Trong lý thuyết định vị quyền lực của Nho giáo: Hoàng đế là ngôi vị tối thượng, thống lĩnh cả thần quyền-pháp quyền, làm lu mờ hết tất cả dưới gầm trời này, kể cả các thần linh[1]. Ở trạng thái này trong sự vận động của sự quy chiếu quyền lực theo lý luận Trung Hoa cổ đại thì cấu trúc quyền lực cặp đôi không phải và không thể được định vị ở vị trí này. Bởi vị trí tối thượng chỉ dành cho quyền lực của một người duy nhất, thống nhất trong tay cả thực quyền lẫn danh quyền. Nhìn từ trạng thái vận động, cấu trúc quyền lực cặp đôi là một trạng thái đang thành tạo trong tiến trình tuyết đối hoá ngôi đế vị.
Trong phạm vi bài viết này, người viết không lý thuyết hoá dù là ở mức khái quát nhất tất cả những dạng thức và cơ chế của cấu trúc quyền lực cặp đôi từng xuất hiện trong lịch sử chính trị khu vực (Đông Á) mà chỉ lý thuyết hoá bước đầu cặp đôi quyền lực đế sư-đế vương trong thời đại có biến động về chính trị, chuyển giao quyền lực giữa các triều đại, thời loạn. Trong sự đa dạng muôn hình muôn vẻ của những sự thể hiện khác nhau trong cấu trúc quyền lực “kép”, trong thời kỳ chuyển giao quyền lực giữa các triều đại, thời loạn, ở đó người ta quan sát được sự nổi lên của cặp đôi đóng vai trò là nhân vật chính trên sân khấu chính trị và thường là đóng vai trò quyết định đường hướng vận động của lịch sử: anh hùng thời loạn: tiểu loại đế sư và tiểu loại anh hùng sáng nghiệp (đế sư-đế vương)[2].
Trên cơ sở nêu lên những nét khái quát nhất về mô hình, thành tố và phần nào cơ chế vận hành, vai trò của từng thánh tố trong cấu trúc, người viết tiến hành đặt cấu trúc quyền lực Vạn Hạnh-Lý Công Uẩn trong hệ cấu trúc của khu vực Đông Á, lấy Trung Hoa làm hình mẫu và cả nhìn tương quan với những mầm mống dạng cấu trúc này trước Lý Công Uẩn - Vạn Hạnh và những cấu trúc sau cặp đôi này trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam.
1. Cấu trúc quyền lực cặp đôi và sự lan toả từ trung tâm ra ngoại vi
Nhìn từ mô hình cấu trúc quyền lực, cả Phương Đông và Phương tây, cả trong thời bình và thời loạn, trên đại thể mô hình cơ bản nhất của một cấu trúc quyền lực hoàn thiện được hình dung như một hình tam giác, ở đó đỉnh của tam giác là ngôi vua, hai đáy (cạnh) của tam giác một bên là một loại người chủ về mưu cơ, một bên chủ về võ nghệ. Ở Phương tây ngôi vua ở trung tâm, một bên là thầy tu (chủ về mưu cơ), một bên là những lực sĩ, (chủ về võ, sức mạnh), ở Phương Đông, điển hình là Trung Quốc, trung tâm là Thiên tử (vua, hoàng đế), một bên là quân sư, đế sư, mưu sĩ (chủ về mưu lược), một bên là tướng quân (chủ về võ). Trong trạng thái vận động của nó, hình hài tương đối rõ nét xuất hiện từ thời nhà Chu ở Trung Quốc, với một hình ảnh được coi là đế sư đầu tiên: Khương Thượng-Chu Vũ Vương[3]. Cặp đôi này có thể hình dung là cặp đôi rõ nét đầu tiên trong tiến trình vận động và hình thành của cấu trúc quyền lực này. Tuy nhiên những thông tin và hiện thực hoá đặc trưng loại người đế sư Khương Thượng chưa nhiều. Hơn nữa, sắc màu huyền thoại vô cùng đậm nét. Một cặp đôi rất điển hình khác trong lịch trình này là Phạm Lãi và Câu Tiễn. Đây là một cặp đôi thuộc loại điển hình nhất trong thời liệt quốc Trung Quốc, phản ánh đầu đủ nhất những nét đặc sắc loại hình và cả những vấn nạn về mối quan hệ này đã xuất hiện.[4] Nhưng chỉ đến thời Hán, với Hán Cao Tổ, cặp đôi Trương Lương- Lưu Bang và bộ ba Hán Cao Tổ-Trương Lương-Hàn Tín cấu trúc cặp đôi và cấu trúc tam giác quyền lực: Thiên tử- đế sư- võ tướng vận động đạt đến mức điển hình, mẫu mực. Nó trở thành cấu trúc mẫu, kinh điển trong lịch sử Trung Hoa và sau bộ ba này và cấu trúc quyền lực cặp đôi này không có một cấu trúc nào điển hình hơn nữa[5]. Cấu trúc này trở thành cấu trúc hình mẫu đối với không chỉ Trung Quốc mà còn lan toả và ám ảnh cả những quốc gia trong khu vực. Nguyễn Trãi trong khi phò tá Lê Lợi, bị ám ảnh nặng nề bởi cấu trúc và thành tựu của bộ đôi Trương Lương và Hán Cao Tổ.
“ Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình? Ai là Lương
Vua ta giấu vết ở núi này, đánh nín hơi để nương náu
…
Tưởng núi này lúc bấy giờ khác nào núi Mang-Đường vua Hán”
(Phú núi Chí Linh)[6]
Giới nghiên cứu trên thế giới từ lâu đã đi đến thống nhất: nền chuyên chế Trung Quốc đến nhà Hán tìm ra được mô hình bền vững của nó. Sau nhà Hán đến trước khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới ra đời (1949) không có một dạng cấu trúc khác. Trong đó trạng thái hoàn thiện nhất của cấu trúc quyền lực này là nó đã lựa chọn được một học thuyết làm hệ tư tưởng lõi và toàn bộ cấu trúc quyền lực, đời sống xã hội vận hành quanh cấu trúc quyền lực này. Có chăng ở những thời điểm khác nhau có một số yếu tố của những học thuyết khác tham gia vào nhưng vị trí trung tâm luôn là Nho giáo. Đồng thời nhà nước này cũng là hình mẫu của nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và đương nhiên có cả Việt Nam.
Tuy nhiên, lịch sử Trung Hoa trải qua nhiều tầng xương máu mới vận hành đến một nhà nước với cấu trúc quyền lực như vậy. Các nước trong khu vực trước khi đạt đến cấu trúc nhà nước như vậy cũng trải qua vô vàn những lần thử sức, những thất bại. Quá trình này trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam diễn ra về cơ bản trong khoảng nghìn năm trước khi đạt đến những mô thức đầu tiên của cấu trúc quyền này. Tuy nhiên khi một cấu trúc văn hoá di thực sang một sinh quyển văn hoá khác, độ loãng của cấu trúc quyền lực và khác biệt về “sinh quyển văn hoá”khiến cho cấu trúc đó có thể nhanh hoặc chậm có thể có những biến dạng thậm chí có những yếu tố mới tham gia vào cấu trúc quyền lực đó hoặc vận động trên những bước quanh co khác nhau trước khi hiện thực hoá những điển hình ở mức độ nhất định của cấu trúc mẫu. Những năm bản lề thế kỷ thứ X là giai đoạn nước Việt trải qua một quá trình vận động như vậy, nó chưa đạt đến độ điển hình của cấu trúc mẫu nhưng nó lại hoá thạch ở nhiều phương diện đặc biệt thú vị, tạo thành một cấu trúc quyền lực vừa gần giống với cấu trúc mẫu vừa chứa đựng nhiều nét văn hoá, tư tưởng của văn hoá bản địa.
Đã trở thành một quy luật trong lịch sử quan hệ giữa vùng đất biên viễn và trung tâm trời đất này (được hiểu là Trung Hoa), mỗi khi đế chế mạnh, vùng biên viễn trở lại trạng thái yên ắng. Nhưng mỗi khi đế chế suy yếu, có nổi loạn, vùng biên viễn lại có nhiều những nhân vật là anh hùng nổi dậy cát cứ, làm chủ một phương. Chủ nhân của những cuộc nổi loạn này có thể có những gốc nguồn khác nhau, gốc Hán, quan lại Hán, có thể là người bản địa. Những loại người này theo như cách gọi của một số nhà nghiên cứu có thể loại hình hoá người hào trưởng: Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh[7]. Tất cả họ đều nổi dậy cát cứ bằng võ nghệ và bên cạnh họ về cơ bản chưa có, hoặc có cũng hết sức mờ nhạt chưa có công trạng và đặc sắc loại hình[8] những người phò tá, phò giúp về mưu cơ và võ công. Họ thường tự cầm quân và bước lên làm chủ vùng đất cát cứ.
Sự xuất hiện của một kiểu ứng xử Triệu Đà, được xem là một mô hình ứng xử khôn ngoan được các bậc vua chúa sau này ứng dụng thành công thức trong quan hệ với trung tâm “nội đế ngoại vương”[9], trước sau vẫn là một kinh nghiệm lịch sử trong ứng xử, nó có thể đánh dấu bước trưởng thành về kinh nghiệm ngoại giao nhưng bước trưởng thành về tư duy cấu trúc quyền lực của một hệ cấu trúc nhà nước lớn mạnh để có thể ly khai, độc lập thực sự và có dáng dấp của một vương triều chuyên chế thực sự thì trước thời Lý, Việt Nam chưa có nhà , cá nhân và cấu trúc quyền lực nào làm được. Nói điều này không có nghĩa là các thời đại trước đây kém hơn mà nó thực sự là một quy trình đánh dấu sự vươn lên và trưởng thành về mặt tư duy chính trị. Cặp đôi và cấu trúc quyền lực thiền sư, đế sư Vạn Hạnh và hoàng đế Lý Công Uẩn vừa đánh dấu một tư duy trưởng thành vừa là kết quả của một quá trình tích luỹ và trưởng thành của nhiều thế hệ cha anh đi trước.
Như vậy, sự vận động đưa đến sự ra đời của cấu trúc quyền lực này trong lịch trình vận động của Việt Nam nếu nhìn từ sự lan toả cấu trúc quyền lực khu vực nó vừa có nét tương đồng với quá trình hình thành và vận động đến mức điển hình ở trung tâm trời đất, nó vừa cho thấy một quá trình vận động mang tính độc lập, tự thân, nhu cầu vươn lên khẳng định vị thế độc lập của quốc gia dân tộc.
2. Cấu trúc quyền lực cặp đôi Thiền sư, đế sư Vạn Hạnh- đế vương Lý Công Uẩn quy chiếu với cấu trúc quyền lực trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Hoa.
* Như những nhân vật đóng vai trò hoàng đế khai mở triều đại, Lý Công Uẩn trước khi đi đến với đỉnh cao quyền lực cũng xuất thân từ võ tướng. Nằm trong quy luật của loại hình anh hùng sáng nghiệp: Hán Cao Tổ, Triệu Khuông Dận, Chu Nguyên Chương... những hoàng đế khai quốc những triều đại lớn trong lịch sử tử tưởng Trung Hoa đều xuất thân từ võ tướng. Người Trung Hoa đã tổng kết, những hoàng đế lớn nhất của họ nhiều người trong đó là thảo khấu[10]. Điều này đã được tổng kết thành một quy luật chính trị. Với những hoàng đế khai quốc này nét nổi bật trong họ là nét tính cách của dũng tướng, võ tướng trong thời loạn. Nhìn từ góc quan sát này, Lý Công Uẩn, hoàng đế khai quốc triều Lý vốn đi lên từ một võ tướng, điện tiền chỉ huy sứ trong triều đình nhà Đinh[11]. Nhìn từ trục này, Lý Công Uẩn nằm trong quy luật vận động của một loại người từ võ tướng đi đến ngôi vị hoàng đế trong lịch sử tư tưởng chính trị khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những nét tương đồng giữa Lý Công Uẩn và nhiều hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa cổ đại còn có những nét dị biệt đáng kể. Với trường hợp Lý Công Uẩn và Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập thì gốc nguồn đào tạo và cung đường đến với ngai vàng của Lý Công Uẩn nhìn từ sự khác biệt này dẫn đến nhiều hệ quả khác biệt đặc biệt đáng quan tâm.
Xét về nguồn gốc đào tạo, như trên đã phân tích các hoàng đế khai quốc Trung Hoa về cơ bản đi lên từ võ tướng, dùng sức mạnh trên lưng ngựa khai mở triều đại, sau khi giành được thiên hạ, mô hình quen thuộc vận hành theo nhà nước chuyên chế lấy nho giáo làm hệ tư tưởng. Lý Công Uẩn được sự phò giúp của đế sư Vạn Hạnh, đi từ võ tướng trở thành thiên tử, nhưng trước khi trở thành võ tướng, ông đã được đào tạo và bồi dưỡng bởi nền văn hoá nhà chùa, được bồi dưỡng trực tiếp bởi một nhà sư lớn nhất thời đại: Vạn Hạnh. Quyền uy thế tục và quyền uy hành động của Vạn Hạnh và các thiền sư trong thời đại này thể hiện rõ sự vươn lên của Phật giáo và vai trò của phật giáo trong đời sống chính trị, văn hoá. Lý Công Uẩn là sản phẩm của chính quá trình vận động và vươn lên của Phật giáo[12]. Sự định hướng vận động theo xã hội chuyên chế hoá lấy Nho giáo làm nền tảng là trục vận động của các hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa. Sự định hướng nhà nước tổ chức theo mô hình Nho giáo nhưng nền tảng tư tưởng là Phật giáo là định hướng vận động của xã hội ít nhất cho đến hết Lý -Trần, khởi đầu từ thời Lý. Sự định hướng nhà nước theo nền chuyên chế lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng theo một định hướng cường hoá, thần quyền hoá ngôi vị hoàng đế. Sự định hướng nhà nước mô hình Nho giáo lấy Phật giáo làm nền tảng tư tưởng với tính chất, tính định hướng và tính mục tiêu của Phật giáo làm chậm lại tiến trình tập quyền, thần quyền hoá ngôi đế vị, hay nói cách khác, nhìn từ tiến trình nho hoá nó đang trong tiến trình chuyên chế hoá, tập quyền hóa. Nhưng trạng thái khoan hoà, dung hợp lại tạo ra một trạng thái mà ở đó sức sáng tạo, sự khoan hoà và đời sống Phật giáo đưa đến sức mạnh theo kiểu khác và sự sáng tạo mang đậm dấu ấn tình thần thời đại mang sắc màu Phật giáo rõ nét. Nét đặc sắc của nó không phải là sực mạnh từ một ông vua quyền uy về pháp quyền và thần quyền với một hệ thống quan lại chỉ huy từ trên xuống, mà nó là sức mạnh sự thừa nhận và công nhận lẫn nhau giữa vua và thế lực thần linh, giũa Phật giáo và thế lực thần linh bản địa cùng nhau hướng đến mực tiêu bảo vệ dân tộc.[13] Những thành tựu trên phương diện nghệ thuật Phật giáo, kiến trúc phật giáo, văn học phật giáo, nghệ thuật Phật giáo và hệ thống chùa chiền và những giáo lý tín ngưỡng đi vào đời sống là minh chứng hùng hồn cho điều này. Sức mạnh của thời đại Lý-Trần không giống với sức mạnh của thời Lê- Nguyễn. Sức mạnh của thời Lý -Trần là sức mạnh tạo ra từ trạng thái khoa hoà. Sức mạnh của thời đại Lê- Nguyên là sức mạnh của một nền chuyên chế tập quyền được tổ chức quy mô và chặt chẽ.
Loại người Hào trưởng: Lý Công Uẩn là sự tiếp mạch của những : Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh
Vài nét về người Hào trưởng. người Hào trưởng là thuật ngữ được nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vường loại hình hoá để gọi một loại hình nhân cách trong lịch sử dân tộc. “Trong cách hình dung của tôi, loại trừ một số quan lại gốc Hán, thì những nhân vật gây ấn tượng và để lại những dấu tích nổi bật trên sân khấu lịch sử chính trị Việt Nam từ Lý Bôn, Triệu Quang Phục qua Phùng Hưng đến tận nhiều thế kỷ sau này có thể loại hình hoá thành nhân vật người hào trưởng. Vai trò của người hào trưởng còn kéo dài cho đến Lê Lợi, anh em nhà Nguyễn Tây Sơn….Theo cảm nhận của cá nhân, tôi cho rằng đây là một mẫu người lịch sử đặc biệt quan trọng”[14]. Chưa có điều kiện đi sâu để khái quát đặc trưng của loại người này nhưng một đặc điểm dễ nhận diện loại người hào trưởng đều là những võ tướng. Đặc trưng sức mạnh của họ nhìn từ quy chiếu với loại người mưu sĩ họ vươn lên và khẳng định, để lại dấu ấn trong lịch sử bằng sức mạnh. Họ vận động theo hướng trở thành “anh hùng nhất khoảnh” hoặc trở thành đế vương. Tức họ thuộc loại những anh hùng sáng nghiệp. Nhìn từ định hướng vận động đến với ngai vàng, nhìn từ đặc trưng loại người võ tướng, Lý Công Uẩn nằm trong mạch nối dài từ những hào trường giai đoạn trước. Do vậy, Có thể loại hình hoá ông cùng loại với người hào trưởng.
Khác với người Hào trưởng trước Lý Công Uẩn: Lý Công Uẩn tuy vẫn nằm trong mạch vận động của người hào trưởng vươn lên dành độc lập, ông khác với tất cả những nhân vật võ tướng thuần võ tướng trước đây, trước khi trở thành thân vệ trong triều đình nhà Đinh[15], ông được hấp thụ nền giáo dục trong nhà chùa. Đại sư Vạn Hạnh, người thông ba học, nghiên cứu trăm luận[16] trực tiếp đào tạo. Như vậy rõ ràng Lý Công Uẩn vừa nằm trong mạch vận động của loại người Hào trưởng vươn lên giành độc lập liên tục trong nghìn năm bắc thuộc của dân tộc, ông khác hẳn với võ tướng trước ông trước khi tiệm cận ngai vàng ông còn được nuôi dưỡng, được đào tạo, được giáo dục trong nhà chùa, không chỉ những kiến thức về Phật giáo mà còn có nhiều tư duy hành xử kiểu tư duy chính trị Nho giáo[17]Vạn Hạnh nhận xét về Lý Công Uẩn như sau: “Đứa trẻ này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”[18]. Như vậy, Nhìn từ trục vận động của loại người Hào trưởng từ Lý Bôn , Phùng Hưng, Ngô Quyền , Đinh Bộ Lĩnh đến Lý Công Uẩn, nét khác biệt cơ bản và cũng chính là đặc sắc của nhân cách văn hoá anh hùng Lý Công Uẩn là: Sự lên ngôi của những hào trưởng trước Lý Công Uẩn là sự vươn lên bằng võ lực, tự phát, sức mạnh, không phải là sản phẩm của bệ đỡ một nền tảng tư tưởng chính trị nào. Lý Công Uẩn lên ngôi là sản phẩm của sự vươn lên của Phật giáo. Phương diện chính trị của phật giáo. Mặt khác, mặc dù Lý Công Uẩn tuy là võ tướng nhưng lại không dùng võ lực mà vươn lên nắm quyền bằng trí mưu. Một tư duy chính trị và tư duy vươn lên nắm quyền và cách thức làm chính trị và hình dung về chính trị đã khác trước về chất.: Nét quyền mưu là nét nổi bật trong tiến trình Lý Công Uẩn đến với ngôi vị hoàng đế.. Đi vào nét quyền mưu trong chính trị với sắc thái Nho giáo rõ nét là dấu hiệu của Việt Nam từng bước gia nhập vào quỹ dạo vận động của quy luật chính trị khu vực, được phát xuất từ trung tâm của trời đất.
Đây là một đặc điểm đồng thời là một đặc sắc nhìn từ loại hình nhân cách văn hoá Lý Công Uẩn so với những người cùng loại trước Lý Công Uẩn. Đến và ở Lý Công Uẩn dáng dấp của một đế vương đích thực đã hiện diện.
Người hào trưởng Lê Lợi và anh em nhà Tây Sơn vừa là sự tiếp tục loại người hào trưởng thời bắc thuộc vừa là sự bổ sung nhiều phẩm chất và kinh nghiệm chính trị. Trải qua nhiều triều đại khác nhau, cùng với mô hình đế chế định hình và một đội ngũ nhà nho hùng hậu là sự khác biệt giữa người hào trưởng trước thời Lý Công Uẩn và sau thời Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, họ đều có một đặc điểm lõi, họ đều là những võ tướng vận động theo hướng trở thành hoàng đế, anh hùng sáng nghiệp. Với tư cách là một người hào trưởng được đào tạo bài bản và trong một khúc ngoặt đặc biệt của lịch sử, Lý Công Uẩn có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý.
Cả Lê Lợi và anh em nhà Tây Sơn đều xuất thân từ những miền đất không được hình dung là những trung tâm văn hoá, trung tâm chính trị. Họ không được đào tào bài bản theo kiểu Lý Công Uẩn và với bệ đỡ là nền tảng Phật giáo đang lớn mạnh. Họ dựng nghiệp trên cơ sở sự giỏi giang và dũng cảm về võ nghệ và sự trợ giúp của những đế sư đặc dụng như Nguyễn Trãi và Nguyễn Hữu Chỉnh. Mặc khác, họ xuất hiện và dựng nghiệp khi mô hình nhà nước chuyên chế kiểu phương đông, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng đã định hình và vận động đến độ điển hình. Do vậy, quỹ đạo vận động và đặc điểm loại hình của Lê Lợi và anh em nhà Tây Sơn có nhiều phần giống với cung vận động Hán Cao Tổ nhà Hán. Nhìn từ đặc điểm loại hình của những nhân vật là anh hùng sáng nghiệp trong sự quy chiếu từ cả Trung Quốc và những anh hùng sáng nghiệp sau Lý Công Uẩn ở Việt Nam, càng cho thấy rõ nét đặc sắc, đặc biệt của loại hình nhân cách người hào trưởng, định hướng vận động và hiện thực hoá thành đế vương Lý Công Uẩn.
Như vậy, Lý Công Uẩn vừa thuộc loại hình người hào trưởng, vừa có những nét của anh hùng sáng nghiệp trong lịch sử tư tưởng chính trị khu vực vừa có những nét của người hào trưởng Việt Nam sau ông. Điều này cũng có nghĩa loại hình nhân cách ông là sự tích hợp của những nét người hào trưởng trước ông, vừa có dáng dấp của người hào trưởng sau ông (Lê Lợi, Tây Sơn), vừa có những nét của anh hùng sáng nghiệp trung tâm trời đất. Sự tích hợp nhiều loại người như vậy trong ông, vừa cho thấy sự lan toả của những mẫu hình trung tâm lan ra ngoại vi, vừa cho thấy quy luật giao thoa ảnh hưởng giữa trung tâm và vùng biên viễn, nó vừa cho thấy một tiến trình cường hoá, thần quyền hoá ngôi vua theo lý luận quyền lực Nho giáo mà ở Việt Nam đến thời Lê Thánh Tông là điển hình hình mẫu. Sự tích hợp, hợp sáng[19]nhiều luồng văn hoá tư tưởng, nơi giao hội của nhiều quá trình dân tộc, quá trình lịch sử, quá trình tư tưởng suy cho cùng là hệ quả của một quá trình vận động Việt Nam đi từ cát cứ lên đại tập trung đại thống nhất. Lý Công Uẩn nằm ở bước ngoặt của quá trình vận động này. Hay nói cách khác quá trình này giao hội trong ông. Đặc điểm và đặc sắc của loại hình nhân cách ông là sản phẩm của quá trình hợp sáng này. Ông vừa có dáng dấp của một hào trưởng, vừa có dáng dấp của đế vương.
2.2.2 Quy chiếu với đế sư trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa và lịch sử tư tưởng Việt Nam
Nhìn từ sự quy chiếu với đế sư trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc
Về loại người đế sư.
Danh xưng đế sư hiện nay được tìm thấy sớm nhất theo chúng tôi được biết là trong Sử ký. Danh xưng này được chính Tư Mã Thiên dùng để định loại Trương Lương. Trong Sử ký ông gọi Trương Lương là “đế Vương sư”[20]. Với chiết tự của danh xưng này được hiểu là thầy vua. Nhìn từ loại hình hoá, đế vương/đế vương sư là một loại người xuất hiện trong một trạng thái đặc biệt của xã hội: thời loạn. Những loại người có chí lớn, có mưu cơ cao, không dùng võ lực, dùng mưu cơ để chiến thắng, thường ngồi trong màn trướng và chờ chiến thắng, định hướng vận động không theo hướng trở thành thiên tử có thể xếp họ vào loại người đế sư. Tuy nhiên đỉnh cao nhất của một đế sư phải là vai trò với tư cách xoay chuyển lịch sử, hoặc đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường. Trong lịch sử tư tưởng khu vực và lịch sử tư tưởng Việt Nam có nhiều đế sư nhưng đế sư mẫu mực không nhiều: Phạm Lãi, Trương Lương, Lý Tĩnh, Khổng Minh (Trung Quốc), Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Bội Châu (Việt Nam). Nhìn tổng thể, các đế sư trong những giai đoạn khác nhau được hấp thụ những triết thuyết khác nhau trong quá trình hành nghề của mình, nhìn chung thường họ tiếp thu và sử dụng thường xuyên ba học thuyết lớn: Nho-Pháp-Lão. Và càng về sau định hướng Nho hoá càng rõ. Nhìn từ quy chiếu với nhân cách anh hùng sáng nghiệp (nhìn đến tận cùng của quá trình vận động) Nếu như anh hùng sáng nghiêp xu hướng vận động đạt đến đỉnh cao quyền lực của pháp quyền và thần quyền, được hình dung là quyền uy toả khắp gầm trời thì đế sư vận động theo hướng thoát ly đời sống thể tục, định hướng giải thoát đời sống tâm linh, hoà cùng đại mỹ của vũ trụ tự nhiên, được hình dung là một tiên phong đạo cốt, một chân tu thoát tục.
Nhìn từ sự quy chiếu với đế sư trong lịch sử tư tưởng khu vực.
Xét từ tổng thể những việc làm của thiền sư Vạn Hạnh từ khi nhận Lý Công Uẩn vào chùa làm con nuôi của Lý Khánh Văn và qua quá trình đào tạo, và cho đến khi trở thành Hoàng đế, những hành động này của Vạn Hạnh nếu quy chiếu từ những hành động và việc làm, cũng như mục đích của những đế sư lừng danh trong lịch sử đã làm hoàn toàn có cơ sở loại hình hoá và xếp ông cùng loại với Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh. Vạn Hạnh phò, quân sư bày mưu và mọi toan tính chính trị bằng mưu cơ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Mặt khác, khi việc đã thành, ông thoái lui như Phạm Lãi và Trương Lương đã từng làm. Nhưng quan trọng nhất, họ từ Phạm Lãi đến Trương Lương và cả Vạn Hạnh họ đều là những nhân vật quyết định đến chiều hướng vận động của lịch sử bằng những mưu cơ ngồi trong màn trướng và ngồi trong chùa của mình. Như vậy, rõ ràng nhìn sơ bộ từ những chiều kích trên, Thiền sư Vạn Hạnh, là một đế sư, thuộc loại hình với Phạm Lãi, Trương Lương, nằm trong cấu trúc quyền lực cặp đôi, cùng Lý Công Uẩn tạo thành cặp đôi quyền lực quan trọng nhất thế kỷ thứ X. Điều đặc biệt thú vị là, Vạn Hạnh vốn là thiền sư nhưng những mưu cơ chính trị, như những lời sấm truyền của ông rất gần với những trò phù phép của Khổng Minh, dự đoán gió đông của Không Minh và tiếng tiêu đưa đuổi quân giặc sau một đêm tan tác của Trương Lương. Điều này cho thấy, dù gốc nguồn xuất thân, đào tạo tuy có khác nhau (Vạn Hạnh: nhà chùa, Trương lương, khổng Minh: Nho-Lão –Pháp) nhưng đi vào quỹ đạo của đế sư họ đều phải dùng đến những thủ thuật chính trị đã trở thành một liệu pháp quen thuộc nhưng hiệu quả, như điềm báo chẳng hạn là một việc làm xuất hiện liên tục: Khổng Minh nhìn thấy điềm báo, Trương Lương nhìn thấy điềm báo nhà Hán hưng, nhà Hạng suy…Chính điều này cũng là một cơ sở cho phép chúng ta hình dung về một loại người đế sư trong lịch sử tư tưởng.
Tuy nhiên bên cạch những nét tương đồng dễ nhận diện, còn có những điểm dị biệt khá đặc biệt, gắn với những nét khu biệt về đặc trưng địa chính trị, địa văn hoá. Như trên đã nói, xét từ gốc nguồn những đế sư trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa, Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh được đào tạo từ thuần Trung Hoa: Nho- Lão – Pháp. Thiền sư, đế sư Vạn hạnh trước sau vẫn là một thiền sư (ông có học nho). Nhìn từ tư cách này, ông khác tất cả những đế sư lừng danh trong lịch sử Trung Hoa. Sự khác nhau này sẽ hết sức cơ bản kéo theo hệ quả của những ứng xử khác. Nếu như sự rút lui của Phạm Lãi, hoặc cả Trương Lương có nhiều lý do từ quy luật chính trị “bảo thân”, một quy luật tiêu diệt công thần diễn ra liên lục trong lich sử Trung Hoa đã được tổng kết thành quy luật “giảo thố tử tẩu cẩu phanh”, “điểu tận cung tàng” thì một trong nhưng lý do chính yếu của sự rút lui của Phạm Lãi và Trương Lương là bảo toàn thân mạng không hơn không kém. Sự rút lui của thiền sư Vạn Hạnh, là sự rút lui hoàn toàn nhìn quy chiếu từ phật giáo, chứ không phải quy luật tiêu diệt công thần của Trung Hoa. Bởi xét một cách nghiêm ngặt, mô hình đế chế Việt Nam chưa đạt đến trạng thái vận động như ở Trung Hoa, mô hình Việt Nam đạt đến tầm mức này phải kể đến thời nhà Lê và cái chết của Nguyễn Trãi phản ánh đầy đủ nhất quy luật này. Bởi sự chuyên chế hoá và quyền lực quy tụ cao nhất trong tay một người mới đưa đến những bi kịch tiêu diệt công thần trong lịch sử tư tưởng chính trị khu vực. Nhìn toàn cục, động cơ tham gia và rút lui của ông được quy chiếu từ con người thiền sư. Suy cho cùng nhìn quy chiếu từ con người thiền sư, quỹ đạo trung tâm trong sự vận động của ông tuy có những lúc bất đắc dĩ trở thành con người đế sư nhưng trước sau vẫn quay về với con người đời sống giải thoát tâm linh. Nét đặc sắc của đế sư Vạn Hạnh ở chỗ không bám chấp và đi quá đà sang lĩnh vực của đời sống thể tục và vướng vào những ham muốn của đời sống thế tục. Bởi cuối đời, trước khi hoá ông còn truyền dạy bài kệ về sự ngộ đạo cho đề tử (Thiền Uyển tập anh). Vì ông không bị vướng vào những vấn đề như vậy nên với ông việc rút lui là việc nhẹ nhàng và không phải giải quyết những vấn nạn bảo thân như những: Nguyễn Trãi, nguyễn Hữu Chỉnh sau này. Khi là đế sư, Vạn Hạnh sống với nhiều nét của con người chính trị nho giáo nhưng khi trở về với Phật giáo con người giải thoát con người thiền sư trở thành nét chủ đạo trong ông. Mặt khác, nếu nhìn xa và sâu hơn về quá khứ của dân tộc, Phật giáo vào Luy Lâu từ những năm trước công nguyên Câu chuyện Man Nương và thiền sư Ấn Độ là biểu trưng khởi đầu của sự hôn phối giữa văn hoá bản địa và Phật giáo. Từ đó, trải qua những bước thăng trầm khác nhau, thế kỷ 6, trấn quốc tự xây dựng, là dấu mốc quan trọng cho sự vươn lên và tồn tại của Phật giáo, đến những thế kỷ 9, đặc biệt là thế kỷ thứ 10, với những thiền sư lớn tham gia vào đời sống chính trị (Đại sư Ngô Chân Lưu Khuông Vieet, Pháp Thuận, Vạn Hanh), cho thấy một quá trình vận động của Phật giáo vô cùng bền bỉ và mạnh mẽ. Sự hiện diện của Vạn Hạnh với tư cách Thiền sư và Lý Công Uẩn là sản phảm của nhà chùa và cặp đôi này nhìn sâu xa đều là sản phẩm của nhà chùa thì chúng ta mới thấy rõ hết được những bước vươn lên của Phật giáo, hiểu sâu hơn về tư cách đế sư vạn Hạnh và cấu trúc cặp đôi Vạn Hạnh- Lý Công uẩn. Đương nhiên Phạm Lãi, Trương Lương nằm trong một mạch vận động khác trong tiến trình từ liệt quốc lên đế chế Trung Hoa. Sự vận động và vươn lên của Phật giáo cũng đồng thời đánh dấu quá trình danh độc lập trọn vẹn của quốc gia Đại Việt (1164)[21]. Sự chấp nhận phật giáo và sự vươn lên của Phật giáo trong đời sống chính trị Việt Nam cho thấy một mạch tư duy khác với những gì rầm rộ và vĩ đại đang diễn ra ở trên phía trung tâm.
Nhìn từ loại người đế sư trong lịch sử tư tưởng Việt Nam
Có thể khẳng định ngay rằng, trước Vạn Hạnh, ở Việt Nam nghìn năm Bắc thuộc chưa từng xuất hiện đế sư. Tuy rằng cũng đã có lúc, có thời điểm có những nhân vật vươn lên và có dáng dấp của đế sư.[22] Do vậy, định vị Vạn Hạnh từ trục này, vị trí Vạn Hạnh hết sức đặc biệt, Vạn Hạnh là đế sư đầu tiên trong lịch sử tư tưởng đại Việt.
Nhìn từ những đế sư sau Vạn Hạnh.
Sau Vạn Hạnh, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nổi lên rõ nhất vài ba nhân vật đế sư lớn: Nguyễn Trãi, nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Bội Châu... Một điều dễ nhận diện ra nhất là, nhìn từ gốc nguồn đào tạo, các đế sư sau Vạn Hạnh là nhà nho. Về kết cục, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Hữu Chỉnh đều bi kịch. Giống với nhiều kết cục diệt công thần trong lịch sử Trung Hoa. Nhìn trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Vạn Hạnh là đế sư duy nhất không đặt ra và xử lý vấn đề bảo thân. Các đế sư sau ông không thể vượt qua bài toán này. Nó thực sự trở thành một vấn nạn. Rõ ràng, điều này liên quan rất nhiều đến mối quan hệ giữa Phật giáo và chính thể. Để giải thích cho vấn đề này và đồng thời làm rõ hơn vì sao các nhà sư tham gia chính sự không phải đặt ra vấn đề này thiết nghĩ có thể trích dẫn một nhận xét này của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận có thể giải thích tương đối thấu đáo sự khác biệt đưa đến những kết cục khác nhau này giữa nhà nho và nhà sư. Trong mục “Phật giáo và chính trị”, Nguyễn Lang viết: “ Có nhiều lý do khiến các thiền sư đời Lý tham dự chính sự (tham dự chính sự mà không tham dự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc, rồi về chùa). Ly do thứ nhất: họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi quân chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị một chính sách đô hộ hà khắc bọc lột. Lý do thứ hai: họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ. Lý do thứ ba: họ không cố chấp vào thuyết trung quân (chỉ biết giúp một vua mà thôi) như các nhà nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Lý do thứ tư: các vua cần sức học của họ; nhất là trong đời Đinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc là không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại”[23]
Nhìn sâu hơn sự khác biệt giữa đế sư Vạn Hạnh và những đế sư trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và đế sư trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và lịch sử tư tưởng Việt Nam trong lịch trình vận động của lịch sử đã xuất hiện nhiều đế sư lừng danh: Ở Trung Quốc điển hình Phạm Lãi, Trương Lương, Lý Tĩnh, Khổng Minh…Ở Việt Nam, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Chỉnh, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu…Tất cả họ, cả những đế sư lừng danh trong lịch sử Trung Quốc và lịch sử tư tưởng Việt Nam đều là nhà Nho. Họ lĩnh hội nhiều hệ tư tưởng khác nhau nhưng hạt nhận để loại hình họ là họ đều là sản phẩm của nền giáo dục Nho học. Quỹ đạo đế sư họ vận động được quy định từ gốc nguồn đào tạo này. Nho giáo có sắc màu tôn giáo. Điều này hết sức rõ ràng (giáo chủ, kinh, tín đồ) nhưng với tư cách là một học thuyết chính trị-đạo đức và hệ tư tưởng nhà nước, ở Phương đông phương diện này là cơ sở của sự tồn tại của Nho giáo và nó là đặc sắc của Nno giáo. Điều này có nghĩa nhà nước Trung Quốc và Việt Nam lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng không phải là nhà nước tôn giáo mà là một nhà nước thế tục. Đặc điểm của nhà nước thế tục là sự vận hành không nằm trong sự chi phối của tôn giáo. Nho giáo không chỉ phối được ngôi vị cao nhất, tín đồ nho giáo không chi phối thiên tử, tất cả họ phục vụ thiên tử, bảo vệ ngôi vị này. Nó không thể tồn tại độc lập nều nó tách biệt khỏi ngôi vị thiên tử. Nếu tách biệt khỏi ngôi vị thiên tử số phận của nó cũng tồn tại lang thang hoặc ký sinh với học thuyết khác như: Âm dương gia, Mặc gia, Tung hoành gia... Vị thế nó có được là do bảo vệ ngai vàng. Hay nói cách khác, chính ngôi vị thiên tử đưa lại vị thế lừng lẫy như vậy cho Nho giáo.
Mặt khác, nghiêm ngặt xét, đến thời Tống, nhà nước Trung Quốc đã vận hành đến mức tách bạch khỏi chính trị và tôn giáo. Dấu hiệu của sự tách biệt này là nhà Tống đã không dùng từ Quốc sư để chỉ tể tướng, thay vào đó dùng từ ngữ khác (tế tướng, thái sư, thái phó).Trong hình dung của họ Quốc sư là từ chỉ sắc thái tôn giáo và chính trị chưa phân tách. Quốc sư là từ mà nhà Tống gọi tể tướng những nước man di ở ngoại biên, trong đó có Việt Nam thế kỷ X[24].. Đối với những đế sư được định hướng bởi Nho giáo và nằm trong tiến trình chuyên chế hoá nhà nước Nho giáo, sắc màu tôn giáo hết sức mờ nhạt, thậm chí không có. Những vận động trở thành đế sư là những vận động nằm trong mục tiêu trước hết là mục tiêu thế tục và sau nữa là mục tiêu tu dưỡng, đạt đến chân tu (tù trong bản thân mình).
Thiền sư Vạn Hạnh được phong là quốc sư. Cấu trúc quyền lực cặp đôi Lý Công Uẩn và Vạn Hạnh là sản phẩm của quốc sư Vạn Hạnh và sự vươn lên của Phật giáo. Không thể chối cãi, sắc màu tôn giáo là sắc màu chủ đạo trong mô hình cấu trúc quyền lực cặp đôi này. Bởi lẽ, đế sư tạo tác ra nó là một quốc sư. Bản thân quốc sư này là một tín đồ tôn giáo làm chính trị. Hay nói cách khác, toàn bộ những công việc của nhà Lý là công việc tôn giáo[25] và cấu trúc quyền lực này là một phương diện của sự vươn lên của tôn giáo phật giáo. Trạng thái không phân tách giữa tôn giáo và chính trị là đặc trưng loại hình đế sư Vạn Hạnh. Chính đặc điểm này quy định đặc điểm của cấu trúc quyền lực này. Điều này khác biệt với đế sư khác trong khu vực và Việt Nam. Đế sư trong nền chuyên chế nho giáo là đế sư sắc màu chính trị là chủ đạo. Sự khác nhau này sẽ dẫn đến những tác động và định hướng nhà nước sau khi kiến lập vận động và tiến hành theo những cách thức khác nhau. Tác động của đế sư Vạn Hạnh là tác động bằng biện pháp, hình thức nhà nho nhưng nền tảng là sức mạnh tâm linh của tôn giáo phật giáo. Cơ chế vận hành của cấu trúc quyền lực mô hình nho giáo này chịu sự chi phối của tôn giáo phật giáo. Nếu như cấu trúc quyền lực nền chuyên chế vận hành theo mô hình nho giáo do đế sư tác động chủ yếu được thực hiện bằng trí mưu thì mô hình cấu trúc Lý Công Uẩn và sau này nhà Lý thành lập vận hành và cách thực vận hành của tôn giáo và thần linh chi phối đậm nét.
2.2 Quy chiếu với cơ chế vận hành và vai trò của đế sư trong cấu trúc.
2.1.1 Cần thiết nhắc lại vài điểm về cơ chế vận hành của cấu trúc mẫu trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa làm tiền đề bàn tiếp về sự vận hành và vai trò của đế sư trong câu trúc quyền lực cặp đôi.
Như trên đã đề cập, cấu trúc quyền lực trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Hoa trải qua quá trình vận động và đi đến hoàn thiện, được đánh dấu bởi cấu trúc quyền lực ổn định, bền vững thời nhà Hán, với Nho giáo làm kim chỉ nam cho cấu trúc quyền lực hình tam giác này. Trong thời loạn, bộ ba cấu trúc quyền lực: Hán Cao Tổ- Trương Lương- Hàn Tín cũng vận động trở thành hình mẫu cho cả Trung Quốc và toàn khu vực.
Nhìn từ triết học, cấu trúc quyền lực hình tam giác là một cấu trúc động. Triết học Lão Trang tổng kết “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” (Đạo Đức Kinh). Cấu trúc tam là cấu trúc động trong toàn bộ chu trình sinh hoá của vũ trụ vạn vật. Từ tam sinh ra vạn vật. Nó vừa là kết quả của một quy trình trong đạo vừa là đầu mối của sự sinh sôi, biến đổi. Vì thế nó vừa là một cấu trúc bền vững, vững chắc. Nhưng sự vững chắc này không phải là một trạng thái chết mà là một trạng thái sinh. Sinh là linh hồn của Kinh dich. “sinh sinh chi vị dịch” (Dịch là sự sinh hoá liên tục) và của cả trời đất “thiên hạ đại đức chi viết sinh” (đức lớn của trời đất là sinh). Vững chắc được tạo ra nhờ sự biến đổi. Đây là đặc trưng đặc sắc của quan niệm về sự vững chắc và là căn cốt của cấu trúc ba trong văn hoá Trung Hoa và văn hoá khu vực. Cấu trúc tam giác quyền lực trong lịch sử tư tưởng chính trị Đông á được vận động theo cơ chế này nhìn từ triết học.
Nhìn từ lý thuyết, trên đại thể cơ chế vận hành của cấu trúc tam giác quyền lực trong thời bình được phát xuất từ Thiên tử, đỉnh của tam giác . Nhưng trong thời loạn, mọi biến đổi được phát xuất từ góc đế sư của tam giác. Bởi khi đó, xu hướng quyền lực không theo hướng tập quyền và hướng lên trên: hoàng đế, mà là vận động theo hướng tản quyền, phân quyền. Hơn nữa theo nhiều nhà nghiên cưu trong và ngoài nước, chiến tranh trong xã hội Trung Quốc bản chất của nó là sự chuyển hoá cục diện chứ không phải sự huy diệt lẫn triệt để của những đối tượng tham chiến, do vậy chuyển hoá thế trận một cách hiệu quả nhất bằng trí mưu là một ưu tiên hành đầu. Trí mưu của đế sư là nhân tố quyết định thắng lợi của thế trận. Một ví dụ điển hình nếu quan sát một bộ ba cực nổi tiếng trong cấu trúc quyền lực Trung Quốc đã trở thành huyền thoại hoá trong Trung Quốc và trên thế giới đó là bộ ba cấu trúc tam giác quyền lực: Lưu Bi- Khổng Minh- Quan Vũ. Trong trạng thái mới định hình của nó mới chỉ có cuộc kết nghĩa vườn đào của Lưu, Quan, Chương. Cấu trúc này mới nằm trong một trạng thái cặp đôi chưa được hình mẫu hoá, chưa hoàn thiện và chưa phát sinh ra những biến động của nó. Tiếp tục trạng thái vận động, Lưu Bị, Quan Vân Trường ý thức từ trong tiềm thức sự thiếu hụt của một thành tố không thể thiếu trong cấu trúc: đế sư Khổng Minh. Bộ ba tam giác này hoàn thiện, định hình một cấu trúc tam giác quyền lực. Sức mạnh của bộ tam giác này hiện thực hoá thi triển trong lịch sử và vận hành để lại nhiều thành quả rực rỡ trong lịch sử. Cấu trúc Hán Cao Tổ Trương Lương-Hàn Tín cũng vậy. Khi chưa có Trương Lương và Hàn Tín thì cấu trúc chưa vận hành theo đúng với quỹ đạo và sức mạnh của nó. Có Trương Lương và từ Trương Lương có Hàn Tín, cấu trúc tam giác phát huy toàn bộ sức mạnh mang tính triết học của nó. Chính cấu trúc này là cơ sở mọi thắng lợi của nhà Hán. Trong thành tố này, người gây dựng và chi phối toàn bộ thành tố này chính là Khổng Minh và Trương Lương. Trận chiến Xích Bích là sự thể hiện rõ nhất sức mạnh thần bí của đế sư Khổng Minh. Cấu trúc quyền lực tam giác Hán Cao Tổ và Hàn Tín do một tay Trương Lương dựng lên. Chính Trương Lương đưa Hàn Tín về với nhà Hán. Quyết định thắng lợi ngoài mặt trận quân sự là Hàn Tín. Nhưng quyết định sức mạnh và sự vận hành của cấu trúc là đế sư Trương Lương. Ở đó hoàng đế tương lai sẽ là trung tâm của sự quy tụ. Võ tướng tượng trưng cho sức mạnh quân sự ngoài mặt trận. Đế sư là chỗ dựa cho cả cấu trúc (vua và võ tướng) và cả binh sĩ. Đồng thời là điểm tựa tâm linh và sức mạnh trí tuệ cho cấu trúc. Sức mạnh thần bí của cấu trúc được tạo ra từ trên cơ sở sự kết hợp của sức mạnh quy tụ của vua, sức mạnh quân sự của võ tướng và sức mạnh trí mưu của đế sư. Nhìn từng thành tố bản thân nó không tạo ra sức mạnh, nhưng khi quy tụ và vận động hoàn hảo từ trong cả cấu trúc tạo ra một “thế”[26], (đặc trưng của nó như trên đã chỉ ra, là vừa vững vừa sinh thành, động) sức mạnh thần bí siêu vượt lên trên sức mạnh của từng thành tố riêng lẽ. Đây chính là sức mạnh thần bí, sức mạnh triết học của cấu trúc động, cấu trúc tam giác tạo ra. Chính vì vậy, mỗi khi thời loạn, những võ tướng, những quân sư và minh chúa tương lai đều như một lực hút tìm đến và quy tụ lại với nhau hình thành một cấu trúc mới, tạo ra một “thế” mới.
2.21. Vai trò của đế sư Vạn Hạnh trong cấu trúc quyền lực cặp đôi
Nhìn toàn bộ bước đường lên ngôi của Lý Công Uẩn từ tư cách người hào trưởng hiện lên đặc biệt rõ nét vai trò của đế sư Vạn Hạnh. Nhận Lý Công Uẩn vào chùa làm con nuôi của Lý Khánh Văn, không phải là một hành động từ thiện ngẫu nhiên, một ý đồ chính trị mang tầm vóc đế sư hiện rõ qua lời nhận xét của ông về Lý Công Uẩn . Quan sát những bước đi của Lý Công Uẩn tiến đến vị trí điện tiền chỉ huy sứ triều đình vua Đinh và ôm xác Trung Tông trước mặt văn võ bá quan và được Lê Long Đĩnh khen hẳn là một bước đi thể hiện sự nắn gân chính trị và nhìn từ những bước chuẩn bị khác của Vạn Hạnh (sấm phù, dự báo).. Không chỉ dừng lại ở những chuẩn bị thực tiễn từng bước thiết thực đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, với uy tín và sức ảnh hưởng của mình, tất cả những lời sấm phù Lý hưng, Lê Vong, con chó ở châu cổ Pháp đốm đen trăng có chữ Thiên tử tạo ra một dư luận và một niền tin tưởng tâm linh trong tăng giơi (lúc này vị thế của tăng giới đặc biệt lớn, có quyền uy, là trí thức của thời đại) và trong đời sống là một sự lên ngôi hợp mệnh trời. Sức mạnh và sự tin tưởng và điểm tựa tâm linh tôn giáo là nét đặc sắc như là nền tảng của đế sư Vạn Hạnh trong việc kiến tạo cấu trúc quyền lực và cấu trúc nhà nước triều Lý sau này.
Lời khuyên lên ngôi của Vạn Hạnh và lời khuyên lên ngôi của Đào Cam Mộc đã cho thấy dáng dấp của một cấu trúc quyền lực tam giác và người làm điểm tựa cho toàn bộ quá trình sau cùng này hẳn không ai khác chính là đế sư Vạn Hạnh. Hiện tại chúng ta không có tư liệu để khẳng định mối quan hệ giữa Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc là như thế nào nhưng nhìn từ một chiều kích, Đào Cảm Một thật nhạy cảm với xu thế đang lên của Lý Công Uẩn và việc Đào Cam Một hô ứng với lời khuyên của Vạn Hạnh đưa đến một sự liên hệ nhất định. Chỉ có hai khả năng, một là Đào Cam Một nhìn thất xu thế đang lên của nhà Lý và biết được tham vọng của Lý Công Uẩn. Hai là , Đào Cam Một có những mối liên hệ với Vạn Hạnh. Nhưng dù sao đi nữa , dù vô tính hay hữu ý , Đào Cam Một cũng nằm trong mạch vận động của cặp đôi cấu trúc này và chính ông là một thành tố thứ ba tham gia vào cấu trúc này., vì thế cấu trúc Vạn Hạnh-Lý Công Uẩn- Đào Cam Mộc là tam giác quyền lực đã định hình. Sản phẩm của nó không ai khác chính là do bàn tay của một Vạn Hạnh tạo tác. Chính sự hô ứng cuối cùng của Đào Cam Một là một lực đẩy cuối cùng gạt bó những lưỡng lự trong triều đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Đến đây vai trò đế sư của Vạn Hạnh đã thành công. Mô hình tam giác quyền lực: Vạn Hạnh-Lý Công Uẩn- Đào Cam Một đã hiện thực hoá. Trung tâm của nó đến đây là Lý Công Uẩn. Trạng thái này đáng dấu sự chuyển hoá quyền lực vận động theo chiều hướng lên trên.
3. Ý nghĩa, vị trí, vai trò của cấu trúc quyền lực cặp đôi này trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng khu vực và trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của lịch sử tư tưởng, lịch sử chính trị, lịch sử văn hoá, tư tưởng và lịch sử quốc gia dân tộc.
3.1. Ý nghĩa, vai trò, vị trí của cấu trúc quyền lực này trong sự quy chiếu với cấu trúc quyền lực trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa cổ đại
Như bật kỳ một sự vật hiện tượng nào trong quy luật sinh tồn và vận động của nó, khi một hình mẫu được bứng vào những thổ nhưỡng văn hoá khác, nó sẽ tạo ra nhiều những khả năng khác nhau trước khi “tha hoá” vào lịch sử và thành tạo trong lịch sử ở một hoặc một vài khả năng nhất định. Cấu trúc quyền lực cặp đôi điển hình Trung Hoa bứng vào Việt Nam vì những lý do nội ngoại khác nhau nhưng nó cũng thành tạo ở những phương diện về cơ bản là vươn tới hình mẫu chuẩn mực đã được tạo ra. Tuy nhiên, trước khi có những thành tạo cuối cùng, trạng thái vận động của nó đến điểm quy chiếu tuyệt đối lại “hoá thạch” ra những sản phẩm hết sức đặc biệt độc đáo, và sự ảnh hưởng và diễn tiến của nó có thể kéo dài qua hơn 1 triều đại và để lại những thành tựu lâu dài thậm chí là những thành tựu cao nhất trong lịch sử tư tưởng văn hoá Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, văn học, tâm linh, kiến trúc…Điều này rất đúng với quá trình Việt Nam trải qua hai thời đại Lý - Trần trước khi vận động đến đỉnh điểm của nhà nước chuyên chế theo đúng quỹ đạo của nhà nước Trung Hoa. Điều này được tạo ra bởi sức mạnh sự lan toả của văn hoá trung tâm và được tạo ra bởi một quá trình vận động của văn hoá vùng sở tại. Với Trung Hoa, trung tâm phát đi của nhiều hình mẫu sự ảnh hưởng này là một tất yếu. nhìn từ Việt Nam, nó không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn mẫu hình, sâu xa hơn nó còn nằm trong một lịch trình, mà lịch trình vừa là hệ quả của tính cách tộc người vừa là hệ quả của địa chính trị địa văn hoá ở vùng biên viễn, nơi cư dân gốc là cư dân của vùng văn hoá Đông nam Á khác. Đặc biệt, vùng đất này sớm hôn phối đúng nghĩa với Phật giáo, câu chuyện Man nương và nhà sư Ấn Độ là minh chứng không thể chối cãi này. Do vậy, mạch vận động vươn lên chiếm lĩnh đời sống tư tưởng của dân tộc, với sự vận động và hoạt động của nhà sư và nhà chùa là mạch vận động trung tâm trong suốt thời kỳ bắc thuộc, chùa trấn bắc (ngay nay là chùa trấn quốc) xây dựng trước văn miếu 500 năm. Nhà sư là trí thức và nhà chùa là trường học trước nhà Nho và văn miếu nhiều trăm năm. Chính mạch vận động và thâm nhập sâu vào đời sống tâm linh và cả đời sống thế tục là nhân tố, mang đặc điểm, đặc sắc trong cấu trúc chính trị Thiền sư, đế sư Vạn Hạnh- hoàng đế Lý Công Uẩn. Nhìn từ trục vận động của Phật giáo dân tộc, cấu trúc quyền lực này là sản phẩm của sự khẳng định vị trí và tầm vóc nước Việt thế kỷ thứ mười. đế sư là một thiền sư “chống gậy trấn kinh đô”. đế vương là một con của nhà phật, con của nhà chùa. Nếu như tiến trình hoàn thiện cấu trúc này của Trung Quốc là tiến trình Nho hoá thì tiến trình này ở đại Việt, ít nhất là thế kỷ X-XV đã được vận hành theo một hướng khác: sự tham giá chi phối có tính chất quyết định của tôn giáo Phật giáo vào cấu trúc quyền lực. Nhìn từ cấu trúc quyền lực này trong lịch trình phát triển từ Trung Quốc đến Việt Nam đây là một hiện tượng đặc sắc, một sự hoá thạch ngoại biên nhìn từ quá trình giao lưu văn hoá.
3.2 . Ý nghĩa, vai trò, vị trí của cấu trúc quyền lực này trong tiến trình vận động và phát triển của tổng thể chính trị, tư tưởng, văn hoá Đại Việt.
- Trong phần này chúng tôi dừng lại bàn sâu một vấn đề từ trước đã được đông đảo học giả trong và ngoài nước quan tâm, đó là Vương Triều Lý đã là một vương triều tập quyền hay chưa? Giới học giả Việt Nam, cho rằng, vương triều Lý là vương triều chuyên chế đầu tiên trong lịch sử nền chuyên chế Việt Nam. Trong những năm gần đây, một số học giả trên thế giới, đặc biệt là hai học giả Nhật Bản là Sakurai và học giả Mỹ Keil Tayle, nghi ngờ kết luận này của học giả Việt Nam. Học giả Nhật Bản và học giả Mỹ từ những góc phân tích khác nhau: từ chế độ ruộng đất, từ 5 con đê nhà Lý, từ Tôn giáo triều Lý đi đến khẳng định. Triều Lý là triều đại nền chuyên chế Việt Nam chưa vận động đến mức độ tập quyền.[27] Từ góc nhìn của mình, người viết cũng thuận với nhận định theo hướng này. Khác với hai học giả trên biện luận từ góc độ tôn giáo và ruộng đất, người viết biện minh nó từ góc nhìn cấu trúc quyền lực cặp đôi.
Vua Lý Công Uẩn từ quá trình lên ngôi đến những tiêu chí của một hoàng đế khai triều đều đủ cả. Tuy nhiên, nhìn từ trục vận động của người hào trưởng, xét về một phương diện nào đó, quỹ đạo Lý Công Uẩn khác (đã chứng mình ở trên). Ông cũng khác với hoàng đế khai triều Trung Hoa từ trong chiến chinh bước lên ngôi hoàng đế. Họ có thẩm quyền lựa chọn những lý thuyết cai trị khác nhau, có thể ứng dụng những lý thuyết khác nhau. Thời Tần sử dụng Pháp gia, thời Hán, Nho-Lão, sau là Nho Pháp kết hợp. Lý Công Uẩn không đi theo hướng của những hào trưởng. Ngay từ bé ông đã bị “bắt cóc’ để đào tạo làm hoàng đế trong chùa. Điều này không cho phép ông có quyền lựa chọn lý thuyết cai trị. Từ trước khi ông lên làm Hoàng đế, tôn giáo Phật giáo chi phối hành xử ông là điều không thể khác được. Và như trên đã phân tích, sư ra đời của cấu trúc quyên lực cặp đôi là một phương diện của sự vươn lên của tôn giáo Phật giáo. Và điều này kéo dài sang cả những vị vua sau thời Lý. Tuy nhiên quan sát hành động cụ thể của chính Lý Công Uẩn khi ông trị vì từ góc độ ông tiến hành xây dựng các công trình và tên gọi các công trình sẽ cho ta những cái nhìn đa diện hơn. Bên cạnh việc xây chùa là xây các cung diện, thậm chí xây dựng song song. Tên gọi của chùa và tên gọi các cung theo sắc màu Nho giáo được đặt song song. Và việc các vua sau Lý Công Uẩn xây dựng Văn Miều (1070), tổ chức thi là biểu hiện của định hướng Nho hoá rõ nét.. Và việc quy tụ và phong cho các thần linh không khác được là thể hiện đức độ của nhà vua nhận được chân mệnh đế vương theo cách hình dung của Nho giáo. Rõ ràng, sự chi phối của tôn giáo phật giáo với triều Lý là chắc chắn. Nhưng sự định hướng chuyên chế hoá và sự quy tụ thần linh bản địa là một mạch vận động vươn lên mạnh mẽ trong lòng Phật giáo. Do vậy, sở dĩ triều Lý chưa phải là nền chuyên chế hoàn toàn xác đáng và đó là trạng thái hết sức đặc biệt. Nó nằm trong trạng thái đang trên đường vận động đến với hình mẫu gốc của nó. Sự có mặt của nó và sự vươn lên tiếp tục của nó là minh chứng cho điều này. Sự chi phối đặc biệt của Phật giáo làm chậm này tiến trình này. Nhưng chính sự kết hợp đan xen này và sự quy tụ thần linh bản địa tạo ra đặc sắc quyền lực triều Lý. Mô hình nhà nước chuyên chế nhưng sức mạnh tạo ra sự sức mạnh tôn giáo Phật giáo và quy tụ tâm linh.
4. Kết luận
Nhìn quy chiếu từ cấu trúc quyền lực cặp đôi trong lịch sử chính trị khu vực và những cặp đôi trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, cấu trúc quyền lực cặp đôi Vạn Hạnh- Lý Công Uẩn hết sức đặc biệt. Nếu hình dung cặp đôi này từ trạng thái vận động trong tiến trình vận động cấu trúc quyền lực trong lịch sử chính trị Việt Nam thì nó ở trạng thái đang thành tạo trong tiến trình chuyên chế hoá theo định hướng nhà nước Nho giáo. Nhìn từ sự lan toả quyền lực từ trung tâm ra ngoại vị, ở trạng thái này nó là sự hoá thạch ở ngoại biên trong giao lưu tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ đặc sắc làm nên nét độc đáo của loại hình cấu trúc này là sự chưa bạch hoá giữa tôn giáo và chính trị, trong đó sắc màu tôn giáo chi phối và lấn át sắc màu chính trị. Điều này có nghĩa là cấu trúc chính trị này chưa phả quyền uy vào xã hội với tư cách thiết chế chính trị độc lập. Điều này chứng tỏ nó chưa vận động đến giai đoạn hình mẫu của nó. Quyền uy đi vào xã hội và tạo nên sức mạnh là quyền uy tôn giáo phật giáo. Tuy nhiên nhìn từ chiều kích khác, tôn giáo Phật giáo chính là bệ đỡ trong những bước đi đầu tiên trước khi cấu trúc quyền lực này vận hành đến mức hoàn thiện của nó trước khi nó tự đứng vững. Với sự hiện diện của Phật giáo và những sáng tạo văn hoá và sức mạnh cộng đồng được quy tụ bởi phật giáo thực sự phật giáo đã cùng dân Việt trèo chống qua một giai đoạn đặc biệt nguy hiểm trước sự huỷ diệt văn hoá đến từ Trung Hoa. Nói như Keeil Taylơ, đây là giai đoạn Việt Nam tự phát hiện và bộc lộ mình trước sự huỷ diệt đến từ Văn hoá Trung Hoa[28]. Hình tượng hoá những vai trò của Phật giáo với Đại Việt, Lý Nhân Tông viết về Vạn Hạnh như sau.
Vạn Hạnh dung tam tế
Thật hiệp lời sấm xưa
Quê hương châu cổ Pháp
Chống gậy trấn Kinh đô.
[1] Xem văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Trần Ngọc Vương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr. 54-55
[2] Xem văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Trần Ngọc Vương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr.54-55, tr.329.
[3] Xem : Sài Vũ Cầu: Mưu lược gia tinh tuyển 7 tập, (tập 5) Quân sự mưu lược gia, mục Khương Thượng, tr. 9-29.
[4] Vấn nạn về tiêu diệt công thần. Phạm Lãi phải trốn thoát khi giúp Câu Tiễn hoàn thành đế nghiệp.
[5] Xem trong tam quốc và các bộ sử lớn Trung Quốc .
[6] Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khxh, 1976, tr. 85-87
[7] Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2010, tr. từ 7-96 và Thực thể Việt nhìn từ các toạ độ chữ, Nxb Tri thức, tr.103.
[8] Hồng Hiến có dáng dấp của đế sư
[9] Xem Thực thể Việt nhìn từ các toạ đ ộ chữ, Nxb Tri thức, 2010, tr. 99
[10] Bước thăng trầm của các triều đại Phong kiến Trung Quốc, Nxb Văn Hoá Thông Tin, tập 2, tr.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hoá th ông tin, 2004, tr.578.
[12] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.587-640.
[13] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.587-640.
[14] Trần Ngọc Vương : Thực thể Việt nhìn từ các toạ độ chữ, Nxb Tri thức, 2010., tr. 103.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hoá thông tin, 2004. tr.257
[16] Lê Mạnh T hát: Nghiên cứu về Thiền Uyển tập anh, Nxb thành phố HCM, 1999. tr. 266
[17] Xem: Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên): Vương Triều Lý (1009-1226), bài Nho giáo và tâm thái Lập quốc triều Lý của tác giả PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Nxb Hà Nội, tr.
[18] Đại Việt sử ký toàn như, Nxb Văn hoá thông tin, 2004, tr.258.
[19]
[20] Tư Mã Thiên, Sử ký, Nxb Văn học, 1997, tập 1. tr.299
[21] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.287-640
[22] Hồng Hiến có dáng dấp đế sư.
[23] Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang, Nxb văn học 2008, tr. 185
[24] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.287-640
[25] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.287-640
[26] Francois, Jlien, Bàn về chữ thế, Nxb Đà Nẵng, 2004.
[27] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.287-640
[28] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb Hà Nội, 2010, tr.287-640
Bài viết tham gia Hội thảo khoa học Quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập, Hà Nội, tháng 3/2011.
Nguồn: http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=895:ths-trnh-vn-nh&catid=42:cong-trinh-khoa-hc&Itemid=116