Phương pháp

BÀN THÊM VỀ VĂN BẢN VÀ CÁCH HIỂU HAI THI PHẨM CỦA TẢ TƯỚNG NGUYỄN NGHIỄM (Ở MIẾU QUAN THÁNH – HỘI AN)


19-10-2020
Tác giả: NCS. Võ Vinh Quang NCS Hán Nôm tại Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế

Tả tướng Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là vị tể tướng đầy danh vọng, tài đức vẹn toàn, phẩm giá cao khiết của chính triều Lê Trịnh thế kỷ XVIII và cũng chính là bậc thân sinh của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Dẫn đề:

Tả tướng Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là vị tể tướng đầy danh vọng, tài đức vẹn toàn, phẩm giá cao khiết của chính triều Lê Trịnh thế kỷ XVIII và cũng chính là bậc thân sinh của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ông tên tự Hy Tư 希思, hiệu Nghị Hiên 毅軒, húy Nghiễm 儼, biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ 鴻魚居士... Nguyễn Nghiễm không những là bậc danh hiền vẹn toàn văn võ, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Lê Trịnh và dần thăng đến cực phẩm: Đại Tư đồNhập thị Tham tụng, một mình đứng đầu hai ban văn võ hơn 10 năm (1761-1771), mà còn là bậc phu tử xuất chúng đương thời, đóng góp công lao to lớn trong việc giáo dục và đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước... Và trên hết, cuộc đời của Nghị Hiên công chính là một tấm gương sáng về lòng trung nghĩa, về đạo quân thần.

Trong các thi phẩm của Xuân quận công, những bài thơ khắc gỗ “Sư để Hội An phố, đề Quan phu tử miếu” và “Quan phu tử miếu tán” hiện đặt ở Bái đường miếu Quan Thánh (Chùa Ông – Hội An) có vị trí khá quan trọng đối với sự nghiệp lập ngôn của Hy Tư công. Các tác phẩm đấy còn góp phần bộc bạch tâm tình ẩn chứa đạo trung nghĩa của bậc danh thần – Nhập thị Kinh Diên Nguyễn Nghiễm thông qua lời thơ tán tụng công đức Quan Phu tử. Mặt khác, các bản gỗ đề thơ của Tả tướng Nguyễn Nghiễm và Uông Sĩ Điển, Nguyễn Lệnh Tân vào tiết Đoan Dương năm Ất Mùi 1775 ở đây cũng chỉnh là một trong những cơ sở để đánh giá lại vai trò, tác động của đạo quân Lê Trịnh đối với sự chuyển biến lịch sử của vùng đất Hội An – nơi vốn là thương cảng quốc tế sầm uất ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn.

Vì thế, việc hiểu đúng, dịch đúng và cảm thụ chuẩn xác văn bản thơ, theo chúng tôi là rất cần thiết để góp phần minh giải về sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Nghiễm nói riêng, về tình trạng lịch sử xã hội đương thời nói chung.

Bàn thêm về văn bản và cách hiểu hai thi phẩm của Tả tướng Nguyễn Nghiễm ở miếu Quan Thánh

Sau trận chiến Cẩm Sa nổi tiếng, khiến cho quân Tây Sơn_Nguyễn Nhạc cùng bọn Tập Đình hầu (người Thanh_ Trung Hoa) đại bại, một lượng lớn quân số Tây Sơn bị bắt, còn lại thì chạy thoát thân vào cuối tháng 4 (âm lịch) năm Ất Mùi (1775): “... Dư đảng tan vỡ tháo chạy! Tranh nhau vượt qua cầu nổi, chúng chết đuối nhiều vô số kể, Tập Đình xuống thuyền chạy ra cửa biển Đại Chiêm. Nguyễn Nhạc trông về phía Quảng Ngãi chạy[1]. Sau khi quét sạch quân Tây Sơn, quan quân Lê Trịnh do chủ soái Hoàng Ngũ Phúc lãnh đạo đã tiếp quản vùng đất Thăng Hoa, Điện Bàn. Để phủ dụ nhân tình, Thống tướng Việp công Hoàng Ngũ Phúc cùng Tả tướng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đã tiến hành công cuộc an dân, khiến cho dân chúng  ở “các địa phương Thanh Hoa, Điện Bàn trải qua Tây Sơn làm cho đời sống nguy nan, điêu linh, đói khổ phải li tán. Việp công phải phân ủy tướng hiệu chiêu hồi phủ dụ những dân rời bỏ quê hương đi xa trở về. Cấm cướp bóc ở 2 huyện, 11 phủ. Được dân chúng vô cùng vui vẻ[2]

Cũng trong đợt này, Tả tướng Nguyễn Nghiễm cùng các tùy tướng là Uông Sĩ Điển và Nguyễn Lệnh Tân đã trực tiếp đến viếng thăm ngôi miếu Quan Công (Chùa Ông), và cùng họa thơ khắc vào biển gỗ để lưu dấu tích.

Thời gian qua, các bài thơ khắc gỗ của ba vị danh hiền triều Lê Trịnh ấy đã được khá nhiều bậc thức giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài Hội An tổ chức phiên dịch, tìm hiểu như Phạm Thúc Hồng[3], TS. Nguyễn Xuân Diện[4]. Và đặc biệt là các bài viết trên các báo, chí của ông Trà Sơn Phạm Quang Ái (PQA) như “Nguyễn Nghiễm và những trước tác chữ Hán tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An[5] và nhất là bài nghiên cứu “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”[6] ở Tạp chí Hán Nôm số 4 (107) năm 2011. Ở bài viết đăng trên tạp chí Hán Nôm này, PQA đã công bố những hiệu chỉnh về các sai sót về từ vựng, ý tứ của các dịch giả Nguyễn Xuân Diện, Phạm Thúc Hồng, Tống Quốc Hưng... để từ đó cung cấp lại cho người đọc các văn bản thơ được ông cho là nguyên toàn nhất.

Không thể phủ nhận công lao của nhà nghiên cứu PQA khi đã nỗ lực đối sánh và hiệu chỉnh văn bản thơ khắc gỗ trên rất đáng trân trọng. Điển hình như việc ông chỉ ra sự nhầm lẫn của tác giả Phạm Thúc Hồng khi đọc bài tán “Quan Phu tử miếu tán”. Tác giả viết rằng: “Cụ thể như bài tán gồm 24 câu/dòng được viết thành 12 hàng, mỗi hàng 2 câu/dòng. Trong hàng, dòng trên cách dòng dưới đều đặn một khoảng bằng một chữ tạo thành hai mảng chữ tách biệt nên ông Phạm Thúc Hồng đã nhầm tưởng là bài tán được cắt ra làm hai nửa và khắc từ trên xuống dưới thành hai phần. Do đó, ông đã đọc và phiên phần trên rồi mới đến phần dưới. Cũng vì thế mà phần dịch thơ/ nghĩa bài tán của ông mất cả mạch lạc, nhiều chỗ tối nghĩa[7]. Từ đó, PQA đã trình bày lại theo đúng dòng mạch của bài thơ tán tụng ấy.

Tuy nhiên, khi hiệu chỉnh tác phẩm, tác giả lại cung cấp một số từ ngữ, câu văn và phần dịch thuật không chuẩn xác so với nguyên tác. Đặc biệt, ở phần dịch nghĩa, tác giả lại chép theo dịch nghĩa của TS. Nguyễn Xuân Diện, song lại không chú thích cụ thể, rõ ràng các điển tích điển cố hiện có ở những thi phẩm trên.

Trước tiên, chúng tôi xin đề cập một số nhầm lẫn của ông PQA khi hiệu chỉnh các tác phẩm này.

Tại bài viết ở Tạp chí Hán Nôm, phần “1. Nội dung tác phẩm”, tác giả họ Phạm đã nhầm lẫn ngay ở chữ “Phố” của dòng tiêu đề (nguyên tác Hán văn). Ông viết: “師抵會安, 題關夫子廟”[8]. Khi đối chiếu với bản khắc gỗ, chúng tôi thấy chữ “Phố”  (bộ nghiễm 广 phía trên + phủ 甫 phía dưới) (Ảnh 1).

Đến phần kết thúc bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật trên, ông PQA quên chữ “Thời”  trước dòng niên hiệu Cảnh Hưng 36. Chính xác ở đây phải là: 景興三十六年乙未端陽節... (Thời: Cảnh Hưng tam thập lục niên Ất Mùi Đoan Dương tiết) (Ảnh 2)

     

Ảnh 1                              Ảnh 2             Ảnh 3                        Ảnh 4

Tiếp theo, ở phần Hán văn bài “Quan Phu tử miếu tán” 關夫子廟讚, ông PQA nhìn nhầm chữ “Đào” 𣑯 (dị thể của chữ “đào”桃) thành chữ “”  (Ảnh 3), rồi đi đến “khảo dị [3]” rằng: “[3]. Nguyên văn là chữ tú 秀 (bộ hòa ) với nét nghĩa là: đẹp nhưng tác giả bản b lại đọc/phiên là đào. Chắc là tác giả bị ảnh hưởng tích Đào viên kết nghĩa nên mới đọc nhầm chữ tú  thành chữ đào  (bộ mộc ) với nghĩa là: cây đào[9]. Nhầm lẫn này dù khá nhỏ, song lại tác động khá lớn đến nhận thức của người đọc và làm sai lệch tính nguyên toàn của văn bản.

Ở câu 16 của bài “Quan Phu tử miếu tán”, tác giả PQA lại đọc là “Thóa thủ trùng khôi” 唾手重恢  rồi dịch thành Nhổ nước bọt? xoa tay là khôi phục được”. Đối chiếu với nguyên tác, chúng tôi thấy rõ ràng đấy là: “Thùy thủ trùng khôi” 手重恢 (Ảnh 4).

Thùy thủ 垂手 là cụm từ viết tắt của “thùy thủ hạ tất” 垂手下膝, nghĩa là: “tay dài xuống tận đầu gối”. Cụm từ này biểu trưng cho hình dáng của Lưu tiên chúa 劉先主 (tức Lưu Bị 劉備). Sách Tam Quốc Chí三國志, thiên Thục chí 蜀志, Tiên chúa truyện 先主傳 (truyện Lưu Bị) tả về dáng mạo của Lưu Bị nhà Thục Hán rằng: “[tiên chúa] thân trường thất xích ngũ thốn, thùy thủ hạ tất, cố tự kỳ nhĩ”  [先主]身长七尺五寸垂手下膝顾自见其耳 (nghĩa là: Lưu Tiên chúa [Lưu Bị] thân hình dài 7 thước 5 tấc, tay dài xuống tận đầu gối, mắt nhìn thấy được tai mình). Từ đó, “thùy thủ” 垂手 được dùng để chỉ dáng mạo của Lưu Bị, và cũng để phiếm chỉ về Lưu Bị - Tiên chúa nhà Thục Hán. Cho nên, “Thùy thủ trùng khôi” 垂手重恢 có ý nghĩa khái quát là Thục Hán đế Lưu Bị khôi phục lại nhà Hán.

Việc nhầm lẫn “Thùy”  (không có bộ khẩu) với “Thóa” 唾 (có bộ khẩu ở trước) đã khiến cho tứ thơ và ý nghĩa câu thơ trở sai lệch nghiêm trọng, nhất là tạo nên câu thơ thiếu thanh nhã và mực thước.

Tiếp theo, chúng tôi xin trao đổi về cách hiểu văn bản thơ của hai bài thơ do Nguyễn Nghiễm sáng tác. Thứ nhất, ở bài “Sư để Hội An phố, đề Quan Phu tử miếu” 師抵會安庯 題關夫子廟, ông PQA chép lại phần dịch nghĩa của TS. Nguyễn Xuân Diện mà không tìm hiểu, đối chiếu, nghiên cứu cụ thể ý tứ của văn bản, nên không thể hiện rõ sự nắm vững tình ý và điển tích, điển cố trong bài.

Ví như, khi phiên âm câu thơ đầu tiên, TS. Diện viết là “Niết ngột Viêm đồ khảng khái thân” 臲卼炎圖慷慨身 (viết hoa chữ “Viêm”炎). Bởi “Viêm” ở đây chỉ Viêm đế Thần Nông thị 炎帝神農氏. Cho nên, “Viêm đồ”炎圖 dùng để chỉ “Cơ đồ của Viêm đế Thần Nông炎帝神農.

Người tộc Hán tự coi mình là con cháu của Thần Nông Viêm đế 神農炎帝 và Hiên Viên Hoàng đế 軒轅黃帝 (tức họ tự gọi mình là Viêm Hoàng tử tôn 炎黃子孫), thế nên Viêm đồ炎圖 dùng để chỉ cơ đồ chính thống của nhà HánViêm đồ炎圖 cũng đồng nghĩa với Viêm tộ 炎祚 (chúng ta sẽ thấy chữ Viêm tộ ở bài “Quan Phu tử miếu tán”) tức chỉ sự nghiệp đế vương chính thống của Lưu Bị_ hậu duệ của Hán tộc.

Câu cuối cùng là “Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần” 匪直巍然海上神: tác giả PQA chép y bản dịch trong bài của TS. Nguyễn Xuân Diện là “Vòi vọi nguy nga như vị thần trên biển”[10].

Thế nhưng, xét về ngôn từ lẫn ý thơ, chúng ta sẽ thấy rõ rằng từ câu đầu tiên cho đến hết câu thứ 7 của bài Thất ngôn bát cú luật Đường này không hề nói gì đến dấu hiện “nguy nga” hiển linh trên biển của Quan Công. Vậy tại sao câu cuối lại “lạc điệu” như thế?

Thực tế, các tác giả có phần nhầm lẫn đối với ý nghĩa của hai từ “Phỉ trực” 匪直. Ý nghĩa cụ thể của Phỉ trực匪直 phải là: “không chỉ, không hẳn, không riêng gì”. Tác giả Lịch Đạo Nguyên 酈道元 triều Bắc Ngụy 北魏 trong sách Thủy kinh chú 水經註, mục Khấu thủy 滱水 có nói rằng: “phỉ trực bồ duẩn thị phong, thực diệc thiên nhiêu lăng ngẫu” 匪直蒲筍是豐實亦偏饒菱藕 nghĩa là: không chỉ cỏ bồ, măng tre mới tươi tốt mà thực ra cũng thiên nhiều về sự phồn phụ ở củ ấu, ngó sen.

Vậy nên, câu “Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụngPhỉ trực nguy nhiên hải thượng thần” 至今萬國同瞻奉, 匪直巍然海上神 ở đây nên được hiểu là: “Đến nay, Sự chiêm bái của nhân dân khắp vạn ngàn đất nước [đối với đức hạnh và sự linh thiêng của Quan Phu tử] Đâu chỉ riêng bởi [ngài hiện thân] ở sự uy nghi vòi vọi của vị thần trên biển!”. Có nghĩa, nhân dân khắp nơi thờ phụng, chiêm bái Quan Phu tử không chỉ vì ngài là vị thượng thần hiển linh trên biển, mà chính còn bởi ngài là hiện thân của tấm lòng trung thành, chính nghĩa, của đức độ cao vời của vị thánh được tôn vinh là bậc thầy (phu tử) muôn đời.

Ở bài “Quan Phu tử miếu tán” 關夫子廟讚, ông PQA dường như không hiểu ý thơ, vậy nên bản dịch nghĩa chẳng bộc lộ được ý nghĩa và giá trị sâu sắc từ nguyên tác.

Bên cạnh đó, tại nhiều câu thơ, tác giả họ Phạm lại diễn dịch theo suy nghĩ của mình mà tách rời khỏi dòng mạch văn bản, khiến cho phần diễn đạt thiếu chuẩn xác.

Chẳng hạn: “Phỉ trực dã dũng, Phỉ trực dã trí. Trung nghĩa lưu quang, Thiên thu ngưỡng chỉ” 匪直也勇匪直也智忠義流光千秋仰止 được ông dịch là:Chính trực là dũng, Chính trực là trí, Trung nghĩa mãi sáng tỏ, Nghìn thu không ngớt được ngưỡng mộ”.

Thực tế, như trên đã đề cập, “phỉ trực” 匪直 có nghĩa là không chỉ, không hẳn. Vậy nên, đoạn này nên dịch là: “[Quan Phu tử] Đâu chỉ riêng dũng mãnh; Đâu chỉ riêng trí tuệ; [Mà] trung - nghĩa sáng soi, Cho đến ngàn năm sau [người người] đều ngưỡng vọng

Do dung lượng của bài nghiên cứu, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến các vấn đề chính yếu của văn bản thơ khắc gỗ này trên cơ sở đôi dòng khảo biện về những nhầm lẫn của các bản dịch trước đây. Việc minh giải cụ thể trên mọi phương diện của các thi phẩm ấy (gồm vấn đề văn bản học, các giá trị về nội dung, hình thức văn bản...) chúng tôi xin được bổ khuyết ở những công trình nghiên cứu tiếp theo.

Hán văn, phiên âm dịch nghĩa hai bài thơ khắc gỗ của Nguyễn Nghiễm.

Sở dĩ chúng tôi cần thiết phải tập trung luận bàn về các bản dịch trước đây về các thi phẩm này để nhằm mục đích cuổi cùng là trả lại những giá trị chân thực, nguyên toàn nhất cho các bài thơ đầy ý vị, sâu sắc này. Bởi vậy, sau khi có các phần trao đổi ở trên, người viết xin được cung cấp nguyên vẹn hai bài thơ của Nguyễn Nghiễm ở miếu Quan Thánh (gồm nguyên tác Hán văn, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích điển tích điển cố...) ở phần dưới đây.

Bài thơ “Sư để Hội An phố, đề Quan Phu tử miếu”

Hán văn                         師抵會安庯 題關夫子廟

臲卼炎圖慷慨身

桃園兄弟即君臣

直相忠義師千古

無論英雄敵萬人

心上高光還一统

目中吳魏失三分

至今萬國同瞻奉

匪直巍然海上神

時景興三十六年乙未端陽節賜辛亥科進士特進金紫荣禄大夫奉差左将軍入侍参從户部尚書知東閣兼知中書監國史總裁大司徒致仕起復中捷軍營春郡公阮儼希思甫書

 

Phiên âm:                      Sư để Hội An phố đề Quan phu tử miếu

Niết ngột[11] Viêm đồ[12] khảng khái thân

Đào viên huynh đệ tức quân thần

Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ

Vô luận anh hùng địch vạn nhân

Tâm thượng[13] Cao - Quang[14] hoàn nhất thống

Mục trung Ngô - Ngụy[15] thất tam phân

Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng

Phỉ trực[16] nguy nhiên[17] hải thượng thần

Thời: Cảnh Hưng tam thập lục niên Ất Mùi đoan dương tiết;

Tứ Tân Hợi khoa Tiến sĩ Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu phụng sai Tả tướng quân Nhập thị Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, Tri Đông Các kiêm Tri Trung Thư giám, Quốc sử Tổng tài, Đại Tư đồ trí sĩ khởi phục, Trung Tiệp quân doanh Xuân quận công Nguyễn Nghiễm Hy Tư phủ thư.

Dịch nghĩa:      

Quân đến phố Hội An, đề thơ ở miếu Quan Phu tử

Cơ nghiệp nhà Hán lung lay, [ngài] hăng hái dốc thân mình [phò tá]

Chốn vườn đào kết nghĩa: [tình] anh em tức là [lễ] vua tôi

Đạo lý trung trinh, nghĩa khí chính trực sáng ngời của ngài xứng đáng là bậc thầy muôn đời rồi

Đâu cần phải bàn về chuyện anh hùng đối địch với vạn người!

Tận đáy lòng hướng đến hoàn thành sự nhất thống giang sơn như vua Cao tổ, Quang Vũ nhà Hán

Nên trong mắt [ngài], Đông Ngô, Bắc Ngụy không thể khiến [đất nước] chia ba được.

Đến nay, ngàn vạn quốc gia cùng chiêm bái, thờ phụng

Đâu chỉ riêng [vì ngài hiển linh] ở sự uy nghi vòi vọi của vị thần trên biển!

Vào tiết Đoan dương (mồng 5 tháng 5) năm Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 [1775]

Ân tứ Tiến sĩ khoa Tân Hợi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, phụng mệnh giữ chức Tả tướng quân, Nhập thị Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, Tri Đông Các kiêm Tri Trung Thư giám, Quốc sử Tổng tài, Đại Tư đồ trí sĩ được khởi phục, Trung Tiệp quân doanh Xuân quận công Nguyễn Nghiễm Hy Tư phủ đề thơ.

Dịch thơ:            Quân đến phố Hội An, đề thơ ở miếu Quan Phu tử

Hán nghiệp lung lay, quyết dốc lòng

Vườn đào huynh đệ, đạo thủy chung

Trung nghĩa sáng ngời, thầy thiên cổ

Bàn chi đánh dẹp mới anh hùng

Thống nhất sơn hà noi tiên tổ

Ngô Ngụy chia lìa chẳng thể xong

Đến nay, vạn quốc cùng thờ phụng

Há chỉ linh thần chốn biển đông.

Bài tán “Quan Phu tử miếu tán”

 Hán văn:                              關夫子廟讚

(1)天眷西顧

篤生神武

炎祚式微

匪躬之故

(2)桃園一敘

兄弟君臣

左周右旋

歷坎履屯

(3)北魏東吳

三分鼎足

匹馬單刀

帝漢於蜀

(4)赤精一線

冲漠可回

高光舊物

垂手重恢

(5)匪直也勇

匪直也智

忠義流光

千秋仰止

(6)閟宮有侐[18]

遺象有嚴

默扶我越

赫赫炎炎

景興乙未之夏.        左將軍鴻魚居士題

Phiên âm:                              Quan Phu tử miếu tán

Thiên quyến Tây cố[19]

Đốc sinh thần Vũ[20]

Viêm tộ[21] thức vi[22]

Phỉ cung chi cố[23]

Đào viên nhất tự[24]

Huynh đệ quân thần

Tả chu hữu toàn

Lịch khảm lý truân[25]

Bắc Ngụy Đông Ngô

Tam phân đỉnh túc[26]

Thất mã đơn đao[27]

Đế Hán ư Thục[28]

Xích tinh[29] nhất tuyến

Xung mạc[30] khả hồi

Cao Quang[31] cựu vật[32]

Thùy thủ trùng khôi

Phỉ trực dã dũng

Phỉ trực dã trí

Trung nghĩa lưu quang

Thiên thu ngưỡng chỉ[33]

Bí cung hữu hức[34]

Di tượng hữu nghiêm

Mặc phù ngã Việt

Hách hách viêm viêm[35]./.

 

         

Cảnh Hưng Ất Mùi chi hạ, Tả Tướng quân Hồng Ngư cư sĩ đề

Dịch nghĩa:                   Bài tán tụng ở miếu Quan Phu tử

Trời đoái trông [Chu Thái vương] về miền Tây

Trọng hậu sinh thành [Chu] Vũ vương

Cơ đồ Viêm đế (Thần Nông) suy vi

Bậc huân thần [Quan Vũ] vì nước quên thân mình

Vườn Đào cùng hội tụ

Anh em là vua tôi

[Dốc sức khôi phục nhà Hán] Nhất mực chu toàn

Trải khắp sự gian khó hiểm nguy

[Cùng với] Bắc Ngụy (Tào Tháo), Đông Ngô (Tôn Quyền)

Tạo thế chân vạc chia ba

Một ngựa [xích thố], một đao [thanh long yển nguyệt]

[Tôn phò] Vua nhà Hán ở đất Ba Thục (tức chỉ Lưu Bị)

Nhất mực liền nối thần khí của dòng dõi thần chủ phương Nam (chỉ Viêm đế)

Mặc nhiên, yên ắng, có thể phục hồi [được cơ đồ Hán tộc].

Cơ nghiệp của Hán Cao tổ (Lưu Bang), Hán Quang Vũ đế (Lưu Tú)

[Được] Lưu tiên chủ [Lưu Bị] khôi phục lại

[Quan Phu tử] Đâu chỉ riêng có dũng mãnh

Đâu chỉ riêng có trí tuệ

[Mà đạo] trung - nghĩa sáng ngời

Cho đến ngàn năm sau [người người] đều được ngưỡng vọng

Ngôi cung miếu thanh tĩnh trầm mặc

Bức di tượng (tượng thờ) rất nghiêm trang

Trầm mặc, lắng yên phò tá nước Việt ta

[Khiến giang sơn] được ngày càng rực rỡ.

Mùa hè năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng; Tả tướng quân Hồng Ngư cư sĩ đề.

Thay lời kết luận:

Miếu Quan Thánh (Chùa Ông – Hội An) nằm trong quần thể Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Đây vừa là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh khá thú vị của nước ta, thu hút rất nhiều du khách, và cũng chính là một địa chỉ văn hóa – giáo dục rất hấp dẫn đối với các sinh viên, học sinh trong và ngoài nước. Biển gỗ đề thơ của Tả tướng Nguyễn Nghiễm và đồng liêu (Nguyễn Lệnh Tân, Uông Sĩ Điển) tại nằm chính giữa Bái đường Miếu Quan Thánh, nơi thường xuyên được mọi người đến chiêm bái. Vì thế, việc hiểu chính xác nội dung, ý nghĩa và giá trị tiềm ẩn của các bài thơ trên biển gỗ ấy rất cần thiết để giúp giáo dục tình yêu quý và mến trọng truyền thống văn hóa của ông cha xưa, cũng như đạo lý trung nghĩa sáng ngời được bao thế hệ giữ gìn và phát triển. Biển gỗ đề thơ tại miếu Quan Thánh của các vị danh thần triều Lê Trịnh này vừa là chứng nhân lịch sử, khẳng định tín tôn quý văn hóa, gìn giữ và bảo tồn truyền thống văn hóa của đội quân Lê Trịnh do Thống tướng - Việp công Hoàng Ngũ Phúc và Tả tướng Nguyễn Nghiễm chỉ huy tại vùng “Thương cảng quốc tế” Hội An – nơi giao thoa nhiều luồng văn hóa đặc sắc như Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… vào tháng 4-5 năm Ất Mùi (1775), lại vừa là tư liệu thực chứng khẳng định trình độ tài hoa về thơ văn của Tả tướng Nguyễn Nghiễm cùng tùy tùng. Và trên hết, việc ca tụng tấm lòng trung nghĩa của Quan Công tại những bài thơ này của các ông nhằm gửi gắm ẩn ý về tấm lòng trung quân, ái quốc, tôn phò chính thể triều Lê của đội quân Lê Trịnh.

Thâm nhập, am hiểu và giải nghĩa ý thơ của các bài thơ ấy, chúng tôi thiết nghĩ còn tạo thành một hiệu ứng quan trọng, đem lại những hiệu quả khá tốt cho việc giáo dục truyền thống yêu nước và nhìn nhận xác đáng hơn về lịch sử của nước nhà trong giai đoạn khá nhạy cảm: cuộc chiến tranh Trịnh – Tây Sơn giai đoạn đầu (1775).

Trong tình hình chung về việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, sinh viên… thì việc thực địa điền dã, tìm hiểu các di sản, di tích, di vật của cha ông là điều không thể thiếu. Cũng do đó, nếu tìm hiểu kỹ càng nội dung và giá trị của các tác phẩm lịch sử văn hóa hiện hữu ở những di tích, di sản nhiều nơi, trong đó có Miếu Quan Thánh (Chùa Ông, Hội An) qua quá trình diễn dã, các giáo viên và học sinh sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn trong việc khơi gợi niềm yêu thích văn hóa, lịch sử của cha ông.

V.V.Q

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.         Đinh Khắc Thuân (Cb) (2009), Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh (phần Bình Nam thực lục), Nxb Văn hóa Thông tin, H, tr.202

2.         Phạm Thúc Hồng (2009), Miếu Quan Thánh – Chùa Ông Hội An, Nxb Văn hóa Thông tin, H

3.         Nguyễn Xuân Diện, “Phát hiện mới ở miếu Quan Công: Thân phụ của Nguyễn Du đã đề thơ tại Hội An” 27/12/2008, link: http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/cauchuyendanhnhan/NguyenNghiemDeTho.htm

4.         Phạm Quang Ái, “Nguyễn Nghiễm và những trước tác chữ Hán tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Báo Hà Tĩnh online, link: http://baohatinh.vn/van-hoc/nguyen-nghiem-va-nhung-truoc-tac-chu-han-tai-mieu-quan-thanh-o-pho-co-hoi-an/52607.htm

5.         Phạm Quang Ái (2011), “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (107), Tr.59–67

 


[1] Đinh Khắc Thuân (Cb) (2009), Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh (phần Bình Nam thực lục), Nxb Văn hóa Thông tin, H, tr.202

[2] Đinh Khắc Thuân (Cb) (2009), Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh, Sđd, tr.203

[3] Phạm Thúc Hồng (2009), Miếu Quan Thánh – Chùa Ông Hội An, Nxb Văn hóa Thông tin, H

[4] Nguyễn Xuân Diện, “Phát hiện mới ở miếu Quan Công: Thân phụ của Nguyễn Du đã đề thơ tại Hội An” 27/12/2008, link: http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/cauchuyendanhnhan/NguyenNghiemDeTho.htm (truy cập: 10:09 AM, ngày 27/11/2015)

[5] Phạm Quang Ái, “Nguyễn Nghiễm và những trước tác chữ Hán tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Báo Hà Tĩnh online, link: http://baohatinh.vn/van-hoc/nguyen-nghiem-va-nhung-truoc-tac-chu-han-tai-mieu-quan-thanh-o-pho-co-hoi-an/52607.htm, (truy cập: 10:09 AM, ngày 27/11/2015)

[6] Phạm Quang Ái (2011), “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (107), Tr.59–67.

[7] Phạm Quang Ái  (2011), “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Sđd, tr.59

[8] Phạm Quang Ái  (2011), “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Tlđd, tr.59

[9] Phạm Quang Ái  (2011), “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Tlđd, tr.65

[10] Phạm Quang Ái, “Thơ của Nguyễn Nghiễm tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An”, Tlđd, tr.63

[11] Niết ngột 臲卼: tướng mạo dao động bất an. Chữ này xuất từ Kinh Dịch 易經, quẻ Khốn困. Cụ thể, Hào Thượng lục: “Thượng lục: khốn vu cát lũy, vu niết ngột” 上六: 困于葛藟, 于臲卼 (Hào trên cùng, âm: Bị khốn vì dây sắn dây leo, khập khiểng, gập ghềnh)

[12] Viêm đồ炎圖: Cơ đồ của Viêm đế炎帝 (còn gọi là Thần Nông神農). Người tộc Hán tự coi mình là con cháu của Thần Nông Viêm đế神農炎帝, Hiên Viên Hoàng đế 軒轅黃帝 (Viêm Hoàng tử tôn 炎黃子孫), nên Viêm đồ dùng để chỉ cơ đồ chính thống của nhà Hán. Viêm đồ cũng đồng nghĩa với Viêm tộ炎祚, tức chỉ sự nghiệp đế vương chính thống của Lưu Bị_ hậu duệ chính thống của Hán tộc.

[13] Tâm thượng 心上:  tức là trong lòng (tâm trung心中), trong tâm can, tâm lý. Tác giả Phạm Trọng Yêm范仲淹 (989-1054) đời Tống trong bài Từ nổi tiếng “Ngự nhai hành” 御街行 có câu: “my gian tâm thượng, vô kể tương hồi tị “眉間心上無計相迴避 (Nét mặt, đáy lòng; khó tìm đường lẫn thoát).

[14] Cao Quang 高光Cao tức Hán Cao tổ Lưu Bang漢高祖劉邦 [256-295Tr.CN], vị  hoàng đế sáng lập nhà Hán – còn gọi là nhà Tây Hán西漢 (202 Tr.CN – 9 S.CN) sau khi đã dẹp được nhà Tần; Quang là Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú 漢光武帝劉秀 (6 Tr.CN – 57 S.CN), vị Hoàng đế nhà Hán Trung hưng – người tạo dựng cơ nghiệp nhà Đông Hán 東漢(23-220) sau khi dẹp loạn Vương Mãng.

[15] Ngô Ngụy 吳魏: tức nhà Đông Ngô (Tôn Quyền) và nhà Bắc Ngụy (Tào Tháo); cùng với nhà Tây Thục (Thục Hán) của Lưu Bị đã tạo nên thế chân vạc, “tam phân thiên hạ” (thiên hạ chia ba) tức là thời Tam Quốc (Ngụy- Thục-Ngô)

[16] Phỉ trực匪直: không chỉ, không hẳn, không riêng gì. Tác giả Lịch Đạo Nguyên酈道元triều Bắc Ngụy 北魏 trong sách Thủy kinh chú水經註, mục Khấu thủy滱水 có nói rằng: “phỉ trực bồ duẩn thị phong, thực diệc thiên nhiêu lăng ngẫu” 匪直蒲筍是豐實亦偏饒菱藕 nghĩa là: không chỉ cỏ bồ, măng tre mới tươi tốt mà thực ra cũng thiên nhiều về sự phồn phụ ở củ ấu, ngó sen.

[17] Nguy nhiên 巍然: hình tượng cao lớn vòi vọi.

[18] Chữ 侐 này, theo Khang Hy tự điển: 唐韻: 况逼切; 集韻, 韻會: 忽域切,𠀤兄入聲。寂也,靜也。 詩·魯頌: 閟宮有侐“Đường vận: Huống bức thiết; Tập vận, Vận hội: hốt vực thiếttùng huynh, nhập thanh, Tịch dã, tĩnh dã. Thi, Lỗ tụng: “bí cung hữu hức” (nguồn: http://kangxizidian.com/). Vậy, ở đây phải là âm “hức” (không phải “tuất”) với nghĩa trầm mặc, thanh tĩnh.

[19] Thiên quyến tây cố天眷西顧: câu thơ lấy ý từ Kinh Thi 詩經, thiên Đại Nhã 大雅, mục Hoàng Hĩ 皇矣 : "Nãi quyến tây cố西 (Cho nên [Trời] đoái trông đến miền Tây). Tức ý nói Trời yêu mến hoài vọng đến miền Tây, ngóng đất Kỳ Chu cho Thái Vương làm nhà mà ở đó.

[20] Đốc sinh thần Vũ篤生聖武: câu thơ lấy ý từ Kinh Thi 詩經, thiên Đại Nhã大雅, mục Đại Minh 大明 (chương VI): “Đốc sinh Vũ vương” 篤生武王 (Nàng Thái Tự lại trọng hậu sinh thành Chu Vũ Vương).

[21] Viêm tộ炎祚: cũng đồng nghĩa với Viêm đồ炎圖: Vận nước, cơ đồi của họ Viêm (tức Viêm đế - Thần Nông), phiếm chỉ nhà Thục Hán của Lưu Bị (vì Lưu Bị tự xưng là hậu duệ chính thống nhà Hán)

[22] Thức vi 式微: suy vi, suy bại, sa sút; chỉ sự vật từ hưng thịnh mà sa sút đến suy vi. Thiên Bội Phong邶風 ở chương Quốc Phong 國風của Kinh Thi詩經 có bài Thức vi式微 I - II với câu rằng: “Thức vi! thức vi! Hồ bất quy. Vi quân chi cố, hồ vi hồ trung lộ? Thức vi! Thức vi! Hồ bất quy ? Vi quân chi cung, Hồ vi hồ nê trung ?”式微式微,胡不歸。微君之故,胡為乎中露; 式微式微,胡不歸, 微君之躬,胡為乎泥中(Suy vi quá rồi! Sao lại không trở về ? Chẳng phải vì cớ có vua ở đây, Thì sao lại chịu thấm ướt đầm đìa trong sương lộ như thế này? Suy vi quá rồi! Sao lại không trở về? Chẳng vì thân của vua ở đây, Thì sao lại chịu chìm hãm vào bùn lầy thế này?)

[23] Phỉ cung chi cố 匪躬之故: vì nước quên thân mình. Câu này lấy từ quẻ Kiển 蹇 của Kinh Dịch蹇經. Cụ thể, hào lục nhị 六二: “Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố”王臣蹇蹇,匪躬之故 (Hào 2 âm: bậc Vương thần chịu gán hết gian nan này tới gian nan khác là vì vua, vì nước, chứ không phải vì mình)

[24] Đào viên nhất tự 桃園一敘: Tụ hội ở vườn Đào, ý nói về lời thề kết nghĩa anh em của 3 anh em Lưu Bị - Quan công – Trương Phi ở Vườn Đào.

[25] Lịch khảm lý truân歷坎履屯: trải từ quẻ [thuần] khảm (biểu thị sự hiểm hóc, gập ghềnh) cho đến quẻ [thủy lôi] truân (khó khăn, gian nan). Ý của câu này là trải nhiều gian nan khó khăn hiểm hóc.

[26] Tam phân đỉnh túc三分鼎足: cũng viết “đỉnh túc tam phân” 鼎足三分thế chân vạc, phiếm chỉ chia ba thiên hạ thời Tam Quốc của Trung Hoa (Bắc Ngụy [Tào Tháo], Đông Ngô [Tôn Quyền], Tây Thục [Lưu Bị])

[27] Thất mã đơn đao匹馬單刀: cũng gọi là đơn đao thất mã單刀匹馬, nghĩa là 1 ngựa [xích thố], 1 [thanh long yển nguyệt] đao – con vật và vũ khí đặc trưng gắn liền với cuộc đời chinh chiến oai hùng, biểu thị cho uy vũ tài nghệ của Quan Vũ.

[28] Đế Hán ư Thục帝漢於蜀: Hoàng đế tộc Hán ở đất Ba Thục, đây là cách chỉ nhà Thục Hán (hoặc Tây Thục) của Lưu Bị, một trong ba nước thời Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô).

[29] Xích tinh 赤精: thần chủ phương Nam, chỉ dòng dõi Viêm đế Thần Nông - tổ tiên nhà Hán chủ ở phương Nam.

[30] Xung mạc冲漠: yên ắng tịch mịch, điềm tĩnh trầm mặc.

[31] Cao Quang高光Cao tức Hán Cao tổ Lưu Bang漢高祖劉邦 [256-295Tr.CN], vị  hoàng đế sáng lập nhà Hán – còn gọi là nhà Tây Hán西漢 (202 Tr.CN – 9 S.CN) sau khi đã dẹp được nhà Tần; Quang là Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú 漢光武帝劉秀 (6 Tr.CN – 57 S.CN), vị Hoàng đế nhà Hán Trung hưng – người tạo dựng cơ nghiệp  nhà Đông Hán 東漢(23-220) sau khi dẹp loạn Vương Mãng.

[32] Cựu vật 舊物: gồm các nghĩa: (1) điển chương chế độ, văn vật cũ. (2) cơ nghiệp của các quốc gia cũ. (3) di vật của các bậc tiền nhân. Ở đây, “cựu vật” là cơ nghiệp của nhà Hán xưa.

[33] Ngưỡng chỉ 仰止: kính ngưỡng, ngưỡng vọng . Đây là cụm từ lấy ý từ “cao sơn ngưỡng chỉ” 高山仰止(núi cao y như đạo đức cao vời đáng kính ngưỡng) trong chương Xa Hạt 車轄 thuộc Tiểu Nhã 小雅 ở Kinh Thi 詩經

[34] Bí cung hữu hức閟宮有侐: chữ dùng trong Kinh Thi 詩經, thiên Lỗ Tụng 4 魯頌四, mục Bí cung閟宮, có nghĩa là Miếu mạo thanh tĩnh, trầm mặc.

[35] Hách hách viêm viêm赫赫炎炎: nghĩa gốc là ngọn lửa bốc lên rực trời. Đây là cụm từ xuất ra ở đoạn: “tảo ký thái thậm, tắc bất khả trở, hách hách viêm viêm, vân ngã vô sở” 旱既太甚則不可沮赫赫炎炎雲我無所 (Nắng hạn quá lắm rồi, mà không ngăn được, nóng nực cực điểm, mây ta không có chỗ trú). thuộc mục Vân Hán雲漢thiên Đại Nhã大雅ở Kinh Thi詩經 .

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020