Trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, các trường các khoa cần có một cách nhìn mới để thích ứng với nhu cầu mới của đất nước, xác định rõ mục tiêu đào tạo của trường dạy nghề, khoa dạy nghề nhưng là dạy nghề trong một thời đại bùng nổ thông tin. Nội dung chương trình ngữ văn cũng cần thay đổi, phương pháp luận, kiến thức cũng cần thay đổi. Công việc kiểm tra, đánh giá, thực tập của sinh viên cũng cần phải thay đổi.
I. MỞ ĐẦU
Trong xu thế chung của sự hội nhập, để giữ được bản sắc riêng của mình, không một quốc gia nào, một nền giáo dục nào muốn phát triển mà lại không đổi mới, thậm chí còn phải nhạy bén để đón đợi xu thế lịch sử, nhất là đối với ngành khoa học nghệ thuật. Khoa Ngữ văn của trường Sư phạm từ lâu nhìn vào đội ngũ những người thầy với tên tuổi sang sảng và con cháu cũng nhờ uy danh lẫy lừng của các bậc tiền nhân mà tha hồ hưởng lộc. Lại nhìn sang các khoa khác trong Trường, trong nước, nó cũng là một khoa cao niên. Có lẽ và cũng thực sự nó đã được sống trong sự ngưỡng vọng khi mà “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”.
Nhưng khi con người phải sống nhờ hào quang quá khứ và tự hào về tuổi tác là lúc ta đang báo động về sự trống rỗng và sự bất lực. Nhìn vào vở ghi của sinh viên, dự xong một giờ của một giáo viên văn do chính chúng ta đào tạo mà ta cảm thấy chưa yên lòng chút nào: các em nói nhiều, mà cũng nói vụng quá gần như chưa học nói bao giờ. Vậy bốn năm học làm thầy dạy văn, ta đã dạy các em cái gì? Các em đã học như thế nào mà thụ động đến như vậy?
Còn không ít những vấn đề có thể nói là nhức nhối… Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn hướng sự chú ý tới một số vấn đề sau:
1. Xác định rõ mục tiêu đào tạo của trường dạy nghề sư phạm ngữ văn
2. Nội dung và chương trình ngữ văn
3. Vấn đề phương pháp luận dạy học ở đại học và kiến thức
4. Công việc kiểm tra, đánh giá và thực tập sư phạm của sinh viên khoa văn.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ BỨC XÚC
1. Xác định rõ mục tiêu đào tạo
Chúng ta đưa việc này ra bàn tưởng như không đúng chức năng. Việc này là của cấp trên. Chúng ta tách khỏi ĐHQG cũng là để xác định mục đích gần và mục tiêu xa của học viên sư phạm. Nhưng nếu ở một cái nhìn từ góc độ rộng hơn thì cũng có nhiều điều hạn chế. Đất nước chúng ta không phải quê hương của lý luận, dân tộc phải thường xuyên đánh giặc… số lượng nhà bác học đích thực, những chuyên gia đầu ngành quá ít, sự giao lưu thông tin với nhau và với thế giới có nhiều điều khổ tâm của người nông dân sau luỹ tre làng… trong khi chúng ta đang cần một tầm vóc, một hành trang, một đội ngũ…để hội nhập với khu vực, với thế giới…
Những con người với “niềm tin tuyệt đối” từ một cuộc chiến tranh, từ một cơ chế bao cấp sang một cơ chế mới mà chưa mấy ai gọi đúng được cái tên của nó. Trong cơ chế ấy, mục tiêu của chúng ta là đào tạo sinh viên thành nhà giáo đa năng diện rộng hay là chuyên sâu diện hẹp sẵn sàng đổi nghề thích ứng với cơ chế mới? Thời đại khoa học kỹ thuật đã thực sự trở thành một lực lượng sản xuất, mà ý nghĩa của nó đã làm lung lay không ít những vấn đề tưởng đã thành nguyên lý bao đời nay. Hoạt động dạy học các bộ môn nghệ thuật trong các nhà trường đã có những cải cách thực sự và đang tiếp tục thách thức các nhà sư phạm trẻ.
Ở khoa Ngữ văn sư phạm, mục tiêu chính của chúng ta là đào tạo bồi dưỡng các thầy giáo cô giáo ngữ văn với nhiều hình thức, nhằm phát triển ở họ nhiều thứ năng lực: độc lập nghiên cứu, giảng dạy, chủ động sáng tạo trước mọi tình huống khoa học sư phạm nghệ thuật của đất nước. Đây là khoa nghệ thuật sư phạm ngữ văn thực hành. Và nếu như vậy thì các hoạt động: chính quy, tại chức, chuyên tu, từ xa… kể cả các mức sau và trên đại học đều phải hướng vào mục tiêu đó.
Vì không bám sát mục tiêu nên các hoạt động dạy và học của chúng ta vẫn nặng về lý thuyết và chủ nghĩa hình thức. Việc học tập, nghiên cứu, thảo luận, diễn giảng trước công chúng… cũng như thực tập sư phạm hầu hết đều chưa thích ứng với đòi hỏi của thực tiễn mới.
2. Nội dung và chương trình
Chương trình bốn năm của khoa Ngữ văn sư phạm gần như đã ổn định từ lâu. Trong quá trình đào tạo liệu có cần điều tiết gì cho phù hợp với tình hình mới? Số giờ Hán Nôm cho một thầy giáo cô giáo dạy văn trong hành trang nghề nghiệp có cần phải thêm không? Số giờ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và Tin học đủ để họ tiếp tục tự học và giao tiếp với khu vực chưa? Đây không còn là vấn đề nội bộ ngành sư phạm, ngành giáo dục… trong nội bộ dân tộc mà nó còn là danh dự công dân! Muốn hiện đại hoá đất nước thì không có cách nào khác là phải hiện đại hoá công dân! Muốn hiện đại hoá công dân thì không có con đường nào tốt hơn là hiện đại hoá tầm nhìn dân chủ, phương pháp luận tư duy và phương tiện tư duy – đó chính là ngoại ngữ (sinh viên phải đọc, nghe, nói, viết thuần thục). Từng bước làm sao để tấm bằng đại học sinh viên có giá trị quốc tế, có giá trị khu vực. Mỹ học và logic học phải trang bị ở mức độ tối thiểu. Số giờ văn học hiện đại chính khoá có lẽ giảm bớt đi để chuyển sang ngoại khoá và tăng số giờ cho việc nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Du theo những chủ đề hiện đại. Về Ngữ, tăng giờ tiếng Việt thực hành… tăng cường hoạt động nói và hoạt động viết của sinh viên trong môi trường giao tiếp hiện đại. Nghề này dứt khoát phải nói giỏi và viết hay, trình bày tốt văn bản.
Nội dung chương trình phải bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo. Dù lý tưởng cao vời đến đâu, vĩ đại đến thế nào cũng không thể xa rời con người công dân đích thực của dân tộc. Trong văn bia chùa Thọ Xương ở Bạch Mai có câu: “Mong ước trở thành hiền tài, đấy là chuẩn đích của sự học”. Nếu chúng ta xa rời mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành người thầy giáo giảng dạy ngữ văn hiện đại: nói giỏi, viết hay, sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho nghề nghiệp thuần thục, có khả năng độc lập nghiên cứu, giao tiếp trên phạm vi rộng trong nước và hội nhập khu vực, tôn trọng tri thức, quyền lợi… của cá nhân, cộng đồng một cách có văn hoá.
Việc điều tiết chương trình và có một nội dung hiện đại, thiết thực cho nghề nghiệp, đặt ra được những nhiệm vụ cụ thể thường xuyên từng giai đoạn cuốn hút họ vào những hoạt động đích thực của nghề nghiệp chuyên môn mà đỉnh cao của nó là độc lập, tích cực, tự lực trước mọi vấn đề của nghề nghiệp mà xã hội đặt ra.
Việc xác định rõ nội dung chương trình và đề ra nhiệm vụ là làm cho người sinh viên biết mình đang nằm trong hệ điều khiển đa năng hay chuyên sâu mà hoạt động dò tìm để đóng góp năng lực cá nhân của mình một cách dân chủ qua những ý tưởng táo bạo. Mọi phát minh và đóng góp của các danh nhân trong lịch sử nhân loại hầu hết đều ở tuổi thanh xuân, ở thời sinh viên rực rỡ. Không xác định và hiện đại hoá nội dung chương trình và nhiệm vụ cụ thể cho người dạy và người học là chúng ta vô tình để người công dân dễ hoa mắt, mất phương hướng trước sự lấn át, sự mê hoặc của chủ nghĩa hình thức quyền uy, tùy tiện… Điều này không nên có trong việc dạy học một bộ môn nghệ thuật.
Chẳng hạn chúng ta có thể nói: câu mẫu, đề cương mẫu, dàn ý mẫu… chứ không thể chấp nhận “bài văn mẫu”… Văn đã “mẫu” là lúc không còn văn, là lúc lỗi thời cần thay đổi. Bản chất nghệ thuật là độc đáo, mới lạ. Văn là một thứ nghệ thuật cao siêu, “nói văn học làm lại thế giới, tôi không tin. Nhưng nó là tất cả” (Camêno Jơse Cella). Văn học đổi mới không ngừng. Vì vậy, việc nhận thức, nghiên cứu, giảng dạy nó cũng cần đổi mới để thích hợp. Chúng ta “không tắm hai lần trên một dòng sông”. Điều đó cũng có nghĩa là ta không hy vọng được hai lần nhìn một cái đẹp. Ta có thể nêu ra hàng chục ví dụ về sự tùy tiện do không xác định rõ nội dung, chương trình và nhiệm vụ của ngành học sư phạm văn. Suốt bốn năm, chúng ta giành thời gian cho công việc chính, mục tiêu chính ở trường Đại học có lẽ chưa thoả đáng, chưa hợp lý?
3. Vấn đề phương pháp luận dạy học ở đại học và kiến thức
Luận thuyết về phương pháp nhận thức, là cả một hệ thống những luận điểm cơ bản có tính quy luật, tính nguyên tắc chỉ đạo hệ thống các phương pháp, các cách thức của các con đường, phương tiện hoạt động nhằm đạt tới đích nhất định. Vấn đề tưởng như cũ mèm ấy không hề đơn giản chút nào khi vận dụng nó vào việc dạy học ngữ văn ở ngành sư phạm.
Nhờ hoài nghi kinh thánh mà Galilê phát hiện Trái đất quay, Côpecnic và tiếp theo là Brunô đã khẳng định Trái đất tròn; nhờ hoài nghi “tổng ba góc trong một tam giác không chắc đúng bằng 180 độ” mà Hình học cầu của Riơman, Lôbasepxki ra đời… Đác uyn có “Tiến hoá luận”, Niutơn có “Định luật hấp dẫn vũ trụ”, Mác có “Duy vật biện chứng”, Anbe Anhxtanh có “Tương đối luận”… đều nhờ có sự hoài nghi và phê phán các thành tựu của nhân loại trước họ. Gauxơ, nhà toán học quyền uy tài năng nổi tiếng thế giới vì chủ quan và tự tin đến mức ngây thơ đã làm yểu vong không ít tài năng toán học trẻ.
Vấn đề phương pháp luận dạy học văn ở đại học sư phạm rất cần phải bàn. Chúng ta cũng không sung sướng gì, thậm chí còn thấy khổ tâm khi thấy người học trò hơn tuổi công dân mà vẫn ngoan ngoãn tiếp nhận những kiến thức cũ kỹ và vâng lời ngoan ngoãn một cách nô lệ để “mấy trang sách cũ uổng đời làm trai”. Cũng phải nói một cách sòng phẳng rằng: khoa Ngữ văn sư phạm của một nền văn minh lúa nước, lại sau cuộc chiến tranh khốc liệt nên về cách nhìn, tầm nhìn còn nhiều hạn chế. Con mắt của người văn chương đâu phải chỉ nhìn thấy, nhìn sâu sắc mà còn nhìn xuyên lịch sử để đi tới những cái nhìn dự báo cho tương lai.
Bản thân những người thầy cũng không xác định nổi bốn loại kiến thức ở mình mà điều chỉnh và ai đã thật yên lòng sau những series dạy nghề văn cho sinh viên? Tri thức cơ bản, tri thức cơ sở, tri thức chuyên ngành và tri thức công cụ (Chúng tôi đã nêu trong Hiện đại hoá công nghệ dạy học văn ở ĐHSP - Kỷ yếu Hội nghị khoa học Đà Lạt tháng 12 năm 2000. Nghiên cứu giáo dục. Số 2, 2001, tr 10, 11). Do hạn chế của tri thức nên cách nhìn trong đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên cũng hạn chế: cần sự vâng lời, ít đưa ra được nhiều phương án để gợi tìm, để hoài nghi, để phê phán… để tìm đến sự phủ định tích cực, nhất là trong dạy học ngành Ngữ văn sư phạm.
Thông tin của mỗi chúng ta không nhiều, việc xử lý lại nặng màu sắc chủ quan. Căn bệnh nghề nghiệp cũng kéo theo nhiều hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp luận khoa học. Điều này khiến cho không ít những chân lý nghệ thuật bị khúc xạ. Cái được lớn nhất của sinh viên sau quá trình đào tạo không chỉ là bốn loại tri thức chưa hoàn hảo và đang chuyển dần thành nhu cầu bên trong tiếp tục được bổ sung trong hoạt động thực tiễn, mà còn là một phương pháp luận để nhìn nhận giải quyết một cách độc lập trước một vấn đề khoa học đời sống nhà trường đang hàng ngày, hàng giờ biến động.
Năng lực hoạt động trí tuệ của sinh viên khoa văn sư phạm hình thành qua các hoạt động: diễn giảng, thảo luận, xinêma, tự học, làm bài tập, giao tiếp với nhà trường phổ thông,… Trong quá trình ấy, phẩm chất trí tuệ thể hiện ở:
- Tính định hướng càng nhanh chóng, chính xác đối tượng hoạt động hiệu quả cao vì mục đích rõ.
- Tính sắc sảo ngay trong bề rộng của hoạt động trí tuệ có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới ngành sư phạm ngữ văn.
- Tính linh hoạt, biết di chuyển nhạy bén các loại tri thức từ tình huống này sang tình huống khác mau chóng và hiệu quả.
- Tính mềm dẻo dễ dàng theo các hướng phù hợp.
- Tính độc lập tự minh, phát hiện, đề xuất và giải quyết
- Tính nhất quán trong những thời điểm nhất định của vấn đề
- Tính phê phán là vô cùng quan trọng thể hiện ở chỗ sinh viên biết phân tích, đánh giá rồi đưa ra ý kiến riêng của mình và bảo vệ được nó
4. Công việc kiểm tra, đánh giá thực tập sư phạm
Đây là một vấn đề nan giải mà cũng vô cùng sinh động. Vì có bao nhiêu người thầy giỏi thì có bấy nhiêu phong cách. Cá tính sáng tạo của người thầy chi phối cách dạy, cách kiểm tra và đánh giá.
Với những phân môn kiến thức đã xác định rõ thì kiểm tra đánh giá trực tiếp giữa người dạy và người học là chính xác nhất.
Về TTSP có lẽ nên gắn bó với đội ngũ giáo viên giỏi ở phổ thông như sinh viên trường y gần với người thầy thuốc giỏi trên thực tế lâm sàng. Chúng ta khoán gọn và khoán thẳng cho thầy giỏi để truyền tay nghề cho sinh viên theo hợp đồng. Như vậy, ta vừa tăng thu nhập cho thầy giỏi, vừa tránh được tình trạng hình thức như hiện nay. Phải thầy giỏi cô giỏi mới hướng dẫn được tay nghề. Đặc biệt là nghề dạy bộ môn nghệ thuật như môn ngữ văn.
Hà Nội, tháng 5 năm 2003
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nghiên cứu văn học thế kỷ XIX – XX theo những chương trình mới. N.A.Bogrob chủ biên. Xamara. 1994.
[2]. Những vấn đề phân tích tác phẩm nghệ thuật trong nhà trường. Phương pháp giới thiệu cho sinh viên. Matxcơva. 1996.
[3]. Những hình thức tích cực của giảng dạy văn học: đọc giảng và thảo luận trong giờ văn ở lớp lớn. R.I.Albetkốp. Matxcơva, 2000.
[4]. Phương pháp giảng dạy văn học. O.Iu.Bodanốp. Matxcơva, 2000.
[5]. Thực tiễn với phương pháp giảng dạy văn học. O.Iu.Bodanốp. Matxcơva, 1999.
[6]. Vài nét về xu thế đổi mới phương pháp dạy đại học trên thế giới. Vũ Văn Tảo, Hà Nội, 2000.
[7]. Tâm lý học và Giáo dục học. Jean Praget. Hà Nội. 1999. Nguyễn Khắc Viện giới thiệu.
Đã đăng ở “Diễn đàn đào tạo” của Tạp chí khoa học
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 2 năm 2005 (Từ trang 21 đến trang 25).