1. Giao tiếp (GT) vốn là một chức năng làm tiền đề khách quan cho sự phát sinh và phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ ra đời không có mục đích tự thân mà nhằm đáp ứng nhu cầu GT giữa con người trong cộng đồng xã hội, một nhu cầu mang tính bẩm sinh của con người. Con người có thể GT bằng nhiều phương tiện, nhiều kênh giao tiếp khác nhau nhưng ngôn ngữ là phương tiện GT trọng yếu nhất. Dạy học ngôn ngữ theo định hướng GT, phương pháp GT là một xu hướng hiện đại được nhiều nước thực hiện từ rất lâu và đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận.
2. Hành động nói là phần học mới được đưa vào chương trình Ngữ văn THCS. Hành động nói là một trong những vấn đề cơ bản của Ngữ dụng học. Việc đưa những thành tựu nghiên cứu của Ngữ dụng học vào dạy học trong nhà trường phổ thông chính là thể hiện tinh thần dạy học tiếng theo quan điểm GT, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, phát triển lời nói cho học sinh. Tuy nhiên, hệ thống bài tập phần này trong sách giáo khoa vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được tốt nhất mục tiêu của việc dạy tiếng Việt trong nhà trường là trang bị cho học sinh các tri thức và kĩ năng tiếng Việt để các em có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt làm công cụ tiếp nhận và diễn đạt mọi kiến thức khoa học trong nhà trường cũng như đáp ứng mọi nhu cầu GT thực tiễn ngoài xã hội. Vì thế cần thiết phải xây dựng một hệ thống bài tập phần hành động nói ở THCS theo quan điểm GT.
3. Quan điểm về GT và hệ quả dạy học tiếng theo quan điểm GT được khởi nguồn từ đóng góp lớn của nhà ngôn ngữ học F. de. Saussure (1916) với ngành ngôn ngữ học. Khái niệm “năng lực ngôn ngữ” (laguage competence) và “năng lực giao tiếp” (communicative competence) đã được các nhà ngôn ngữ học sử dụng nhiều thế kỉ nay nhưng cũng là một trong những thuật ngữ gây tranh cãi nhiều nhất. Có thể kể đến tên tuổi các nhà nghiên cứu: Chomxky (1965), Campbell & Wales (1970), Hymes (1972)… Ở đây chúng tôi dựa vào quan điểm của Canale & Swain (1980) và Bachman (1990) để làm sáng rõ nội hàm khái niệm “năng lực giao tiếp”. Canale & Swain cho rằng “năng lực giao tiếp” được cấu thành từ ba yếu tố: năng lực ngữ pháp (Grammatical competence), năng lực ngôn ngữ xã hội (Sociolinguistic competence) và năng lực chiến lược (Strategic competence). Bachman đã đưa ra khung lí thuyết về năng lực giao tiếp ngôn ngữ trong đó có ba thành tố chính là: năng lực ngôn ngữ, năng lực chiến lược và cơ chế tâm sinh lí. Ông cho rằng thành tố năng lực ngôn ngữ trong khung lí thuyết của mình có nhiều điểm tương đương với khái niệm “năng lực giao tiếp” của các nhà nghiên cứu khác. Năng lực này bao gồm 2 loại năng lực chính là: năng lực tổ chức (Organizational competence), và năng lực dụng học (Pragmatic competence). Nhà nghiên cứu Vũ Thị Thanh Hương trong bài viết “Từ khái niệm năng lực giao tiếp đến vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông hiện nay” (1) đã tổng kết khá toàn diện quan điểm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trên thế giới, kết hợp các mô hình lí thuyết và chỉ ra: để hình thành và phát triển năng lực GT ngôn ngữ, người nói cần phải có năng lực ngữ pháp (tri thức về hệ thống ngôn ngữ), năng lực văn bản (tri thức về hệ thống liên kết các đơn vị ngôn ngữ thành các phát ngôn nói và viết), năng lực hành ngôn (tri thức về việc các khía cạnh chức năng của ngôn ngữ, về việc gửi và nhận các thông điệp có mục đích), năng lực ngôn ngữ xã hội (tri thức về việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với cảnh huống và quy ước xã hội), năng lực chiến lược (tri thức về việc lựa chọn và thực hiện các chiến lược ngôn ngữ để điều hoà những sự đụng độ trong giao tiếp). Từ gợi ý này, chúng tôi thấy rằng để hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, cần xây dựng hệ thống bài tập tiếng Việt với 4 loại:
- Bài tập phát triển năng lực ngữ pháp (1)
- Bài tập phát triển năng lực văn bản (2)
- Bài tập phát triển năng lực hành ngôn (3)
- Bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội (4)
- Bài tập phát triển năng lực chiến lược (5)
Năng lực ngữ pháp và năng lực văn bản được hình thành trong một quá trình lâu dài nên ở đây chúng tôi chỉ đưa ra cách xây dựng hệ thống bài tập phần hành động nói cho học sinh THCS ở dạng (3), (4), (5).
Bài tập rèn, phát triển năng lực hành ngôn là dạng bài tập giúp học sinh có tri thức về chức năng của ngôn ngữ, như chức năng thể hiện tư tưởng, điều chỉnh, khám phá, tưởng tượng. Dạng bài tập này giúp học sinh sử dụng đúng chức năng của ngôn ngữ nhằm đạt được mục đích GT cụ thể. Bài “Hành động nói” trong chương trình Ngữ văn THCS thực chất là nhằm phát triển năng lực hành ngôn cho học sinh.
Ví dụ1: Trong đoạn thoại dưới đây, câu nào được sử dụng theo lối gián tiếp? Chỉ ra hành động nói của câu đó.
Con: Mẹ ơi, mẹ Linh mới mua cho bạn ấy một cái xe đạp máy, tiện lợi lắm mẹ ạ.
Mẹ: Bây giờ thì mẹ chưa mua cho con được.
(Xét về mặt hình thức, lời phát ngôn của người con thuộc loại câu trần thuật: kể lại việc mẹ bạn Linh mới mua cho bạn ấy một cái xe đạp máy. Nhưng mục đích là hành động điều khiển, đề nghị: muốn mẹ mua cho một cái xe đạp máy.)
Ví dụ 2: Nối lời nói ở bên trái và mục đích giao tiếp ở bên phải cho phù hợp.
1. Con xin chú!
|
A. Lời cảm ơn khi được đón tiếp chu đáo.
|
2. Bác quá khen.
|
B. Lời cảm ơn khi nhận quà.
|
3. Bác bày vẽ quá!
|
C. Lời cảm ơn khi được khen.
|
4. Không có bác thì không biết em sẽ ra sao.
|
D. Lời cảm ơn khi được giúp đỡ
|
5. Tôi vô tâm quá!
|
|
(Người Việt Nam có nhiều cách cảm ơn khác nhau tuỳ vào từng trường hợp cụ thể. Như vậy, để thể hiện hành động cảm ơn, có thể dùng nhiều câu với những mục đích nói khác nhau. Đáp án là: 1.B, 2.C, 3.A, 4.D)
Bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội là dạng bài tập nhằm
giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với cảnh huống, quy ước văn hoá. Quy tắc văn hoá xã hội sẽ chỉ rõ những cách mà các phát ngôn được sản sinh và tiếp nhận. Bởi vì năng lực GT bao gồm sự hiểu biết không chỉ là mã ngôn ngữ mà cả việc nói cái gì, nói với ai, nói như thế nào cho phù hợp với tình huống GT cụ thể. Quy tắc văn hoá xã hội chỉ rõ năng lực GT bao hàm cả những kiến thức xã hội, văn hoá, những hiểu biết phong phú khác của con người.
Ví dụ 1: Các phát ngôn sau đều có mục đích là lời chào. Em hãy chỉ ra sự khác nhau giữa các lời chào đó.
(1) Cháu chào ông ạ.
(2) Em chào thầy ạ.
(3) Bác đi đâu đấy? Bác ăn cơm chưa?
(4) Xin phép bác cháu về.
(Trong khi người phương Tây phân biệt chi tiết lời chào theo thời gian trong ngày, người Việt lại phân biệt lời chào theo quan hệ xã hội, lời chào gặp mặt với lời chào chia tay. Câu (1), (2) là lời chào gặp mặt, quan hệ giữa người chào và người được chào là vai duới, vai trên, thể hiện sự tôn trọng; câu (3) là lời chào với những người đã quen biết từ trước với sắc thái thân mật; câu (4) là lời chào chia tay của người vai dưới với người trên.
Ví dụ 2:
Nhân dịp sinh nhật, em được mẹ tặng một cuốn sách mà em rất thích. Em sẽ nói thế nào để bày tỏ tình cảm của mình mà không phải dùng từ “cảm ơn” với mẹ.
(Với bài tập này, học sinh có thể đưa ra nhiều phát ngôn khác nhau để bộc lộ cảm xúc. Như là: Ôi, mẹ thật là tuyệt vời!; Ôi tuyệt quá, sao mẹ lại biết con thích cuốn sách này vậy?... )
Bài tập phát triển năng lực chiến lược nhằm củng cố và phát triển cho học sinh những chiến lược giao tiếp bằng lời hoặc phi lời để cân bằng hay giảm nhẹ tác động xấu của việc phá vỡ cuộc giao tiếp. Theo Bachman, năng lực này liên quan trực tiếp đến sự thông minh của nguời tham gia GT. Nó có thể là quá trình tạo lập văn bản như lập kế hoạch, kiểm soát, hoàn tất và sửa chữa.
Ví dụ 1: Buổi đầu tiên em tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường nhưng lại quên cây bút ở nhà. Em sẽ chọn cách nào sau đây để mượn bút của một người bạn mà em không quen?
A. Không nói gì hết, lục túi xách của bạn.
B. Tớ quên cái bút ở nhà rồi.
C. Này, cho tớ mượn cái bút nhé. Đừng có mà ki bo.
D. Đưa cho tôi một cái bút nhanh lên!
E. Bạn ơi, bạn có thể cho tớ mượn cái bút một lúc được không?
(Đáp án là E. Người nói dùng câu hỏi để gián tiếp thực hiện hành động mượn một cách lịch sự, phù hợp với đối tượng giao tiếp là người bạn lần đầu gặp.)
Ví dụ 2: Em nhận được một bức thư tỏ tình của người bạn trai thân thiết đang học cùng lớp. Em không muốn như vậy nhưng lại sợ bạn tổn thương. Nếu phải đối thoại trực tiếp, em sẽ nói thế nào để đạt được hiệu quả giao tiếp mà vẫn tế nhị? Em hãy phân tích hành động nói của các câu đó.
(Học sinh có thể đưa ra nhiều câu nói khác nhau để đạt được mục đích giao tiếp. Sau đó chỉ ra hành động nói của các câu đó. Ví dụ: Cảm ơn cậu đã dành tình cảm đặc biệt cho mình. Mình nghĩ chúng mình sẽ mãi mãi là những người bạn tốt. Đây là câu trần thuật nhưng mục đích chính trong hoàn cảnh này lại là sự từ chối.)
Hệ thống bài tập được xây dựng nhằm phát triển các khía cạnh của năng lực giao tiếp. Những thành tố này đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trên thế giới chấp nhận rộng rãi. Chúng tôi tin rằng, xây dựng một hệ thống bài tập tiếng Việt hợp lí, có định hướng rõ ràng sẽ góp phần tốt hơn trong việc đạt được mục tiêu của môn học Ngữ văn, đó là hình thành và rèn luyện cho các em năng lực giao tiếp, thể hiện ở việc sử dụng thành thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Thị Thanh Hương, Từ khái niệm năng lực giao tiếp đến vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông hiện nay,
Tạp chí Ngôn ngữ số 4, năm 2006.
2. Bachman L., Fundamental Considerations in Language Testing, Oxford: Oxford University Press, 1990.
3. Canale M., Swain M., Theoretical bases of communicative approaches to second language teaching and testing, Applied Linguistic, 1 (1980).