Phương pháp

MỘT SỐ RÀO CẢN TRONG NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY NGỮ VĂN Ở CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM HIỆN NAY


19-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Huy - Phòng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, môn ngữ văn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm mỗi người, giúp con người trở nên tốt đẹp, nhân văn hơn. Tuy nhiên trong vài thập kỷ trở lại đây, trước những tác động xấu của quá trình hội nhập toàn cầu, mặt trái của kinh tế thị trường, những biến đổi trong lối sống, tư duy của cả người dạy lẫn người học đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, quy mô dạy học ngữ văn. Vì thế việc nhận diện những rào cản trong nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn trong các trường sư phạm là việc làm cần thiết, có ý nghĩa, từ đó có những cơ chế, giải pháp để môn văn trở lại vị thế xứng đáng vốn có, đồng thời góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.

1. Rào cản từ tâm lí người học và dư luận xã hội

Sứ mệnh cao cả của trường sư phạm là đào tạo được những người thầy tương lai giỏi về chuyên môn tay nghề, am hiểu tâm lí người học; biết tổ chức, định hướng, điều chỉnh hành vi, hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp của chân thiện mĩ. Với ngành ngữ văn - một ngành đào tạo có những đặc thù riêng, có thế mạnh trong việc tác động trực tiếp đến tâm hồn, tình cảm của người học nên mỗi bước đi trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cần phải có sự mềm dẻo, linh hoạt, thận trọng để làm sao sau 4 năm học, những người thầy mới bằng tri thức, kinh nghiệm tích lũy, thông qua trang sách, giáo án truyền đến cho các thế hệ học trò tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, thương đồng loại; biết đấu tranh, lên án cái ác, cái xấu, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Tuy nhiên một thực trạng đáng buồn tác động xấu đến tâm lí người giảng dạy ngữ văn là càng ngày số lượng học sinh, sinh viên theo học các môn KHXH, trong đó có ngữ văn ngày càng giảm đi, thậm chí có những cơ sở giáo dục không có học sinh lựa chọn ban C. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, năm 2012 cả nước có hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ dự thi đại học thì trong đó chỉ có hơn 80 nghìn hồ sơ đăng ký vào ngành khoa học xã hội (chiếm 4,43%). Nếu xét theo số lượng hồ sơ thì nhóm ngành này đã giảm đến gần 8% (từ khoảng 87 nghìn hồ sơ năm 2011 xuống còn 80.298 hồ sơ trong năm 2012). Cũng năm 2012, dù  điểm của các môn thi đại học khối C được đánh giá là cao hơn năm ngoái nhưng số lượng bài thi có điểm trung bình vẫn chiếm đa số; đặc biệt đối với môn Lịch sử, có đến 65 - 98% bài thi dưới điểm trung bình và đây cũng là môn có số lượng bài thi bị điểm 0 nhiều nhất.

Còn trong những năm trở lại đây tình trạng này lại càng gia tăng, thể hiện sự hờ hững, quay lưng của người học trước những môn, ngành KHXH, mà một trong những nguyên nhân là do sự phát triển mất cân đối, hài hòa của đời sống kinh tế - xã hội, khi trong một thời gian dài ta chú trọng phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật mà có phần xem nhẹ các ngành KHXH và NV. Mặt khác, việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp, giá trị, việc làm của phụ huynh, nhà trường thường hướng con em vào các ngành kinh tế, tài chính với cơ hội đỗ đạt, việc làm cao hơn các khối ngành xã hội. Một nguyên nhân khác là do nội dung chương trình còn nhiều bất cập với lối dạy đọc chép, thuộc lòng, máy móc, khô cứng khiến học sinh ít mặn mà với ban KHXH… những nguyên do ấy khiến cho nguồn tuyển sinh đầu vào các ngành KHXH ở các trường sư phạm bị giảm sút cả về số lượng và chất lượng mà ngành ngữ văn không nằm ngoài thực trạng đó.

            Sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học sau này. Trong thực tiễn dạy học ngữ văn, sự không đồng đều về chất lượng giữa học sinh thành thị, nông thôn và miền núi cũng là một khó khăn trở ngại để người dạy có thể truyền đạt hiệu quả những tri thức, kinh nghiệm khoa học. Một số sinh viên sau một thời gian học, do những tác động chi phối của hoàn cảnh, môi trường, điện kiện sống mà tỏ ra hờ hững với ngành học, thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết, có những biểu hiện của sự ăn chơi, đua đòi kệch cỡm. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên học sư phạm nhưng lại không có nghiệp vụ sư phạm cần thiết nên khi ra trường, nhiều em không theo ngành sư phạm, làm trái nghề, gây lãng phí lớn, khiến cho ngành đào tạo sư phạm ngữ văn cũng mất cân đối, nơi thì thừa nơi thì thiếu.

            2. Rào cản từ cơ chế chính sách

            Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành sư phạm phát triển cả về số lượng, chất lượng, như tăng nguồn chi ngân sách cho giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, ban hành nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút giảng viên, sinh viên theo học sư phạm, vì muốn phát triển nhanh và bền vững thì việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết, lâu dài. Ý thức được điều đó, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về giáo dục đào tạo, như Nghị quyết Trung ương hai khóa VIII (1998) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000,và mới đây nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò quan trọng, sứ mệnh cao cả của các trường sư phạm - những cơ sở đào tạo chuyên biệt phải đi trước một bước trong sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo. Với các cơ quan, ban ngành thuộc Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều chính sách, như miễn học phí cho người học sư phạm, tạo điều kiện về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… thu hút được những người thực tài đi theo nghề sư phạm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề thiếu việc làm đang trở thành một lực cản cho sinh viên sư phạm, nhất là sư phạm ngữ văn. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, phải làm trái nghề, thậm chí thất nghiệp; một số khác phải nhờ cậy thân quen, phải luồn cúi, chạy chọt mới có việc làm. Điều đáng lo ngại là thực trạng này diễn ra ở nhiều nơi, có nơi trở thành vấn nạn, tác động không nhỏ đến tâm lí người học. Vì thế ngay trên giảng đường đại học, bên cạnh sứ mệnh học hành, nghiên cứu thì gánh nặng, nỗi lo về tương lai, sự nghiệp, công ăn việc làm luôn đè nặng lên tâm lí sinh viên, khiến cho lòng nhiệt huyết, say mê với môn học bị suy giảm.

Bên cạnh đó những chính sách về đào tạo giáo viên ngữ văn theo địa chỉ cũng chưa thực sự hiệu quả, khi nhiều giáo viên ra trường thường kiếm cớ ở lại thành phố, đô thị, miền xuôi, ngại đến những nơi khó khăn, điều kiện sinh hoạt, dân trí còn thấp. Đó cũng là một bất cập, một kẽ hở trong cơ chế chính sách.

Về phía giảng viên - những người trực tiếp đứng lớp, có một thực trạng dễ nhận thấy là sự “đứt gãy” thế hệ. Một loạt các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về văn chương đến tuổi nghỉ hưu, và thế hệ kế cận là những người trẻ chủ yếu thuộc thế hệ 7X, 8X, tuy có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi tiếp cận thông tin, có vốn ngoại ngữ, nhưng kinh nghiệm sống, trải nghiệm thực tế còn ít, trong khi phải đảm nhận những môn/chuyên đề mang tính kinh điển, bác học, chắn chắn chất lượng không cao. Mặt khác, trong cơ chế tuyển dụng của các trường sư phạm, lâu nay thường giữ lại những sinh viên có thành tích học tập cao của khoa làm cán bộ. Điều này tốt nhưng lại không tạo ra sự đa dạng trong nghiên cứu học thuật, bởi nếu lấy người được đào tạo ở những đơn vị, cơ quan nghiên cứu khác sẽ phát huy được thế mạnh, sở trường của từng cá nhân, tạo ra sự đa thanh, đa giọng trong giảng dạy, nghiên cứu.

Bên cạnh đó là chính sách lương, thu nhập của cán bộ, giảng viên hiện nay còn thấp, nhất là đối với những giảng viên trẻ mới vào nghề. Với mức lương cào bằng, sống ở thành phố, thủ đô thì những gánh nặng về cơm áo gạo tiền cũng ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy, nghiên cứu. Để những giảng viên sư phạm yêu nghề, tâm huyết, có những công trình nghiên cứu hiệu quả, đòi hỏi những cơ chế, chính sách về đãi ngộ, khen thưởng cần kịp thời và có sự áp dụng riêng, đặc thù thì mới khuyến khích, nâng cao lòng say mê công việc.

3. Rào cản từ nội dung chương trình, phạm vi nghiên cứu

Việc chuyển đổi hình thức dạy học từ niên chế sang tín chỉ là một bước tiến trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc học theo tín chỉ cũng kéo theo những bất cập, như đội ngũ giảng viên không đủ cho các môn/các chuyên đề; số phòng học hạn chế; tình trạng lớp thì quá đông, lớp lại quá ít người học; sự phân công lao động của giảng viên cũng không đồng đều, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy học. Ở một số cơ sở đào tạo, bậc cao học thường lên lớp, nghiên cứu vào buổi chiều tối, vào cuối tuần - đó là những thời điểm mà con người cần được nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Học theo tín chỉ, số giờ lên lớp giảm, giờ tự học được tăng cường, nhưng ý thức tự học, tự nghiên cứu của sinh viên còn thấp.

Về nội dung chương trình đào tạo sinh viên ngữ văn, mặc dù có nhiều cải tiến, nhưng ở nhiều nơi nội dung giáo trình còn cũ, lạc hậu, chưa kịp thời bổ sung những tri thức mới. Lối truyền thụ còn nặng về thuyết trình, ít tương tác, thảo luận với sinh viên. Khả năng tích hợp, liên ngành còn hạn chế.

Một số khoa văn của các trường đã có sự liên kết giữa văn học - báo chí; văn học - ngôn ngữ; văn học với điện ảnh, truyền hình; viết văn - báo chí; văn học với văn hóa nghệ thuật… nhằm phát huy lợi thế, sức mạnh của ngôn ngữ văn chương. Với ngành sư phạm ngữ văn, thiết nghĩ cũng cần phải có những đổi mới, cải tiến, mở rộng mô hình, phương thức đào tạo, như hình thành câu lạc bộ thơ, sân khấu dân gian, câu lạc bộ những nhà phê bình trẻ, những cây bút trẻ… để làm sao phát huy tốt tài năng sáng tạo của mỗi sinh viên bên cạnh kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cần thiết.

Với ngành học ngữ văn, việc cung cấp cho sinh viên những tri thức mới về các xu hướng phát triển của văn học trên thế giới là cần thiết, trong đó có các gương mặt nhà văn mới, những tác phẩm gây sự chú ý của dư luận, các lý thuyết, khuynh hướng phê bình tiêu biểu, đề từ đó soi chiếu, lý giải những vấn đề đang đặt ra đối với văn chương dân tộc. Bên cạnh việc học tập trên lớp, sinh viên sư phạm ngữ văn cần phải được trang bị nhiều hơn những kỹ năng sư phạm, kỹ năng sống, khả năng giải quyết, xử lý tình huống thông qua việc tăng cường thời gian kiến tập, thực tập hàng năm.

Một điều khá quan trọng trong đào tạo sinh viên ngữ văn là cung cấp cho họ thế giới quan khoa học. Trong nhiều công trình luận văn, khóa luận hiện nay, có nhiều đề tài trùng lặp, na ná như nhau, các vấn đề được luận bàn, triển khai theo kết cấu, khung sườn có sẵn, phản ánh sự lúng túng, “đói” đề tài, quanh quẩn trong phạm vi hẹp của văn chương truyền thống với những tác giả, tác phẩm quen thuộc. Mặc dù đời sống văn học nước nhà những năm qua chưa có những bứt phá, tốc độ phát triển chưa cao, chưa có những tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm. Nhưng không phải vì thế mà những người nghiên cứu tự giới hạn, đóng khung trong những phạm vi nhỏ hẹp, sợ “những vùng cấm”, những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị. Sự mở rộng biên độ nghiên cứu là cần thiết, từ những vấn đề tác giả, tác phẩm, trào lưu trường phái đến những vấn đề ngoài văn bản tác phẩm, những hiện tượng văn chương mới nổi, sao cho những nghiên cứu ấy phục vụ đắc lực cho giảng dạy, định hướng thẩm mĩ cho người đọc, giúp người đọc nhận diện và tiếp cận dễ dàng vẻ đẹp của những tác phẩm văn chương.

Với lực lượng, đội ngũ giảng viên ngữ văn còn mỏng, không đồng đều về chất lượng, khả năng nghiên cứu; sự tâm huyết, say mê với nghề, thậm chí có một số giảng viên bị tha hóa, đánh mất nhân cách trước những cám dỗ của đồng tiền, danh vọng… hiện tượng đó cũng đang là một rào cản trong nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn.

               

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm phát huy những ưu thế, khắc phục những hạn chế, bất cập của giáo dục truyền thống, đồng thời chuyển mình, bắt kịp với giáo dục tiên tiến, hiện đại của thế giới. Quá trình này đòi hỏi những lộ trình và kế hoạch cụ thể, được thực hiện đồng bộ, kiên trì trong nội dung chương trình, trong mọi cấp học, mọi cán bộ, quản lý, đến học sinh, sinh viên, để làm sao phát huy tốt nhất nhân tố con người - nguồn nhân lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước.

Với ngành sư phạm ngữ văn - một ngành quan trọng bậc nhất trong KHXHNV cần phải đi đầu trong đổi mới tư duy, suy nghĩ và cách thức hành động của cả người dạy lẫn người học. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức với những rào cản từ nhân tố khách quan và chủ quan. Nhưng với những nỗ lực, cố gắng của những “kỹ sư tâm hồn”, ngành ngữ văn sẽ khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng của mình, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020