Phương pháp

Hiệu quả thẩm mĩ của giọng điệu trần thuật trong quá trình đọc hiểu truyện ngắn "Một người Hà Nội" (Ngữ văn 12)


19-10-2020
Tác giả: Th.S Đoàn Thị Thanh Huyền

Giọng điệu chính là một trong những “chìa khoá” quan trọng để giải mã bức thông điệp thẩm mĩ của nhà văn. Nó là một yếu tố nghệ thuật nhưng lại mang tính nội dung rất rõ. Do đó, trong quá trình đọc hiểu tác phẩm không thể không nghiên cứu giọng điệu, không thể không chú ý khai thác hiệu quả thẩm mĩ mà giọng điệu đem lại cho độc giả, đặc biệt với những tác phẩm văn học hiện đại sau 1975 được đưa vào chương trình Ngữ văn THPT như "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải.

1. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, việc tiếp nhận văn hoá nói chung ngày càng được hỗ trợ bởi những phương tiện hiện đại. Văn hoá nghe, nhìn hiện đang chiếm một vai trò rất lớn. Tuy vậy, văn hoá đọc không vì thế mà bị lấn át. Nó đặc biệt quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu, giáo dục và rất được quan tâm trong nhà trường, nhất là với bộ môn Ngữ văn.

Nhưng đọc như thế nào để hiểu? Nhất là khi sự phức tạp của cuộc sống hiện đại khiến cho văn học Việt Nam cũng như thế giới ngày càng có xu thế đa thanh, phức điệu? “Thế kỉ XX trong văn học được mệnh danh như là thế kỉ của những cách tân và giọng điệu là một trong những mục tiêu để nhà sáng tạo hướng đến”(1). Như vậy, giọng điệu chính là một trong những “chìa khoá” quan trọng để giải mã bức thông điệp thẩm mĩ của nhà văn. Nó là một yếu tố nghệ thuật nhưng lại mang tính nội dung rất rõ. Do đó, trong quá trình đọc hiểu tác phẩm không thể không nghiên cứu giọng điệu, không thể không chú ý khai thác hiệu quả thẩm mĩ mà giọng điệu đem lại cho độc giả. Thực chất, định hướng này, một mặt, xuất phát từ đặc trưng mang tính thời đại của văn học, mặt khác, là sự tiếp nối và phát huy những nhận thức mang tính lí luận, phương pháp đã được khẳng định về vai trò của “việc bắt trúng cái “giọng” của nhà văn” (Đặng Thai Mai), của tác phẩm trong dạy học.

2. Trước hết, cần phải khẳng định giọng điệu chính là một thế mạnh của ngòi bút Nguyễn Khải. Bản thân nhà văn cũng ý thức rằng: “Thông thường câu chuyện là của đời, giọng kể là của hắn, hắn đến với bạn đọc chủ yếu là nhờ vào cái giọng kể, nó là từng trải, là nỗi niềm, là tâm sự, là cái vui và cả nhiều cái buồn suốt một đời của hắn. Giọng kể chính là cái hồn của hắn đã nhập vào chữ nghĩa, nhịp điệu để được đi sóng đôi với bạn đọc cho đến trang cuối cùng của cuốn sách. Tất nhiên chỉ ở những cuốn sách hay mới có giọng kể, còn ở những cuốn sách dở thì giọng kể quen thuộc đã biến mất chỉ còn lại một kẻ thuật chuyện vô danh và vô duyên thôi”(2). Chính bởi thế, bước vào thế giới nghệ thuật của mỗi câu chuyện như bước vào một hành trình dài ngày có được một người bạn đồng hành mới quen nhưng rất tâm đầu ý hợp, sẵn sàng lắng nghe những kể lể, vui buồn của anh ta, đó là ấn tượng của người đọc mỗi lần tiếp xúc với tác phẩm Nguyễn Khải.

Đọc  Một người Hà Nội, độc giả có thể cảm nhận được nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau, rất tự nhiên và linh hoạt, nhưng có thể dễ nhận thấy ba sắc thái nổi bật:

         2.1. Cà kê, kể lể với lượng thông tin lớn và tỉ mỉ

          Bước vào thế giới của truyện, chúng ta được gặp lại người kể chuyện xưng “tôi” quen thuộc, gần gũi, hứa hẹn một lượng “thông tin” lớn với giọng điệu cà kê, kể lể cứ mỗi lúc một kéo ta lại gần, dẫn ta đi la cà, nhẩn nha chỗ này, chỗ nọ. Câu chuyện kể về cô Hiền - một người Hà Nội, không xoay quanh một cốt truyện hấp dẫn hay một tình huống đặc sắc. Tác phẩm chỉ dường như là một tập hợp những mẩu chuyện nhỏ theo mạch liên tưởng ngẫu hứng của nhà văn về người cô họ, được kể một cách tự nhiên, chuyện nọ gọi chuyện kia, chi tiết này gợi nhớ chi tiết khác chứ không có bàn tay sắp đặt, bố trí của tác giả. Qua mỗi mẩu chuyện, đoạn chuyện, thông tin mang tính chất tư liệu dồn lại trong nhận thức của người đọc lại có lớp, có lang hơn, không hề gây cho chúng ta cảm giác rối và vụn bởi sự kể lể thân mật, tạo không khí giao hoà hấp dẫn.

          Tiêu biểu là những đoạn chi tiết, tỉ mỉ về sinh hoạt, nếp sống của gia đình cô Hiền, từ chỗ ở: “Một toà nhà toạ lạc ngay tại một đường phố lớn, hướng nhà nhìn thẳng ra cây si cổ thụ và hậu cung của đền Ngọc Sơn”; đến cái mặc: “Mùa đông, ông mặc áo bađờxuy, đi giày da, bà mặc áo măng tô cổ lông, đi giày nhung đính cườm”; cái ăn: “Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định” … Đúng là Nguyễn Khải “không ngại đưa tư liệu vào tác phẩm”(3) . Nhưng phải bằng tài kể chuyện của mình, ông mới có thể “mềm hóa”, tránh gây sự khô khan, cứng nhắc để “bổ túc” những kiến thức văn hóa đáng quý cho người đọc: “khoảng cuối những năm 30 mẹ già tôi vẫn còn để răng đen, nhưng đã vấn tóc trần, đeo kiềng cổ và vòng đeo tay bằng vàng chạm vừa thô vừa nặng. Cô Hiền vào những năm ấy đã cạo răng trắng và uốn tóc, mặc quần áo đồng màu, hoặc đen hết hoặc trắng hết. Còn nữ trang thì đã biết dùng đồ ngọc, bạch kim và hạt xoàn…”.

          Đọc những đoạn văn như thế, người đọc thấy phảng phất đâu đó như hương vị văn Nguyễn Tuân nhưng điệu kể lại hoàn toàn khác, dễ gần, dễ tiếp nhận chứ không bị choáng ngợp trước sự ngồn ngộn của ngôn từ. Nhà văn đã sử dụng rất linh hoạt, hợp lí lối dẫn dắt, nói đệm mang đậm tính khẩu ngữ dân dã, tạo độ dãn cho lời văn và sắc thái “cà kê”, “nhẩn nha” trong giọng điệu: “Lại thêm, chú tôi làm nghề giáo học”; “Còn chính trị, chính em là những lứa tuổi trên …”; “là vì họ ở rộng quá…”; “Lại cái ăn nữa cũng không giống với số đông…”; “Họ thì xa, bắn súng đại bác chưa chắc đã tới, huống hồ còn là bà tư sản, dính líu vào lại thêm phiền”.

          Ở đây, nhân vật xưng “tôi” - người kể chuyện với khá nhiều yếu tố tự truyện đã đóng vai trò quan trọng “tạo ra giọng điệu tự nhiên, chân thành mà vẫn phóng túng”(4), không những tạo cảm giác dễ gần mà còn tạo tâm lí dễ tin, dễ yêu mến đối với người đọc: “Chúng tôi gọi cô, cô Hiền, là chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi. Năm 1955, tôi từ kháng chiến trở về …”; “Tôi sống ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có việc phải ra Hà Nội đều ghé lại thăm cô Hiền”.

          Bút pháp “kể” vốn là sở trường từ trước tới nay của Nguyễn Khải: “Vẫn thích lối kể hơn lối tả... Vẫn có một giọng văn vừa tự nhiên, vừa duyên dáng, cái duyên dáng dân dã, chứ không phải do làm điệu làm dáng mà có…”(5). Song phải đến hôm nay, trong một thời đại mới, ở một tư thế mới: “đối thoại với chính mình và tự phát hiện trở lại”(6), “giọng văn ấy mới trở nên hiền hòa thuần thục như chưa bao giờ nó từng có…”(7) và “trong những trường hợp thành công nhất của mình, Nguyễn Khải hiện ra như một người kể chuyện thông minh, la cà khắp nơi chia sẻ với mọi người mọi vui buồn khi quan sát việc đời. Đó là một phong cách vừa dân dã, vừa hiện đại”(8). Dân dã bởi chất giọng dễ gần, dễ mến, hiện đại cũng bởi không khí đời thường suồng sã và bởi lượng thông tin, tư liệu dồn nén trong tác phẩm.

           2.2. Tranh biện thẳng thắn, suy xét thẳng thừng, bày tỏ quan điểm rõ ràng, kích thích chiều hướng luận bàn trong suy nghĩ người đọc cùng những triết lí được đúc rút từ sự chiêm nghiệm

          Đặc điểm này được thể hiện trước hết là trong lời kể chuyện. Sau mỗi một sự kiện được kể ra, lập tức có kèm theo lời bình giá, suy xét. Về chuyện sau kháng chiến, gia đình cô Hiền ở lại Hà Nội, nhân vật tôi đánh giá và tỏ rõ thái độ nghi ngại: “Tính thế là đúng, nhưng tôi vẫn lo, thật ra không có gì đáng để phải lo nhưng tôi vẫn nghi ngại gia đình này rất khó gắn bó với chế độ mới và chế độ mới cũng không thể tin cậy được ở họ”. Ngay sau đó là lời lí giải: “Là vì họ ở rộng quá…. Với người vô sản, ở quá rộng là một cái tội”. Khi nói về chỗ ở, cái mặc, cái ăn của gia đình cô Hiền, lời bình luận, nhận xét được nêu ra trước rồi mới kể cụ thể minh họa sau. Có thể là nông cạn, xốc nổi và thành kiến nhưng người kể chuyện đã rất thành thật và thẳng thắn: “Ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi rườm rà của… giai cấp tư sản”.

          Anh ta đến với người đọc không phải với tư cách của một người biết hết và lúc nào cũng đúng hết mà chỉ là một người bình thường, có những thiên kiến chủ quan khó tránh, đang cố tìm hiểu và cắt nghĩa: “Được sống năm đầu ở Hà Nội vừa giải phóng với lứa tuổi chúng tôi ngày ấy mới hăm bốn hăm nhăm cái xuân xanh, là cực kì khoan khoái… Chúng tôi thì vui thế, tại sao những người vốn sống ở Hà Nội chưa thật vui nhỉ? Họ đang tìm cách thích ứng với chế độ mới, cách sống, cách làm việc, cả cách nói năng nữa”.      Cùng với lời kể, nhà văn còn tổ chức những cuộc đối thoại. Đây chính là sở trường của ngòi bút này. Những cuộc đối thoại thường diễn ra với nhịp độ nhanh, dồn dập như những cuộc “phỏng vấn chớp nhoáng”. Lời thoại thường “dồn đẩy, va xiết, tất cả đều phải “chạm nọc” nhân vật, kích động, chất vấn, từ đó toát lên khuynh hướng, vấn đề”(9). Những nhân vật tham gia đối thoại đều là những người có phẩm chất trí tuệ, đồng thời đều rất thẳng thắn.

Trong Một người Hà Nội, người kể chuyện là một thành phần đối thoại quan trọng. Anh ta thẳng thừng đến mức như khiêu khích, gây sự như trong cuộc nói chuyện với cô Hiền về việc anh con trai đầu của cô vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ hay như trong đoạn thoại:

          “Tôi hỏi cô:

          - Tại sao cô không phải học tập cải tạo, cô giấu cũng tài nhỉ?

          Cô Hiền cười rất tươi:

          - Tao chưa đủ tiêu chuẩn.

          Tôi cũng cười:

          - Lại còn chưa đủ.         

          Cô nói thản nhiên:

          - Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được” .

          Và để tương xứng với anh chàng “tôi” nhiều lí sự, nhân vật được “phỏng vấn” chớp nhoáng ở những trường hợp như thế cũng là một gương mặt bản lĩnh, thông minh, sắc sảo, thấu lẽ đời. Mỗi câu trả lời luôn đi đến tận cùng gốc rễ của vấn đề.

          Các cuộc đối thoại đều xoay quanh một hạt nhân tư tưởng với tính xã hội, tính vấn đề cụ thể và rõ nét. Trong đó, nổi bật lên vấn đề lựa chọn cách sống và khả năng thích ứng của con người. Khi con người dám chọn cho mình một cách sống sao cho vừa phù hợp với thời đại, vừa giữ được cốt cách của mình, thì đó chính là bản lĩnh.

          Những cuộc đối thoại, tranh luận trong tác phẩm Nguyễn Khải đã hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi sự sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ. Người đọc không thể không bị kích thích bởi xu hướng luận bàn và trí tuệ buộc phải hoạt động, nhiều khi bị kéo căng. Bởi thế, có người đã nhận xét không sai rằng, đọc Nguyễn Khải có cảm giác như mở một cái “túi khôn”. Đọc Nguyễn Khải, chúng ta nhận ra sức mạnh của sự hiểu biết, sự từng trải”(10) được tổ chức thành những đối thoại tư tưởng gợi liên tưởng và kích thích suy tưởng của người đọc, mở rộng tầm nhìn (chứ không phải để áp đặt như giọng điệu trước đây), rất thẳng thắn, nhưng cũng vừa “tới hạn”, “có chừng mực”, “biết dừng lại thật đúng lúc để không xúc phạm tới ai”(11).

             2.3. Ca ngợi, tự hào và thán phục trên cơ sở lí giải, biện minh rõ ràng, cặn kẽ

          Có thể nói, Nguyễn Khải là người rất nhiệt thành với “cái hôm nay” nhưng luôn cảm nhận thấy “nếp sống tốt đẹp của cha ông vẫn lặng lẽ chảy trong cuộc sống ồ ạt của hiện tại”(12).

          Cô Hiền trong Một người Hà Nội chính là sự kết tinh vẻ đẹp trí tuệ, bản lĩnh của con người thức thời mà vẫn giữ vững tư tưởng văn hóa truyền thống, biết thích ứng mà không đánh mất mình, dám sống theo niềm tin và sự lựa chọn của mình. Một vẻ đẹp sang trọng mà lịch lãm mang cốt cách Hà Thành đã khiến cho ngòi bút Nguyễn Khải không thể không trực tiếp cất lên những lời ngợi ca đầy tự hào và thán phục. Cùng với giọng điệu chân thành, sự lí giải, phân tích rõ ràng của nhà văn đã khiến cho sức thuyết phục được nhân lên và nhanh chóng tìm được sự đồng cảm của độc giả: “Ngôi nhà của gia đình cô Hiền cũng là một salon nổi tiếng, không phải vì bố mẹ giàu hoặc sang mà vì có con gái lớn quá đẹp, vừa đẹp vừa thông minh, biết cách tự khoe bằng những mẩu chuyện rât duyên dáng của mình”, “… cô vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn” hay “Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hay mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những áng vàng”.    Chính những hạt bụi vàng như thế đã khiến cho “Hà Nội thời nào cũng đẹp”.

          Sắc thái ngợi ca - khẳng định trong giọng điệu những trang viết hôm nay của Nguyễn Khải dường như nhuần nhị hơn so với trước đây. Nó được kết tinh cao độ trong lời trữ tình ngoại đề cuối tác phẩm với biểu tượng “hạt bụi vàng”. Cùng với hai hình ảnh cũng mang tính chất biểu tượng ở gần cuối tác phẩm: cái bát bày thủy tiên và cây si đền Ngọc Sơn, hạt bụi vàng lấp lánh đã khiến cho giọng điệu ngợi ca - khẳng định có thêm màu sắc trang trọng, cổ kính bởi nó hướng về vẻ đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, khiến cho người đọc có cảm giác thiêng liêng, thành kính, như thấy hồn đất nước nơi kinh kì chói sáng.

3. Cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải là tác giả văn xuôi thời kì đổi mới vốn quen thuộc với chương trình học văn phổ thông. Sự thay đổi trong cách lựa chọn tác phẩm của hai nhà văn này đã tạo ra cơ hội cho học sinh tiếp cận với văn học thời đổi mới. Những sắc thái giọng điệu của hai truyện ngắn mới được đưa vào chương trình - Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa - thực sự đem lại một sức hấp dẫn độc đáo, người giáo viên cần biết cách khai thác, từ đó gợi mở, định hướng cho học sinh phát hiện, cảm thụ, phân tích trong quá trình đọc hiểu tác phẩm.

Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hoá vai trò của giọng điệu, bởi giọng điệu ngay từ trong bản chất khái niệm, nó đã không tồn tại tách rời các yếu tố khác trong chỉnh thể nghệ thuật. Tuỳ vào mỗi tác phẩm mà có sự linh hoạt trong cách thức và mức độ khai thác giọng điệu sao cho hiệu quả thẩm mĩ đạt được cao nhất, giúp học sinh có đủ cơ sở, hứng thú tìm hiểu, khám phá chiều sâu của tác phẩm văn chương.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Giáo dục – Số 219, kì 1 (8/2009))
 

 Chú thích:

 (1) Lê Huy Bắc: Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại (in trong Hợp tuyển công trình nghiên cứu – Khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN – Nxb GD, 2001)

(2) Nguyễn Khải: Tiểu thuyết 3: Một cõi nhân gian bé tí, Thượng đế thì cười, Chiến sĩ – Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.

 (3),(4),(10) Nguyễn Thị BìnhNguyễn Khải và tư duy tiểu thuyếtin trong Nguyễn Khải - về tác gia và tác phẩm, Hà Công Tài - Phan Diễm Phương (Tuyển chọn và giới thiệu) - Nxb GD, 2002.

            (5),(6),(7),(8): Vương Trí Nhàn: Nguyễn Khải trong sự vận động của văn xuôi cách mạng sau 1945, in trong Nguyễn Khải - về tác gia và tác phẩm, Hà Công Tài - Phan Diễm Phương (Tuyển chọn và giới thiệu) - Nxb GD, 2002.

             (9): Bích Thu: Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải những năm tám mươi đến nay, in trong Nguyễn Khải - về tác gia và tác phẩm, Hà Công Tài - Phan Diễm Phương (Tuyển chọn và giới thiệu) - Nxb GD, 2002.

            (11) Nguyễn Khải: Nếu như trái tim tôi chưa nguội lạnh (Trả lời bạn đọc báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh), in trong Nguyễn Khải - về tác gia và tác phẩm, Hà Công Tài - Phan Diễm Phương (Tuyển chọn và giới thiệu) - Nxb GD, 2002.

            (12) Dẫn theo Đào Thủy Nguyên: Thế giới nhân vật Nguyễn Khải trong cảm hứng nghiên cứu phân tích, in trong Nguyễn Khải - về tác gia và tác phẩm, Hà Công Tài - Phan Diễm Phương (Tuyển chọn và giới thiệu) - Nxb GD, 2002.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020