Phương pháp

ĐƯA KÍ HIỆU HỌC VÀO MÔN ĐỌC VĂN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


19-10-2020
Tác giả: GS.TS. Trần Đình Sử - ĐHSPHN

Nền tảng lí thuyết để dạy học đọc hiểu trong nhà trường hiện nay là lí thuyết hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ lí luận văn học xô viết. Đó là con đẻ của lí thuyết phản ánh một thời. Ngày nay chúng ta đã thấy lí thuyết ấy có nhiều hạn chế và ngoài việc khẳng định văn học bắt nguồn từ đời sống xã hội ra, lí thuyết ấy ít có khả năng lí giải các vấn đề cốt tử của lí thuyết văn học và nghệ thuật. Nhiệm vụ bây giờ là muốn đổi mới phương pháp dạy học văn, chúng ta cần đổi mới cơ sở lí thuyết của nó, mà một trong cơ sở đó là đưa kí hiệu học vào môn đọc văn ở nhà trường.

Vì sao phải đưa kí hiệu học vào nhà trường? Vì phản ánh luận trước đây bài xích kí hiệu, dẫn đến có nhiều nhược điểm về lí thuyết nghệ thuật. Một là quan niệm văn học là sự phản ánh trực tiếp đời sống như thật. Xem nền tảng của sáng tác văn học là dựa hẳn vào các nguyên mẫu lấy thẳng từ cuộc sống, như Đinh Núp, Trần Thị Lý, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Đức Thuận, Phan Thị Ràng…Nhưng trong văn học, nguyên mẫu chỉ có ý nghĩa chất liệu, vai trò tưởng tượng, sáng tạo, khái quát, biểu hiện của nhà văn mang tính chất quyết định. Hai là đề cao các tác phẩm viết theo đề tài: công nhân, nông dân, phụ nữ, lãnh tụ, bộ đội, hoàn toàn mang tính chất xã hội học, gần với báo chí hơn là gần nghệ thuật. Ba là biểu dương các chi tiết ngồn ngộn lấy thẳng từ cuộc sống, đưa vào tác phẩm…hoàn toàn hiểu lầm câu nói của Các Mác về giá trị nhận thức của các chi tiết trong tiểu thuyết hiện thực mà ông đã đề cập. Bốn, hoạt động khái quát trong nghệ thuật được hiểu giống như hoạt động nhận thức trong khoa học, nghĩa là tước bỏ cái ngẫu nhiên, cá biệt, rút ra cái chung, cái quy luật phổ biến có tính xã hội học, rồi sáng tạo các điển hình xã hội: nông dân, địa chủ, tư sản, vô sản, tiểu tư sản, cách mạng, tiến bộ, phản động, dao động hay tuyệt đối tin tưởng vào tiền đồ cách mạng, kiên định lập trường… Các loại hình tượng đó thường công thức, ít hơi thở cuộc sống và thực tế ngày nay đã dần dần bị người đọc lãng quên.. Năm là phủ nhận vai trò của kí hiệu, biểu tượng, tượng trưng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Kết quả là văn học không khác gì báo chí, kí sự, mà lại không có giá trị như báo chí, không nhìn thấy đặc trưng văn học. Đặc trưng văn học được cho là phản ánh đời sống bằng hình tượng, tức là sự phản như thật cuộc sống và chiến đấu trong thực tế theo một quan điểm nhất định của cơ quan lãnh đạo, tức là đúng lập trường, xem nhẹ vài trò sáng tạo của cá tính nhà văn, mục đích của văn học là tuyên truyền, thực hiện tính đảng theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phân tich tác phẩm theo mô hình phản ánh đời sống đã trở thành khuôn mẫu xơ cứng không thể khác được trong dạy học văn. Hễ phân tích tác phẩm thì tìm cách quy nhân vật thành các hình tượng cuộc sống. Gặp các hình tượng phi hiện thưc chủ nghĩa thì hoặc khinh bỉ xem là loài nấm độc trên cây gỗ mục của xã hội tư sản, hoặc là buộc phải thừa nhận các cách giải thich hợp lí khác lạ, song như thế lại tạo ra mâu thuẫn với lí thuyết phản ánh, thiếu một sự nhất quán về lập trường.

Còn kí hiệu học thì sao? Đó là lí thuyết khoa học nhất hiện nay về văn hóa và về nghệ thuật. Văn hóa là hiện tượng được quan tâm và hiện có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Đối với vấn đề của chúng tôi định nghĩa sau đây là quan trọng nhất. Văn hóa là tổng thể thông tin phi di truyền và tất cả các phương thức tổ chức và lưu trữ thông tin đó. Ví dụ một công cụ lao động, trong khi có ích dụng thực tế, nó còn là yếu tố mang thông tin về quan hệ với tự nhiên, về phương thức lao động, cách thức hợp tác giữa người và người. Các thông tin  ấy là văn hóa. Trong qúa trình đó văn bản đủ loại là yếu tố có chức năng lưu truyền, giao tiếp, tàng trữ, đối thoại và sản sinh ý nghĩa, sáng tạo văn hóa. Văn bản sở dĩ làm được thế là nhờ hệ thống kí hiệu và các cơ chế hoạt động của nó. Kí hiệu học là khoa học hiện có nhiều định nghĩa, đối với chúng tôi, kí hiệu học là khoa học nghiên cứu bản chất, chức năng và các cơ chế hoạt động của các hệ thống kí hiệu. E. Cassirer định nghĩa con người là động vật biết sử dụng kí hiệu, một định nghĩa giàu gợi mở. Nếu khí quyển là lớp không khí bao quanh trái đất, sinh quyển là toàn bộ các điều kiện sống và lớp mô sự sống bao quanh trái đất, bao gồm các sinh vật từ thấp nhất đến cao nhất; trí quyển là khu vực hành tinh bị bao quát bởi hoạt động lí trí, tri nhận của con người, con người nhìn thế giới xung quanh qua cái màng tri thức của mình, thì kí hiệu quyển, theo Lotman là toàn bộ lớp màng đầy ắp các hệ thống kí hiệu, văn bản trong sự  tương tác, phiên dịch lẫn nhau, mà thiếu các quan hệ ấy các hệ thống kí hiệu không thể hoạt động được. Hệ quả của kí hiệu quyển là con người không còn nhìn thấy thế giới như nó vốn có, mà nhìn qua hệ thống kí hiệu. Các hệ thống kí hiệu đã kiến tạo nên một thế giới thông tin xung quanh con người. Khi chúng ta biết thế giới qua truyền thống, qua sách vở, qua văn kiện, qua truyền thông… thực tế là chúng ta chỉ biết thông tin về thế giới qua kí hiệu. Lịch sử cũng là sản phẩm sáng tạo của kí hiệu. Như thế nếu không nắm hệ thống kí hiệu con người chẳng những không hiểu văn hóa mà cũng không tham gia sáng tạo văn hóa được. Như vậy học tiếng Việt, học ngữ học, học văn học, học văn thực chất là học sử dụng kí hiệu, giải mã kí hiệu, biết qua kí hiệu mà nắm bắt thông tin, sáng tạo nghĩa, chiếm lĩnh văn hóa.

Điều đáng buồn là cho đến nay, những người dạy môn ngữ văn phần đông đều không hiểu như thế. Môn ngữ học, môn tiếng Việt và các môn học văn học trong các khoa ngữ văn chưa có mối liên hệ gắn bó. Các thầy cô dạy môn ngữ học chưa giúp ích nhiều cho học văn, mà ngược lại các thấy cô dạy văn cũng chưa thấy ngữ học và tiếng Việt thiết thân dối với công việc của mình, mặc dù ai cũng biết, ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ.

Tại sao như vậy?  Đó là vì ngữ học và Việt ngữ học cho đến nay chủ yếu dạy về ngôn ngữ tự nhiên (cụ thể là tiếng Việt), trong đó đơn vị ngôn ngữ lớn nhất được nghiên cứu là câu, trong lúc đó văn học là văn bản nghệ thuật. Sự khác biệt này được Ju. Lotman nêu như sau: “Các nghiên cứu kí hiệu học mới nhất” cho thấy rằng “Văn bản có chức năng thẩm mĩ là văn bản có dung lượng ngữ nghĩa cao hơn, chứ không phải thấp hơn so với các văn bản phi nghệ thuật.”  “Khi được giải mã theo các cơ chế thông thường của ngôn ngữ tự nhiên, văn bản mở ra một cấp độ ý nghĩa nhất định, nhưng vẫn không được mở ra đến tận cùng. Khi người nhận thông tin biết được rằng trước mặt anh ta là một thông báo nghệ thuật, anh ta lập tức sẽ tiếp cận nó theo một phương thức hoàn toàn khác. Văn bản trước mặt anh ta là văn bản được mã hóa hai lần (tối thiểu); mã hóa thứ nhất là hệ thống mã hóa của ngôn ngữ tự nhiên (ví dụ như, tiếng Nga).” “Trong điều kiện hoạt động thẩm mĩ, văn bản đòi hỏi phải có hiểu biết sơ bộ về cái mã kép này và sự không biết (đúng hơn là không biết đầy đủ) về cái mã thứ hai được vận dụng ở đây thì không hiểu được văn học.” “Chúng ta cần tiếp cận văn bản như là văn bản nghệ thuật, cho nên về căn bản mọi yếu tố, cho đến cả chữ viết sai trong văn bản cũng đều có thể có nghĩa. Khi đặt vào tác phẩm nghệ thuật cả một trật tự các mã bổ sung: mã thời đại, mã thể loại, mã phong cách, hoạt động trong tập thể toàn dân tộc hay một nhóm người hẹp hơn (cho đến các cá nhân), chúng ta thu được trong văn bản những tập hợp có nghĩa khác nhau nhất, và tất nhiên một trật tự phức tạp nhất các lớp nghĩa bổ sung so với văn bản phi nghệ thuật.”. Ý kiến của Lotman cho thấy nều chỉ học tốt một mình ngôn ngữ tự nhiên, chỉ học tốt tiếng Việt, tiếng Anh…, con người ít có khả năng hiểu được văn học. Muốn hiểu cả hệ thống mã kép chồng lên văn bản ngôn ngữ tự nhiên học sinh cần biết đến kí hiệu học.

   Kí hiệu là hiện tượng cụ thể cảm tính, tác động vào giác quan người và mang một thông tin nhất định. Để thực hiện được chức năng giao tiếp giữa người với người kí hiệu có tính quy ước, tính hệ thống, quy tắc biểu đạt. Ngôn ngữ tự nhiên là hệ thống kí hiệu hoàn thiện nhất của mỗi dân tộc. Trong thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên đã được tái mã hóa, phụ thuộc vào ngữ cảnh, trở thành những kí hiệu kép. Khi văn bản văn học nhắc đến bất cứ hiện tự nhiên nào của ngoại giới thì hiện tượng ấy cũng đã được mã hóa để mang một nghĩa khác với nghĩa từ điển. Ví dụ trong bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu ông viết: “Mẹ ơi lau nước mắt, Làng ta giặc chạy rồi, Tre làng ta lại mọc, Chuối vườn ta xanh chồi, Trâu ta ra bãi, ra đồi, Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa.” Mẹ đây không phải mẹ nhà thơ, không xác định là ai. Nước mắt là một biểu tượng đa nghĩa, có vui sướng, buồn vui, tủi cực dồn nén lâu ngày. Tre, chuối, trâu…là biểu tượng của cuộc sống mới được giải phóng. Khi trở thành văn bản văn học, cả ngôn ngữ lẫn hiện tượng được nói đến đều đã trở thành những kí hiệu đa mã. Theo nhận xét của nhà lí luận Mĩ J. Culler các đại tư tôi, anh, nó, chúng nó, chúng ta, các anh, đây, đó, kia…, các từ thời gian như nôm nay, hôm qua, ngày mai, đều đã tái mã hóa và không còn mang nghĩa như ta thường nói hàng ngày. Thế nhưng trong dạy học chúng ta hoặc chỉ quan tâm dạy học ngôn ngữ thuần túy, hoặc là phân tích hình tượng tách rời ngôn ngữ và hệ thống mã của văn bản. Vì thế, để dạy học văn có hiệu quả, cần thiết kết hợp dạy học ngôn ngữ với kí hiệu học trong nhà trường.

    Kí hiệu trong văn học là ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ này không khép kín như quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc một thời mà luôn giữ liên hệ với ngữ cảnh, với các hệ thống kí hiệu khác, với các văn bản có trước, luôn có khả năng phiên dịch qua lại với các hệ kí hiệu khác trong hệ thống văn hóa.

    Chúng tôi xin nói ngay để mọi người tránh hiểu lầm. Khái niệm ngôn ngữ học hay kí hiệu học trong nhà trường bao hàm hai nghĩa. Một là hệ thống quy tắc sử dụng ngôn ngữ và kí hiệu và hai là hệ thống siêu ngôn ngữ dùng để miêu tả ngôn ngữ và kí hiệu. Trong nhà trường, đối với học sinh, chúng ta chỉ dạy các quy tắc sử dụng ngôn ngữ, kí hiệu, mà không dạy siêu ngôn ngữ. Ví dụ, dạy học sinh học vần, chữ cái để đọc thông viết thạo, chứ không cần dạy phụ âm, nguyên âm làm gì. Cũng vậy, khi dạy đọc hiểu văn bản, chúng ta cần chú ý khám phá nội hàm kí hiệu, biểu tượng, chứ không dạy lí thuyết kí hiệu. Trong thực tế dạy học văn học, vấn đề này không mới, các giáo viên đã làm, nhưng chúng ta chưa ý thức vị trí của kí hiệu học trong dạy văn. Và để làm cho tốt, giáo viên cần có hiểu biết về kí hiệu học để vận dụng, chứ không cần dạy thêm kí hiệu học cho học trò, vì như vậy là phản sư phạm.

     Xét về lí thuyết dạy học, ngày nay dạy học phải thực hiện theo bốn phương châm : học để biết, học để làm, học để chung sống, học để sinh tồn và phát triển. Ngày xưa cha ông ta đã nói học đi đôi với hành, song chưa quan tâm đến học để chung sống và phát triển. Để dạy học có hiệu quả cần phải vận dụng tâm lí học tri nhận, trong đó con người cần phải học cách ghi nhớ. Ba loại hình ghi nhớ: ghi nhớ ngữ nghĩa, gắn với biểu tượng (cái gì, như thế nào), ghi nhớ có tính tự sự (ai làm gì, lúc nào, ở đâu), ghi nhớ có tính quá trình (cái gì trước, cái gì sau) của hoạt động. Các loại hình ấy đều gắn với cấu tạo của thi ca, tư sự, kịch, là các kiểu kiến tạo văn bản văn học.

Dạy đọc văn theo kí hiệu, chúng ta có thể không cần hướng dẫn học sinh tái hiện mọi chi riết của tác phẩm. Gáo viên chỉ lưu ý tập trung khai thác một số chi tiết kí hiệu có ý nghĩa then chốt, rồi tập trung phân tích lí giải các kí hiệu – biểu tượng đó, đưa đến sự hiểu bài văn. Sau đây xin lấy hai ví dụ phổ thông nhất.

     Trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuận Hương, có 8 câu mà đã dành 4 câu đầu để miêu tả tiếng gà, tiếng mõ, tiếng chuông.

   Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

   Oán hận trông ra khắp mọi chòm,

   Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

   Chuông sầu không gõ cớ sao om?

   Ba thứ tiếng ấy đều là tín hiệu thời gian, ngoài ý nghĩa báo sáng mà ai cũng biết, còn có ý nghĩa riêng mà tác giả đã mã hóa: Đó là tín hiệu buồn thảm của đời chủ thể trong thơ. Đó là điều khác thường. Vì sao vậy? Đọc tiếp bốn câu cuối chúng ta sẽ giải mã được:

   Trước nghe những tiếng thêm rầu rỉ,

   Sau giận vì duyên để mõm mòm.

   Tài tử văn nhân ai đó tá,

   Thân này đâu đã chịu già tom!

Thì ra âm thanh gợi ra nỗi buồn duyên phận chưa tới, tuổi trẻ phôi pha mà hạnh phúc chưa trọn, càng thêm bồn chồn, khắc khoải, càng không chịu cam phận. Vậy điều cần gợi ý cho học sinh phân tích ở đây chỉ là kí hiệu âm thanh. Học bài này chỉ cần nắm là kí hiệu âm thanh và ý nghĩa của nó là đủ. Dĩ nhiên, muốn hiểu nghĩa cũng cần xét ngữ cảnh của bài thơ, trong và ngoài bài thơ, nhưng tất cả đều liên hệ qua kí hiệu.

   Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, tuy là thuộc loại truyện ngắn dài, một hệ thống kí hiệu phong phú, song rút lại chỉ có ba kí hiệu tự sự chủ yếu. 1. Một là tiếng chửi. Tiếng chửi của Chí Phèo thực ra là tiếng rủa, nó bào hiệu sự mâu thuẩn giữa Chí và cuộc đời hiện tại của hắn đã lên đến cực điểm, đòi hỏi phải thay đổi, một mất một còn. 2. Tình huống đó nảy sinh hai khả năng giải quyết: một là  làm hòa với cuộc đời và hai là một mất một còn. Cuộc gặp Thị Nở ngẩu nhiên trong cơn say mở ra một viến cảnh mới, làm hòa với cuộc đời. Cuộc làm tình và cơn cảm gió nôn thốc tháo là biểu tượng của sự thay đổi, lột xác. Nó làm cho Chí mất đi sự hung hăng và có cơ hội tỉnh trí nghĩ lại cuộc đời mình. Nhưng bà cô của Thị Nở đã về, khả năng ấy bị khép lại. Chỉ còn một khả năng một sống một chết phát triển cho đến kết. 3. Hành động đi đòi lương thiện của Chí là một biểu tượng lớn. Chí Phèo đã giết Bá Kiến và tự sát. Hành động này được miêu tả rất thú vị. Thoạt đầu Chí định trả thù Thị Nở, nhưng đôi chân thì đưa hắn đế nhà bá Kiến. Ý định trả thù biến thành đòi hỏi lương thiện. Khi bá Kiến giễu Chí, Chí đã kịp tố cáo bá Kiến và giết hắn rồi tự sát. Kẻ gây tội ác và nạn nhân đồng quy ư tận.

Trong tác phẩm này, tiếng chửi là một biểu tượng quan trọng, cần phải cho học sinh thảo luận. Không ít giáo viên chưa hiểu đúng nội dung của nó. Có người hiểu là “chửi đổng”, nghĩa là chửi lung tung, không có đối tượng. Có ngươi hiểu tiếng chửi gắn với cơn say, tiếng chửi của thằng say, do uống rượu say. Có thể là chưa hiểu rõ cái nghĩa mà nhà văn đã tái mã hóa trong đó. Thực ra toàn bộ phần tiếp theo nhằm lí giải tiếng chửi ấy. Ước mơ có gia đình và sự tan vỡ của nó cũng là một biểu tượng. Tại sao lại tan vỡ, đó cũng là một câu hỏi cần được học sinh thảo luận, vì ở đây nhà văn đã tái mã hóa. Có người hiểu rằng, Chí bị xã hội cự tuyệt làm người, vì hắn không xứng làm người! Đó là một cách hiểu nông nổi. Làm người lương thiện là một điều thiện, từ chối nó có nghĩa là bất thiện. Vậy chỉ có xã hội bất thiện, chứ Chí không bất thiện. Chỉ có xã hội không xứng với con người, chứ không phải ngược lại. Cuộc làm tình và cơn ốm cũng là biểu tượng mà chưa được khai thác. Người ta thích biểu tượng bát cháo hành. Đó chỉ là một trong chuỗi biểu tượng về cuộc thay đổi. Có thể coi đó là biểu tượng dễ khai thác đối với học sinh. Cuộc đi đòi lương thiện với Bá Kiến là một biểu tượng cực kì quan trọng. Người ta chỉ nghĩ Chí đến xin tiền, xin rượu, có ai hay Chí đến đòi lương thiện ở một tên ác bá khét tiếng? Nhưng đó không hề là sự ngẫu nhiên. Đó là bất ngờ lớn nhất của tác phẩm, là sự mã hóa của nhà văn, làm nổi bật chủ đề.  Nó tố cáo xã hội không chỉ biến Chí thành con quỷ dữ, mà đồng thời cũng khép chặt cánh cửa không cho Chí được trở lại làm người lương thiện. Theo tôi, đó mới là tư tưởng đích thực của tác phẩm này. Truyện Chí Phèo rất dài và lắm chi tiết. Đối với học sinh trung học, nếu ta biết nắm lấy ba kí hiệu tự sự là có thể giúp học sinh đi sâu thảo luận ý nghĩa của văn bản tác phẩm.   

Một vài ví dụ cho thấy tiềm năng của cách tiếp cận kí hiệu học trong nhà trường rất còn rất lớn. Để đưa được kí hiệu học vào nhà trường, chúng ta còn có nhiều việc phải làm. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ mới hé lộ đôi nét, để sẽ còn bàn tiếp về sau. Nhưng qua ví dụ trên, giáo viên khi dạy đọc hiểu cần nắm bắt trúng các kí hiệu chủ chốt của văn bản. Cách dạy cũ cứ thích tìm chủ đề, rồi bố cục, rồi phân tích nhân vật, rồi tính điển hình xã hội, rồi nguyên mẫu, rồi thì tìm hiểu nghệ thuật, rất dài dòng và mất thì giờ, mà học sinh chưa chắc đã nắm bắt được sâu sắc ý nghĩa của văn bản. Cần thấy rằng nhân vật cũng chỉ là kí hiệu, mỗi nhân vật đóng vai trò nhất định trong hệ thống nghệ thuật, chứ riêng nó chẳng phản ánh hiện thực nào. Vậy hãy nhìn văn bản như một hệ thống kí hiệu, nắm lấy kí hiệu biểu nghĩa của nó, giúp học sinh tìm nghĩa của chúng là đạt kết quả đọc hiểu. Liên quan đến phương hướng này có vấn đề nêu câu hỏi, bài tập trắc nghiệm. Loại hỏi trắc nghiệm vụn vặt, khô cứng ít có tác dụng nâng cao năng lực học sinh. Câu hỏi tìm hiểu bài nên xoáy sâu vào các biểu tượng, kí hiệu và nội dung của nó. Tôi tin rằng đưa kí hiệu học vào nhà trương trong môn đọc văn sẽ làm thay đổi phương pháp dạy học hiện hành. Để làm được việc này, nên tổ chức dạy môn kí hiệu học văn học ở đại học cho tốt, mà trước hết, cần có một giáo trình tốt.

4- 11 – 2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020