Phương pháp

MỘT SỐ CÁCH THỨC DẠY HỌC PHÂN HÓA CHO SINH VIÊN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM


19-10-2020
Tác giả: ThS. Hoàng Thị Hạnh - Khoa Xã hội- Trường CĐSP Hà Tây

Dạy học phân hóa là chiến lược dạy học thực hiện tốt nhất nguyên tắc dạy học đảm bảo tính vừa sức chung và vừa sức riêng trong hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực cá nhân. Bài viết, trên cơ sở hệ thống hóa lí luận về dạy học phân hóa, đề xuất một số cách thức dạy học phân hóa cho sinh viên Ngữ văn ở trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP).

1. Đặt vấn đề

     Một trong hai định hướng cơ bản của giáo dục phổ thông sau năm 2015 là dạy học phân hóa (DHPH). DHPH hay “dạy học chú ý sự khác biệt cá nhân” là một quan điểm giáo dục tiến bộ, tôn trọng độc lập tư duy, khơi gợi sáng tạo, tạo điều kiện cho từng cá nhân phát triển. Dạy học đảm bảo tính vừa sức chung và vừa sức riêng trong hoạt động dạy học là nguyên tắc của DHPH. Trên nguyên tắc chung đó, mỗi bậc học, ngành học, do đặc thù riêng trong mục tiêu giáo dục đào tạo, để DHPH hiệu quả, cần có những giải pháp riêng, cụ thể. Bài viết xin đề xuất một số cách thức DHPH cho sinh viên (SV) ngành Ngữ văn trường CĐSP.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Lí luận  dạy học phân hóa

2.1.1. Khái niệm dạy học phân hóa

     DHPH là dạy học theo từng loại đối tượng, phù hợp với tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu và hứng thú của người học nhằm phát triển tối đa tiềm năng riêng vốn có của họ; người học được chủ động lựa chọn các môn học hoặc chủ đề phù hợp với năng lực và sở thích của mình. “DHPH không phải là một xu hướng dạy học mới và cũng không phải là một quan niệm mới về dạy học”, nhưng DHPH phải được xem như một trong những định hướng cơ bản của đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học. Để tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân người học, cần tiến hành dạy học phân hóa trong nhà trường.

Bản chất của việc phân hóa trong dạy học là tạo ra những khác biệt nhất định trong nội dung và phương thức hoạt động (nghĩa chung bao gồm mục tiêu, phương pháp, phương tiện, môi trường, kết quả, thời gian) của chương trình giáo dục (tổng thể hoặc ở từng cấp học, môn học) bằng cách thiết kế và thực hiện chương trình giáo dục theo nhiều hướng khác nhau dựa vào năng lực, hứng thú hoặc nhu cầu học tập của người học và mục tiêu giáo dục của xã hội.

2.1.2. Cơ sở sư phạm của DHPH

     Cơ sở sư phạm của DHPH nội tại xuất phát từ các quan điểm sau:

     - Lý thuyết xã hội học của quá trình dạy học: Mỗi cá nhân có xuất phát nền văn hóa, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, định hướng giá trị… khác nhau.

     - Lý thuyết về vùng phát triển gần nhất: Trình độ ban đầu của người học tương ứng với “vùng phát triển hiện tại”. Trình độ này cho phép người học có thể thu được những kiến thức gần gũi nhất với kiến thức cũ để đạt được trình độ mới cao hơn - “vùng phát triển gần nhất”. Cứ tiếp tục như vậy, sự phát triển của người học đi từ nấc thang này đến nấc thang khác cao hơn. 

     - Thuyết đa trí tuệ: Hạt nhân của thuyết đa trí tuệ nhận định rằng mỗi người có trí tuệ khác nhau và học hỏi bằng nhiều cách khác nhau.

     - Thuyết nhu cầu: Mỗi người học có động cơ, hứng thú, nhu cầu, mối quan tâm  với từng môn học, lĩnh vực, vấn đề  khác nhau. Điều này là cơ sở để các nhu cầu nhận thức khác nhau của người học cần được quan tâm và đáp ứng.

2.2. Dạy học phân hóa ở bậc đại học

2.2.1. Các cấp độ dạy học phân hóa

     - Dạy học phân hóa ở cấp độ vi mô (phân hóa nội tại) là sự tổ chức hoạt động dạy học trong một tiết học, bài học, một lớp học, từng môn học có tính đến các đặc điểm cá nhân của người học, là sử dụng các biện pháp thích hợp trong một lớp thống nhất với cùng một kế hoạch, một chương trình.

     - Cấp độ vĩ mô (phân hóa ngoài) là sự tổ chức quá trình dạy học thông qua các loại hình nhà trường, các lớp khác nhau, xây dựng các chương trình dạy học khác nhau.

2.2.2. Dạy học phân hóa ở bậc đại học

     "Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020” số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2/11/2005 có nêu về yêu cầu giáo dục đào tạo SV trong thời kỳ mới, đó là: "Phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của người học".

     Sự phân hóa các nhóm trường đại học như: đại học nghiên cứu (đào tạo trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu …); đại học ứng dụng (đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế); đại học cộng đồng (nâng cao dân trí) là biểu hiện phân hóa cấp vĩ mô.

     Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của DHPH trong các trường đại học hiện nay là: xây dựng chương trình đào tạo cử nhân/kĩ sư tài năng - chất lượng cao song song với chương trình đào tạo cử nhân/kĩ sư chuẩn.

     Tham khảo chương trình đào tạo của một số trường đại học, chúng tôi thấy: Chương trình đào tạo cử nhân/kĩ sư chất lượng cao là chương trình đào tạo cử nhân đại trà được nâng cao, bổ sung kiến thức khoa học nền tảng và chuyên ngành nâng cao theo định hướng nghiên cứu, được tăng cường kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, năng lực sáng tạo, khả năng sử dụng tin học, ngoại ngữ.

     - Phân hóa vi mô: Một khả năng DHPH thường dùng là phân hóa nội tại, tức là DHPH trong nội bộ một lớp học thống nhất, chưa sử dụng hình thức tổ chức phân hóa bên ngoài như nhóm ngoại khóa, giáo trình tự chọn, lớp chọn … Sự phân bậc hoạt động có thể được sử dụng để thực hiện dạy học phân hóa nội tại theo cách cho những SV thuộc những loại trình độ khác nhau đồng thời thực hiện những hoạt động có cùng nội dung nhưng trải qua hoặc ở những mức độ yêu cầu khác nhau.

2.2.3. Những tư tưởng chủ đạo của dạy học phân hóa

  a) Lấy trình độ phát triển chung của người học trong lớp làm nền tảng

     Trong dạy học phải lấy trình độ chung và điều kiện chung của người học làm nền tảng, phải hướng vào những yêu cầu thật cơ bản, tinh giản những nội dung chưa sát thực, chưa phù hợp với yêu cầu cơ bản. Ngoài việc làm cho mọi SV đều đạt được yêu cầu của chương trình và phát triển toàn diện cần phát huy sở trường, hứng thú, năng khiếu của từng đối tượng.

  b) Sử dụng những biện pháp DHPH để đưa người học yếu kém lên trình độ chung

     GV cần sớm phát hiện ra những đối tượng yếu kém để trong quá trình giảng dạy có những biện pháp phù hợp, cố gắng để họ đạt được mặt bằng trình độ chung.

  c) Có những nội dung bổ sung và biện pháp phân hóa giúp SV khá giỏi đạt được những yêu cầu cao trên cơ sở đã đạt được những yêu cầu cơ bản

     Để SV khá giỏi phát huy được tối đa năng lực, sở trường của mình, GV cần có biện pháp giúp họ mở rộng, đào sâu kiến thức như  hướng dẫn SV làm bài tập lớn, tiểu luận, niên khóa, khóa luận...

2.2. Dạy học phân hóa cho sinh viên sư phạm Ngữ văn

2.2.1. Xây dựng chương trình 

     Để thực hiện được mục tiêu đào tạo giáo viên Ngữ văn THCS có đủ những năng lực chung, năng lực khoa học chuyên ngành và năng lực sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, được xã hội chấp nhận, cần tiếp tục đầu tư xây dựng chương trình cho phù hợp với yêu cầu đào tạo mới.

a)     Xây dựng chương trình đào tạo:

     Trên quan điểm bám sát định hướng đổi mới giáo dục ở THCS môn Ngữ văn sau năm 2015 để xây dựng chương trình theo hướng thiết thực, cập nhật, mềm dẻo, cần:

     - Gia tăng học phần (HP) tự chọn các môn khoa học chuyên ngành theo hai hướng: chuyên sâu và mở rộng (Ví dụ: HP chuyên sâu: Thi pháp học, PPDH tác phẩm văn học trung đại, PPDH tác phẩm văn học nước ngoài...; HP mở rộng: Tiếp cận văn học từ văn hóa, Thời sự văn học, Ngôn ngữ và văn học…)

     - Xây dựng các chuyên đề hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

  b) Xây dựng chương trình chi tiết các môn học:

     Chương trình nên thiết kế theo hướng mở để tạo điều kiện cho GV thiết kế bài dạy một cách năng động; rà soát lại chương trình chi tiết ở các học phần, giảm tải kiến thức lí thuyết mang tính hàn lâm, gắn nội dung chương trình đào tạo ở trường sư phạm với nội dung chương trình dạy học ở trường THCS, tăng tỉ lệ thời lượng thực hành…

2.2.2. Một số phương pháp, hình thức tổ chức dạy học sử dụng trong dạy học phân hóa

     DHPH không phải là phương pháp/kĩ thuật dạy học mà là quan điểm dạy học hướng đến sự phát triển năng lực cá nhân. Từ định hướng đó, GV vận dụng, lựa chọn những phương pháp, hình thức tổ chức, kĩ thuật dạy học tích cực để phát huy tính chủ động, sáng tạo của SV. Như vậy, DHPH xuyên suốt và chi phối mọi phương pháp dạy học. Dạy học theo nhóm kết hợp dạy học cá nhân là cách thức thực hiện quan điểm DHPH.

  a) Dạy học theo nhóm

 - Phân nhóm theo trình độ: Trong một đơn vị bài học, với những câu hỏi/bài tập phân cấp từ dễ đến khó, có thể tổ chức cho nhóm SV thực hiện nhiệm vụ khác nhau đảm bảo tính vừa sức.

     Ví dụVới đơn vị kiến thức Tìm hiểu nội dung - tư tưởng truyện ngắn Lỗ Tấn, GV xây dựng ba vấn đề :

     (1) Số phận người nông dân/người trí thức/người phụ nữ/người cách mạng trong truyện ngắn Lỗ Tấn.

     (2) Lí giải tại sao Lỗ Tấn được coi là người thầy thuốc chữa bệnh tinh thần của nhân dân Trung Quốc.

     (3) Chứng minh nhận định: Lỗ Tấn không chỉ là thầy thuốc tinh thần mà còn là nhà cách mạng tư tưởng của nhân dân Trung Quốc.

     GV giao cho SV trình độ trung bình giải quyết vấn đề số 1 (chủ yếu thể hiện năng lực phân tích nhóm nhân vật); Nhóm SV Khá  giải quyết vấn đề số 2 (đòi hỏi khả năng vận dụng, khái quát trên cơ sở đã giải quyết được vấn đề số 1); Nhóm SV Giỏi giải quyết vấn đề số 3 (vận dụng, khái quát nâng cao hơn so với vấn đề số 2).

 - Phân nhóm theo quan điểm: Những người có đồng quan điểm trước một vấn đề sẽ được tổ chức thành một nhóm để tiếp tục bàn luận, bảo vệ ý kiến chung của họ.

     Ở bậc Cao đẳng- Đại học, SV cần tiếp tục phát triển năng lực phản biện ở mức độ cao qua việc bày tỏ quan điểm trước những nhận định trái chiều. GV lựa chọn những tình huống gây tranh cãi để kích thích SV tranh biện. Việc hình thành nhóm dựa trên tình hình thực tế của lớp học khi GV đặt ra tình huống.

     Ví dụ: Hoàng Lê nhất thống chí” là tác phẩm tự sự văn xuôi có quy mô lớn và nghệ thuật độc đáo, được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại. Nhưng về vấn đề xác định thể loại của tác phẩm, có nhiều ý kiến trái chiều: Giáo sư Nguyễn Lộc (1999, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỉ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội.) cho rằng đó là một kí sự lịch sửGiáo sư Nguyễn Đăng Na (2007, Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm.) nhận định tác phẩm là tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử. Quan điểm của Anh (Chị) về vấn đề này như thế nào?

     Đây là tình huống đòi hỏi  SV cần vận dụng kiến thức lí luận văn học về thể loại tiểu thuyết chương hồi, kí sự và đặc trưng của văn học trung đại để xác định thể loại của một tác phẩm cụ thể.

     GV tổ chức cho SV tự hình thành nhóm trên cơ sở đồng quan điểm. Nhóm 1: Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết chương hồi; Nhóm 2: Hoàng Lê nhất thống chí là kí sự lịch sử; Nhóm 3: Hoàng Lê nhất thống chí vừa là tiểu thuyết chương hồi vừa là kí sự lịch sử. SV sẽ phải đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để bảo vệ quan điểm bằng cách soi chiếu từng đặc điểm thể loại  vào tác phẩm, phân tích, kết luận…)

 - Phân nhóm theo nhu cầu học tập:

+ Là hình thức phân nhóm  trên cơ sở tổ hợp những SV có nhu cầu trùng/gần nhau trước một bài học/vấn đề học tập.

+ Cách thức tiến hành: GV cấp cho mỗi SV một phiếu yêu cầu SV điền thông tin. Sau đó, GV thu hồi và tiến hành phân loại. Thực tế, mỗi SV có vốn kiến thức khác nhau và do đó nhu cầu cũng hết sức đa dạng. Số lượng nhóm về lí thuyết là không giới hạn. Nhưng cần tính đến không gian lớp học và khả năng tổ chức của GV. GV tổ chức cho SV làm việc theo nhóm: Chỉ dẫn nguồn tài liệu liên quan đến vấn đề nhóm quan tâm, hỗ trợ nếu có yêu cầu.

     Ví dụ: Chủ đề Thơ Đường, GV chia thành bốn nhóm nhu cầu như sau:

Nhóm

K (Điều đã biết)

Người học điền những điều đã biết về bài học, chủ đề trước khi học

W (Điều muốn biết)

Người học điền những điều muốn biết về bài học, chủ đề trước khi học

L (Điều đã học được)

Sau khi học xong bài học/chủ đề, người học điền những điều đã học được

Nhóm 1

- Các bài thơ Đường được giới thiệu trong Sách giáo khoa ở THCS và THPT

- Nguyên  nhân hưng thịnh và lịch sử phát triển của Thơ Đường.

1. Cách tạo dựng tứ thơ Đường?

2. Tại sao nói Thơ Đường là thơ của các mối quan hệ?

1. Tập cổ và tạo dựng quan hệ

2. Thơ Đường chủ yếu xây dựng tứ thơ bằng cách tạo dựng các mối quan hệ gữa các cặp phạm trù đối lập. Đặc biệt việc đồng nhất các mặt đối lập trong tạo dựng tứ thơ được coi là độc hữu của thơ Đường.

Nhóm 2

- Luật Thơ Đường

- Tên tuổi các nhà thơ nổi tiếng: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.

1. Quy định về đối trong thơ Đường, các kiểu đối trong thơ Đường.

2. Tại sao nói thơ Đường là “Thi trung hữu họa” ?

1. Đối thanh, đối ý, đối từ giữa câu 3 và 4, 5 và 6

Đối có nhiều dạng: Bên cạnh chính đối (đối chỉnh) còn có khoan đối (đối không chỉnh), thường gặp nhất  là: Đối lưu thuỷ (đối tẩu mã) và  Tiểu đối (Tự đối hoặc Đương cú đối)

2. Cả hai loại nghệ thuật này đều phải tuân thủ quy luật thẩm mĩ cơ bản về xử lí mối quan hệ giữa Hư và Thực.

Nhóm 3

 - Các bài thơ Đường được giới thiệu trong Sách giáo khoa  ở THCS và THPT

- Luật thơ Đường

1. Tại sao đề tài thiên nhiên là đề tài chiếm vị trí quan trọng nhất trong thơ Đường? Thiên nhiên trong thơ Đường có gì đặc sắc?

2. Lí giải đặc điểm ngôn từ và cú pháp trong thơ Đường.

1. Tính nhân loại, tính kế thừa, tính thời đại; Đặc điểm: Hiện lên qua những nét chấm phá; Gợi cảm quan tĩnh tại

2. Từ: dùng nhiều thực từ, hạn chế dùng hư từ. Vì khuôn khổ bài thơ nhỏ  gọn, phải ưu tiên dùng thực từ (từ mang nghĩa); Dùng nhiều điển cố, điển tích vì đó là những ý tượng giàu sức gợi.

3. Cú pháp: dùng nhiều cú pháp tỉnh lược. Lí do: bị hạn định câu chữ, phải tối giản ngôn từ. Hiệu quả: tạo sự cộng hưởng, tính đa nghĩa cho câu thơ.

Nhóm 4

- Các bài thơ Đường được giới thiệu trong Sách giáo khoa ở THCS và THPT

- Luật thơ Đường

- Những đặc điểm ngôn từ và cú pháp trong Thơ Đường

1. Những điểm đặc biệt cần chú ý khi phân tích thơ Đường luật?

2. Phân tích thơ Đường theo bố cục nào?

1. Nhãn tự: thường là chữ thứ ba trong thơ ngũ ngôn, chữ thứ năm trong thơ thất  ngôn; những chữ thất niêm, thất luật.

2. Tùy thuộc nội dung bài thơ: Thơ tuyệt cú: 2/2, 1/3, 3/1; Thơ thất ngôn bát cú: 4/4, 2/6, 6/2, 2/4/2.

     Việc phân nhóm theo nhu cầu như trên cho GV biết được trình độ và mong muốn của SV để có định hướng tổ chức hoạt động phù hợp với từng nhóm, giúp SV bù đắp khoảng trống trong kiến thức, kĩ năng của họ. Đó là cách thức hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm thời gian cho người học, tránh được sự nhàm chán, thừa thãi không cần thiết.

     - Phân nhóm hỗn tạp: Trong quá trình dạy học, bên cạnh các hình thức phân nhóm có sự phân hóa đối tượng theo các tiêu chí trên, nên đan xen phân nhóm hỗn tạp. Mục đích của việc phân nhóm này là để các em chia sẻ, học tập, giúp đỡ nhau trong giải quyết một vấn đề ở mức độ trung bình.

  b) Hình thức dạy học hợp đồng:

     - Khái niệm: Học theo hợp đồng là cách tổ chức học tập, trong đó mỗi SV (hoặc mỗi nhóm nhỏ) làm việc với một gói các nhiệm vụ khác nhau (bắt buộc và tự chọn) trong một khoảng thời gian nhất định. Người học được quyền chủ động xác định thời gian và thứ tự thực hiện các bài tập, nhiệm vụ học tập dựa trên năng lực và nhịp độ học tập của mình.

     - Cách thức tiến hành:

      + Giai đoạn chuẩn bị:

     Bưc 1: Xem xét các yếu tố cần thiết để học theo hợp đồng đạt hiệu quả

     Chọn nội dung: bài ôn tập/ thực hành/bài học mới, trong đó SVcó thể thực hiện các nhiệm vụ không theo thứ tự bắt buộc; Thời gian: Tùy theo độ dài ngắn hay độ phức tạp của nội dung.

     Bước 2: Thiết kế các dạng bài tập và nhiệm vụ học theo hợp đồng

    Các nhiệm vụ: Cần có nhiều dạng (bắt buộc và tự chọn; cá nhân và hợp tác;  độc lập và được hướng dẫn...)

     Bước 3. Thiết kế văn bản hợp đồng

     Văn bản hợp đồng bao gồm các nội dung: mô tả nhiệm vụ cần thực hiện, hướng dẫn thực hiện, phần tự đánh giá những hoạt động người học đã hoàn thành và kết quả.

      + Các giai đoạn tổ chức cho SV học theo hợp đồng:

      GV giới thiệu hợp đồng - SV nghiên cứu hợp đồng - Kí kết hợp đồng - Thực hiện hợp đồng - Thanh lí hợp đồng.

     Ví dụ:

    Hợp đồng: Thực hành phân tích truyện ngắn Cố hương (Lỗ Tấn)

                                                  Thời gian: 100 phút

Họ tên:                                                                Lớp:

TT

Nhiệm vụ

Bắt buộc

Nhóm

(cá nhân/ cặp/

nhóm )

Đáp án

Hoàn thành

Tự đánh giá

       

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật tôi. (**)

 

 

 

             

2

Phát hiện và phân tích ý nghĩa của những hình ảnh mang nghĩa biểu tượng. (*)

 

 

 

 

           

3

Trao đổi về nhận định: Với  Cố hương, Lỗ Tấn thể hiện vai trò kép -  vừa là thầy thuốc tinh thần vừa là nhà cách mạng tư tưởng -  của nhân dân Trung Quốc.

 

 

   

 

         

4

Nêu quan điểm trước hai ý kiến sau: 

- Cố hương là truyện ngắn đậm chất thơ.

- Cố hương có hình hài một truyện ngắn nhưng mang cốt tủy của một truyện dài

 

 

   

 

         

5

Thử tài của bạn: Cắt nghĩa vì sao có thể coi Cố hương là một truyên ngắn có cấu tứ được xây dựng theo kiểu cấu tứ thơ Đường?

 

 

   

 

         

Tôi xin cam kết thực hiện đúng những điều đã ghi trong hợp đồng.

Ngày  16  tháng  9  năm 2015

  GV kí tên                                                                                      SV kí tên 

 

Chú thích:                  

    :  SV đối chiếu đáp án, tự chỉnh sửa           : SV đánh giá chéo

                : Các nhóm thảo luận đánh giá                 * : Có 01 phiếu hỗ trợ

  ** : có 02 loại phiếu hỗ trợ (ít/nhiều)  

     Nội dung hợp đồng như trên có tác dụng:

ž Kết hợp được dạy học cá nhân và dạy học theo nhóm.

ž Tạo điều kiện cho SV được lựa chọn nhiệm vụ học tập phù hợp với năng lực, hứng thú.

ž Tạo điều kiện cho người học được hỗ trợ cá nhân.

ž Rèn luyện khả năng làm việc độc lập  của người học và tự kiểm soát, tự đánh giá kết quả học tập.

ž Phân hoá trình độ của SV.         

  c) Dạy học theo dự án:

     - Khái niệm: Là một hình thức dạy học, trong đó SV thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có mục tiêu rõ ràng, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành. SV được hướng dẫn để thực hiện các công việc như: tự lập kế hoạch, tự triển khai thực hiện kế hoạch, tự đánh giá kết quả. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm; kết quả của dự án là những sản phẩm cụ thể, được trình bày rõ ràng, có thể giới thiệu được.

     - Cách thức tiến hành:

     Bước 1: Xác định chủ đề, nhiệm vụ học tập và nghiên cứu gắn với yêu cầu của môn học hoặc học phần.

     Bước 2: Các nhóm hình thành đề cương và lập kế hoạch thực hiện.

     Bước 3: Các nhóm thực hiện nhiệm vụ.

     Bước 4: Giới thiệu sản phẩm trước tập thể lớp.

     Bước 5: Đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu xác định.

     Ví dụ:  (Dự án)  Hưởng ứng tuần lễ văn hóa Pháp tại Việt Nam, giới thiệu một nhà văn Pháp có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học và văn hóa Việt Nam. (Sau khi SV học xong các bài về văn học Pháp)

     - Nội dung: SV tự chọn giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của một trong số nhà văn Pháp trong chương trình Văn học thế giới có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và văn hóa Việt Nam như: đại văn hào Vichto Huygô, nhà viết kịch lỗi lạc Môlie, cây bút truyện ngắn xuất sắc thế kỉ XIX -  Guyđơ Môpatxăng…

     - Thời gian: 2-3 tuần

     - Hình thức sản phẩm: Phim ngắn; Tọa đàm bàn tròn; Hội thảo; Thuyết trình kết hợp trình chiếu; Sân khấu tương tác kết hợp phỏng vấn đạo diễn, diễn viên…

     Với dự án này, SV được tự lựa chọn hình thức sản phẩm, kế hoạch, thời gian để tạo lập một sản phẩm tùy theo hứng thú, năng lực và điều kiện của mỗi nhóm SV; tạo cơ hội cho các em trải nghiệm sáng tạo; sản phẩm thu được thiết thực, gắn kết với đời sống. 

2.2.3. Kiểm tra đánh giá

     KTĐG cần phân hóa được đối tượng và tạo cơ hội cho người học khẳng định được năng lực bản thân.

     - Đánh giá thường xuyên:

      + GV cần sử dụng phối hợp nhiều hình thức đánh  giá: bài tập cá nhân, hồ sơ học tập, bài tự nghiên cứu, bài thực hành, kết quả làm việc nhóm, thảo luận…, đánh giá thông qua một dự án học tập, một hợp đồng học tập …;  Sử dụng nhiều công cụ đánh giá: bảng quan sát, bảng hỏi, bảng kiểm, đáp án - biểu điểm....

      + Nên sử dụng hình thức đánh giá cho SV được tự chọn một năng lực sở trường để thể hiện như: sáng tạo thẩm mỹ (chuyển thể kịch bản văn học, viết tiếp/ thay đổi đoạn kết tác phẩm; năng lực sử dụng ngôn ngữ nói (giới thiệu/hùng biện về tác phẩm/nhà văn/hiện tượng văn học… yêu thích); năng lực sử dụng ngôn ngữ viết (viết bài bình luận một vấn đề tự chọn...; năng lực trình diễn (trình diễn thơ, trình diễn tiểu phẩm)...

     - Thi học phần: Đề bài nên có hai phần bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc đánh giá mức độ năng lực mà người học cần phải đạt. Phần tự chọn là phần nâng cao đòi hỏi khả năng vận dụng, giải quyết vấn đề thực tế. Cần đa dạng hóa vấn đề để SV có nhiều cơ hội lựa chọn.

3. Kết luận

     DHPH thực chất là dạy học hiệu quả, dạy học phát triển năng lực. Để thực hiện DHPH, GV phải đầu tư nhiều về công sức và thời gian, phải am hiểu tường tận từng đơn vị kiến thức, nắm bắt và thấu hiểu được từng người học, có năng lực vận dụng linh hoạt các kĩ thuật, phương pháp, hình thức dạy học và đánh giá kết quả dạy học. Quan điểm DHPH không phải hoàn toàn mới mẻ nhưng bởi tính ưu việt, nhân văn mà hiện nay lại được đặt đúng vị trí, trở thành  định hướng phát triển của giáo dục Việt Nam sau năm 2015. Bởi thế, DHPH cần phải được hiểu đầy đủ và đầu tư đúng mức, bắt đầu từ chính mỗi GV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Lê Hoàng (2012), Quản lý dạy học theo quan điểm dạy học phân hóa ở trường trung học phổ thông Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Quản lý GD, ĐHQG Hà Nội.

2.      Lê Thị Thu Hương (2015)Tổng quan một số vấn đề cơ sở lí luận của Dạy học phân hóa, Kỷ yếu hội thảo Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015, ĐHSP TP. HCM.

3.      Nguyễn Đắc Thanh (2015)Sơ lược một số yêu cầu cơ bản về năng lực dạy học phân hóa nội tại của người giáo viên trung học, Kỷ yếu hội thảo Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015, ĐHSP TP. HCM.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020