Hiện nay tình trạng dạy học Văn học sử vẫn nghiêng về chứng minh các luận điểm bằng luận chứng, luận cứ, nhiều hơn việc chú ý phát triển năng lực khái quát, tổng hợp, suy luận. Trong quá trình phát triển những năng lực trên cũng cần kích thích năng lực liên tưởng tượng khi gắn với tư liệu lịch sử.Cố gắng huy động tổng hợp các hoạt động liên ngành, liên môn tạo cho giờ học Văn học sử một sự sinh động sâu sắc cần thiết.Biên soạn phần Văn học sử có lẽ cần chú ý nhiều tới sự khơi gợi.
Khác xa thời J.A.Cômenxki (1592-1670), dạy học hiện đại đi ngược lại từ “khái quát đến cụ thể”. Một điều hiển nhiên là phép qui nạp trong Lôgic học không bao giờ cho ta những kết luận hoàn toàn. Trong quá trình giải quyết cái cụ thể, ta liên tục gặp cái khái quát. Văn học sử cung cấp những tri thức khái quát, tổng hợp về một nền văn học, một bộ phận văn học, một thời kì, một giai đoạn, một trào lưu, một trường phái, môt thể loại, một tác gia, một tác phẩm. Vì vậy mà ta vẫn phải qui nạp, vẫn phải khái quát mặc dù biết rằng sự khái quát, tổng hợp nào cũng không đầy đủ. Vấn đề đặt ra là khái quát tổng hợp thế nào? Trong quá trình khái quát tổng hợp ấy, người dạy người học cần phát triển những năng lực gì để góp phần dạy học tốt bộ môn Ngữ văn trong quá trình hiện đại hóa nhà trường? Ở đây chúng tôi hướng tới một số vấn đề cơ bản sau:
1. Quan niệm dạy học Văn học sử
2. Đôi điều về mục tiêu dạy học Văn học sử
3. Vài nét về nội dung cụ thể
4. Vài lời kết luận
1. Quan niệm dạy học Văn học sử
Chưa ở đâu sự tích hợp sâu xa bền vững, sự liên ngành, liên môn cùng một lúc xuất hiện hài hòa như trong dạy học Văn học sử. “Xã hội nào văn học ấy”. Từ cơ sở triết học, tư tưởng lưu hợp với lịch sử kéo theo một luồng Mĩ học vừa hội tụ vừa chi phối các ngành nghệ thuật tương ứng. Nếu có một quan niệm nghiêm túc và đúng đắn, ta nhận chân Sử học phải là sự lưu hợp của Lôgíc luận và Bản thể luận. Và nếu như vậy thì kiến thức cơ bản của Lịch sử phải là những sự kiện và vấn đề diễn ra như là nó. Cho đến nay có tới hàng trăm bài sử viết về Chiến thắng Điện Biên mà ta vẫn không hình dung nổi diễn biến của chiến dịch oanh liệt này. Văn học sử dựa trên cơ sở của Triết học, Mĩ học, Lịch sử và những biến động của kinh tế, chính trị xã hội ta lý giải các hiện tượng của Lịch sử văn học dân tộc và nhân loại một cách sâu sắc. Nhưng trên thực tế vẫn còn không ít những nhận xét phiến diện chưa hẳn đã thuyết phục.
Dạy học Văn học sử thực chất là dạy học một cách nhìn nhận, phân tích, tổng hợp vấn đề từ tư liệu của Lịch sử văn học được xử lý theo quan niệm Triết học và Mĩ học cá nhân của mỗi thành viên khi bừng phát theo sự kích thích, khơi gợi của người dạy. Điều này không phải thầy dạy mới có, mà trên cơ sở hoạt động dạy học những năng lực phân tích, khái quát, tổng hợp đã “mai phục sẵn” ở người học sinh được phát triển.
Cách dạy minh họa thiên về chứng minh các luận điểm trong sách giáo khoa có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian, nhưng dễ bị “nô lệ tư duy” và không phát triển được những năng lực phân tích, tổng hợp, khái quát, để người học sinh “ chủ động, tự giác, tích cực, tự lực” giải quyết các vấn đề văn học sau này.
Từ quan niệm trên có lẽ cách soạn phần Văn học sử cũng cần phải thay đổi.
2. Đôi điều về mục tiêu dạy hoc Văn học sử
Nếu trước đây nặng về kiến thức văn học sử, lại thiếu mối quan hệ với Triết, Mĩ, Lịch sử, nhìn “văn học phản ánh hiện thực” có gì đó như hơi cứng nhắc, thậm chí ổn định tĩnh tại. Chính vì cách nhìn nhận ấy mà mọi thứ gần như được mặc định. Điều quan trọng nhất của dạy học Văn học sử là phải lý giải được mối quan hệ biện chứng và lịch sử của các hiện tượng văn học từ tổng hợp khái quát đến cụ thể.
Vì sao Văn học dân gian Việt Nam lại gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc sâu sắc như vậy? Vì sao những tư tưởng triết học dân chủ của cha ông in đậm nét trong văn học truyền miệng của dân tộc? Học sinh phải tự hiểu được rằng trong chế độ quân chủ chuyên chế, “khi một dân tộc bị mất dân quyền và nhân quyền, thì văn học là diễn đàn duy nhất để dân tộc đó thể hiện tâm hồn và tư tưởng của mình” (Gherxen). Vì sao tư tưởng Phật, Lão lại được lưu hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa yêu nước trong thơ Lý, Trần?... Vì sao giai đoạn lịch sử Lê mạt – Nguyễn sơ vấn đề số phận con người với tự do công bằng lại đặt ra một cách dữ dằn như vậy? Vì sao các trào lưu văn học giai đoạn 1930-1945 lại phát triển đăc biệt như vậy? Điểm khác nhau cơ bản giữa văn học trung đại và hiện đại, giữa văn học trước và sau 1975?...
Nếu không hiểu được những vấn đề khái quát tối thiểu thì dù tư liệu có phong phú đến đâu cũng không thể giải quyết tốt những vấn đề cụ thể của việc phân tích tác phẩm sau này. Vấn đề phát triển kĩ năng phân tích, tổng hợp, khái quát là vô cùng quan trọng trong dạy học Văn học sử. Thông tin về Kinh tế, Chính trị, Tôn giáo, các hiện tượng văn học, …các hình thái ý thức khác…cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là xử lý được các thông tin trong mối quan hệ giữa chúng với nhau và với hạ tầng cơ sở. Và cũng không thể không lý giải những nét riêng đặc thù của văn học so với các hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng khác. Mối quan hệ với các dòng Thiền Trúc Lâm, Quan Bích, Nam Phương của thơ ca Lý Trần, chất sám hối để linh hồn con người được cứu rỗi trong văn chương của Nguyên Hồng, Nam Cao, Hàn Mặc Tử … các nhà văn nhà thơ theo dạo Thiên Chúa.
3. Vài nét về nội dung cụ thể
Trong chương trình Ngữ văn của bất kì một nền giáo dục nào cũng tồn tại bốn bộ phận văn học: Văn học dân gian, Văn học trung đại, Văn học hiện đại và Văn học nước ngoài. Nhiệm vụ của Văn học sử là phải giúp các em phát triển được năng lực tổng hợp khái quát, phân tích, so sánh đối chiếu tìm ra những nhận xét, những kết luận thuyết phục.
- Văn học dân gian với sự đa dạng về thể loại với những đặc điểm
riêng biệt: tập thể, truyền miệng, dị bản, nguyên hợp, diễn xướng…Việc dạy học Văn học sử giúp các em có năng lực gọi ra được thi pháp Folklore ở từng thể tài, nội dung bao quát của từng nền văn học dân tộc thể hiện ở đây. Được phát triển những năng lực ấy các em chủ động khi phân tích các thể tài cụ thể.
- Với thời kì văn học rất cần phân tích sự biến động của Lịch sử, của Triết học, Mĩ học, Tôn giáo, Kinh tế, Chính trị.. trong suốt một thời kì lịch sử dài đằng đẵng kéo theo sự ra đời phát triển của các trào lưu, các trường phái, các thể tài mới mẻ. Không phải ngẫu nhiên mà thời kì văn học trung đại Việt Nam có những giai đoạn cùng tồn tại ba bốn loại văn tự (Hán, Nôm, Quốc ngữ, Tiếng Pháp), thậm chí ba bốn trào lưu văn học, có tác gia từ trào lưu này chuyển dần sang trào lưu kia. “ Một nền văn học lớn là nền văn học có nhiều phong cách, nhà văn lớn là nhà văn góp cho nền văn học phong cách riêng độc đáo của mình”. Và “nếu anh là nghệ sĩ thật sự vĩ đại, thì ít nhất trong tác phẩm của anh phải có vài ba khía cạnh của cuộc cách mạng”(Lênin). Nghĩa là phải thể hiện được vài ba khát vọng của nhân dân.
Từ định đề trên ta nhìn rất rõ tầm vóc các danh nhân trong lịch sử qua văn chương của họ: Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, Nam quốc sơn hà… của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bạch Đằng giang Phú của Trương Hán Siêu, Cáo bình ngô của Nguyễn Trãi, Truyên Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh…Thật ra mỗi danh nhân – nơi hội tụ tinh hoa của một thời đại, không phải ngẫu nhiên mà các sử gia tư sản đã cực đoan cho rằng từ góc độ bản thể thì lịch sử là sự cộng lại của các danh nhân. Ta không cực đoan nhưng phát hiện làm rõ cá tính sáng tạo và đóng góp của từng danh nhân trong lịch sử văn học là công việc bắt buộc.
- Với từng giai đoạn văn học, chú ý khái quát những hiện tượng nổi bật, tìm ra những nguyên nhân của từng hiện tượng đó, của các tác gia trong trào lưu thậm chí cá tính sáng tạo của từng tác giả. Có thế mới lý giải được các hiện tượng. Nhà văn càng tài năng thì cá tính sáng tạo càng độc đáo, phong cách càng đa dạng, ngôn ngữ càng đa thanh, đa giọng điêụ, những vấn đề trong văn chương của họ không phải dễ dàng tiếp nhận.
- Với mỗi tác gia cần tìm bốn vấn đề:
· Hoàn cảnh xã hội cụ thể và cuộc đời
· Bản chất con người
· Quan niệm sáng tác
· Sự nghiệp
Thật không đơn giản chút nào nếu ta bỏ qua khối mâu thuẫn lớn trong tư tưởng của Tản Đà biểu hiện ra không chỉ ở chất phong tình khi ông nhìn dân tộc:
Dân hai nhăm triệu, ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Hoặc:
Kể năm sinh tuổi đã bốn nghìn dư,
Bước tiến hóa lừ đừ sau mọi kẻ.
Hoặc:
Buồn vì phong hóa mỗi ngày suy
Thánh giáo không ai kẻ độ trì
Hằng sản đã không, tâm cũng mất
Trí còn chẳng trách, trách dân chi!
Hoặc:
Bởi lũ dân đen ngu quá đỗi
Cho nên chúng nó dễ làm quan.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh, Hoài Chân coi ông như vị bầu chủ của phong trào thơ mới với những khao khát câch tân văn học:
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ?
Ông bỉ báng diễu cợt thơ ca cận đại:
Sự đời hẳn chán không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma độc mấy nhời.
Việc nhận xét khái quát vê tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn nhà thơ trở thành kiến thức được ghi nhớ trong đầu học sinh không gì tốt hơn là từ phân tích tổng hợp, khái quát từ tư liệu, từ hiện tượng.
- Với tác phẩm, cần khái quát về loại thể, thi pháp nhà văn thể hiện ở đó, đóng góp của nhà văn vào lịch sử văn học
4. Vài lời kết luận
Hiện nay tình trạng dạy học Văn học sử vẫn nghiêng về chứng minh các luận điểm bằng luận chứng, luận cứ, nhiều hơn việc chú ý phát triển năng lực khái quát, tổng hợp, suy luận. Trong quá trình phát triển những năng lực trên cũng cần kích thích năng lực liên tưởng tượng khi gắn với tư liệu lịch sử.
Cố gắng huy động tổng hợp các hoạt động liên ngành, liên môn tạo cho giờ học Văn học sử một sự sinh động sâu sắc cần thiết.
Biên soạn phần Văn học sử có lẽ cần chú ý nhiều tới sự khơi gợi.