- Đặt vấn đề
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI khẳng định việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Việc tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục theo hướng tăng cường sự trải nghiệm nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh (HS), tạo ra các môi trường khác nhau để HS được trải nghiệm nhiều nhất. Hiện nay, trong dạy học, việc phát triển năng lực của người học được chú trọng cả về con người cá nhân và con người xã hội. Việc giáo dục theo hướng trải nghiệm sẽ giúp HS tư duy sáng tạo, biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục, trong quá trình dạy học, giáo viên (GV) cần hướng dẫn, tổ chức hoạt động học sao cho HS không chỉ được học kiến thức trong sách vở mà còn phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức ấy vào cuộc sống, biết linh hoạt giải quyết tình huống... Những năm gần đây, giáo dục ở nước ta đã triển khai nhiều mô hình và kĩ thuật dạy học tích cực, trong đó có nội dung tổ chức giáo dục theo hướng trải
Email: kimcuc2003@yahoo.com (T. T. K. Cúc) nghiệm. Để nắm bắt kịp thời, hướng tới thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục, việc tìm hiểu nội dung hoạt động trải nghiệm và phát triển triển năng lực dạy học cho GV tiểu học đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục là việc làm cần thiết.
- Nội dung
- Khái quát về năng lực và năng lực dạy học
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, năng lực được hiểu theo hai nét nghĩa:
- Chỉ một khả năng, điều kiện tự nhiên có sẵn để thực hiện một hoạt động nào đó.
- Là phẩm chất tâm sinh lí tạo cho con người có khả năng để hoàn thành một hoạt động nào đó có chất lượng cao [7].
Theo tài liệu Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường, năng lực là sự tích hợp các kĩ năng tác động một cách tự nhiên lên các nội dung trong một loại tình huống cho trước để giải quyết những vấn đề do những tình huống đặt ra [5].
Theo tác giả Đỗ Hương Trà, năng lực là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính tâm lí cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí... để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định [6].
Từ những quan niệm trên, có thể hiểu năng lực là khả năng kết hợp linh hoạt kiến thức, kĩ năng với thái độ. của một cá nhân để giải quyết một tình huống có thực trong cuộc sống.
Hình 1. Cấu trúc năng lực dạy học
Với mỗi người GV nói chung và GV tiểu học nói riêng, để thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, những yêu cầu về phẩm chất và năng lực là tất yếu. Trong các năng lực thì năng lực dạy học là năng lực cốt lõi. Năng lực dạy học của mỗi người GV chính là sự kết hợp linh hoạt kiến thức của môn học với kĩ năng thực hành cũng như hứng thú của người dạy để thực hiện mục tiêu dạy học hiệu quả.
-
- Một số vấn đề cơ bản về dạy học theo hướng trải nghiệm
Theo Đại từ điển Tiếng Việt:
+ Trải có nét nghĩa là đã từng biết, từng sống qua hoàn cảnh nào đó trong cuộc đời.
+ Nghiệm tức là xác nhận điều nào đó thông qua xem xét thực tế [7].
Theo Từ điển Anh - Việt, trải nghiệm hay kinh nghiệm (experience) là tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp [4].
Xét dưới góc độ sư phạm, một số nhà nghiên cứu sư phạm xét thuật ngữ trải nghiệm qua khái niệm thực hành (practice), nghĩa là xem xét nó trong việc tiến hành đào tạo và kết quả của nó. Học tập theo hướng trải nghiệm là một cách học thông qua làm, với quan niệm việc học là quá trình tạo ra tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm thực tế, dựa trên những đánh giá, phân tích trên những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có [8]. Học thuyết này gắn liền với các tác giả như: David Kolb, John Dewey, Jean Piaget, Lev Vygotsky...
Như vậy, dạy học theo hướng trải nghiệm là quá trình trong đó người dạy khuyến khích, tạo điều kiện cho người học trải nghiệm, hoạt động thực tế, từ đó người học rút ra được tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm và kinh nghiệm, kiến thức sẵn có. Người dạy đóng vai trò là người hỗ trợ, hướng dẫn khi cần thiết để đi tới mục đích giáo dục cuối cùng. Đây chính là hình thức dạy học của cá nhân HS có sự kết hợp giữa nội dung học trong nhà trường và thực tiễn cuộc sống. Thông qua việc thực hiện nội dung, GV điều khiển HS giải quyết vấn đề để tìm ra cái mới, tích lũy kiến thức và dần chuyển hóa thành năng lực của mình.
-
- Một số biện pháp phát triển năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm cho giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
- Cơ sở đề xuất biện pháp
- Dựa theo Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên tiểu học
Theo điều 7 của quy định về Chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học, những yêu cầu thuộc lĩnh vực kĩ năng sư phạm cần có là: lập được kế hoạch dạy học, biết cách soạn giáo án theo hướng đổi mới; tổ chức và thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp phát huy được tính năng động sáng tạo của HS. Với yêu cầu này, một người GV tiểu học cần phải có năng lực dạy học để thích ứng với yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông.
- Dựa theo cấu trúc năng lực
Năng lực là sự kết hợp của các yếu tố kiến thức, kĩ năng với thái độ, hứng thú... của một cá nhân để giải quyết một tình huống có thực trong cuộc sống. Như vậy, để hình thành năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm, người GV tiểu học cần có kiến thức chuyên môn và kĩ năng tổ chức dạy học cũng như hứng thú để thực hiện nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình phát triển năng lực dạy học, các nhà giáo dục cần chú ý đến các thành phần trong cấu trúc năng lực để việc bồi dưỡng đạt hiệu quả.
- Dựa theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục bậc tiểu học nhằm hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực chung được nêu trong mục tiêu giáo dục phổ thông; bước đầu phát triển những tiềm năng sẵn có để tiếp tục học trung học cơ sở. Với mục tiêu này, người GV tiểu học cần có những năng lực cần thiết để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm.
-
-
- Một số biện pháp phát triển năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm cho giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
- Trang bị kiến thức về dạy học trải nghiệm
Để có năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm, người GV tiểu học cần tìm hiểu kiến thức về dạy học trải nghiệm, phân biệt giữa dạy học theo hướng trải nghiệm với tổ chức các hoạt động chuyên đề, ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm). Tư tưởng học tập lí luận gắn liền với thực tế, học phải đi đôi với hành đã được thể hiện rõ trong điều 3 Luật Giáo dục (2005): “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lí học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.” Dạy học theo hướng trải nghiệm là hướng dạy học có thể giải quyết được vấn đề đó.
Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, hoạt động giáo dục (nghĩa rộng) gồm có hoạt động dạy học các môn học và hoạt động giáo dục (nghĩa hẹp). Khái niệm hoạt động giáo dục (theo nghĩa hẹp) dùng để chỉ các hoạt động giáo dục được tổ chức ngoài giờ dạy học các môn học. Chương trình giáo dục phổ thông được soạn thảo sau năm 2015 quy định hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm. Như vậy, hoạt động trải nghiệm có thể được chia thành 2 hướng: hoạt động trải nghiệm được tổ chức thành các hoạt động chuyên đề, ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm lồng ghép trong các tiết học, môn học hay còn gọi là tổ chức dạy học các môn học theo hướng trải nghiệm (dạy học, giáo dục trải nghiệm).
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tạo ra những con người Việt Nam phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất cao đẹp, có các năng lực chung và phát huy tiềm năng của bản thân, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Vì vậy, trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 8/2015 đã nhấn mạnh đến sự đổi mới, tích cực khi đề xuất xây dựng, thực hiện hoạt động trải nghiệm, song song với lồng ghép dạy học theo hướng trải nghiệm trong các tiết học. Việc dạy học theo hướng trải nghiệm là quá trình trong đó người dạy khuyến khích, tạo điều kiện cho người học trải nghiệm, hoạt động thực tế, từ đó người học rút ra được tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm và kinh nghiệm, kiến thức sẵn có. Người dạy chỉ thực hiện vai trò là người hỗ trợ, hướng dẫn khi cần thiết để đạt được mục tiêu dạy học. Đây chính là hoạt động học tập có sự phản hồi và đề cao kinh nghiệm cá nhân chủ quan của người học.
Để tổ chức dạy học theo hướng trải nghiệm, GV có thể sử dụng các kỹ thuật dạy học nhằm phát huy sự tham gia tích cực của người học vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của HS, cụ thể như: thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống (giảng dạy bằng tình huống), đóng vai, trò chơi,... Tùy theo nội dung của môn học và qui mô của lớp học mà GV có thể sử dụng các kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt và hiệu quả.
- Rèn kỹ năng thiết kế và tổ chức dạy học theo hướng trải nghiệm
Việc học tập qua trải nghiệm của HS được đề cập trong nhiều tài liệu liên quan đến phương pháp học trải nghiệm của các nhà tâm lí, giáo dục học gắn liền với thuyết học tập này như Kolb, Dewey hay Piaget. Theo các tác giả này, quy trình học tập qua trải nghiệm về cơ bản được thể hiện trong 4 bước như sau:
Bước 1 - Trải nghiệm
HS làm, thực hiện một hoạt động tuân theo các hướng dẫn cơ bản về an toàn, tổ chức hoặc quy định về thời gian, HS làm trước khi được chỉ dẫn cụ thể về cách làm.
Bước 2 - Phân tích
HS chia sẻ lại các kết quả, các chú ý và những điều quan sát, cảm nhận được trong phần hoạt động đã thực hiện của mình. HS cùng thảo luận, nhìn lại cả quá trình trải nghiệm, phân tích và phản ánh. HS sẽ liên hệ trải nghiệm với chủ đề của hoạt động và các kỹ năng sống học được.
Bước 3 - Tổng quát
Liên hệ những kết quả và điều học được từ trải nghiệm với các ví dụ trong cuộc sống thực tế. Bước này thúc đẩy HS suy nghĩ về việc có thể áp dụng những điều học được vào các tình huống khác như thế nào.
Bước 4 - Áp dụng
HS sử dụng những kỹ năng, hiểu biết mới vào cuộc sống thực tế của mình. HS trực tiếp thực hành, áp dụng những điều học được vào tình huống tương tự hoặc các tình huống khác.
Hình 2. Quy trình học qua trải nghiệm
Từ quy trình học qua trải nghiệm, để tổ chức dạy học theo hướng trải nghiệm, GV cần xác định được các nội dung dạy học và thiết kế hoạt động học cho HS theo hướng tăng cường trải nghiệm trong các tiết học. Căn cứ vào quy trình học qua trải nghiệm, GV xây dựng quy trình dạy học sao cho việc học tập của HS sẽ là một quá trình mà tri thức HS được tạo ra thông qua sự biến đổi kinh nghiệm. Quy trình thiết kế kế hoạch dạy học theo hướng trải nghiệm và tổ chức dạy học có thể thực hiện như sau:
Bước 1: Giới thiệu nội dung trải nghiệm
GV nêu tên bài và giới thiệu khái quát nội dung trải nghiệm.
Bước 2: Tổ chức trải nghiệm
Ở bước này, GV sẽ giao nhiệm vụ trải nghiệm cho HS, GV nêu cách thức tiến hành, hướng dẫn HS thực hiện, yêu cầu cần thực hiện trải nghiệm. GV có thể kiểm tra mức độ nắm rõ nhiệm vụ của HS bằng cách yêu cầu 1-2 HS nhắc lại. HS tự thực hành trải nghiệm, thông thường là hoạt động theo nhóm. GV sẽ bao quát lớp, chú ý hỗ trợ khi cần thiết và bảo đảm tất cả HS đều tham gia.
Bước 3: Phản hồi, chia sẻ, phân tích
GV tổ chức cho HS trình bày kết quả thu nhận được qua quá trình thực hành - phản hồi (yêu cầu HS trình bày kết quả thu nhận được; GV cùng HS cả lớp quan sát, bổ sung, trao đổi ý kiến, nhận xét).
GV tổ chức cho các nhóm chia sẻ lại quá trình, cách thức hoạt động của mình (GV thông qua các câu hỏi để các nhóm tự nhìn nhận lại quá trình hoạt động, rút kinh nghiệm).
GV tổ chức cho HS phân tích kết quả thu nhận được, tự rút ra bài học (GV đặt câu hỏi gợi mở làm rõ hơn về nội dung mà HS đã trình bày; GV có thể thực hiện thí nghiệm hoặc mở rộng quan sát thêm qua video, hình ảnh... để giúp HS hiểu rõ hơn về nội dung vấn đề mình đang tìm hiểu; GV tạo điều kiện cho HS nêu những vấn đề thắc mắc để cùng trao đổi thảo luận).
Bước 4: Khái quát nội dung
GV để HS tự liên hệ với kinh nghiệm bản thân, liệt kê những điểm chính rút ra được sau quá trình, kết luận (có thể thông qua câu hỏi chốt để HS nêu lên ý kiến của bản thân). GV ghi nhận các ý kiến và chốt, rút ra kết luận cuối cùng.
Bước 5: Áp dụng
GV giúp HS vận dụng những điều đã học vào tình huống khác (xử lí tình huống, trò chơi.). GV hướng dẫn các em xác định bất kì thay đổi hành vi nào mà các em có thể làm sau hoạt động trải nghiệm và tạo thêm những cơ hội để các em có thể áp dụng hoặc bàn luận những điều em đã học với những người khác.
Bước 6: Tổng kết
GV nhận xét quá trình trải nghiệm (tiết học) và giao nhiệm vụ trải nghiệm ở nhà tùy theo nội dung bài học.
- Bước 1: Giới thi ệu nội dung trải
Hình 3. Quy trình dạy học theo
hướng trải nghiệm
* Ví dụ minh họa
KẾ HOẠCH DẠY HỌC
theo Hướng trai nghiệm
MÔN KHOA HỌC - LỚP 5
BÀI 29: thủy tinh
- Mục tiêu
- Kiến thức
- Nhận biết được tính chất, công dụng của thủy tinh thông thường và thủy tinh chất lượng cao.
- Kĩ năng
- Phân biệt được các vật dụng sản xuất ra từ thủy tinh và biết cách bảo quản đồ dùng từ thủy tinh để sử dụng lâu bền.
- Thái độ
- Có ý thức bảo quản đồ dùng thủy tinh để sử dụng lâu bền, tránh lãng phí.
* Phát triển năng lực cho HS:
- Năng lực chung: Năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp...
- Năng lực chuyên biệt: Năng lực nhận biết kiến thức về khoa học tự nhiên, năng lực thực hành, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Chuẩn bị
- GV giao nhiệm vụ cho cá nhân HS về nhà ghi chép thông tin vào vở hoặc giấy trước tiết học 23 ngày:
+ Kể tên những vật dụng làm bằng thủy tinh ở gia đình em?
+ Em và gia đình mình bảo quản những vật dụng thủy tinh đó như thế nào?
- GV chuẩn bị một số vật dụng bằng thủy tinh thông thường và thủy tinh chất lượng cao, giấy A0 để hoạt động nhóm.
- Nội dung dạy học: Học tập dựa vào trải nghiệm
Bước 1: Giới thiệu nội dung trải nghiệm
- GV nêu tên bài học “Thủy tinh” và nội dung tìm hiểu trong tiết học.
Bước 2: Tổ chức trải nghiệm
*Giao nhiệm vụ trải nghiệm:
- Trước khi bắt đầu tiết học 23 ngày, GV giao nhiệm vụ cho HS về nhà tự trải nghiệm và ghi thông tin vào vở (Kể tên những vật dụng làm bằng thủy tinh ở gia đình em? Em và gia đình mình bảo quản những vật dụng thủy tinh đó như thế nào?)
- Khi bắt đầu tiết học, GV chia nhóm (57 HS), giao cho mỗi nhóm vài vật dụng bằng thủy tinh đã chuẩn bị sẵn, yêu cầu HS quan sát, kết hợp với những nội dung mà cá nhân đã tìm hiểu, trải nghiệm trước đó, nhóm thống nhất nội dung ghi vào giấy:
+ Tính chất và công dụng của thủy tinh?
+ Các vật dụng được làm bằng thủy tinh?
+ Cách bảo quản vật dụng làm bằng thủy tinh?
- HS thực hành trải nghiệm:
- HS tiến hành hoạt động trải nghiệm theo nhóm.
+ Đối với hoạt động diễn ra tại nhà trước đó, GV cần thông báo cho phụ huynh biết để tạo điều kiện cho HS thực hiện nhiệm vụ học tập được giao.
+ Đối với hoạt động trên lớp: GV chú ý bao quát lớp để đảm bảo tất cả HS đều tham gia hoạt động.
- Nhóm trưởng điều hành hoạt động của nhóm, thống nhất ý kiến để ghi vào giấy theo các nhiệm vụ được giao.
Bước 3: Phản hồi, chia sẻ, phân tích
- Tổ chức cho HS trình bày kết quả thu nhận được - phản hồi
- Đại diện các nhóm trình bày kết quả trước lớp, GV ghi tóm tắt nội dung trình bày của các nhóm lên bảng theo các ý cho trước.
- Yêu cầu HS nhận xét, bổ sung khi đại diện các nhóm trình bày.
- Các nhóm nhận xét, trao đổi ý kiến với nhau.
- Tổ chức chia sẻ cách thức hoạt động, thu nhận kết quả của từng nhóm - chia sẻ
- GV đặt câu hỏi gợi mở để các nhóm HS chia sẻ, trao đổi:
+ Làm thế nào để nhận biết được đó là vật dụng làm từ thủy tinh?
+ Em biết được tính chất của thủy tinh thông qua cách nào?
+ Làm thế nào để biết được các cách để bảo quản vật dụng làm bằng thủy tinh?
- Tổ chức cho HS phân tích kết quả thu nhận được, rút ra bài học - phân tích.
+ Qua tìm hiểu, em có nhận xét gì về đặc điểm tính chất của thủy tinh?
+ Trong các vật dụng mà các em vừa nêu, hãy chỉ ra vật dụng mà em nhận thấy có chất lượng tốt hơn các vật khác?
+ Vật dụng có đặc điểm gì khác mà em cho rằng có chất lượng tốt hơn các vật khác?
- GV có thể thực hiện thí nghiệm (nếu đảm bảo được tính an toàn cho HS) về khả năng chịu đựng nóng (lạnh) của thủy tinh thường và thủy tinh chất lượng cao để HS quan sát: Để ly thủy tinh thường và ly thủy tinh chất lượng cao ở 2 khay khác nhau. Từ từ đổ nước sôi (đá lạnh) vào thủy tinh ở hai khay, cùng một lúc. Quan sát và nhận xét?
- HS nhận xét, rút ra kết luận về tính chất của thủy tinh thường và thủy tinh chất lượng cao.
- GV nhận xét, liên hệ, giảng giải thêm cho HS về cách nhận biết tính chất và công dụng của thủy tinh chất lượng cao.
- GV cho HS xem video cách làm thủy tinh (vật dụng từ thủy tinh), đặt câu hỏi:
+ Theo em thủy tinh được làm từ chất gì? - HS quan sát, trả lời.
Bước 4: Khái quát nội dung
- GV để HS tự nhận xét, rút kết luận:
+ Em có nhận xét gì về thủy tinh? Chúng ta nên bảo quản các vật dụng thủy tinh như thế nào để có thể sử dụng lâu bền?
- GV chốt ý, rút ra kết luận cuối cùng:
- Thủy tinh được làm từ cát trắng và một số chất khác.
- Thủy tinh thường trong suốt, không gỉ, cứng, nhưng dễ vỡ. Thủy tinh không cháy, không hút ẩm, không bị axít ăn mòn.
- Thủy tinh chất lượng cao rất trong, chịu được nóng hoặc lạnh, bền.
- Cần bảo quản, sử dụng vật dụng làm từ thủy tinh cẩn thận để có thể sử dụng lâu bền.
Bước 5: Áp dụng
Hình thức: Xử lý tình huống
- Tạo tình huống: Nhà An có một lọ hoa bằng thủy tinh rất đẹp. Một hôm, An rủ bạn đến nhà chơi. An có ý định lấy lọ hoa đó để chơi. Nếu người bạn đó là em, trong tình huống này, em sẽ làm gì?
- HS suy nghĩ, thảo luận nhóm, thực hành đóng vai giải quyết tình huống đó.
- Yêu cầu HS quan sát, nhận xét cách giải quyết tình huống của các bạn.
- Khuyến khích HS nêu suy nghĩ, kinh nghiệm rút ra từ tình huống.
Bước 6: Tổng kết
- GV nhận xét, tổng kết tiết học.
- Bồi dưỡng thái độ, nhận thức
Dạy học theo hướng trải nghiệm là một hướng dạy học mới trong đó người GV có vai trò hỗ trợ, hướng dẫn HS thực hiện hoạt động học để đạt được mục tiêu dạy học đề ra. Đây chính là việc tổ chức hoạt động học tập có sự phản hồi và đề cao kinh nghiệm của người học. Có thể nói, hứng thú, thái độ của người GV sẽ chi phối đến hiệu quả của hoạt động dạy học. Nếu một người GV được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng về dạy học theo hướng trải nghiệm thì vấn đề dạy học sẽ trở nên thuận lợi và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, nếu người GV không hứng thú khi tiếp cận nội dung này thì việc dạy học sẽ trở thành hình thức, mang tính chất đối phó trong công việc.
Việc bồi dưỡng thái độ, nhận thức cho GV tiểu học nên bắt đầu từ việc trang bị những kiến thức về dạy học trải nghiệm, cụ thể như: tìm hiểu đặc điểm, bản chất, hình thức, ý nghĩa và tác dụng của việc dạy học theo hướng trải nghiệm. Qua đó, GV nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy học theo hướng trải nghiệm để đáp ứng với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay. Việc dạy học này sẽ góp phần phát triển được phẩm chất và năng lực cho HS nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Để nội dung này mang tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng thành một trong những chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên dành cho GV tiểu học.
Ngoài ra, người GV tiểu học cũng cần có ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho phù hợp với đặc trưng của ngành nghề. Chẳng hạn, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, các tổ cần đề xuất và tổ chức nội dung hoạt động dạy học theo hướng trải nghiệm. Cá nhân GV cũng cần chủ động tham gia vào các buổi sinh hoạt đó để phát triển năng lực dạy học của mình.
Như vậy, thái độ của người GV sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của việc đổi mới nội dung chương trình hoặc hướng tiếp cận phương pháp dạy học. Do đó, việc phát triển năng lực dạy học cho GV tiểu học cũng cần chú trọng đến vấn đề này để nội dung bồi dưỡng đạt hiệu quả.
- Kết luận
Năng lực dạy học là một trong những năng lực có ý nghĩa rất quan trọng đối với một người GV nói chung, GV tiểu học nói riêng. Bởi một người GV nếu có được năng lực dạy học thì công việc sẽ dễ dàng đạt hiệu quả. Năng lực dạy học sẽ luôn gắn với công việc của nhà giáo và và giúp người GV luôn thích ứng với xu thế ngày càng phát triển của xã hội. Chính vì vậy, người GV tiểu học cần được bồi dưỡng, phát triển năng lực dạy học cũng như năng lực dạy học theo hướng trải nghiệm nhằm đáp ứng với chuẩn nghề nghiệp đã đặt ra.
phạm, 2015.