Phương pháp

ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ NHẬN THỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TỰ SỰ


19-10-2020
Tác giả: Nguyễn Chính Thành - Trường THCS Lương Thế Vinh, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, giáo dục kĩ năng tự nhận thức (KNTNT) cho học sinh (HS) là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có một số công trình nghiên bước đầu đi vào nghiên cứu vấn đề này, đặc biệt là việc giáo dục KNTNT cho HS trung học cơ sở (THCS) trong dạy học đọc hiểu văn bản tự sự vẫn là một khoảng trống. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả dạy - học văn bản tự sự ở THCS, bài viết đã nghiên cứu đề xuất các định hướng nội dung giáo dục kĩ năng tự nhận thức cho HS trong dạy học đọc hiểu văn bản tự sự, gồm: Hướng dẫn HS tự nhận thức về các giá trị sống có trong văn bản tự sự; Hướng dẫn HS tự nhận thức về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua văn bản tự sự; Học sinh trải nghiệm các hành vi ứng xử dựa trên nền tảng giá trị sau khi đọc hiểu văn bản tự sự.

1. Mở đầu
Trong xã hội hiện đại, kĩ năng tự nhận thức (KNTNT) là một trong những kĩ năng cơ bản mà con người cần phải có nên đã nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, những công trình đó chưa được dịch và xuất bản nhiều ở Việt Nam, ngoại trừ một số công trình tiêu biểu như: Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence-1995), Trí tuệ xúc cảm ứng dụng trong công việc (Working With Emotional Intelligence-1998), và Trí tuệ xã hội (Social Intelligence-2006) của Daniel Goleman được NXB Tri thức, NXB Lao động - Xã hội xuất bản năm 2005, 2007 và 2008, Thông minh cảm xúc thế kỉ 21 của Travis Bradberry & Jean Greaves, NXB Phụ nữ và TGM Books xuất bản năm 2014, ...Với một quan niệm mới và cách tiếp cận mới, Daniel Goleman đã phần nào nghiên cứu về KNTNT qua việc mô thức hoá cơ cấu của trí tuệ xúc cảm thành năm năng lực cơ bản bao gồm: 1) tự nhận thức, 2) tự điều chỉnh, 3) động cơ thúc đẩy, 4) sự thấu cảm, 5) các kĩ năng xã hội. Cuốn Thông minh cảm xúc thế kỉ 21, tác giả Travis Bradberry & Jean Greaves đã làm rõ khái niệm, những biểu hiện của bốn kĩ năng tạo thành trí tuệ cảm xúc là tự nhận thức, làm chủ bản thân, nhận thức xã hội, làm chủ mối quan hệ. Hơn nữa, trong cuốn sách này, hai tác giả còn đi sâu phân tích 15 phương pháp để nâng cao các kĩ năng trên.
Ở trong nước, vấn đề nghiên cứu phát triển KNS và KN TNT qua dạy học Văn và dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở nhà trường phổ thông tuy chưa có nhiều thành tựu nhưng bước đầu cũng đã có một số công trình, bài viết đề cập đến như: cuốn Giáo dục kĩ năng sống qua môn Ngữ văn ở trường Trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo, luận văn Giáo dục kĩ năng tự nhận thức cho HS lớp 12 qua dạy đọc hiểu các văn bản văn chương của Nguyễn Thị Lê, bài Kĩ năng tự nhận thức của học sinh trung học phổ thông của ThS. Đặng Thị Minh Hiền trên Tạp chí Khoa học Giáo dục,... Đây là một số tài liệu quan trọng định hướng cho giáo viên thực hiện giáo dục KNS nói chung và KNTNT nói riêng cho học sinh qua dạy văn. Tuy nhiên, trong các tài liệu này, việc lựa chọn, xác định nội dung giáo dục KNS nói chung, KNTNT nói riêng từ việc dạy học đọc hiểu văn bản tự sự vẫn còn rất phiến diện và chung chung.
Vận dụng những thành tựu từ các công trình nghiên cứu trên cũng như thực tế dạy học Văn ở nhà trường phổ thông, bài viết đi sâu phân tích một số định hướng về cách lựa chọn nội dung giáo dục KNTNT cho HS THCS trong dạy đọc hiểu VBTS, qua đó góp phần giúp GV thuận lợi hơn trong quá trình hình thành và phát triển kĩ năng này cho HS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số khái niệm cơ bản
2.1.1. Khái niệm kĩ năng
Kĩ năng là một thuật ngữ phổ biến, hiện có rất nhiều cách quan niệm và phát biểu khác nhau về kĩ năng.
Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng: “Kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó áp dụng vào thực tế” [5, tr. 567].
Tác giả Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Kĩ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép” [8, tr. 6].
Như vậy, trong tiếng Việt, hiện khái niệm kĩ năng đang được hiểu và sử dụng theo hai cấp độ. Theo nghĩa hẹp, kĩ năng là những thao tác, cách thức thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện một hoạt động nào đó trong môi trường quen thuộc. Theo nghĩa rộng, kỹ năng bao hàm những kiến thức, những hiểu biết và trải nghiệm,... giúp cá nhân có thể thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi. Theo nghĩa này, khái niệm kĩ năng có nội hàm tiệm cận với khái niệm năng lực. Ở bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm “kĩ năng” trong “KNTNT” với hàm nghĩa rộng nêu trên.
2.1.2. Khái niệm KNTNT
Tự nhận thức (Self-awareness) là một trong những KNS căn bản của con người, là khởi điểm cho việc làm chủ bản thân và tạo ra những gì ta muốn, là nền tảng để con người thực hiện các kĩ năng khác một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.
Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về tự nhận thức. Theo Daniel Goleman: “Tự nhận thức là khả năng nhận biết các tình trạng, sở thích, nguồn lực của bản thân và trực giác” [3, tr. 53].
Theo Higgs và Dulewicz, tự nhận thức là “Khả năng tự thấu hiểu cảm xúc của một người và khả năng nhận ra cũng như kiểm soát những cảm xúc này theo cách mà người đó cảm nhận và có thể kiểm soát được” [1, tr. 52].
Theo tác giả Trần Thanh Bình, “KNTNT là năng lực cá nhân vận dụng có hiệu quả những tri thức, những kinh nghiệm thành hành động để nhận biết đúng đắn mình là ai, mình có thể làm được gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, mình đang sống trong hoàn cảnh nào...” [2, tr.10].
Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, ở đây chúng tôi quan niệm: Tự nhận thức là khả năng nhận biết được cảm xúc, những điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và năng lực của bản thân để có thể xác định mục tiêu, điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình một cách phù hợp nhằm phát triển bản thân và góp phần phát triển cộng đồng, xã hội.
2.2. Vai trò của của giáo dục kĩ năng tự nhận thức và thực trạng kĩ năng tự nhận thức của học sinh trung học cơ sở hiện nay
Tự nhận thức là một KNS cơ bản và có vai trò vô cùng quan trọng đối với HS. Tự nhận thức là một trong những cơ sở, nền tảng chắc chắn để con người làm chủ cuộc sống của chính  
mình. Trên cơ sở tự hiểu rõ về mình, HS sẽ xác định được những mục tiêu ngắn hạn cũng như mục đích của cuộc đời mình một cách cụ thể và sát hợp. Biết mình mong muốn điều gì sẽ giúp HS xác định rõ những gì mình muốn - tức mục tiêu mình muốn hướng tới. Tự nhận thức sẽ hướng HS đến những gì họ cần và dẫn dắt họ đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó. Vì kiểm soát được cảm xúc và khả năng của bản thân nên một người có khả năng tự nhận thức sẽ biết khi nào cần phải tập trung suy nghĩ và bằng cách nào để đạt được mục tiêu đó. Không chỉ vậy, kĩ năng tự nhận thức còn giúp HS biết phân biệt, đồng cảm với những điều tốt đẹp và phản đối, ngăn chặn những điều xấu. Hơn nữa khi HS có khả năng tự nhận thức, các em sẽ nhận thức rõ hơn về cá tính, điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó điều chỉnh suy nghĩ, hành vi ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh và mở rộng tâm hồn, tình cảm của mình để yêu thương, thấu cảm và chia sẻ với những người khác.
Mặc dù có vai trò quan trong như vậy song qua kết quả khảo sát 441 HS vào tháng 8 năm 2018 của ba trường THCS ở thành phố Hồ Chí Minh (trường THCS Lương Thê Vinh - quận 12; trường THCS Nguyễn Hiền - quận 12; trường THCS Hậu Giang - quận 11) cho thấy HS THCS còn thiếu hụt KNTNT trong sinh hoạt, học tập và giao tiếp với các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô và xã hội. HS THCS nói riêng rất thiếu tự tin trong các vấn đề như: ngại đưa ra ý kiến riêng, nhất là những ý kiến trái chiều với người đối thoại; thiếu quyết đoán khi đưa ra quyết định trước những tình huống mới;... Không chỉ vậy, vì nhiều lí do, các em cũng có nhiều hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói thể hiện sự vô cảm với những gì đang diễn ra trong học tập và cuộc sống của mình như: có nhiều em vẫn tham gia châm chọc hoàn cảnh khó khăn, sự khuyết tật ở bạn bè; không sẵn sàng nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ mang thai khi đi xe buýt; ít khi đặt mình vào vị trí của bạn bè, của thầy cô, của cha mẹ để hiểu vì sao bạn bè, thầy cô, cha mẹ lại xử sự như vậy,... Hơn nữa, do tuổi còn nhỏ, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết và sự từng trải nên HS THCS rất dễ mắc sai lầm, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các tệ nạn xã hội. Trong thực tế, một số em bỏ học đi lang thang, “bụi đời”; một số tham gia bán hàng cấm như: shisha, heroin, hàng đá,. cho chính bạn của mình; một số gia nhập các băng đảng giang hồ ở địa phương đi dọa nạt, trấn lột chính các bạn HS trong trường; một số HS nữ bị rủ rê, lừa gạt bỏ nhà đi theo các nhóm thanh niên lêu lổng,., Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội ngành giáo dục năm 2018 cho biết: “Năm học 2017-2018, có trên 2.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan đến 5.000 đối tượng, chiếm khoảng 0,024% học sinh phổ thông. Khảo sát mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố trên các phương tiện truyền thông cũng khiến nhiều người giật mình: trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Đáng ngại hơn, tỷ lệ người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi chiếm 8% số vụ vi phạm. Nếu như trước kia, trẻ vị thành niên thường chỉ liên quan đến các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thì gần đây, hành vi tội phạm ở độ tuổi này nguy hiểm hơn như giết người cướp của, hiếp dâm, mua bán ma túy...” [9]. Đây là những con số báo động đối với toàn xã hội.

 

Xem thêm bài báo tại: 

Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 9, pp. 3-12

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020