Phương pháp

KÍ HIỆU HỌC VỚI HOẠT ĐỘNG ĐỌC VĂN CỦA HỌC SINH


19-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương – Đại học Sư phạm Hà Nội

Trong nhà trường phổ thông, kí hiệu học có thể đặt cơ sở lí thuyết cho hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản văn chương đảm bảo phù hợp với đặc thù của đối tượng tiếp nhận.

Trong nhà trường phổ thông, kí hiệu học có thể đặt cơ sở lí thuyết cho hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản văn chương đảm bảo phù hợp với đặc thù của đối tượng tiếp nhận.

Hoạt động đọc văn có đối tượng xác định là văn bản văn học mà “dấu hiệu vật chất” tồn tại cụ thể, cảm tính, thực hiện việc lưu giữ, bảo tồn, truyền đạt và sáng tạo thông tin thẩm mĩ trong không gian văn hóa của nó chính là ngôn ngữ nghệ thuật, một hệ thống giao tiếp đặc thù. Quả vậy, “là một dạng giao tiếp đại chúng, văn học nghệ thuật có ngôn ngữ riêng. “Có ngôn ngữ riêng” tức có riêng một tập hợp những đơn vị biểu nghĩa và luật lệ nào đó để nối kết chúng lại, cho phép truyền đạt một số thông tin nhất định” [8; 343]. “Văn học nghệ thuật nói bằng một ngôn ngữ đặc biệt, loại ngôn ngữ được kiến tạo chồng lên bên trên ngôn ngữ tự nhiên như một hệ thống thứ sinh (…) Nói văn học có ngôn ngữ riêng không trùng với ngôn ngữ tự nhiên, dẫu được kiến tạo trên ngôn ngữ ấy, tức là nói văn học có một hệ thống kí hiệu riêng, chỉ thuộc về nó và những quy tắc tổ chức các kí hiệu ấy để chuyển tải những thông tin đặc biệt, những thông tin không thể chuyển tải bằng phương tiện khác”[8; 344]. Thế nhưng, dưới góc độ tri giác cảm tính, người ta thường cảm nhận ngôn ngữ nghệ thuật của văn bản và ngôn ngữ tự nhiên là cùng một hệ thống, có khác chăng thì chỉ là trong tác phẩm văn học, có thêm vai trò lựa chọn, chưng cất qua bàn tay tài hoa của tác giả từ ngôn ngữ tự nhiên. Kí hiệu học đã thay đổi nhận thức này, đồng thời cho thấy việc tiếp nhận văn bản chẳng những không được phép thoát li ngôn ngữ nghệ thuật của nó, mà còn phải chú ý đến tính chất mã chồng lên mã, vượt qua được sự “cám dỗ” của mã ngôn ngữ tự nhiên đã được tự động hóa để thức nhận những tiềm năng sản sinh thông tin của hệ thống mã thứ sinh được kiến tạo lên trên hệ thống ban đầu. Người đọc cần phải ý thức mình đang đối diện với một văn bản nghệ thuật, một ngôn ngữ cần có sự “thương lượng” về mã để hiểu nhau, để ứng xử với đối tượng trước mặt anh ta như một văn bản nghệ thuật. Lí thuyết kí hiệu học như thế đã vạch ra mục tiêu nhất quán, tổng thể, xuyên suốt của hoạt động dạy đọc văn ở nhà trường phổ thông là dạy cho bạn đọc học sinh có khả năng giao tiếp với văn bản theo hệ thống mã kép, mã thứ sinh được kiến tạo. Đó cũng là điểm phân biệt giữa hoạt động đọc tự nhiên, tự phát theo lối trải nghiệm thử sai với việc đọc được giáo dục trong nhà trường. Chừng nào chưa thực sự bước vào cánh cửa ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù được kiến tạo trên những gì thân quen như bản năng ngôn ngữ, độc giả mới chỉ đạt ngưỡng ở trình độ đọc mà chưa thể vươn tới mức độ đọc văn.

Xin xem tiếp trong Tạp chí Giáo dục, số 419, kì 2 năm 2017

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020