Phương pháp

RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC


02-03-2022

Nguyễn Hải Thanh*1 và Nguyễn Thị Hiền2

1Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

2Khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Thủ Dầu Một

 

Tóm tắt. Rèn luyện, phát triển tư duy phản biện cho học sinh là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển năng lực tư duy bậc cao cho học sinh của mọi nhà trường, mọi cấp học trên thế giới, nhất là học sinh trung học phổ thông, để học sinh có thể tham gia vào hoạt động lao động hoặc học tiếp lên bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mục đích của bài viết làm rõ nội hàm, vai trò của tư duy phản biện, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp góp phần nâng cao năng lực tư duy phản biện cho học sinh trung học phổ thông ở nước ta trước bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong suốt quá trình nghiên cứu, trên cơ sở sử dụng các nguồn tài liệu đã có từ các tạp chí, sách, các công trình nghiên làm cơ sở đưa ra những phân tích, đánh giá về tư duy phản biện và những đề xuất.

 

Từ khóa: Đổi mới giáo dục, rèn luyện tư duy phản biện, trung học phổ thông, tư duy phản biện.

 

  1. Mở đầu

 

Nhấn mạnh về sự cần thiết của tư duy phản biện trong cuộc sống, đa số tác giả ngoài nước cho rằng sự phát triển của thông tin và truyền thông, chúng ta đang trải nghiệm một lượng lớn thông tin hàng ngày. Do đó, tư duy phản biện giúp các cá nhân phân biệt thông tin đúng với thông tin không chính xác và đưa ra đánh giá đúng đắn về các thông tin đã tiếp nhận [1],

 

  1. Trước sự bùng nổ thông tin và chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội dựa trên tri thức, tư duy phản biện là điều cần thiết chính trong việc đào tạo nhân lực có năng lực [3]. Tư duy phản biện thể hiện ở suy nghĩ logic và lập luận được hình thành như một quá trình thường xuyên và có ý thức cao, tập trung vào cách đưa ra quyết định và những gì cần thiết cho cuộc sống [4], đó còn là kĩ năng phân tích dữ liệu thiết yếu tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đánh giá, suy luận, phán đoán và ra quyết định [5]. Điều này có liên quan đến các kĩ năng tư duy phản biện, kĩ năng hình thành nhận thức và định vị cảm xúc của bản thân.

 

Một số nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của kĩ năng tư duy phản biện, giữa kĩ năng tư duy phản biện và kĩ năng ra quyết địnhcó mối quan khá chặt chẽ. Theo đó, kĩ năng tư duy phản biện là một trong những tiền đề quan trọng để có năng lực chuyên môn và ra quyết định đúng đắn [6]. Một nghiên cứu khác chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa cách thức lập luận với nhận thức khoa học [7]. Một số tác giả còn chỉ ra mối liên hệ giữa việc ra quyết định như một trong những khía cạnh của kĩ năng tư duy phản biện và niềm tin vào hiệu quả hoạt động [8].

 

Tư duy phản biện chỉ ra suy nghĩ chín chắn, bao gồm các khía cạnh của tư duy cởi mở, tìm kiếm sự thật, kĩ năng phân tích, đánh giá, sự tự tin có phê phán, tính ham học hỏi và sự chín chắn 

trong phán đoán [9]. Người có tư duy phản biện thường có tính cách cởi mở, tôn trọng ý kiến của người khác và khuynh hướng chung là tìm kiếm chân lí, có đủ năng lực để đặt câu hỏi và nhạy bén trong tìm kiếm thông tin. Những người có tư duy phản biện tốt thường có mức độ tập trung cao, song cũng ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu kiến thức và thông tin mới, có thể nhanh chóng thích ứng với công việc mới. Ricketts [10] cho rằng khuynh hướng tư duy phản biện bao gồm sự trưởng thành về nhận thức, xung đột tinh thần và sự sáng tạo, đó còn là biểu hiện của việc tìm kiếm cơ hội sử dụng lí lẽ trong các tình huống khác nhau, ham học hỏi và mong muốn khám phá sự thật, tránh được những thành kiến không đúng đắn.

 

Những quan niệm này nhấn mạnh tư duy phản biện là một trong những trình độ nhận thức quan trọng không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, tìm kiếm sự thẳng thắn trong nhận thức, tính khách quan, ít bị chi phối hoặc quá lệ thuộc vào cảm xúc, ý kiến hoặc thành kiến cá nhân, tập trung vào thông tin thực tế, họ làm việc dựa trên lí trí rất rõ ràng.

 

Khẳng định về tầm quan trọng của tư duy phản biện trong nhà trường, một số quan điểm cho rằng, cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh được coi là một nhiệm vụ quan trọng của hoạt động giảng dạy [11].Với tính chất là một kĩ năng quan trọng trong quá trình nhận thức, tư duy phản biện cần được đưa vào quá trình dạy-học [7], nhằm nâng cao chất lượng của quá trình dạy-học, nâng cao năng lực tư duy sáng tạo của người học [12]. Giữa kĩ năng tư duy phản biện và kết quả học tập có quan hệ khá chặt chẽ [13], do đó giáo viên cần coi trọng phát triển ở học sinh kĩ năng tư duy phản biện góp phần cải thiện kĩ năng giải quyết vấn đề [14]. Một số nhà khoa học người Malaysia là Sulaiman và các cộng sự [15] đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa xu hướng tư duy phản biện và hiệu quả học tập, tư duy phản biện cũng tác động tích cực đến thai độ với hoạt động học tập [16].

 

Khẳng định về tầm quan trọng của tư duy phản biện ở học sinh trung học phổ thông, Morris [17] cho rằng học sinh trung học phổ thông đang ở trước ngưỡng cửa để học lên các bậc học cao hơn hoặc trực tiếp tham gia vào lao động sản xuất, nên rất cần có tư duy phản biện để không chỉ học tập tốt mà có thể đưa ra quyết định tốt hơn trong việc lựa chọn hướng đi cho bản thân Như vậy, các tác giả nước ngoài khá thống nhất cho rằng tư duy phản biện không chỉ đáp ứng tốt cho yêu cầu của cuộc sống hiện đại, trong hoạt động học tập tư duy phản biện đáp ứng tốt cho các yêu cầu của họat động học tập, làm một trong những nhiệm vụ mà nhà trường cần trang bị học sinh, nhất là đối với học sinh trung học phổ thông.

 

  • trong nước, vấn đề rèn luyện và phát triển tư duy phản biện cho học sinh ở bậc trung học phổ thông đã quan tâm, điều này được thể hiện khá rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018. Tuy nhiên, việc rèn luyện, phát triển năng lực tư duy phản biện học học sinh trung học phổ thông cho đến nay ở nước ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này [18]. Vì vậy, cần có nhiều hơn nữa các nghiên cứu về tư duy phản biện, nhất là tư duy phản biện ở học sinh trung học phổ thông, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp cho việc rèn luyện, phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở nước ta.

 

Nghiên cứu này tập trung vào phương pháp định tính, do có phù hợp khi tìm hiểu, khám phá các hiện tượng tâm lí gắn với những vẫn đề có tính lí luận [19], đồng thời đây cũng là cách tiếp cận phù hợp nhất để đi vào tìm hiểu nội hàm, vai trò của tư duy phản biện [20], một vấn đề rất cần được quan tâm trước bối cảnh đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay.

 

2.   Nội dung nghiên cứu

 

2.1. Quan niệm về tư duy phản biện

 

Tư duy phản biện sớm được quan tâm, xu hướng thứ nhất cho rằng tư duy phản biện như là kĩ năng. Một trong những đại biểu của xu hướng này là Edward M. Glaser [21] cho rằng tư duy 

phản biện gồm ba yếu tố: Thái độ sẵn sàng xem xét cẩn trọng các vấn đề và chủ đề nằm trong phạm vi kinh nghiệm của một người, kiến thức về các phương pháp tìm hiểu và suy luận logic và kĩ năng trong việc áp dụng các phương pháp suy luận logic. McPeck [22] cho rằng tư duy phản biện là kĩ năng và xu hướng tham gia vào các hoạt động với thái độ hoài nghi [22, p. 7], quan niệm này chỉ ra hai khía cạnh quan trọng của tư duy phản biện là thiên hướng và kĩ năng. Halpern [23] chỉ ra tư duy phản biện trước hết liên quan đến các kĩ năng được học như kĩ năng giải quyết vấn đề, tính toán và kĩ năng ứng dụng xác suất để tạo nên thành công và sự tham gia của nhận thức lí tính. Theo Lipman [24], tư duy phản biện giúp chủ thể tự điều chỉnh thái độ, hành vi để nhanh chóng thích ứng với cảnh hoàn cảnh trên cơ sở những phán đoán đúng đắn.

 

Các kĩ năng của tư duy phản biện được coi là kĩ năng nhận thức ở bậc cao, khác với những kĩ năng tư duy ở bậc thấp hơn. Tư duy phản biện tự bản thân nó là kĩ năng tư duy bậc cao, so với kĩ năng tư duy bậc thấp [25]. Các kĩ năng tư duy bậc cao tương đối phức tạp, chúng đòi hỏi khả năng phán đoán, phân tích và tổng hợp, và chúng không được áp dụng một cách máy móc hay thông thường [26], có tính phản xạ, nhạy cảm với ngữ cảnh. Để có được những kĩ năng tư duy bậc cao không chỉ đơn thuần là kết quả của sự trưởng thành của mỗi cá nhân, kĩ năng tư duy bậc cao phải được học qua một quá trình hướng dẫn hoặc giảng dạy nhất định [27]. Các tác giả trên quan niệm tư duy phản biện như là kĩ năng, thiên hướng, khả năng phán đoán hợp lí và điều chỉnh nhận thức và hành vi theo bối cảnh, đó là kiểu tư duy liên quan đến giải quyết vấn đề, hình thành các suy luận, tính toán xác suất để đưa ra quyết định hợp lí. Cấu trúc của kĩ năng thể hiện ở tính đúng đắn, tính thành thục và tính linh hoạt, nhưng cấu trúc này không được làm rõ.

 

Xu hướng thứ hai cho rằng tư duy phản biện như một biểu hiện của năng lực. Judge và các cộng sự [28] nhấn mạnh tư duy phản biện về cơ bản là cách tiếp cận đặt câu hỏi, kiểm nghiệm kiến thức và năng lực nhận thức, liên quan đến các ý tưởng và giá trị thông tin, triết lí cá nhân của chủ thể tư duy mang tính khách quan. Mulnix [29] cho rằng tư duy phản biện thể hiện ở năng lực sử dụng lí trí trong việc hình thành niềm tin của mỗi cá nhân

 

Ennis [30] quan niệm tư duy phản biện là sự phản ánh hợp lí, tập trung vào việc quyết định dựa trên lí trí để hành động sáng suốt [30, p. 10], đồng thời nhấn mạnh đến khía cạnh hành vi và mục đích của tư duy phản biện. Halpern [23] chỉ ra tư duy phản biện mang tính định đề, lí luận và hướng tới mục tiêu, hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ chúng và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện cần rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ, công tâm [31].

 

Đa phần tác giả ở Việt Nam có xu hướng đi theo quan điểm coi tư duy phản biện là một dạng năng lực, tác giả Bùi Ngọc Quân [32] cho rằng tư duy phản biện là là một bộ phận cấu thành năng lực tư duy, là thước đo năng lực nhận thức, là năng lực hoạt động trí tuệ cần thiết của chủ thể trong xem xét, phân tích, đánh giá, tổng hợp và so sánh thông tin với thái độ hoài nghi tích cực, lập luận và minh chứng lập luận đó bằng những thông tin tin cậy, đưa ra kết luận thuyết phục, phù hợp với thực tiễn và quy luật lôgíc. Tác giả Nguyễn Thị Lệ Thanh [18] cho rằng tư duy phản biện là một loại hình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá những thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhau, qua đó nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Một số quan điểm còn cho rằng tư duy là một dạng năng lực, đó là năng lực nắm bắt, mở ra những chân lí chỉ ra các ngụy biện, ngụy tạo, cảnh báo các ngộ nhận, các nguy cơ hay trường hợp có thể xảy ra, làm xuất hiện các nhu cầu phản biện, thôi thúc chủ thể nhận thức lại các đối tượng, các vấn đề trong chuyên môn. Năng lực tư duy phản biện là năng lực phát hiện ra những bất cập, bất hợp lí,… để có thể nhận thức lại vấn đề đúng đắn hơn [33]. Trên cơ sở của quá trình tư duy phản biện, cá nhân không chỉ thể hiện ở năng lực nhận thức, thể hiện thái độ trong quá trình cân nhắc, lựa chọn và đưa ra phương án hành động để đi đến một quyết định đúng đắn. 

Tất nhiên, đối với học sinh phổ thông là thời kì đang phát triển mạnh kĩ năng tư duy bậc cao, song những kĩ năng thường hình thành khó khăn và mất nhiều thời gian để có được, ngay cả khi hướng có sự dẫn trực tiếp về các kĩ năng được cung cấp một cách chuẩn mực trong nhà trường, nhất là ở học sinh trung học phổ thông tư duy phản biện đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển, tư duy phản biện được thực hiện thành công trong các tình huống thực tế quen thuộc, nhưng mức độ thuần thục có thể thực hiện thành công tư duy phản biện trong hầu hết các tình huống thực tế và ở mức độ thành thạo, sáng tạo, thực hiện tốt trong mọi tình huống, kể cả trong tình huống, môi trường mới là điều không dễ ở đa số học sinh.

 

Chúng tôi cho rằng việc coi tư duy phản biện là một biểu hiện của năng lực, bởi cấu trúc của năng lực thể hiện ở nhận thức, thái độ và hành vi, trong khi đó quan niệm của một số tác giả coi là kĩ năng chủ yếu đi sâu vào vấn đề nhận thức. Hơn nữa, việc đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi xướng nhấn mạnh vào việc giảng dạy theo tiếp cận năng lực thực tiễn, chính vì vậy việc coi tư duy phản biện là một biểu hiện của năng lực không chỉ phù hợp với quan niệm chung ở nhiều nhà khoa học nước ngoài mà còn phù hợp với xu hướng nghiên cứu chung của nhiều nhà khoa học của Việt Nam cũng như đáp ứng tốt yêu cầu do Chương trình giáo dục phổ thông Chương trình tổng thể đặt ra.

 

2.2. Vai trò của việc phát triển tư duy phản biện cho học sinh trung học phổ thông

 

  • lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các chức năng của não bộ đang trong thời kì phát triển mạnh mẽ, điều này dẫn đến sự phát triển quá trình nhận thức rất nhanh chóng. Hoạt động tư duy độc lập hơn, có khả năng tư duy lí luận, tư duy trừu tượng. Khả năng khái quát hoá, trừu tượng hóa đạt được nhiều bước tiến. Tư duy của học sinh trung học phổ thông chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn, điều này góp phần phát triển các thao tác tư duy lôgic, cũng trong giai đoạn này khả năng độc lập và tư duy phản biện phát triển khá tích cực [34, p. 213]. Do sự phát triển của tư duy phản biện nên tư duy của học sinh trung học phổ thông trở nên nhạy bén, linh hoạt, đi liền với đó là khả năng tư duy bậc cao như phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng, khái quát hóa phát triển, giúp cho các em có thể lĩnh hội nhiều khái niệm phức tạp và trừu tượng.

 

Sự phát triển của tư duy bậc cao góp phần nảy sinh góp phần hình thành những hiện tượng tâm lí mới đó là tính hoài nghi khoa học, các em thường đặt những câu hỏi nghi vấn để nhận thức chân lí sâu sắc hơn, do đó khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề tương đối nhanh. Do vậy, việc phát triển tư duy phản biện cho học sinh trung học phổ thông có ý nghĩ vô cùng quan trọng, góp phần hình thành năng lực trí tuệ, giúp các em có năng lực thực tiễn theo yêu cầu của xã hội. Trước hết là đáp ứng yêu cầu hiện thực hóa đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở bậc trung học phổ thông có hiệu quả.

 

Trước sự đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một trong những mục tiêu đó là “giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời” [35, p. 6], đồng thời yêu cầu đặt ra về năng lực ở người học đó là “năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo” [35, p. 6]. Để thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu này không thể không đặt ra yêu cầu về phát triển năng lực tư duy phản biện ở người học, đó cũng là định hướng chiến lược mà Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương [36] đã khẳng định “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Đây cũng là điểm mới đối với giáo dục hiện đại, tạo nên sự khác biệt quan trọng trong giảng dạy theo tiếp cận năng lực của người học. 

 

Xem thêm: Educational Sciences, 2021, Volume 66, Issue 1, pp. 46-56

Post by: admin
02-03-2022