Phát triển tư duy lô gích là một trong những nhiệm vụ quan trọng của dạy học nói chung, dạy học Tiếng Việt nói riêng. Bài viết phân tích ý nghĩa của tư duy lô gích, đặc điểm phát triển tư duy lô gích và ngôn ngữ của trẻ tiểu học, đặc điểm nhóm bài Tập làm văn ở tiểu học.
1. Mở đầu
Đối với khoa học sư phạm, vấn đề phát triển tư duy cho học sinh luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Việc thiết kế các chương trình dạy học, sách giáo khoa, nội dung, phương pháp, hình thức,... đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển năng lực tư duy và phẩm chất cho người học trong những điều kiện phù hợp nhất, đáp ứng được những đổi thay của hiện thực khách quan và kho tri thức loài người. Viện phát triển chương trình giáo dục Hồng Công (1995) cho rằng kĩ năng tư duy nên là một phần của chương trình học, được tích hợp trong các môn học dưới các cấp độ khác nhau. Phương pháp giảng dạy sử dụng trong quá trình học tập phải có ý nghĩa cải thiện năng lực học sinh trong việc suy luận, giải quyết vấn đề và ra quyết định [1;1]. Trong số đó, tư duy lô gích chiếm giữ một vị trí quan trọng, đóng vai trò là một trong những nền tảng hình thành nên trí tuệ, nhân cách ở một cá thể học sinh. Dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi và ngôn ngữ của học sinh tiểu học, bài viết xác lập tiền đề lí luận và đề xuất hai biện pháp cơ bản gồm xây dựng bài tập lập ý và thiết kế trò chơi ngôn ngữ nhằm phát triển, nâng cao năng lực tư duy lô gích ở học sinh trong nhóm bài Tập làm văn.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí luận của việc phát triển tư duy lô gích cho học sinh Tiểu học trong dạy học nhóm bài Tập làm văn
2.1.1. Quan niệm về tư duy lô gích và tầm quan trọng của việc phát triển tư duy lô gích cho học sinh Tiểu học
Mason (1980) khi nghiên cứu sự phát triển tư duy lô gích của trẻ đã dẫn ra nhiều quan điểm và kết luận rằng khá khó khăn để kết luận thế nào là tư duy lô gích [3;4]. Trong khi các nhà Lô gích học coi tư duy lô gích giống như việc nghĩ đúng hay không đúng hoặc tìm kết luận dựa theo những cơ sở thì các nhà Tâm lí học lại quan niệm tư duy lô gích là sự phản ánh quá trình suy nghĩ. Atkinson (1909) khẳng định giá trị quan trọng của tư duy lô gích là khả năng dạy chúng ta cách suy luận, và suy luận mang lại kiến thức [2;6]. Hai tác giả Sezen và Bulbul (2011) đánh giá tư duy lô gích tạo thành một phần của việc giải quyết vấn đề. Nói cách khác, có thể coi những người giải quyết được các vấn đề phức tạp là những người có đủ khả năng tư duy lô gích và khả năng suy luận [4;2476]. Sezen và Bulbul cũng dẫn lại ý kiến của Cibik (2006) rằng quá trình tư duy lô gích mang nghĩa là có được các ý tưởng, kết quả của một vấn đề và đưa chúng vào một trật tự liên tiếp. Suy nghĩ lô gích ngăn cản một đứa trẻ nói rằng “tôi không biết”, “điều này quá khó” [dẫn theo 4;2477]. Tư duy lô gích giúp một người hiểu rõ bản thân và suy nghĩ thấu đáo để tìm ra giải pháp thay vì đầu hàng trước tình huống.
Ở Việt Nam, Vũ Văn Viên (2006) cho rằng tư duy lô gích là một yếu tố hợp thành tư duy khoa học. Đó là giai đoạn nhận thức lí tính, sử dụng các hình thức cơ bản như khái niệm, phán đoán, suy luận cùng các thao tác lô gích xác định của chủ thể, nhằm sản xuất các tri thức mới với mục đích phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn về hiện thực khách quan [...] Các thao tác tư duy được lô gích học khái quát thành các phương pháp (cụ thể) của tư duy, như quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp,...” [5]. Trong khi đó, các tác giả Nguyễn Thanh Hưng, Kiều Mạnh Hùng, Phan Phi Công lại quan niệm tư duy lô gích là dạng tư duy được đặc trưng bởi năng lực rút ra kết luận từ tiền đề đã cho, năng lực phân hoạch các trường hợp riêng để khảo sát đầy đủ một sự kiện, năng lực dự đoán các kết quả cụ thể của lí thuyết, khái quát hóa các kết luận nhận được [6;150]
Có thể thấy với học sinh tiểu học, việc phát triển năng lực trí tuệ không thể tách rời việc rèn luyện tư duy lô gích bởi loại tư duy này là nền tảng cho các môn khoa học, từ khoa học ngôn ngữ đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đặc biệt, thông qua những hoạt động thực hành ngôn ngữ thường xuyên, đa dạng bằng tiếng Việt, học sinh có thể được chuẩn bị hình thành những cấu trúc tư duy đúng đắn, vận dụng được các quy tắc lô gích chi phối tư duy (đặc biệt là khả năng lập luận), nâng cao khả năng sáng tạo giải quyết vấn đề của trẻ trong các tình huống thực tiễn.
2.2.2. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi và ngôn ngữ của học sinh Tiểu học
Theo các nhà Tâm lí học, bước vào Tiểu học là học sinh đã có sự thay đổi về chất một cách đáng kể so với khi còn ở lứa tuổi mầm non. Trong đó, những thay đổi lớn nhất diễn ra trong nhận thức và ngôn ngữ.
Trước hết, nhận thức lí tính có sự nâng cao rõ rệt. Tư duy của trẻ mang đậm màu sắc xúc cảm, thể hiện ưu thế ở tư duy trực quan hành động và các phẩm chất tư duy chuyển dần từ cụ thể sang khái quát. Trẻ ngày càng có khả năng trừu tượng hóa và tổ chức vấn đề tốt hơn. Bên cạnh đó, khả năng tưởng tượng của trẻ trở nên phong phú, đa dạng vì bộ não phát triển cũng như kho kinh nghiệm với cuộc sống gia đình, nhà trường, xã hội đã đầy đặn hơn trước. Tuy còn non nớt nhưng sự xâu chuỗi các giác quan và thể hiện cảm xúc dần được biểu đạt rõ ràng thông qua việc trẻ vừa có khả năng quan sát theo bề rộng, vừa 17 có thể cảm nhận sự vật theo bề sâu, vừa thấy sự vật một cách tổng thể, vừa nhìn sự vật ở vài chi tiết. Nói cách khác, những tưởng tượng tái tạo đã bắt đầu hoàn thiện. Qua đó, các nhà Tâm lí - Giáo dục học đề xuất cần thiết phát triển tư duy cho trẻ bằng việc đặt ra nhiều câu hỏi dẫn dắt, gợi mở; thu hút trẻ vào hoạt động có tính sáng tạo và kết nối; biến những kiến thức khô khan, trừu tượng thành những hình ảnh có cảm xúc...
Những thay đổi trong nhận thức của học sinh Tiểu học dẫn tới hệ quả là ngôn ngữ và hành động nói năng của các em cũng có những biến chuyển nhất định. Phần lớn trẻ Tiểu học có ngôn ngữ nói tương đối thành thạo, biết diễn đạt ý và biểu lộ cảm xúc. Những bài tập luyện nói và luyện viết được đưa vào chương trình giúp trẻ khi học đến lớp 5 thì có ngôn ngữ viết cũng bắt đầu hoàn thiện về mặt ngữ âm, chính tả, từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Một mặt, trẻ có khả năng đọc hiểu văn bản sách giáo khoa, tự tìm hiểu thêm các văn bản ngoài nhà trường theo sở thích. Mặt khác, trẻ có năng lực viết một số kiểu loại văn bản như kể chuyện, miêu tả, trong đó kết hợp được yếu tố biểu cảm. Như vậy, cả hai quá trình lĩnh hội và sản sinh văn bản đều có thể thực hiện được thuận lợi dần lên theo từng lớp tuổi.
Xem thêm bài báo tại:
Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 1, pp. 16-26