Việc dạy học trong nhà trường hiện nay đang đứng trước yêu cầu hiện đại hóa toàn diện. Công nghệ thông tin tỏ ra có khả năng hỗ trợ đắc lực và hữu hiệu cho yêu cầu này. Hầu hết các môn học trong nhà trường phổ thông đều đã và đang đòi hỏi cần phải tích hợp công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học mỗi môn học cụ thể là khác nhau, thích hợp với việc sử dụng các phần mềm khác nhau, với mức độ khác nhau. Với môn Ngữ văn, công nghệ thông tin cũng có khả năng hỗ trợ giáo viên và học sinh ở mọi khâu trong quá trình dạy học. Vì vậy, việc trang bị tri thức và kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học cho sinh viên sư phạm Ngữ văn trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo chuyên môn; trong đó, quan trọng hơn cả là việc định hướng, hướng dẫn cho sinh viên xác định cách thức và mức độ đưa công nghệ thông tin vào dạy học từng kiểu loại bài học Ngữ văn cụ thể sao cho hiệu quả.
Trong thực tế ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn hiện nay tồn tại một số quan điểm và cách thể hiện khác nhau, trong đó có không ít quan điểm lệch lạc. Một số người coi việc sử dụng công nghệ thông tin là để thay thế cho phần viết bảng và lời trình bày của giáo viên nên đã chuyển toàn bộ nội dung bài học vào máy, rồi chiếu lên màn hình. Khi lên lớp, giáo viên Ngữ văn trở thành kĩ thuật viên điều khiển chương trình hoạt động; còn học sinh, thay vì tham gia các hoạt động khám phá bài học, thực hiện các thao tác cụ thể để nắm bắt kiến thức khoa học và kĩ năng thực hành, các em chỉ việc ngồi đọc màn hình, nghe phần âm thanh cài sẵn, đơn thuần như là những khán giả. Với quan niệm giản đơn này, công nghệ thông tin gần như không có ý nghĩa gì đối với việc góp phần thay đổi phương pháp dạy học cũ vốn thụ động, nhàm chán. Ở một trình độ sử dụng công nghệ thông tin khá hơn, một số giáo viên lại quan niệm công nghệ thông tin là yếu tố quyết định việc thành bại của giờ học Ngữ văn theo phong cách hiện đại nên đã thiết kế những bài học với những chế độ kĩ thuật phức tạp; trang trí cầu kì, bắt mắt; nhiều hình ảnh, nhiều chuyển động, nhiều đường link… Theo quan điểm này, giờ học Ngữ văn không còn thể hiện tính đặc thù của bộ môn, không xuất phát và hướng tới các tri thức Ngữ văn cần đạt mà đơn thuần là buổi trình diễn thành tựu của công nghệ thông tin. Điều này chỉ có tác dụng kích thích tính tò mò, hiếu kì của học sinh, làm phân tán sự chú ý từ bài học Ngữ văn sang các kĩ năng công nghệ thông tin, làm giảm sút chất lượng và hiệu quả dạy học Ngữ văn. Hai kiểu quan niệm này khiến cho kiểu quan niệm thứ ba: cực lực phản đối sự có mặt của công nghệ thông tin trong giờ dạy học Ngữ văn càng có lí do tồn tại. Những giáo viên theo quan điểm này cho rằng công nghệ thông tin sẽ “công nghệ hóa” giờ dạy học Ngữ văn, thủ tiêu mất tính nghệ thuật của những giờ học có khả năng tác động vào tâm hồn con người này.
Cần khẳng định rằng công nghệ thông tin chỉ là một yếu tố hỗ trợ việc dạy học. Những tiện ích to lớn của công nghệ thông tin đối với việc dạy học Ngữ văn là không thể phủ nhận. Nếu người giáo viên biết khai thác và sử dụng công nghệ thông tin một cách hợp lí, hiệu quả của bài học, giờ học sẽ được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc sử dụng những tiện ích của công nghệ thông tin một cách không phù hợp, giờ học Ngữ văn cũng bị “mất mát” không ít. Đây là một trong những điểm mấu chốt của việc đưa công nghệ thông tin vào chương trình dạy học bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn cho sinh viên.
Để sinh viên sư phạm Ngữ văn được đào tạo một cách chính thức, có hệ thống những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất để khai thác và sử dụng hợp lí công nghệ thông tin và các sản phẩm công nghệ khác trong dạy học Ngữ văn, bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xây dựng chuyên đề Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Ngữ văn, bổ sung vào nội dung dạy học chuyên môn một số nội dung sau:
Trước hết, chúng tôi xây dựng cho sinh viên một quan niệm đúng về mối quan hệ giữa tích hợp công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn. Sinh viên cần phải nhận thức được: không phải cứ có công nghệ thông tin tham gia vào việc dạy học thì giờ học đó được coi là giờ học đổi mới; và sinh viên cũng cần phải khẳng định mục tiêu: tích hợp công nghệ thông tin vào giờ dạy học để thúc đẩy các hoạt động dạy học, tích cực hóa vai trò của người học. Việc đưa công nghệ thông tin vào giờ học đúng cách có thể sẽ làm cho bài học được thực hiện một cách có hiệu quả hơn khi giáo viên và học sinh cùng có thể lựa chọn được những nguồn công nghệ thông tin phù hợp phục vụ hoạt động thu thập, phân tích, tổng hợp và trình bày nội dung bài học một cách hợp lí và theo một phong cách chuyên nghiệp. Công nghệ thông tin tạo ra nhiều phương pháp tiếp cận tri thức, bảo đảm sự cập nhật và bao quát được các thông tin khoa học của các chương trình và kinh nghiệm giảng dạy hiện đại. Điều đó giúp cho cả người dạy và người học phát triển và hoàn thiện kĩ năng tự học cũng như các kĩ năng giải quyết vấn đề khác. Các bài học Ngữ văn trong chương trình dạy học ở trường phổ thông hiện nay tự bản thân đã mang tính tích hợp rất cao, gắn bó khá chặt chẽ với cuộc sống thực tại. Giáo viên Ngữ văn cần có công cụ công nghệ thông tin để trình bày các nội dung liên môn, các nội dung thực tế một cách ngắn gọn và xác thực. Công nghệ thông tin cũng giúp giáo viên Ngữ văn thiết kế những bài tập, những hoạt động “dạy học vui” khoa học, hiện đại và bổ ích.
Tất nhiên, hiệu quả của công nghệ thông tin đối với giáo viên và học sinh luôn phụ thuộc vào việc nó được ứng dụng như thế nào trong các chương trình giảng dạy, hướng dẫn và đánh giá. Bởi vậy, nội dung tiếp theo của chuyên đề này là những kiến thức cơ bản cũng là các gợi ý về cách thức tích hợp công nghệ thông tin vào dạy học. Công nghệ thông tin có thể tham gia vào mọi giai đoạn trong quá trình dạy học, vấn đề là cần khai thác và sử dụng nó một cách phù hợp và hiệu quả. Môn Ngữ văn hoàn toàn có thể tích hợp công nghệ thông tin vào tất cả các giai đoạn, các hoạt động của quá trình dạy học. Ở mỗi giai đoạn của quá trình dạy học, giáo viên Ngữ văn có thể ứng dụng hoặc tích hợp công nghệ thông tin vào một phương diện và với một mức độ khác nhau. Ở khâu chuẩn bị bài học, kĩ năng tìm kiếm, lựa chọn và xử lí thông tin trên internet là rất quan trọng. Ở khâu thiết kế bài giảng, yêu cầu về kĩ năng sử dụng thành thạo một vài phần mềm dạy học phổ dụng lại trội hơn. Trong quá trình thực hiện bài học, giáo viên cần phải biết làm việc với những thiết bị kĩ thuật ngoại vi; vì vậy, sinh viên cũng cần được trang bị những kĩ năng sử dụng và xử lí kĩ thuật tương ứng. Khâu kiểm tra đánh giá phản hồi cũng được một số phần mềm hỗ trợ rất hiệu quả. Ở tất cả các khâu, tận dụng các sản phẩm công nghệ của bộ môn và nắm vững quy trình các thao tác sử dụng cơ bản đối với mỗi phần mềm dạy học thường sử dụng cũng là yêu cầu cần thiết đối với người dạy. Vấn đề đặt ra là: có phải càng giới thiệu cho sinh viên nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học càng tốt hay không? Đối với môn học Ngữ văn, một môn học khá coi trọng kênh chữ và kênh tiếng, chúng tôi chú trọng vào việc giới thiệu cho sinh viên những phần mềm phù hợp với đặc thù này; trong đó, với nội dung thiết kế giáo án điện tử, chúng tôi chủ trương hoàn thiện cho sinh viên kĩ năng sử dụng phần mềm phổ dụng Power point. Khai thác hết tính năng của phần mềm này như: đưa âm thanh, hình ảnh, hiệu ứng xuất hiện linh hoạt các nội dung thông tin, tạo các trang sử dụng linh hoạt phù hợp với hoạt động thảo luận, tạo ô chữ… cũng đủ để tạo nên một bài học Ngữ văn đảm bảo cả tính khoa học, sư phạm và hấp dẫn. Sinh viên sẽ ý thức được một điều rằng: có thể chỉ làm chủ được một phần mềm thôi nhưng biết cách sử dụng thật hiệu quả nó vào dạy học thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn thành công hơn nhiều so với việc biết nhiều phần mềm công nghệ mà không biết đưa chúng vào đâu trong bài học Ngữ văn của mình.
Mặt khác, nếu coi công nghệ thông tin là phương tiện tham gia vào quá trình dạy học thì việc sử dụng phương tiện này sẽ phải phụ thuộc vào phương pháp dạy học được chọn. Có những phương pháp dạy học cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và cũng có những phương pháp thì không. Để việc dạy học các kĩ năng sử dụng phương tiện có điểm xuất phát, sinh viên sư phạm Ngữ văn phải tiếp cận và nắm vững một số phương pháp dạy học tích cực, là môi trường tốt để sử dụng công nghệ thông tin như: phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp kiến tạo… Điều này có tác dụng tích cực trở lại đối với việc học nội dung các phương pháp và thủ pháp dạy học Ngữ văn vốn nặng về lí thuyết khô khan.
Cuối cùng, chuyên đề dạy học này đã dành một khoảng thời gian đáng kể để sinh viên thực hành sử dụng các kiến thức, kĩ năng trên vào việc chuẩn bị và thể hiện một số bài học Ngữ văn cụ thể. Sinh viên phải có thời gian và cơ hội thấy được những biểu hiện cụ thể, những điều nên và không nên trong việc tích hợp công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn. Chúng tôi kết hợp nội dung thực hành ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học với việc kiến tập sư phạm ở trường THPT thực hành Nguyễn Tất Thành (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội) để giúp sinh viên rút kinh nghiệm và cũng qua đó khẳng định hiệu quả tích cực của việc tích hợp công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn.
Các học phần phương pháp dạy học bộ môn xưa nay vẫn được coi là khó, khô khan và sinh viên luôn thấy khổ sở vì học nhiều lí thuyết. Đối với môn Ngữ văn, thực tiễn dạy học ở phổ thông đa dạng và khác xa hơn nhiều so với lí thuyết về phương pháp dạy học được đào tạo trong nhà trường sư phạm hiện nay. Tích hợp công nghệ thông tin vào bộ môn phương pháp dạy học cho sinh viên Ngữ văn sẽ làm cho chương trình đào tạo trở nên hấp dẫn hơn đối với sinh viên sư phạm Ngữ văn, gần hơn với yêu cầu dạy học ở nhà trường phổ thông, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục, tiếp cận được với xu thế dạy học hiện đại của thế kỉ 21. Nó không chỉ góp phần thúc đẩy sự tích hợp nhuần nhuyễn giữa Ngữ và Văn mà tạo ra nhiều cơ hội để môn Ngữ văn tích hợp được với các môn học khác trong nhà trường, giúp sinh viên rèn luyện thêm nhiều kĩ năng khác mà cuộc sống hiện đại yêu cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Intel® innovation in education, Tài liệu của chương trình Dạy học cho tương lai (Teach to the Future), 2004
2. Microsoft® Your potential. Our passion, Dùng công nghệ thông tin để cải tiến việc dạy và học, Tài liệu tập huấn của chương trình Partners in Learning, 2006