua Minh nổi giận giết chết, cho ướp xác bằng thủy ngân mang về. Nên vì thế mà chính sử Trung Quốc “lờ đi” chuyến đi sứ này chăng, Khâm định cũng sót mất sự kiện này chăng (?!).
6. Nước ta, sử xưa lưu lại được rất ít, lại thiếu tài liệu để đối chiếu, bổ sung, tham bác, chính sử nhiều chỗ lại ghi chép theo lối “tường trung lược ngoại”, nếu không có những nguồn sử liệu khác để đối chiếu thì cũng dễ bị sai sót. Nên sử liệu của nước ngoài viết về nước ta tuy chỉ có giá trị tham khảo nhưng vẫn là là một nguồn bổ sung quý báu. Ngoài ra, các sử liệu này còn cho chúng ta thấy được “cái nhìn từ phía bên kia”, giúp chúng ta hiểu hơn cách nghĩ của người phương bắc đối với lịch sử - văn hóa nước nhà.
Cuốn Ngự Giao kỉ của Trương Kính Tâm (một trí thức phương Bắc sống ở thế kỉ XVII) là một sử liệu như vậy, rất cần được các nhà nghiên cứu Hán Nôm, các nhà sử học, văn hóa học... quan tâm nghiên cứu.
Hà Nội, 18/01/2014
(In trong TC Nghiên cứu Trung Quốc, ISSN-08683670, số 1 (149), 2014, trang 50-56.)
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. [清]李桓, 国朝耆献类征初编, quyển 463, mục từ Trương Kính Tâm (từ tờ 10 đến tờ 14)
2. 《大越史记全书》,kho tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A.3/1-4.
3. 《钦定越史通鉴纲目》,kho tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số A.1/1-9.
4. 高鸿志:《近代中英关系史》,四川人民出版社2001年版,第7页
5. 陈文源:《明朝士大夫的安南观》,史林,第4期,2008, trang 113 -119
6. 明实录附录/崇祯长编 , quyển 62
7. 张撝之, 中国历代人名大辞典,上海古籍, 1999
8. 張鏡心:《馭交紀》,叢書集成初編,商務印書館, 民國24年初版(1935)
[1] 张撝之, 中国历代人名大辞典,上海古籍, 1999, trang 1303
[2] 國朝耆獻類徵初編 ,61冊463卷 , tờ 10a
[3] Cũng có tên khác: Đào hoa động lục tuyệt¸ Đào hoa nguyên lục tuyệt.
[4] 國朝耆獻類徵初編 ,61冊463卷 , tờ 10b
[5] 明實錄附錄/崇禎長編 ,22卷
[6] 明实录附录/崇祯长编 ,50卷
[7] 明实录附录/崇祯长编 ,62卷
[8] Tổng đốc Tô Liêu là một chức vụ quản lí việc quân sự trên phạm vi rộng, nay thuộc địa bàn Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Hải Quan cho tới Liêu Đông, Bảo Định
[9] 國朝耆獻類徵初編 ,61冊463卷 , tờ 10b
[10] Tên một tòa thành nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
[11] Một trong “tứ đại danh lầu” của vùng Giang Nam.
[12] Là một phái thơ thịnh hành nhất đầu đời Thanh, thường viết về phong cảnh núi sông, lấy âm hưởng bi tráng, trầm hùng, thanh cao, cương trực làm chủ đạo
[13] “Tường trung lược ngoại”: là nguyên tắc của sử gia khi viết sử, là những gì đúng với tư tưởng thống trị thì cần theo sát làm rõ; không đúng với tư tưởng thống trị thì có thể trình bày sơ lược. Ở đây muốn nói cái gì có lợi cho nhà Minh thì quan tâm sát sao, còn việc hai họ Lê Mạc tranh chấp thì có thể tùy nghi.
[14] Thực tế sách có 12 quyển, sách Quốc triều kì hiến loại trưng sơ biên nhầm.
[15] 國朝耆獻類徵初編 ,61冊463卷 , tờ 12b
[16] Giao = sự kết giao của hai giới tính (nam nữ, đực cái...), giao phối; chỉ = vùng đất.
[17] 張鏡心:《馭交紀》,叢書集成初編,商務印書館, 民國24年初版, tập 2, trang 136.
[18] Xem thêm陈文源:《明朝士大夫的安南观》,史林,第4期,2008, trang 113 -119.
[19] Xem張鏡心:《馭交紀》,叢書集成初編,商務印書館, 民國24年初版, tập 1, trang 1.
[20] 張鏡心:《馭交紀》,叢書集成初編,商務印書館, 民國24年初版, tập 1, trang 15.
[21] 《大越史记全书》, Bản kỉ 18, tờ 34a-35b.
[22] 張鏡心:《馭交紀》,叢書集成初編,商務印書館, 民國24年初版, tập 2, trang 160, 161.