Khi đọc cuốn sách Dạy học văn của Elaine Showalter tôi thực sự cảm thấy giật mình. Bởi lẽ, những gì được trình bày trong cuốn sách này dường như đã nói hộ chính bản thân tôi - trong những trải nghiệm của nghề dạy học Ngữ văn mà chúng ta vẫn quen gọi nôm na là môn Văn. Có điều, tôi và chúng tôi chưa bao giờ dám nói lên điều đó một cách sáng tỏ, chân thành và sâu sắc đến thế. Nói một cách trung thực hơn: chúng ta đã trốn tránh quá lâu, chúng ta đã nấp sau đủ thứ nguyên lý và tín điều của cái gọi là phương pháp dạy học, lý thuyết dạy học và cả sự kém cỏi của chính chúng ta trong nghề này, nhất là nghề dạy học Ngữ văn (môn Văn). Điều chúng ta cố tình lờ đi là những trải nghiệm trung thực cần được thấu hiểu và chia sẻ để thực sự đem đến cảm hứng và sáng tạo cho chúng ta cũng như cho học trò trong nghề dạy học Văn. Điều đó, Elaine Showalter đã nói lên một cách thật giản dị và sâu sắc trong cuốn sách này.
Thoạt tiên, ta có thể thấy các chương của cuốn sách được trình bày như một hệ thống logic rất chặt chẽ và tẻ nhạt: Chương 1: Mối bận tâm về việc lên lớp; Chương 2: Những lí thuyết dạy học Văn; Chương 3: Các phương pháp dạy học Văn; Chương 4: Dạy học thơ; Chương 5: Dạy học kịch… Một hệ thống kiểu như thế có lẽ đã quá nhàm chán đối với chúng ta? Chúng ta không phải đã từng được nhồi nhét và cũng cố nhồi nhét cho học trò những hệ thống tương tự như vậy, bất chấp nỗi hoài nghi, thất vọng và cả sự bất lực của chính mình sao?
Nhưng khi đọc những gì được bày tỏ (tôi xin dùng từ này) sau mỗi tiêu đề tẻ nhạt của các chương, tôi thực sự cảm thấy xúc động. Tác giả Elaine Showalter không bắt đầu từ “lý thuyết màu xám”, không nêu ra những giáo điều mà bắt đầu từ những “giấc mơ khắc khoải” những khoảnh khắc đầy thách thức và cả nỗi hoảng sợ của người thầy - điều mà chúng ta ít khi dám tự thừa nhận và nhìn thẳng vào để vượt qua nó. Toàn bộ cuốn sách đã được viết ra theo cách như vậy. Những cơ hội và nguy cơ, những hi vọng và thất bại, tình yêu và nỗi chán chường… Đó là những gì mà người thầy dạy học môn Văn sống, hành nghề và mang trọn được bổn phận của mình sau bao khắc khoải, dày vò. Điều quan trọng nhất là cuốn sách giúp chúng ta tự ý thức lại những gì đã xảy ra với mình trong nghề và dũng cảm đi tiếp trong tình yêu nghề và niềm cảm hứng được dẫn dắt từ chính những tác phẩm văn học: “Tôi tin rằng bản thân văn học định hướng hoặc có thể định hướng thực tiễn dạy học văn” (tr.4). Đọc cuốn sách này, tôi càng ý thức rõ hơn rằng “bản ngã chân thực trong lớp học” quan trọng hơn “cá tính giảng dạy” của người Thầy. Nhưng để đạt đến sự chân thực đó, có lẽ chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều và dũng cảm hơn nhiều.
Sẽ là ngạo mạn nếu tôi lại khẳng định rằng đây là một cuốn sách rất đáng dịch và đáng đọc, nhất là vào thời điểm nhạy cảm này. Nhưng tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và chia sẻ những nỗi niềm khắc khoải với đồng nghiệp của tôi, những người đã đọc và dịch cuốn sách này. Phải có một tình yêu nghề và sự dũng cảm thực sự thì mới có thể làm được điều này. Tôi hi vọng rằng cuốn sách sẽ đến được với bạn đọc, với những sinh viên, giáo viên của chúng ta với một hình thức trang trọng hơn, xứng đáng với những tình cảm sâu sắc mà tác giả và dịch giả đã dành cho nó.
Hà Nội ngày 05/3/ 2013
TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa