Phạm Thị Thu Hiền
Email: pthien@vnu.edu.vn
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam
TÓM TẮT: Ngữ liệu có vai trò quan trọng đối với dạy học và kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Tuy nhiên, ngữ liệu trong sách giáo khoa rất hữu hạn, được coi là những “mẫu” ngữ liệu để dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giáo viên cần có nhiều ngữ liệu để tổ chức dạy học sinh thực hành đọc, mở rộng phạm vi đọc và thiết kế công cụ đánh giá. Nhưng lâu nay, nhiều giáo viên chưa có thói quen và khả năng tự xây dựng hệ thống ngữ liệu riêng phục vụ cho công việc của cá nhân. Bài viết giúp giáo viên hiểu được đặc điểm, vai trò của ngữ liệu và cách xây dựng hệ thống ngữ liệu để chủ động trong dạy học cũng như đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực.
1. Đặt vấn đề
Trong dạy học nói chung, dạy học đọc hiểu văn bản trong môn Ngữ văn nói riêng, ngữ liệu có vai trò quan trọng, vừa là nội dung, vừa là phương tiện để dạy học và kiểm tra đánh giá. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, khả năng tự xây dựng hệ thống ngữ liệu của giáo viên môn Ngữ văn hiện nay còn một số hạn chế. Do đó, cần giúp giáo viên hiểu được đặc điểm, vai trò của ngữ liệu và cách xây dựng hệ thống ngữ liệu để chủ động trong dạy học và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số quan niệm về ngữ liệu
Theo Từ điển tiếng Việt, “ngữ liệu” là tư liệu ngôn ngữ được dùng làm căn cứ để nghiên cứu ngôn ngữ [1]. Theo Göpferich (2006) và Wades and Moje (2000): “Ngữ liệu là một hệ thống tổ chức thống nhất về ngôn ngữ, hoàn chỉnh về nội dung, có chức năng định hướng, do con người tạo ra nhằm sử dụng cho một mục đích xác định. Hay nói cách khác, ngữ liệu là một hình thức giao tiếp bằng lời, bằng văn bản, bằng hệ thống đồ họa để chuyển tải ý nghĩa đến người xem” [2].
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 (Chương trình Ngữ văn 2018), “ngữ liệu” được hiểu là: “âm, chữ cho đến văn bản hoặc trích đoạn văn bản thuộc các loại văn bản và thể loại thể hiện dưới các hình thức viết, nói hoặc đa phương thức, dùng làm chất liệu để dạy học” [3].
Trong các quan niệm trên, quan niệm của Chương trình Ngữ văn 2018 là phù hợp hơn cả đối với ngữ liệu được sử dụng trong dạy học môn Ngữ văn nói chung, dạy học đọc hiểu văn bản nói riêng.
2.2. Vai trò của ngữ liệu trong dạy học đọc hiểu văn bản
Theo tác giả Phạm Phương Anh: “Trong tài liệu dạy học, ngữ liệu thường đảm nhận một, hai hoặc ba nhiệm vụ cùng lúc tùy theo mục tiêu, nội dung dạy học: Một đối tượng ngôn ngữ đơn thuần để học sinh và giáo viên thao tác trong quá trình học ngôn ngữ, văn chương với việc chú trọng khai thác các yếu tố cơ bản như cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, ngôn từ, biện pháp tu từ… mà ngữ liệu đó có thể đáp ứng; một phương tiện cho việc truyền tải thông tin đến người đọc với việc chú trọng khai thác khả năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, dự đoán thông tin của người đọc; một đối tượng làm bàn đạp cho sự tưởng tượng, sáng tạo, phát triển tư duy phản biện và suy nghĩ độc lập ở học sinh [2]. Với tầm quan trọng như vậy, việc lựa chọn ngữ liệu để sử dụng trong dạy học không đơn giản. Nó đòi hỏi nhà giáo dục khả năng nắm vững chương trình, mục tiêu bài học, trình độ của học sinh, kĩ năng ngôn ngữ, khả năng văn chương... để xem xét, phân tích và lựa chọn, biên soạn các ngữ liệu phù hợp cả về nội dung lẫn hình thức”.
Chương trình Ngữ văn 2018 khẳng định: “Trong môn Ngữ văn, ngữ liệu là một bộ phận cấu thành của nội dung giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển ở học sinh những yêu cầu cần đạt về năng lực được nêu trong chương trình” [3]. Chương trình Ngữ văn 2018 chú trọng việc hình thành và phát triển cho học sinh năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học thông qua bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Trong dạy học đọc hiểu văn bản, ngữ liệu là các văn bản được sử dụng để dạy học sinh đọc theo đặc trưng thể loại, là công cụ giúp học sinh thực hành khả năng đọc hiểu văn bản và mở rộng phạm vi đọc. Ngữ liệu cũng là công cụ để giáo viên đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh. Như vậy, có thể thấy, trong dạy học đọc hiểu văn bản ở trường phổ thông, ngữ liệu là yếu tố không thể thiếu. Nó vừa được coi là nội dung vừa được coi là phương tiện dạy học.
2.3. Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu trong dạy học đọc hiểu văn bản
Theo quy định của Chương trình Ngữ văn 2018 [3], để đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, ngữ liệu được lựa chọn cần bảo đảm các tiêu chí sau:
- Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.
- Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học.
- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.
- Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.
Ngoài việc bảo đảm các tiêu chí đã nêu ở trên, theo Chương trình Ngữ văn 2018, Ngữ liệu dạy học trong môn Ngữ văn cần bảo đảm các yêu cầu sau:
- Bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin.
- Bảo đảm sự phù hợp của văn bản với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình. Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản, cho học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học, …
- Bảo đảm kế thừa và phát triển các chương trình môn Ngữ văn đã có.
Ngoài những quy định chung trên đây của Chương trình Ngữ văn 2018, khi lựa chọn ngữ liệu dùng để dạy học và kiểm tra đánh giá, giáo viên cần quan tâm đặc biệt đến các tiêu chí sau:
- Ngữ liệu phải chứa đựng các kiến thức văn học cần dạy học hoặc kiểm tra đánh giá ở từng khối lớp cụ thể. Điều này đã được Chương trình Ngữ văn 2018 quy định ở mục “Kiến thức văn học”. Ví dụ, đối với lớp 8, khi lựa chọn ngữ liệu là thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường, cần lấy được các văn bản chứa đựng các yếu tố đặc trưng của thể loại như bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối.
- Ngữ liệu có chủ đề hay, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất cao đẹp của con người như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm, trung thực. Nội dung của ngữ liệu có thể dùng để dạy tích hợp với viết, nói và nghe theo các phương thức: tự sự, miêu tả, nghị luận, thuyết minh, biểu cảm,…
- Ngữ liệu có độ dài tương đương với các ngữ liệu đã được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa.
- Ngữ liệu có sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu,… quen thuộc, phù hợp với trình độ sử dụng ngôn ngữ của học sinh hoặc chứa đựng những yếu tố về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp (kiến thức tiếng Việt) cần dạy cho học sinh theo yêu cầu cần đạt đối với mỗi khối lớp.
- Ngữ liệu có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy, có thể kiểm tra được.
2.4. Đặc điểm của ngữ liệu trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay
Chương trình Ngữ văn 2018 có định hướng mở về ngữ liệu. Tuy nhiên, để bảo đảm nội dung giáo dục cốt lõi, thống nhất trên cả nước, chương trình quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn. Các văn bản bắt buộc được nêu tên cụ thể như: Nam quốc sơn hà (Thời Lý), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Các văn bản bắt buộc lựa chọn chỉ được nêu tên thể loại hoặc tên tác giả với số lượng tối thiểu cần chọn. Ngoài ra, chương trình đưa ra một danh mục những văn bản gợi ý tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn ở các lớp. Danh mục này không phải là tất cả ngữ liệu của các lớp mà chỉ là những ví dụ minh hoạ về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp. Các văn bản được gợi ý theo các nhóm lớp. Các tác giả sách giáo khoa có thể dựa vào danh mục này để lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương đương về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí đã nêu ở trên. Ngữ liệu gợi ý trong chương trình được sắp xếp theo trình tự kiểu, loại văn bản (truyện, thơ, kịch, kí, nghị luận, thông tin). Số lượng ở mỗi kiểu, loại khác nhau, tuỳ theo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Hiện nay, có ba bộ sách giáo khoa [4], [5], [6] được sử dụng làm tài liệu dạy học môn Ngữ văn ở các cấp.
Mỗi bộ sách có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để tổ chức dạy học, miễn là đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn ngữ liệu của chương trình. Ví dụ: Chương trình Ngữ văn 2018 quy định dạy đọc hiểu thể loại sử thi cho học sinh lớp 10. Bộ sách Cánh Diều lựa chọn dạy chính thức văn bản Chiến thắng Mtao Mxây (trích sử thi Đăm Săn), cho học sinh thực hành đọc hiểu văn bản Ra-ma buộc tội (trích sử thi Ra-ma-ya-na của Van-mi-ki). Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống lựa chọn dạy chính thức hai văn bản: Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác (trích sử thi I-li-át của Hô-me-rơ), Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời (trích sử thi Đăm Săn), cho học sinh thực hành đọc văn bản Ra-ma buộc tội (trích sử thi Ra-ma-ya-na của Van-mi-ki). Bộ sách Chân trời sáng tạo lựa chọn dạy chính thức hai văn bản: Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (trích sử thi Đăm Săn), Gặp Ka-ríp và Xi-la (trích sử thi Ô-đi-xê của Hi Lạp), đọc mở rộng theo thể loại với văn bản Đăm Săn đi chinh phục Nữ Thần Mặt Trời (trích sử thi Đăm Săn).
Tuy nhiên, số lượng ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa là rất hữu hạn (mỗi thể loại chỉ có từ 2-4 ngữ liệu), những tác phẩm lớn thường chỉ dạy đoạn trích, có những ngữ liệu khó đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, ... Giáo viên ở các địa phương khác nhau nhưng khi dạy cùng một bộ sách giáo khoa hầu như sử dụng ngữ liệu giống nhau. Giáo viên hầu như không thay đổi ngữ liệu đã được đưa vào sách giáo khoa vì cho đó là sự lựa chọn an toàn. Mặc dù đã có nhiều bộ sách giáo khoa hơn so với trước đây nhưng ngữ liệu đưa vào các sách chưa thực sự phong phú. Hiện nay, đề kiểm tra đánh giá thường xuyên và nhất là đánh giá định kì được khuyến khích sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, “tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học” [3], đảm bảo tính công bằng và đáp ứng yêu cầu của đánh giá năng lực.
Vì vậy, rất cần có những hệ thống ngữ liệu được xây dựng để giúp giáo viên thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa (nếu cần), phục vụ cho nhu cầu đọc mở rộng, thực hành đọc, ôn tập trước các kì thi,… Đây cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới đã làm [7], [8]. Chẳng hạn, trong một tài liệu dạy học về thơ dành cho lớp 11 ở Mĩ, các tác giả dành 178 trang để đề xuất dạy đọc các văn bản thơ theo 3 nhóm chủ đề lớn [3]. Ở chủ đề 1 - Năng lượng của cuộc sống ngày thường, tập trung hướng dẫn học sinh tìm hiểu thể thơ và cấu trúc, tài liệu giới thiệu 14 văn bản thơ. Ở chủ đề 2 - Yêu thương và mất mát, tập trung hướng dẫn học sinh tìm hiểu ngôn ngữ thơ, tài liệu giới thiệu 15 văn bản. Ở chủ đề 3 - Các vấn đề về phong cách, tập trung hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các phương diện tạo nhạc tính, tài liệu giới thiệu 13 văn bản. Các văn bản được giới thiệu ở mỗi chủ đề tương đương về thể loại và chủ đề, chứa đựng các yếu tố về đặc điểm của thể loại mà học sinh cần tìm hiểu; các hướng dẫn cho từng văn bản trong từng chủ đề rất cụ thể và tương tự như nhau. Cách làm này cũng được thực hiện đối với các thể loại khác như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết,… Số lượng văn bản được gợi ý rất phong phú, đa dạng nhưng giáo viên chỉ lựa chọn ở mỗi chủ đề một số văn bản để dạy học (chứ không dạy tất cả các văn bản được giới thiệu). Như thế, giáo viên có thể chọn được những văn bản phù hợp với phong cách dạy học của bản thân hoặc nhu cầu, thị hiếu, … của học sinh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Ở Việt Nam, gần đây cũng có một số tài liệu được biên soạn phục vụ nhu cầu này của giáo viên nhưng chưa nhiều và mới chủ yếu dừng lại ở việc sưu tầm văn bản, chưa có những hướng dẫn dạy học hay kiểm tra đánh giá qua từng văn bản [9]. Cho nên, nếu giáo viên tự xây dựng được hệ thống ngữ liệu phong phú, phù hợp cho từng mục đích khác nhau là điều vô cùng cần thiết, khắc phục được những khó khăn nêu trên.
2.5. Quy trình xây dựng hệ thống ngữ liệu
Ngữ liệu dùng trong dạy học và kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh cần phải được lựa chọn một cách cẩn trọng, dựa trên những tiêu chí đã nêu ở trên. Giáo viên có thể tham khảo hai quy trình sau đây để xây dựng hệ thống Ngữ liệu:
Quy trình 1: Giáo viên tự xây dựng ngữ liệu để dạy học và kiểm tra đánh giá, không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa:
- Xác định khối lớp cần xây dựng hệ thống Ngữ liệu.
- Đọc phần Kiến thức văn học và Kiến thức tiếng Việt trong chương trình, xác định thể loại/kiểu văn bản cần dạy và các yếu tố đặc trưng của thể loại/kiểu văn bản.
- Đọc yêu cầu cần đạt của chương trình về đọc hiểu từng thể loại/kiểu văn bản.
- Đọc những tiêu chí về lựa chọn ngữ liệu mà chương trình đã nêu ra.
- Tìm ngữ liệu từ các nguồn: sách, báo, mạng Internet,…
- Đọc và lựa chọn các ngữ liệu phù hợp với các tiêu chí và yêu cầu cần đạt đã được nêu ở trong chương trình.
- Thiết kế kế hoạch bài dạy hoặc đề kiểm tra dựa trên ngữ liệu đã tìm được.
- Tiến hành dạy học và rút kinh nghiệm, thay thế bằng ngữ liệu khác (nếu cần) cho lần dạy hoặc đánh giá sau.
- Lưu giữ ngữ liệu để sử dụng trong những lần tiếp theo. Dưới đây minh họa cách làm trong tài liệu tham khảo phục vụ cho dạy học thơ (như đã nói ở mục 2.4 trên đây). Về cơ bản, sản phẩm này đã được xây dựng theo quy trình ở trên:
Quy trình 2: Giáo viên xây dựng ngữ liệu theo định hướng của một bộ sách giáo khoa
- Xác định khối lớp và bài học cần xây dựng hệ thống ngữ liệu.
- Đọc Yêu cầu cần đạt của bài học trong sách giáo khoa.
- Đọc và phân tích đặc điểm của các ngữ liệu được sử dụng trong bài học đó.
- Tìm ngữ liệu từ các nguồn: sách, báo, mạng Internet,…
- Đọc và lựa chọn các ngữ liệu phù hợp với các tiêu chí và yêu cầu cần đạt đã được nêu ở trong chương trình.
- Thiết kế kế hoạch bài dạy hoặc đề kiểm tra dựa trên ngữ liệu đã tìm được.
- Tiến hành dạy học và rút kinh nghiệm, thay thế bằng ngữ liệu khác (nếu cần) cho lần dạy hoặc đánh giá sau.
- Lưu giữ ngữ liệu để sử dụng trong những lần tiếp theo. Ngoài những thao tác trong các quy trình trên, khi xây dựng và lưu giữ hệ thống ngữ liệu, giáo viên cần lưu ý: Cấp độ: có thể xây dựng ngữ liệu cho từng bài, từng thể loại hoặc kiểu văn bản. Số lượng: mỗi thể loại/kiểu văn bản, cần tìm tối thiểu 01 ngữ liệu để học sinh thực hành đọc, 01 ngữ liệu để giáo viên ra đề kiểm tra đánh giá.
Cách lưu giữ: Dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm hoặc kết hợp cả hai.
Giáo viên có thể tự xây dựng hệ thống ngữ liệu cho mình hoặc mỗi tổ bộ môn xây dựng các hệ thống ngữ liệu dùng chung để tiết kiệm thời gian và huy động được trí tuệ tập thể trong việc lựa chọn ngữ liệu
3. Kết luận
Ngữ liệu trong dạy học đọc hiểu văn bản không chỉ là phương tiện/công cụ mà còn là nội dung dạy học. Vì thế, chất lượng và sự phong phú, giàu có của ngữ liệu có vai trò quan trọng trong dạy học đọc hiểu văn bản nói riêng, dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông nói chung. Cần tạo cho giáo viên thói quen sưu tầm, xây dựng hệ thống ngữ liệu của riêng mình để chủ động dạy học và kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học theo yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vietlex Trung tâm từ điển học, (2014), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
[2] Phạm Phương Anh, (2015), Ngữ liệu dạy học trong SACHS GIÁO KHOA môn Tự nhiên và xã hội và Tài liệu Macmillan Natural and Social Science 1, 2, 3, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 6 (71).
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
[4] Bùi Mạnh Hùng (tổng chủ biên), (2022), Ngữ văn 10 Tập 1 và Tập 2, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam.
[5] Nguyễn Thành Thi (chủ biên), (2022), Ngữ văn 10 Tập 1 và Tập 2, Bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam.
[6] Lã Nhâm Thìn - Đỗ Ngọc Thống (tổng chủ biên), (2022), Ngữ văn 10 Tập 1 và Tập 2, Bộ Cánh Diều, NXB Đại học Huế.
[7] Glenco, (2007), Literature The Reader’s Choice, Course 5, McGraw Hill.
[8] Glenco, (2007), World Literature The Reader’s Choice, Course 5, McGraw Hill.
[9] Đỗ Ngọc Thống (chủ biên), (2022), Văn bản đọc hiểu Ngữ văn 10, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
NGUỒN: Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, Tập 19, Số 02, Năm 2023