Phương pháp

HƯỚNG DẪN SINH VIÊN VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH HỢP KIẾN THỨC TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT VỚI TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THCS


19-10-2020
Tác giả: Hà Thị Chuyên Giảng viên khoa Khoa học Xã hội - Nhânvăn - Trường Đại học Tân Trào

Tác phẩm văn chương là một sản phẩm tinh túy của nghệ thuật ngôn từ. Tư tưởng và hình tượng trong các tác phẩm văn chương được tác giả xây dựng từ năng lực vận dụng ngôn từ. Nếu không đi từ ngôn từ của tác phẩm thì ta sẽ không thể nào phân tích được chúng.

1. Đặt vấn đề

Tác phẩm văn chương là một sản phẩm tinh túy của nghệ thuật ngôn từ. Tư tưởng và hình tượng trong các tác phẩm văn chương được tác giả xây dựng từ năng lực vận dụng ngôn từ. Nếu không đi từ ngôn từ của tác phẩm thì ta sẽ không thể nào phân tích được chúng. Do vậy, dạy học Tiếng Việt nói chung và dạy học từ vựng nói riêng phải tích hợp với kiến thức tác phẩm văn chương. Việc tích hợp đó giúp cho học sinh vừa có thể nắm được kiến thức Tiếng Việt (cụ thể ở đây là kiến thức và kĩ năng sử dụng từ ngữ) vừa có thể linh hoạt trong việc cảm thụ tác phẩm văn chương.

Hiện nay, sinh viên các trường sư phạm sau khi hoàn thành các học phần về phương pháp dạy học Ngữ văn còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hành soạn bài. Đặc biệt là soạn những bài theo hướng tích hợp kiến thức từ vựng gắn với tác phẩm văn chương. Nhằm giúp sinh viên soạn giảng có hiệu quả chúng tôi đặt ra vấn đề tích hợp kiến thức từ vựng với tác phẩm văn chương trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở (THCS)

2. Giải quyết vấn đề

2.1  Khái niệm dạy tích hợp học

Theo từ điển tiếng Việt, tích hợp là “Lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ” [6, tr. 981].

“ Tích hợp là sự phối hợp những tri thức gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn, để chúng hỗ trợ và tác động vào nhau, phối hợp với nhau, nhằm tạo nên kết quả tổng hợp nhanh chóng và vững chắc”[3, tr. 35].

Mặc dù chưa thật sự thống nhất trong quan niệm về tích hợp, nhưng tựu chung lại tích hợp có được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau, các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó.

     Trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở chúng tôi nhận thấy có kiểu tích hợp sau :

     Tích hợp ngang: “Là tích hợp kiến thức tiếng Việt với các mảng kiến thức về văn học, thiên nhiên, con người và xã hội theo nguyên tắc đồng quy” [10, tr. 12].  Đó là kiểu tích hợp kiến thức của ba phần: Văn học - Tiếng Việt - Làm văn trong một bài học.

      Tích hợp dọc: “Là tích hợp ở một đơn vị kiến thức và kĩ năng với những kiến thức và kĩ năng đã học trước đó, theo nguyên tắc đồng tâm (còn gọi là đồng trục hay vòng tròn xoáy trôn ốc), cụ thể là: Kiến thức và kĩ năng của lớp trên bậc học trên bao hàm kiến thức và kĩ năng của lớp dưới, bậc học dưới, nhưng cao hơn, sâu hơn kiến thức và kĩ năng của lớp dưới, bậc học dưới” [ 10, tr. 13].

       Tích hợp đồng tâm: “Là tích hợp theo từng vấn đề, tích hợp ở một đơn vị kiến thức và kĩ năng mới với những kiến thức được học trước đó theo nguyên tắc đồng trục. Nói một cách tổng quát, việc giảng dạy theo nguyên tắc hàng ngang (tích hợp ngang) là cách tổ chức giảng dạy theo nguyên tắc đồng tâm (tích hợp đồng tâm) có nâng cao[ 3, tr. 39].

 Trong các kiểu tích hợp trên, các nhà biên soạn chương trình và sách giáo khoa đặc biệt lưu tâm đến kiểu tích hợp ngang, coi đây như là nguyên tắc chính để tổ chức nội dung giảng dạy.

2.2. Dạy học tích hợp giữa kiến thức từ vựng và tác phẩm văn  chương trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS

 Đối với chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS, việc tích hợp giữa kiến thức từ vựng và tác phẩm văn học được thể hiện qua việc lựa chọn ngữ liệu. Đó là những ngữ liệu được trích dẫn có tính điển hình cho những hiện tượng từ ngữ cần dạy.

Từ những ngữ liệu này, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể phát hiện các hiện tượng từ vựng, khai thác triệt để các đơn vị từ với các bình diện ngữ âm, ngữ nghĩa, tu từ để lí giải tư duy thẩm mĩ và sự hấp dẫn nghệ thuật của những yếu tố ngôn ngữ trong chức năng biểu hiện của tác phẩm văn học. Qua đó, học sinh được rèn luyện khả năng nhận diện các hiện tượng từ vựng. Đồng thời, năng lực sử dụng từ ngữ của các em cũng được nâng cao.

Sau đó học sinh có thể vận dụng kiến thức và kĩ năng sử dụng từ ngữ  để phát hiện và phân tích những sáng tạo, những cách sử dụng từ ngữ ở những văn bản tác phẩm khác. Đó có thể là những văn bản tác phẩm đã học hoặc sắp học.

2.3. Tổ chức dạy học tích hợp giữa kiến thức từ vựng và tác phẩm văn  chương trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS

2.3.1. Trình tự giáo án bài dạy học tích hợp kiến thức từ vựng và tác phẩm văn chương trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS.

Trong các giờ dạy học kiến thức từ vựng trong chương trình SGK Ngữ văn THCS, ngoài các ngữ liệu đã có sẵn trong sách giáo viên có thể chọn thêm ngữ liệu để giờ dạy thêm phong phú. Tuy nhiên, những ngữ liệu đó cần phải tiêu biểu, làm sáng tỏ các kiến thức cần dạy. Việc soạn giáo án cho bài học dạy học tích hợp kiến thức từ vựng với tác phẩm văn chương có thể được thực hiện theo trình tự sau :

+ Chọn các tác phẩm có sử dụng các hiện tượng từ vựng cần dạy có tính điển hình làm ngữ liệu. Dùng phương pháp phân tích ngôn ngữ, thông qua hệ thống đàm thoại, cùng với hệ thống câu hỏi phát vấn gắn liền với sự định hướng thao tác tư duy. Học sinh lĩnh hội các giá trị nội dung và nghệ thuật do các năng lực sử dụng từ ngữ  mang lại.

+ Giáo viên sử dụng hệ thống câu hỏi hướng dẫn học sinh tổng hợp, khái quát hóa, rút ra cơ chế chung của hiện tượng sử dụng từ ngữ. Phân tích giá trị của cách sử dụng từ ngữ đó. Từ đó các em có thể đánh giá được hiệu quả sử dụng từ ngữ thông qua các ngữ liệu văn chương. Bởi vậy các em sẽ không bị lúng túng khi sử dụng từ ngữ vào hoạt động giao tiếp.

+ Học sinh phân biệt sử dụng từ ngữ trong ngôn ngữ hàng ngày hoặc trong văn bản thuộc các phong cách khác nhau khi cùng biểu đạt một nội dung. Từ đó thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ. Cuối cùng là củng cố, khắc sâu sự khác nhau giữa ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ văn chương.

 2.3.2. Lựa chọn hình thức dạy học tích hợp kiến thức từ vựng trong tác phẩm văn chương

Có nhiều hình thức để tổ chức dạy học tích hợp kiến thức từ vựng và tác phẩm văn chương, trong đó phổ biến là các hình thức sau:

2.3.2.1. Hình thức lên lớp

“Hình thức bài lớp hay hình thức lên lớp là một hình thức tổ chức dạy học mà với hình thức đó, trong suốt một thời gian học tập được quy định một cách chính xác ở một địa điểm riêng biệt, giáo viên chỉ đạo hoạt động nhận thức có tính tập thể ổn định, với thành phần học sinh không đổi, đồng thời chú ý đến từng đặc điểm của từng học sinh, sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nắm vững tài liệu học tập một cách trực tiếp từ giáo viên, cũng như làm phát triển năng lực nhận thức và giáo dục của họ” [ 2, tr. 144].

Trong quá trình tổ chức luyện tập kiến thức từ vựng trên lớp, giáo viên chú ý tổ chức cho học sinh luyện tập từng kiểu bài tập, có thể tiến hành như sau:

- Giáo viên đưa ra hệ thống bài tập (bao gồm bài tập trong SGK và bài tập do giáo viên xây dựng) theo trình tự từ dễ đến khó sau đó:

+ Cho học sinh đọc lại bài tập để cả lớp nắm được nội dung bài tập.

+ Học sinh xác định yêu cầu và nhiệm vụ cần thực hiện.

+ Học sinh giải bài tập.

+ Yêu cầu học sinh nhận xét, phát biểu cách giải của mình (nếu có cách giải khác, kết quả khác).

- Giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả của học sinh. Với từng kiểu bài tập mới, giáo viên nêu tổng kết rút ra quy trình giải và kết hợp ôn lại, khắc sâu kiến thức từ vựng được ứng dụng. Nếu tiếp tục làm bài khác mà dạng như thế thì giáo viên chỉ cần nhận xét, đánh giá và bổ sung những điểm cần thiết .

2.3.2.2. Kết hợp giữa luyện tập ở lớp và luyện tập ở nhà

Ở mỗi tiết học tích hợp kiến thức từ vựng với tác phẩm văn chương, giáo viên cần yêu cầu học sinh phải có sự chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Đồng thời giáo viên cần cung cấp cho học sinh những phương pháp tự học phù hợp để hình thành cho các em năng lực và phẩm chất tự học.

2.3.2.3. Hình thức học tập theo nhóm

“Hình thức học tập theo nhóm tại lớp là hình thức học tập có sự kết hợp tính tập thể và tính cá nhân, mà trong đó học sinh trong nhóm dưới sự chỉ đạo của giáo viên trao đổi những ý tưởng, nguồn kiến thức với nhau, giúp đỡ, hợp tác với nhau trong việc lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo. Từng thành viên trong nhóm không chỉ có trách nhiệm với việc học tập của mình mà còn có trách nhiệm quan tâm tới việc học tập của các ban khác trong nhóm” [ 2, tr. 163- 164].

Ví dụ : Khi dạy bài “So sánh” SGK Ngữ văn 6 viên có thể chia lớp thành 2 nhóm để các em thi tìm các câu thơ, câu văn trong các tác phẩm văn chương có sử dụng biện pháp tư từ so sánh.

Vai trò chỉ đạo của giáo viên khi thực hiện hình thức học tập theo nhóm là rất quan trọng. Giáo viên phải bao quát được lớp, cần phải đi khắp các nhóm để theo dõi công việc. Nếu nhóm nào gặp khó khăn thì với tư cách chỉ đạo, giáo viên có thể tham gia thảo luận nhằm giúp các em giải quyết khó khăn đó. Đặc biệt, ở hình thức hoạt động này giáo viên cũng có điều kiện để quan tâm, chú ý nhiều hơn đến những học sinh yếu kém trong lớp so với điều kiện dạy toàn lớp.

3. Kết luận

Quan điểm tích hợp cần được hiểu toàn diện và phải được quán triệt trong toàn bộ môn học và tích hợp là điểm nổi bật nhất của chương trình và SGK Ngữ văn THCS. Nó chi phối toàn bộ quá trình dạy học Ngữ văn nói chung và từng nội dung trong các phần nói riêng. Với việc dạy tích hợp kiến thức từ vựng trong phần Tiếng Việt với các tác phẩm văn chương giáo viên sẽ làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn và dễ tiếp thu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Lê A - Nguyễn Quang Minh - Bùi Minh Toán(2001), Phương pháp dạy học Tiếng Việt, Nxb Giáo dục.

2.      Nguyễn Ngọc Bảo, Lí luận dạy học ở trường trung học cơ sở (2005), Nxb Đại học Sư phạm.

3.      Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002), Chương trình THCS  môn Ngữ văn, Nxb Giáo dục

4.      Nguyễn Văn Đường (2002), Tích hợp trong việc dạy học Ngữ văn bậc THCSTạp chí Giáo dụcsố 46.

5.      Nguyễn Thanh Hùng (3/2006), Tích hợp trong dạy học Ngữ văn”, Tạp chí nghiên cứu khoa học Giáo dục, số 6.

6.      Hoàng Phê (2004) (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng

7.             Nguyễn Cảnh Toàn (1996), Phương pháp dạy học tích cực: Bàn về “học” và “ nghiên cứu khoa học”, Tạp chí nghiên cứu giáo dục, số 9.

8.             Nguyễn Đức Tồn (2003), Mấy vấn đề về lí luận và phương pháp dạy - học từ ngữ Tiếng Việt trong nhà trường, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

9.             Nguyễn Thị Kim Thoa (2006), Về việc hình thành và phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học tiếng Việt, Tạp chí Giáo dục, số 141.

10.     Nguyễn Minh Thuyết (5 – 2006), Tích hợp trong dạy học tiếng Việt ở lớp 5Tạp chí: Khoa học Giáo dục, số 8.

11. Bùi Tất Tươm (chủ biên) (2003), Phương pháp dạy học môn Tiếng Việt THCS, Nxb GD.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020