Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa đổi mới. Trong cái nhìn so sánh với chương trình Ngôn ngữ nghệ thuật bang New York được áp dụng từ năm 2005, chuẩn kĩ năng đọc hiểu của lớp 12 ở chương trình Ngữ văn Việt Nam hiện hành chủ yếu vẫn hướng nhiều về nội dung, chưa thể hiện được những kĩ năng cụ thể.
1. Thuật ngữ “chương trình” nay đã trở nên quen thuộc với các nhà giáo dục. Thật thú vị khi nó có nguồn gốc từ tiếng La tinh: “race-course” (trường đua), và quả không suy diễn khi cho rằng ý nghĩa của chương trình trong nhà trường có mối tương đồng với biểu tượng ẩn dụ mà “trường đua” đem lại. Có ý kiến đã so sánh việc các giáo viên hay nói về các khái niệm “bao phủ” (“covering”) giống như người ta thường nói về việc “bao phủ” mặt đất. Và sự bao phủ đó thường là một cuộc đua với chiếc đồng hồ trong giờ kiểm tra (the testing clock).
Vậy phải chăng, cho đến giờ phút này thì yếu tố “trường đua” của chương trình vẫn đang ngày càng hiện hữu rõ nét bởi tính thời sự của công cuộc “cách mạng” đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa? Động lực của sự phát triển, cách tân ấy là do yêu cầu của thời đại, là bởi đòi hỏi về một nguồn nhân lực mới với những mục đích học tập thiết thực: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (được ban hành kèm theo quyết định 16/2006/QĐ-BGD&ĐT, ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) là một văn bản chương trình tương đối hoàn thiện về cả nội dung lẫn hình thức. Được đưa vào thực hiện cho đến nay, chương trình đã thể hiện rõ được những bước tiến và sự cập nhật với quan niệm quốc tế, song đương nhiên, vẫn còn những điểm dừng mà chúng ta cần phải tiếp tục khởi động. Ở phạm vi bài viết này, xin được đề cập tới mức độ cần đạt về kĩ năng đọc hiểu đối với học sinh lớp 12 của chương trình Ngữ văn hiện hành thông qua sự quan sát và so sánh với những tiêu chuẩn của kĩ năng đọc dành cho học sinh lớp 12 trong chương trình cốt lõi môn Ngôn ngữ nghệ thuật (English Language Arts) bang New York được áp dụng từ năm 2005.
2. Trước hết, cần có một cái nhìn tổng quan về cấu trúc của hai chương trình này.
Cả hai chương trình đều là sự định hướng xuyên suốt cho các cấp lớp trong hệ thống giáo dục, tuy nhiên chương trình của New York còn bao chứa cả cấp mẫu giáo (và đương nhiên cách phân cấp các nhóm lớp cũng có sự khác biệt).
Xét về kết cấu, chương trình của New York bao gồm các phần mở đầu ngắn gọn như: Giới thiệu, Triết lí, Các khái niệm, Cách sử dụng, Các bước tiếp theo, Các trang web liên quan. Tiếp đó nội dung chính là sự cụ thể hoá cho các kĩ năng ở từng cấp lớp và lớp riêng theo các mạch đọc, viết, nghe, nói. Mỗi kĩ năng lại gồm hai phần:
- Phần thể hiện những yếu tố biểu hiện cơ bản: chung cho cả bốn tiêu chuẩn của môn học với nhóm lớp (những ý tưởng chính về cả bốn kĩ năng: đọc, viết, nghe và nói). Ở đây, các nhóm lớp được phân cấp thành: Nhà trẻ đến lớp 1, Lớp 2-4, Lớp 5-6, Lớp 7-8, Lớp 9-12.
- Phần tiếp theo là sự cụ thể hoá cho từng kĩ năng theo từng lớp. Phần này được cấu trúc thành hai mảng song song, ứng với hai nội dung sau:
Các năng lực đọc viết
|
Những yếu tố biểu hiện dành riêng cho từng lớp (ứng với từng kĩ năng riêng)
|
Như vậy, có thể nhận thấy chương trình này được xuyên suốt bởi mạch dọc là các kĩ năng đọc, nghe, nói, viết và mạch ngang là các kĩ năng từng cấp lớp và lớp riêng theo năng lực và những yếu tố chỉ báo cụ thể cho từng kĩ năng.
Còn chương trình Ngữ văn của chúng ta bao gồm các mục lớn như sau:
I. Vị trí môn Ngữ văn
II. Mục tiêu
III. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình
- Nội dung chương trình
- Các mạch nội dung
- Kế hoạch dạy học
IV. Nội dung dạy học từng lớp (từ lớp 1 đến lớp 12): Trình bày theo các mạch nội dung
V. Giải thích – hướng dẫn
- Cấu trúc chương trình
- Phương pháp dạy học
- Đánh giá kết quả học tập của học sinh
- Vận dụng chương trình theo đặc điểm vùng, miền
VI. Chuẩn kiến thức, kĩ năng cho từng lớp theo ba nội dung: Chủ đề, mức độ cần đạt và ghi chú
|
- So với chương trình cũ, đúng như PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã tổng kết, ngoài những đổi mới về nguyên tắc, về nội dung; quan niệm về cấu trúc chương trình cũng có thay đổi (thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành tố của chương trình như mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện và kiểm tra, đánh giá). Đặc biệt, lần đầu tiên, chương trình Ngữ văn ngoài nội dung cụ thể cho mỗi lớp, còn có phần chuẩn kiến thức và kĩ năng cần đạt cho mỗi chủ đề (mạch nội dung), trong đó nêu rõ mức độ cần đạt và những ghi chú cần thiết cho mức độ cần đạt. Đây chính là phần cụ thể hoá cho các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ mà chương trình hướng tới và nếu so sánh với chương trình của New York ở trên, nó sẽ tương ứng với phần các tiêu chuẩn được đề ra.
Trên cơ sở trên, bài viết sẽ đi sâu vào phần tiêu chuẩn cụ thể cho kĩ năng đọc ở lớp 12. Đây là lớp cuối cùng của bậc giáo dục phổ thông, cũng là lúc học sinh sắp “cập bến bờ” của sự trưởng thành, cần được trang bị những kĩ năng hoàn thiện nhất trong mục tiêu giáo dục. Vì thế, nhìn vào những tiêu chuẩn của cấp lớp này, trong đó có tiêu chuẩn về kĩ năng đọc, sẽ thấy rõ nét tính phát triển của chương trình giáo dục.
a. Chương trình Ngữ văn Việt Nam
Với chương trình Ngữ văn Việt Nam, trong phần Mức độ cần đạt, các yêu cầu đưa ra là sự tích hợp giữa kiến thức, kĩ năng và thái độ; trong đó các kĩ năng lại là sự tích hợp cả đọc, viết và nói (trong đó chủ yếu là đọc và viết). Ví dụ:
Đối với chủ đề Văn học, ở mảng Văn bản văn học truyện hiện đại Việt Nam, mức độ cần đạt được đưa ra:
- Hiểu những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các truyện ngắn và trích đoạn tiểu thuyết hiện đại (Vợ nhặt - Kim Lân; Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài; Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành; Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi; Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu; các bài đọc thêm: Một người Hà Nội – Nguyễn Khải; Mùa lá rụng trong vườn – Ma Văn Kháng; Bắt sấu rừng U Minh hạ - Sơn Nam): vấn đề số phận con người, cảm hứng anh hùng ca và cảm hứng thế sự; tình yêu quê hương đất nước; sự phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề; nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, bút pháp trần thuật mới mẻ.
- Hiểu một số đặc điểm của truyện Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX.
- Biết cách đọc - hiểu một tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam theo đặc trưng thể loại; biết vận dụng những hiểu biết trên khi làm bài văn nghị luận văn học.
- Biết vận dụng những hiểu biết trên khi làm bài văn nghị luận văn học.
Như vậy, nếu tách riêng yêu cầu về đọc, có thể thấy mức độ cần đạt được đề cập phần lớn nặng về những nội dung hiểu gắn với các tác phẩm cụ thể và nhóm các tác phẩm cùng giai đoạn lịch sử, cùng thể loại; còn kĩ năng chỉ dừng ở yếu tố: trên cơ sở hiểu được văn bản trong giờ học, học sinh biết đọc hiểu các văn bản cùng thể loại. Đây cũng là mức độ cần đạt chính về kĩ năng đọc cho tất cả các chủ đề Văn học khác trong chương trình.
b. Chương trình Ngôn ngữ nghệ thuật New York
Với chương trình này, ngay từ đầu và chung cho tất cả các cấp, lớp; trong bốn tiêu chuẩn đề ra; bốn kĩ năng đọc, viết, nghe, nói luôn luôn được tích hợp với nhau, đồng thời cũng hướng tới bốn đích đến cơ bản: Học sinh sẽ đọc, viết, nghe và nói:
- để có thông tin và hiểu (tiêu chuẩn 1);
- để có đáp ứng và biểu hiện văn học (tiêu chuẩn 2);
- để đánh giá và phân tích có phê phán (tiêu chuẩn 3);
- để tương tác xã hội (tiêu chuẩn 4).
Như vậy, đọc trước tiên chính là một kênh để tiếp nhận và hiểu thông tin; đi sâu vào lĩnh vực văn học, quá trình đọc phải biểu hiện ra các tương tác với văn bản (đáp ứng và biểu hiện); đọc còn tiến tới hoạt động đánh giá và phân tích có phê phán; cuối cùng, đọc không chỉ là hoạt động cá nhân, không phải chỉ là quá trình giao tiếp với văn bản mà còn là một hình thức để tương tác xã hội .
Ứng với mỗi tiêu chuẩn trên cho kĩ năng đọc là các yếu tố nhỏ hơn, chi tiết hơn, được gọi là các chỉ số biểu hiện riêng biệt cho trình độ lớp mà học sinh lớp 12 phải thể hiện ra được khi họ học đọc.
Điều đáng nói, ngoài sự chi tiết, phong phú của các chỉ số biểu hiện cụ thể này, người đọc dễ dàng nhận thấy tư tưởng toát lên từ chương trình, đó là:
- Chú trọng đến việc trang bị kĩ năng và ý thức đọc độc lập của học sinh, kể từ việc xác định nơi để tìm các nguồn tài liệu rộng rãi và đặc biệt phải thiết lập được mục đích của việc đọc.
Ví dụ:
Với tiêu chuẩn 1 là để có thông tin và hiểu, đầu tiên học sinh được yêu cầu phải biết định vị và sử dụng các nguồn thư viện khác nhau như thư viện trường học, thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành và thư viện đặc biệt, trong đó phải sử dụng các nguồn tư liệu sơ cấp và thứ cấp như từ điển và các bản tóm tắt, đồng thời phải thiết lập mục đích cho việc đọc bằng cách họ cần phải biết những gì để nghiên cứu.
Việc yêu cầu học sinh xác định được đọc ở đâu và đọc để làm gì không chỉ phục vụ cho quá trình học tập hiện thời mà còn hình thành văn hoá đọc cho học sinh.
- Quan tâm tới nguyên tắc dạy học gắn với đời sống, thể hiện qua yêu cầu học sinh nhận biết và phân tích mối quan hệ của văn học với những sự kiện và tình huống đương thời và/hoặc của cá nhân từ các thể loại văn bản văn học khác nhau (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, băng hình, thơ, bài luận); trong đó cụ thể là đọc và thảo luận về những bài phê bình văn học; đồng thời tham gia vào nhiều cuộc hội thoại cộng tác như thảo luận đồng đẳng (peer-led discussion), đọc và trả lời theo cặp, thảo luận theo nhóm hợp tác nhằm áp dụng các ý tưởng trong văn bản vào các tình huống khác, mở rộng các ý tưởng để mở rộng quan điểm (Với tiêu chuẩn để có đáp ứng và biểu hiện văn học)
Khi học sinh tìm được mối liên hệ giữa văn bản với các sự kiện, tình huống đương thời và/hoặc của cá nhân, nhất là được cùng trao đổi, việc đọc đã trở thành sự trải nghiệm tích cực, không gian lớp học như diễn đàn để toạ đàm, sẻ chia và nhà văn chính là bạn đồng hành thân thiện.
- Đặc biệt, rất chú ý đến những hoạt động và thao tác cụ thể để định hướng cho việc đọc.
Ví dụ như ngay ở dẫn chứng trên, các hoạt động đọc và hình thức trao đổi nhóm cụ thể đã được gợi ý rất rõ.
Hay trong số những yêu cầu chi tiết của tiêu chuẩn 2 (để có đáp ứng và biểu hiện văn học), có yêu cầu đã đề cập tới hoạt động:
+ So sánh một phiên bản được dựng thành phim, băng hình hoặc diễn trên sân khấu của tác phẩm văn chương với văn bản trên giấy
+ Đọc to văn bản văn chương để chuyển tải được sự trình diễn của tác phẩm
Trong tiêu chuẩn 3 (để đánh giá và phân tích có phê phán), học sinh cần:
+ Tham gia vào các hoạt động đọc bằng miệng như là đọc đồng thanh và nhiều câu trả lời dạng viết như bản ghi chép hai chiều (double entry journals) để xác định và phân biệt các ví dụ về dạng thể thơ.
Trong tiêu chuẩn 4 (để tương tác xã hội), học sinh sẽ thực hiện:
+ Chia sẻ những trải nghiệm đọc cùng trang lứa hay người lớn, ví dụ cùng nhau đọc thầm hay đọc to và thảo luận về các đáp ứng với các văn bản.
Chính những tiêu chuẩn gắn với các biểu hiện, hoạt động cụ thể đó đã cho thấy đây là một công cụ đắc lực để đo lường tính tích cực của học sinh trong quá trình đọc nói riêng và quá trình học tập nói chung, đồng thời luôn hướng học sinh tới sự vận dụng hay chính là những kĩ năng, năng lực cần được hình thành, phát triển.
3. Như vậy, chương trình Ngữ văn của chúng ta với tinh thần tích hợp dựa trên hai trục chính là đọc hiểu và làm văn với những chuẩn kiến thức và kĩ năng đã bước đầu chuyển sang cách tiếp cận mục tiêu và phát triển, nhưng cơ bản vẫn nặng về nội dung. Các chuẩn kĩ năng về đọc còn chung chung, chưa cụ thể, vì vậy tính định hướng còn mờ, khó đánh giá được tính tích cực của học sinh trong quá trình học tập.
Trong xu thế mới, việc đổi mới cách tiếp cận chương trình là tất yếu, nhất là khi cách tiếp cận năng lực đang chiếm ưu thế. Chắc hẳn, chúng ta cũng phải tiến tới cách tiếp cận này với các tiêu chuẩn, các mục tiêu về kĩ năng, năng lực được cụ thể hoá. Từ tinh thần đó, chương trình sẽ định hướng rõ nét cho các hoạt động trên lớp cũng như hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh. Quay trở lại với tính chất “trường đua” của chương trình, hẳn các nhà làm chương trình sẽ ý thức được điều đó rõ hơn ai hết, nhất là khi cuộc đua ấy đang bắt nhịp vào một thời đại như ngày nay, một thời đại đòi hỏi “sản phẩm” của giáo dục – những công dân tương lai phải tích hợp vào bản thân không phải nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại mà là những gì vượt lên trên kiến thức, đó là khả năng hành động và giải quyết mọi vấn đề phức tạp của cuộc sống nhờ tri thức được học.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Trọng Luận (chủ biên), Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 12, Nxb ĐHSP, 2009
2. Đỗ Ngọc Thống, Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, NXB Giáo dục VN, H. 2011
3. Cuban, L. (1995). The Hidden Variable: How Organizations Influence Teacher Responses to Secondary Science Curriculum Reform. Theory Into Practice, Vol. 34, No. 1, 4-11, nguồn:http://www.teachersmind.com/Curriculum
4. English Language Arts Core Curriculum (Prekindergarten–Grade 12), May 2005, nguồn: http://www.p12.nysed.gov