Phương pháp

NHÓM NGHIÊN CỨU – TỪ YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN


19-10-2020
Tác giả: TS. Phạm Xuân Thạch - Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia

Có một cặp khái niệm mà theo tôi, chưa được phân định một cách mạch lạc trong thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở Việt Nam, đó là sự phân biệt giữa Lí luận và Lí thuyết văn học, chính điều mà trong chương đầu tiên cuốn Bản mệnh của lí thuyết, Antoine Compagnon đã nói đến....

1. Có một cặp khái niệm mà theo tôi, chưa được phân định một cách mạch lạc trong thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở Việt Nam, đó là sự phân biệt giữa Lí luận và Lí thuyết văn học, chính điều mà trong chương đầu tiên cuốn Bản mệnh của lí thuyết, Antoine Compagnon đã nói đến. Trong tư duy của A. Compagnon, “làm lí luận văn học, đó là quan tâm đến văn chương nói chung, từ một điểm nhìn nhằm tới cái phổ quát”[1], “lí luận văn học không phải là luật lệ của văn chương, của nghiên cứu văn chương mà theo một ý nghĩa nào đó, là nhận thức luận của văn chương và nghiên cứu văn chương”[2]. Trong khi đó, theo A.Compagnon, lí thuyết “tương phản với thực hành trong nghiên cứu văn chương, nghĩa là phê bình và lịch sử văn chương, lí thuyết phân tích sự thực hành ấy, hay đúng hơn là những sự thực hành ấy, miêu tả chúng, làm rõ các tiền giả định của chúng, tóm lại là phê phán chúng (phê phán tức chia tách, là phân biệt). Vậy lí thuyết, đại để trước hết là phê bình sự phê bình, hoặc siêu phê bình (cũng như người ta đem đối lập với một ngôn từ cái siêu ngôn từ nói về ngôn từ ấy, đem đối lập với ngôn ngữ cái ngữ pháp miêu tả hoạt động của ngôn ngữ ấy). Đó là một ý thức phê bình (một sự phê bình hệ tư tưởng văn chương), một sự phản tỉnh văn chương (một nếp phê phán, một sự tự ý thức hoặc tự tham chiếu)…”[3]. Nói một cách đơn giản nhất, nếu như lí luận quan tâm đến những phạm trù mang tính nguyên lí chung của văn chương, những cái có tính phổ quát thì lí thuyết là một hướng tiếp cận, một cuộc tấn công mang tính cực đoan vào một định kiến nào đó tồn tại trong văn chương và nghiên cứu văn chương. Sẽ là dễ hiểu khi mà mọi lí thuyết đếu có tính cực đoan và phiến diện. Bởi sứ mệnh của chúng, như A. Compagnon nói, bản mệnh của chúng, “lí thuyết thú vị và đích thực, (…) ơ cuộc chiến đấu dữ dằn và đem lại sức sống mà nó đã tiến hành chống các thành kiến quen thuộc trong nghiên cứu văn chương, và ở sức kháng cự cũng quyết liệt như vậy của các thành kiến chống lại nó”[4]. Chúng ta có thể phê phán tính cực đoan, thậm chí, phiến diện của một lí thuyết nhưng chính tính đa dạng và tính cực đoan, tính “khiêu chiến” đó là một cơ sở để thúc đẩy sự tiến triển của mặt bằng chung trong nghiên cứu và lí luận văn chương.

Soi vào thực tế tồn tại ở những trung tâm nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, ở nước ta hiện nay, điều được định chế hoá, được tổ chức, thậm chí, đến mức hành chính hoá trong các thiết chế chính là lí luận. Điều thiếu vắng chính là lí thuyết. Cần phải sòng phẳng nói ra điều này. Chúng ta đã nghe nói quá nhiều đến việc ở ta, khó có thể có được những trường phái, những học phái trong nghiên cứu và giảng dạy. Ở nơi này, nơi kia, chúng ta có thể có những lĩnh vực nghiên cứu mạnh, tập hợp được một số đông chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực nhất định nhưng sức mạnh đó, theo tôi, khó có thể mang tính lí thuyết. Những nhóm nghiên cứu mạnh đó (xin được tạm sử dụng khái niệm này), theo tôi, chưa hình thành niên được đường lối tư duy, cách tiếp cận riêng, phạm trù hoá được thành một số công cụ nghiên cứu để từ đó thúc đẩy cho mặt bằng nghiên cứu chung. Sức mạnh của những nhóm nghiên cứu này, phần nhiều, theo tôi, được tạo nên bởi một sự am hiểu và đào sâu vào một lĩnh vực nghiên cứu nhất định. Tất nhiên, tôi không phủ định việc trong mấy thập niên những sự trỗi dậy mang tính lí thuyết của một số hướng nghiên cứu có đóng góp rất lớn cho toàn bộ ngành nghiên cứu văn học (thi pháp học, trần thuật học, nghiên cứu diễn ngôn…). Tình trạng nói trên, theo tôi, chính là kết quả của một tồn tại có tính lịch sử mà bản lề là giai đoạn Đổi mới. Tính đặc thù về mặt thể chế dẫn đến sự nhất nguyên hoá về mặt phương pháp luận. Tính nhất nguyên về mặt phương pháp luận dẫn đến việc chúng ta mặc định luôn rằng chỉ có một cách tiếp cận duy nhất đối với hiện tượng văn chương, cách tiếp cận là hình chiếu của mô hình lí luận. Hãy nhìn vào những luận văn, luận án được bảo vệ với một số lượng ngày càng nhiều hiện nay, ta sẽ thấy “phân tích, so sánh, tổng hợp” những thao tác nghiên cứu được nâng lên thành phương pháp và đó chính là hệ quả của tình trạng nhất nguyên đó. Chỉ đến sau 1986, với sự cởi trói và đổi mới tư duy, chúng ta mới bắt đầu nhận thấy yêu cầu cấp thiết về tính đa nguyên trong cách tiếp cận, việc tạo dựng một môi trường học thuật mang tính đối thoại và thậm chí, luận chiến (theo nghĩa dân chủ nhất của khái niệm này).

2. Tiếp tục nhìn vào cơ cấu của những thiết chế nghiên cứu và giảng dạy văn học ở Việt Nam, có thể thấy những thiết chế này gần như được xây dựng với cùng một công thức về cơ cấu. Lịch sử văn học và văn học khu vực là hai cột trụ cơ bản làm nên công thức này. Mặc dù ở mỗi đơn vị có thể có những điểm mạnh/yếu, những yếu tố có tính đặc thù riêng nhưng về cơ bản, toàn bộ hệ thống nghiên cứu và chương trình giảng dạy văn học ở tất cả các bậc học ở ta đều được xây dựng trên hai cột trụ này. Nó được xây dụng trên những phân cực giữa văn học dân tộc/văn học thế giới; văn học sử/lí luận văn học (với mục tiêu rất quan trọng hướng về các nguyên lí văn học); giữa các thời đại văn học. Không thể phủ nhận, trong lịch sử, cơ cấu này đã làm nên những thành tựu rất cơ bản của ngành nghiên cứu văn học và góp phần quan trọng đào tạo nên những chuyên gia hết sức chuyên sâu trong những lĩnh vực khác nhau của ngành nghiên cứu văn học. Dẫu vậy, cũng lại phải nhận thấy rằng công thức kiến tạo này cũng gây ra những rào cản nhất định đối với sự phát triển của khoa nghiên cứu văn học. Nó tạo nên tính cô lập của kiến thức và những lĩnh vực nghiên cứu. Vậy mà, thực tiễn lại luôn đòi hỏi tính tổng hợp trong việc huy động kiến thức để giải quyết những vấn đề lớn. Nếu nhìn vào thực tiễn lịch sử, cũng có thể thấy rằng những thành công quan trọng nhất trong nghiên cứu văn chương đều được tạo nên bởi những bộ óc lớn đã vượt khỏi được tính cô lập này. Chúng ta có thể xếp Trần Đình Hượu vào cái ô nào trong nghiên cứu khi mà các tiếp cận của ông vừa được tạo nên trên một sự am hiểu văn học sử hết sức sâu sắc nhưng đồng thời còn được tạo nên trên một nền tảng hết sức vững chãi về triết học và lịch sử tư tưởng phương Đông. Chúng ta có thể xếp những thành tựu của Phan Ngọc ở đâu khi mà trong những công trình độc đáo nhất của ông có cả văn học so sánh, ngôn ngữ học, thi pháp học lịch sử và văn hoá học. Chúng ta sẽ “xếp hạng” những đóng góp của Trần Đình Sử như thế nào khi mà những nghiên cứu về thi pháp của ông không chỉ có tác dụng làm thay đổi một sự cực đoan trong tư duy nghiên cứu đồng thời có những đóng góp lớn trong việc thay đổi nhận thức về lịch sử văn học. Và chúng ta sẽ nói thế nào về việc những nhận xét rất quan trọng về văn học Việt Nam trước 1945, một số không ít, đến từ những chuyên gia về văn học phương Tây như Đỗ Đức Hiếu, Đặng Anh Đào…và những tổng kết về văn học thế giới lại hắt một ánh sáng rất mới mẻ vào cách nhìn nhận văn học Việt Nam? Thực tế đó cho thấy nhưng cái khuôn, những ranh giới luôn là một cái gì hết sức tương đối.

3. Từ hai thực tế trên, có thể thấy một nhu cầu được đặt ra từ thực tiễn, một nhu cầu có tính hai mặt. Thứ nhất, có những vấn đề của thực tiễn đặt ra đòi hỏi sự huy động kiến thức có tính liên ngành. Một cái nhìn rộng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, việc nghiên cứu về lịch sử chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền về lãnh hải ngày nay là một vấn đề hết sức cấp thiết. Vậy mà việc xử lí tư liệu về chủ quyền đòi hỏi sự huy động nhân lực từ rất nhiều lĩnh vực từ lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm học và nghiên cứu văn học. Một lĩnh vực hẹp hơn như nghiên cứu văn học dân gian. Ngày nay, thực tiễn cho thấy không thể chỉ giới hạn trong nghiên cứu sáng tạo ngôn từ một cách cô lập, điều khó có thể tìm thấy trong thực tiễn mà cần có sự liên kết tri thức với nhiều lĩnh vực “ngoại văn học” như nhân học và văn hoá học, nghệ thuật học. Hình thành nên những khu vực mới của nghiên cứu (thực ra, khái niệm mới chỉ đặt trong bối cảnh của nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay) như những tiếp cận hiện tượng văn chương từ góc độ văn hoá, ý thức hệ, tiếp cận văn chương như một tài liệu để nhìn ra những vấn đề ở quy mô văn hoá và xã hội hoặc nghiên cứu những mối quan hệ giữa các nền văn học hay giữa văn học và những bộ môn nghệ thuật khác. Chính từ thực tế đó, đặt ra nhu cầu về việc hình thành những đơn vị nghiên cứu mang tính liên kết tri thức từ nhiều lĩnh vực, mang tính liên ngành, những nhóm nghiên cứu có tính linh hoạt, vượt được ra khỏi những giới hạn có tính truyền thống của những lĩnh vực vốn đã tồn tại. Tất nhiên, những đơn vị nghiên cứu này không phá vỡ hoàn toàn những tổ chức mang tính truyền thống bởi lẽ trong quá trình hình thành nên nhà nghiên cứu thì tính chuyên gia vẫn là một phẩm chất hết sức quan trọng. Thứ hai, chính việc hình thành nên những nhóm nghiên cứu có tính liên ngành đó lại là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy những sự phát triển có tính lí thuyết. Những phát triển có tính lí thuyết một mặt không thể giới hạn trong địa hạt của lí luận văn học, khi mà giữa lí luận và lí thuyết có những khác biệt về cơ bản. Mặt khác, những phát triển lí thuyết đòi hỏi sự cắm rễ vào một/một số thực tế văn học. Chính điều đó là cơ sở phá vở những tồn tại mang tính truyền thống dựa trên những phân cực đã được nói ở trên.

4. Từ những điểm trên, có thể nói, việc hình thành nên những nhóm nghiên cứu có tính liên ngành là khuynh hướng mang tính tất yếu của khoa học hiện đại hình thành nên từ những nhu cầu có tính thực tiễn. Chỉ giới hạn trong sự phát triển của Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, có thể thấy một mặt nhu cầu hình thành nên những nhóm nghiên cứu đã xuất hiện từ sớm nhưng không phải nhóm nghiên cứu nào cũng đạt được thành công trong thực tiễn. Xin lấy một ví dụ, trước khi Viện nghiên cứu văn học thành lập Ban văn học so sánh thì ở Khoa Văn học đã từng tồn tại một Trung tâm nghiên cứu văn học so sánh. Vậy mà đó lại là một bước thử nghiệm không thành công. Tât nhiên, vẫn có những nhóm nghiên cứu đạt được sự tồn tại tích cực, cả về mặt hành chính lẫn về thực chất như nhóm nghiên cứu văn học Trung đại (chưa được công nhận về mặt hành chính) hay Nhóm nghiên cứu Nga – Slave (đã được công nhận về mặt hành chính). Vậy, liệu có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ những thành công cũng như hạn chế của các nhóm nghiên cứu này?

- Thứ nhất, yếu tố sống còn quyết định sự thành công của các nhóm nghiên cứu là việc nhóm nghiên cứu phải gắn được với những nhu cầu thực tiễn. Có thể hiểu đó là những vấn đề, những bài toán mà xã hội đặt ra và đòi hỏi giới nghiên cứu giải quyết. Từ đây, quyết định một yếu tố rất quan trọng là kinh phí cho các nhóm nghiên cứu. Hoặc, đó là những vấn đề mang tính nội tại của ngành khoa học, những vấn đề mà giải quyết, có thể mang đến những sự phát triển cho ngành khoa học.

- Thứ hai, với bất cứ một nhóm nghiên cứu nào thì yếu tố quyết định là những nhà khoa học đầu ngành giữ vai trò lãnh đạo, “thủ lĩnh tinh thần” hoạt động của nhóm. Những nhà khoa học này sẽ có vai trò tập hợp và hoạch định chiến lược cho sự phát triển của nhóm, tạo dựng các quan hệ hợp tác và tìm kiếm nguồn lực cho sự phát triển của nhóm.Nhà khoa học đầu ngành không chỉ là người có năng lực và uy tín về chuyên môn, học thuật mà còn phải là người có năng lực tổ chức và tập hợp, thông qua các hoạt động nghiên cứu, bồi dưỡng và đào tạo người nghiên cứu.

- Thứ ba, một nhóm nghiên cứu sẽ chỉ thực sự trở thành mạnh khi xác định được không chỉ những chủ đề nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội cũng như của ngành nghiên cứu mà còn phải xác định được một xương sống về mặt lí thuyết. Chính xương sống này sẽ quyết định sự “phát triển bền vững” của nhóm nghiên cứu.

- Thứ tư, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó chính là năng lực tổ chức nhóm nghiên cứu, ở đây bao gồm cả hoạch định chiến lược về phát triển đội ngũ, tổ chức hoạt động nghiên cứu và hợp tác, huy động nguồn lực. Một nhóm nghiên cứu mạnh là một nhóm nghiên cứu có nhiều thế hệ nhà nghiên cứu vừa tổ chức triển khai các ý tưởng khoa học vừa đào tạo cán bộ thông qua hoạt động nghiên cứu.

Trên đây là một số kinh nghiệm về việc tổ chức các nhóm nghiên cứu theo hướng liên ngành và lí thuyết từ thực tiễn phát triển của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.


[1] A.Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch, NXB Đại học sư phạm, HN, 2006, tr,21.

[2] A.Compagnon, sđd, tr.22.

[3] A.Compagnon, sđd, tr.24.

[4] A.Compagnon, sđd, tr.16.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020