Phương pháp

DẠY HỌC TÁC PHẨM TỰ SỰ DÂN GIAN THEO QUAN ĐIỂM THI PHÁP HỌC


19-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hường - Đại học Tân Trào

Để tổ chức hoạt động dạy học đạt hiệu quả, cần thiết kế các bài học thích hợp với từng kiểu bài. Trong Chương trình Ngữ văn phổ thông hiện nay, các tác phẩm tự sự dân gian được bố trí thành từng cụm thể loại.

1. Đặt vấn đề

Để tổ chức hoạt động dạy học đạt hiệu quả, cần thiết kế các bài học thích hợp với từng kiểu bài. Trong Chương trình Ngữ văn phổ thông hiện nay, các tác phẩm tự sự dân gian đ­ược bố trí thành từng cụm thể loại.

Các tác phẩm tự sự dân gian cùng cụm thể loại có mô típ giống nhau. Vì vậy, giờ học tác phẩm đầu tiên trong mỗi cụm thể loại là giờ học quan trọng nhất. Giờ học này sẽ trang bị cho các em kiến thức b­ước đầu có tính chất chìa khoá về thể loại để các em biết cách khám phá các tác phẩm khác cùng thể loại. Vì vậy, truyện mở đầu cần đư­ợc dạy kĩ, dạy sâu bằng ph­ương pháp phân tích mẫu. Với những truyện còn lại, HS sẽ luyện tập vận dụng những hiểu biết đã có qua việc học văn bản mẫu để khắc sâu đặc trư­ng thể loại của tác phẩm.                                                                                                                                                                                                

Để hiện thực hoá ý tư­ởng dạy học tác phẩm tự sự dân gian theo thi pháp thể loại, cần xây dựng đư­ợc Quy trình dạy học hợp lí, là cơ sở cho việc triển khai bài học đúng h­ướng và cho sự sáng tạo của GV.

2. Xây dựng Quy trình dạy học tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thi pháp thể loại

Quy trình dạy học (QTDH) tác phẩm dân gian theo quan điểm thi pháp học được xây dựng với các b­ước đi cơ bản như­ sau:

1) Khởi động (tạo tâm thế cảm thụ TP theo đặc trưng thể loại).

Đây là hoạt động giới thiệu bài học mới với mục đích định hướng, tạo hứng thú, thu hút sự chú ý của HS, để các em sẵn sàng tiếp nhận, cảm thụ TP tự sự dân gian theo đặc trưng thể loại.

2) HS đọc truyện (nắm cốt truyện, tái hiện thế giới hình tượng TP).

Hoạt động này giúp HS cảm nhận được TP ở cấp độ chỉnh thể, kích thích trí tưởng tượng tái hiện của HS, làm cho các em “nhìn thấy” thế giới hình tượng trong TP, “thấy” các nhân vật trong TP tự sự dân gian hành động, đi lại, nói năng..., nắm được nội dung truyện, sự phát triển của các tình tiết trong cốt truyện...

3) HS đọc định nghĩa về thể loại của TP, rút ra các đặc trưng thể loại.

Đây là hoạt động quan trọng cung cấp cho HS công cụ, chìa khoá để “giải mã” TP tự sự dân gian theo thi pháp thể loại. Để HS có ý thức về công cụ này, cần tổ chức cho các em thực hiện hoạt động này với những bước đi chắc chắn: HS đọc thành tiếng, đọc thầm, trao đổi với bạn, tự rút ra những ý chính. GV diễn giải, cắt nghĩa từng cụm từ, từng ý, giúp HS hiểu đúng, hiểu rõ những đặc trưng thể loại của TP (về nhân vật, sự kiện, lịch sử và hư cấu, tính tự sự, ý nghĩa biểu trưng phản ánh ý nguyện, ước mơ của nhân dân,...).

4) Vận dụng kiến thức thể loại, phân tích TP

Hoạt động này rất quan trọng. HS phải sử dụng công cụ đã được trang bị để “soi” vào TP, phân tích, cắt nghĩa, bình giá TP dưới ánh sáng của thi pháp thể loại. Với hoạt động này, HS sẽ thâm nhập sâu vào TP, suy nghĩ, tổng hợp, khái quát hoá, vận dụng tri thức văn học, ngôn ngữ học, tâm lí học, xã hội học, cả hồi ức, liên tưởng, những hiểu biết về đời sống,... để khám phá những lớp nghĩa, vẻ đẹp của TP, nắm bắt được chủ đề, giá trị tư tưởng, nghệ thuật của TP, hiểu được thông điệp mà nhân dân muốn gửi qua từng câu chuyện; hiểu sâu hơn mỗi TP, khắc sâu hơn hiểu biết về đặc trưng của cụm thể loại mà các em vừa được lĩnh hội.

5) HS trao đổi, thảo luận (tự bộc lộ)

Đây là hoạt động tạo điều kiện để HS được chủ động, tự giác đối thoại, tranh luận, trao đổi, chia sẻ nhận thức, tình cảm, thái độ, sự cảm thụ của mỗi em về tình tiết, nhân vật, sự kiện trong truyện, về TP, tác giả dân gian,... Hoạt động này thể hiện tinh thần dân chủ trong giờ học Ngữ văn, giúp rèn luyện kĩ năng nói, trình bày, thuyết trình tự nhiên, tự tin, chân thực - một kĩ năng sống quan trọng, rất cần cho sự phát triển nhân cách của con người mới. Hoạt động này cần phải được tổ chức thường xuyên, có hiệu quả qua mỗi giờ học Ngữ văn để trở thành nhu cầu, thói quen của HS.

6) Kể diễn cảm hoặc hợp tác diễn lại một vài đoạn của câu chuyện.

Đây là hoạt động giúp HS bộc lộ khả năng nói, khả năng hợp tác đối thoại, biểu đạt diễn cảm, đồng thời giúp củng cố, khắc sâu thêm các giá trị đặc sắc của TP. Hoạt động này được thực hiện sau khi HS đã phân tích, lí giải để hiểu và có được những cảm nhận đích thực về TP sẽ tạo điều kiện cho các em biết thể hiện diễn cảm qua giọng điệu, lời kể những gì mình cảm nhận được. Những câu chuyện dân gian ra đời và tồn tại trong môi trường diễn xướng, được sống lại trong môi trường đó qua hoạt động kể, diễn của HS, nếu thành công sẽ gây ấn tượng với các em, giúp các em cảm nhận hết được vẻ đẹp của TP nhiều khi hơn cả những lời giảng giải.

Qua QTDH trên, có thể thấy mỗi hoạt động luôn được giới thiệu cùng với mục đích của hoạt động, giúp GV có ý thức về mục đích của mỗi việc cần làm.

Để làm rõ hơn ý t­ưởng dạy đọc - hiểu tác phẩm tự sự dân gian theo quan điểm thi pháp học và phương pháp tổ chức hoạt động, d­ưới đây, chúng tôi giới thiệu tiến trình cơ bản và phân tích giáo án truyện cổ tích Thạch Sanh (văn bản mẫu). Giáo án dạy học truyện cổ tích (văn bản thực hành) sẽ áp dụng quy trình dạy như dạy văn bản mẫu. Tương tự, ở các cụm tác phẩm cùng thể loại thần thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười, GV sẽ dạy đọc - hiểu văn bản mẫu với văn bản đầu tiên của mỗi cụm tác phẩm đó, các văn bản còn lại trong mỗi cụm thể loại được coi là văn bản thực hành.

3. Thiết kế giáo án truyện cổ tích

 THẠCH SANH

(Văn bản mẫu. Thời gian: 2 tiết)

A- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kiến thức: Giúp HS nắm đư­ợc 3 đặc trư­ng cơ bản của thể loại cổ tích qua phân tích văn bản mẫu Thạch Sanh: loại truyện dân gian truyền miệng kể về cuộc đời một số kiểu nhân vật quen thuộc (nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là con vật); có yếu tố hoang đường; thể hiện ước mơ công lí của nhân dân (cái thiện chiến thắng cái ác, cái tốt thắng cái xấu, công lí thắng bạo tàn); chỉ ra và hiểu đ­ược ý nghĩa của các chi tiết thần kì, hoang đường - yếu tố nổi bật về hình thức nghệ thuật của thể loại cổ tích; hiểu ý nghĩa truyện: ca ngợi dũng sĩ Thạch Sanh lập nhiều chiến công (diệt các thế lực hung ác, cứu ngư­ời bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa, đánh bại kẻ thù xâm lược); thể hiện mơ ước công lí (cái thiện thắng cái ác) và lí tưởng nhân đạo, yêu chuộng hoà bình của nhân dân. Truyện giáo dục cho HS tình yêu cái đẹp, cái thiện, lòng căm ghét cái xấu, cái ác.

2. Kĩ năng: HS biết đọc, kể diễn cảm câu chuyện bằng lời của mình.

3. Thái độ: HS tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu, cảm thụ, phân tích tác phẩm; phân biệt phải / trái, thiện / ác; yêu công lí, lẽ phải / ghét sự dối trá, bất lương.

B - ĐỒ DÙNG DẠY -  HỌC

            - Tranh minh hoạ truyện trong SGK, tranh ảnh sưu tầm được (nếu có).

            - Bảng phụ ghi 3 đặc trưng thể loại của truyện cổ tích.

            - 9 băng giấy - mỗi băng giấy ghi tóm tắt một tình tiết truyện.

            - 3 tờ giấy khổ to viết các câu hỏi tìm hiểu truyện Thạch Sanh theo đặc trưng thể loại (các câu hỏi này không có trong SGK).

Tờ 1 :

1) Truyện cổ tích Thạch Sanh có những nhân vật nào? 

2) Nhân vật chính là ai? Nhân vật đó thuộc kiểu nhân vật nào?

3) Cuộc sống của nhân vật đó có gì bình thường và khác thư­ờng (về nguồn gốc, hoàn cảnh, cách kiếm sống, tài năng, các thử thách và chiến công)?

Tờ 2 :

1) Những chi tiết khác thường về Thạch Sanh có tác dụng khắc hoạ hình tượng nhân vật người anh hùng như thế nào?

2) Tìm thêm những chi tiết hoang đường trong truyện Thạch Sanh. Những chi tiết ấy nói lên điều gì?

Tờ 3 :

1) Nhân vật nào trong truyện tượng trưng cho cái thiện, nhân vật nào tượng trưng cho cái ác?

2) Câu chuyện kết thúc thế nào? Qua kết thúc ấy, nhân dân ta muốn thể hiện ước mơ gì?

C- CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY - HỌC

            * Kiểm tra bài cũ: GV mời 1, 2 HS nói về 3 đặc trưng của thể loại truyền thuyết được phản ánh qua truyện Sự tích Hồ Gươm.

            1. Khởi động (liên kết thể loại truyền thuyết đã học với thể loại cổ tích, tạo tâm thế cảm thụ tác phẩm theo đặc trưng thể loại): Các em vừa học xong 5 truyền thuyết tiêu biểu của Việt Nam, đã nắm được các đặc trưng cơ bản của thể loại truyền thuyết, cách đọc - hiểu truyền thuyết. Giờ học hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một thể loại mới - thể loại cổ tích và câu chuyện nổi tiếng Thạch Sanh. Đây là câu chuyện kể về cuộc đời và chiến công của chàng dũng sĩ Thạch Sanh. Chiến công của Thạch Sanh cùng với sự hấp dẫn của cốt truyện và các chi tiết thần kì đã làm câu chuyện được nhiều thế hệ người đọc say mê. Bài học này vừa giúp các em biết một chuyện dân gian nổi tiếng, vừa giúp các em biết những đặc trưng thể loại của truyện cổ tích để cảm thụ đúng các truyện cổ tích được học.

2. Hướng dẫn HS đọc (nắm cốt truyện, tái hiện thế giới hình tượng của TP)

- GV chia truyện thành nhiều đoạn, có thể xem mỗi lần xuống dòng là một đoạn để nhiều HS được đọc. Chú ý các đoạn có lời thoại, ví dụ: đoạn 4 có thể bắt đầu từ “ Bấy giờ...” đến “...nhận lời đi ngay”; đoạn 5 từ “Nửa đêm...” đến “...phong cho làm Quận công”.

GV cũng có thể chia truyện thành 9 đoạn như sau:

+ Đoạn 1: Từ đầu đến “...mọi phép thần thông”.

+ Đoạn 2: Từ “Một hôm...” đến “...mẹ con Lí Thông”.

+ Đoạn 3: Từ “ Bấy giờ...” đến “...nhận lời đi ngay”.

+ Đoạn 4: Từ “Nửa đêm...” đến “...phong cho làm Quận công”.

+ Đoạn 5: Từ “Vua có cô công chúa...” đến “...rồi dòng xuống hang”.

+ Đoạn 6: Từ “Đại bàng...” đến “...lấp kín cửa hang lại”.

+ Đoạn 7: Từ “Biết Lí Thông...” đến “...Thạch Sanh bị bắt hạ ngục”.

+ Đoạn 8: Từ “Lại nói...” đến “... hoá kiếp thành bọ hung”.

+ Đoạn 9: Còn lại

- GV đọc mẫu 1 đoạn, HS tiếp nối nhau đọc các đoạn tiếp theo (đọc 1 lượt). GV sửa lỗi đọc cho HS, khen ngợi những em đọc tốt.

Gợi ý cách đọc (với GV): Đoạn 1: kể về cuộc sống vất vả của Thạch Sanh hồi nhỏ - đọc chậm rãi, giọng trầm. Đoạn 2: nhấn giọng những từ ngữ thể hiện tính cách hám lợi xấu xa của Lí Thông, sự thật thà của Thạch Sanh. Đoạn 3: chuyển giọng, thể hiện tình huống nguy hiểm - Thạch Sanh sắp bị hại trước mưu mô xảo quyệt của mẹ con Lí Thông. Đoạn 4: chuyển giọng linh hoạt: nhanh, gấp gáp (đoạn tả Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh), trầm lại (Thạch Sanh trở lại gốc đa cũ), nhấn giọng những từ ngữ thể hiện sự gian tham của mẹ con Lí Thông. Đoạn 5, 6: giọng vừa phải (khi công chúa kén chồng), nhanh, dồn dập (khi Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng cứu công chúa). Đoạn 7: giọng hào hứng (Thạch Sanh cứu thái tử con vua Thuỷ Tề và được tặng cây đàn thần), căng thẳng (Thạch Sanh bị hồn chằn tinh và đại bàng vu oan để báo thù). Đoạn 8: giọng sảng khoái vì công lí đã đư­ợc thực hiện: Thạch Sanh được giải oan, mẹ con Lí Thông bị trừng trị. Đoạn 9: giọng khoan thai, cảm hứng tự hào, ca ngợi Thạch Sanh với tiếng đàn kì diệu đã dẹp yên quân 18 nư­ớc, khiến chúng nể phục vì niêu cơm thần ăn mãi không hết.

- HS quan sát các tranh minh hoạ trong SGK; xem thêm các tranh đẹp minh hoạ truyện (nếu có).

- HS đọc thầm phần “Chú thích” từ ngữ khó trong SGK; nghe GV giải nghĩa thêm những từ ngữ khác các em chư­a hiểu.

3. Hướng dẫn HS tìm hiểu định nghĩa cổ tích (rút ra 3 đặc trưng thể loại)

- HS đọc thầm định nghĩa truyện cổ tích trong SGK (tr. 53 - phần chú thích cuối truyện Sọ Dừa), trao đổi với bạn bên cạnh để tìm ra các ý chính của định nghĩa.

- HS nêu những ý chính của định nghĩa. 

- GV mở bảng phụ đã viết 3 đặc điểm của truyện cổ tích, diễn giải, làm rõ thêm định nghĩa:

            1) (Tính tự sự - đời thường) Loại truyện dân gian truyền miệng kể về cuộc đời một số kiểu nhân vật quen thuộc: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là con vật. (GV: Khác với nhân vật của truyền thuyết là những nhân vật có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có vai trò với lịch sử dân tộc hoặc lịch sử một địa phương, nhân vật của truyện cổ tích có cuộc đời và số phận gần gũi với nhân dân. Họ là những người lao động bình thường nhưng có phẩm chất khác thường, phi thường. Họ phải chịu nhiều thua thiệt, vượt qua nhiều thử thách trước khi được hưởng hạnh phúc).

2) Có yếu tố hoang đường (GV: Yếu tố “hoang đường” - những gì không có thực, không thể tin được, do trí tưởng tượng của nhân dân sáng tạo ra. Đây là yếu tố hình thức nghệ thuật nổi bật của truyện cổ tích thần kì. Truyện cổ tích sinh hoạt [“Em bé thông minh”] không có yếu tố hoang đường, chỉ có yếu tố khác thường).

3) (Tính biểu trưng) Thể hiện ước mơ công lí của nhân dân: cái thiện chiến thắng cái ác, cái tốt chiến thắng cái xấu, công lí chiến thắng bạo tàn. (GV: Tính biểu trưng của truyện cổ tích khác với truyền thuyết - truyền thuyết thể hiện quan niệm, thái độ, cách đánh giá của người xưa với các nhân vật và sự kiện lịch sử. Nội dung truyền thuyết có thể vô lí nhưng nó có ý nghĩa rất sâu sa).

4. Vận dụng kiến thức về thể loại cổ tích, phân tích truyện Thạch Sanh

- GV: Qua định nghĩa, các em đã nắm đ­ược ba đặc trưng cơ bản của thể loại cổ tích. SGK Ngữ văn 6 có 4 truyện cổ tích, trong đó có 3 truyện là cổ tích thần kì (“Thạch SanhCây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng), 1 truyện là cổ tích sinh hoạt (Em bé thông minh). Bây giờ, các em sẽ tìm hiểu truyện Thạch Sanh đã phản ánh những đặc tr­ưng của thể loại cổ tích như thế nào.

4.1. Cốt truyện, nhân vật, sự kiện

- GV: Các em sẽ tìm hiểu tính tự sự - đời thường của truyện Thạch Sanh thể hiện qua cốt truyện, nhân vật, sự kiện.

- Tóm tắt 9 đoạn thành cốt truyện Thạch Sanh.

+ HS tóm tắt nội dung mỗi đoạn đã đọc bằng 1 câu. GV chia việc cho 9 nhóm để mỗi HS trong nhóm chỉ tóm tắt 1 đoạn.

+ HS làm bài cá nhân, có thể trao đổi với bạn bên cạnh, viết ra giấy, sau đó đọc kết quả trước lớp. Sau khi cả lớp thống nhất ý kiến về mỗi đoạn, GV gắn lên bảng một băng giấy ghi nội dung tóm tắt của đoạn.

+ 1 HS đọc lại cốt truyện Thạch Sanh viết trên bảng:

1) Cuộc sống vất vả của Thạch Sanh hồi nhỏ.

2) Thạch Sanh gặp Lí Thông, bị Lí Thông lừa về chung sống với mẹ con hắn.

3) Mẹ con Lí Thông lừa Thạch Sanh đi nộp mạng cho chằn tinh, chết thay cho Lí Thông.

4) Thạch Sanh giết chằn tinh và bị Lí Thông cướp công.

5) Đại bàng quắp công chúa lên hang núi, bị Thạch Sanh bắn gãy cánh.

6) Thạch Sanh giết chết đại bàng, cứu công chúa như­ng bị Lí Thông lấp hang hãm hại.

7) Thạch Sanh cứu thái tử con vua Thuỷ Tề, được tặng cây đàn thần nhưng lại bị hồn chằn tinh và đại bàng vu oan nên bị giam trong ngục. 

8) Thạch Sanh gảy đàn làm công chúa vui mừng, khỏi câm; chàng đ­ược giải oan, mẹ con Lí Thông bị trừng phạt.

9) Chỉ bằng tiếng đàn kì diệu, phò mã Thạch Sanh đã dẹp yên quân 18 nư­ớc, khiến chúng nể phục vì niêu cơm thần ăn mãi không hết.

- Tìm hiểu nhân vật, sự kiện trong truyện

+ GV: Các em đã nắm đư­ợc cốt truyện Thạch Sanh, chúng ta cùng tìm hiểu các nhân vật, sự kiện trong truyện. (GV gắn lên bảng tờ giấy ghi 3 câu hỏi: 1) Truyện cổ tích Thạch Sanh có những nhân vật nào? 2) Nhân vật chính là ai? Nhân vật đó thuộc kiểu nhân vật nào?  3) Cuộc sống của nhân vật đó có gì bình thường và khác thư­ờng?).

+ HS suy nghĩ, phát biểu (mỗi em trả lời đồng thời 3 câu hỏi). GV nhận xét câu trả lời của HS, chốt lại.

(Truyện Thạch Sanh có các nhân vật: Thạch Sanh, Lí Thông, mẹ Lí Thông, vua, công chúa và một số nhân vật  khác. Nhân vật chính trong truyện là Thạch Sanh - kiểu nhân vật dũng sĩ, có tài năng, phép lạ. Cuộc sống của Thạch Sanh vừa bình thường vừa khác thư­ờng:

- Về nguồn gốc, hoàn cảnh, cách kiếm sống: Thạch Sanh xuất thân bình thường [chàng là con của một cặp vợ chồng già tốt bụng, sống nghèo khổ bằng nghề kiếm củi], chàng sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình trong túp lều bên gốc đa, nuôi thân bằng nghề kiếm củi như bao người bình thường khác. Nhưng chàng cũng rất khác thường [chàng là thái tử con Ngọc Hoàng, do Ngọc Hoàng sai xuống trần, đầu thai làm con trai ông bà già tốt bụng. Mẹ chàng mang thai nhiều năm mới sinh ra chàng. Chàng có sức khoẻ phi thường, được thiên thần dạy cho các môn võ nghệ và mọi phép thần thông].

- Chàng lập nhiều chiến công phi thường, vượt qua mọi thử thách, thử thách sau khó khăn hơn thử thách trước nhờ tài năng, sức khoẻ vô địch, những phẩm chất tốt đẹp và sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì: bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ thế mạng cho Lí Thông, chàng giết chết quái vật; chàng xuống hang sâu giết đại bàng, cứu được công chúa, bị Lí Thông lấy đá lấp kín đường lên, chàng thoát được nhờ cứu con vua Thuỷ Tề và được đền ơn; bị hồn chằn tinh và đại bàng vu oan, báo thù, chàng bị bắt giam trong ngục tối nhưng nhờ tiếng đàn, chàng thoát khỏi nhà giam, được giải oan, được kết hôn với công chúa; Quân 18 nước kéo sang đánh, chàng chỉ dùng tiếng đàn mà khiến giặc cởi giáp xin hàng, dùng niêu cơm thần khiến chúng phải nể phục, lui quân).

- GV bình luận : Đặc điểm xây dựng nhân vật của thể loại truyện cổ tích là luôn có sự đối lập, tương phản về hành động và tính cách giữa nhân vật chính diện (Thạch Sanh) và nhân vật phản diện (Lí Thông). Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lí Thông là sự đối lập giữa tốt và xấu, thiện và ác, thật thà và xảo trá, vị tha và ích kỉ.                    

4.2. Yếu tố hoang đư­ờng trong truyện Thạch Sanh

- GV: Thạch Sanh là nhân vật bình thường mà khác thường. Những chi tiết khác thường về Thạch Sanh được trí tưởng tượng của nhân dân hư cấu, sáng tạo nên, có tác dụng khắc hoạ hình tượng nhân vật người anh hùng như thế nào? Các em tìm hiểu tiếp đặc trưng thứ hai - tính hoang đường của truyện cổ tích. (GV gắn tiếp lên bảng các câu hỏi: 1) Những chi tiết khác thường về Thạch Sanh có tác dụng khắc hoạ hình tượng nhân vật người anh hùng như thế nào? 2) Tìm thêm những chi tiết hoang đường trong truyện Thạch Sanh. Những chi tiết ấy nói lên điều gì?)

- HS trao đổi nhóm. Đại diện các nhóm tiếp nối nhau phát biểu. GV nhận xét, khen ngợi những ý kiến hay, bình luận thêm về ý nghĩa của các chi tiết tưởng tượng, kì ảo của truyện.

(Những chi tiết khác thường trong cuộc sống của Thạch Sanh có tác dụng tô đậm tính kì lạ, đẹp đẽ, hấp dẫn của người anh hùng, của nhân vật lí tưởng, khẳng định người anh hùng là người rất tài giỏi, người phi thường, có phẩm chất đặc biệt. Người anh hùng theo quan niệm của nhân dân có thể là những con người bình thường nhưng có khả năng, phẩm chất kì lạ khác thường. 

            Những chi tiết hoang đường khác trong truyện Thạch Sanh rất nhiều, ví dụ: chằn tinh, bộ cung tên bằng vàng, vua Thuỷ Tề,... rõ nhất là chi tiết về cây đàn thần và niêu cơm thần,... Tiếng đàn của Thạch Sanh giúp công chúa khỏi câm, giúp chàng được giải oan (vạch trần bộ mặt xấu xa của Lí Thông), nó thể hiện ước mơ công lí của nhân dân. Với khả năng kì diệu, tiếng đàn cảm hoá được kẻ thù, khiến quân giặc cởi giáp xin hàng, nó thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân. Niêu cơm thần có khả năng kì diệu cứ ăn hết lại đầy, lúc đầu, quân 18 nước chư hầu chế giễu nhưng sau đó phải ngạc nhiên, khâm phục là sự thể hiện tấm lòng nhân ái, rộng mở của nhân dân.

4.3. (Tính biểu trưng) Ý nghĩa của truyện cổ tích Thạch Sanh

- GV hướng dẫn HS tìm hiểu tính biểu trưng của câu chuyện (gắn lên bảng lớp các câu hỏi: 1) Nhân vật nào trong truyện tượng trưng cho cái thiện, nhân vật nào tượng trưng cho cái ác? 2) Câu chuyện kết thúc thế nào? Qua kết thúc ấy, nhân dân ta muốn thể hiện ước mơ gì?)

- HS trao đổi, trả lời.

(Thạch Sanh là nhân vật chính diện, tượng trưng cho cái thiện, cái tốt [Thạch Sanh thật thà, dũng cảm, tài năng, nhân ái, yêu hoà bình] đối diện với Lí Thông là nhân vật phản diện, tượng trưng cho cái ác, cái xấu [Lí Thông xảo trá, mưu mô, ích kỉ, vô ơn bạc nghĩa]. Xây dựng những nhân vật tương phản, đối lập nhau như ánh sáng và bóng tối là đặc điểm của truyện cổ tích.

Kết thúc truyện, Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa, chàng dẹp yên quân giặc và lên ngôi vua. Đây là phần thưởng xứng đáng với những thử thách mà chàng đã trải qua, xứng đáng với phẩm chất, tài năng của chàng. Ngược lại, mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết, bị hoá kiếp thành loài bọ hung bẩn thỉu. Đó là sự trừng phạt tương xứng với thủ đoạn và tội ác của chúng. Kết thúc ấy thể hiện ước mơ công lí (cái thiện thắng cái ác) của nhân dân.

- GV tổng kết, bình luận: Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu của kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Với nhiều yếu tố thần kì, hoang đ­ường, truyện đã dựng lên hình tượng chàng dũng sĩ Thạch Sanh có tài năng, phẩm chất phi thường, cứu giúp người bị hại, giàu lòng nhân ái, yêu chuộng hoà bình. Hình tượng đẹp đẽ của Thạch Sanh và sự hấp dẫn của câu chuyện đã làm cho truyện cổ tích này được người Việt Nam ở mọi thời đại yêu thích).

4.4. HS đọc nội dung cần ghi nhớ trong SGK.

5. Trao đổi, thảo luận (tự bộc lộ)

- HS trao đổi thêm để hiểu sâu sắc hơn truyện Thạch Sanh và thể loại cổ tích. GV gợi ý: HS có thể bày tỏ cảm xúc, ấn tư­ợng về chi tiết nào đó trong truyện; về kết thúc theo môtíp có hậu của truyện cổ tích; về những câu hỏi, thắc mắc HS tự đặt ra,... để làm rõ thêm đặc trư­ng thể loại và ý nghĩa tác phẩm.

- HS phát biểu ý kiến. GV nhận xét, khen ngợi những ý kiến thể hiện cảm xúc riêng, chân thực.

6. Thi kể chuyện diễn cảm

- GV mời HS (3, 4 em) chọn kể diễn cảm 1 đoạn chuyện mình yêu thích hoặc cả lớp cùng luyện kể diễn cảm 1, 2 đoạn tiêu biểu (ví dụ: đoạn 1, đoạn 9); nhắc HS: kể tự nhiên, bằng lời của mình, giọng kể và ngữ điệu phù hợp, kể kết hợp với điệu bộ, cử chỉ, động tác.

- Cả lớp và GV nhận xét, bình chọn HS kể chuyện hay nhất.

D- CỦNG CỐ, DẶN DÒ

GV nhắc HS:

- Ghi nhớ kiến thức vừa học về thể loại cổ tích.

- HS có năng khiếu về nhà vẽ một chi tiết yêu thích trong truyện Thạch Sanh, sẽ giới thiệu trong tiết thực hành sau hoặc trưng bày trong buổi sinh hoạt ngoại khoá kết thúc phần VHDG.

- Làm các bài tập 1, 2 (bài 1, sách bài tập Ngữ văn 6, tập một).

- Đọc trước truyện cổ tích sinh hoạt Em bé thông minh (văn bản thực hành), đối chiếu với 3 đặc trưng của thể loại cổ tích để thấy Em bé thông minh đã phản ánh những đặc trưng đó như thế nào.

NHẬN XÉT:

Qua các giáo án (thể hiện tinh thần của các giờ học, chưa phải là toàn bộ giờ học sinh động), có thể nhận thấy: 

Tuy nội dung khác nhau và so với giáo án Thạch Sanh (văn bản mẫu) thì giáo án dạy các tác phẩm thực hành cùng thể loại cổ tích được dạy sau đó sẽ mở ra nhiều hơn khả năng sáng tạo cho GV, đáp ứng nhiều hơn sở thích, hứng thú, nhu cầu được bộc lộ của HS nhưng cấu trúc của các câu hỏi, bài tập “giải mã” các tác phẩm cùng thể loại khá tương đồng. Điều này phù hợp với quan điểm cho rằng: Nếu quy cách giải mã TP thành một hệ thống thao tác hợp lí, được thực hiện nhất quán đối với các TP cùng thể loại thì sẽ giúp HS biết cách đọc - hiểu TP, cung cấp chìa khoá cho các em khám phá TP ngay trong quá trình các em được hướng dẫn tìm hiểu TP.

Việc biên soạn giáo án dạy các văn bản (mẫu và thực hành) cho cụm thể loại theo phương pháp tổ chức hoạt động, phù hợp với đối tượng học tập và có những chỉ dẫn cụ thể về phương pháp sẽ là gợi ý tốt, giúp GV hiểu thế nào là dạy học phát huy tính tích cực của HS. Trên cơ sở hiểu đúng, GV có thể sáng tạo ra nhiều cách tổ chức dạy học mới. Từ quy trình dạy văn bản mẫu thích hợp với cụm thể loại, GV có thể giúp HS vận dụng phương pháp tiếp cận hợp lí để luyện tập, thực hành học các bài cùng thể loại. Như vậy, ý tưởng dạy học theo thi pháp thể loại của các tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn ở phổ thông sẽ được hiện thực hoá và vấn đề quá tải do thiếu thời lượng dạy học Ngữ văn trong chương trình có thể được giải quyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Lê A chủ biên, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán (1996), Phương pháp    dạy học tiếng Việt, NXB Giáo dục.

2.      Nguyễn Duy Bình (1983), Dạy văn dạy cái hay cái đẹp, NXB Giáo dục.

3.      Hoàng Hoà Bình, Nguyễn Minh Thuyết (2008), Phư­ơng pháp dạy học Ngữ Văn - Từ lí thuyết đến thực hành, Tạp chí Khoa học Giáo  dục, (33), tháng 6    và (34), tháng 7, tr. 21-24.

4.      Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chư­ơng trình GDPT môn Ngữ văn, NXB Giáo dục.

5.      Trần Thanh Đạm, Hoàng Như­  Mai, Huỳnh Lí, Vấn đề giảng dạy văn học theo loại thể, tập 1 (1969), tập 2 (1970), NXB Giáo dục.

6.      Nguyễn Nghĩa Dân (1997), Thiết kế bài học tác phẩm văn chư­ơng và mô hình dạy học tích cực lấy ngư­ời học làm trung tâm, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, (10), tr. 29-30.

7.      Nguyễn Trọng Hoàn (2001), Rèn luyện t­­ư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn ch­ương, NXB Giáo dục, Hà Nội.

8.      Nguyễn Thuý Hồng, Nguyễn Quang Ninh (2008), Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn Trung học cơ sở, NXB Giáo dục, Hà Nội.

9.      Nguyễn Thị Bích Hường (2010), Dạy học Truyền thuyết, Cổ tích theo đặc trưng thể loại cho học sinh lớp 6, Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Phan Trọng Luận, Nguyễn Thanh Hùng, Trương Dĩnh, Trần Thế Phiệt (1998), Phương pháp dạy học văn, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020