Phương pháp

MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỌC THẨM MĨ THƠ TRỮ TÌNH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG MÔN NGỮ VĂN


23-05-2022

Nguyễn Phương Mai

Email: mainp@vnies.edu.vn

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 101 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

TÓM TẮT: Bài viết đề cập đến vấn đề đọc thẩm mĩ trong dạy học thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông môn Ngữ văn. Trong bài, tác giả trình bày một số biện pháp tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Các biện pháp đó là: 1/ Chuẩn bị các điều kiện dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình theo hướng dẫn nhập cảm xúc cho giáo viên và học sinh; 2/ Thiết kế quy trình tổ chức hoạt động dạy học phù hợp để khơi gợi, nuôi dưỡng và phát triển tình cảm thẩm mĩ cho học sinh khi đọc thơ trữ tình; 3/ Xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp để phát triển tình cảm thẩm mĩ cho học sinh khi đọc thơ trữ tình; 4/ Sử dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển kĩ năng đọc thẩm mĩ trong dạy học thơ trữ tình. Mỗi biện pháp được đề xuất đều có một vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng và có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó logic, bổ sung, hỗ trợ, xuyên thấm trong nhau, cùng hướng tới mục đích chung là giúp giáo viên biết cách tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình, từ đó góp phần vào việc bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ và phát triển phẩm chất, nhân cách học sinh.

TỪ KHÓA: Đọc thẩm mĩ, biện pháp tổ chức dạy học, thơ trữ tình, trường trung học phổ thông, môn Ngữ văn.

1. Đặt vấn đề:

“Văn học là nhân học” (M. Goocki). Văn học là bộ môn học về con người với đời sống tinh thần phong phú và đa dạng. Học văn tức là học để hiểu sâu hơn về tâm hồn, tình cảm của con người và cũng là để học cách làm người. Với mỗi tác phẩm văn học (TPVH) nói chung, tác phẩm thơ trữ tình nói riêng, chất liệu đầu tiên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của nó lại chính là con người. Người đọc có thể nhận ra chính mình và hiểu mình hơn từ việc đọc tác phẩm. Đọc thẩm mĩ là cách đọc hướng tới giúp con người biết nhận thức về cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống, biết ứng xử nhân văn, biết cách sống, từ đó biết hướng thiện hơn để đi tới sự hoàn mĩ về nhân cách. Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) môn Ngữ văn mới (2018) yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực (NL) người học đòi hỏi giáo viên (GV) cần chuyển từ cách giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản. Vì vậy, rất cần sự thay đổi về cách dạy, cách học của cả GV và học sinh (HS). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi trình bày một số biện pháp tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học Ngữ văn ở trường trung học phổ thông (THPT) hiện nay.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái quát về đọc thẩm mĩ

Theo Đại Từ điển tiếng Việt (1998), “Thẩm mĩ” (Aesthetic) có nghĩa là “Khả năng cảm thụ và hiểu biết về cái đẹp” [1, tr.1540]. Đọc thẩm mĩ (Aesthetic reading): Dựa trên quan điểm của nhà nghiên cứu Ngữ văn Hoa Kì - L. Rosenblatt, đọc thẩm mĩ bao gồm quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Theo đó, ý nghĩa của tác phẩm không chỉ mang tính khách quan và hiển thị trên trang văn bản mà nó được hiển thị thông qua cảm xúc, sự kết nối và trải nghiệm của con người. Theo quan điểm của L. Rosenblatt (1978) [2]: “Đọc thẩm mĩ là một quá trình chủ động, người đọc tập trung suy nghĩ và chia sẻ cảm nhận của cá nhân với từng TPVH. Để tạo ra trải nghiệm sống, người đọc phải chú ý thể hiện cảm xúc, thái độ, ý tưởng, tình huống, tính cách và tình cảm. Sự kết nối và trải nghiệm này là bản chất của đọc thẩm mĩ. Với đọc thẩm mĩ, đọc trở thành thứ mà ngôn từ văn bản “khuấy trộn” người đọc”. Chúng tôi đồng tình với quan điểm nêu trên của nhà nghiên cứu Ngữ văn Hoa Kì - L. Rosenblatt và thống nhất rằng: Đọc thẩm mĩ là cách đọc quan tâm đến cảm xúc, thái độ và các ý tưởng xuất hiện ở người đọc trong suốt quá trình đọc. 

2.2. Dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông

Dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT có tác dụng rất lớn đối với việc phát triển phẩm chất, nhân cách, bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho HS. Tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định: “Đến với thơ trữ tình, HS có cơ hội được hòa vào những rung động hồn nhiên của con người trước vẻ đẹp của cuộc sống, nơi mà con người ít nhiều không bị ràng buộc, dày vò bởi nhu cầu vật chất tối thiểu. Khả năng rung động trước cái đẹp của con người là dấu hiệu của một con người phát triển. Nó mang lại tình yêu cuộc sống, cảm hứng sáng tạo, niềm khát khao vươn tới cái toàn diện, toàn mĩ…” [3, tr.46]. Với dạy học đọc thẩm mĩ, HS được tương tác trực tiếp với tác phẩm. Vì thế, các em sẽ được: “Bồi đắp thêm về tâm hồn, tình cảm, biết xúc động trước những con người và việc làm tốt khi các em trực tiếp đọc, suy nghĩ và nếm trải các tình huống tương tự trong tác phẩm. Từ đó, các em biết trân trọng những tình cảm, những việc làm tốt và biết ứng xử bằng các hành vi, hành động nhân văn trong cuộc sống” [4, tr.20].

2.3. Một số biện pháp tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông

2.3.1. Biện pháp 1: Chuẩn bị các điều kiện dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình theo hướng dẫn nhập cảm xúc cho giáo viên và học sinh

a. Mục đích Nhằm giúp GV có tâm thế chủ động, tự tin, sẵn sàng làm chủ giờ dạy. Khâu chuẩn bị càng cẩn thận, chu đáo, công phu thì GV càng chủ động, tự tin khi triển khai giờ dạy.

b. Cơ sở lí luận của biện pháp Dạy học là một công việc vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Ở đó, nó đòi hỏi NL sư phạm và sự sáng tạo của GV trong quá trình giảng dạy. Để làm tốt công việc này, GV phải thực hiện lần lượt các giai đoạn sau đây: 1/ Giai đoạn chuẩn bị trước khi lên lớp; 2/ Giai đoạn lên lớp; 3/ Giai đoạn sau khi lên lớp. Trong các giai đoạn trên, giai đoạn chuẩn bị trước khi lên lớp được xem là giai đoạn khởi đầu rất cần thiết. Đây là giai đoạn dẫn nhập cảm xúc cho cả GV và HS. GV không thể có bất cứ sự chủ động, sáng tạo nào khi thiếu đi sự chuẩn bị chu đáo cho giờ dạy. Do đó, việc chuẩn bị lên lớp không chỉ là điều cần thiết mà còn là việc làm bắt buộc không thể thiếu đối với mỗi GV nói chung, GV dạy Ngữ văn nói riêng.

c. Nội dung và cách thức thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị giáo án dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình

Trong thực tế dạy học, giáo án được xem là kịch bản lên lớp của từng GV với một đối tượng HS cụ thể, trong một không gian và thời gian cụ thể, được thể hiện rất rõ nội dung triển khai theo từng bài dạy tương ứng. Giáo án chính là sản phẩm cá nhân của mỗi GV khi dạy học.

- Giáo án dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình được thiết kế dựa trên tinh thần của giáo án dạy học theo định hướng phát triển NL người học nhưng tập trung chủ yếu vào việc chú ý khả năng ứng đáp của HS, chú ý phát triển cảm xúc, khơi gợi suy nghĩ, bồi dưỡng tâm hồn và đặc biệt là các ý tưởng, hành động của HS khi học thơ trữ tình. Tinh thần chung của giáo án dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình là thông qua các hoạt động cụ thể, trên cơ sở GV định hướng giúp HS hiểu (nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm) để hướng tới việc giúp HS cảm (cảm nhận, thấu cảm, bày tỏ tình cảm, cảm xúc, thái độ, suy nghĩ, hành động…) khi học tác phẩm. Có nghĩa là, qua các hoạt động cụ thể, từ việc hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm để giúp các em cảm nhận được, bày tỏ được tình cảm của mình khi học TPVH, tức là HS sẽ đi từ hiểu đến cảm, mức độ hiểu càng rộng thì khả năng cảm càng sâu. Dưới đây là một số yêu cầu cụ thể đối với một bài soạn giáo án dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT.

Thứ nhất: Mục tiêu bài học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình. Mục tiêu bài học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình cần hướng HS tới: 1/ Giúp HS biết cách đọc thơ trữ tình, hiểu nội dung (tác phẩm và tác giả) cũng như giá trị nghệ thuật thơ trữ tình để từ đó hiểu được chính mình qua mỗi giờ học; 2/ Giúp HS biết yêu mến, trân trọng cái đẹp, trân trọng tự do, công lí, biết yêu quý thiên nhiên, đất nước, con người… từ đó các em có ý thức và hành động cụ thể (trong khả năng của bản thân) để tham gia vào những việc làm có ý nghĩa, thiết thực hơn trong cuộc sống.

Thứ hai: Tiến trình tổ chức giờ học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình. Giáo án dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT phải được tổ chức thông qua các hoạt động cụ thể và bằng các hoạt động học tập. GV không nên tổ chức quá nhiều hoạt động để tránh gây căng thẳng cho HS. Một giờ dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình sẽ có rất nhiều vấn đề cần khai thác nhưng chỉ nên xác định một vài vấn đề cần thiết, phù hợp nhất để hướng dẫn HS. Giáo án của một giờ dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT bên cạnh việc: Hướng dẫn HS đọc tác phẩm; Hướng dẫn HS tìm hiểu các thông điệp nội dung, ý nghĩa văn bản thông qua các hình thức nghệ thuật cụ thể thì cần đặc biệt chú ý tới các hoạt động trọng tâm, đó là: Hướng dẫn HS liên hệ, kết nối, so sánh với bối cảnh văn hóa xã hội và với những trải nghiệm của bản thân để gắn kết vấn đề trong văn bản thơ trữ tình với người đọc.

Bước 2: Chuẩn bị phương pháp, phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình

Phương pháp dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình được thực hiện chủ yếu qua việc tổ chức các hoạt động. Mỗi hoạt động được thực hiện thông qua một hoặc một số nhiệm vụ học tập. Mỗi nhiệm vụ học tập lại được thiết kế bằng các kĩ thuật dạy học với sự hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp. Phương tiện dạy học là toàn bộ những trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ được sử dụng phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy và học tập trong nhà trường phổ thông. Ví dụ: máy vi tính, máy chiếu, hệ thống loa đài, micro, các loại tranh, ảnh, bản đồ, dụng cụ thí nghiệm… Việc GV sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học phù hợp là việc làm rất cần thiết, có tác dụng hỗ trợ GV và HS trong quá trình dạy học đồng thời góp phần làm giảm nhẹ cường độ lao động cho GV, do đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy học.

Bước 3: Chuẩn bị tâm thế lên lớp, sẵn sàng cho việc thực hiện giờ dạy đọc thẩm mĩ thơ trữ tình

Dạy Ngữ văn vốn là một nghệ thuật, dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình càng đòi hỏi tính nghệ thuật cao hơn rất nhiều bởi tính đặc trưng loại thể văn bản. Vì vậy, đòi hỏi GV phải chuẩn bị cho mình tâm thế thoải mái, vui vẻ cùng niềm say mê và lòng nhiệt huyết cao khi bước vào giờ dạy học. Dạy thơ trữ tình là một nghệ thuật đặc biệt, ở đó GV gieo vào lòng HS những khoái cảm thẩm mĩ cùng với những cung bậc cảm xúc dạt dào, truyền cho HS cảm hứng văn học thông qua từng dòng thơ, từng câu chữ. Vì vậy, tâm thế thoải mái, vui vẻ, hào hứng là điều rất cần thiết không thể thiếu đối với mỗi GV khi bước vào giờ dạy. Điều này góp phần quan trọng tạo hiệu ứng tốt cho giờ dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình đạt hiệu quả.

2.3.2. Biện pháp 2: Thiết kế quy trình tổ chức hoạt động dạy học phù hợp để khơi gợi, nuôi dưỡng và phát triển tình cảm thẩm mĩ cho học sinh khi đọc thơ trữ tình

a. Mục đích

Giúp GV nắm được quy trình dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT. Từ đó, GV biết cách thức tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp để khơi gợi và phát triển cảm xúc cho HS nhằm nâng cao hiệu quả dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT.

b. Cơ sở lí luận của biện pháp Theo định hướng dạy học phát triển NL, quá trình dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình phải được cụ thể hóa bằng các hoạt động. Trong đó, GV là người tổ chức, hướng dẫn, giao nhiệm vụ và hỗ trợ HS thực hiện các hoạt động học tập theo một quy trình cụ thể. HS là người tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ học tập dưới sự hướng dẫn của GV. Các hoạt động học tập phải bám sát và tập trung thực hiện mục tiêu đã đề ra trong trong mỗi bài học.

c. Nội dung và cách thức thực hiện

Hoạt động 1: Khởi động, tạo tâm thế đọc thẩm mĩ thơ trữ tình

Với vai trò là bước khởi động đầu tiên cho HS trước khi vào bài học, hoạt động này rất quan trọng. Mục đích nhằm thu hút sự chú ý, khơi gợi hứng thú, trí tò mò, vốn sống, kinh nghiệm đọc hiểu văn bản của HS để tạo sợi dây kết nối giữa người đọc và tác phẩm thơ trữ tình. Hoạt động này được diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 5-7 phút đầu tiết học). GV cần tạo sự hấp dẫn cho HS để cuốn hút các em chú ý vào giờ học. Hoạt động này có tác dụng khơi gợi, làm sống dậy trong tâm hồn các em tình cảm yêu thương, nỗi niềm cảm thông sâu sắc, sự trân trọng, quý mến nhân vật trữ tình cũng như tác giả. Sau đó, GV giới thiệu và liên hệ với bài học để dẫn dắt HS thực hiện các hoạt động tiếp theo.

Hoạt động 2: Tìm hiểu các yếu tố liên quan để tạo đà cho đọc thẩm mĩ thơ trữ tình

Đây là hoạt động rất cần thiết, có tác dụng tạo đà cho việc đọc hiểu thơ trữ tình. Mục đích nhằm giúp HS nắm bắt được các tri thức đọc hiểu cơ bản, đồng thời trang bị cho các em những tri thức công cụ làm điểm tựa để HS sẵn sàng thâm nhập, giải mã văn bản và tìm hiểu thế giới nghệ thuật của thơ. Các yếu tố liên quan bao gồm các kiến thức về: Bối cảnh xã hội, thời đại tác giả sống và sáng tác, thân thế, sự nghiệp của tác giả cùng hoàn cảnh sáng tác, thể loại… Để thực hiện tốt hoạt động này, GV cho HS chuẩn bị bài học trước ở nhà hoặc cho HS làm việc nhóm, sau đó yêu cầu các em viết lên những suy nghĩ của bản thân mình về các kiến thức công cụ mà các em đã tự tìm hiểu được trước khi thâm nhập tác phẩm thơ.

Hoạt động 3: Đọc, khám phá kiến thức và bộc lộ cảm xúc, thái độ, tình cảm cá nhân

Đây là hoạt động trọng tâm, đặc biệt quan trọng và là hoạt động nòng cốt với mỗi giờ dạy đọc hiểu TPVH nói chung, đọc thẩm mĩ thơ trữ tình nói riêng. Mục đích nhằm giúp HS tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, trực tiếp khám phá những tri thức mới và trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm, thái độ, khả năng ứng đáp với tác phẩm. Hoạt động này bao gồm: Đọc, Hiểu và Cảm nhận. Trước hết, GV cho HS đọc để cảm nhận chung về giọng điệu thơ, tìm hiểu ý nghĩa của thơ qua các tín hiệu nghệ thuật như: bố cục, cấu tứ thơ, luật thơ, nhân vật trữ tình… và đưa ra những quan điểm, nhận thức của cá nhân về bài học. Vì vậy, HS phải đọc tác phẩm. Sau đó, thông qua các hoạt động để HS tìm hiểu, khám phá kiến thức, từ đó các em biết bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, hành động của mình, chẳng hạn như: Chia sẻ, lắng nghe, thảo luận, phản hồi, trao đổi với bạn cùng lớp, cùng nhóm; Suy nghĩ, xem xét lại quan điểm, nhận xét, đánh giá về tác phẩm; Đặt mình vào vị trí, vào tình thế của nhân vật trữ tình, của tác giả để chiêm nghiệm, đánh giá và liên hệ với bản thân mình… GV có thể cho HS thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: HS trực tiếp đọc thơ trữ tình và nêu cảm nhận chung ban đầu về tác phẩm.

Việc 1 - Đọc tác phẩm: Đọc là con đường trực tiếp giúp HS thâm nhập tác phẩm để rồi từ đó các em hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nỗi niềm thi nhân muốn gửi gắm qua mỗi dòng thơ. Đọc giúp HS nhận diện được giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu của thơ. Trong quá trình đọc, chắc chắn rằng: “Những tín hiệu ngôn ngữ, những hình ảnh, chi tiết của bài thơ sẽ hiện lên tuần tự giống như cuốn phim được tráng trong nước thuốc hiện hình” [5, tr.105]. GV cần chú ý cho HS:

Thứ nhất, trực tiếp đọc tác phẩm: HS phải được đọc nhiều lần tác phẩm. Không những thế, các em còn phải được “đọc sát”, “đọc kĩ” tác phẩm. Vì vậy, GV cần tạo cơ hội để tất cả HS trong lớp đều phải trực tiếp đọc tác phẩm. Thực tế cho thấy, chỉ có thể trực tiếp tiếp xúc với tác phẩm thông qua hoạt động đọc thì các em mới có cơ hội tìm hiểu về tác phẩm thơ. Từ đó, các em mới có thể thâm nhập được vào thế giới nghệ thuật vô cùng phức tạp và phong phú của thơ ca. Đọc trải nghiệm thơ trữ tình được ví như “Một cuộc thám hiểm đầu tiên vào thế giới nghệ thuật ngôn từ của thơ ca”. GV có thể yêu cầu các em đọc trước ở nhà, sau đó GV kiểm soát việc đọc của HS bằng các phiếu bài tập được thiết kế bám sát văn bản thơ trữ tình. Hoạt động đọc ở trên lớp cần được tổ chức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế dạy học. GV có thể cho HS đọc thầm, đồng thời gọi một số em đọc to thành tiếng trước lớp cả bài thơ hoặc đọc từng đoạn trong bài thơ, đọc chậm rãi, đọc có lúc ngân nga để hình ảnh thơ dần dần được “mở ra” và rồi “đọng lại” trong tâm trí người đọc.

Thứ hai, đọc diễn cảm bộc lộ cảm xúc: Đọc diễn cảm tác động trực tiếp đến thế giới tình cảm, mức độ nhận thức của HS, là phương tiện giáo dục đạo đức, tình cảm thẩm mĩ, phát huy NL sáng tạo, NL cảm thụ cho cả người dạy cũng như người học. Đọc diễn cảm là một nghệ thuật - nghệ thuật trình diễn về tác phẩm. Nó tác động trực tiếp đến tình cảm của người đọc và lan tỏa tới cả người nghe. Đồng thời, qua đọc diễn cảm, GV có thể đo được mức độ yêu thích tác phẩm của HS. Vì vậy, đây là hoạt động đọc đặc biệt quan trọng, không thể thiếu khi dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT.

Việc 2 - Nêu cảm nhận chung ban đầu khi đọc thơ trữ tình:

GV nên tạo cho HS môi trường học tập cởi mở, thân thiện, không gò bó, khiên cưỡng, áp đặt HS, giúp các em nói lên được cảm nhận chung ban đầu của mình khi đọc tác phẩm thơ trữ tình một cách tự nhiên, thoải mái nhất. Đó là những cảm nhận ban đầu về nhân vật trữ tình, về tác giả, về cuộc sống, về bức tranh thiên nhiên, cảnh vật, con người… được đề cập đến trong mỗi tác phẩm thơ trữ tình. Những cảm nhận ban đầu này thường mang màu sắc cảm xúc cá nhân rất ấn tượng đối với HS.

Bước 2: Phân tích, lí giải, cắt nghĩa các tầng bậc nội dung, nghệ thuật của thơ trữ tình để có những suy nghĩ, trải nghiệm cho bản thân.

Việc 1 - Hướng dẫn HS nhận diện các yếu tố thẩm mĩ để tạo tiền đề cho việc bộc lộ thái độ, cảm xúc khi tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình

Thứ nhất, hướng dẫn HS nhận diện qua hệ thống từ ngữ, hình ảnh, cấu tứ, giọng điệu được miêu tả trong thơ trữ tình.

GV chỉ cho HS biết cách nhận diện các từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, âm thanh được khắc họa trong thơ… Trên cơ sở đó, giúp HS nhận diện và chỉ ra được các tín hiệu nghệ thuật, các từ ngữ bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, thái độ của nhân vật trữ tình trong thơ để rồi các em cảm nhận được tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ.

Thứ hai, hướng dẫn HS gọi tên các trạng thái cảm xúc trong thơ trữ tình.

HS cần chỉ ra và gọi tên được các trạng thái cảm xúc đó trong thơ trữ tình, đồng thời các em phải mô tả được bằng lời nói qua hệ thống từ ngữ, hình ảnh vừa nhận diện. Ví dụ: Với bài thơ Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến (SGK Ngữ văn 11, tập 1), HS cần gọi tên các trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình để nhận thấy được nỗi buồn đau, sự trống vắng đến tột cùng của tác giả khi phải mất đi một người bạn đã từng rất thân thiết, gắn bó, tri kỉ bấy lâu. Qua đó, các em sẽ cảm nhận và thấu hiểu được tình cảm bạn bè khăng khít, gắn bó, chân thành - một thứ tình cảm cao quý, đáng trân trọng trong cuộc sống.

Thứ ba, hướng dẫn HS nhìn nhận, đánh giá được các trạng thái cảm xúc khi tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình

Đây là việc làm khó đối với HS. GV cần khéo léo giúp HS chỉ ra được ý nghĩa biểu đạt của các trạng thái cảm xúc đó và vai trò của chúng trong việc biểu đạt nội dung tác phẩm. Từ đó, các em có thể nhìn nhận, đánh giá được các trạng thái cảm xúc, các mức độ tình cảm được bộc lộ trong thơ trữ tình. Ví dụ: Bài thơ Từ ấy - Tố Hữu (SGK Ngữ văn 11, tập 1) là tiếng lòng của một người thanh niên cách mạng trên con đường đi tìm lẽ sống và gặp được ánh sáng của Đảng. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào và là sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của tác giả. Niềm vui hân hoan ấy thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến của người thanh niên ở độ tuổi đôi mươi đang căng tràn sức sống.

Việc 2 - Hướng dẫn HS bày tỏ tình cảm thẩm mĩ, biết chia sẻ, lan tỏa cảm xúc và thể hiện thái độ của cá nhân khi tiếp nhận thơ trữ tình

Đặc trưng của thơ trữ tình là bộc lộ tâm trạng. Vì vậy, GV cần tạo dựng không gian và môi trường học tập thuận lợi để HS tự bộc lộ cảm xúc cá nhân một cách thoải mái và tự nhiên nhất.

Thứ nhất, giúp HS tự bộc lộ thái độ, cảm xúc, suy nghĩ và những rung cảm thẩm mĩ của mình khi tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình

Đây là việc làm tương đối khó với GV. Để làm được điều này, qua việc dạy học thơ trữ tình, GV cần khéo léo khơi gợi để HS bày tỏ tình cảm bằng cách tự bộc lộ thái độ, cảm xúc, suy nghĩ của mình khi học tác phẩm. Trong thơ trữ tình, các trạng thái cảm xúc được bộc lộ vô cùng phong phú và đa dạng: có thể là niềm hân hoan vui sướng, có khi là nỗi nhớ nhung da diết, nỗi buồn đau khắc khoải, có khi lại là sự hờn giận, trách móc, nỗi đắng cay, căm ghét, cũng có khi là sự chán nản, buông xuôi, tuyệt vọng…Vì vậy, GV cần tạo bầu không khí và môi trường học tập thoải mái, dễ chịu nhất để HS trải nghiệm những kinh nghiệm và bộc lộ cảm xúc của cá nhân khi học thơ trữ tình, bộc lộ sự cảm thụ cùng suy nghĩ chủ quan của các em, từ đó không chỉ giúp các em hiểu tác phẩm mà còn hiểu được chính mình từ tác phẩm.

Thứ hai, giúp HS biết chia sẻ, lan tỏa cảm xúc khi tiếp nhận thơ trữ tình

Có nhiều cách để GV giúp HS chia sẻ, lan tỏa cảm xúc của cá nhân khi dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình. Tuy nhiên, HS không thể tự do bày tỏ thái độ, chia sẻ cảm xúc của mình trong khuôn mẫu của môi trường chật hẹp và nghiêm túc như lớp học. Vì vậy, GV cần tạo bầu không khí vui vẻ, cởi mở để HS được tự do, thoải mái chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Để làm được điều này, GV cần tạo tâm lí thoải mái, vui vẻ, cởi mở cho HS. GV cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến cá nhân của HS để rồi khuyến khích các em tự tin bộc lộ cảm xúc và sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết, suy nghĩ của bản thân. GV có thể khơi gợi, dẫn dắt HS bằng cách đưa ra những đoạn trích dẫn, những lời đánh giá, nhận xét của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Hoặc, GV có thể dùng các phương tiện dạy học hiện đại (máy chiếu, băng đĩa hình…) tác động tới các giác quan của HS để thu hút sự hứng thú của HS. Đồng thời, GV khéo léo sử dụng hệ thống câu hỏi vừa dẫn dắt vừa gợi mở vừa thể hiện sự trân trọng đối với mọi câu trả lời của HS. Câu hỏi có thể dưới dạng các mệnh đề như sau: Em có thể cho cô biết…; Em thử đoán xem...; Theo em….; Em có nghĩ rằng…; Em có đồng tình với quan điểm…. để giúp HS tự nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Tóm lại, có nhiều cách để GV giúp HS bộc lộ, lan tỏa cảm xúc của cá nhân khi tiếp nhận thơ trữ tình. Hiệu quả của dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình suy cho cùng chính là ở việc GV truyền được cảm hứng cho HS, thổi bùng lên ở các em nguồn cảm xúc chân thật, khơi dậy ở các em thứ tình cảm nhân văn, giúp các em có tâm hồn rộng mở, biết vui, biết buồn, biết yêu thương, biết đồng cảm, biết sẻ chia, biết xúc động trước các vấn đề đặt ra từ TPVH.

Hoạt động 4: Luyện tập củng cố kiến thức và vận dụng

Ở hoạt động này, HS được luyện tập để nắm chắc và khắc sâu các kiến thức đã học. Mục đích nhằm giúp HS vận dụng những tri thức trong bài đọc hiểu thơ trữ tình vào thực tiễn cuộc sống của HS. GV nên thiết kế hệ thống bài tập vận dụng từ các mức độ: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao và giao các bài tập cho HS nhằm củng cố kiến thức đã được học ở trên lớp. GV có thể kết hợp các bài tập tự luận và trắc nghiệm để giúp HS vừa khắc sâu kiến thức đã học, vừa rèn luyện NL văn học, vừa bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Bên cạnh đó, GV cần hướng dẫn HS vận dụng những tri thức đã học vào thực tiễn cuộc sống hiện tại hàng ngày, trong giao tiếp và trong các hành động cụ thể. GV cần khéo léo, linh hoạt, tránh khiên cưỡng, nhằm giúp bộc lộ và phát triển cảm xúc cho HS, giúp các em thấy được ý nghĩa bài học cần rút ra từ mỗi trang thơ đã học để áp dụng vào đời sống cá nhân của mình, nhận thấy được chính bản thân mình và rút ra bài học qua mỗi tác phẩm. Hoạt động này giúp HS gắn kết nội dung tác phẩm thơ đã học với đời sống thực tế của các em. Từ đó, các em hiểu hơn về bản thân mình và đời sống xã hội nơi các em đang sống để có những suy nghĩ và hành động đúng đắn cho bản thân khi học thơ trữ tình.

Hoạt động 5: Mở rộng kiến thức và sáng tạo

Hoạt động này giúp HS có cơ hội mở rộng kiến thức từ kiến thức các em vừa được học qua mỗi bài thơ. Thông qua đó, GV giúp HS biết khám phá, liên hệ với cuộc sống hiện tại, biết sáng tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mĩ nhân văn. Đây là các sản phẩm tinh thần, là minh chứng thể hiện rõ nhất khả năng nhận thức cũng như suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của các em khi học thơ trữ tình. Sau giờ học đọc hiểu thơ trữ tình, GV hướng dẫn HS biết sáng tạo nên những sản phẩm mang tính thẩm mĩ, nhân văn, qua đó thể hiện quan điểm cá nhân của mỗi HS sau khi tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình. Các sản phẩm đó rất đa dạng, được thể hiện qua việc các em viết được những đoạn văn, sáng tác những bài thơ ngắn, vẽ những bức tranh nhỏ, phác họa những bức chân dung đơn giản, chân thực, viết được các trang nhật kí hàng ngày, viết truyện ngắn, viết kịch, viết thư cho người thân, cho gia đình, bạn bè… để thể hiện tình cảm, cảm xúc của HS sau khi học thơ trữ tình.

2.3.3. Biện pháp 3: Xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp để khơi gợi, phát triển tình cảm thẩm mĩ cho học sinh khi đọc thơ trữ tình.

a. Mục đích

Thông qua các dạng câu hỏi và hệ thống bài tập đọc hiểu phù hợp để khơi gợi những rung cảm thẩm mĩ cho HS, kích thích sự liên tưởng, tưởng tượng cùng những suy nghĩ, cảm xúc, hành động của HS khi học thơ trữ tình nhằm nâng cao hiệu quả đọc thẩm mĩ trong dạy học thơ trữ tình ở trường THPT.

b. Cơ sở lí luận của biện pháp

Về mặt nội dung, câu hỏi là những yêu cầu, những vấn đề đưa ra cần được giải quyết trong quá trình tương tác giữa GV và HS. Câu hỏi được GV giao cho HS về nhà giải quyết thường được gọi là bài tập. Theo đó, một bài tập có thể gồm nhiều câu hỏi khác nhau.

Về mặt hình thức, câu hỏi là câu nghi vấn, có dấu hỏi ở cuối câu và các từ/cụm từ để hỏi (Tại sao? Vì sao? Như thế nào? Ai? Cái gì? ...). Trong dạy học nói chung, dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT nói riêng, hệ thống câu hỏi của GV có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó quyết định chất lượng và khả năng lĩnh hội kiến thức của HS. Câu hỏi trong dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình có thể là các câu hỏi của SGK, có thể là câu hỏi của GV đặt ra cho HS suy nghĩ, trả lời và nhiều khi cũng có thể là những câu hỏi do chính HS tự đặt ra trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm thơ trữ tình.

c. Nội dung và cách thức thực hiện

Hệ thống câu hỏi trong dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT rất đa dạng, được phân chia thành các nhóm như sau: 1/ Nhóm câu hỏi trước khi đọc; 2/ Nhóm câu hỏi trong khi đọc; 3/ Nhóm câu hỏi sau khi đọc. (xem Bảng 1).

Hiệu quả dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống câu hỏi, đặc biệt là phụ thuộc vào NL sư phạm và nghệ thuật đặt câu hỏi của GV. Nếu GV đưa ra các câu hỏi quá khó, không rõ ràng, hoặc câu hỏi quá phức tạp, rườm rà, đa nghĩa thì HS rất khó trả lời và như vậy sẽ làm mất đi thời gian của giờ học, đồng thời tạo không khí căng thẳng, chán nản, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và cảm thụ của HS. Ngược lại, nếu câu hỏi GV đưa ra quá dễ, chỉ ở mức độ “biết” và “hiểu” thông thường thì sẽ gây nên cảm giác nhàm chán, ảnh hưởng đến hứng thú học tập của các em. Tuy nhiên, nếu câu hỏi được GV chuẩn bị tốt nhưng kĩ năng hỏi của GV không phù hợp thì hiệu quả dạy học sẽ không cao. Nếu GV lạm dụng quá nhiều câu hỏi thì giờ học sẽ trở nên căng thẳng, kiến thức bị chia nhỏ, vụn vặt, làm giảm hứng thú học tập của các em. Vì vậy, GV cần chú ý đến mục đích hỏi, kĩ năng đặt câu hỏi và cả kĩ năng hỏi sao cho phù hợp và linh hoạt nhất.

2.2.4. Biện pháp 4: Sử dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển kĩ năng đọc thẩm mĩ cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình

a. Mục đích

Nhằm phân loại HS, từ đó có căn cứ để điều chỉnh hoạt động giảng dạy và xếp loại mức độ học tập của HS khi học thơ trữ tình. “Đánh giá kết quả giáo dục trong môn Ngữ văn nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, NL và tiến bộ của HS trong suốt quá trình học tập để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học… đảm bảo sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng giáo dục” [6].

b. Cơ sở lí luận của biện pháp

Có thể hiểu một cách chung nhất, kiểm tra là thuật ngữ “Chỉ cách thức hoặc hoạt động GV sử dụng để thu thập thông tin về kiến thức, kĩ năng, thái độ học tập của HS trong học tập nhằm cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc đánh giá” [7]. Thông qua kiểm tra, GV có thể biết được NL học tập của HS, từ đó làm căn cứ cho việc đánh giá kết quả học tập của người học. Đánh giá là “Đưa ra những nhận định, nhận xét, những phán xét về giá trị của người học trên cơ sở xử lí những thông tin, những chứng cứ thu thập được đối chiếu với mục tiêu đã đề ra” [8]. Đối với môn học Ngữ văn ở trường THPT: “Dù đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải đảm bảo nguyên tắc HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, NL ngôn ngữ, NL văn học và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính HS, không vay mượn, sao chép, khuyến khích các bài viết có cá tính sáng tạo” [6, tr.87]. Kiểm tra, đánh giá trong dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT cần hướng tới đánh giá sự tác động của thơ trữ tình đối tới tâm hồn HS, cảm xúc của HS trước những vấn đề đặt ra trong tác phẩm, giúp các em biết liên hệ, so sánh với đời sống hiện tại của mình.

c. Nội dung và cách thức thực hiện

Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện bằng đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Đánh giá thường xuyên có thể dựa trên sự quan sát của GV và ghi chép hàng ngày của HS. Đánh giá định kì được thực hiện ở cuối mỗi học kì và cuối cấp học. Các dạng câu hỏi kiểm tra, đánh giá kĩ năng đọc thẩm mĩ thơ trữ tình rất phong phú, đa dạng. Dưới đây là một số dạng câu hỏi tiêu biểu: 1/ Cảm xúc, ấn tượng của em như thế nào khi đọc thơ? 2/ Bài thơ đồng quan điểm hoặc khác quan điểm với em về vấn đề gì? 3/ Điều gì đã xảy ra trong cuộc đời em giúp em hiểu bài thơ hơn, hiểu nhân vật hơn? 4/ Bài thơ có làm thay đổi cách nhìn của em về cuộc đời? 5/ Đánh giá chung của em về bài thơ?

3. Kết luận

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề xuất một số biện pháp tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT. Ở mỗi biện pháp, dựa trên cơ sở mục đích, nhiệm vụ của từng đối tượng cụ thể, chúng tôi phân tích, lí giải và đưa ra cách thức tác động nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT môn Ngữ văn. Mỗi biện pháp được đề xuất đều có một vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng và hướng tới các mục tiêu cụ thể nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó logic, bổ sung, hỗ trợ, xuyên thấm trong nhau. Biện pháp này là tiền đề, là điểm tựa cho biện pháp kia. Biện pháp sau hỗ trợ cho biện pháp trước. Các biện pháp được đề xuất đều cùng hướng tới mục đích chung là nhằm giúp GV biết cách tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình ở trường THPT, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, đồng thời góp phần vào việc bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ và phát triển phẩm chất, nhân cách HS.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin, tr.1540.

[2] Rosenblatt, L. M. (1978), The reader, the text, the poem: Transactionnal theory of the literary work, Carbondale, IL: Southern illino is University Press.

[3] Nguyễn Thị Thu Hằng, (2017), Phát triển cảm xúc thẩm mĩ và tư duy khái quát cho học sinh trong giờ học thơ trữ tình ở trung học phổ thông, Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.46.

[4] Đỗ Ngọc Thống (Tổng chủ biên), Bùi Minh Đức (chủ biên), Đỗ Thu Hà, Phạm Thị Thu Hiền, Lê Thị Minh Nguyệt, (2018), Dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn Trung học phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[5] Phan Trọng Luận (2012), Tuyển tập, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.105.

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TTT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr.85.

[7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học, (2005), Đánh giá kết quả học tập ở tiểu học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[8] Lê Thị Mỹ Hà, (2009), Xây dựng quy trình đánh giá kết quả học tập của học sinh trung học cơ sở, Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

----------------------------

NGUỒN: Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, Tập 18, Số 01, Năm 2022, tr.21-27.

Post by: admin
23-05-2022