Đại học sư phạm nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông
1. TỪ QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐÀO TẠO …
1.1. Quan điểm
- Đại học sư phạm nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông.
Do gắn bó với giáo dục đại học mà đại học sư phạm phải ngang tầm về khoa học cơ bản đối với các trường đại học trong nước, từng bước ngang tầm với khu vực và quốc tế.
Do gắn bó với phổ thông nên cần xác quyết đại học sư phạm là trường đào tạo nghề - nghề đặc thù, hơn nữa là nghề đặc biệt: nghề làm thầy giáo.
Cũng do gắn bó với phổ thông mà đại học sư phạm phải đi trước, đi cùng phổ thông, có nghĩa là đại học sư phạm không đi sau, không lạc hậu với phổ thông, không đi ngược phổ thông. Đại học sư phạm có vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định sự thành bại của giáo dục phổ thông.
- Đổi mới ở đại học sư phạm nằm trong sự đổi mới chung của ngành giáo dục, như ta thường nói “đổi mới căn bản và toàn diện”, chuyển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu cung cấp kiến thức, sang hướng tiếp cận, bồi dưỡng, phát huy năng lực của người học. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý: không có năng lực tự nhiên, tự thân. Năng lực chỉ có thể hình thành trên cơ sở kiến thức.
1.2. Mục tiêu
- Đào tạo những giáo viên có phẩm chất và năng lực để làm công tác giảng dạy:
Về phẩm chất: Đạo đức, nhân cách của người thầy giáo.
Về năng lực: bao gồm cả năng lực khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.
- Đào tạo những cán bộ khoa học từ trình độ đại học đến sau đại học ( thạc sĩ, tiến sĩ ) có đủ năng lực khoa học cơ bản và khoa học sư phạm để làm công tác nghiên cứu.
2… ĐẾN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
2.1. Đổi mới chương trình
- Không nặng về kiến thức cụ thể mà chú trọng kiến thức mang tính vấn đề. Không nặng về hiện tượng văn học mà chú trọng những vấn đề văn học. Phần Văn học không cấu tạo chương trình theo lịch sử văn học như trước đây mà cấu tạo chương trình theo các vấn đề văn học.
- Không nặng về phương pháp hình thành, phát triển kĩ năng mà chú trọng phương pháp hình thành, phát triển năng lực. Chuyển từ kĩ năng sang năng lực không phải là “cuộc chơi” về chữ nghĩa mà thể hiện sự thay đổi quan điểm, nội dung đào tạo. Kĩ năng hình thành trên cơ sở kiến thức và phương pháp đã có, do tập luyện bài bản mà tạo được những thao tác thuần thục trong công việc, hiệu quả với môi trường ổn định. Năng lực hình thành trên cơ sở tiếp thu kiến thức và phương pháp đã có để sáng tạo những tri thức và phương pháp mới, thích ứng và hiệu quả với môi trường thay đổi, năng động. Kĩ năng chỉ là một biểu hiện của năng lực. Thế nhưng trong thực tế, khi xác định năng lực Tiếng Việt / Ngữ văn của người học, có khi ta vẫn chưa vượt ra khỏi mức độ kĩ năng, hoặc vẫn còn lẫn giữa kĩ năng và năng lực.
- Chương trình mang tính liên thông. Liên thông ngang là liên thông với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực ngành và chuyên ngành khoa học. Liên thông ngang còn là liên thông với các trường đại học trong khối ngành sư phạm. Liên thông dọc là liên thông với trường phổ thông các cấp. Nếu chỉ chú ý liên thông ngang sẽ xa rời mục tiêu đào tạo và đặc thù của đại học sư phạm, còn nếu chỉ chú ý mối liên thông dọc sẽ hạn chế khả năng hội nhập của đại học sư phạm.
- Chương trình hướng tới đào tạo theo tín chỉ, từng bước thay đào tạo theo niên chế. Do vậy cần hạn chế ở mức cao nhất những học phần đòi hỏi điều kiện tiên quyết. Chương trình đào tạo của khoa Ngữ văn, nếu phần Văn học cấu tạo theo trục lịch sử văn học, kiến thức sắp xếp theo trật tự thời gian thì kiểu gì cũng khó thoát ra khỏi cách đào tạo theo niên chế, còn cấu tạo chương trình theo các vấn đề văn học thì rất thuận lợi cho đào tạo theo học chế tín chỉ.
2.2. Đổi mới nội dung
2.2.1. Nội dung dạy học mang tính vấn đề hơn là truyền thụ những kiến thức cụ thể.
Nếu dạy học những kiến thức cụ thể thì rất nhiều, mà càng nhiều lại càng thiếu. Bởi kiến thức cụ thể là vô vàn, sự vật hiện tượng lại luôn vận động, biến đổi, phát triển, luôn nảy sinh những kiến thức mới. Nội dung dạy học mang tính vấn đề vừa nắm bản chất, quy luật của đối tượng, vừa khơi gợi những suy nghĩ mới, tạo năng lực giải quyết những vấn đề mới được đặt ra.
Chương trình Ngữ văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã có sự đổi mới theo hướng tăng nội dung dạy học mang tính vấn đề. Ví dụ đối với phần Văn học Việt Nam, ở mỗi thời kì văn học trung đại hay văn học hiện đại đều có học phần Dẫn luận với nội dung khái quát toàn bộ những vấn đề cơ bản nhất của thời kì văn học đó. Tiếp theo là các học phần được tổ chức theo các vấn đề văn học: Hệ thống thể loại và ngôn ngữ văn học; Khuynh hướng văn học và loại hình tác giả. Đối với phần Ngôn ngữ, sau học phần Dẫn luận ngôn ngữ và ngữ âm học tiếng Việt, các học phần cũng được tổ chức theo các vấn đề của ngôn ngữ học: Từ vựng tiếng Việt trong hệ thống và trong sử dụng; Hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt; Phong cách học và ngôn ngữ văn học; Ngữ pháp tiếng Việt từ lý thuyết đến sử dụng. Với phần Lí luận và phương pháp dạy học, sau học phần Lí luận chung về phương pháp dạy học ngữ văn, các học phần được tổ chức theo những vấn đề của phương pháp dạy học phát triển năng lực: Phương pháp phát triển năng lực ngữ văn của học sinh; Phát triển năng lực dạy học ngữ văn.
Việc tổ chức nội dung dạy học theo vấn đề làm cho mỗi học phần là một module, vừa gắn kết trong hệ thống chỉnh thể, vừa có tính chất độc lập, rất thuận lợi đối với dạy học theo tín chỉ.
2.2.2. Nội dung dạy học mang tính liên thông, gắn nghiên cứu với giảng dạy
Trước hết là liên thông với đại học. Không vì đặc thù của đại học sư phạm là gắn với phổ thông mà hạ thấp yêu cầu về khoa học cơ bản. Nghiên cứu tốt để giảng dạy tốt. Nội dung dạy học trong Chương trình Ngữ văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội có thể liên thông với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ trong cả nước.
Gắn nghiên cứu với giảng dạy không những là đặc thù của Đại học sư phạm mà còn giúp người học có năng lực giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Điều này được thể hiện ngay trong tên các học phần: Từ vựng tiếng Việt trong hệ thống và trong sử dụng; Ngữ pháp tiếng Việt từ lý thuyết đến sử dụng; Phát triển năng lực dạy học ngữ văn, hoặc thể hiện trong nội dung các học phần: Phương pháp dạy học văn học trung đại Việt Nam; Phương pháp dạy học, tiếp nhận tác phẩm theo loại hình tác giả văn học trung đại.
Đã là đại học sư phạm thì đương nhiên phải liên thông với phổ thông. Có thể nói “thị trường” lớn nhất của đại học sư phạm là giáo dục phổ thông. Vì vậy nội dung dạy học phải thiết dụng với công việc giảng dạy của người giáo viên sau khi ra trường. Cần phải gạt bỏ kiểu biện luận “suy đến cùng” cái gì chẳng gắn với phổ thông, để không đưa vào nội dung dạy học những kiến thức quá xa rời giáo dục phổ thông. Định hướng liên thông với giáo dục phổ thông thể hiện trong nội dung dạy học ở Chương trình Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội, từ những học phần bắt buộc đến các chuyên đề tự chọn: Phương pháp phát triển năng lực ngữ văn của học sinh; Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường; Tiếng Việt trong nhà trường; Phát triển chương trình ngữ văn nhà trường.
Dạy học theo vấn đề, một trong những vấn đề văn học nổi bật là vấn đề hệ thống thể loại. Điều này có cơ sở từ khoa học cơ bản và từ thực tiễn sư phạm. Về khoa học cơ bản, nói theo M. Bakhtin, thể loại là “nhân vật chính” của tiến trình văn học. Nhà văn viết theo thể loại, tác phẩm không nằm ngoài thể loại. Về thực tiễn sư phạm, chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành đã chuyển từ việc dạy học sinh làm các kiểu bài tập làm văn sang năng lực tạo lập các kiểu văn bản. Mỗi thể loại văn học là một kiểu văn bản, vì vậy dạy học văn học theo thể loại giúp học sinh hình thành năng lực đọc hiểu theo các kiểu văn bản, năng lực lựa chọn cách trình bày theo kiểu văn bản. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khi định hướng xây dựng chương trình môn Tiếng Việt/ Ngữ văn, xác định rõ mục tiêu môn học: giúp học sinh “có thể đọc, viết, nói và nghe các dạng văn bản phổ biến và thiết yếu”, “Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe thông qua các văn bản văn học và văn bản thông tin”, “Văn học giúp học sinh có cơ hội đọc nhiều và đọc sâu hơn các tác phẩm văn học theo loại thể”, “Luyện đọc chủ yếu rèn luyện năng lực đọc hiểu cho học sinh thông qua các loại văn bản văn học và văn bản thông tin khác nhau. Sau khi đọc, học sinh cũng có cơ hội viết về những gì đã đọc. Luyện viết giúp học sinh phát triển năng lực tạo lập các loại văn bản khác nhau, chủ yếu là văn bản thông tin”.
Chính vì xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn sư phạm như đã nêu, nội dung dạy học theo hệ thống thể loại được chú trọng trong Chương trình Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội: Hệ thống thể loại văn học dân gian Việt Nam; Hệ thống thể loại và ngôn ngữ văn học trung đại Việt Nam; Hệ thống thể loại và tác gia tiêu biểu Văn học Việt Nam hiện đại 1900 – 1945; Hệ thống thể loại và tác gia tiêu biểu Văn học Việt Nam hiện đại từ 1945 đến nay; Tác phẩm và thể loại văn học; Minh giải văn bản Hán văn Trung Hoa theo loại thể; Minh giải văn bản Hán văn Việt Nam theo loại thể; Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học châu Á; Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học Tây Âu - Mỹ; Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học Đông Âu – Nga. Tuy nhiên, không nên cực đoan nghĩ rằng chương trình và nội dung dạy học Ngữ văn ở đại học sư phạm được cấu tạo theo hệ thống thể loại văn học. Vẫn cần phải khẳng định: chương trình và nội dung dạy học được tổ chức theo các vấn đề văn học, thay vì dạy học theo các hiện tượng văn học, trong đó thể loại văn học là một vấn đề lớn, nổi bật.
2.3. Đổi mới phương pháp
Trước hết, lí luận và phương pháp dạy học phải gắn liền với khoa học cơ bản. Bộ môn khoa học cơ bản chú ý tới phương pháp dạy học và ngược lại, lí luận và phương pháp dạy học phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra từ khoa học cơ bản. Không phải là sự “lấn sân”, khi ở các học phần, các chuyên đề về khoa học cơ bản lại có những nội dung về phương pháp nghiên cứu và cả phương pháp dạy học: Phương pháp phân tích tác phẩm tự sự dân gian theo típ và mô-típ; Nghiên cứu giảng dạy ca dao theo đặc trưng thể loại; Vấn đề dạy – học tác phẩm tục ngữ, câu đố trong nhà trường hiện nay; Phương pháp dạy học văn học trung đại Việt Nam; Phương pháp dạy học, tiếp nhận tác phẩm theo loại hình tác giả; Phương pháp đọc văn bản văn học trung đại, Phương pháp phân tích nhân vật văn học trung đại; Ngôn ngữ, ngôn ngữ học và định hướng dạy tiếng Việt ở trường phổ thông v.v… Gắn lí luận và phương pháp dạy học với khoa học cơ bản sẽ tránh được tính chất kinh viện và sự hàn lâm thái quá trong cả nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.
Thật sự chú trọng việc bồi dưỡng, phát huy năng lực tự học của học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng để đào tạo theo tín chỉ, có hai điều hết sức quan trọng: tài liệu học tâp (trong đó đặc biệt chú ý hệ thống giáo trình và tài liệu tham khảo), tổ chức việc học tập của sinh viên (trong đó đặc biệt chú ý việc tổ chức sinh viên tự học). Năng lực tự học của sinh viên hình thành qua phương pháp giảng dạy chú ý phát huy tính tích cực của người học, qua những buổi làm bài tập, những buổi seminar trên lớp với thời lượng thích đáng. Năng lực tự học của sinh viên đặc biệt được hình thành qua việc tổ chức hướng dẫn tự học ở nhà. Thực tế cho thấy hiện nay sinh viên rất ít tự học ở nhà, vì vậy việc tổ chức, hướng dẫn sinh viên tự học ở nhà là hết sức cần thiết.
Một trong những khâu đột phá của đổi mới giáo dục và đào tạo là đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Dạy học những kiến thức cụ thể thì cách học là thuộc bài, cách thi là học gì thi nấy, cách đánh giá là so “bản sao” của người học với “nguyên bản” của người thầy. Dạy học theo vấn đề thì cách học là tìm / nắm bản chất, quy luật của vấn đề; cách thi là vận dụng sáng tạo cái bản chất, cái quy luật để phân tích cái hiện tượng, cái cụ thể, để phát hiện, đề xuất cái mới; cách đánh giá là năng lực giải quyết vấn đề chứ không phải là năng lực nhớ và tái hiện kiến thức.
Để xác định chất lượng sản phẩm phải có “chuẩn” kiểm tra, đánh giá. Việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội quy định Chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo bậc đại học, cao đẳng tại trường là điểm nhấn quan trọng trong đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. Chuẩn đầu ra “là cơ sở để các Khoa/ngành đào tạo xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo; tổ chức các hoạt động đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho người học”. Trên cơ sở Chuẩn đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Ngữ văn cần cụ thể hóa Chuẩn đầu ra của khoa, vừa bảo đảm chuẩn chung, vừa mang tính đặc thù của đơn vị đào tạo.
Hà Nội, tháng 12 năm 2015