Phương pháp

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC VIẾT SÁNG TẠO CHO HỌC SINH TIỂU HỌC TỪ VIỆC THAY ĐỔI CÁCH RA ĐỀ TẬP LÀM VĂN


19-10-2020
Tác giả: Vũ Trọng Đông Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một

Việc dạy Tập làm văn theo chương trình mới chú trọng đến việc hình thành và phát triển năng lực. Để làm được việc đó, cần sự phối hợp nhiều giải pháp, trong đó có việc thay đổi cách ra đề. Bài viết phân tích vấn đề dạy viết văn hiện nay và đề xuất định hướng xây dựng các dạng đề bài tập làm văn mở theo hướng phát huy năng lực viết sáng tạo cho người học.

1. Mở đầu
Chương trình phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục ban hành theo định hướng phát triển năng lực, trong đó chú ý đến phát triển năng lực viết sáng tạo. Tuy nhiên hiện nay, việc học sinh tiểu học thường viết những bài văn một cách rập khuôn, máy móc (rập khuôn từ cách mở bài, cách dùng từ ngữ trong câu văn, cách bộc lộ cảm nghĩ/ suy nghĩ của mình), thiếu cảm xúc, đặc biệt là thiếu tính sáng tạo. Việc học sinh luôn đi trên một lối mòn, viết đi viết lại những điều mà người khác đã viết khiến người đọc thấy nhàm chán và thất vọng về cách làm văn của học sinh.
Nghiên cứu về vấn đề phát triển kĩ năng viết sáng tạo cho học sinh, Tác giả Trần Thị Hiền Lương trình bày một số quan điểm về “viết sáng tạo” và khẳng định “viết sáng tạo khuyến khích người học và giúp họ phát triển kĩ năng sáng tác, khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo” [4; tr360]. Tác giả cũng chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế về dạy viết sáng tạo, theo đó, tác giả đồng ý với một số chuyên gia trong việc xác định “những kiểu viết sáng tạo phổ biến trong nhà trường bao gồm kể chuyện, miêu tả và viết tranh luận” [4; tr360]. Tác giả Chu Thị Hà Thanh khi nghiên cứu về vấn đề này cho rằng “Yêu cầu viết sáng tạo là một khâu quan trọng trong các yếu tố của quá trình đổi mới môn Tiếng Việt theo hướng phát triển năng lực và nó được biểu hiện tập trung ở phân môn tập làm văn. Muốn học sinh viết sáng tạo cần đổi mới cách ra đề bài. Đề bài Tập làm văn có thể được thiết kế theo các hình thức đánh giá như: trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc kết hợp cả hai” [2; tr497]. Cả hai tác giả đều đề xuất các giải pháp phát triển năng lực viết sáng cho học sinh tiểu học, trong đó: Trần Thị Hiền Lương đề xuất một số sáng kiến về việc rèn viết sáng tạo có hiệu quả tại các trường tiểu học ở Anh; Chu Thị Hà Thanh chú ý đến việc xây dựng các tiêu chí cụ thể cho một đề bài như “đề bài phải xác định rõ các nhân tố giao tiếp”; “đề bài phải là tình huống giao tiếp có vấn đề”; “đề bài phải gần gũi với đời sống thực tế của học sinh”; “đề bài phải mang tính mở”; “đề bài yêu cầu sử dụng trí tưởng tượng” [2; tr.497-501].
Nghiên cứu của cả hai tác giả mặc dù chưa đưa ra được những kiểu đề văn cụ thể, phù hợp với việc dạy viết sáng tạo cho học sinh trong giai đoạn hiện tại nhưng là nguồn tư liệu quý giúp chúng tôi trong việc nghiên cứu việc phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, việc phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học là rất khó, cần kết hợp đồng thời nhiều giải pháp như: Tăng thời lượng dạy viết cho học sinh, quan tâm nhiều hơn đến khả năng sáng tác của các em; thay đổi cách ra đề; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá;... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu việc thay đổi cách ra đề, bởi vì theo chúng tôi, với những đề bài rập khuôn, theo mẫu sẽ không thể nào hình thành được năng lực viết bài văn sáng tạo ở các em.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí luận
2.1.1. Thế nào là viết sáng tạo?
Viết sáng tạo là một trong các yêu cầu của dạy học tạo lập văn bản trong xu hướng hiện đại, nhằm góp phần hình thành cho học sinh năng lực chung là năng lực sáng tạo (creative competence), một năng lực cốt lõi rất cần cho HS khi phải đối mặt với những thách thức và sự thay đổi liên tục của cuộc sống hiện đại. Trong viết sáng tạo, "người viết phải tạo ra một sản phẩm không giống với sản phẩm mà người khác đã tạo ra trước đó" [2; tr356]. Sản phẩm (bài viết, văn bản) sáng tạo được thể hiện trên cả phương diện nội dung và hình thức. Về nội dung, tùy theo mỗi kiểu loại văn bản mà xác định sự sáng tạo của người viết đến đâu, thể hiện qua những yếu tố nào. Về hình thức thể hiện, sự sáng tạo của người viết được bộc lộ qua thể loại văn bản, cách lựa chọn, sử dụng từ ngữ, cách đặt câu, sử dụng dấu câu... Viết sáng tạo giúp học sinh không bị những suy nghĩ rập khuôn, máy móc đè nặng, áp đặt, nó như con tàu đưa các em vào thế giới của sự khám phá, nó đòi hỏi học sinh phải có ý tưởng, phải phác thảo được ý tưởng và thể hiện ý tưởng trong bài viết.
Viết sáng tạo là viết về những điều mới mẻ. Luyện viết sáng tạo giúp người viết có kiến thức, có ý thức về sự suy nghĩ, khả năng suy nghĩ trong suốt thời gian viết cho đến khi đưa ra được sản phẩm tinh tế hơn. Viết sáng tạo giúp các em có được những trải nghiệm thực sự sâu xa hơn trong thế giới của sự sáng tạo.
Viết sáng tạo là một hình thức viết diễn tả cảm nhận, cảm xúc, kinh nghiệm, tưởng tượng hay ý tưởng của người viết ở mức độ có ý thức hoặc tiềm thức. Nó được thúc đẩy bởi nhu cầu của người viết là "thể hiện", được thực hiện theo cách duy nhất, sáng tạo và thơ mộng. Idrees Pate cho rằng “Viết sáng tạo là bất kỳ dạng viết nào được viết bằng sự sáng tạo của trí tuệ: viết tiểu thuyết, viết thơ, sáng tác văn học phi hư cấu và nhiều hơn nữa. Mục đích là để thể hiện một cái gì đó, cảm nhận, suy nghĩ hoặc cảm xúc” [8].
Viết sáng tạo ở tiểu học có thể hiểu đơn giản là bài viết mà các em viết ra phải có cái mới cho dù nhỏ: mới về ý tưởng (nội dung), mới về cách biểu đạt (hình thức).
2.1.2. Năng lực viết sáng tạo
Trong Tâm lí học, năng lực được định nghĩa: “Là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả” [6; tr.178].
Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới hoặc giải quyết vấn đề một cách mới mẻ của con người” [5; tr.29].
Với cách định nghĩa này, ta có thể hiểu năng lực sáng tạo là cái tiềm ẩn bên trong cá nhân, sáng tạo là sự hiện thực hóa năng lực sáng tạo của chủ thể bằng những sản phẩm sáng tạo. Nói cách khác, năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra cái mới có giá trị của cá nhân dựa trên tổ hợp các phẩm chất độc đáo của cá nhân đó. 
Từ cách hiểu đó, chúng tôi cho rằng “năng lực viết sáng tạo có là khả năng thể hiện cái mới trong bài viết của mình nhằm mang lại hiệu quả giao tiếp cao nhất.”
2.2. Xây dựng các dạng đề bài tập làm văn mở theo hướng sáng tạo
Hiện nay, đề văn cho học sinh tiểu học tập trung chủ yếu vào các dạng văn miêu tả, kể chuyện, viết thư, tự sự và một vài kiểu viết văn bản thông thường theo mẫu. Vì thế đề bài thường yêu cầu học sinh kể/ tả... Ví dụ: “Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem” (TV3, T2, tr.48). “Kể về một người hàng xóm mà em quý mến.” (TV3, T1, tr68)... Những dạng đề như thế này, theo Nguyễn Trí là: ''tạo nên nhiều hạn định bó buộc học sinh nếu các em muốn làm đúng yêu cầu của đề bài” [4]. Việc gò học sinh vào các kiểu viết như vậy phần nào kìm hãm khả năng sáng tạo của các em. Một bài văn hay không bao giờ đơn thuần chỉ là kể hay tả, mà phải là sự kết hợp kể, tả và lồng cảm xúc thực của các em vào đó. Các đề văn của chúng ta cũng thường giới hạn suy nghĩ của học sinh về những câu chuyện, sự việc, người, vật quen thuộc với các em. Sự quen thuộc là tốt, nhưng cách ra đề hiện nay học sinh khó có thể phát huy được trí tưởng tượng sáng tạo, khó tạo điều kiện cho các em sáng tác, hư cấu, giúp cho bài văn sinh động, hấp dẫn hơn. Để khắc phục, chúng tôi đề xuất xây dựng các dạng đề bài viết trên tinh thần tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo, kết hợp các kiến thức về miêu tả, kể chuyện, tự sự, viết thư... trong các bài viết theo những chủ đề được lựa chọn.

Xem thêm: 

Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 8, pp. 41-46

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020