Vì nhu cầu bức thiết của đời sống nói chung cũng như giáo dục nói riêng, văn bản đa phương thức trong môn Ngữ văn ngày càng được giới nghiên cứu lí luận dạy học quan tâm. Văn bản đa phương thức có những đặc điểm phù hợp với nền giáo dục nước ta, có nhiều cơ hội để phát triển và đem lại những kết quả khả quan.
TÓM TẮT. Vì nhu cầu bức thiết của đời sống nói chung cũng như giáo dục nói riêng, văn bản đa phương thức trong môn Ngữ văn ngày càng được giới nghiên cứu lí luận dạy học quan tâm. Văn bản đa phương thức có những đặc điểm phù hợp với nền giáo dục nước ta, có nhiều cơ hội để phát triển và đem lại những kết quả khả quan. Bài viết hướng tới mục đích chỉ rõ những ưu thế của loại văn bản này trong việc đáp ứng những đòi hỏi của xã hội và giáo dục trong thời điểm hiện tại, đồng thời đưa ra những định hướng trong việc đưa văn bản đa phương thức vào nội dung dạy học Ngữ văn trong nước trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
ABSTRACT. Due to the urgent need of life in general as well as education in particular, Literature multimodal texts are increasingly being studied by theoretical teaching. Multimodal texts have characteristics that are relevant to our education. There are many opportunities to develop and bring positive results. This article aims not only to highlight the advantages of this texts in meeting the demands of society and education but also provide guidelines for using them in teaching Literature in the context of program innovation, textbooks in Vietnam.
Từ khóa: văn bản đa phương thức, văn bản, Ngữ văn, dạy học
Keywords: multimodal texts, texts, Literature, teaching
1. Đặt vấn đề
Những thay đổi của xã hội đặt ra nhu cầu đổi mới dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông gắn với việc bổ sung hệ thống văn bản mới – văn bản đa phương thức. Điều này dẫn tới những yêu cầu thay đổi tương ứng của các yếu tố chương trình, sách giáo khoa, quan niệm, cách thức giảng dạy của giáo viên cũng như cách thức tiếp nhận của học sinh. Theo đó, chương trình, sách giáo khoa cần thay đổi, bổ sung về nội dung, phương pháp dạy học và cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh để đáp ứng mục tiêu dạy học đặt ra trong tình hình mới. Việc đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển khả năng tiếp nhận và tạo lập các văn bản đa phương thức của học sinh yêu cầu người giáo viên cũng cần có những kĩ năng định hướng, thiết kế, biết cách giải thích, phân tích các văn bản với sự phức tạp và tương tác nhiều hơn. Học sinh thông qua việc tiếp nhận và tạo lập những văn bản đa phương thức cụ thể trong quá trình dạy học sẽ tiếp thu kiến thức đa dạng thông qua những trải nghiệm mới so với việc tiếp nhận và tạo lập những văn bản theo hình thức truyền thống như trước. Theo đó, việc dạy học văn bản đa phương thức yêu cầu phát huy khả năng sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu ở cấp độ cao của học sinh. Đây là những yêu cầu thay đổi tất yếu đặt ra cho các nhà quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên và học sinh để thích ứng trong tình hình mới.
Văn bản đa phương thức ra đời và được đưa vào nghiên cứu cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, tạo cơ hội cho người học được tiếp cận với loại văn bản mới với nội dung, hình thức, cách truyền tải thông tin một cách đa diện, đa chiều, tạo cho người đọc có nhiều trải nghiệm mới mẻ trong tiếp nhận và tạo lập văn bản.
Văn bản đa phương thức đã được nhiều nhà nghiên cứu lí luận dạy học trên thế giới quan tâm đến từ rất sớm. Theo nghiên cứu của Anthony Baldry và Paul J. Thibault (2006), “việc nghiên cứu văn bản đa phương thức và việc thực hành tạo nghĩa văn bản đa phương thức (multimodal meaning-making practices) đã được phát triển từ trước những năm 1990” [5; xv]. Các nhà giáo dục đã chỉ ra sự khác biệt giữa môi trường giáo dục thuần văn bản in và môi trường giáo dục đa phương thức, từ đó thu hẹp phạm vi nghiên cứu đến các loại văn bản tương ứng với mỗi môi trường giáo dục đó. Có thể kể đến các nhà nghiên cứu như Lankshear, Snyder và Green (2000); Callow và Zammitt (2002); Jewitt (2002); Lemke (2002); Arizpe và Styles (2003) và Bearne (2003). Các nhà nghiên cứu này đã đề cập đến nhu cầu phải chuyển từ môi trường giáo dục thuần văn bản in bằng chữ viết sang môi trường giáo dục đa phương thức như một trong những vấn đề thiết yếu trong đổi mới giáo dục.
Tiếp theo là nghiên cứu của các nhà lí luận giáo dục về vấn đề đọc văn bản đa phương thức ở thế kỉ XXI cũng như sự khác biệt giữa việc đọc văn bản đa phương thức với đọc văn bản đơn phương thức ở những bình diện đối chiếu cụ thể cũng như việc đưa văn bản đa phương thức vào giảng dạy. Đề tài nghiên cứu của Frank Serafini (2005) [7] khẳng định vấn đề đổi mới loại văn bản trong quá trình giao tiếp của thế kỉ XXI đặt ra yêu cầu người giáo viên phải có những kĩ năng, chiến thuật và khuôn khổ dạy học mới để hỗ trợ học sinh tiếp cận với văn bản đa phương thức. Điều này khẳng định mỗi giáo viên cần có những thay đổi trong suy nghĩ về nội dung, phương pháp dạy học để hướng tới những mục tiêu dạy học mới phù hợp với nhu cầu phát triển của học sinh, đáp ứng những đòi hỏi mà xã hội đặt ra. Trong nghiên cứu của mình, Maureen Walsh (2015) [8] đã so sánh, đối chiếu việc đọc văn bản ngôn ngữ truyền thống với việc đọc các văn bản in có kết hợp hình ảnh hoặc văn bản dạng kĩ thuật số được kết hợp hình ảnh, âm thanh, các đường link… đem đến cho người đọc những trải nghiệm khác nhau.
Xin xem thêm trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Đại học Hải Phòng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018