Phương pháp

TRƯỜNG HỌC LÀ THẾ GIỚI


19-10-2020
Tác giả: TS. Lê Trà My - Đại học Sư phạm Hà Nội

Nhắc đến trường học ta thường nghĩ đến sự khuôn phép, trường quy, mẫu mực - một môi trường khác với thế giới phong phú, phức tạp, đa dạng bên ngoài. Nhiều học trò sống trong môi trường trường ốc, thường bị coi là sống sách vở, không thực tế, gà công nghiệp, lơ ngơ trước những thử thách thực tiễn. Người xưa có câu: “Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, ý muốn nói về sự vô tích sự theo nghĩa không biết việc nhà, việc đời. Cũng có khi, những anh học trò dài lưng tốn vải ấy, trong tâm trí nhiều người lại là những người đáng trọng, như một nốt nhạc thanh cao giữa đám hỗn thanh xô bồ của cuộc sống thực tế. Như vậy, vô hình trung, khái niệm nhà trường có vẻ như đối lập với khái niệm cuộc sống thực tế. Trường học được coi là một thế giới, nhưng là một thế giới khác biệt và tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, trường học đối lập với trường đời.

Nhắc đến trường học ta thường nghĩ đến sự khuôn phép, trường quy, mẫu mực - một môi trường khác với thế giới phong phú, phức tạp, đa dạng bên ngoài. Nhiều học trò sống trong môi trường trường ốc, thường bị coi là sống sách vở, không thực tế, gà công nghiệp, lơ ngơ trước những thử thách thực tiễn. Người xưa có câu: “Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, ý muốn nói về sự vô tích sự theo nghĩa không biết việc nhà, việc đời. Cũng có khi, những anh học trò dài lưng tốn vải ấy, trong tâm trí nhiều người lại là những người đáng trọng, như một nốt nhạc thanh cao giữa đám hỗn thanh xô bồ của cuộc sống thực tế. Như vậy, vô hình trung, khái niệm nhà trường có vẻ như đối lập với khái niệm cuộc sống thực tế. Trường học được coi là một thế giới, nhưng là một thế giới khác biệt và tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, trường học đối lập với trường đời.

   Thế giới trường học và đời sống thực tiễn

   Theo quan điểm của UNESCO, học là để biết, để làm, để cùng chung sống, để tự hoàn thiện. Học để cùng chung sống là một quan niệm rất có ý nghĩa, biết, làm, tự hoàn thiện đều là hướng tới sự cùng chung sống trong cộng đồng, trong thế giới. Vậy, nếu tách biệt nhà trường khỏi cuộc sống bên ngoài thì sản phẩm đào tạo của nhà trường sẽ không thể thích ứng với cuộc sống, nhất là một cuộc sống biến động không ngừng với tốc độ nhanh như hiện nay. Làm thế nào để nhà trường là một thế giới, một thế giới tương ứng với thế giới thật, thay vì một thế giới tách biệt với thế giới thực?  Nhà trường cần cho học sinh đối mặt với thực tế, gắn kết các tri thức sách vở với thực tế. Học sinh vận dụng tích hợp các kiến thức học được để giải quyết các vấn đề thực tế của bản thân, của cộng đồng. Quan điểm giáo dục mới hiện nay tính đến sự phát triển các năng lực ở học sinh, mà các năng lực đó chính là điều kiện cần có của mỗi con người khi đối mặt với các vấn đề của đời sống thực tiễn.

   Trường học và sứ mệnh giáo dục

    Khi tiến hành xây dựng chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững”, UNESCO đã nhằm tới mục tiêu giáo dục là giúp học sinh hiểu rõ hơn thế giới mà các em đang sống, giải quyết sự phức tạp và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các vấn đề đang đe dọa tương lai như nghèo đói, tiêu dùng lãng phí, sự suy thoái môi trường, dân số, sức khỏe, xung đột và quyền con người.  Trong cuốn Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, Edgar Morin cũng đặt vấn đề: Chúng ta đối diện thế nào với cái thế giới đang cuốn chúng ta đi? Chúng ta phải đặt nền tảng cho sự hiểu biết về tương lai của chúng ta trên những khái niệm cơ bản nào? Chúng ta có thể dựa trên cơ sở lí thuyết nào để suy ngẫm và vượt qua được những đổ vỡ lớn lao ngày càng lan rộng? Rõ ràng là, triển khai chương trình và phương pháp giáo dục hướng đến việc đào tạo khả năng đáp ứng những thách thức của cuộc sống cá nhân, xã hội, tự nhiên là một xu hướng tất yếu của giáo dục hiện nay. Thực sự, đây cũng là một thách thức không chỉ đối với những nhà hoạch định giáo dục, xây dựng chương trình, mà còn là câu hỏi bức thiết đặt ra cho mỗi người làm giáo dục, trong mỗi việc làm dù là rất nhỏ của mình. Đây không phải là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực nào, nó là vấn đề của mỗi chúng ta trong bối cảnh hiện nay.

    Thực hiện được sứ mệnh giáo dục đó, nhà trường là một kênh đào tạo phổ thông và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhà trường cần có những định hướng phù hợp, và nhất là cần có những thay đổi trong triết lí giáo dục. Edgar Morin trong cuốn sách kể trên đã bàn về những điều cần hướng tới của giáo dục, đặc biệt nhấn mạnh ở việc giáo dục khả năng nắm bắt tính toàn thể của đối tượng (nhận thức phân mảnh theo từng ngành sẽ không nhận thức được đối tượng trong bối cảnh, tổ hợp và tổng thể), khả năng đương đầu với những bất định của cuộc sống, khả năng cảm thông, trao đổi giữa con người với con người, khả năng nhận thức được mình là một cá nhân, đồng thời cũng là một thành phần của xã hội và thành phần của nhân loại.

  Nhiều hội thảo khoa học về giáo dục đã được tổ chức ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Mới đây, hội nghị Tương lai giáo dục đại học (Higher Education Futures) do tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) phối hợp với Bộ Giáo dục Singapore tổ chức tại Singapore ngày 14-16/10/2015, đã bàn nhiều nội dung, trong đó có vấn đề đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm là một trong những vấn đề mà thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Bùi Văn Ga đã bàn thảo cùng các nhà giáo dục quốc tế tại hội nghị này. Ở Việt Nam, quả là, muốn thực hiện sứ mệnh giáo dục trong thời đại hiện nay, nhà trường không thể không có sự đổi mới toàn diện, nhất là chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.

    Nhà trường Sư phạm trước những thách thức của thời đại

    Chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy là vấn đề liên quan trực tiếp đến các trường Sư phạm. Ở đây tôi chỉ xin bàn đến trường Sư phạm ở cấp Đại học.

    Trong bài viết Khái niệm đại học trên thế giới đang thay đổi, các tác giả cho rằng: Trường đại học của tương lai không nhằm truyền thụ kiến thức và đào tạo kĩ năng chuyên môn, mà nhằm vào những kĩ năng sống, năng lực công dân, năng lực học tập suốt đời. Họ cho rằng, nền kinh tế tri thức trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi những con người có những kĩ năng mới (kĩ năng sử dụng công nghệ kĩ thuật số, làm việc nhóm, truyền thông, giao tiếp, sáng tạo, tư duy khởi nghiệp) và những năng lực mới (lãnh đạo, tầm nhìn toàn cầu). Nếu theo cái lí này mà suy, xem ra, để có thể thích ứng với thế giới biến đổi, các trường Đại học Sư phạm ở Việt Nam cần phải làm một cuộc cách mạng. Xét về chương trình và cách giảng dạy, chủ yếu Đại học Sư phạm vẫn hướng tới việc cung cấp kiến thức. Xét về lĩnh vực đào tạo nghề, Đại học Sư phạm chủ yếu vẫn hướng tới việc rèn các kĩ năng đứng lớp như kĩ năng thuyết trình, viết bảng, thiết kế giáo án...

      Có thể không hoàn toàn nhất trí nhưng cũng nên coi quan điểm trên đây là những gợi ý cần thiết cho việc đổi mới giáo dục đại học hiện nay, nhất là ở ĐHSP. Các trường đại học là nơi nghiên cứu chuyên sâu, tạo ra các tri thức mới, có nhiệm vụ truyền đạt những kiến thức khoa học nền tảng cho sinh viên. Đã có ý kiến cho rằng, trường đại học cung cấp những kiến thức chẳng mấy ứng dụng được trong thực tế. Về điều này, cần có hai cách nhìn. Một là không phải kiến thức nào cũng có thể thao tác hóa thành các hoạt động thực tiễn. Hai là các chuyên ngành đào tạo có nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cơ sở, cơ bản như là những điểm tựa để tiến hành các thao tác khác trong đó có thao tác ứng dụng thực tiễn. Trong thời đại bão táp thông tin như hiện nay, việc xác định đâu là kiến thức nền tảng có tính chất xác lập bản chất của một chuyên ngành là điều cần sự đầu tư trí tuệ của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu. Giảng viên không phải là người cung cấp kiến thức (như trong nhà trường truyền thống), mà phải là người xác lập được các phạm vi kiến thức, quan điểm tiếp cận kiến thức, từ đó mới có thể định hướng cho người học.

    Vậy vấn đề là làm sao để những kiến thức ở đại học có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho người học khi họ đối mặt với những nhu cầu, đòi hỏi của đời sống? Các trường Sư phạm, nơi đào tạo giáo viên phổ thông, chính là “trường nghề”, một trong những mục tiêu lớn nhất của chúng ta là đào tạo nghề. Sản phẩm của các trường Sư phạm phải là đội ngũ những giáo viên thích ứng được với những yêu cầu mới. ĐHSP có nhiệm vụ kép, vừa đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn giảng dạy ở phổ thông, vừa đào tạo con người có khả năng chuẩn bị cho người khác khả năng thích ứng với môi trường sống. Chương trình, bài giảng ở đại học phải làm sao thiết lập được những sợi dây kết nối những kiến thức cơ bản với mục tiêu đào tạo mới và nhu cầu của người học. Nhu cầu sống của bản thân người học và nhu cầu tích lũy hành trang nghề nghiệp cần phải trở thành động lực thúc đẩy sự chủ động trong học tập của sinh viên Sư phạm. Khi đó, mỗi hoạt động của giảng viên trên lớp sẽ vừa là sự định hướng, vừa là sự đồng hành, tương tác với người học để hướng đến việc thực hiện các nhu cầu trên. Sinh viên sẽ có được khả năng phát hiện các vấn đề đời sống qua các giờ học, đồng thời biết cách tự  giải quyết các vấn đề đó.

    Kết nối với thế giới từ những bài học nhỏ

    Đến đây, tôi xin mô tả một tình huống. Trong giờ Lí luận văn học ở ĐHSP, sinh viên đang thảo luận về cấu trúc nghĩa của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Mức độ thứ nhất, tìm nghĩa của văn bản ngôn từ, văn bản hình tượng. Mức độ thứ hai, đi tìm ý nghĩa hàm ẩn, hoặc kiến tạo nghĩa cho văn bản từ cấu trúc bề mặt dễ nhận thấy như nhân vật, sự kiện, trần thuật,... Các lớp nghĩa hàm ẩn có được nhờ những liên kết đời sống có tính thẩm mĩ, thời đại, văn hóa. Tìm nghĩa bề sâu đòi hỏi năng lực suy luận, khả năng “đọc” văn bản từ những dữ kiện ngôn từ và hình tượng. Sinh viên có thể tham khảo các tài liệu đã có về tác phẩm (đã có sự chuẩn bị từ trước), có thể truy cập internet ngay trên lớp học. Vận dụng các cách tiếp cận văn bản khác nhau, các nhóm sinh viên nêu các vấn đề:

- Xét từ cấu trúc tự sự, tình huống truyện, giải mã kí hiệu của cái biểu đạt, có thể coi truyện ngắn này là một luận đề về mối quan hệ nghệ thuật và cuộc sống.

- Xét từ ý thức nữ quyền, hình tượng người đàn bà hàng chài cho thấy vấn đề về sự sinh tồn của phụ nữ, bản năng nữ.

- Xét từ góc độ lí thuyết sinh thái, tác phẩm cho thấy sự hòa hợp của con người với môi trường tự nhiên, cảm giác về sự sống cùng thiên nhiên, mối quan hệ tự nhiên và xã hội con người, quan hệ tự nhiên - chiến tranh - nghèo đói.

- Xét từ lí thuyết phân tâm học: bản năng sống, giải tỏa ẩn ức, mẫu gốc “mẹ”.

- Xét từ góc độ xã hội học: khả năng sinh tồn và phương cách sinh hoạt, kiếm sống của dân chài ven biển, kiểu người phụ nữ trong văn hóa phương Đông,

   Từ giờ học này, có thể nghĩ đến một số vấn đề.

a)     Kết nối bài học với các nguồn tư liệu

    Theo các nhà nghiên cứu, cuộc cách mạng công nghệ trong thế kỉ XX, XXI là một cú hích lớn, làm thay đổi căn bản giáo dục đại học trên nhiều phương diện, trong đó nổi lên một số vấn đề cốt yếu như sự thay đổi môi trường học tập và nghiên cứu, sự định nghĩa lại vai trò người dạy và người học. Kiến thức không còn là độc quyền của người thầy. Người dạy là người hướng dẫn người học tìm ra những con đường tiếp cận kiến thức. Sinh viên được giao các nhiệm vụ nghiên cứu, họ có thể tự tìm các nguồn tư liệu (sách vở, khai thác internet, tài liệu thực tế, trải nghiệm bản thân,...) để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đó. Ở mức độ cao hơn, từ những tri thức đã nắm bắt được, họ có thể đối thoại với các ý kiến đã có về vấn đề, đề xuất, sáng tạo các tri thức mới.

b)     Bài học - tri thức - ứng dụng

    Trở lại ý kiến cho rằng đại học dạy những điều cao siêu, không gắn với thực tế đã nêu trên. Ngành Ngữ văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội, hệ thống môn học, chuyên đề đang được đổi mới. Riêng môn Lí luận văn học đã mở ra nhiều phân môn mới so với chương trình khoảng đầu những năm 2000, tiệm cận dần với bước phát triển của lí thuyết văn học đương đại. Ví dụ như Kí hiệu học, Tự sự học, Chuyển thể văn học, Nghệ thuật học, Phương pháp nghiên cứu văn học ứng dụng,... Các hướng nghiên cứu hiện đại được quan tâm như phê bình sinh thái, nữ quyền, giới, xã hội học văn học, văn học và văn hóa, mĩ học tiếp nhận, phân tâm học,... Các góc nhìn mới được đặt ra như văn học với đô thị, văn học với sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, văn học với các loại hình nghệ thuật và các lĩnh vực khác (văn học với kiến trúc, văn học với hội họa, văn học với âm nhạc, văn học với lịch sử, văn học với khoa học, văn học với địa - chính trị, văn học với tôn giáo, văn học với kinh tế,...), văn học với văn hóa đại chúng,... Đây là những vấn đề mở, kết nối văn học với các vấn đề khác nhau của nhu cầu sống của con người.  Quả thực nếu xét thực trạng giảng dạy ở phổ thông hiện nay, thì những vấn đề trên tưởng như rất xa vời, khó có khả năng ứng dụng. Ai dám dạy vấn đề tính dục trong Chí Phèo thay cho bi kịch tha hóa và công kích những kẻ cường hào ác bá. Nếu học Chí Phèo, học sinh có thắc mắc về hiện tượng những “quan xã” ăn chặn tiền, cướp đất đai của dân hiện nhan nhản trên báo chí thì thầy cô nào dám nói Chí Phèo hiện vẫn còn tính thời sự (liên quan vấn đề ngữ cảnh tiếp nhận).

    Từ bài học môn Lí luận văn học nói trên, có thể thấy các nhóm sinh viên đã ứng dụng khá hiệu quả các hướng nghiên cứu mới trong văn học vào việc hình thành các con đường khai thác nghĩa tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa như nghiên cứu văn học và văn hóa, nghiên cứu sinh thái, nữ quyền, xã hội học, phân tâm học,...

    Sự chỉ ra những con đường tiếp nhận các lí thuyết hiện đại chính là giúp sinh viên thiết lập những con đường tiếp cận tác phẩm, sáng tạo những cách “đọc” mới, kiến tạo nghĩa mới cho văn bản tác phẩm. Đồng thời, từ đó, sinh viên khi ra trường, trực tiếp làm công tác giảng dạy ở phổ thông, có khả năng dự đoán, đặt giả thiết, giải thích những cách tiếp nhận bất ngờ từ phía học sinh. Đây là hướng đi đúng nhưng đầy gian nan của giáo dục đại học. Có thể sinh viên Sư phạm Ngữ văn của chúng ta đi thực tập hay sau tốt nghiệp, hiện tại rất khó ứng dụng những điều này trong công việc (lí do thì có nhiều, mà cơ bản nhất vẫn là cách thức thi cử, đánh giá ở phổ thông). Song, trong định hướng đổi mới giáo dục sắp tới, giáo viên phổ thông cần phải được đào tạo như vậy mới đáp ứng được yêu cầu mới.

c) Bài học và định hướng bồi dưỡng năng lực người

    Hiện nay người ta hay nói đến sự áp đảo của mô hình giáo dục vì lợi ích (hướng tới sự phát triển kinh tế). Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề người ta ít chú ý tới vai trò của đạo đức con người (bao gồm cả đạo đức môi trường, thiên nhiên, các giá trị nhân văn). Trong tình hình ấy, môn Ngữ văn ở phổ thông rất có thể đáp ứng mục đích giáo dục vị lợi (!), bởi nó vun đắp khả năng tưởng tượng, sự nhạy cảm, nắm bắt tâm lí. Những điều này rất có ích đối với các nhà kinh doanh. Dự đoán xu hướng, nắm bắt tâm lí khách hàng, quảng cáo sản phẩm, chiến lược PR,... là những điều quan trọng trong kinh doanh. Nhưng không chỉ có vậy, ở mục đích dài lâu và sâu xa là đào tạo con người, môn Ngữ văn ở phổ thông góp phần bồi đắp năng lực người cho người học. Cũng như các ngành nghệ thuật khác, tác phẩm văn học có vai trò hình thành các năng lực người, làm cho con người trở thành người. Những gì thuộc về con người được ý thức một cách sâu sắc, không chỉ những phẩm chất, sức mạnh, sự ưu việt (như thường thấy), mà còn là những góc khuất, những sức mạnh tăm tối, sự yếu đuối, bất toàn,...

    Một trong những năng lực người được hình thành thông qua môn Ngữ văn chính là khả năng đồng cảm, cộng cảm, chia sẻ. Có được những khả năng này con người mới hướng tới được những tình cảm nhân văn mà chúng ta hay nói tới như tình thương yêu con người, sự hi sinh, lòng dũng cảm,... Trong các lớp ý nghĩa của Chiếc thuyền ngoài xa nói trên, thông điệp về sự nhỏ bé, yếu ớt của con người cùng bản năng sinh tồn mang tính loài là một điều cần suy ngẫm. Để sinh tồn, con người vẫn phải gắn với nhau cho dù sự gắn kết ấy không phải lúc nào cũng làm nên hạnh phúc. Để gắn được với nhau, vợ chồng thuyền chài đã chia sẻ với nhau những gian khổ, nghèo đói, nguy hiểm. Ngay cả việc họ chịu đựng nhau, trút những niềm uất hận vào nhau cũng là một cách san sẻ. Con người không đủ mạnh để đơn độc. Do vậy khả năng hiểu nhau để gắn kết, hơn nữa, hi sinh những lợi ích riêng để gắn kết là một cách sinh tồn. Sự sống của bản thân, đặc biệt là của những đứa con, có được, đôi khi phải đánh đổi bằng nhiều thứ, đối với người phụ nữ này, là chịu đựng sự hành hạ về thân thể. Một trong những “vẻ đẹp khuất lấp” ở nhân vật này là khả năng hiểu mình, hiểu những giới hạn của mình, sau đó là khả năng hiểu và cảm thông người khác, đặc biệt là người cùng san sẻ cuộc sống với mình, người chồng. Từ đó ta mới hiểu vì sao chị kiên quyết không li dị chồng cho dù luôn bị chồng đánh đập. Dạy Ngữ văn chính là chúng ta chỉ ra những giới hạn của con người, muốn vượt qua nó, người ta có nhiều cách, trong đó có một cách là cảm hiểu, chia sẻ, kết nối. Đó là một năng lực con người không thể thiếu trong quá trình tồn tại, không thể thiếu nếu muốn tồn tại. Dạy Ngữ văn không phải dạy cho học sinh trở thành nhà phê bình, cũng không dạy cách họ trở thành nhà văn, mà đánh thức ở họ năng lực làm người.

    Những vấn đề rút ra từ bài học trên cho thấy giờ học cụ thể trên lớp chính là cấp độ nhỏ của chương trình đổi mới giáo dục đang diễn ra hiện nay ở các trường đại học. Từ cấp độ này, giảng viên, nhân lực chủ chốt của đào tạo đại học đóng vai trò là người hướng dẫn sinh viên mở ra những cánh cửa để kết nối giảng đường với thế giới rộng lớn, với những nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Sinh viên, cùng sự trợ giúp của giảng viên, chính là nhân tố sẽ mang cả thế giới vào trang sách. Sách vở không còn là cái gì tách biệt, độc lập, tự trị.

     Học một môn học nói riêng, học ở đại học hay ở bất kì một môi trường giáo dục nào nói chung,  không phải chỉ là học tri thức mà là học cách đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện, gắn với nhu cầu người học. Dạy một môn học cũng không phải là truyền thụ tri thức mà là khơi dậy ở người học ý thức về con đường tiếp cận một lĩnh vực, và lĩnh vực đó giúp gì cho mình trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra với bản thân mình. Sản phẩm của giáo dục lúc này chính là những con người biết sử dụng nguồn tri thức vô tận của nhân loại để giải quyết những vấn đề của cá nhân và cộng đồng. Khi đó người học thực sự được “sống” với sách vở như là được sống thực ngoài đời, đối mặt với các thách thức cũng như các nhu cầu cần thiết để tồn tại. Và chính khi đó, trường học thực sự là cả thế giới, kết nối với cả thế giới.  

    Thế giới trường học không phải là thế giới khép kín, mà nó là cả thế giới rộng lớn. Trường học là thế giới với nghĩa như vậy. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Đoàn Ánh Dương, Vì sao giáo dục vô vị lợi cần thiết, Tiasang.com.vn

2.        Vũ Minh Giang, Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi đổi mới căn bản và toàn diệnwww.vnu.edu.vn

3.        Đàm Quang Minh, Phạm Thị Ly, Phạm Hiệp, Khái niệm đại học trên thế giới đang thay đổi, edufac.edu.vn

4.        Lộc Phương Thủy (Chủ biên), Lí luận phê bình văn học thế kỉ XX, Tập 1, 2, NXB Giáo Dục 2007.      

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020