Thực tiễn dạy văn và học văn hiện này đang phải đối mặt với những thách thức to lớn của tiến trình toàn cầu hóa mà bước đi đầu tiên đã được cụ thể hóa bằng thực tiễn ra đời của Cộng đồng ASEAN vào 31/12/ 2015 này. Thực tiễn đó cũng đặt ra những yêu cầu mới gắn liền với việc đào tạo giáo viên dạy ngữ văn trong các bậc học phổ thông và đại học, nói cách khác là đặc trưng của việc dạy và học ngữ văn trong nhà trường bị đặt trước yêu cầu phải đổi mới, một mặt nhằm xác lập hệ thống tri thức văn học dân tộc trong thời đại hội nhập, tại đó các giá trị văn chương của dân tộc trong dòng chảy giá trị văn chương nhân loại, mà trước hết là trong dòng chảy văn học ASEAN, phải được cụ thể hóa như một đóng góp của dân tộc đối với nhân loại, mặt khác cũng phải tiếp cận và từng bước tiếp nhận giá trị văn chương của các cộng đồng khác trên trên giới...
Thực tiễn dạy văn và học văn hiện này đang phải đối mặt với những thách thức to lớn của tiến trình toàn cầu hóa mà bước đi đầu tiên đã được cụ thể hóa bằng thực tiễn ra đời của Cộng đồng ASEAN vào 31/12/ 2015 này. Thực tiễn đó cũng đặt ra những yêu cầu mới gắn liền với việc đào tạo giáo viên dạy ngữ văn trong các bậc học phổ thông và đại học, nói cách khác là đặc trưng của việc dạy và học ngữ văn trong nhà trường bị đặt trước yêu cầu phải đổi mới, một mặt nhằm xác lập hệ thống tri thức văn học dân tộc trong thời đại hội nhập, tại đó các giá trị văn chương của dân tộc trong dòng chảy giá trị văn chương nhân loại, mà trước hết là trong dòng chảy văn học ASEAN, phải được cụ thể hóa như một đóng góp của dân tộc đối với nhân loại, mặt khác cũng phải tiếp cận và từng bước tiếp nhận giá trị văn chương của các cộng đồng khác trên trên giới, như sự hòa đồng các giá trị nhân văn, như cầu nối hữu nghị giữa các dân tộc, bởi lẽ các nhà văn cũng như các tác phẩm văn chương của các dân tộc là những đại diện ngoại giao không hộ chiếu, kết nối giao lưu và chuyển đạt các thông điệp tình cảm của các dân tộc với nhau. Bài viết này đề xuất hướng tiếp cận tác phẩm văn học trong tính đa hệ thống vừa của bản thân tác phẩm văn học, vừa của yêu cầu toát lên từ bản thân thực tiễn đó, đồng thời cũng đặt tác phẩm văn học trong quan hệ tương tác đa văn hóa của thời đại.
1. Đa hệ thống và đa văn hóa trong kiến tạo tác phẩm văn học
Mọi tác phẩm văn chương đều được tạo ra từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng khi trở thành một tác phẩm đươc coi là hoàn chỉnh thì tất yếu các yếu tố ấy phải tuân thủ và nằm trong nguyên tắc kiến tạo cấu thành hệ thống. Ta có thể xem xét tính chất đa hệ thống của một tác phẩm văn học trước hết nhìn từ góc độ đề tài, được hiểu như là một phạm vi của đời sống xã hội được phản ánh hay chuyển tải vào trong tác phẩm văn chương, theo đó ta có các kiểu đề tài:
1.1. Đề tài mang tính không - thời gian (tiêu biểu cho kiểu đề tài này là phẩn Khảo sát phong tục của H.de Balzac trong Tấn trò đời với các Cảnh đời nông thôn, Cảnh đời thành thị, Cảnh đời quân sự, Cảnh đời chính trị, Cảnh đời tư, Cảnh đời tỉnh lẻ). Kiểu đề tài này tạo ra khả năng liên kết không gian và mở rộng chiều thời gian cho câu chuyện được kể. Kích thước của thiên hà Tấn trò đời được qui định bởi kiểu đề tài này.
1.2. Đề tài theo trục quan hệ xã hội: chủ tớ, tình yêu, tình bạn... Kiểu đề tài này thường là đề tài cụ thể trực tiếp nổi bật trong các tác phẩm riêng lẻ, chẳng hạn với trưởng hợp Tấn trò đời của Balzac, ta có thể xem xét đề tài về tình phụ tử trong Le Père Goriot, đề tài tình yêu trong Eugénie Grandet, đề tài hà tiện trong Gobseck… Các đề tài trong kiểu này, với tính chất chuyên sâu của mỗi tác phẩm, đều làm tăng thêm giá trị nội tại cho Tấn trò đời, làm sâu sắc vấn đề cơ bản được nêu lên trong các tác phẩm đó.
1.3. Đề tài từ cấp độ bản thể luận: thường gặp dưới dạng thức các đề tài về thân phận con người, chủ đề về cái chết và sự sống, sự đối kháng giữa cái vô hạn và cái hữu hạn, giữa có thể và ước muốn, giữa hiện thực và lí tưởng…Tiêu biểu cho kiểu đề tài bản thể luận này là cuộc đấu tranh trưởng cửu giữa cái con và cái người trong một con người. Cuộc vật lộn giữa cái con và cái người được J.V. Goethe miêu tả rất thành công, từ góc nhìn triết học về bản chất con người, trong tác phẩm nổi tiếng Faust của ông. Ở đây, nhân vật Faust, đại diện cho con người tích cực chủ động, nỗ lực vươn lên không ngừng, đối lập với nhân vật Méphistophélès, đại diện cho sức ỳ, sức cản, cho sự tiêu cực, thụ động trong mỗi con người. Tác phẩm kết thúc với việc nhân vật tìm ra chân lí là hành động: hành động vì lợi ích nhân loại, hành động để cải tạo thế giới. Hay câu nói nổi tiếng của Hamlet trong tác phẩm cùng tên của W.Shakespeare: “tồn tại hay không tồn tại – to be or not to be”, cũng thể hiện cuộc chiến giằng co giữa cái con và cái người này, không chỉ một thời mà cho mãi mãi. Những phẩm chất văn hóa này đều có ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại, vì thế: “sống hay không sống” trở thành “Tổ quốc hay là chết” hay “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thường nổi lên khi các dân tộc, cộng đồng hay bản thân mỗi cá nhân bị đặt vào hoàn cảnh hay tình thế đặc biệt hiểm nghèo. Đề tài vỡ mộng trong Ảo tưởng tiêu tan - Illusions perdues của Balzac, hay trong Đỏ và Đen - Le Rouge et le Noire của Stendhal, tương tự, trong Hội chợ phù hoa – Vanity Fair của W.M.Thackeray, và trong các tiểu thuyết hiện sinh chủ nghĩa ở thế kỉ XX...
Xét trong tổng thể, đề tài của tác phẩm dù xét trên bình diện quan hệ xã hội hay trên bình diện bản thể học, khi đặt trong tương quan với không gian-thời gian thì sẽ tạo thành một hệ thống có nguyên tắc cấu thành chặt chẽ, theo đó mỗi tác phẩm đều đảm nhiệm một mắt xích trong hệ thống ấy, biến tác phẩm văn chương trở thành một phạm vi không-thời gian cụ thể, làm nổi bật tính chất địa sinh thái nhân văn của phạm vi xã hội hay cộng đồng được phản ánh. Các đề tài của tác phẩm được lựa chọn hay cách thức lựa chọn đề tài của mỗi tác giả (theo cầu trường mà tác giả đó sẵn có hay cầu trường mà tác giả đó ưa thích) qui định cách thức tổ chức tác phẩm, qui định cách kể. Vì thế cũng về một đề tài ta có thể gặp đề tài đó trong một bài thơ, trong một tác phẩm văn xuôi hay dưới hình thức một vở kịch (có thể thấy rõ điều này qua vở kịch Romeo and Juliet của W.Shakespeare và nguyên tác truyện ngắn cùng tên trong văn học Italie mà tác gia này đã tiếp nhận). Các đề tài mà tác phẩm văn chương mang lại đều thể hiện tính chất đa hệ thống, cụ thể mỗi tác phẩm như vậy ngoài biểu hiện của một dạng đề tài riêng còn mang trong nó những dạng đề tài khác tọa thành một phức hợp đề tài mà thôn qua hệ đề tài đó tác giả xác lập nguyên tắc miêu tả, nguyên tắc tự sự. Đồng thời đây cũng chính là một bình diện để rút ra nguyên tắc giảng dạy tác phẩm văn học.
Thứ hai, là tính chất đa hệ thống của một tác phẩm văn học không dừng ở cấp độ đề tài mà còn được phản ánh trong cấp độ cấu trúc tác phẩm. Mỗi một tác phẩm văn học hoặc được cấu trúc theo trục lịch sử, hoặc được cấu trúc theo trục văn hóa, hoặc kết hợp lịch sử - văn hóa. Ta có:
1. Với các tác phẩm được xây dựng theo cấu trúc lịch sử, thì điều dễ nhận thấy là tính chất tuyến tính của câu chuyện được kể, hay được kết hợp xen kẽ kẽ giữa tuyến tính và phi tuyến tính, tạo ra kiểu đảo chiểu thời gian mà ta có thể thấy trong Odyssée của Homère, trong Ulysse của J.Joice hay trong Đi tìm thời gian đã mất – À la recherche du temps perdu của M.Proust.
2. Với các tác phẩm được cấu trúc theo trục văn hóa, tất yếu sẽ phải tuân thủ nguyên tắc văn hóa của cộng đồng. Vì khái niệm văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng, nên chúng tôi chỉ đưa ra cách hiểu văn hóa như là tổng thể các thành tựu vật chất và tinh thần mà mỗi dân tộc nói chung mỗi con người tự thân nói riêng sáng tạo ra được trong suốt trường kì lịch sử hay trong suốt cuộc đời của cá nhân ấy để tạo thành sự khác biệt với dân tộc khác hay cá nhân khác, để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc hay của mỗi con người, để truyền lại cho các thế hệ nối tiếp của dân tộc ấy hay những người kế tục cá nhân ấy. Xét về phương diện này ta thấy mỗi nền văn hóa mang trong nó các dạng văn hóa khác nhau, bản thân mỗi nền văn hóa của một đất nước đều mang trong nó tính đa văn hóa. Vì thế, tác phẩm văn học của một cộng đồng không nằm ngoài tính chất chung này, nghĩa là trên trục văn hóa, tác phẩm văn học là một hệ thống tổ chức nghệ thuật đa văn hóa, và đương nhiên nó sẽ bao hàm cả tính lịch sử bởi lẽ không có lịch sử nào nằm ngoài văn hóa và cũng không có văn hóa nào không mang tính lịch sử cụ thể cả. Điểu này rất cần thiết cho việc tường minh tác phẩm văn chương, hay nói cách khác là tác động trực tiếp vào việc giảng dạy tác phẩm văn chương theo nguyên tắc giảng dạy giá trị nghệ thuật của tác phẩm thông qua các giá trị văn hóa hay thông qua các giá trị văn hóa làm toát lên giá trị sáng tạo nghệ thuật.
Xét về bản chất, hình thức đa văn hóa là hiện tượng văn hóa mang tính phổ quát, hình thức này được xác lập trong cuộc hành hương trường kì của lịch sử mà trước hết gắn liền với khả năng thực hiện giao tiếp của nhân loại. Trên thực tế, từ khi con người chuyển từ cuộc sống trên cây sang cuộc sống dưới đất, từ con người tự nhiên chuyển thành con người xã hội thì hiện tượng đa văn hóa cũng xuất hiện mà khởi đầu chính là các hình thức cử chỉ trao (échanger)-cho (donner) trong hoạt động lao động cho dù ở mức độ hái lượm săn bắt hoặc các hình thức cao hơn; hay các hành vi giao tiếp bằng ngôn ngữ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, hoạt động chuyển giao văn hóa - hoạt động đầu tiên trong quá trình xác lập tính đa văn hóa - xuất hiện. Khi người ta trao nhau một lời, mang lại cho người khác một từ mới hay một cách hiểu mới, truyền đạt một thông báo hay một tin tức, một nhận xét hay một cách thức biểu cảm bằng lời, thì đó chính là chuyển giao văn hóa. Tính đa văn hóa được khởi đầu như vậy, vì thế hiện tượng đa văn hóa đã xuất hiện từ lâu gắn với sự phát triển của con người xã hội. Tính đa văn hóa làm cho con người càng ngày càng phát triển phong phú về nhận thức về tình cảm, lớn mạnh không chỉ bằng thể chất mà còn lớn mạnh cả về tâm hồn, bởi vì có văn hóa, càng nhiều hiểu biết văn hóa con người càng có niềm tin vào bản ngã của mình. Tính đa văn hóa được kết hợp trong tính đa hệ thống của cấu trúc tác phẩm sẽ tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật, thực sự mang lại những giá trị nhân tính mới bồi đắp cho cuộc sống và tư duy con người.
Trong những khoảnh khắc đầu tiên trong tư cách người, con người nhận thấy cái kì vĩ bao la của tự nhiên, của đất trời và cái kì vĩ bao la ấy trở thành các vị thần linh quyền uy tối thượng. Những hình tượng như Zeus, Poseidon… hay các Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện… ra đời, gắn với sự nhận thức đầu tiên mang tên thần thoại của con người, và đó là sự khái quát hóa văn hóa trên bình diện nghệ thuật. Tiến thêm một bước, con người nhận ra mình “sánh tựa thần linh” thì nhận thức mang tính văn hóa lại được đẩy cao hơn một mức nữa vì văn hóa trong bản chất của nó là cái làm cho con người hoàn thiện và trở nên hoàn thiện, mà sự hoàn thiện đầu tiên là sự nhận thức ra chính mình. Thế chỗ cho hình tượng các thần, là hình tượng những người mở đường cho nhân loại: những Heraclex, Ulysse…xuất hiện; để đến bước cao hơn con người nhận ra chân lí tự khẳng định mình : “tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”- con người trở thành chủ thể có tư duy, có suy nghĩ độc lập có khả năng giải quyết mọi vấn đề và trên cơ sở đó Robinson Crusoe, trong tác phẩm Cuộc đời và sự cuộc phiêu lưu kì lạ của Robinson Crusoe của D.Defoe, đã xây dựng nên vương quốc đảo hoang, nơi không có nhà thờ, không có các thể chế phong kiến ràng buộc, nơi con người tự nó quyết định hạnh phúc của chính nó. Khả năng văn hóa của con người lớn mạnh nhờ năng lực trí tuệ đồng thời cũng mang trong nó tính đa văn hóa mà nó trải nghiệm và tích lũy được trong thực tiễn. Lịch sử văn chương cũng không thiếu những dẫn chứng, bởi lẽ văn học là kết tinh cao nhất của văn hóa, cho nên văn học không nằm ngoài lịch sử văn hóa nhân loại mà văn học góp phần hoàn thiện nhân loại qua những hình tượng điển hình hay những câu chuyện về cuộc đời cá nhân như hình mẫu – archetype của mỗi nền văn học.
3. Như vậy, tác phẩm văn học khi được xem xét trên bình diện cấu trúc như một hình thức tổ chức nghệ thuật mang tính hệ thống cung cấp cho ta những giá trị cơ bản về mặt văn hóa và lịch sử của một dân tộc, một cộng đồng, cho ta nhận dạng bản chất của tiến trình phát triển tiến hóa theo chiều tiến bộ đi từ cái con lên cái người, đi từ con người tự nhiên đến con người xã hội và từng bước hoàn thiện tính chất xã hội của mình. Kết hợp cả bình diện cấu trúc và bình diện đề tài, ta sẽ thấy sự hiện diện của cách thức tổ chức và chọn lựa nhân vật trong tác phẩm văn chương. Ở đây, mỗi nhân vật văn học được cụ thể hóa thành một con người trong tư cách chủ thể đa văn hóa, được kết tinh từ cội nguồn văn hóa, từ văn hóa gia đình cộng thêm văn hóa dòng họ mà các văn hóa này không tách rời văn hóa làng xã, hạt nhân để tạo ra văn hóa vùng miền, và cao hơn là văn hóa dân tộc, văn hóa cộng đồng, văn hóa của một quốc gia mà đỉnh cao là văn hóa toàn cầu hóa trong đó vấn đề nhân quyền, dân quyền, quyền được sống, quyền được làm người, quyền được bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau về mặt biên giới lãnh thổ…trở thành nguyên tắc. Tất cả tạo nên một thế giới văn hóa đa sắc màu, trong đó, mỗi con người tự nó hoàn thiện văn hóa cá nhân của nó trên bình diện trí tuệ, nhân cách, lối sống, phương thức ứng xử…Một nền văn hóa phát triển là một nền văn hóa mà ở đó, mỗi con người đều có nhân cách cao đẹp của nó, mà quá trình hoàn thiện nhân cách văn hóa này là quá trình đấu tranh trường kì giữa cái con, hiểu theo nghĩa là con người bản năng, thú tính, nơi tính ác nổi trội; và cái người, hiểu theo nghĩa là con người hoàn thiện, có tính nhân văn cao, có phẩm chất tốt, ở đó tính thiện chiếm ưu thế, trong mỗi con người, theo nguyên tắc bao giờ cái con lớn lên thì cái người bé đi. Lịch sử mỗi danh nhân, mỗi gia đình, dòng họ…đều cho thấy điều này và tạo nên một hình thức chuyển giao văn hóa rất đáng trân trọng, vì thế tác phẩm văn học của các dân tộc chính là sự chuyển tải các thông điệp văn hóa giữa các dân tộc.
Thứ ba, là tính chất đa hệ thống của một tác phẩm văn chương còn được thể hiện ra từ cấp độ ngữ nghĩa xét trên bình diện kí hiệu học văn hóa. Ta có:
1. Trước hết, là từ cấp độ biểu trưng- huyền thoại hiện hình trong cách thức tổ chức văn bản văn học, theo đó, mỗi văn bản văn học là một huyền thoại mang tính chất biểu trưng cho một quan niệm sống, cho một quan niệm thẩm mỹ hay một trải nghiệm hiện sinh nào đó. Cấp độ biểu trưng huyền thoại sẽ là cấp độ tạo nghĩa, hiểu theo cách thức mỗi tác phẩm văn học nói chung đều mang tính chất của một cá biểu đạt để hướng tới một hay nhiều giá trị được biểu đạt tùy thuộc quan niệm nhân sinh của mỗi dân tộc hay mỗi cá nhân tác giả. Bản thân cấp độ biểu trưng huyền thoại này cũng mang tính chất đa hệ thống gắn liền với đặc trưng đa văn hóa của tác phẩm văn học. Tính chất này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu ta sử dụng hệ thuật ngữ của nhà xã hội học và tương lai học Alvin Toffler với ẩn dụ “đợt sóng” (hay “làn sóng” tùy theo từng dịch giả) nổi tiếng, đưa ra trong cuốn Đợt sóng thứ ba-The Third Wave.
Đợt sóng thứ nhất gắn liền với cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra cách đây khoảng 8.000 năm. Cuộc cách mạng này chấm dứt lối sống theo từng nhóm nhỏ kiểu bộ lạc, thị tộc, lối sống lang thang du canh du cư theo phương thức hái lượm hay săn bắt, nuôi thả, để chuyển sang lối sống định canh định cư theo đó ruộng đất trở thành cơ sở của kinh tế, chính trị, văn hóa, qui định tính chất của văn hóa gia đình, dòng họ…Làng xã trở thành đơn vị hành chính-xã hội quan trọng tới mức “phép vua thua lệ làng”. Mô thức văn hóa qui tụ vào gia đình theo nguyên tắc “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Các hình tượng của thần thoại vốn gắn với cơ chế thị tộc, bộ lạc không bị mất đi mà vẫn là một vốn liếng văn hóa được chuyển đổi vào truyền thuyết, cổ tích…với những hình tượng kì vĩ, với dấu ấn của thần linh ma quỷ… trong đợt sóng cách mạng nông nghiệp này. Các hình thức văn hóa thể hiện dưới dạng kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống gia đình, cộng đồng theo tôn ti trật tự… ngày càng được hoàn thiện, mà về phương diện này thì đỉnh cao chính là văn hóa Nho giáo – mà giá trị thực tiễn của nền văn hóa này cho đến nay vẫn còn được khẳng định - gắn liền với tên tuổi của Khổng Khâu tức Khổng Tử (551-479 TCN) để hoàn thiện con người và xã hội.
Giai đoạn hiện nay là kết quả của đợt sóng thứ hai như cách gọi của Alvin Toffler mà đặc điểm của nó gắn với cầu trường kĩ thuật (téchnosphère – còn được dịch là kỹ quyển), nơi thể hiện tính ưu việt của kĩ thuật và công nghệ, là thời kì tạo ra các máy công cụ, qui định bộ mặt phát triển kinh tế toàn cầu, dẫn tới sự ra đời của cầu trường xã hội (sociosphère- còn dịch là xã quyển) với những thay đổi căn bản: nhà máy thay cho ruộng đất, tính chuyên môn hóa cao hơn; các nhà trẻ, nhà dưỡng lão và trường học cũng phát triển, phù hợp với yêu cầu của tính chuyên môn hóa nặng chất kĩ thuật hay công nghệ. Nền giáo dục gắn liền với yêu cầu đào tạo ra các nhà chuyên môn phù hợp với các công đoạn của dây chuyền sản xuất công nghiệp, các công ty trách nhiệm hữu hạn cũng theo nhau ra đời …Tất cả đều là sản phẩm văn hóa của một thời đại, phục vụ cho mục tiêu của thời đại và tạo ra những tính chất mới làm thay đổi diện mạo nhân loại. Bài toán văn hóa nói chung, bài toán đa văn hóa nói riêng được đặt ra cấp bách hơn liên quan vì cơ chế thị trường tự do đang trở thành qui mô toàn cầu. Bản thân mỗi con người đều được phân đôi vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng, gắn với hai hoạt động cơ bản: hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu thụ. Tính chất người sản xuất-người tiêu dùng trong đợt sóng thứ hai khác căn bản với hình thức sản xuất tự cung tự cấp của đợt sóng thứ nhất. Đó là, trong cầu trường kỹ thuật và cầu trường xã hội, không ai còn có thể tự cung tự cấp được. Sự lệ thuộc vào nhau, sự lệ thuộc giữa con người và con người là điều kiện cơ bản để tồn tại. Cầu trường kỹ thuật tách con người sản xuất ra khỏi con người tiêu dùng. Nền văn hóa trong cầu trường này cũng không nằm ngoài qui luật đó. Xã hội biến thành một Tấn trò đời như cách gọi của H.Balzac, ở đó, đồng tiền qui định tất cả mọi thang bậc xã hội, định giá các nhân phẩm xã hội, nơi diễn ra các tấn bi kịch của cái thường ngày. “Nền kinh tế hợp nhất của đợt sóng thứ nhất đã biến thành nền kinh tế bị phân đôi trong đợt sóng thứ hai. Các hậu quả của sự phân đôi ấy là rất to lớn, trên nhiều mặt chính trị, văn hóa, đến tinh thần, đến nhân cách của con người. Sự tách rời đó sản sinh ra một nền văn minh ham muốn tiền bạc, người mua bán và tính toán nhất trong lịch sử. Các mối quan hệ cá nhân, gia đình, tình yêu, tình bạn, các quan hệ xóm giềng và cộng đồng, tất cả đều bị nhuốm màu hoặc bị hư hỏng vì lợi ích của bản thân sự mua bán” (1, 14-15). Nhân phẩm bị xuống cấp, nhân cách bị hạ giá như lời giáo huấn của Vautrin cho Rastignac: “Làm giàu nhanh chóng là bài toán mà năm vạn chàng trai đều ở trong hoàn cảnh như cậu lúc này đương lăm le giải quyết. Cậu là một đơn vị trong số đó. Cậu thử tính xem phải cố gắng đến mức nào, và cuộc vật lộn sẽ gay go đến mức nào. Các cậu sẽ phải thịt lẫn nhau như những con nhện trong một cái bình, vì lẽ đâu có năm vạn chỗ béo bở. Cậu biết ở đây người ta tiến thân bằng cách nào không? Bằng thiên tài lừng lẫy, hoặc bằng sự đồi bại khôn khéo. Phải lao vào cái khối đông người ấy như môt viên đạn trái phá, hoặc len lỏi vào đó như một bệnh ôn dịch. Người ta khuất thân dưới uy lực của thiên tài, người ta thù ghét nó, người ta tìm cách vu khống nó vì nó vơ vét hết chẳng để phần ai; nhưng người ta cứ chịu khuất thân nếu nó vẫn tồn tại, tóm lại, người ta quỳ gối tôn thờ nó, khi chưa chôn vùi được nó dưới bùn đen. Sự đồi bại đang phát triển, tài năng thì hiếm hoi. Như vậy, sự đồi bại là vũ khí của kẻ hèn đang đẫy rẫy và cậu sẽ cảm thấy mũi nhọn của nó ở khắp nơi…” (2, 130-131).
Tính đa văn hóa được chuyển tải nhờ tính liên văn bản, bởi lẽ văn hóa, khi kết tinh thành tinh hoa chân lí, mang trong nó tính chất liên văn hóa, xuyên văn hóa. Nó mặc nhiên đi vào các nền văn hóa khác nhau, trở thành tài sản riêng của các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, ai cũng biết là trong ngôn ngữ Việt, hệ từ vững Hán-Việt chiếm ưu thế, hay, con chữ của người Việt đang dùng hàng ngày hiện nay là con chữ latinh và được gọi một cách trân trọng là “chữ quốc ngữ”. Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác, mà ta chỉ cần mở một cuốn từ điển hai thứ tiếng như từ điển Anh-Pháp, Pháp –Đức, Pháp – Italia…thì ta thấy vốn từ vững chung ở đây là rất lớn. Đấy chính là hiện tượng đa văn hóa. Hiện tượng đa văn hóa này còn thể hiện ngay trong tiểu sử của các nhà văn. Chẳng hạn, nhà văn Franz Kafka, một đại diện nổi tiếng của văn chương thế kỉ XX. Ông là người Do Thái, sống và lập nghiệp ở Tiệp Khắc cũ và ông viết văn bằng tiếng Đức. Tác phẩm Vụ án của ông xuất bản năm 1924 đã đưa ra dự báo kinh hoàng về một châu Âu dưới gót giày Đức quốc xã, hiện hình sau cuốn tiểu thuyết này mười năm. Hay Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ, người đã tạo ra cơn bão táp trên đại dương văn học thế kỉ XX, người đã “Giã từ vũ khí” năm 1929, để gióng lên tiếng “Chuông nguyện hồn ai” năm 1940, để quay về tự vấn bản thân qua cuộc đối thoại giữa cái hữu hạn và cái vô hạn trong Ông già và Biển cả (1952) cũng là một nhà văn đa văn hóa…Nhà toán học Charles Lutwidgson Dogson trở thành nhà viết tiểu thuyết viễn tưởng với bút danh nổi tiếng Lewid Carroll. Bằng tri thức toán học kết hợp với văn hóa Ki-tô giáo, ông đã tạo ra một tác phẩm có sức hấp dẫn thiếu nhi toàn cầu, cuốn Alice’s Adeventures in Wonderland – Những cuộc phiêu lưu của Alice trong xứ sở diệu kì (1865)… Những nhà văn đa văn hóa như vậy đều góp phần chuyển tải văn hóa của cộng đồng này sang một cộng đồng khác, họ là những nhà ngoại giao không hộ chiếu giúp kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Vì thế, đọc tác phẩm văn học dân tộc mình hay của các dân tộc khác thì trước tiên không phải là để xem người ta kể chuyện gì, hay người ta kể chuyện đó như thế nào mà quan trọng là tác phẩm đó chuyển tới cho ta thông điệp văn hóa loại gì, phẩm chất văn hóa mà tác phẩm đó mang lại là gì.
Nhưng văn hóa nào cũng phải qui về con người, vì không có văn hóa phi con người. Giá trị của tác phẩm văn chương chính là giá trị nhân tính hay giá trị mang tính người hiện hình hay được nhấn mạnh trong tác phẩm. Những giá trị mà tác phẩm văn chương mang lại chính là những tài sản mang tính chất đa văn hóa bởi giao lưu tiếp biến, bởi sự tồn sinh của con người, vì sự bền vững của cuộc sống và vì sự bình yên của trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại. Tuy nhiên, văn hóa cũng là sản phẩm mang tính lịch sử-cụ thể, cho nên việc tiếp thu văn hóa nói chung, việc giảng dạy tác phẩm văn chương nói riêng cũng phải quan tâm tới phương diện này; cũng như vậy, văn hóa của các dân tộc khác nhau đều khác nhau, nếu không khác nhau về văn hóa thì dân tộc cũng không còn. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là tự thủ tiêu dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là góp phần tạo ra tính đa văn hóa và sự phát triển đa văn hóa. Bởi vì, tính đa văn hóa là thuộc tính phổ quát của đời sống nhân loại mà văn học là kết tinh cao nhất của tính đa văn hóa ấy.
Tính đa văn hóa trong cầu trường kỹ thuật và cầu trường xã hội gắn liền với sáu nguyên tắc của đợt sóng thứ hai. Thứ nhất là tiêu chuẩn hóa, mà từ lĩnh vực này xuất hiện hàng loạt giáo trình tiêu chuẩn hóa, trở thành các tín chỉ bắt buộc cho một loại văn bằng; kết hợp với hệ thống thông tin chỉ định hình trên một loại tin tức, các công trình kiến trúc hay qui hoach đô thị cũng na ná như nhau, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu hóa. Thứ hai là chuyên môn hóa, mà sự chuyên môn hóa này dẫn con người tới chỗ chỉ biết một vài thao tác trong một dây chuyền hay công đoạn sản xuất. Cả xã hội đều được chuyên môn hóa, tạo ra sự lệ thuộc vào nhau một cách chặt chẽ, bởi nếu một công đoạn bị nghẽn thì cả dây chuyền sản xuất bị nghẽn. Thứ ba là đồng bộ hóa, nghĩa là con người phải hoạt động theo nhịp máy móc mà nhịp máy móc thì không có sai lạc mà chính xác vô cùng. Mọi hoạt động mang tính văn hóa của con người không vượt ra ngoài tính đồng bộ này. Thứ tư là sự tích tụ, gắn liền với sự ra đời của các tập đoàn liên quốc gia, xuyên quốc gia với tính chất độc quyền tuyệt đối, mọi qui định về giá cả đều phụ thuộc vào các tập đoàn này, các đô thị lớn ra đời với những khu chung cư cao tầng đủ loại khiến cho văn hóa trong quá trình vận động của nó cũng biến thành đa văn hóa bởi sự giao tiếp giữa người và người đã được mở rộng vô cùng. Thứ năm là cực đại hóa gắn liền với bệnh nghiện cái to: những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, những chiếc câu lớn nhất thế giới hay lớn nhất khu vực, những khu công nghiệp qui mô lớn và tập trung…Sở dĩ như vậy là vì cái “to” gắn liền với “cái hiệu lực” mà thực tế đã chứng minh điều này và vì thế những nước có nền kinh tế phát triển cao thường tập trung phát triển văn hóa nghe nhìn, chẳng hạn như phim trường Hollywood hay nền điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc…Đây cũng chính là hiện tượng giao thoa văn hóa trong thời kì hiện nay, mà một mặt, nó quảng bá cho văn hóa một dân tộc, mặt khác, nó cũng bóp chết văn hóa của dân tộc khác nếu dân tộc đó không theo kịp hay không phát triển, vì nó tạo ra thị hiếu tiêu dung tác động và hình thành văn hóa tiêu dùng. Cuối cùng là tập trung hóa trước hết là trong sản xuất kéo theo hàng loạt sự tập trung hóa ở các lĩnh vực khác, qui định diện mạo văn hóa thời đại.
Như vậy, tính chất cơ bản của văn hóa nói chung của đa văn hóa nói riêng trong thời kì hiện tại đều gắn liền với sáu nguyên tắc của cầu trường kỹ thuật và cầu trường xã hội này. Tính đa văn hóa không còn giản đơn như ở thời kì cách mạng nông nghiệp nữa mà tính đa văn hóa này cũng mang thêm tính chất đa chiều, với sự biến đổi nhanh chóng, biến đổi để thích nghi và biến đổi để tồn tại mà có thể thấy xuất hiện nhiều lối viết, nhiều hình thức kể chuyện mới mẻ trên văn đàn hay làm thay đổi thị hiếu cảm thụ nghệ thuật, thị hiếu cảm thụ văn chương, chẳng hạn người đọc cảm thấy không còn thích thú với lối kể mà ở đó nhà văn đóng vai “Thượng đế biết hết mọi chuyện” hay lối kể chuyện theo điểm nhìn toàn tri, thay vào đó là cách kể mà độc giả được quyền tham dự, bằng lối kể nhiều điểm nhìn…Với lối kể theo điểm nhìn toàn tri, một câu chuyện có thể tóm tắt lại được, còn trong lối kể đa điểm nhìn, câu chuyện trở thành các mảnh vỡ không thể nào liên kết lại để tóm tắt câu chuyện. Thị hiếu văn chương, do đó, cũng khác đi, đồng nghĩa với thị hiểu văn hóa cũng đổi khác, tính đa văn hóa nhiều hơn. Tính đa văn hóa trở thành chìa khóa để giải mã các tác phẩm văn học nghệ thuật, để giải thích các hiện tượng văn hóa trong đời sống đương đại.
Thời kì hiện nay, ngoài sự chi phối của cầu trường kỹ thuật và cầu trường xã hội thì còn có một cầu trường khác cũng tác động mạnh mẽ vào việc hình thành tính chất đa văn hóa và cũng tác động không nhỏ đến mỗi nền văn hóa. Đó là cầu trường thông tin (infosphère –còn được dịch là thông tin quyển). Sự bùng nổ của thông tin đã mở rộng khả năng giao tiếp của con người, khoảng cách không gian giữa con người và con người bị thu hẹp lại, nhưng cũng đủ loại thông tin, giả có thật có, giật gân có, đe dọa có…Trong ảnh hưởng của tính đa cầu trường này, con người không thể không bị ảnh hưởng, mà trước hết là căn bệnh stress trở thành phổ biến: con người bị đặt trước áp lực công việc, bị đặt vào tâm thế lo âu trước nạn ô nhiễm toàn cầu…Ý nghĩa của cuộc sống hay bản chất của sự tồn tại nhân tính luôn luôn bị đặt lại, vấn đề thân phận con người được đặt ra và kéo dài từ chủ nghĩa hiện sinh và văn học hiện sinh chủ nghĩa sang kịch phi lý và vẫn đang là vấn đề thời sự văn học, bởi sự tiếp nối của chủ nghĩa hậu hiện đại, trường phái thẳng thừng bác bỏ ba đại tự sự: đại tự sự về huyền thoại con người, đại tự sự về năng lực trí tuệ của con người và đại tự sự về khả năng vô hạn của khoa học. Văn học phương Tây thế kỉ XX đã không ít lần ca ngợi những “con người nổi loạn” –l’homme qui révolte, như ta thấy đậm nét trong tác phẩm của Albert Camus. Tất cả những điều này cho thấy tính chất không bình yên của cuộc sống. Thực tiễn đời sống xã hội phương Tây cũng cho thấy rõ điều này: số người tự tử nhiều hơn, số người sống độc thân nhiều hơn – mà thông tin về sô đàn ông Nhật Bản ở tuổi ba mươi chưa yêu và chưa quan hệ tình dục là một dẫn chứng-, con người hoang mang nhiều hơn…Trong bối cảnh đó, con người đi tìm niềm tin ở các tôn giáo, như là tìm kiếm một sự an ủi, bởi lẽ cả Ki-tô giáo lẫn Phật giáo đều cổ vũ cho lòng từ bi bác ái, cổ vũ và hoan hỉ cho các việc từ thiện, tốt lành và tránh cho con người khỏi rơi vào vực thẳm cô đơn, đồng thời cũng giữ con người trong khuôn khổ. Con người đi vào hướng này là đi vào cầu trường tâm linh hay “bầu khí quyển tâm lí” (1, 599) như cách gọi của Alvin Toffler. Nói cách khác, con người trong thời kì hiện nay đang nỗ lực để duy trì và phát triển, mà trong hoàn cảnh đó, tính chất đa văn hóa là cứu cảnh tất yếu, bởi tính đa văn hóa sẽ giúp con người vượt thoát khỏi ám ảnh về cái cô đơn, khỏi những hoảng loạn về tinh thần mà ngoại cảnh đưa lại.
Tóm lại, mỗi tác phẩm văn chương đích thực, trong bước đường kiến tạo của nó, đều mang tính chất đa hệ thống hàm chứa một nội dung đa văn hóa gắn liền với văn hóa dân tộc văn hóa thời đại và văn hóa của bản thân tác giả thu nhận được trong trải nghiệm thực tiễn. Hai tính chất này qui định hình thức và nội dung của tác phẩm nghệ thuật nói chung, của tác phẩm văn học nói riêng và đồng thời cũng là cửa mở cho cách thức giảng dạy tác phẩm văn chương, theo đó, việc giảng dạy tác phẩm văn chương trở thành cách thức kết hợp nhằm giải kiến tạo, để tháo gỡ dần theo các bước mà mỗi tác phẩm văn chương đã được tạo dựng, mà sau các bước giải kiến tạo là sự đồng qui hợp chiếu toàn bộ các thao tác để thông qua đó thấy được năng lực sáng tạo của tác giả cũng như các giá trị nghệ thuật được sáng tạo của tác phẩm, nhận diện được thông điệp nhân văn mà mỗi dân tộc gửi gắm vào trong tác phẩm văn chương đó. Việc giải kiến tạo trong hình thức giảng dạy văn chương không tách rời việc tiếp cân hay tiếp nhận những mô hình lí thuyết trong lĩnh vực này.
I. Tiếp cận và tiếp nhận các lí thuyết giải kiến tạo văn chương
Như đã nói, tác phẩm văn chương là sản phẩm tinh thần mang tính nghệ thuật thể hiện qua sự kết hợp đa hệ thống và đa văn hóa được thực iện bởi tài hoa nghệ sĩ của các dân tộc. Vì thế, trong suốt trường kì lịch sử của nhân loại, bao gồm cả lịch sử phát triển của văn chương, việc tìm hiểu các giá trị nghệ thuật cũng như tìm hiểu bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật luôn đồng hành với việc kiến tạo tác phẩm, dẫn tới sự ra đời của các lí thuyết văn học khác nhau gắn với mỗi thời đại văn học khác nhau, như là những mốc điểm trên con đường phát triển của nghệ thuật. Các lí thuyết nhận diện văn chương hay giải kiến tạo văn chương đều bắt nguồn từ thực tiễn văn chương, từ nhu cầu lí giải các hiện tượng văn chương và trở lại góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn chương thông qua việc cổ vũ cho các sáng tạo nghệ thuật đihs thực, giàu tính nhân văn và có tác dụng hoàn thiện con người.
Lịch sử của các nền văn học lớn đã từng tồn tại, cho thấy điều đó, chẳng hạn Nghệ thuật thơ ca của Aristote gắn liền với thời đại hoàng kim của bi kịch Hi Lạp, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp gắn với một thời phồn thịnh của văn học Trung Hoa,…Các lí thuyết về xã hội học văn học, các phương pháp phê bình kiểu phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve, hay Hippolyte Taine đi tìm “chức năng tâm lí chủ đạo”, hoặc Ferdinant Brunetière kiến tạo “hệ thống phân loại tác phẩm văn chương” của người sáng tác, và đạt đỉnh cao nhất ở đầu thế kỉ XX với Gustave Lanson qua hình thức phê bình “chính xác và nghiêm nhặt, với cách sắp đặt tỉ mỉ” (4) . Sang thế kỉ XX, và cho đến tận bây giờ, các mô hình lí thuyết nhân diện và giải kiến tạo văn học không ngừng phát triển và hoàn thiện và được tiếp nhận rộng rãi trong giới nghiện cứu Việt Nam hiện nay mà trước hết là các lí thuyết về ngôn ngữ của F.de Saussure, Hjemslev, Martinet…; các lí thuyết về đối thoại của M.Bakhtine, các mô hình liên văn bản của J.Kristéva, hay lí thuyết về kí hiệu học ngôn ngữ của R.Barthes, của Greimas, của P.Hamon,…Bảng danh sách này còn có thể kéo dài hơn nữa tùy thuộc sự tiếp nhận của từng cá nhân, nhưng đều cho thấy các học giả phương Tây hết sức quan tâm tới nghệ thuật sáng tạo ngôn từ và trong thực tiễn những thành tựu nghiên cứu mà họ đạt được quả thật là vô cùng to lớn, mở ra nhiều con đường lí giải tác phẩm văn chương và góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu văn học ở nước ta, mở rộng con đường tiếp nhận và giảng dạy tác phẩm văn học, bước đầu khắc phục được những hạn chế trong nhiều nghiên cứu trước đó. Phương pháp nghiên cứu xã hội học đích thực gắn liền với chuyên luận Hônôrê đơ Bandắc - một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực của nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục, các công trình giới thiều và vận dụng lí thuyết thi pháp học khởi dầu trong thập niên 80 của các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Hoàng Trinh…đã làm cho bộ mặt nghiên cứu văn học khởi sắc và đương nhiên cũng mang lại những giá trị thực tiễn góp phần đổi mới cách thức giảng dạy tác phẩm văn học trong nhà trường. Tính chất đa hệ thống và đa văn hóa trong tác phẩm văn học cũng theo đó mà được khẳng định như những giá trị tự thân của tác phẩm văn chương.
Từ đó, việc giải kiến tạo tác phẩm văn chương hay việc giảng dạy tác phẩm văn chương trở thành hình thức giải mã tác phẩm văn học mà trong đó mã văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập chân giá trị cho tác phẩm. Việc giải mã tác phẩm văn học không tách rời lĩnh vực hay khung lí thuyết của kí hiệu học văn học, nói cách khác là việc giảng dạy tác phẩm văn học hiện này và trong thời gian tới chính là sự kết hợp đa chiều của nhiều lí thuyết nhằm chỉ ra vai trò và tính chất đa hệ thống và giá trị đa văn hóa của một tác phẩm văn học, vừa trên bình diện kí hiệu học, theo đó, mỗi từ ngữ, mỗi đơn vị cấu thành tác phẩm là một kí hiệu có khả năng tạo nghĩa, thực hiện chức năng biểu đạt nghĩa, hiện hình thành các giá trị biểu trưng hay huyền thoại, hiện hình thành các thông điệp mang tính nghệ thuật cao để chuyển đạt các nội dung nhân tính phục vụ cho việc hoàn thiện con người. Như vậy, việc tiếp cận hay tiếp nhận cáu mô hihf lí thuyết văn chương cũng là cong việc hết sức thiết thực và cần thiết cho việc mở rộng nghiên cứu trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh sự cảm thông văn hóa trong sự tiếp nhận các lí thuyết hau tác phẩm văn học, cũng cần nói đến sự phá vỡ chuẩn mực văn hóa một cách vô nguyên tắc. Đó là một quan niệm thường được sử dụng trong các trường hợp phá vỡ chuẩn mực cộng đồng như là một kiểu bênh vực quyền tự do cá nhân và cá tính của con người. Về quyền tự do của con người thường được viện dẫn khá nhiều lí thuyết ngoại lai mà không mấy ai hiểu tường tận các lí thuyết đó, bởi vì người ta thường quên đi một điều là mọi khái niệm được hiểu như là các qui tắc qui định hành trạng của con người đều có tính lịch sử cụ thể của nó và điều đó có nghĩa là không thể bê nguyên xi hay nhập cảnh nguyên chiếc các lí thuyết đó. Vì có tính lịch sử cụ thể nên khó có thể vận dụng nguyên xi, cả gói một lí thuyết ngoại lai. Điều này cha ông chúng ta đã vận dụng rất hay và uyển chuyển, thể hiện khá rõ trong cách tiếp thu Nho giáo của người Việt mà hệ quả là tạo ra một kiểu Nho giáo khác: Nho Việt khác nhiều với Nho giáo Trung Hoa của Khổng Tử.
Sự phá vỡ chuẩn mực văn hóa một cách vô nguyên tắc dẫn tới sự phá vỡ văn hóa dân tộc, mà trước hết là văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ. Văn hóa nhà hình ống thay thế văn hóa nhà dài- văn hóa nhà rông với những hậu quả mà ta đã chứng kiến, nhưng làm thế nào để vừa chấp nhận môi trường sinh hoạt hình ống vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, nhằm tạo ra tính đa văn hóa là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Về cá tính của con người nói chung, cá tính sáng tạo của người sáng tạo nói riêng cũng vậy, khái niệm cá tính chỉ được hiểu và thường được hiểu giản đơn là tính cách của con người. Người có cá tính nên được hiểu từ khía cạnh văn hóa và đa văn hóa là người biết yêu người và biết yêu mình và hiểu như thế sẽ hình dung cụ thể hơn văn hóa của con người và con người có văn hóa. Mỗi con người có văn hóa tự nó sẽ góp phần làm cho tính đa văn hóa càng ngày càng phong phú và con người càng ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, thành Con người viết hoa. Đây cũng là vấn đề mà thực tiễn giảng dạy cần quan tâm như một định hướng, bởi lẽ giảng dạy tác phẩm văn học từ trước tới nay và từ nay trở về sau không phải là giảng hay kể lại một câu chuyện ma là làm nổi bật, là ddnhj vị trong lòng người học người nghe bản thông điệp nhân văn được lồng ghép một cách nghệ thuật trong tính đa hệ thống và đa văn hóa của tác phẩm văn chương đó. Vì thế, cho dù là lí thuyết nào đi nữa mà lí thuyết đó không mang giá trị người thì bản thân lí thuyết ấy cũng không có giá trị.
Như vậy sự tồn tại hiện nay của thế giới là tồn tại đa văn hóa, tồn tại toàn cầu hóa chính là tồn tại đa văn hóa. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để tồn tại đa văn hóa trong toàn cầu hóa đa văn hóa ấy. Câu trả lời là khá dễ dàng, đó là không đánh mất mình. Bởi lẽ, vì chỉ có một thế giới chung nên mỗi người nói riêng, mỗi dân tộc nói chung mang vào thế giới ấy cái văn hóa của mình, có như thế thì thế giới mới trở thành đa văn hóa được. Cho nên giữ gìn bản sắc dân tộc là điều kiện cần thiết để gia nhập vào toàn cầu hóa văn hóa. Đây chính là nguyên tắc giảng dạy văn chương trong thời đại toàn cầu hóa, nhằm tạo ra một sự cảm thông văn hóa giữa các dân tộc như một điều kiện để tham nhập và bảo tồn trong toàn cầu hóa văn hóa. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa của riêng nó, mà nền văn hóa này tạo ra bản sắc độc đáo, không lẫn được, cho dân tộc đó. Mỗi dân tộc đều sống trong một môi trường tự nhiên khác nhau, đương nhiên sản phẩm văn hóa cũng khác nhau mà không thể nói sản phẩm văn hóa nào hơn sản phẩm văn hóa nào. Chùa Một cột cũng kì vĩ như là Tử cấm thành hay như nhiều di sản văn hóa thế giới khác. Bởi bất kì sản phẩm văn hóa của bất cứ dân tộc thì đều cũng là sản phẩm văn hóa của một dân tộc, mang đặc trưng dân tộc và là sản phẩm mà dân tộc đó góp cho thế giới. Sự cảm thông văn hóa ở đây chính là sự trân trọng sản phẩm văn hóa của nhau, là sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa của nhau, và đây cũng là điệu kiện để tính chất đa văn hóa phát triển. Chúng ta trân trọng và khâm phục Ngài phó tổng thống Hoa Kì đã mượn các câu thơ: “Trời còn để đến hôm nay,/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” từ Truyện Kiều của Nguyễn Du trong buổi đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi vì ta biết “Truyện Kiều còn, nước ta còn” như học giả Phạm Quỳnh đã nhận định trước đó gần cả thế kỉ. Đây chính là vấn đề cảm thông văn hóa để tạo ra tính đa văn hóa, cũng như vậy, chúng ta, biết tới Lý Bạch, Đỗ Phủ…không chỉ là những nhà thơ kiệt xuất đời Đường mà còn là những nhà văn hóa lớn của dân tộc Trung Hoa. Sự hiểu biết về văn hóa sẽ tạo ra tính chất đa văn hóa để từ đó, trên cơ sở cảm thông văn hóa, nhân loại xích lại gần nhau hơn, để đối thoại thay cho đối đầu, để tiền sản xuất vũ khí trở thành nguồn phúc lợi mang về hạnh phúc bình yên cho xã hội.Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng tính đa văn hóa là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của mỗi con người, cho mọi dân tộc trong kỉ nguyên toàn cầu hóa không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả tương lai. Tính văn hóa là đặc tính phổ quát mâng tính nhân loại gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại và cũng là điều kiện để nhân loại tồn tại và phát triển trong bền vững và lâu dài.
Việc xác lập tính chất đa hệ thống và đa văn hóa trong tác phẩm văn chương là cần thiết vừa cho việc đi sâu nghiên cứu bản chất của nghệ thuật sáng tạo ngôn từ, vừa cho việc giảng dạy văn học trong nhà trường theo hướng tích hợp, mở rộng, nhằm hướng tới một sự lĩnh hội tri thức nền tảng chung, hòa đồng với nhân loại. Bởi như ta đã thấy tính chất đa hệ thống và đa văn hóa là nguyên tắc kiến tạo tác phẩm văn chương, mà vì thế việc giải mã tác phẩm văn chương chính là chỉ ra cách thức tạo dựng mang tinh hệ thống và các giá trị văn hóa mà tác phẩm văn chương mang lại. Con đường khám phá giá trị văn chương đang rộng mở và đang đặt ra những thách thức mới đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực nghiên cứu của nhiều giới nhiều ngành nhiều người./.
Tóm tắt:
Mỗi tác phẩm văn chương đích thực, trong bước đường kiến tạo của nó, đều mang tính chất đa hệ thống hàm chứa một nội dung đa văn hóa gắn liền với văn hóa dân tộc, văn hóa thời đại và văn hóa mà bản thân tác giả thu nhận được trong trải nghiệm thực tiễn. Hai tính chất này qui định hình thức và nội dung của tác phẩm nghệ thuật nói chung, của tác phẩm văn học nói riêng và đồng thời cũng là cửa mở cho cách thức giảng dạy tác phẩm văn chương, theo đó, việc giảng dạy tác phẩm văn chương trở thành cách thức kết hợp nhằm giải kiến tạo, để tháo gỡ dần theo các bước mà mỗi tác phẩm văn chương đã được tạo dựng, mà sau các bước giải kiến tạo là sự đồng qui hợp chiếu toàn bộ các thao tác để thông qua đó thấy được năng lực sáng tạo của tác giả cũng như các giá trị nghệ thuật được sáng tạo của tác phẩm, nhận diện được thông điệp nhân văn mà mỗi dân tộc gửi gắm vào trong tác phẩm văn chương đó. Việc giải kiến tạo trong hình thức giảng dạy văn chương không tách rời việc tiếp cận hay tiếp nhận những mô hình lí thuyết trong lĩnh vực này.
Tài liệu tham khảo:
1.3.Alvin Toffler: Đợt sóng thứ ba, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.
2.H.de Balzac: Lão Goriot – in trong Tấn trò đời, tập 2, NXB Thế giới, Hà Nội, 1999.
4. Xavier Darcos: Lịch sử văn học Pháp. Bản dịch của Phan Quang Đinh. NXB Văn hóa thôn tin, Hà Nội 1997.