Phương pháp

DẠY CÁCH ĐỌC VĂN – CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG Ở TRUNG HỌC


19-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương – Đại học Sư phạm Hà Nội

Tuy từng xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, song phải đến những năm 70 của thế kỉ XX, năng lực mới trở thành khái niệm được quan tâm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Tuy từng xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, song phải đến những năm 70 của thế kỉ XX, năng lực mới trở thành khái niệm được quan tâm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Đặc biệt, tới khoảng thập niên cuối của thế kỉ trước, khái niệm năng lực đã “dần trở thành một từ chìa khóa trong lĩnh vực khoa học giáo dục, vượt lên trên vị trí truyền thống của kiến thức và kĩ năng, trở thành yếu tố trung tâm của kết quả đầu ra được dự kiến” [2]. Phát triển năng lực cho học sinh là xu hướng chung của nền giáo dục thế giới bởi nhận thức về bối cảnh hậu hiện đại với vô vàn những biến động, bất ổn, những “hoài nghi”, “bất tín”, xu hướng toàn cầu hóa đang dần trở thành hiện thực có thể tạo cơ hội để tiếp cận với với các thành tựu khoa học cao, song cũng có thể đẩy các quốc gia kém phát triển vào tình trạng bất bình đẳng vĩnh viễn bởi những công cụ “nô dịch mềm dẻo”. Mỗi cá nhân cũng như mỗi tổ chức, quốc gia đều phải có khả năng đối mặt với các thách thức đó để tìm cơ hội cạnh tranh bình đẳng. Phát triển năng lực trở thành xu thế toàn cầu và tất yếu để có thể đào tạo được nguồn tài nguyên con người đủ khả năng biến kiến thức, kĩ năng học được trở thành khả năng thích ứng, khả năng tự phát triển. Cùng với đó, học cách học như một trọng tâm tư duy, một mối quan tâm thiết thực, hành dụng bên cạnh câu hỏi quen thuộc về việc dạy và học cái gì của nền giáo dục truyền thống càng ngày càng được quan tâm mạnh mẽ.

Nói riêng trong môn Ngữ văn, dạy và học cách học đã trở thành một phần quan trọng kiến tạo nên chương trình, các bộ chuẩn môn học của nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trong một dự án nghiên cứu công phu của hai tổ chức Hiệp hội Đọc Quốc tế và Hội đồng Giáo viên Tiếng Anh Quốc gia (Mĩ), các nhà nghiên cứu đã xác định “học cách học phải được xem là nền tảng như tất cả các nhân tố khác, thậm chí cần phải được hiểu rộng rãi hơn, như những kĩ năng cơ bản trong bộ môn Ngôn ngữ nghệ thuật tiếng Anh” [3].

Ở nước ta, câu hỏi về việc dạy cách học cho HS như thế nào để việc tiếp nhận TPVC thực sự trở nên có ý nghĩa, xứng đáng với vai trò của văn học trong việc đào tạo con người đã từng được trả lời trong các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đầu ngành, tiếp tục được đặt ra như một giải pháp cốt lõi cho việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đất nước trong nghị quyết TW khóa XI. Quan tâm đến vấn đề này từ góc nhìn của phương pháp dạy học,  chúng tôi cho rằng một trong những con đường để phát triển năng lực HS trong dạy học TPVC ở trường phổ thông là dạy người học cách đọc văn mà giải pháp cụ thể là xây dựng bộ tri thức công cụ và chuyển giao bộ tri thức này cho HS để họ có thể trở những độc giả độc lập, có khả năng tự đọc VBVC, nhờ hoạt động đọc văn mà chiếm lĩnh được các giá trị của văn học, hiểu bản thân và hiểu thế giới, phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ và các năng lực cốt lõi khác.

Xin xem thêm trong Tạp chí Khoa học- Khoa học Giáo dục, Volume 62, Issue 12, 2017

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020