Phương pháp

“BỐI CẢNH ĐỌC” VÀ VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH TRONG MÔN NGỮ VĂN


19-10-2020
Tác giả: TS. Đoàn Thị Thanh Huyền Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

“Bối cảnh đọc”, đặc biệt bối cảnh trên lớp học có vai trò quan trọng với việc phát triển năng lực cho học sinh trong môn Ngữ văn.

Tóm tắt: “Bối cảnh đọc”,  đặc biệt bối cảnh trên lớp học có vai trò quan trọng với việc phát triển năng lực cho học sinh trong môn Ngữ văn. Muốn tạo ra được một bối cảnh đọc hiệu quả đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Bài viết lựa chọn và phân tích các yếu tố trọng yếu như: Dành thời gian để học sinh trải nghiệm hoạt động đọc thực sự với nguồn văn bản phong phú, có độ khó phù hợp; tạo cơ hội cho học sinh đọc tương tác và kết nối với bối cảnh văn hóa xã hội; sử dụng đánh giá phát triển.

Từ khóabối cảnh đọc, dạy học đọc hiểu, Ngữ văn

Abstract“The reading context” and developing competencies for students in Philology

“The reading context”, especially the classroom context, plays an important role in developing competencies for students in Philology. It requires many features to build an effective context. The article selects and analyzes some key elements: To spend time for students actually reading a diverse resource of appropriate texts; To planning for students participating in interactive reading activities and connecting the text with the socio-cultural context; To use formative assessment.

Key wordsthe reading context, teaching reading, Philology.

1. Đặt vấn đề

Một trong năm quan điểm xây dựng chương trình môn học Ngữ văn theo định hướng năng lực được xác định là “lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học.” [1]. Trong bốn kĩ năng đó, “tuy tất cả các kĩ năng đều quan trọng, nhưng kĩ năng đọc cần được coi là quan trọng nhất” [2]. Việc dạy đọc trong nhà trường để đạt được các mục tiêu giáo dục từ lâu đã được các nhà nghiên cứu quan tâm và đến nay vẫn là một thử thách trong thực tiễn dạy học. Với chương trình theo định hướng năng lực người học, cần đặt ra vấn đề tiếp cận quá trình dạy học đọc hiểu như một quá trình tạo dựng nên bối cảnh đọc phù hợp và hiệu quả cho học sinh.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Bối cảnh đọc của học sinh

2.2.1. Quan niệm về bối cảnh đọc của học sinh

              Các nghiên cứu về đọc hiểu đã trải qua lịch sử lâu dài và khẳng định đọc là một quá trình năng động, phức tạp; “hiểu” chính là kết quả kiến tạo của người đọc dựa trên văn bản, nói cách khác, nghiên cứu về đọc hiểu ngày càng chỉ ra vai trò quan trọng, chủ động, tích cực của người đọc: người đọc – người “thợ xây”, người đọc – người “sửa chữa”, người đọc – người “sáng tác lại”. Không chỉ dừng ở đó, dưới sự ảnh hưởng của các quan điểm xã hội về hoạt động đọc và học tập nói chung với sự nhấn mạnh vai trò của bối cảnh xã hội, văn hóa,  chính trị trong thập kỉ 90 thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu chuyển sự quan tâm từ cá nhân người đọc và văn bản sang bối cảnh văn hóa xã hội xung quanh hành động đọc. Và quan niệm về đọc hiểu được xác định bằng mô hình như hình 1.

Hình 1. Mô hình đọc hiểu văn bản [3]

            Như vậy, khái niệm “bối cảnh đọc” ở đây thực chất là bối cảnh văn hóa xã hội.  Với bạn đọc học sinh, “bối cảnh đọc” có thể hiểu theo hai cấp độ: bối cảnh hẹp – được giới hạn trong phạm vi lớp học, trường học; và bối cảnh rộng, đó là toàn bộ môi trường văn hóa xã hội rộng lớn bên ngoài nhà trường. Ở đây chủ yếu bàn về bối cảnh hẹp – bối cảnh liên quan trực tiếp và chủ yếu trong các hoạt động ở môn Ngữ văn trong nhà trường, song không tách biệt với bối cảnh rộng. Bởi nói như Moje và các cộng sự [4], yếu tố để có thể giúp cho học sinh thực hành tốt nhất là cần phải suy nghĩ giống như một “nhà sinh thái học”, nghĩa là luôn nhấn mạnh đến cách thức mà đọc và viết liên quan đến cuộc sống xã hội. Với bối cảnh được giới hạn trong phạm vi nhà trường, có thể kể tới các nhân tố chính như: Nguồn văn bản đọc, cộng đồng đọc (gồm các bạn đọc trong lớp và giáo viên), các hoạt động đọc được tổ chức theo kế hoạch dạy học.

2.2.2. Vai trò của bối cảnh đọc với sự phát triển năng lực của học sinh

Nhìn từ mô hình đọc hiểu nói chung, bối cảnh có một tác động rất lớn tới sự “hiểu” văn bản của người đọc trong các hành động đọc. Nhìn từ lí thuyết nghiên cứu về năng lực theo cách tiếp cận chức năng, bối cảnh cũng là một yếu tố có vai trò quyết định. Theo cách tiếp cận này, năng lực được định nghĩa là “khả năng đáp ứng thành công những yêu cầu phức tạp trong một bối cảnh cụ thể thông qua việc huy động những tiền đề về mặt tâm lí xã hội (bao gồm cả khía cạnh nhận thức và phi nhận thức)” [5]. Như vậy, năng lực là một yếu tố năng động, có sự phụ thuộc chặt chẽ vào bối cảnh. Mỗi cá nhân con người không hoạt động trong “khoảng chân không” tách biệt với xã hội. Các hành động luôn luôn xảy ra trong một môi trường văn hóa xã hội nhất định. Việc đặt năng lực vào bối cảnh cần thiết rất phù hợp với lí thuyết học tập dựa vào tình huống cụ thể (situated learning theory), lí thuyết xem xét năng lực là không thể tách rời bối cảnh mà nó được phát triển và sử dụng. Với quan điểm đó, cấu trúc nội tại của năng lực được thể hiện qua hình 2.

Xin xem thêm trong: Kỷ yếu hội thảo Khoa học cán bộ trẻ các trường Đại học Sư phạm toàn quốc lần thứ VII – năm 2018

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020