Phương pháp

VỀ NHÓM NGHIÊN CỨU THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY


19-10-2020
Tác giả: GS.TS. Lê Huy Bắc - Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Trong xu thế phát triển đại học nghiên cứu hiện nay trên thế giới và chủ trương đi theo hướng này của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng như trong bối cảnh suy giảm số lượng người học vì đội ngũ giáo viên đã bão hoà, đặc biệt là chủ trương giảm biên chế giai đoạn 2016-2020, chúng tôi đề xuất giải pháp qua việc hình thành các nhóm nghiên cứu và hướng nghiên cứu chuyên sâu tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cụ thể là khoa Ngữ văn.

Trong xu thế phát triển đại học nghiên cứu hiện nay trên thế giới và chủ trương đi theo hướng này của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng như trong bối cảnh suy giảm số lượng người học vì đội ngũ giáo viên đã bão hoà, đặc biệt là chủ trương giảm biên chế giai đoạn 2016-2020, chúng tôi đề xuất giải pháp qua việc hình thành các nhóm nghiên cứu và hướng nghiên cứu chuyên sâu tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cụ thể là khoa Ngữ văn.

Thực tế thì đối với các trường đại học nước ngoài, việc hình thành nhóm nghiên cứu đã được thực hiện từ rất lâu, ngay trước cả khi quan niệm giáo dục là hàng hoá ra đời. Điều này cũng dễ hiểu vì mỗi một dân tộc, mỗi một nền văn hoá hay cộng đồng nào đó thì chỉ có thế mạnh về một số lĩnh vực nhất định. Không một trường đại học nào, dẫu cho có quy tụ nhiều nhân tài đến đâu chăng nữa thì cũng không thể bao quát hết mọi vấn đề khoa học và có thể chuyên sâu đến mức làm mũi nhọn tiên phong. Vì lẽ đó, các trường đại học chỉ tập trung một số lĩnh vực, hình thành những nhóm nghiên cứu nhất định để tạo nên sản phẩm mang tính độc quyền của trường mình.

Trở về với lịch sử nghiên cứu và giảng dạy của khoa Ngữ văn, xét ở phạm vi quốc gia, ta thấy ngoài việc tham gia cầm chịch chương trình viết sách giáo khoa trong mấy đợt thay sách trước đây (1950, 1956, 1979, 2002), hiện tại Khoa ta không còn được chọn để đứng đầu đổi mới “căn bản và toàn diện” nữa. Về nghiên cứu cơ bản, trước đây chúng ta nổi tiếng với các hướng nghiên cứu: ngữ dụng học (GS. Đỗ Hữu Châu), thi pháp học, tự sự học (GS.TS. Trần Đình Sử), giáo học pháp (GS. Phan Trọng Luận). Các hướng nghiên cứu này đã tập hợp được nhóm cộng sự, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy đã có tầm ảnh hưởng trên toàn quốc. Gần đây, ở mức khiêm tốn hơn là chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học do chúng tôi khởi xướng và được các trường sư phạm trên cả nước và nhiều trường đại học khác ngoài hệ thống Sư phạm đưa vào giảng dạy. Hướng nghiên cứu này đã cho in hơn 10 đầu sách, trong đó có ba công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, hơn 10 luận án tiến sĩ và khoảng 100 luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ. Như thế, khi một hướng nghiên cứu được đề xuất du nhập vào nước ta, thì đa phần được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu nào đó. Nhóm này luôn có xu thế liên ngành và liên trường Đại học.

Từ thành tựu trong lịch sử này, và trước nhu cầu cải cách cấp thiết hiện nay, chúng tôi nhận thấy cần đẩy mạnh hơn nữa nhóm nghiên cứu trong trường đại học. Xưa nay, sự vướng mắc vẫn là, các bộ môn thường đóng kín phạm vi được cho là độc quyền của mình. Nhận thức này hết sức sai lầm vì càng ngày, người ta cần những chuyên gia đa ngành, hơn nữa mỗi bộ môn, do hạn chế về định biên của mình thì không thể phình to để giữ được lượng cán bộ nghiên cứu đảm đương mọi vấn đề. Thêm nữa, tất thảy lí thuyết được vận dụng nghiên cứu văn học ở Việt Nam, đến nay và có lẽ vẫn còn lâu nữa, thì đều là ngoại lai, đến từ các trung tâm văn hoá lớn như Nga, Pháp, Anh, Đức, Mỹ… Vả lại dẫu có nghiên cứu lí thuyết hay văn học sử thì người nghiên cứu phải sử dụng ngôn ngữ và những thành tựu của ngôn ngữ học… Nếu lấy tiêu chí này mà cho rằng tất cả các nghiên cứu lí thuyết đều thuộc bộ môn Ngôn ngữ hay Văn học nước ngoài thì thật là bất cập. Hoặc giả nếu bảo các lí thuyết đó đều thuộc bộ môn Lí luận văn học thì cũng chẳng ổn chút nào. Thêm nữa cho dù thực hành lí thuyết nào thì người nghiên cứu cũng đụng đến văn học sử, hoặc là văn học Việt Nam hoặc là văn học Nước ngoài. Do vậy sự đa ngành, liên ngành là điều dễ hiểu. Trong khi đó, “triết lí bộ môn” thì luôn là đơn ngành.

Theo đó, bộ môn có lẽ trong tương lai cơ bản chỉ là nơi quản lí hành chính và vì thế không cần có nhiều bộ môn. Cái cần thiết nhất là khoa Ngữ văn và trường Đại học Sư phạm chọn hướng nghiên cứu nào để khẳng định vai trò của mình mới thực sự là quan trọng. Nhóm nghiên cứu vì thế có thể xác định nội hàm như sau: Là thành viên của bất kì bộ môn nào mà có cùng niềm đam mê, năng lực và có khả năng hoạt động nhóm cùng hướng về một mục tiêu nghiên cứu nhất định. Nhóm nghiên cứu ở trường Đại học nhất định phải giỏi ngoại ngữ, phải đăng được bài ở nước ngoài, và đặc biệt đối với môn ngữ văn trong trường sư phạm thì cần phải có kiến thức phương pháp nhất định, hướng đến việc cung cấp tri thức đương đại cho các cấp Trung học phổ thông, cũng như cần phải chọn những vấn đề có ích cho việc đào tạo con người công dân quốc gia và quốc tế.

Hiện tại, khoa Ngữ văn có nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lứa tuổi có thể tự mình giải quyết được một hoặc nhiều vấn đề, hoặc có thể tự mình đề xuất được nhóm nghiên cứu. Nhưng một trong những hạn chế của chúng ta là tinh thần làm việc nhóm chưa cao. Việc nghiên cứu vẫn chỉ là mang tính cá nhân, mạnh ai người đó tiến. Còn nữa việc giảng dạy cũng như mưu sinh vẫn là gánh nặng cho không ít người.

Để phát triển được nhóm nghiên cứu cần có được cái nhìn đồng bộ và chiến lược. Kinh phí của Trường và Bộ cần ủng hộ các nhóm nghiên cứu mạnh, nếu xét thấy vấn đề của nhóm đó khả thi và hữu ích đối với việc phát triển cộng đồng và lợi ích của dân tộc.

Cần có cơ chế tạo điều kiện thời gian và hành lang pháp lí cho người đứng đầu nhóm nghiên cứu để có thể quy tụ được người giỏi, giàu nhiệt huyết. Cụ thể, trưởng nhóm nghiên cứu có thể chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban giám hiệu nhà trường, có cơ chế hợp đồng ngắn hạn người nghiên cứu trong và ngoài trường. Trường có thể cử cán bộ tài chính trợ giúp những công việc thanh toán kinh phí, vốn vẫn đang còn khá rắc rối đối với những người làm chuyên môn văn chương...

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cần phải thay đổi cơ cấu Khoa và Bộ môn. Theo đó, mục tiêu đào tạo của Khoa vừa là giáo viên Trung học vừa là Giảng viên Đại học, trọng tâm đào tạo của Khoa sẽ hướng đến các đối tượng học được phân ngành theo các cấp: Cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chúng ta vừa đào tạo ra các giáo viên phổ thông đồng thời đào tạo các nhà nghiên cứu chuyên sâu, có thể tạo đột biến trong nghiên cứu, chí ít là ở phạm vi trong nước và khu vực. Sợi chỉ liên kết các cấp đào tạo này là nhóm nghiên cứu. Đối với trình độ cử nhân với hàm lượng kiến thức tương ứng thì nhóm nghiên cứu có thể điều tiết kiến thức cho phù hợp. Việc phân bố chương trình, kiến thức đối với các cấp cao hơn cũng vậy.

Ngày nay đã đến lúc xoá bỏ không chỉ ranh giới các bộ môn mà còn không nên tách lí thuyết và ngôn ngữ ra khỏi các nghiên cứu văn chương thường được xem như là lịch sử văn học. Vì thực chất mỗi một nhóm biên soạn lịch sử văn học thì đều phải sử dụng những thao tác ngôn ngữ và phải đứng trên một lí thuyết hay một nhóm lí thuyết nhất định. Cái ta thường gọi là “lịch sử văn học” hiện nay được biên soạn chủ yếu dựa trên nguyên tắc phản ánh luận, bám sát các mốc lịch sử, mà nền tảng của nó là những vấn đề xã hội. Vấn đề đặt ra là có ai đó sẽ viết lịch sử văn học dựa trên thể loại hay là kiểu ngưởi kể? 

Nhìn lại cấu trúc chương trình Cử nhân và Thạc sĩ, Tiến sĩ của khoa Ngữ văn ta sẽ thấy ngay được những bất cập đó. Bộ môn nào cũng cố “tranh” cho được nhiều tiết (để chứng minh mình là quan trọng, hình như thế), nhiều mảng dạy trùng nhau và không thể nào khắc phục. Chúng tôi xem cách xây dựng chương trình này không đặt lợi ích về phía người học mà về phía người dạy. Rốt cuộc thì toàn bộ chương trình đó bị “băm nát”, không trở thành một hệ chống chặt chẽ và hoàn thiện một cách tối ưu nhất. Vậy nên, ngay khi chưa “chạy thử” nó đã có nhiều điểm chưa ổn. Chẳng hạn, một môn văn học so sánh thì cả Bộ môn lí luận lẫn Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài đều dạy, dù mức độ và cách thức truyền đạt kiến thức có phần khác nhau. Môn kí hiệu học thì cả Lí luận văn học lẫn Văn học nước ngoài, Ngôn ngữ cùng dạy… Trong khi đó, cách làm đơn giản và khoa học hơn là đưa vào chương trình môn học đó và ai có đủ năng lực giảng dạy thì tham gia. Còn nếu Khoa ta không có người đảm trách thì có thể mời từ khoa khác, trường khác.

Mới hay là trong lúc bộ môn Lí luận muốn chuyên về phần lí thuyết thì ngay khi dạy lí thuyết các nhà “thuần” lí luận cũng cần phải viện dẫn văn học sử. Tương tự, trong khi dạy văn học sử thì các nhà giảng dạy văn học sử cũng không thể nào tránh được những vấn đề lí thuyết. Giải pháp ở đây là cần xoá bỏ hoặc là bộ môn này hay bộ môn kia vì sự chồng chéo, trong lúc đối tượng và mục tiêu nghiên cứu, cách thức giảng dạy không khác nhiều hoặc chẳng khác gì nhau. Tương tự, bộ môn Hán Nôm, khi giảng dạy hoặc nghiên cứu lên các cấp thạc sĩ và tiến sĩ thì đều rơi vào hoặc là “ngôn ngữ” hoặc là “văn học sử”. Như thế sẽ có phần trùng với văn học Trung đại Việt Nam hoặc với văn học nước ngoài. Vì lẽ này mà khi các chuyên gia Hán Nôm đăng kí học hàm thì hoặc là phải sang chuyên ngành “ngôn ngữ” hoặc là các chuyên ngành văn học sử…

Chuyện chồng chéo này chưa dừng lại ở đây, khi chọn đề tài cho học viên nghiên cứu các cấp thạc sĩ hay tiến sĩ thì tất cả các bộ môn đều bộc lộ sự bất khả giải: chẳng hạn một giảng viên bộ môn Lí luận văn học cho học trò làm đề tài về “Cổ mẫu” trong văn học dân gian thì chắc chắn vấn đề đó những người nghiên cứu văn học dân gian cũng có thể chọn cho học viên của mình. Hay như khi bộ môn Văn học Việt Nam nghiên cứu “diễn ngôn”, thì vấn đề đó lại thuộc về bộ môn Ngôn ngữ hay Lí luận văn học như cách hiểu hiện nay. Vấn đề sẽ trở nên logic hơn nếu tất cả được dẫn dắt xuyên suốt bởi nhóm nghiên cứu. Vậy nên, việc cơ cấu lại bộ môn và hình thành nhóm nghiên cứu là tối cần thiết.

Theo đó, khoa Ngữ văn có thể hình thành bộ môn, dựa trên các trục cấu trúc chính sau:

1. Việt Nam, Nước ngoài và phương pháp (ngữ văn): Lí thuyết và ngữ văn Việt Nam, Lí thuyết và ngữ văn Nước ngoài, Ngữ văn so sánh và Giáo học pháp.

2. Lí thuyết, văn học sử, ngôn ngữ và phương pháp: Lí thuyết Ngữ văn, Văn học Việt Nam và Nước ngoài (bao hàm cả Văn học So sánh) và Giáo học pháp.

3. Ngôn ngữ, văn học và phương pháp: Ngôn ngữ Việt Nam và thế giới, Văn học Việt Nam và thế giới (bao hàm cả Văn học So sánh) và Giáo học pháp. 

Cần lưu ý, các bộ môn này đều có tính hành chính và chuyên sâu trong một giới hạn nhất định. Những vấn đề chuyên sâu hơn đều do nhóm nghiên cứu đảm trách. Chẳng hạn khi cần dạy Kí hiệu học, thì môn này có thể dạy từ cấp cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ. Chỉ có nhóm nghiên cứu sâu mới có thể hoạch định mức độ kiến thức cần ở các cấp và có thể nâng cao hơn ở các cấp trên và cả việc tự học sau này của học viên. Khi vấn đề nghiên cứu đã hết thì nhóm có thể giải tán để hình thành nhóm nghiên cứu khác.

Vấn đề cần bàn nữa là chuyện mã ngành đào tạo. Các mã ngành hiện nay sẽ vẫn giữ nguyên, nếu có thì bổ sung thêm Ngữ văn so sánh. Mã ngành đều thuộc về nhóm nghiên cứu, có nghĩa nó sẽ “mời gọi” những nhà nghiên cứu đủ thẩm quyền chuyên môn trong lĩnh vực đó. Chẳng hạn, ai đó muốn hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm về “ngữ dụng học” thì có thể chọn mã ngành “ngôn ngữ” tuy người đó đang biên chế tại bộ môn Lí luận hay Văn học Việt Nam… 

Điều này dẫn đến việc hướng dẫn thạc sĩ và nghiên cứu sinh sẽ dần tối ưu hơn và tiệm cận được cách đào tạo của các nước tiên tiến đang đi trước ta. Theo đó, giáo sư hướng dẫn là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ của mình. Việc lập hội đồng bảo vệ sẽ không cần phòng Sau Đại học rà soát, gạch tên hay không gạch ai đó mà tuỳ thuộc vào chính nhà khoa học hướng dẫn. Tự người này sẽ chọn ra Hội đồng, và chịu trách nhiệm về Hội đồng trước pháp luật về quy định Hội đồng. Phòng Sau Đại học chỉ làm nhiệm vụ là giúp xem các bước tổ chức có đúng với quy trình đạo tạo hay không. Xem ra, theo cách này thì đội ngũ chuyên viên phòng Sau Đại học cũng sẽ giảm đi ít nhiều.

Sự hình thành nhóm nghiên cứu không chỉ mang lại lợi ích về chương trình, chuyên môn mà còn lợi ích về mặt biên chế giảng viên. Theo đó, các Khoa, trường Đại học có thể trao đổi chuyên gia tham gia giảng dạy cho trường mình. Biên chế vì thế sẽ giảm xuống và cơ hội cải thiện đời sống giảng viên sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Nhóm nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng ra các trường đại học khác trong cả nước và trên thế giới. Trong xu thế toàn cầu hoá ngày nay, vai trò của cá nhân là quan trọng nhưng quan trọng hơn, cá nhân đó phải tạo dựng thành “nhóm” thì mới có thể thúc đẩy khoa học tiến lên. 

Cuối cùng, chúng tôi đề xuất các hướng nghiên cứu hiện đang được quan tâm trên thế giới và có thể hữu ích ở Việt Nam như Kí hiệu học (đặc biệt là Kí hiệu học văn học, rộng hơn là kí hiệu học văn hoá), nghiên cứu văn hoá và nghiên cứu sinh thái trong ngữ văn học.

Kí hiệu học là ngành nghiên cứu có nguồn gốc từ cổ đại Hi Lạp, cũng như cổ đại phương đông, nhưng ngành này thực sự phát triển vào thế kỉ 20 và bùng nổ sau nhiều thành tựu của ngôn ngữ học. Có thể nói đây là ngành nghiên cứu có tính bao quát rộng khắp mọi phương diện của đời sống, bởi lẽ bất cứ thứ gì chúng ta mang ra giao tiếp đều tồn tại dưới dạng kí hiệu mà quan hệ xã hội thì đều là quan hệ giao tiếp: giảng bài là giao tiếp, diễn thuyết chính trị là giao tiếp và ngay đến cả giao tiếp cũng đều là giao tiếp... Nghiên cứu kí hiệu học có rất nhiều phân ngành và có lịch sử tuy chưa lâu đời nhưng lại vô cùng phong phú và phức tạp. Nhờ có kí hiệu học mà con người mới có thể lưu giữ được văn hoá và có thể hiểu biết được văn hoá của nhau.

Hướng nghiên cứu quan trọng thứ hai là phê bình sinh thái, hướng này chú trọng đến môi trường tự nhiên trong sự tồn tại của con người. Trước đó, mọi sáng tạo văn học hay nghiên cứu ngôn ngữ hầu hết chỉ chú ý đến môi trường xã hội. Môi trường sinh thái nếu có, thì chỉ là được xem xét nó tạo hiệu quả như thế nào trong việc khắc hoạ nhân vật. Ngày nay con người nhận thấy thiên nhiên cũng là yếu tố quan trọng không kém trong việc đảm bảo hạnh phúc hay bất hạnh của con người.

Khuynh hướng nghiên cứu văn hoá thực chất là sự phản ứng lại những đào sâu thái quá của các hướng nghiên cứu trên nền lí tính cực đoan của chủ nghĩa cấu trúc, hoặc hỗn loạn quá đáng của giải cấu trúc. Các nhà nhân văn muốn hướng đến sự ổn định, bền vững nên nghiên cứu dưới ánh sáng văn hoá ngày càng được ưa chuộng…

Dẫu sao thì, ba hướng nghiên cứu trên chắc chắn cũng sẽ chẳng thể nào là vĩnh hằng bất biến, sẽ có các hướng nghiên cứu khác xuất hiện trong tương lai. Nhiệm vụ của các Khoa chuyên môn trong trường đại học là đón đầu hoặc học theo các cái mới để đưa nền khoa học nhân văn của chúng ta bắt kịp với xu thế của thời đại.

Kể từ sau 1986, mọi phương diện đời sống xã hội của chúng ta đã thay đổi nhiều, duy chỉ Giáo dục gần như là chẳng có tiến triển bao nhiêu. Nguyên do cũng có phần từ trường đại học khi chúng ta một mặt đang hướng theo cơ chế thị trường nhưng lại được vận hành theo thời bao cấp. Có nghĩa, nhà nước rót tiền, còn ta cứ tận hưởng sự bao cấp đó và hài lòng với một cơ cấu tổ chức nghiên cứu, giảng dạy đã trở nên không còn phù hợp nếu không nói là quá lạc hậu. Chúng ta ngại đổi mới vì sợ va chạm, mất lòng nhau, trong khi Đảng và Nhà nước cần ở chúng ta nhiều hơn nữa một sự cải cách. Vì thế, các Khoa thuộc Trường đại học nếu cùng xác định là đại học nghiên cứu, có thể ngồi lại để hoạch định một sự đổi mới về cơ chế quản lí, nghiên cứu khoa học và áp dụng kết quả đó trong dạy học các cấp. Trong xu thế đó, “nhóm nghiên cứu” là cách thức tối ưu để chúng ta mở ra một trang mới cho lịch sử nghiên cứu và giảng dạy Đại học của nước nhà.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020