Để đưa Nghị quyết 29 – NQTW của Đại hội Đảng lần thứ XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống, một mặt phải cụ thể hoá bằng luật, đường lối, chính sách và đề án; mặt khác phải coi trọng việc xây dựng và truyền bá triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hiện nay....
Để đưa Nghị quyết 29 – NQTW của Đại hội Đảng lần thứ XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống, một mặt phải cụ thể hoá bằng luật, đường lối, chính sách và đề án; mặt khác phải coi trọng việc xây dựng và truyền bá triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Đã có hội thảo quốc gia về triết lý giáo dục, và đã có công trình của Phạm Minh Hạc được công bố. Tuy nhiên, việc hình thành một triết lý giáo dục phải là công trình nhiều công sức của tập thể trí tuệ các chuyên gia giáo dục hàng đầu, rồi phải được sự công bố chính thức của các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, còn phải là sự truyền bá để vận dụng trong ngành và ngoài xã hội.
Bài viết này nhằm góp phần đem lại nhận thức về triết lý giáo dục như một sự đổi mới tư duy ở tầm vĩ mô. Cũng là bàn luận để thống nhất một triết lý giảng dạy văn học trong nhà trường, mà chủ yếu là ở bậc Đại học và Phổ thông
I/ VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một cuộc toạ đàm lớn, có ý nghĩa như một Hội thảo Quốc gia về chủ đề Triết lý giáo dục Việt Nam đã được tổ chức vào tháng 8/2011. Sau đó, một chỉ thị về việc xây dựng công trình khoa học và nghiệm thu đề tài đã được đưa ra. Kết quả là công trình của chuyên gia hàng đầu và có uy tín cao – Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc được công bố: Triết lý giáo dục Việt Nam và thế giới (NXB Giáo dục, 2011).
Cũng cần phải khẳng định là không có triết lý giáo dục nào chung cho mọi thời đại, mọi quốc gia và cho mọi hoạt động xã hội.
Ở Việt Nam, ta có hẳn một đội ngũ các nhà nghiên cứu triết học có trình độ cao – học hàm, học vị cao, nhưng nếu xét một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc và khách quan thì chưa có triết gia. Điều này có nghĩa là chưa có hoặc hiếm có nhà nghiên cứu chuyên môn thuần tuý lập ngôn triết học, đề ra những chủ thuyết (lớn, nhỏ) về triết học. Chỉ có Trần Đức Thảo – nhà khoa học được giải thưởng Hồ Chí Minh là được Giáo sư Trần Văn Giàu tôn vinh là Nhà triết học Việt Nam duy nhất – để phân biệt với những người nghiên cứu và giảng dạy triết học.
Có được triết lý là cả một công phu. Muốn xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam phải biết vận dụng các kiến thức liên ngành, đúng hơn,đó phải là công trình nghiên cứu liên ngành, trong đó chủ yếu là các khoa triết học, nhân học và xã hội học, kể cả văn hoá học. Bởi triết lý giáo dục xưa nay đều đóng góp vào giá trị văn hoá Việt Nam.
Công trình này phải là sự tổng kết và hiện đại hoá triết lý giáo dục truyền thống dân tộc, đồng thời cũng phải biết thu hút, chắt lọc những tinh hoa triết lý giáo dục thế giới xưa và nay. Đó phải là công trình có tính chất tổng kết, tích hợp, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo.
Việt Nam hôm nay đang trong quá trình hội nhập thế giới tiến lên văn minh hiện đại. Bên cạnh tiếp thu cái hay, cái đẹp của thế giới, chúng ta vẫn cần phải giữ gìn bản sắc dân tộc.
Có hai nguồn rất quý giá để khai thác. Đó là kho tàng Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có hệ thống tư tưởng triết học về giáo dục. Đồng thời, có một sự tổng kết cập nhật và đề xuất như một gợi ý có định hướng của UNESCO về Triết lý giáo dục của nhân loại thế kỷ XXI – Learning: The Treasure Within (Học tập: Kho báu tiềm ẩn - NXB Giáo dục, 2002).
Tất nhiên, thực hiện được tất cả những điều trên là một yêu cầu lý tưởng. Trước mắt, cần xem kỹ công trình của Phạm Minh Hạc nêu trên và coi là thành tựu bước đầu, mời gọi sự đóng góp của giới khoa học và cộng đồng xã hội. Đây cần được coi là công việc quan trọng hàng đầu trong chiến lược đổi mới Giáo dục và Đào tạo.
Xét về ý nghĩa, triết lý giáo dục trước hết là công cụ nhận thức có ý nghĩa tiên quyết. Từ đó, ta sẽ nắm được cơ sở hoạt động, là căn cứ lý luận để hiện thực hoá niềm tin, đồng thời như kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, vận hành sự nghiệp giáo dục theo kỳ vọng.
Nắm vững triết lý giáo dục sẽ giúp tiến hành hoạch định chính xác chiến lược với các quyết sách đúng đắn, hiệu quả về đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo.
Về nội hàm định nghĩa, có thể hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Triết lý là hệ thống lý luận triết học cao siêu nhưng có thể hiểu một cách đơn giản và súc tích là quan niệm lý tưởng nhất như một tri thức tinh hoa, được đúc rút và tinh lọc từ nghiên cứu lý luận và trải nghiệm thực tế. Triết lý ấy thường là suy nghiệm có tính định hướng cho mọi hoạt động và ứng xử của cá nhân và cộng đồng xã hội. Tất nhiên, tuỳ mục đích và tính chất sẽ có những hiệu quả tích cực hoặc ngược lại, tiêu cực.
Triết lý xưa nay, vì vậy thường được lưu truyền và quảng bá dưới hình thức những mệnh đề cô đọng, súc tích để dễ dàng cảm nhận trực tiếp. Như về giáo dục là: Ăn vóc học hay, Nhân bất học bất tri lý, Không thày đố mày làm nên, Học thày không tày học bạn, Đi quãng đàng học sàng khôn... Hoặc như lời phát biểu của lãnh tụ Lênin “Học, học nữa, học mãi”; hay lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ‘ Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[8,tập 5, trang 684]), “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời” [8,tập 8,trang 215].
Khái niệm triết lý giáo dục hiện nay được nhận thức ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện và nhiều góc nhìn.
Công trình được thực hiện nhiều công phu của Phạm Minh Hạc có hạt nhân luận thuyết là “giá trị bản thân”. Đó là mục đích tối cao của giáo dục kỳ vọng. Con người có giá trị, mang giá trị sẽ đóng góp tích cực cho bản thân và xã hội. Triết lý này gắn bó với lý luận về Giá trị học. Tuy nhiên, một định hướng như vậy có lẽ chưa phải là tất cả, chưa bao quát được tổng thể cho một sự nghiệp “quốc gia đại sự”. Cũng có suy nghĩ về triết lý giáo dục đại học, thậm chí là cụ thể cho từng ngành học như tham luận về Triết lý giáo dục Đại học ngành Toán ở Việt Nam của các Giáo sư Đỗ Đức Thái - Đại học Sư phạm Hà Nội và Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Đại học Paul Sébatier, Toulouse, Pháp (zung.zetamu.net, 31/5/2011). Cũng có những triết lý giáo dục của trường – như ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bình Dương, Đại học Duy Tân, Đại học Phan Châu Trinh...
Thực ra, đó chỉ là những ý tưởng, niềm tin, những tâm niệm, những định hướng phần nào có ý nghĩa triết lý.
Đại học Sư phạm Hà Nội có danh ngôn: Sư phạm – Sáng tạo – Cống hiến. Còn đại học Duy Tân thì xác định rõ: Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, lấy nhân văn làm nền tảng. Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn lại có khẩu hiệu như tiêu chí phấn đấu: Tri thức – Trầm tích – Thăng hoa.
Xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam như đã nêu trên, phải là một công trình hết sức công phu của nhiều trí tuệ xã hội, chủ yếu là đội ngũ chuyên gia thuộc các ngành nghề.
Ở đây, xin được nêu một phác thảo đại cương, chủ yếu dựa vào định hướng của triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong hệ tư tưởng của Người. Đó là hệ tư tưởng triết học về giáo dục đã được công bố - Triết lý Hồ Chí Minh về giáo dục.
Triết lý giáo dục Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một tổng thể gồm bốn tư tưởng triết lý thành tố như bốn thuộc tính cơ bản nhất.
Một triết lý lớn làm nền tảng cho triết lý giáo dục cũng như văn hoá Việt Nam, là triết lý nhân bản, tức nhân bản - dân tộc. Nhân bản có nghĩa là lấy con người làm gốc, có học thuyết là chủ nghĩa nhân đạo cách mạng mới. Hồ Chí Minh, với tư duy sâu sắc và lý tưởng cao cả còn nâng con người lên tầm cao mới, góp phần sáng tạo chủ nghĩa duy vật nhân văn. Đó là sự bổ sung và phát triển toàn diện một chủ thuyết hiện đại cho nhân loại tiến bộ: chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật nhân văn – có thể đưa ra một tổng hợp kết cấu mới như vậy. Nói cách khác, đó chính là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa duy vật nhân văn Hồ Chí Minh xem xét con người trong mối quan hệ chính yếu – giữa con người với con người trong cộng đồng nhỏ, gần gũi và công đồng lớn – xã hội, thế giới. Hồ Chí Minh có một luận điểm minh triết: “Chữ người nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bè bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng nữa là cả loài người”. Ý thức cũng là tình cảm “Vì trong bốn biển đều là anh em”. Người từng nêu nhiều bài học “ở đời” và “làm người”.
Xã hội học tập, nhà trường tư duy hiện đại phải quan niệm theo tư tưởng nhân văn cách mạng mà Hồ Chí Minh đã tuyên ngôn bằng chính cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người: Tất cả là vì con người, cho con người, do con người. Đó cũng là nguyện vọng và mục đích cao cả một đời của lãnh tụ: “làm cho dân được học hành” [8, tập 4, trang 152], “Ai cũng được học hành” [8, tập 4, trang 161].
Cần nhấn mạnh đó là nhân văn Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hiến dân tộc nghìn đời từ nhân nghĩa Nguyễn Trãi (Bình Ngô đại cáo) đến nhân văn Hồ Chí Minh (Tuyên ngôn độc lập).
Con người Việt Nam hiện đại sẽ là mục tiêu của chính nó và sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Tất cả vì con người Việt Nam là ý tưởng cốt lõi nhất, đóng vai trò chỉ đạo quán xuyến triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay.
Quan điểm “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, làm công dân” của Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo toàn bộ định hướng và thiết kế mô hình nhân cách cho người học cũa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.
Trong chừng mực nhất định, những quan niệm về người thày thể hiện sự thấm nhuần tinh thần nhân văn của Hồ Chí Minh.
Đỗ Đức Thái khi suy nghĩ về triết lý giáo dục đại học đã nêu luận điểm: phải góp phần “hoàn thiện người công dân có văn hoá cao, con người có nhân cách độc lập, khả năng tư duy tự do”. Lãnh đạo Đại học Duy Tân chủ trương phải “lấy nhân văn làm nền tảng”. Đó là điều đáng khuyến khích và phát huy.
Một tư tưởng triết học có ý nghĩa tiền đề là khai phóng. Triết lý khai phóng có thể định danh như vậy nhằm trước hết là khai mở, khai thác tiềm lực, tiềm năng của chủ thể tiếp nhận trên tất cả các phương diện tiếp thu trí tuệ, hình thành nhân cách và tiềm năng hành động, ứng xử.
Có quan niệm mỗi con người là một kho tàng tích tụ và tiềm ẩn những trầm tích văn hoá, văn minh của lịch sử. “Nhân tối linh ư vạn vật” – Khổng Tử quan niệm như vậy, coi con người là hình ảnh thiêng liêng nhất, làm chủ được muôn loài vì có trí tuệ và nhân cách. Theo quan niệm hiện đại, con người là công nghệ cao nhất, là bộ máy tự động kỳ diệu với một năng lượng tự tạo cũng kỳ diệu bậc nhất.
Giáo dục làm nhiệm vụ khai tâm, khai phóng tiềm năng con người như bấm nút vào cơ chế tự động hoá con người. Người học cũng phải biết tự khai sáng cùng với việc khám phá thế giới. Con vật chính trị - con người (Aristotle) thực ra mới chỉ khai thác được vài phần trăm bộ não.
Hồ Chí Minh từng phát biểu là giáo dục phải “làm phát triển hoàn chỉnh những năng lực sẵn có của người học” [8, tập 4, trang 272] là như vậy
Theo đó, người học cũng cần có triết lý học tập - tức đạo học. Phải coi tự học, học suốt đời như một tâm niệm lý tưởng. Phải biến mình thành con người tự do, có khả năng tư duy độc lập, tự chủ và tự tin để tự khai thác tiềm năng bản thân.
Hoạch định giáo dục, đào tạo cũng cần thấm nhuần một triết lý khai phóng-triết lý mở cả về cơ cấu (hệ thống giáo dục liền mạch và liên thông, hệ thống mở…), cơ chế (cơ chế tín chỉ thay cho niên chế…), cách thức (các hệ đào tạo chính quy, nửa chính quy, không chính quy…), loại hình (xã hội hoá giáo dục đào tạo, công lập và ngoài công lập…). Tóm lại, phải có một nền giáo dục mở nhằm khai thác, giải phóng triệt để con người, coi “học tập - kho báu tiềm ẩn” (UNESCO).
Triết lý Hồ Chí Minh là triết lý hành động. Lập thuyết đi đôi với hành động, hành động để tuyên ngôn thuyết lý.
Thực hiện triết lý khai phóng, Chủ tịch nước ngay sau Tuyên ngôn độc lập một tuần ký sắc lệnh thành lập Bình dân học vụ, mở chiến dịch xoá nạn mù chữ. Tháng 10 năm đầu mở nước ấy, Người dự khai giảng và tham gia giảng dạy Trường Đại học Việt Nam. Vậy là ngọn lửa văn hoá được thắp sáng. Lãnh tụ khai sáng tức khai phóng tâm hồn con người từ trình độ thấp nhất đến trình độ cao nhất vào thời điểm lịch sử ấy.
Hai tư tưởng triết học tiếp theo có liên quan mật thiết: triết lý sáng tạo và triết lý phát triển. Sáng tạo là tạo ra động lực cho phát triển, phát triển thúc đẩy tìm tòi, khám phá để sáng tạo ra cái mới tức giá trị mới cho tiến bộ.
Theo triết lý sáng tạo dựa vào lịch sử tiến hoá,con người trước hết nhờ giáo dục đã làm nên chính mình một cách tự giác. Đó là sáng tạo giá trị bản thân. Giá trị tự thân (oneself) lại mang ý nghĩa xã hội, phục vụ lợi ích xã hội.
Là sản phẩm của lịch sử phát triển tự nhiên và xã hội con người được giáo dục, có giá trị cao về mọi mặt sẽ là chủ thể của sáng tạo, tức chủ thể sản xuất các giá trị xã hội. Vậy là giá trị người bao gồm giá trị con người – chính nó (a man himself) và con người xã hội (a social man).
Với nền kinh tế trí thức con người phải trở nên người lao động trí thức. Càng có giá trị cao, tức có phẩm chất trí tuệ cao càng hành động đóng góp xã hội cao. Thế giới đã đi vào thời đại mới sáng tạo. Sáng tạo phải được coi là một bản chất cần có của con người hiện đại.
Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng chiến lược giáo dục phải được xác định ở vị trí hàng đầu trong chiến lược con người. Con người có phẩm chất năng lực sáng tạo sẽ tạo ra cuộc đời mới với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như kỳ vọng cao đẹp của nhân dân, đất nước.
Lý tưởng có tính chất cứu cánh của một nền giáo dục là phát triển.
Triết lý phát triển nhằm phát triển tiến bộ, văn minh con người và cả nhân loại.
Hồ Chí Minh từng dạy “Chỉ có một thứ ham, ham học, ham làm, ham tiến bộ” [8, tập 5, trang 253]. Ham tiến bộ mới thúc đẩy được phát triển, mới làm xã hội ngày càng văn minh hơn cùng với sự phát triển của bản thân - tức phát triển giá trị người.
Về đại thể, giáo dục phải hoạch định chiến lược “trồng người” cho trăm năm, “trồng đức” cho nghìn năm theo tư tưởng triết lý Hồ Chí Minh. Muốn vậy, trước hết phải thiết kế cho được mô hình nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Đó là con người phát triển toàn diện, theo quan niệm trước kia là trí, đức, thể, mỹ; bổ sung đổi mới là tâm lực, trí lực, thể lực và hành lực - tức năng lực hành động. Một điều quan trọng là phải có sinh lực nữa. Sinh lực hiểu theo nghỉa là sức sống bao gồm kỹ năng sống, khả năng chung sống và tồn tại, khả năng phát triển sự sống. Hiểu rộng ra là biết “làm người” “ ở đời” như lời dạy của ông thầy vĩ đại Hồ Chí Minh. Con người ấy phải là con người đa nhân cách tức đa tư cách, đa tính cách: “người công dân”, “người cán bộ”, “người chiến sĩ”…Mà tư cách nào cũng phải “tốt”. Sống như con người hiện đại trong sự phát triển bền vững của cá nhân và cộng đồng. Nghĩa là sống theo xu hướng thời đại, theo tiến bộ, văn minh thời đại phù hợp với lời kêu gọi của UNESCO trong kỳ vọng giáo dục và sự phát triển bền vững cho những thập kỷ tương lai.
Ở cấp độ vĩ mô, các cơ quan lãnh đạo cần thực hiện tốt quốc sách về chiến lược con người, thấm nhuần tư tưởng triết lý: đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Triết lý giáo dục Việt Nam có thể được phát biểu theo mệnh đề ngắn gọn, súc tích:
NHÂN BẢN – KHAI PHÓNG – SÁNG TẠO – PHÁT TRIỂN
Hoặc được diễn giải hàm súc:
NHÂN BẢN: VÌ CON NGƯỜI, CHO CON NGƯỜI, DO CON NGƯỜI
KHAI PHÓNG: TIỀM LỰC, NĂNG LỰC (CÁ NHÂN – XÃ HỘI)
SÁNG TẠO: PHẨM CHẤT, GIÁ TRỊ (BẢN THÂN – CỘNG ĐỒNG)
PHÁT TRIỂN: TIẾN BỘ, VĂN MINH (CON NGƯỜI, NHÂN LOẠI)
II/ TIẾN TỚI TRIẾT LÝ DẠY VĂN, HỌC VĂN
Trước hết, người dạy và người học cần có những hiểu biết đầy đủ và mới mẻ về định nghĩa con người trong giáo dục hiện đại với tất cả vai trò, vị thế, tư cách.
Xin dẫn ra đây một đôi khái niệm cơ bản về con người trong chiến lược “trồng người”, tức chiến lược giáo dục lâu dài theo tư tưởng cũng như triết lý giáo dục Hồ Chí Minh:
Con người:
- Con người là mục tiêu cuối cùng của chính mình.
- Con người vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của giáo dục.
- Con người tạo ra mình trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong môi trường giáo dục.
- Con người là thực thể thống nhất, tâm sinh lý trưởng thành, giao điểm của cá thể và cộng đồng trong quá trình giáo dục.
- Con người là sự đồng hiện của ba tầng ý thức, tiềm thức và vô thức.
Người giáo dục:
- Người giáo dục là người trao truyền tri thức như ký ức của lịch sử.
- Người giáo dục là người góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân cách của người được giáo dục.
- Người giáo dục là người huấn luyện về tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng, thực tập, thực hành suốt quá trình được quy định của người học.
- Người giáo dục là người hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện tối đa và tối ưu cho quá trình tự đào tạo.
- Người giáo dục là người hướng đạo, mở đường chỉ lối cho hành trình tự đào tạo của người học.
Người được giáo dục – người học:
- Người học mang vị thế trung tâm của giáo dục.
- Người học phải hấp thụ chủ động, làm chủ tri thức, làm chủ vốn tự tạo tức hấp thu có biến hoá.
- Người học phải tự chủ, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận giáo dục.
- Người học phải biết tranh thủ, tận dụng tối đa sự hướng dẫn, dẫn dắt của người dạy, cũng như các phương tiện, điều kiện tốt nhất cho việc đào tạo.
- Người học phải lấy lý tưởng học tập để thành đạt nên người làm triết lý, phát huy tinh thần ham học, ham tiến bộ như một niềm đam mê duy nhất, học mãi, học suốt đời như một đạo học cao nhất.
Riêng với người học văn, dạy văn lại càng cần phải xây dựng những quan niệm chính xác, mới mẻ theo triết lý giáo dục với một số điểm chính yếu như sau:
Trước hết, cần thấu hiểu bản chất, chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của bộ môn ngữ văn về nội dung và quy trình đào tạo.
Một quan niệm về văn chương được đưa ra, đó là văn chương, văn học có hai bản chất: bản chất thẩm mỹ và bản chất xã hội.
Theo một quan niệm khác, bản chất văn chương quy tụ vào ba điểm và đây chính là nét bền vững trong lịch sử văn học:
- Bản chất tư tưởng: Quan điểm mácxít nhận định: văn chương là một hình thái ý thức xã hội, là một công cụ nhận thức, một vũ khí tư tưởng. Văn học truyền thống cũng lưu truyền quan niệm: “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” – văn tải đạo, thơ nói chí.
- Bản chất nghệ thuật: Văn chương cũng được xác định là một loại hình nghệ thuật. Từ thời cổ đại, Aristotle đã viết Thi học. Đến cuối thế kỷ XVII, Kant, Hégel đã coi văn chương là bộ phận của mỹ học. Văn chương, như tên gọi, đã bao hàm giá trị thẩm mỹ. Pháp coi văn chương, văn học (belles lettres), khi định nghĩa, có chức năng thẩm mỹ (fonction purement esthétique) – theo từ điển Bách khoa Merriam Webster. Trong định nghĩa của Hán Việt: văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Gọi văn chương là văn sáng đẹp để phân biệt với văn không được gọi là văn chương. Văn học là khoa học nghiên cứu về văn chương, đối tượng nghiên cứu là văn chương nghệ thuật.
- Bản chất ngôn ngữ: Ngôn ngữ có chức năng thi ca. Roman Jacobson xem nghiên cứu thi ca, thi học là một ngành của ngôn ngữ học (Ngôn ngữ và thi học - 1960). Khái niệm văn chương là nghệ thuật ngôn từ phổ biến trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn.
Nguyễn Văn Hạnh cho văn chương là hợp chất tổng hợp của ba bản chất trên, đứng trên thế ba chân kiềng, cũng như vận động theo “ba chân” đó.
Văn chương là một hiện tượng không ngừng vận động, không ngừng đổi mới.
Từ đó, hệ luận là, dạy văn và học văn phải luôn đổi mới.
Văn học cũng là hiện tượng đa chức năng. Hiện nay, có thể thống nhất văn học gồm mấy chức năng chính như sau:
- Chức năng thẩm mỹ.
- Chức năng nhận thức.
- Chức năng giáo dục (khơi gợi tư tưởng, tình cảm).
- Chức năng giao tiếp và giải trí.
Có những ý kiến cho rằng nên bổ sung chức năng dự báo hoặc chức năng văn hoá ... cần được nghiên cứu thêm.
Từ việc nhận xét Văn học như đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập, với các đặc trưng về bản chất và chức năng, nhiệm vụ đã nêu, cần xác định một triết lý dạy và học văn cụ thể, chính xác và hiệu quả. Tất nhiên, đây cũng là công trình trí tuệ tập thể.
Cần phải nói ngay rằng, triết lý dạy và học của các bộ môn không nằm ngoài tổng thể triết lý giáo dục. Thực ra, chỉ có sự vận dụng thích hợp vào một bộ môn khoa học cụ thể ở một hoặc một vài cấp độ, bậc học. Nói cách khác, đó là sự tạo ra các điểm nhấn cần thiết trong thực tiễn.
Chính vì vậy, ở đây chỉ nêu lên một số phương hướng chung nhất, có thể thực hiện được ở các bậc Trung học và Đại học.
Văn học là nhân học là khoa học về con người. Văn học và một số môn xã hội khác thuộc khoa học nhân văn và xã hội mang thuộc tính nhân văn như một đặc thù. Người dạy văn, học văn thấm nhuần và phong phú tinh thần nhân văn, hơn ai hết cũng nêu cao triết lý nhân văn trong sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Nói đến văn chương là nói đến thế giới tâm hồn. Tất nhiên, ta có thể hiểu rộng ra với cả văn học nghệ thuật với cả thế giới hình tượng qua ngôn ngữ đặc thù.
Thể hiện triết lý khai phóng là khai mở tâm hồn đối tượng tiếp nhận.
Người thầy, theo cách nói nôm na là làm nghề gõ đầu trẻ, tức gõ vào tâm trí con người. Cùng với ý nghĩa này là khai tâm (vỡ lòng), khai trí và khai sáng với nội hàm bao quát.
Để khai phá, giải phóng những tiềm năng, tiềm lực của người học văn, cần chú trọng đặc thù của bộ môn để đưa ra những quyết định có tính định hướng, chính xác và hiệu quả.
Sáng tác văn, cảm thụ văn cần chú trọng khả năng cảm hứng. Cảm hứng có nhiều loại, nhiều dạng, nhưng người dạy văn cần kích thích và định hướng phát triển những cảm hứng nhân văn như cảm hứng chủ đạo. Ngoài ra, người thày cũng cần nâng đỡ, phát huy óc liên tưởng và trí tưởng tượng như một nét đặc trưng của tâm hồn văn. Bởi vì, một mặt, nó giúp cho bản thân người học tự khai mở đầu óc thâm nhập hết mức vào thế giới tâm hồn của con người, mặt khác, nó tạo khả năng cho con người xuất hiện những giả định, giả thuyết để tìm tòi và khám phá thế giới. Nhà vật lý học nổi tiếng Albert Einstein đã tìm ra Thuyết tương đối từ gợi ý trong tiểu thuyết sâu thẳm của Dostoievsky. Như vậy, mối liên hệ như ngẫu nhiên mà tất yếu!
Triết lý sáng tạo rất đặc trưng khi vận dụng hiệu quả tính thẩm mỹ và tính sáng tạo của văn học.
Muốn đào tạo những con người sáng tạo cho tương lai ở mọi lĩnh vực, ta cần khai thác và phát huy hết bản chất sáng tạo của văn chương như một loại hình nghệ thuật. Cụ thể là cần khai thác triệt để bộ môn với chức năng đặc thù của nó.
Như đã nêu, con người được giáo dục tốt sẽ tự tạo được giá trị bản thân – giá trị này là một tổng thể được đánh giá theo Giá trị học. Một người học văn tốt sẽ có được năng lực, cũng là giá trị mỹ cảm cao. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó còn vượt lên khỏi nghệ thuật để đi vào bầu trời của sáng tạo. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định ý tưởng này: nghệ thuật và khoa học là đôi cánh của nhân loại.
Theo lý luận tiếp nhận thì người dạy văn, người học văn cũng là người đồng sáng tạo với nhà văn.
Đặc biệt, người thầy văn, nhà văn được mệnh danh là những kỹ sư tâm hồn. Tất nhiên, ta cần hiểu rộng ra cả những nhà hoạt động xã hội, những người công tác trong lĩnh vực nghệ thuật. Xã hội muốn giành trách nhiệm nặng nề và cao cả ấy cho người thày là có lý do riêng. Sự nghiệp giáo dục được Hồ Chí Minh đưa thành minh triết là sự nghiệp trồng người. Người thày, nhất là thày dạy văn, phải là người tham gia trực tiếp và hiệu quả vào xây dựng tâm hồn con người, là người thiết kế và thi công tạo dựng nhân cách cho học sinh. Trong quá trình dạy được phân công, người thày còn có trách nhiệm vun xới và chăm sóc cho cây người, cũng là cây đời xanh tươi và đơm hoa kết quả. Chính vì vậy, chúng ta cần nhất trí với một ý tưởng đẹp. Dạy văn góp phần rất tích cực và hiệu quả - nếu không muốn nói là tối ưu cho quá trình hình thành nhân cách con người. Con người được đào tạo tốt sẽ luôn tự phấn đấu để hướng tới lý tưởng chân, thiện, mỹ. Do đó, chỉ những chủ thể chuyên tâm theo đạo mới có thể đắc đạo như kỳ vọng.
Cuối cùng, một triết lý có giá trị vĩnh cửu là triết lý phát triển. Phát triển vì tiến bộ cá nhân, cũng là tiến bộ xã hội ở phạm vi dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa nhân đạo mới, khác hẳn và hơn hẳn chủ nghĩa nhân đạo các thời đại chính là vì mục đích giải phóng con người một cách triệt để khỏi áp bức, bóc lột, bất công xã hội, để con người được tận lực phát triển. Như vậy, con người mới có thể tận hiến cho cộng đồng, cho xã hội.
Văn học có chức năng giáo dục, tức khơi gợi và nuôi dưỡng một cách hiệu quả những cảm xúc, tư tưởng, tình cảm trong nhân cách để tạo nên giá trị nhân văn. Một câu thơ hay, một câu chuyện hấp dẫn, một hình ảnh đẹp, một hình tượng thấm thía, xúc động thường đi theo tâm trí suốt đời. Cũng như lòng say mê chính đáng, ước vọng cao cả, ý chí và nghị lực lớn sẽ khiến con người vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của trí tuệ sáng tạo, góp phần phát triển hết năng lực của bản thân để góp phần vào phát triển xã hội.
Tất nhiên, các bộ môn khoa học cũng có những triết lý riêng. Cả khoa học tự nhiên và xã hội đều góp phần tích cực vào tổng thể triết lý giáo dục trong sự nghiệp “trồng người”. Dù sao, về phần mình, những chủ thể dạy và học văn có quyền tự hào chính đáng cũng như nghĩa vụ cao đẹp.
Đổi mới toàn diện và căn bản về Giáo dục – Đào tạo cần bắt đầu từ việc tạo dựng và vận dụng một triết lý giáo dục thích hợp trong thời kỳ mới. Đổi mới từ gốc rễ, từ tư duy chính là chìa khoá để mở kho tàng chiến lược giáo dục cho tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Minh Hạc (2010), Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết, xây dựng giá trị chung của con người Việt Nam hiện nay , Giáo dục, Hà Nội.
2. Phạm Minh Hạc (2011), Triết lý giáo dục Việt Nam và thế giới – Giáo dục – Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Hạnh (2011), Về bản chất và ý nghĩa của văn chương, nhavantphcm.com.vn.
4. Đoàn Trọng Huy (2012), Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, Tạp chí Giáo chức Việt Nam số 61.
5. Đoàn Trọng Huy (2012), Triết lý Hồ Chí Minh về giáo dục , Tạp chí Triết học số 7 (254).
6. Đoàn Trọng Huy (2014), Vấn đề con người và chiến lược con người, Tạp chí Giáo chức Việt Nam số 83.
7. Đoàn Trọng Huy (2014), Mấy vấn đề triết lý giáo dục Việt Nam, Tạp chí Gíáo dục và Xã hội số 37.
8. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập , Chính trị Quốc gia, Sự thật , Hà Nội,
9. Trần Phò (1996), Hướng tới một triết lý dạy văn , tuoitre.vn.