Hiện nay, ngành giáo dục và toàn xã hội đang khẩn trương và ráo riết chuẩn bị thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng. Giáo dục Đại học là một bộ phận quan trọng và thiết yếu của nền giáo dục, bởi vậy không thể nằm ngoài công cuộc đổi mới ấy, thậm chí phải đi trước một bước, nhất là các trường Đại học Sư phạm - bởi đội ngũ giáo viên sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của đổi mới giáo dục. Sự đổi mới ở trường đại học phải bao gồm cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, của cả thầy và trò, ở mỗi trường, mỗi khoa, mỗi ngành đào tạo, mà trước hết là ở từng bộ môn.
Không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm nay ở bộ môn văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn trường ĐHSPHN đã nhận thức được yêu cầu đổi mới, từ đó đã có định hướng và triển khai nhiều hoạt động đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại. Dưới đây, xin nêu tóm tắt một số hoạt động chính.
1. Xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình theo hướng vừa cập nhật hoá tri thức khoa học, vừa bám sát yêu cầu đổi mới trong nhà trường phổ thông.
Từ năm 2000 đến nay, chương trình đào tạo hệ cử nhân và hệ cao học của trường ĐHSPHN đã được xây dựng lại nhiều lần, từ chương trình theo niên chế sang chương trình học phần và gần đây là theo tín chỉ. Trong quá trình xây dựng các chương trình nói trên, dù cấu trúc mỗi chương trình có những yêu cầu riêng, nhưng định hướng chung mà bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại hướng tới là: chương trình phải đảm bảo tính chất cơ bản, hiện đại, đồng thời chuẩn bị tốt cho sinh viên về cả tri thức và kĩ năng của giáo viên môn ngữ văn ở bậc trung học.
Tính cơ bản và tính hiện đại của chương trình thể hiện ở sự lựa chọn các tri thức đưa vào chương trình nhằm hình thành ở người học những hiểu biết về Văn học Việt Nam hiện đại trên cả ba bình diện: về tiến trình lịch sử qua các giai đoạn, các khuynh hướng, trào lưu, đặc điểm cơ bản; về các thể loại văn học, bao gồm sự vận động, đặc điểm của mỗi thể loại ở từng giai đoạn về những tác gia và phong cách tiêu biểu, gắn với những tác phẩm xuất sắc nhất của mỗi tác giả.
Về cập nhật hóa chương trình, bộ môn văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ Văn ĐHSPHN là bộ môn đầu tiên trong các khoa Ngữ văn và khoa Văn học đã đưa văn học Việt Nam từ sau 1975 thành một phần chính thức trong chương trình đào tạo các hệ cử nhân và cao học, đồng thời cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên đã viết giáo trình về bộ phận văn học này (trong giáo trình Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, NXB ĐHSP, 2007). Để có cái nhìn đầy đủ về các bộ phận của văn học Việt Nam hiện đại, bộ môn cũng đã có sự quan tâm bước đầu đến văn học vùng đô thị miền Nam trước năm 1975 và văn học của người Việt ở nước ngoài từ sau 1975. Tuy nhiên, những bộ phận này cần có thêm thời gian, và nhất là điều kiện về tư liệu mới có thể nghiên cứu sâu được. Vì thế, trong chương trình đào tạo những năm vừa qua, hai bộ phận văn học này chủ yếu mới được đề cập trong một số luận văn cao học, luận án tiến sĩ của bộ môn, đồng thời cũng chỉ được đề cập trong một chuyên đề tự chọn của chương trình cử nhân (nhưng nay cũng đã không còn trong hệ thống các chuyên đề nữa).
Để phục vụ mục tiêu đào tạo giáo viên Ngữ văn trung học, chương trình đào tạo phải bao quát được cả tri thức và kĩ năng cần có của nghề giáo viên, đồng thời bám sát những định hướng và nội dung đổi mới trong chương trình phổ thông. Có một thuận lợi là cán bộ chủ chốt trong bộ môn cũng đồng thời là những người được Bộ Giáo dục và đào tạo tín nhiệm giao nhiệm vụ biên soạn hoặc chủ biên nhiều sách giáo khoa môn Ngữ văn THCS và THPT, từ chương trình cải cách giáo dục đến chương trình đổi mới sau năm 2000. Vì thế, những nội dung cơ bản trong nhận định về các giai đoạn văn học, các khuynh hướng, trào lưu và cả các tác giả tiêu biểu, đã có sự thống nhất của chương trình, giáo trình của bộ môn với sách giáo khoa ngữ văn thuộc phổ thông. Việc lựa chọn tác giả tiêu biểu để giảng dạy, cũng như lựa chọn tác phẩm để thực hành trong chương trình cử nhân luôn được tính đến hệ thống các tác giả, tác phẩm trong chương trình trung học phổ thông và trung học cơ sở. Hiện nay, để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông đang được xây dựng lại theo hướng chú trọng hình thành kĩ năng và phẩm chất cho người học, chứ không chỉ tập trung vào cung cấp kiến thức. Theo hướng đó, các tri thức đưa vào chương trình càng phải là những tri thức rất cơ bản, được chọn lọc, đồng thời coi trọng việc vận dụng vào hoạt động đọc hiểu và tạo lập các loại văn bản. Chương trình đào tạo ở đại học sư phạm, cụ thể ở đây là chương trình bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại cũng cần được thiết kế theo hướng mở và chú trọng năng lực thực hành của sinh viên, để đáp ứng với những đổi mới theo hướng trên của chương trình phổ thông.
2. Bám sát kịp thời đời sống văn học đương đại ở Việt Nam
Nhiệm vụ của bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại là giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, do đó việc kịp thời nắm bắt đời sống văn học đương đại trở thành một đòi hỏi trong hoạt động chuyên môn của từng cán bộ và của bộ môn. Đời sống văn học đương đại thì luôn biến động, sự đánh giá về các hiện tượng văn học cũng thường thay đổi, chưa có khoảng lùi thời gian cần thiết để định hình. Nhưng không vì thế mà và bỏ qua nhiệm vụ cập nhật về tình hình văn học cuả đất nước, nhưng mặt khác, việc chọn lọc các vấn đề và sự kiện để nghiên cứu, nhất là để đưa đến cho người học, thì lại cần đến bản lĩnh, tầm nhìn của mỗi người, đồng thời phải tính đến yêu cầu và mục tiêu đào tạo.
Việc bám sát kịp thời đời sống văn học đương đại trong nước được thể hiện tập trung ở hoạt động nghiên cứu khoa học của các thành viên trong tổ và cả bộ môn. Nhiều đề tài, bài báo và cả một số cuốn sách chuyên khảo của cá nhân hoặc một nhóm trong tổ bộ môn đã bao quát nhiều hiện tượng và vấn đề của văn học đương đại Việt Nam, đặc biệt là việc các tác giả, các thể loại văn học. Xin nêu ra một số ví dụ tiêu biểu: các tiểu luận công phu của TS. Chu Văn Sơn về Nguyễn Duy, Thanh Thảo, chuyên khảo của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình về những đổi mới của văn xuôi Việt Nam sau 1975, của TS. Đặng Thu Thuỷ về những đổi mới của thơ Việt Nam từ giữa những năm 80, các chuyên khảo do PGS. Nguyễn Văn Long viết hoặc chủ biên về văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường, về phê bình văn học Việt Nam 1975 – 2005 về Nguyễn Minh Châu.
Việc bám sát đời sống văn học đương đại được thể hiện rõ nhất ở định hướng lựa chọn các đề tài luận văn cao học, luận án tiến sĩ của nhiều học viên và nghiên cứu sinh của bộ môn. Chưa có một thống kê đầy đủ và chính xác nhưng có thể ước tính khoảng trên một nửa đến 2/3 đề tài luận văn thạc sĩ của bộ môn là lựa chọn các tác phẩm, tác giả hoặc vấn đề của văn học Việt Nam từ thời kì đổi mới đến nay. Một số không ít đề tài luận án Tiến sĩ cũng chọn những vấn đề của Văn học Việt Nam đương đại làm đề tài nghiên cứu.
Từ hàng chục năm trước, do nhận thức được yêu cầu tổng kết, đánh giá văn học Việt Nam từ sau năm 1975, tổ bộ môn đã tổ chức một hội nghị khoa học có quy mô toàn quốc về văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, tập hợp lực lượng nghiên cứu ở nhiều viện, trường đại học trong cả nước. Hội nghị đã có tiếng vang lớn, thúc đẩy việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam sau 1975 ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng và cơ quan nghiên cứu. Cuốn sách chọn lọc các tham luận trong hội nghị cũng là công trình thuộc loại đầu tiên có quy mô đáng kể về văn học Việt Nam sau 1975, được in năm 2006 và tái bản vài lần. Về vấn đề này có thể còn có những cách nhìn nhận, những ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi việc bám sát đời sống văn học đương đại, nhất là trong nghiên cứu khoa học, vẫn là một nhiệm vụ quan trọng không thể bỏ qua hoặc coi nhẹ của tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, dù là ở trường ĐHSP.
3. Tiếp tục những hướng nghiên cứu truyền thống và đẩy mạnh việc tiếp cận văn học Việt Nam hiện đại từ những hướng nghiên cứu mới
Từ thời kì đổi mới, nhất là trong khoảng vài mươi năm lại đây, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đời sống văn hoá tinh thần ở nước ta, nhiều lý thuyết mới, hoặc đã có từ đầu thế kỉ XX nhưng còn xa lạ với giới nghiên cứu ở nước ta, nay đã được giới thiệu, truyền bá và vận dụng bước đầu. Trong bối cảnh ấy việc nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại của tổ bộ môn cũng không thể không có những tìm tòi, thử nghiệm trong việc vận dụng những lý thuyết mới. Nhưng mặt khác, cũng đã tránh được thái độ cực đoan, tuyệt đối hoá hoặc vận dụng máy móc những lý thuyết mới đến từ phương Tây vào thực tiễn văn học Việt Nam. Chúng tôi tán đồng với ý kiến của một nhà nghiên cứu, rằng thời đại độc tôn của một phương pháp nghiên cứu đã qua rồi, bởi không có phương pháp nào có thể tiếp cận mọi bình diện của hiện tượng phức tạp, đa trị là văn học. Mọi phương pháp đều có giới hạn của nó và mỗi phương pháp chỉ có thể cung cấp cách tiếp cận, khám phá trên một bình diện của đối tượng, vì thế chúng cần thiết để bổ sung cho nhau. Với tinh thần ấy, ở bộ môn vẫn duy trì nhiều hướng nghiên cứu với các phương pháp cả truyền thống và mới.
Các hướng nghiên cứu đã quen thuộc, như về trào lưu, khuynh hướng văn học nhìn từ hệ tư tưởng và phương thức phản ánh, hướng nghiên cứu về phong cách tác giả, về thể loại văn học…, vẫn tiếp tục được triển khai và có những thành tựu đáng kể, thể hiện trong các công trình tập thể, như các tập giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (3 tập) do các cán bộ trong tổ biên soạn và chủ biên, trong các chuyên khảo có giá trị, như: Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX của GS. TS. Trần Đăng Xuyền, Ba đỉnh cao thơ mới của TS. Chu Văn Sơn, các chuyên luận về văn xuôi sau 1975 của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, về thơ từ giữa những năm 80 của TS. Đặng Thu Thuỷ, về phê bình văn học Việt Nam 1975 – 2005 do PGS. Nguyễn Văn Long chủ biên …
Đồng thời với hướng trên trong những năm gần đây, nhiều cán bộ của bộ môn đã mạnh dạn vận dụng những lý thuyết mới vào việc nghiên cứu, cả vào một số chuyên đề ở hệ cao học, và ở một số đề tài khoa học công nghệ.
Hướng nghiên cứu văn học từ ngôn từ đã dần trở nên khá quen thuộc với bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Đã có những thành quả đáng kể của hướng nghiên cứu này, không chỉ ở một số đề tài khoa học công nghệ, bài báo, mà được thể hiện rõ nhất ở nhiều đề tài luận án tiến sĩ đã bảo vệ và chuẩn bị bảo vệ (về ngôn từ nghệ thuật của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Thiệp, Tô Hoài, Ma Văn Kháng), không kể hàng chục luận văn Thạc sĩ cũng về hướng đề tài này. Tiếp cận văn học từ văn hoá và cụ thể hơn, từ nhân học văn hoá cũng là một hướng nghiên cứu có thể góp thêm những khám phá mới về nhiều hiện tượng văn học. Hướng nghiên cứu này hiện cũng đã được một số cán bộ trong tổ bộ môn vận dụng trong việc hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, cả một vài luận án Tiến sĩ. Trong ít năm gần đây, lý thuyết diễn ngôn mới được du nhập vào nước ta và đã nhanh chóng thu hút được một số người nghiên cứu, nhất là trong giới trẻ. Ở tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, lý thuyết diễn ngôn cũng đã bước đầu được tiếp nhận và vận dụng, đem lại thêm một hướng tiếp cận có khả năng nhận thức và lý giải sâu hơn về nhiều hiện tượng văn học. Đã có một vài sinh hoạt khoa học, xeminar trong tổ bộ môn về vấn đề này, và tổ bộ môn đã mạnh dạn đưa vào chương trình các chuyên đề cao học một chuyên đề về diễn ngôn gắn với một trào lưu văn học Việt Nam, do PGS.TS. Trần Văn Toàn phụ trách